Thứ Hai, 29 tháng 8, 2011

Quốc chúa- Bồ tát Nguyễn Phúc Chu: Người vận dụng tư tưởng Phật giáo vào việc trị quốc và mở mang bờ cõi

Câu chuyện trong tuần kỳ này xin giới thiệu cùng độc giả một bài viết về lịch sử, được gợi mở từ Hội thảo “Chúa - Bồ tát Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) và sự nghiệp mở mang bờ cõi phát triển đất nước” diễn ra vào ngày 22-23/8/2011, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM, do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Viện Nghiên cứu Tôn giáo phối hợp tổ chức.

Trong quá trình phát triển, triều đại nào cũng có những bối cảnh riêng, vì thế đặt một nhân vật lịch sử vào những biến động khách quan của thời cuộc, là cơ hội để trả lại cho lịch sử những điều gần với sự thật nhất. Hội thảo “Chúa - Bồ tát Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) và sự nghiệp mở mang bờ cõi phát triển đất nước” đã phần nào làm được điều đó, bằng việc cung cấp nhiều nguồn tư liệu khác nhau, và dẫu còn những giới hạn trong đánh giá, song cũng đủ để thống nhất một số luận điểm quan trọng trong sự nghiệp của chúa Nguyễn Phúc Chu qua các tham luận và phát biểu, công bố tư liệu của đại biểu.

Chùa Linh Mụ, nơi còn giữ nhiều dấu tích về Quốc chúa
Bồ tát Nguyễn Phúc Chu

Cụ thể trong tiến trình mở cõi từ chúa Nguyễn Hoàng đến chúa Nguyễn Phúc Chu, các nhà nghiên cứu đã thống nhất được những điểm căn bản của quá trình này, đó là định hình được một cục diện chính trị, một đời sống văn hóa, tôn giáo dựa trên nền tảng tư tưởng đạo Phật, một xã hội no đủ, một chính sách linh hoạt, hài hòa và quan trọng nhất là một lãnh thổ được hình thành rõ nét, tương ứng với lãnh thổ Việt Nam hiện đại, bao gồm cả đất liền và các quần đảo trên biển Đông.

Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu thọ Bồ tát giới tại gia, được ban pháp danh Hưng Long, đạo hiệu Thiên Túng. Thầy của chúa là Hòa thượng Thạch Liêm (Thích Đại Sán) thuộc dòng Tào Động Trung Hoa. Thừa hưởng truyền thống tín Phật của gia đình, nhận được sự truyền thừa của Hòa thượng Thạch Liêm, chúa Nguyễn Phúc Chu đã ý thức rất rõ việc thọ giới để trở thành hành giả thực thụ trên con đường hành Bồ tát đạo, với mục tiêu lấy hết thảy chúng sinh làm đối tượng phục vụ.

Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu về chính sách của chúa Nguyễn Phúc Chu: “Việt Nam hóa các dân tộc khác, tín ngưỡng khác và không chỉ thương người mình mà còn thương người của dân tộc khác, đó là tinh thần của Phật giáo Việt Nam”. Vì thế chỉ trong 34 năm trị quốc, chúa Nguyễn Phúc Chu đã vận dụng triết lý sống của Phật giáo vào việc mở mang bờ cõi, bình định được cả một vùng đất rộng lớn trải dài từ Khánh Hòa đến Hà Tiên và vùng Tây Nguyên, đặc biệt là khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa (như đã được ghi trong Hải ngoại kỷ sự của Hòa thượng Thích Đại Sán).

Bản chất của chế độ phong kiến là “phong tước, kiến địa”, thông qua việc phân phong, cắt đặt chức vụ, cũng như chiếm lĩnh đất đai. Vì thế xuất hiện các dòng họ cát cứ, sau đó lớn mạnh và tổ chức thành các vương triều nhỏ, truyền ngôi theo huyết thống. Các vương triều nhỏ này trong quá trình tồn tại, họ phải củng cố và tổ chức quân đội, cũng như cắt đặt bộ máy hành chính để điều hành đất nước.

Tuy nhiên, trước sức ép đánh chiếm từ các quốc gia lớn, để tránh sự diệt vong, quá trình “quy tâm” đã diễn ra, nên các vương triều nhỏ buộc phải thần phục và cống nạp các quốc gia lớn. Sự thần phục này chỉ mang tính hình thức, và họ chỉ chờ đợi thời cơ nước khác suy yếu là tiến hành những cuộc chinh phục bằng quân sự.

Chính quá trình nội chiến (chiến tranh giữa các dòng họ), ngoại xâm (chiến tranh giữa các nước lớn nhỏ) mà một số vương triều trở nên hùng mạnh, nhưng cũng có không ít vương triều chịu cảnh diệt vong. Đây là một thuộc tính khách quan của chế độ phong kiến, vì thế không cần phải né tránh khi bàn về vấn đề này, bởi thực tế khi ấy, biên giới quốc gia không hề được xác định một cách cụ thể như ngày nay.

Chúa Nguyễn Phúc Chu bình định phương Nam trong một bối cảnh lịch sử hết sức đặc biệt. Khi ấy ở Đàng Ngoài, vua Lê chỉ là bù nhìn, còn thực quyền rơi vào tay chúa Trịnh. Ở Đàng Trong, chúa Nguyễn vẫn được nhìn dưới con mắt là những loạn thần, phi chính thống, không chỉ đối với hoàng thất nhà Lê mà còn đối với Trung Hoa. Bởi Trung Hoa lúc đó chỉ công nhận nhà Lê là đại diện duy nhất cho Đại Việt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhà Minh (người Hán) đánh mất quyền cai trị, để đất nước vào tay nhà Thanh (người Mãn Châu - một bộ tộc nhỏ của Trung Hoa), những bại thần của nhà Minh như Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu đã phải trốn chạy vào Đàng Trong, tạo nên những thế cuộc mới, phần nào uy hiếp đến sự ổn định của các vương triều nhỏ tại đây. Sự xuất hiện của lực lượng này, dẫu chỉ là những bại thần của nhà Minh, nhưng vẫn có những thuyết phục nhất định trước triều đại nhà Thanh, một triều đại được lập nên bởi một bộ tộc nhỏ, người Hán.

Trước tình thế ấy, các chúa Nguyễn từ chúa Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn Phúc Tần… đến chúa Nguyễn Phúc Chu đã khéo léo thu phục những cánh quân đến từ Trung Hoa này để ổn định tình hình tại Đàng Trong. Việc các chúa tiếp nhận hai dòng thiền Tào Động và Lâm Tế trực tiếp từ Trung Hoa, với các vị thiền sư nổi tiếng như Nguyên Thiều, Thạch Liêm cũng đã chiếm được cảm tình của một bộ phận lưu dân là người Hoa.

Sở dĩ nói đây là một bối cảnh đặc biệt, vì các vương triều tại vùng đất này đã phải đối đầu trực tiếp với các lực lượng “không chính danh”, đang không còn lựa chọn nào khác hơn là phải Nam tiến. Cho nên khi các lực lượng “không chính danh” này xuất hiện đã vô tình biến những vùng đất ở phương Nam vào thế tranh chấp phi chính thống và phi truyền thống.

Có nghĩa rằng, trước đây, lúc mạnh lúc yếu, Chiêm Thành luôn có những đối đầu truyền thống với Đại Việt và sự “phân xử” vẫn thuộc về Trung Hoa. Vì vậy, nếu bình định phương Nam trên danh nghĩa của một quốc gia thống nhất, một bộ máy cai trị Nho giáo, ảnh hưởng sâu đậm bởi Tống Nho như trước đó Lê Thánh Tông và một số người khác đã làm, thì chắc chắn không chỉ khó tiến đánh mà còn khó giữ, bởi Trung Hoa khi ấy không muốn Đại Việt lớn mạnh, nhất định sẽ can thiệp, tìm cớ chinh phạt, rất có thể xung đột chiến tranh, xung đột văn hóa, tôn giáo giữa Việt và Chiêm sẽ khó khăn và dai dẳng hơn rất nhiều.

Chúa Nguyễn Phúc Chu đã vận dụng tư tưởng Phật giáo vào việc trị nước và mở mang bờ cõi với một nhãn quan chính trị sắc bén. Việc lựa chọn Phật giáo trong môi trường đa văn hóa cần được đặt trong tình thế đối kháng Trung Hoa (vùng ảnh hưởng của Trung Hoa), bởi những vương triều này từ lâu đã ảnh hưởng sâu đậm bởi văn hóa và văn minh Ấn Độ.

Quan niệm chúng sinh bình đẳng của Phật giáo đã phần nào xóa mờ tương quan cai trị - bị trị. Thế nên, điều quan trọng trong quá trình Nam tiến của các chúa Nguyễn không chỉ ở việc dụng binh mà còn ở nhận thức về việc có giữ được đất hay không, giữ bằng cách nào để có thể khoan sức dân và không gây nên những thù hận sắc tộc, tôn giáo về sau. Việc dụng binh đồng thời với việc tiếp nhận Phật giáo Trung Hoa khi ấy, không phải là quá trình ly khai với nền văn hóa truyền thống, mà chính tiếp xúc ấy lại là một cơ duyên lớn để nhà lãnh đạo như Nguyễn Phúc Chu có thể dễ dàng dung hòa lợi ích và chinh phục được những bại binh của nhà Minh bỏ nước vào Đàng Trong, phục vụ cho công cuộc bình định phương Nam.

Có thể nói, Hội thảo “Chúa - Bồ tát Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) và sự nghiệp mở mang bờ cõi phát triển đất nước” lần này đã thống nhất khẳng định chúa Nguyễn Phúc Chu là người ghi dấu ấn đậm nét nhất trong tiến trình mở mang bờ cõi, phát triển đạo Phật tại Đàng Trong, bổ túc cho những cách nhìn chưa thật công bằng và khách quan liên quan đến sự nghiệp của các chúa Nguyễn.

Cho đến nay, mảnh đất từ phía Nam Hoành Sơn trở vào vẫn phù hợp với nhận thức cho một tiến trình thương mại vươn ra biển lớn và không thể không gợi nhắc đến những tính cách Ấn, thậm chí linh hồn Ấn như một sự đối kháng Trung Hoa mạnh mẽ. Lịch sử Việt Nam luôn đầy những biến động thăng trầm, song nói như nhà thơ Nguyễn Duy: “Bao triều vua phế đi rồi. Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ”.
Thích Thanh Thắng (Theo Giác Ngộ)

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

ÔNG THIỆN, ÔNG ÁC


Trên con đường dẫn tới cuộc sống, ai cũng có thể ít nhiều hiểu về tác động của nhân quả, xem đó là niềm tin chung của con người và hướng niềm tin đó đến những ứng xử cao đẹp, chuẩn mực. Chuyện “ông Thiện ông Ác” là chuyện “nhân quả báo ứng”, cũng là chuyện thường ngày trong đời sống xã hội. Nhưng chính vì là chuyện thường ngày mà nhân quả trở thành chuyện lớn của mỗi đời người. 
Hồi còn nhỏ, mỗi khi theo ông bà đi chùa lễ Phật, tôi rất sợ khi nhìn thấy hai ông Hộ Pháp cao lớn nhất trong chùa. Hai ông Hộ Pháp ấy dân gian vẫn gọi là ông Thiện ông Ác. Ông Thiện có khuôn mặt hiền lành ông Ác có khuôn mặt dữ tợn. Để tỏ lòng kính Phật, người lớn thường căn dặn trẻ con vào chùa không được dùng tay chỉ trỏ, chạy nhảy, khạc nhổ lung tung, vì nếu phạm vào chư thần thì sẽ bị quở trách. Và câu cửa miệng mà các cụ thường nói là: “Phật thì từ bi, Thánh thì một li cũng chấp”. 
Lớn lên tôi vẫn không khỏi thắc mắc về ông Thiện và ông Ác, tôi nghĩ không chỉ riêng tôi, bởi hai nhân vật này từng gây ấn tượng mạnh mẽ cho bất cứ đứa trẻ nào mỗi khi bước vào chùa. Vì chùa quê tôi lúc đó không có sư trụ trì, nên các cụ già có một ít vốn liếng kinh kệ thường giải thích nôm na rằng Hộ Pháp là người bảo vệ Tam bảo, bảo vệ chùa. Có cụ bảo: “Ai vào chùa ăn trộm, hái hoa bẻ cành, làm chuyện gian tà… Hộ Pháp đều thấy hết, biết hết, sớm muộn thế nào thì cũng có báo ứng”. Cụ khác lại nói: “Xưa, các cụ vẫn nói ông Thiện thì khuyên người ta làm thiện, ông Ác thì ngăn ngừa người ta làm ác, đơn giản chỉ có vậy thôi!”.
Câu chuyện nôm na, đơn giản của các cụ về ông Thiện ông Ác theo tôi suốt cho đến nay, vì thế mỗi khi bước chân vào chùa, theo thói quen tôi cứ đi tìm quanh xem ông Thiện ông Ác đứng ở đâu để lễ bái các ngài. Vào chùa ở miền Bắc, tôi dễ dàng nhận ra ngay hai vị thần “thân quen” này, nhưng vào chùa miền Nam thì thật khó phân biệt. Có lần ghé thăm chùa Vĩnh Nghiêm ở Sài Gòn, tôi thấy hai vị Hộ Pháp có hình tướng đen đúa dữ tợn đứng hai bên, được gọi là thần Kim Cương. Nhưng đó không phải là ông Thiện ông Ác thân thuộc trong trí nhớ và tình cảm của tôi.
Có người giải thích với tôi rằng: “Việc thờ tự đối xứng hai pho tượng ông Thiện ông Ác nói lên sự tồn tại biện chứng của hai bản nguyên thiện - ác”. Qua giải thích này, tôi có tìm đọc một số bài viết về triết lý thiện ác, về cách bàn về ông Thiện, ông Ác. Có người ví ông Thiện và ông Ác giống như Thiện tri thức và Ác tri thức: “Ông thiện là biểu trưng cho hạnh từ bi thuận, phù hợp với việc lành; còn Ông ác là biểu trưng cho hạnh từ bi nghịch, phù hợp với hạnh dữ”. Tôi nghĩ, những cụm từ “hạnh từ bi thuận”, “hạnh từ bi nghịch”, “phù hợp với việc lành”, “phù hợp với hạnh dữ”, nếu không phải người học Phật kha khá thì sẽ rất khó nắm bắt về ông Thiện ông Ác theo nghĩa này.
Cũng có lần đọc báo, tôi thấy người ta viết thế này: “Trách nhiệm của anh cứ thế mà làm. Đẩy quả bóng trách nhiệm lên Thủ tướng để nói rằng, cái này Thủ tướng sẽ quyết định chứ không phải tôi. Anh muốn làm "ông Thiện" đẩy "vai ông Ác" cho người khác là không được!” (Không thể đẩy vai “ông Ác” cho Thủ tướng). Có vẻ như người ta muốn từ chối vai trò “ông Ác”. Nhưng tôi lại nghĩ những người lãnh đạo đất nước mà nhận vai “ông Ác” như dân gian hiểu (là “trừng ác”) thì càng tạo phúc cho dân chứ có gì đâu mà phải đẩy qua đẩy lại. 
Có người lại hiểu như sau: “Trên đời thiện ác thường là song hành, hai ông ấy luôn luôn gác bên đời. Và trẻ con lại được người lớn an ủi: “Hai ông ấy to lớn nhất nhưng lại là cấp bậc nhỏ nhất ở chùa đấy con ạ”… Vậy thì ai là cấp cao nhất trong chùa. Hoá ra cứ vào càng sâu bên trong, càng vào trong, gặp ông nào trong cùng bé nhỏ nhất lại là ông to nhất. Đó chính là ông Bụt, ông Phật”.
Dân gian thường ví “Lớn như ông Hộ Pháp”. Tôi nghĩ rằng dân gian nói đúng không chỉ trên phương diện hình thức. Vì họ hiểu sự hiện diện của ông Thiện ông Ác là sự hiện diện mang tính nhân quả: “khuyến thiện trừng ác”. Người xưa đã đúc kết: “Người làm ác thì bị quả báo ác, người làm thiện sẽ nhận được điều tốt lành” (Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai); “Nếu làm lành mà không được hưởng phước, còn làm dữ mà chẳng có tai họa, thì Trời Ðất ắt có tư vị hay sao?”(Thiện ác nhược vô báo, càn khôn tất hữu tư?); “Một ngày làm lành phước tuy chưa đến, mà tai họa đã lánh xa, một ngày làm dữ tai họa tuy chưa đến mà phước đã lánh xa” (Nhất nhật hành thiện, phước tuy vị chí họa tự viễn hỉ, nhất nhật hành ác, họa tuy vị chí phước tự viễn hỉ). Đức Phật dạy: “Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo, Nếu với ý ô nhiễm, Nói lên hay hành động, Khổ não bước theo sau, Như xe chân vật kéo; Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo, Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng không rời hình" (Kinh Pháp Cú). Mười phương ba đời chư Phật thành tựu cũng từ nhân quả.
Trên con đường dẫn tới cuộc sống, ai cũng có thể ít nhiều hiểu về tác động của nhân quả, xem đó là niềm tin chung của con người và hướng niềm tin đó đến những ứng xử cao đẹp, chuẩn mực. Chuyện “ông Thiện ông Ác” là chuyện “nhân quả báo ứng”, cũng là chuyện thường ngày trong đời sống xã hội. Nhưng chính vì là chuyện thường ngày mà nhân quả trở thành chuyện lớn của mỗi đời người. Kinh thi có câu: "Cái gương để nhà Ân soi, phải tìm đâu xa, ở ngay đời vua nhà Hạ".
Mai Thị Hoàn
(Theo: Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam)


Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

HỒI KẾT CỦA PHÁP MÔN LÀNG MAI TẠI VIỆT NAM?



Trong buổi gặp mặt đầu năm, thầy Thích Thanh Thắng đã dành cho Sen Việt cuộc trò chuyện tiếp theo về vụ việc Bát Nhã, sau khi toàn bộ tu sinh Làng Mai đã bị giải tán. Câu chuyện vẫn là những suy nghĩ luôn luôn mới, gợi mở và nhiều trăn trở…


Thưa thầy, sau khi các tu sinh rời khỏi chùa Phước Huệ, phải chăng sự việc tu viện Bát Nhã (Lâm Đồng) đã đi đến hồi kết?

Vâng, tôi theo dõi tin tức thì thấy nhiều nơi báo chí cũng đã đưa tin về “hồi kết” của Pháp môn Làng Mai.
Cá nhân thầy có nghĩ như vậy không?

Dĩ nhiên, những người quán sát bên ngoài đều ít nhiều nhận ra “hồi kết” của Pháp môn Làng Mai tại Việt Nam kể từ khi ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng ban tôn giáo ra công văn từ chối đơn đề nghị bảo lãnh tu sinh Làng Mai do Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự ký. Mặc dù trước đó ông Xuân có nói trên báo chí, tự viện nào muốn bảo lãnh tu sinh Làng Mai đến nơi tu tập mới thì phải tiến hành theo trình tự thủ tục. “Hồi kết” này sẽ là 5 năm, 10 năm, hay lâu hơn nữa thì không có gì đảm bảo. Nói chung, nhà Phật không có cái nhìn “hồi kết”.
Người Phật tử nào yêu quý Làng Mai thì cũng không có phải buồn gì với hai từ “hồi kết” này. Trước khi Hoà thượng Nhất Hạnh trở về Việt Nam năm 2005, chưa có cuộc đón rước nào mà Chính phủ và Giáo hội tổ chức lại quy mô đến như thế trên cả khắp ba miền Nam - Trung - Bắc. Lúc đó, mọi người nghĩ rằng đây là “hồi mở đầu” rực rỡ của Làng Mai tại Việt Nam, nhưng bây giờ, sự việc lại bất ngờ trở thành “hồi kết”. Biến động xã hội khôn lường, không riêng gì trong tôn giáo mà trong mọi lĩnh vực cuộc sống, cái gọi là “hồi mở đầu” hay “hồi kết” đều chỉ là giả tạm. Người Phật tử nhận thức cuộc sống như vậy để hiểu rõ hơn về cảm thọ yêu ghét, vui buồn của chính mình.
Thầy có cảm thấy buồn khi sự việc tu viện Làng Mai diễn biến theo chiều hướng như hiện nay không?

Tôi nghĩ rằng, ngoài những “khúc mắc” nào đó của Thiền sư Nhất Hạnh với Nhà nước, cụ thể với Ban tôn giáo Chính phủ, những gì mà Tăng thân Làng Mai thể hiện trong mấy năm hiện diện vừa qua ở Việt Nam đã đón nhận được nhiều tình cảm của người Phật tử dù theo hay không theo Pháp môn Làng Mai. Vì vậy, tôi tin sự việc diễn ra như hôm nay làm cho nhiều Phật tử và cả những người trí thức có cảm tình với Phật giáo cảm thấy buồn lòng. Nhưng nỗi buồn lớn hơn cả là Giáo hội đã không thể hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mình. Có lẽ nào người Phật tử của thời nay lại thiếu văn minh mà tranh giành, xô xát nhau vì lợi như thế? Nếu sự việc xảy ra ở những tổ chức xã hội khác, nhiều người đã phải hổ thẹn mà từ chức. Tôi nghĩ Giáo hội tồn tại nhờ niềm tin, công sức của người Phật tử, vì thế để xảy ra vu việc, Giáo hội nên công khai xin lỗi người Phật tử trên báo chí. Đó cũng chính là văn hóa tự chịu trách nhiệm mà con người trong mọi xã hội văn minh đề cao.
Thầy nhận xét gì về bốn vấn đề chính được nêu ra trong buổi họp báo tại Hà Nội?

Cho đến lúc không còn nhiều khả năng “đối thoại” như hiện nay, tôi không nói thêm gì về bốn vấn đề chính này, bởi rõ ràng đó là những điều mà Làng Mai đã từng phủ bác. Nhưng tôi cho rằng cuộc họp báo đó nhẽ ra phải có đại diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham gia thì sẽ khách quan hơn. Vì sao? Vì từ trước đến nay mọi thông tin đều khẳng định đó là “mâu thuẫn nội bộ” trong Phật giáo, cụ thể là giữa thầy Đức Nghi và Thiền sư Nhất Hạnh. Nếu là “mâu thuẫn nội bộ” thì vai trò giải quyết và tư cách phát ngôn của Giáo hội càng phải lớn hơn nữa. Vì với “bốn vấn đề chính” đó, Giáo hội hoàn toàn có đủ thẩm quyền để xử lý. Chẳng lẽ vấn đề “mâu thuẫn nội bộ” của tôi mà anh lại phát ngôn và xử lý thay tôi hay sao? Đó chính là “thế tay thợ đẽo”.
Thầy có thể nói rõ hơn được không?

Đơn giản thôi, bạn không thể vừa đá bóng vừa thổi còi phải không nào? Vì khi bạn làm như vậy là bạn đã làm thay phần việc vốn thuộc về người khác mà xã hội đã phân công. Vì không phải công việc của mình, nên trong cuộc họp báo, người nọ nói mâu thuẫn với người kia. Ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói: “Đây là va chạm giữa các môn phái tôn giáo và chưa có xô xát, xung đột gây thương tích hoặc hủy hoại tài sản. Chưa có dấu hiệu hình sự nên không xử lý hình sự. Chưa có bất kỳ điều tra tư pháp nào liên quan đến sự việc xảy ra tại tu viện Bát Nhã”. Điều này khác rất xa với hai bản tường trình và tố cáo của Chư Tôn đức trong Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, khác với chính những thông tin trước đó từ phía nhà nước khi thừa nhận có xô xát  và đẩy về  phía “mâu thuẫn nội bộ”, không đúng với thực tế vụ việc, gây cười cho những người tiếp nhận thông tin.
Khi dư luận đã biết rõ vụ việc qua rất nhiều tư liệu, bằng chứng, mà người gây ra tội không bị xử lý theo đúng pháp luật, thì sẽ gây ảnh hưởng xấu đến những ứng xử xã hội khác, dẫn đến tình trạng vô luật, bất công, đảo lộn trắng đen.
Nội dung buổi họp báo còn đề cập: “Để giải quyết mâu thuẫn trên tại Tu viện Bát Nhã, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, trong chuyến thăm Pháp cuối tháng 9/2009, có đề nghị gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh (đã được thông báo trước một tháng) để bàn cách giải quyết vụ việc nhưng Thiền sư từ chối không gặp, lấy lý do là đã có chương trình sang Mỹ”. Điều đó, chứng tỏ nhà nước họ cũng muốn đối thoại?

Khách quan mà nói, dù hơi muộn so với những phản ứng từ Làng Mai, nhưng đây là một động thái tích cực nhất của nhà nước với Làng Mai sau những sự cố đáng tiếc đã diễn ra tại tu viện Bát Nhã. Nếu họ hẹn gặp trùng vào ngày thiền sư Nhất Hạnh sang Mỹ, tôi nghĩ lời từ chối của thiền sư là bình thường. Nếu không có sự trùng hợp như vậy, phải chăng thiền sư Nhất Hạnh đã có dụng ý nào đó? Thực tế, thiền sư Nhất Hạnh cũng ít nhiều từng kiên nhẫn kêu gọi chính quyền và Giáo hội đoái thương đến những hạt giống lành của đất nước và xem họ như con cháu mà thương tưởng đến, nhưng cũng không sớm có hồi đáp, thậm chí khi giới trí thức cùng vào cuộc ký thỉnh nguyện thư mà sự việc vẫn rơi vào vô vọng. Nhà nước có quyền hiểu khác đi về sự từ chối thành ý này của thiền sư Nhất Hạnh, còn chúng ta hoàn toàn chưa rõ nguyên nhân vì sao thiền sư từ chối cuộc gặp đó.
Vậy thầy có nghĩ rằng đó chính là nguyên nhân chính của “hồi kết”?

Tôi không nghĩ như vậy, vì đó chỉ là những nguyên nhân phát sinh sau những gì đã xảy ra. Trong đối thoại không có “hồi kết”, nếu các bên còn có thể lắng nghe nhau và biết đặt lợi ích dân tộc cũng như lợi ích của mỗi bên vào bàn đối thoại.
Cũng có ý kiến cho rằng thiền sư Nhất Hạnh có những từ ngữ kích động tu sinh?

Xin lỗi, chúng ta nên sử dụng từ “kích động” này một cách thận trọng. Thiền sư Nhất Hạnh là người Thầy, Thiền sư phải bảo vệ đệ tử của mình khi bị xúc phạm nặng nề như vậy. Một công dân Việt Nam bị đánh đập ở nước ngoài, nhà nước cũng lên án hành động đó cơ mà. Lên án không thể đồng nhất với kích động. Đó là quyền tự vệ chính đáng. Nếu có thể “kích động” đệ tử của mình bất bạo động một cách triệt để, thậm chí biết tha thứ cho cả những người đánh đập và xỉ nhục mình, thì người Phật tử chúng ta nên tự hào vì phương pháp giáo dục đó. Bởi nếu thiền sư không thường xuyên “kích động” đệ tử của mình “ngồi yên như núi”, nhẫn, cảm thông và thương yêu thì sự việc sẽ còn diễn biến phức tạp theo chiều hướng bạo động leo thang. Những lời lẽ nào đó của thiền sư nếu có bị hiểu khác, hay suy diễn theo góc nhìn chủ quan thì cũng là điều rất đỗi bình thường. Trong cuộc sống, điều đáng sợ nhất là thái độ vô cảm trước nỗi khổ đau, nguy nàn của người khác. Cuộc sống còn có phản ứng thì còn nhìn ra được những vấn đề tích cực hay tiêu cực mà điều chỉnh, nhưng khi đã vô cảm rồi thì mạnh ai nấy sống. Một nhà nước văn minh thì công dân của mình không phân biệt tôn giáo, thành phần đều phải được che chở, không thể để tình trạng mạnh ai nấy sống
Thầy nghĩ sao khi Thiền sư Nhất Hạnh nói Giáo hội đã không bảo vệ được chính con em của mình?

Thiền sư đặt đệ tử của mình vào vị trí con em của Giáo hội, chứng tỏ thiền sư không xem mình như người khách “xa lạ” ghé thăm. Nói thế không có nghĩa rằng thiền sư Nhất Hạnh “ký thác” hết cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhưng vì sao thiền sư không nhận được sự nhiệt tình yểm trợ của Giáo hội? Đơn giản thôi vì người ta hiểu rõ Làng Mai bị “đánh” từ “nguồn lực” nào, nhất là khi khoảng cách trong “hội nhập” và cách thức vận dụng phương tiện chưa uyển chuyển “tuỳ xứ”, “tuỳ thời” của Làng Mai trước đó.
Chẳng nhẽ Phật giáo cũng rơi vào cảnh “khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”?

Thấy rõ chứ! Thấy người bảo vệ cái ghế của mình, chỉ là không thấy được người mà mình phải có trách nhiệm bảo vệ mà thôi. 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, nay còn cái gì là thuần tuý và chân phương nhất? Đó không phải hình bóng của người tu sĩ với cái đầu tròn áo vuông thì là gì. Nhưng chúng ta đã thấy di sản sống động nhất ấy của 1.000 năm văn hiến đã bị đánh đập và nhục mạ giữa thanh thiên bạch nhật, giữa công luận. Vậy thử hỏi tinh thần sáng ngời của các vị quốc sư, cư sĩ của Phật giáo Việt Nam đâu rồi? Những ngôn quan, gián quan của lịch sử dân tộc đâu rồi?
Xin lưu ý, Giáo hội đang vận hành hoàn toàn với cơ chế “xin - cho”, phấn đấu lấy “thành tích” để vững cái ghế của mình, nên không ít người đưa ra lý do này lý do kia bằng cách im lặng để “bảo toàn lực lượng”. Có thể nói, đạo tình là điều mà người Phật tử chúng ta hiện nay còn thiếu. Nếu có đạo tình thì sự việc tu viện Bát Nhã đã có thể hàn gắn được trước bất cứ mâu thuẫn nào. Bởi vốn dĩ người Phật tử chúng ta không bao giờ cho phép mình móng tâm sự xung đột. Để Làng Mai xảy ra mâu thuẫn ngày càng khó hàn gắn với nhà nước đó là cái tội của những người đang nắm giữ trọng trách Giáo hội. Bởi cả hình ảnh của nhà nước và của giáo hội đều bị tổn hại, đáng lo ngại hơn là đánh mất rất nhiều niềm tin yêu của người Phật tử.
Có dư luận cho rằng, vụ việc tu viện Bát Nhã là “pháp nạn Phật giáo Việt Nam”, thầy có nghĩ như vậy không?

Sau Đức Phật nhập Niết bàn 1000 năm là thời Mạt pháp, sẽ sinh ra nhiều tệ đoan rối ren. Quan điểm này vẫn tồn tại trong Phật giáo cho đến ngày nay. Ở vụ việc tu viện Bát Nhã, từ dùng “pháp nạn” có thể bị suy diễn theo những chiều hướng chính trị khác nhau. Thực chất, ngay từ thời Đức Phật còn tại thế, Tăng đoàn cũng từng xảy ra những vấn đề chia rẽ và gặp những pháp nạn lớn. Điều này cần có cái nhìn lịch sử khách quan.
Đạo Phật muốn làm hộ pháp thực sự cho dân tộc, cho đất nước thì đó phải là một đạo Phật mạnh về nội lực tu hành và vững trong bản lĩnh nhập thế, vì từ trong truyền thống của tinh thần Hộ quốc an dân, đạo Phật Việt Nam thể hiện rất rõ điều đó và chưa từng làm bất cứ điều gì có lỗi với dân tộc.
Đạo Phật Việt Nam là đạo Phật nhập thế, vậy mà tiếng nói Giáo hội không có năng lực thuyết phục, không bảo vệ được hình ảnh tôn nghiêm của chính mình, thì không cần dùng đến từ “pháp nạn”, những bất ổn lớn rõ ràng là đang hiện diện. Xin chúng ta đừng tiếp tục hiểu sai về từ “làm chính trị” mà mắc tội miệt thị tiền nhân. Các thiền sư của chúng ta đã từng “làm chính trị” đúng nghĩa trước nhiều vấn đề quân quốc quan trọng của đất nước. Tại sao làm văn hoá, tôn giáo cho tốt để nâng cấp đời sống tinh thần cho mọi người lại không phải là “làm chính trị” cho dân tộc?
Tôi nghĩ, với vụ việc Bát Nhã, khi Ban Trị sự Phật giáo Lâm Đồng viết bản tường trình, tố cáo những “phật tử” hành hung, nhục mạ hàng Giáo phẩm, tu sinh Làng Mai ở Tu viện Bát Nhã và chùa Phước Huệ, Giáo hội nhẽ ra phải tiến hành một cuộc họp bất thường, triệu tập các vị trưởng lão của cả hai hội đồng (Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự) để tìm cách tháo gỡ, hàn gắn mọi mâu thuẫn và đề nghị xử lý theo pháp luật đối với những phần tử quá khích, nhưng đáng tiếc điều đó đã không diễn ra. Một đốm lửa nhỏ không lo đề phòng, để đến khi cháy cả khu rừng rồi mới lo chữa lửa thì nhọc công và vô tích sự.
“Hồi kết” của Làng Mai tại Việt Nam có phải là một thách thức cho đường hướng hoạt động của các tông phái Phật giáo?

Bất cứ tổ chức xã hội nào cũng có những cơ hội và thách thức, không riêng gì các tông phái Phật giáo. Vấn đề Làng Mai là một bài học thấm thía cho không chỉ riêng ai. Như tôi từng nói, thực trạng Phật giáo Việt Nam thà bộc lộ sớm, hơn bộc lộ muộn. Vì sao tôi nói “sớm”, vì nó bộc lộ ngay lúc mà người ta đang ồn ào về hình thức huy hoàng của chính nó, điều này sẽ cho ra những hình ảnh chân thực hơn, để người Phật tử hiểu rõ bài học “con trùng trong người con sư tử mới giết chết con sử tử” hay mối nguy “xây lâu đài trên cát”.
Với cái nhìn biện chứng về “hoạ phúc” của tư tưởng phương Đông, người Phật tử chắc chắn sẽ có cơ hội nhận thức nhiều hơn về vụ việc Làng Mai. Pháp môn Làng Mai nếu không hiện diện ở trong nước thì vốn dĩ theo đà phát triển và hội nhập quốc tế của nó, mô hình Làng Mai có thể vẫn thành công ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng “hồi kết” Làng Mai đã làm bộc lộ một khoảng trống chưa thể lấp đầy của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về tinh thần đoàn kết, tập trung trí tuệ.
Dù tạm thời không còn Pháp môn Làng Mai ở trong nước nữa thì Thiền sư Nhất Hạnh vẫn có thể coi như mình chưa từng có chuyến trở về Việt Nam. Vấn đề là các thế hệ đi sau của Làng Mai có “truyền thông” được với trong nước không, hay sau vụ việc này họ càng đi sâu vào định kiến? Mặt khác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại đang rất cần một hình ảnh khác để thể hiện ở bên ngoài. Cơ hội điều chỉnh ở ngay trước mặt, nếu biết nắm lấy nó thì không có mâu thuẫn nào là không thể giải quyết. Người nhà với nhau mà không thể bao dung, thương yêu được nhau thì đó là một nỗi bất hạnh lớn.
Cảm ơn vụ việc Bát Nhã bởi nó đã kéo một Giáo hội đang lơ lửng ở trên mây xuống mặt đất với đầy những hiện thực ngổn ngang, đó cũng là gián tiếp mở ra sinh lộ cho đạo Phật Việt Nam. Nỗi lo nhất hiện nay là sau vụ việc Bát Nhã, Giáo hội sẽ có những bước điều chỉnh tích cực như thế nào để lấy lại niềm tin của người Phật tử và giới trí thức mà thôi.
Thầy nghĩ gì về tương lai của pháp môn Làng Mai tại Việt Nam?

Ai cũng nhận ra ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng ban Tôn giáo mâu thuẫn trong những phát biểu của mình về việc bảo lãnh tu sinh, nhưng trong cuộc họp báo quốc tế vừa qua tại Hà Nội, ông vẫn còn đủ "tự tin" để nói: “Trước hết, chính quyền địa phương đã kêu gọi, trên tinh thần lục hòa, để các tăng, phật tử của Tu viện Bát Nhã và những người theo pháp môn Làng Mai đối thoại và hòa giải mâu thuẫn”.
Có thể đối thoại và hoà giải mâu thuẫn được hay không, điều này nằm ở nhận thức của mỗi bên: Giáo hội, Thiền sư Nhất Hạnh và Ban Tôn giáo Chính phủ. Nếu Làng Mai được xem là đối tác dài hạn để mở rộng “sức mạnh mềm” của người Việt ở phương Tây thì vấn đề “hoà giải mâu thuẫn” chắc chắn sẽ không khó khăn gì. Lá rụng về cội đó là niềm tin bao đời của người Việt. Vận dụng sức mạnh nội lực của người Việt trên nhiều lĩnh vực thì cần phải có trí tuệ, có tinh thần đoàn kết và lòng bao dung. Không có kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích dân tộc lâu dài và bền vững. Đó là chính sách đúng đắn của ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Tôi nghĩ, năm 2010 là năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, năm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo Thế giới, một lời mời thiền sư và tăng thân Làng Mai về dự lễ sẽ nói lên được tinh thần khoan dung và đoàn kết của 1.000 năm Thăng Long -  Hà Nội, xoá đi những mặc cảm, định kiến. Đó không chỉ là bản lĩnh cầm quyền của nhà nước mà còn là tinh thần mà người Việt từ nghìn đời nay vẫn hướng tới vì lợi ích lâu dài cho dân tộc Việt Nam.
Đó là lý do tôi nói không có “hồi kết” nào là vĩnh viễn.
Xin chân thành cảm ơn thầy đã dành cho Sen Việt cuộc trò chuyện ý nghĩa này!




BỐN HẠNG NGƯỜI


Người làm khổ kẻ khác, chuyên tâm làm khổ kẻ khác, tâm phân học gọi đó là chứng sadism, nghĩa là ưa gây đau khổ cho người và vật. Hạng này không thiếu trên đời, xưa cũng như nay. Ta nhớ trường hợp vua Lê Long Đĩnh (Ngọa triều) ưa róc mía trên đầu thầy chùa cho chảy máu chơi…


Trong các Kinh tạng Pàli, Đức Thế Tôn thường nhắc đến bốn hạng người sống trên đời:
– Hạng tự hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ mình.
– Hạng hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người.
– Hạng vừa tự hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ mình; vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người.
– Hạng không tự làm khổ mình, không chuyên tâm tự làm khổ mình; cũng không làm khổ người, không chuyên tâm làm khổ người.
Bốn hạng người trên, đời nào xứ nào cũng có. Mặc dù những lời dạy đã cách xa chúng ta trên hai ngàn năm trăm năm, trải qua không biết bao lần "tam sao thất bổn" chúng ta khi đọc lại tạng kinh gần nhất thời Phật này, đã phải ngạc nhiên thích thú trước tinh thần hài hước của Đức Thế Tôn, một nhà tâm lý siêu việt. Ngôn ngữ dầu có đổi thay qua 25 thế kỷ, tinh thần mà ngôn ngữ ấy nói lên vẫn rất mới mẻ đáng truy tầm. Ta hãy xét bốn hạng người mà Phật đã ám chỉ, theo khoa học phân tích tâm lý ngày nay:
1. Hạng thứ nhất: là hạng người mang một chứng tâm bệnh gọi là masochism (tự hành hạ, có khuynh hướng tự hành khổ) đó là hạng người ưa thương vay khóc mướn, như Kiều:
Lại mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng

Đang là một cô gái con nhà khuê các, đi chơi gặp nấm mồ vô chủ của một kỹ nữ, Kiều đã nghĩ ngay đến thân phận mình:
"Thấy người nằm đó biết sau thế nào!"
Ta phải ngạc nhiên trước thái độ của Kiều, sự lân mẫn xót thương nơi nàng đối với nấm mồ vô chủ đã vượt quá giới hạn từ bi, trở thành bệnh hoạn, bệnh "tự hành khổ mình". Cái gì mà vừa nghe cậu em Vương Quan mới dẫn gần xa cái tiểu sử dở hơi của cô gái dưới mồ (cậu này cũng lạ, còn nhỏ tuổi mà đã thuộc vanh vách tiểu sử của một gái làng chơi!), Kiều đã:
Thoắt nghe nàng đã đầm đầm châu sa
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời là bạc mệnh cũng là lời chung

Suốt cuộc đời 15 năm đoạn trường của nàng Kiều chỉ là hậu quả của sự "vận vào khó nghe" ấy. Vì chuyên "vận vào" cho nên:
Ma đưa lối quỷ đem đường
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

Tuy nhiên sự tự làm khổ của Kiều không phải hoàn toàn vô ích, ít ra Kiều đã chuộc được cha. Có những sự tự hành khổ mà không chuộc ai được mới đáng ức: đó là sự tự hành khổ của những người tu khổ hạnh không đưa tới giải thoát, mà vẫn chấp chặt lấy khổ hạnh ấy. Phật gọi là "giới cấm thủ kiến". Những nhà tự hành khổ này đặt ra nhiều giới luật quái gở được kể nhan nhản trong Kinh tạng Pàli, đượm vẻ dí dỏm khôi hài: liếm tay cho sạch (không chịu rửa tay), đi khất thực không chịu bước tới, không nhận đồ ăn ở chỗ có chó đứng, có ruồi bu, không nhận đồ ăn từ nơi miệng nồi, miệng chảo, không nhận tại ngưỡng cửa, tại cối giã gạo, không nhận từ hai người đang ăn... Chỉ nhận ăn tại một nhà, chỉ nhận ăn một miếng, hay chỉ ăn tại hai nhà, chỉ ăn hai miếng... Có lẽ những người chuyên tâm tự hành khổ ấy nghĩ rằng giữ giới càng khó theo càng được nhiều phước, nên ta không ngạc nhiên khi ở thời Phật có những vị hành trì cẩu hạnh, ngưu hạnh nghĩa là sống như chó hay như trâu bò trong một thời gian dài với tin tưởng rằng do hạnh ấy sau khi chết, sẽ được sinh lên cõi trời. Một vị hành giả thuộc loại này đi đến Thế Tôn hỏi về số phận tương lai của một người hành trì cẩu hạnh, ngưu hạnh một cách viên mãn sẽ ra sao. Ngài đáp: "Ai hành trì cẩu hạnh một cách viên mãn thì sẽ được sanh trong loài chó, nếu hành trì cẩu hạnh với niềm tin sẽ được sanh cõi trời thì tương lai sẽ có hai khả năng: một là sẽ được sanh làm chó nếu hành trì cẩu hạnh một cách viên mãn, hai là sanh vào địa ngục nếu hành trì không viên mãn" (sinh địa ngục do tức giận, vì cứ tưởng nhờ cẩu hạnh mà sẽ được sinh lên trời, té ra không). Người ta có thể nghĩ rằng hạng người hành trì ngưu hạnh, cẩu hạnh (bắt chước trâu, chó) chỉ có mặt vào thời bán khai xa xưa ấy, chứ thời văn minh ngày nay làm gì có? Nhưng không, nó vẫn tồn tại dù dưới hình thức hơi khác: tuy không mang lông đội sừng cho giống như trâu như chó, con người ngày nay làm việc còn nhiều hơn loài trâu, tham gặm xương khô (mồi danh bã lợi) còn dai dẳng hơn loài chó.
2. Hạng thứ hai: là người làm khổ kẻ khác, chuyên tâm làm khổ kẻ khác. Tâm phân học gọi đó là chứng sadism, nghĩa là ưa gây đau khổ cho người và vật. Hạng này không thiếu trên đời, xưa cũng như nay. Ta nhớ trường hợp vua Lê Long Đĩnh (Ngọa triều) ưa róc mía trên đầu thầy chùa cho chảy máu chơi. Phật kể đến một số người hành các nghề ác như đồ tể, bán buôn khí giới, đao phủ, buôn bán quan tài và vật tẩn liệm...
3. Hạng thứ ba: là hạng vừa tự làm khổ mình, chuyên tâm làm khổ mình; vừa làm khổ người, chuyên tâm làm khổ người. Đây là hạng người có cả hai chứng bệnh vừa kể trên. Kinh Kandaraha (Trung bộ kinh 2, tr.334) mô tả những ông vua làm tế đàn cúng thần: "Vị này... cạo bỏ râu tóc, đắp áo da thô, toàn thân bôi dầu, gãi lưng với một sừng nai, đi vào giảng đường với bà vợ chính và một Bà la môn tế tự. Rồi vị ấy nằm xuống giữa đất có lát cỏ. Vua sống với sữa từ vú một con bò cái, có con bò con cùng mầu sắc, bà vợ chính sống với sữa từ vú thứ hai, vị bà la môn tế tự sống với sữa từ vú thứ ba. Còn sữa từ vú thứ tư thì dùng để tế lửa. Con nghé con thì sống với đồ còn lại (còn được cái gì?) Ông vua ra lệnh giết vô số bò đực, bò cái, nghé con, dê, cừu để tế lễ, chặt vô số cây cối để làm cột tế đàn. Những người phục dịch vì sợ đòn gậy, sợ nguy hiểm với mặt tràn đầy nước mắt khóc lóc làm các cô ng việc..."
Hạng thứ ba này thường được thấy trong những trường hợp "oan gia tụ hội": cha mẹ, vợ chồng, con cái... không hợp nhau mà vẫn phải sống đời với nhau, không thể xa nhau bởi vì họ cần... tự làm khổ và làm khổ nhau. Hóa ra "yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau". Có một câu ngạn ngữ Pháp diễn tả rất đúng nỗi khổ của những cặp oan ương: "Có em tôi chết cái một, không em tôi chết dần chết mòn" (Avec toi je suis mort, sans toi je m'en meurt). Những người chết đuối chưa tắt hơi, điều tối quan trọng là đừng cho người thân tới gần, có bóng dáng một người thân nào (càng thân càng mau chết) lai vãng, mà nạn nhân hé mắt dòm thấy được tức thì hộc máu chết liền. Vì có người thân trong lúc nguy cấp thì chỉ thêm rắc rối vấn đề không thể cứu vãn do bởi sự xúc cảm quá độ của đôi bên ảnh hưởng lẫn nhau. Phật dạy: "Sầu bi khổ ưu não do ái sanh, hiện hữu từ nơi ái."
4. Hạng thứ tư. là hạng không tự làm khổ mình, không chuyên tâm làm khổ mình, cũng không làm khổ người, không chuyên làm khổ người. Đây là hạng người lành mạnh, không có những tâm bệnh kể trên. Họ sống không tham dục, các căn tịch tịnh, cảm giác lạc thọ... Sớm hay muộn, những vị này sẽ thấy tại gia là ràng buộc, dục vọng con người như cục bướu, như bệnh chướng, như vết thương, như hố than hừng, và sẽ xuất gia sống đời giải thoát. Vị ấy thực hành sự hộ trì các căn, chế ngự những nguyên nhân làm cho tham ái, ưu, bi, các bất thiện pháp khởi lên. Do hộ trì các căn, vị ấy cảm thọ vô uế lạc, vị ấy "khi đi tới, đi lui đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác... khi đi, đứng, nằm, ngồi, thức, ngủ, nói, im đều tỉnh giác..." (Kinh Kandaraha). Thành tựu chánh niệm tỉnh giác, vị ấy chọn một nơi thanh vắng độc cư thiền định, gột rửa 5 triền cái là tham, sân, ngủ gật, dao động, hoài nghi, chứng sơ thiền với 5 thiền chi: tầm (theo dõi một đối tượng), tứ (chú tâm trên đối tượng, ví dụ hơi thở), hỉ (là tâm vui), lạc (là thân khoan khoái) và nhất tâm. Hỉ lạc ở sơ thiền là hỉ lạc do ly dục sanh vì còn tầm, tứ nên hãy còn trong tình trạng dao động. Vị ấy xả tầm xả tứ, chứng và trú hỉ lạc ở nhị thiền, một hỉ lạc do định sanh không tầm không tứ, cứ thế vị ấy xả bỏ dần cho đến Tứ thiền thì chỉ còn lại xả niệml thanh tịnh, từ đây các pháp quán mới thực sự hữu hiệu để phát sinh những thần thông lật trời dời đất.
Chúng ta thường nói quán Không, quán Vô thường, quán Như huyễn, quán Khổ v.v... song chỉ là những lối đại ngôn bởi vì chúng ra vẫn thấy , thấy thường, thấy thật, thấy vui... nên mới khổ. Bởi chúng ta chưa xả bỏ hoàn toàn, hành lý còn cả đống, thì làm sao nhẹ nhàng được để bay bổng trong các cõi thiền.
Để ý trong bốn hạng người kể trên, Phật không nhắc đến hạng nào làm lợi mình lợi người. Chỉ một hạng người "không làm khổ mình, không làm khổ người" đã là quá quý, quá hiếm ở trên đời, khoan nói đến bác ái, vị tha gì hết. Thật là thực tế, không màu mè. Chúng ta ưa ngụy trang những tật xấu của mình dưới những danh từ đẹp đẽ, nhưng nhìn hậu quả thì biết ngay nguyên nhân thực sự của nó. "Không làm khổ mình, không chuyên tâm làm khổ mình, cũng không làm khổ người, không chuyên tâm làm khổ người", sống như vậy nghe qua thật giản dị, nhưng sự thật thì vô cùng khó khăn. Sống giản dị quả là rất khó "Live and let live" (hãy sống, và để cho thiên hạ sống với) là một lý tưởng mà xưa nay chưa ai thực hiện trọn vẹn, ngoại trừ Phật và một số rất ít những bậc Thánh.
Thích nữ Trí Hải (Trích: Từ nguồn Diệu pháp)
Nguồn: http://www.budsas.org/uni/u-tndp/tndp-01.htm

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

QUÊN XÂY DỰNG VĂN HÓA?



Chúng ta chưa chuẩn bị gì nhiều để nâng cấp trình độ ứng xử văn hoá cho những ngày lễ lớn, mà mới chỉ chăm lo cho những công trình lớn, những cuộc lễ lớn bằng những hình thức bề nổi. Đó chính là xây nhà từ nóc.

Sau những gì đã xảy ra tại lễ hội hoa anh đào năm 2008, phố hoa mừng năm mới 2009 tại Hà Nội, mọi người hy vọng rằng phố hoa mừng năm mới 2010 sẽ không còn phải nhìn thấy cảnh giẫm đạp lên hoa, vặt hoa, tự tiên di chuyển chậu hoa để chụp hình...

Nhưng thật thất vọng, sau lễ khai mạc phố hoa, những hình ảnh thiếu ý thức văn hoá lại lặp lại. Nhìn những dòng chữ "Tuổi trẻ thủ đô hướng về lệ hội phố hoa bằng hành vi có văn hóa" và nghe những tiếng tuýt còi "nhắc nhở" bên cạnh vẻ đẹp nhiều màu sắc của các loài hoa mà thêm buồn vì vẻ đẹp của hoa và vẻ đẹp từ trong ý thức của người thưởng hoa vẫn chưa tương đồng với nhau: hoa đã biết làm đẹp cho người mà người thì giẫm đạp lên hoa.

Chưa phổ biến văn hóa trả ơn

Ngày xưa, ông cha ta mỗi khi khai thác một chút lợi nào đó từ thiên nhiên đều không quên cảm tạ các vị thần sông, thần núi, thần rừng, thần biển, thần cây...  Không những thế, mỗi khi bưng bát cơm, tổ tiên nhiều đời của người Việt vẫn nhắc nhở con cháu biết tưởng nhớ đến người đổ mồ hôi, nước mắt để làm ra hạt gạo. Vậy mà giờ đây, có những người vội nghĩ: mình bỏ tiền ra mua thì chẳng phải mang ơn ai cả.


Niềm tin giữa người và người ngày càng giảm đi thấy rõ cùng
với việc gia tăng các cảnh báo về ý thức ứng xử. Ảnh: VNN


Đó là cái nhìn không làm cho con người trưởng thành hơn trong ứng xử.  Chúng ta có tự hỏi xem mình đã biết thầm cảm ơn những người đã bỏ công sức, ý tưởng, vật chất, tấm lòng để làm nên lễ hội phố hoa hay không? Khi tiếp cận vẻ đẹp của các loài hoa, chúng ta học được bài học gì từ thiên nhiên để khám phá thêm những điều chân - thiện - mỹ chung quanh mình?

Người Nhật có trà đạo, hoa đạo, kiếm đạo, vì họ đã đẩy những giá trị đó trở thành triết lý sống thường nhật. Triết lý đó hướng dẫn hành vi ứng xử của dân tộc họ trải qua nhiều thế hệ, làm cho văn hoá của họ có chiều sâu của sự tinh tế. Chúng ta đã học được những gì từ họ?

Cần phải nói rằng, trước một lễ hội phố hoa nặng về đối phó với lực lượng bảo vệ đông như vậy, chúng ta đang chỉ ra những khoảng trống trong văn hoá ứng xử. Người ta có thể ngang nhiên giẫm đạp, vùi dập lên những thứ đang làm đẹp, làm vui cho giác quan của mình, thì làm sao môi trường sống của chúng ta lại không ô nhiễm và bị tàn phá một cách không thương tiếc được.

Cần cái tâm biết hổ thẹn

Trong ngày lễ hội, nhìn những dòng chữ "Tuổi trẻ thủ đô hướng về lệ hội phố hoa bằng hành vi có văn hóa" và nghe những tiếng tuýt còi liên hoàn "nhắc nhở", lại thấy chúng ta còn thiếu cả cái tâm biết hổ thẹn.

Cần phải nói rằng, ngay chính người đàng hoàng cũng phải cảm thấy đỏ mặt khi tham dự lễ hội mà phải nhìn những dòng chữ và những tiếng tuýt còi "nhắc nhở" như vậy. Tại sao người dân phải đi thưởng hoa bằng những biểu ngữ kêu gọi hành vi văn hóa, bằng hàng rào và những tiếng tuýt còi "nhắc nhở" như thế?

Khi con người đánh mất lòng hổ thẹn thì họ muốn làm gì thì làm, họ không cần phải nghĩ nhiều đến những người chung quanh. Một lối sống không nhìn ra sự hài hòa giữa mình và kẻ khác, giữa mình mà môi trường sống, giữa mình và cái đẹp, cái thiện thì tương lai dân tộc sẽ ra sao khi giao phó vào tay họ?

Văn hoá là nguồn gốc và động lực của phát triển, nhưng chúng ta đang bước vào tương lai bằng chính những khuyết điểm chưa thể lấp đầy trong văn hoá ứng xử. Không phải xã hội không cần đến những biển cấm hay những tiếng huýt còi, nhưng sự tiến bộ trong ứng xử của người dân chính là ý thức tự giác, đến lúc nào đó những ứng xử trở nên thuần thiện và tự nhiên hơn.

Khi con trâu chưa thuần, chuyên phá lúa mạ của người khác, thì rất nên dùng đến sợi dây thừng xỏ mũi và cái roi để quất vào mông. Nhưng khi con trâu đã thuần rồi thì không cần lúc nào cũng phải xỏ dây thừng vào mũi và nhăm nhe quất nữa.

Người ứng xử có văn hoá sẽ cảm thấy khó chịu khi đi bất cứ đâu cũng gặp phải những biển cảnh báo, những tiếng tuýt còi. Nhưng điều đáng nói hơn cả, niềm tin giữa người và người ngày càng giảm đi thấy rõ cùng với việc gia tăng các biển cảnh báo về ý thức ứng xử.

Nâng cấp văn hoá

Trong khi chúng ta vẫn chưa thể nâng cấp trình độ thưởng hoa của mình, chứ chưa nói đến việc hình thành một cung cách ứng xử có đạo đối với hoa, từ đó tìm cho dân tộc mình một loài hoa để tôn xưng làm quốc hoa.

Một số nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra rằng, chúng ta chưa chuẩn bị gì nhiều để nâng cấp trình độ ứng xử văn hoá cho những ngày lễ lớn, mà mới chỉ chăm lo cho những công trình lớn, những cuộc lễ lớn bằng những hình thức bề nổi. Đó chính là xây nhà từ nóc.

Linh hồn của những cuộc lễ lớn chính là phong cách, lối sống ứng xử của người dân, thế nhưng đáng tiếc nó không được đưa vào "trọng điểm" cần phải "xây dựng" từ hàng chục năm về trước.

Vì vậy, những gì đã và đang tiếp tục diễn ra trong các lễ hội là phép thử chính xác cho những mục đích dài hạn cần phải xây dựng lối sống văn hóa lành mạnh, có chuẩn và tinh tế cho cộng đồng ngay từ bây giờ khi chưa quá muộn.

Thái Đình Thắng


HỌP BÁO TẠI HÀ NỘI VỀ VỤ TU VIỆN BÁT NHÃ



Ngày 11/1/2009, Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức họp báo tại Hà Nội để công bố những thông tin chính thức về vụ việc tu viện Bát Nhã. Đúng như những nguồn tin trước đó của báo chí chính thống, nay Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục khẳng định vụ việc Bát Nhã chỉ là “mâu thuẫn nội bộ”. Dư luận có thể yên tâm gác nội dung “làm chính trị” và những “suy diễn” khác sang một bên vì nó không liên quan gì đến “mâu thuẫn nội bộ” của tu viện Bát Nhã và chính quyền Lâm Đồng cũng khẳng định không có sức ép”, “không có xô xát”, “chưa có dấu hiệu hình sự”,“hoàn toàn bình yên”
Nội dung cuộc họp báo nêu rõ về bốn vấn đề chính của “mâu thuẫn nội bộ” vụ việc Bát Nhã:
Thứ nhất, là mâu thuẫn về phương pháp tu giữa những người theo pháp môn Làng Mai và các vị tăng, phật tử Tu viện Bát Nhã. Những người theo pháp môn Làng Mai tu theo hình thức cộng tu (tức là nam và nữ cùng tu), trong khi đó các vị tăng và phật tử của Bát Nhã tu theo phương pháp truyền thống (nam nữ tu riêng).
Thứ hai, theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), nếu người tu hành dưới 18 tuổi phải có người giám hộ và phải xin ý kiến cha mẹ nhưng đa số những người theo pháp môn Làng Mai đều dưới 18 tuổi đã không tuân thủ quy định này.
Thứ ba, pháp môn Làng Mai (do Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh sống tại Pháp sáng lập từ tháng 5/2008) đã được phép mở các khóa tu tập tại tu viện Bát Nhã dưới sự bảo lãnh của Thượng toạ Thích Đức Nghi - Trụ trì tu viện Bát Nhã và được sự chấp thuận của GHPGVN. Tuy nhiên Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã bổ nhiệm Phó Trụ trì Tu viện Bát Nhã, tấn phong giáo phẩm Hòa thượng cho một vị sư của Việt Nam mà không thông qua Trụ trì tu viện Bát Nhã và GHPGVN.
Thứ tư, theo ông Nguyễn Thanh Xuân, đã có sự tranh chấp về tài chính và tài sản giữa những người theo pháp môn Làng Mai và các vị tăng, phật tử của tu viện Bát Nhã.
Ngoài bốn vấn đề trên, cuộc họp báo còn nêu rõ: “Để giải quyết mâu thuẫn trên tại Tu viện Bát Nhã, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, trong chuyến thăm Pháp cuối tháng 9/2009, có đề nghị gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh (đã được thông báo trước một tháng) để bàn cách giải quyết vụ việc nhưng Thiền sư từ chối không gặp, lấy lý do là đã có chương trình sang Mỹ hoạt động tôn giáo”.
Với bốn điểm “mâu thuẫn nội bộ” nêu trên, chẳng lẽ Giáo hội Phật giáo Việt Nam không đủ thẩm quyền xứ lý (cá nhân nào vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó bằng cảnh cáo, kỷ luật theo phép nhà Phật và Hiến chương Giáo hội)? Giáo hội đã trình Ban Tôn giáo Chính phủ hai lá đơn xin bảo lãnh tu sinh Làng Mai, nhưng đã bị ông Nguyễn Thanh Xuân ký quyết định từ chối, mặc dù trước đó ông nói rằng Nếu trụ trì nào có thiện ý muốn bảo lãnh những tăng ni tu theo pháp môn Làng Mai đến nơi tu tập mới thì phải tiến hành các thủ tục đăng ký với tổ chức Phật giáo địa phương và chính quyền nơi đến”.
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ: “Trước hết, chính quyền địa phương đã kêu gọi, trên tinh thần lục hòa, để các tăng, phật tử của Tu viện Bát Nhã và những người theo pháp môn Làng Mai đối thoại và hòa giải mâu thuẫn”.
Nay số phận của gần 400 tu sinh Làng Mai đã không biết như thế nào khi mỗi người phải đi một ngả, họ không còn chùa để tu. Vậy còn “Làng Mai” nào nữa để mà thực hiện những điều tốt đẹp như ông Nguyễn Thanh Xuân nói? Nhưng người Phật tử vẫn hy vọng những điều tốt đẹp đó sẽ được trở lại bằng tinh thần đối thoại, lắng nghe và thấu cảm.
SV

KẺ ĂN ỐC NGƯỜI ĐỔ VỎ


Sen Việt: Trong cuộc sống, có rất nhiều câu chuyện thực 100% để minh hoạ cho câu thành ngữ “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”. Đó thường là những câu chuyện (vấn đề) mà kẻ gây ra tội lỗi và sai lầm, nhưng lại đổ hết tội lỗi, trách nhiệm cho người khác gánh chịu, nhằm chạy tội. Điều đáng nói, những kẻ có thể làm chuyện đó thường có quyền lực, địa vị và tiền bạc. Câu thành ngữ này được báo Tuổi Trẻ khai thác qua câu chuyện “biến đổi khí hậu” để châm biếm cho những kẻ đạo đức giả, nói một đằng làm một nẻo, muốn kiếm người “đổ vỏ” cho thật nhanh. Câu chuyện rất đáng suy ngẫm, vì chỉ ra những hạng người đã đánh mất liêm sỉ. 

TT - Chuyện biến đổi khí hậu thật khủng khiếp. Tui xem mấy bức ảnh trên mạng mà lạnh cả người. Con sông Amazon nổi tiếng, lớn thứ hai thế giới nằm bên Nam Mỹ, thế mà giờ đây có chỗ cạn trơ đáy, đến độ cá sấu cũng chết khô. Khiếp thật!

- Nói chi chuyện bên Tây bên Tàu cho xa vời, ngay ở nước mình cũng khối chuyện để nói. Này nhé, con sông Hồng cạn trơ đáy, kinh khủng nhất trong vòng 107 năm qua. Rồi nước biển xâm nhập vào sâu đất liền đến hơn 60km ở Cà Mau khiến lúa, tôm cá... thất điên bát đảo. 

- Thì cũng tại mình cả thôi. Tàn phá môi trường cho lắm vào, giờ phải trả giá. Hôm nay tui với ông mà không lo thay đổi cách đối xử với thiên nhiên như các nước tiên tiến đang làm thì con cháu mình hết đất sống đấy.

- Thay đổi cách sống thì sẵn sàng thôi, nhưng ông anh đừng có đem mấy cái ông nhà giàu ra để làm gương.

Trái đất tàn tạ như hôm nay cũng do mấy ổng khai thác bừa bãi, làm giàu cả trăm năm nay và giờ thì no nê cả rồi nên mới nói chuyện bảo vệ Trái đất. Thiệt là kẻ ăn ốc, người đổ vỏ.

- Thói đời là thế cả thôi. Cũng như mấy ông ngoại vơ vét đã đầy túi thì thường lên giọng đạo đức vậy mà!

BÚT BI