Thứ Tư, 31 tháng 10, 2007

ĐIỀU GÌ XẢY RA VỚI CHÚNG TA?


Vụ “scandal” Thùy Linh là một dịp “may” đế chúng ta nhìn nhận về lối sống của một lớp thế hệ trẻ mà Thùy Linh là một điển hình cho sự thành công trong học tập và trong việc làm. Được giáo dục một cách “bài bản” như Thùy Linh mà còn để cho chúng ta nhiều điều phải suy ngẫm đến như thế. Vậy còn biết bao nhiêu “hình hài” thế hệ tuổi trẻ không có đủ điều kiện được học hành và giáo dục khác trong cuộc sống thì sao?

Chúng ta thực sự vẫn chưa biết gì nhiều về giới trẻ và về một nền văn hóa mà chúng ta đang nắm giữ, như một điều kiện đủ để chúng ta “hòa nhập” với thế giới. Tuổi trẻ đã thực sự “hòa tan” trong lối sống “hiện đại”? Điều gì đang xảy ra với giới trẻ? Đó là câu hỏi mà những ngày gần đây nhiều người trong chúng ta đặt ra.
Nhưng chúng ta cũng cần phải có câu trả lời, vì đó là trách nhiệm với tương lai, vì nó liên quan đến chúng ta, nó không phải là chuyện riêng của giới trẻ. Có lẽ phải đặt câu hỏi: “Điều gì đang xảy ra với chúng ta?”. Phải chăng nguyên nhân từ một lối sống nhanh, vội, gấp gáp gắn liền với nhu cầu được hưởng thụ, được chứng tỏ đẳng cấp “pro”, “sành điệu”…
Chúng ta không nên nhìn nhận vấn đề “tình dục sớm” hiện nay như là một hệ quả của đời sống hiện đại: ăn bổ dưỡng và dậy thì sớm. Bởi chuyện “ăn bổ” thì khắp mọi lúc, mọi nơi và tác dụng không chỉ lên trẻ con. Nói là “tình dục sớm” chứ so tuổi tác thì cũng chẳng sớm gì so với thời phong kiến. Thế nhưng ở xã hội ấy vẫn có những bài học làm người cơ bản và một môi trường giáo dục gia đình khá bài bản.
Chúng ta nhớ lại nhân vật Huyền, 9 tuổi và một số nhân vật khác trong những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng cách đây hơn nửa thế kỷ, để thấy vấn đề “tình dục bản năng” lúc nào cũng trở nên nổi trội, ám ảnh. Đến nỗi diễn đàn văn chương phải nổ ra cả một cuộc tranh luận “dâm hay không dâm?”. Nhưng chúng ta hãy nhìn lại hoàn cảnh xã hội buổi “giao thời” lúc đó sẽ thấy ngay những điều mất giá quá lớn, niềm tin về các giá trị bị tổn thương, nên phải chăng giới trẻ “Âu hóa” xem tình dục là một hướng thoát ly? Thoát ly là ra ngoài mọi giá trị, tạo lập cho mình một “thế giới” riêng. Và trong bối cảnh xã hội đó, chúng ta đã “phê bình” Vũ Trọng Phụng là cỗ vũ thứ văn chương dâm uế. Gần đây, lịch sự văn học mới dần dà “minh oan” cho ông, vì cái tội của ông là đã “hiện thực một cách lồ lộ”.
Có gì tương quan với xã hội bây giờ? Từ đó đến nay, “phép mầu” nào xảy ra mà chúng ta có thể “nghĩ thoáng” về vấn đề tình dục như thế?
Những cuộc “tranh luận” về đời sống của giới trẻ đã được nói nhiều ngay từ những ngày xã hội đi vào quỹ đạo của thời kinh tế thị trường, và chúng ta cũng xem đó như một cột mốc “giao thời” bình yên hơn, không tiếng súng. Và rồi vụ “scandal” của diễn viên Yến Vi mấy năm trước thật sự như một giọt nước tràn ly. Bao nhiêu ngôn từ gay gắt nhất được dư luận đổ lên đầu diễn viên này, thậm chí chẳng phải là thần tượng của ai mà cô còn phải “học tập” một thời gian để “cải tạo” lối sống của mình.
Đây đó, thỉnh thoảng cũng có những cuộc điều tra xã hội học, thăm dò dư luận về đời sống tình cảm, ý chí và cả đời sống tình dục của các bạn trẻ. Nhưng mọi chuyện vẫn vậy, vì biên độ, biên giới của những quan điểm khá mong mang, nhiều khi cái 1% sự “lệch lạc” trong hoàn cảnh nào đó lại có thể một lúc đánh đổ cả 99% cái “chín chắn” kia và ngược lại. Biến cố cuộc sống luôn làm cho cái đẹp, cái xấu, cái thiện, cái ác xô đẩy nhau, lấn át nhau. Cái nào tác động và chi phối nhiều, cái đó sẽ thắng, hoàn cảnh cụ thể tác động nhiều, trong tâm thôi thúc nhiều thì lời nói và hành động của cá nhân sẽ “trở thành hiện thực” tốt hay xấu.
Những con số thống kê hàng năm về tỷ lệ phạm tội hình sự của trẻ vị thành niên tăng cao, thậm chí tăng đột biến đều có nguyên nhân từ các biến cố, các xáo trộn của xã hội và gia đình. Thùy Linh có “phạm tội” hay không? Không cần phải cố “bênh vực” và “dĩ hòa vi quý” thì việc làm của Thùy Linh dù “kín” hay “hở” thì cũng là hành động được nuôi dưỡng âm ỉ từ trong lòng. Nói vậy để chúng ta “công bằng” hơn với diễn viên Yến Vi trước kia, để chúng ta có một chút bình tĩnh hơn qua sự “hào phóng” của “dư luận” với Thùy Linh bậy giờ. Sở dĩ phải nói đến động cơ ý thức để xem đó như là một “lời giải” cho những biểu hiện lệch lạc trong lời nói và hành động thường ngày. Một người lúc nào cũng nuôi ý định trộm cắp thì sớm muộn gì cũng phạm tội trộm cắp. Nếu ai xem đoạn băng “5 phút” của Thùy Linh thì sẽ nghe rõ câu nói: “Anh đưa em lên web nhé!”. Cái ý thức “đưa lên web” ấy đã được nuôi dưỡng trong ý thức thì có hay không có mấy “kẻ vô tâm”, “truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” cũng vậy, sớm muộn gì thì chuyện “lên web” cũng thành hiện thực. Đó cũng là một “mốt” mới: “khoe”, “show hàng” mà nhiều bạn trẻ đang muốn “khẳng định” mình. Theo ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng, "hung thủ" thực sự phát tán phim sex vẫn ngoài vòng pháp luật, vì nguồn phát tán đầu tiên là từ một server ở nước ngoài.
Điều đáng nói, sự bênh vực thiếu cân nhắc của dư luận, có thể có ý nghĩa nào đó với đời sống riêng Thùy Linh, nhưng hệ quả tác động rộng lớn vào giới trẻ nói chung sẽ không lường hết được. Chúng ta bênh vực, không phải chỉ để chứng minh sự “nhân từ”, “độ lượng” hay hiểu biết tâm lý giới tính riêng của mình mà chúng ta phải để ý đến hiệu ứng xã hội của vấn đề. Bởi từ nay, rất có thể “giới trẻ” chỉ cần “kín đáo”, không “lên web” là đủ… còn thì “chuyện ấy”… vô tư.
Chúng ta vẫn chưa bóc tách vấn đề tình dục thuộc phạm trù văn hóa hay đạo đức nên nhiều lúc nó trở nên “khó nói” và “nhạy cảm”. Nói đến văn hóa thì xem nó phù hợp hay không, còn nói đến đạo đức thì cần phải phân biệt tốt hay xấu. Chỉ cần nhìn một đứa trẻ “thủ dâm” thì người lớn đã có những suy nghĩ “xấu” về hành động của trẻ, thậm chí lên án, khiến trẻ rơi vào “sợ hãi”, “mặc cảm tội lỗi” vì bị phát hiện... Như vậy cách nhìn nhận của chúng ta về vấn đề tình dục thường có xu hướng “đạo đức”. Tâm lý đó còn ăn sâu vào tiềm thức chúng ta, vào cách dạy con của chúng ta, trong khi việc giáo dục giới tính ở nhà trường vẫn chưa sâu rộng và chưa có nhiều những áp dụng phù hợp với văn hóa truyền thống thì cái “chuyện ấy” được đóng thành “phim” sao có thể là “bình thường”, là “riêng tư” được. Riêng tư trong đời sống vợ chồng và riêng tư của các cặp tình nhân, chưa có giá thú, hôn nhân ràng buộc là không thể đồng nhất.
Đối với con trẻ, giáo dục xã hội và giáo dục gia đình phải song hành với nhau. Tình dục bản thân nó không thể nói là tốt hay xấu, tốt hay xấu còn tùy vào động cơ của mỗi người có trong sáng hay không. Thế nên, nếu chúng ta có bàn luận về nó thì hãy đứng đúng vào diễn đàn “người lớn” của chúng ta, bởi không khéo, vô tình chúng ta sẽ “vẽ đường cho hươu chạy”. Trước khi bàn về vấn đề tình dục trước tuổi, trước hôn nhân, chúng ta có nên nghĩ rằng chúng ta đang bàn cho ai, xuất phát từ động cơ nào và vì mục đích gì?

Nguyễn Ngọc Quý

"SCANDAL" THÙY LINH: TƯƠNG QUAN NHÂN QUẢ


Mấy tuần qua, trong thế giới mạng, với một cộng đồng mà tuổi tác, giới tính không có ranh giới đã “không bình yên” về đời sống “riêng tư” của diễn viên Thùy Linh (Vàng Anh), 19 tuổi - thần tượng tuổi teen. Những thông tin trái chiều nhau liên tục được đăng tải. Có người giận, có người buồn đến xót xa, có người cảm thông và tha thứ. Nhưng đằng sau “lối sống” của Thùy Linh, đã cảnh báo điều gì cho vấn đề giáo dục của xã hội và gia đình?

Giáo dục xã hội
Cách bước vào thế giới “người lớn” của Thùy Linh, ở tuổi mới trưởng thành có độ chênh khá lớn trong nhận thức. Có người nói: “Con trẻ có cách nghĩ riêng của nó. Và chúng ta phải biết điều chỉnh đế con trẻ hiểu thế giới này luôn luôn tốt đẹp. Đến lúc con trẻ trưởng thành hơn trong nhận thức và có thể tự bảo vệ được mình thì chúng ta phải có trách nhiệm chỉ ra cho chúng thấy: thế giới này không chỉ có một màu hồng”.
Nhưng chưa bao giờ xã hội phải chứng kiến sự bùng vỡ của thông tin như hiện nay. Tất cả những chuyện tiêu cực của đời sống như: tham nhũng, trộm cướp, giết người, hiếp dâm, nghiện hút hay đến việc làm thế nào để thỏa mãn "chuyện ấy" (“3 cách” hay “7 cách”)… đều có thể được phơi bày một cách hiển nhiên trên mặt báo. Và báo chí cố gắng khai thác những thông tin “nóng” này để tăng số lượng phát hành. Trong khi đó, chương trình giáo dục đạo đức lối sống trong nhà trường thì vẫn gần như chưa bước chân ra khỏi giáo dục thời “bao cấp”: nhồi nhét và áp đặt. Còn vấn đề “giáo dục giới tính” thì vẫn đang được “thử nghiệm”, và cũng đã hơn mấy năm rồi, nhưng kết quả ra sao… thì… “còn chờ”... Qua dư luận, chứ không phải qua những “điều tra xã hội học” thì ở lĩnh vực giáo dục đạo đức lối sống, chúng ta còn tụt hậu hơn so với thời phong kiến.
Nói gì thì nói, bài học chỉ là bài học. Cách giáo dục hiệu quả nhất vẫn là lối sống làm gương của người lớn. Miệng nói tốt, nói hay mà lối sống không tốt không hay thì sẽ gây ra hiệu ứng ngược, thậm chí là dẫn đến tình trạng “kháng thuốc” trong cách nghĩ của con trẻ. Chúng ta - những người lớn tự cho mình cái quyền nói và làm những việc chúng ta cho là “đúng”, nhiều lúc vô tình đã bỏ qua những xúc cảm, tình cảm của con trẻ, vậy thì con trẻ biết tin vào đâu mà sống?Cuộc sống là tương quan, tương duyên. Không nên nghĩ rằng những lời nói và việc làm dù nhỏ của mình là không ảnh hưởng đến ai, là “chuyện nhỏ”. Đạo Phật đã dạy, lỗi nhỏ mà không khéo điều chỉnh sẽ thành lỗi lớn, và ví dụ nó giống như: một giọt nước tuy nhỏ nhưng chảy lâu thì cũng có thể làm thủng cái cối đá. Nếu đã phạm lỗi thì nên từ bỏ lỗi trước không cho tái phạm và ngăn ngừa lỗi sau không cho phát sinh.
Thế nhưng qua thông tin, chúng ta nhận ra chúng ta “nói dối” với con trẻ nhiều quá, chúng ta hành động làm tổn thương tâm hồn con trẻ nhiều quá. Đã đến lúc người lớn ý thức nhiều hơn về lời nói, hành động của mình trước cộng đồng. Bởi trong chừng mực nào đó, những người làm công tác giáo dục vẫn chưa tìm được lối ra cho bài học đạo đức: không có điểm tựa, không có bản sắc và quan trọng hơn là thiếu trách nhiệm và niềm đam mê. Phải chăng có giai đoạn nhận thức, chúng ta đã vô tình “hất nước” (bài phong kiến” và “hất luôn đứa trẻ” (những chuẩn giá trị đạo đức, những bài học cơ bản làm người của xã hội phong kiến), nên bây giờ chúng ta không biết lấy gì để làm chuẩn giá trị.
Trong khi chúng ta đang mò mẫm đi tìm bản sắc và điểm tựa cho tinh thần, tâm linh của mình thì xã hội lại ồ ạt những biểu hiện “mất giá”. Những giá trị “thật” và những giá trị “ảo” làm cho con người không còn đủ bình tĩnh để nhìn nhận. Thực ra ở xã hội phương Tây, tình trạng này đã xảy ra từ rất lâu, và người ta đã nhận được những bài học đắt giá cho vấn đề này. Châu Âu và phương Tây có lúc đã phải đưa ra những khái niệm tổng quát về xã hội của mình như: “Bất tín nhận thức”, “Cái chết của châu Âu”, “Sự giãy chết của Chúa”… Và nhiều người đã tìm kiếm cách thoát ly vào các nẻo đường khác nhau: tình dục, bạo lực, tôn giáo cực đoan.
“Mất giá”, chúng ta hãy nhìn vào những sự kiện “mất giá” hàng ngày. Con cháu chúng ta phải chứng kiến những sự “mất giá” quá lớn trong đạo đức làm người. Những vụ án tham nhũng lớn có liên quan đến những cán bộ cao cấp của nhà nước, những vũ trường, nhà hàng, khách sạn ăn chơi được bảo kê, những vụ án cuớp của, hiếp dâm... nhan nhản trên các mặt báo và thường trực trong cuộc sống hàng ngày. Tất cả điều đó đã vô tình hay cố ý tác động không nhỏ đến hành vi nhận thức của con trẻ. Chính con tôi, 17 tuổi, khi nghe bạn bè nói về cụ “scandal Thùy Linh”, đã tỏ ra rất dửng dưng: “Chuyện bình thường thôi mà, đó là riêng tư của người ta, có gì đâu mà phải ầm ĩ”. Nhưng sau lời nói đó, tôi nhận ra đó không phải là sự cảm thông mà là sự dửng dưng là “chuyện bình thường” đến thảng thốt. Điều gì đã khiến con tôi nghĩ rằng đó là “chuyện bình thường”?
Giáo dục gia đình
Tôi nói với con tôi rằng, mọi chuyện trong cuộc sống vốn dĩ rất bình thường, người ta chỉ sợ một ngày nào đó sẽ bất thường và rồi trở nên tầm thường thôi. Nhưng lúc chúng ta làm việc gì lầm lỗi thì điều đầu tiên là phải hổ thẹn và biết lỗi. Biết hổ thẹn là đức tính đáng quý, làm chúng ta trưởng thành hơn.
Và sau những điều tôi nói với con, tôi mới hiểu ra, bấy lâu mình nghĩ rằng mình hiểu con, nhưng thực ra tôi chưa hiểu gì nhiều về con tôi cả.Cha mẹ ngày càng không hiểu con mình đang nghĩ gì và sắp làm gì. Đó là một thực tế. Bởi nhiều bậc cha mẹ qua miệng “nói dối có nghề” của con, cứ tin rằng con mình chăm ngoan và mình vẫn đang kiểm soát được con, nhưng đến ngày nhận được những thông tin không tốt về con mình mới “vỡ lẽ”: không ngờ con mình lại có thể làm những chuyện như vậy.
“Chuyện như vậy” là chuyện gì? Đó là những chuyện mà không ai cho là phải. Nhưng “chuyện như vậy” đã được người lớn hàng ngày, qua lời nói và hành động của mình, tưới tẩm cho nó phát triển. Câu nói: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” chỉ để bào chữa cho những bậc cha mẹ ăn ở khá tốt nhưng lại có con hư. Còn thì phần nhiều do con cái học từ người lớn, gần là từ ông bà, cha mẹ, anh chị, xa là bạn bè, thầy cô, xã hội…
Cha mẹ là tấm gương phản chiếu lên con cái. Bởi vậy nếu cha mẹ có những biểu hiện lệch lạc trong lối sống: tham tiền, không chung thủy, hay cãi nhau, nói dối, cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, trộm cắp, sống bất nhẫn, không hiếu kính ông bà, tàn nhẫn với anh em, người dưới… thì sức đề kháng của con trẻ với những chuyện đó rất yếu. Đến một lúc, hậu quả đổ lên gia đình, thì nhiều bậc cha mẹ phải nhận những lời hờn trách của con: “Cha mẹ đã dạy tôi làm như vậy đó. Các người chỉ biết mải kiềm tiền, mải hưởng thụ, ích kỷ lo cho riêng mình. Có ai nghĩ đến tôi đâu”. Có vân vân và vân vân những lời hờn trách có nguyên nhân như vậy từ con cháu chúng ta.
Vậy nên không phải ngẫu nhiên mà người xưa khái quát: “Cha mẹ hiền lành “để đức” cho con”. Muốn hiểu con mình, chúng ta không chỉ quan tâm, chăm sóc, khuyến khích học tập, giáo dục tình thương yêu, giáo dục ý thức tự bảo vệ… cho con mà chính chúng ta hàng ngày phải ý thức điều chỉnh lời nói, hành vi của mình. Có như vậy, những tổn thương về thể xác, tâm hồn mới ít đi trong gia đình và những nỗi đau, sự tuyệt vọng, những hậu quả đáng tiếc mới vơi dần đi trong xã hội.
Thế giới chung quanh chúng ta, từ trong gia đình đến ngoài xã hội sẽ đẹp hơn, người hơn khi nào chúng ta hiểu rằng, chúng ta là những tương quan nhân quả của nhau. Nỗi đau, sự bẽ bàng của người này cũng là nỗi đau và sự bẽ bàng của tất cả chúng ta. Đừng đổ hết trách nhiệm đạo đức lên trên “scandal” của một cô bé. Thùy Linh, không chỉ trực tiếp là nạn nhân của chính lối sống có phần buông thả của mình mà còn gián tiếp là nạn nhân của chính lời nói việc làm hàng ngày của chúng ta. Ở vụ việc này, chúng ta nên nghiêm túc nhưng cũng nên rộng lượng hơn trong cách nhìn của mình.

Sơn Hà

SỐNG VỚI CHỮ


Sống với chữ. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó là dụng tâm của biết bao đời người xưa. Sống với chữ không ở trong phạm vi biết chữ, có học vấn hay không. Bởi có một số người học vấn cao mà không sống với chữ, nhưng có người không biết chữ mà vẫn hàng ngày sống với chữ…

Một chữ luôn luôn có hai mặt danh và nghĩa. Danh là hình thức của chữ và nghĩa là nội dung của chữ. Chuyện chữ nghĩa ám ảnh người xưa ghê gớm lắm, chính vì thế họ không chỉ học chữ để có kiến thức, tri thức mà họ học chữ còn để tôn thờ chữ, sống chết với chữ. Chữ là chữ của hiền thánh nên bao giờ cũng đẹp, cũng thiêng. Người biết chữ ngày trước ra đường nhìn thấy chữ trên một tờ giấy rách cũng cẩn thận nhặt lấy, đem về cất vào thư phòng. Người xưa quan niệm rằng không chỉ “văn” là người mà “chữ” cũng là người. Chữ không rời văn, văn không rời chữ. Nội dung của chữ càng hay thì hình thức của chữ càng phải được chăm chút cho đẹp. Nên chữ được viết ra không chỉ để ngắm mà còn để xét đến huyền cơ, thông với trời, cảm đến quỷ thần.
Mỗi khi xuân về, tết đến, đặc biệt trong thời khắc giao thừa, người xưa thường viết chữ mà mình tâm đắc để sống trọn vẹn với chữ đó trong một năm, nhưng cũng có người sống theo chữ đó đến suốt đời. Việc viết chữ mở đầu cho một năm diễn ra rất thiêng liêng, trang trọng, nên người ta thường dùng những từ như “vận bút”, “thảo bút”, “khai bút”… để nói đến hành động của người viết. Người được xếp vào hàng trí thức, quân tử là người phải biết thờ một chữ, biết sống với một chữ trong đời, hoặc là chữ “tâm”, chữ “đức”, chữ “nhân”, hoặc là chữ “trí”, chữ “từ”, chữ “hiếu”, chữ “nhẫn”, chữ “dũng”, chữ “liêm”…
Chữ nào cũng có nghĩa sống của nó, nhưng người xưa chú trọng đến những chữ làm cho tâm sáng, trí tỏ, đức tốt. Mỗi chữ ứng với tâm thể và có “duyên” với mỗi người, nên họ rất cân nhắc khi cho chữ, tặng chữ, ban chữ. Có người đi mua chữ về treo để khoe danh, khoe học vấn kỳ thực người đó không biết sống với chữ, biết thờ chữ, bởi hàng ngày họ ứng xử rất tệ với người thân, với hàng xóm chung quanh. Nhưng cũng có người “bán chữ” gặp được tri âm, tri kỷ, họ có thể tặng chữ mà không để ý đến việc người kia có học vấn, địa vị, tài ba đến đâu. Có người là nông dân chân chất hiền lành được người bán chữ tặng cho chữ “hiếu”, “nhân”, “tín”, “nghĩa”… Có kia mũ cao, áo dài đi mua chữ, không những người viết không bán mà còn bị ném theo những chữ “ưng”, “khuyển”. Thế mới biết cái giá của chữ là không thể như nhau. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người treo chữ “hiếu” trong nhà mà đối xử tệ bạc với cha mẹ; người treo chữ “tín” mà bất nghĩa với bạn bè…?
Nếu người trí thức mà không biết sống trọn vẹn với một chữ thiêng liêng, hướng thiện trong đời thì người đó mới chỉ là “trí thức một nửa”, có nghĩa rằng họ đang chăm chỉ “cóp nhặt” kiến thức, tri thức chứ họ chưa bước vào địa vị thực sự của người trí thức. Những kiến thức, tri thức ấy dù có được “cóp nhặp” và vun thành một đống cao như thế nào cũng chỉ dừng ở mức “đa văn”. Nhà Phật thường ví hai từ “đa văn” đồng mức với hai từ “chướng ngại”. Sở dĩ chướng ngại vì cái tri thức, kiến thức ấy chỉ dùng để tranh luận hơn thua, biện bác đúng sai, phục vụ cho sự thỏa mãn của bản ngã hiếu danh, hiếu lợi và nhiều khi còn gây nguy hiểm cho con người.
Không có ai bước vào địa vị cao khiết mà lại không có một chữ để sống cho đến hết cuộc đời. Điều đó cho ta thấy kiến thức và tri thức chỉ là một điều kiện để làm nên trí thức. Kiến thức và tri thức có thể tạo ra “cái tài” nhưng không thể tạo ra “cái tâm” cho con người. Người không có “tài” vẫn sống hạnh phúc với “cái tâm”. Người có “tài” mà không có “tâm” thì thường bị danh lợi dẫn dắt, khó có thể có một đời sống bình yên. Trong cuộc sống, “danh lợi” là hai cái mà làm cho con người đố kỵ và thù ghét nhau nhiều nhất. Chính vì thế người xưa không nói “tạo hóa đố tâm” mà nói “tạo vật đố tài”. Người xưa ví von chuyện “tạo hóa” là để nói chuyện “con người”. Bởi dù có thế nào đi nữa thì “nước xa” cũng không thể chữa được “lửa gần”. “Trời” không thể cứu người được nếu “tâm” làm người không có. Chẳng vậy mà Nguyễn Du không ngần ngại đúc kết rằng: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Ông đồ xưa mất đi phản ánh sự suy tàn của “phong kiến”, nhưng sao không ít người thời nay vẫn cứ ngậm ngùi. Lịch sử cuộc sống cứ luôn luôn phải đi lên, tại sao lịch sử của phím đàn cứ phải nhắc mãi âm “đồ”. Có người đặt câu hỏi: “Phải chăng tiến bộ là một bi kịch của con người?”.
Ai có thể trả lời câu hỏi này? Không biết: “Bất thức”! Nhìn những ông đồ “giả” thời @ (a còng) bày bán “thư pháp” và nhìn những người ra kẻ vào mua chữ về treo, lòng cũng ấm lên đôi chút. Nhưng biết có còn ai hiểu chữ, thờ chữ và sống trọn vẹn với chữ, trong khi xã hội bằng cấp ngày một nhiều và ai cũng có thể hãnh diện “tự xưng” mình là trí thức?

Mai Thị Hoàn

NHỮNG BƯỚC CHÂN HOA


Một buổi sớm mai thức giấc, thật lạ lùng, có điều gì đó xảy ra khiến con cảm thấy con không còn là con nữa. Và trong khoảnh khắc ấy, con thấy mình trở thành một chú bướm bay theo những bước chân hoa. Và con đã được trở về…

Đức Như Lai - Người đã đến bên con vào những ngày con còn thơ ấu. Con được ngủ vùi trong lòng ngoại, trong vòng tay mẹ mà không cần một cố gắng nào. Sung sướng và thanh bình, trong giấc mơ, con thấy những chú vẹt màu xanh, những tia nắng lung linh, những bông hoa nhiều màu rực rỡ… Như Lai đang đến bên con, còn con cứ mải chơi đùa, đuổi theo đàn bướm trong tiếng cười giòn khúc khích. Nhưng con vẫn không quên ngoái lại để nhìn Người, một Người lạ nhất nhưng không làm con e sợ. Người nhìn con mỉm cười. Nụ cười ấy như được nở ra trên toàn thân Như Lai. Và mỗi bước người đi là một bông hoa nở… Con cảm thấy rất hiếu kỳ, nhưng con còn mải đuổi theo những chú bướm, quanh quẩn một hồi, con chạy đụng cả đầu vào Người. Người đỡ con lên, nhìn con âu yếm, gật đầu thật nhẹ, rồi đưa cho con một chiếc lá và nói: “Con hãy viết những điều nguyện cầu của con lên đây, bất kể khi nào, ta sẽ lắng nghe điều nguyện cầu của con…”. Có lẽ đây là điều diệu kỳ nhất mà một đứa trẻ như con có được…
Sau giấc mơ đó, con thường hay viết những điều tâm sự, nhiều hơn là những điều nguyện cầu, có lúc con viết kín chiếc lá bằng những chữ nhỏ li ti, bởi con tin dù viết nhỏ thế nào Người cũng đọc được. Con viết mong cho nội ngoại được khỏe mạnh, ba mẹ thương yêu nhau và thương con nhiều hơn. Con viết cho bạn bè và con viết cho con, rằng mọi người sẽ dễ dàng tha thứ cho nhau, rằng lớn lên con sẽ làm cô giáo… Mỗi khi viết xong, con thả chiếc lá xuống dòng nước và mê mải nhìn nó trôi đi…
Một ngày kia con trở thành thiếu nữ, và những điều con viết trên lá mỗi lúc một nhiều tâm sự, mỗi lúc một cô đơn, trống vắng, xen lẫn những buồn bã, đôi khi là thất vọng… Có lúc con vừa khóc vừa viết để hỏi Người rằng tại sao ngoại con lại mất!? Tại sao ba mẹ con không còn thương yêu nhau nhiều như trước nữa!? Tại sao con cứ phải lớn lên và buồn phiền với những chuyện quanh mình!?...Những chiếc lá cứ trôi đi và chìm xuống ở đâu đó, nhưng con tin Người vẫn lắng nghe con.
Như Lai chưa một lần phân tích, chứng minh và không than phiền với con một điều nào, rằng thế này mới là đúng, thế kia là sai. Như Lai không bao giờ làm xáo trộn những dòng chữ cô đơn trong blog của con. Như Lai để dành sự cô đơn cho chính con trả lời. Những cú điện thoại và những câu chuyện vui buồn tiếp nối nhau trong cuộc sống của con, Như Lai cũng không can thiệp gì. Người vẫn yên lặng nhận những điều con viết trên lá. Mười mấy năm nay, con và Người vẫn cứ truyền tin cho nhau như thế mà không có bất kỳ một thông dịch nào, ngay cả khi con lỡ viết một từ tiếng Anh vào đó. Con chỉ biết rằng, lúc nào con yên lặng thì con thấy mình lắng nghe được nhiều hơn.
Một buổi sáng, con thấy hai đứa trẻ đang nghịch cát, con đến gần, chúng nhìn con ngần ngại, nhưng khi con không còn cảm giác nghịch cát là bẩn thì chúng chơi với con rất tự nhiên. Bất ngờ có một cánh tay lôi mạnh một đứa trẻ về: “Sao lại nghịch bẩn thế này. Mẹ cấm con không được bắt chước nó nữa nha”. Đứa trẻ còn lại vẫn yên lặng nghịch cát, sự yên lặng đến lầm lì của nó khiến con phân vân. Con nói với nó: “Chị chơi với em nha!”. Đứa trẻ chỉ khẽ gật đầu. Có lẽ con không phải là đối tượng để nó có thể hòa mình vui chơi, bởi một nửa sự sống động và thích thú của nó đã bị kéo đi. Nó chỉ chơi với con một lúc và phủi tay đứng dậy đi về, bỏ lại sự yên ắng quá đột ngột với con, mặc dù đường phố vẫn đông đúc người xe qua lại. Khi về đến nhà, con nghĩ, tất cả mọi năng lực của đứa trẻ và kể cả của con dồn cho một trò chơi hay một niềm tin đều là vì tình yêu với điều đó, không dơ sạch, và con không thể cố chứng minh điều đó là đúng hay sai được… Mười mấy năm qua, sự yên lặng của Đức Như Lai đã dạy con như thế.
Có lần, con đọc một đoạn kinh: “Vào mỗi buổi sáng sớm, Người mặc trang phục, khoác áo cà sa, cầm bình bát đi vào thành khất thực. Khi trở về, thọ trai xong, Người tự tay xếp dọn y bát, rửa chân và ngồi lên chiếc bồ đoàn, hai chân xếp chéo, thân ngay thẳng, mắt chăm chú nhìn về phía trước…”. Đọc xong, con hình dung thấy Người ôm bình bát, đôi chân trần bước đi trong nắng mai ấm áp, với những tiếng chim hót líu lo quanh mình…, và dĩ nhiên có cả con chạy theo để ngắm nhìn Người nữa. Hình ảnh của Người đẹp như vậy, nhưng sao con kìm lòng không được. Đêm hôm đó, con đã chọn chiếc lá lành nhất và đẹp nhất mà con có được để viết về Người. Nhưng hôm sau, con lại ép nó vào trong tập và chỉ gửi đi một chiếc lá bình thường với đúng một từ “con” với ba chấm bỏ lửng. Con rất muốn khoe với Người rằng con đã biết yêu, nhưng con nghĩ rằng con vẫn chưa đủ thùy mị và dịu dàng như một người con gái.
Đức Như Lai chưa từng nói một điều gì. Phải chăng đó mới đích thực là tụng ca của tình yêu? Nếu Đức Như Lai không nói vậy, sẽ có người bắt chước lời nói của Người, cử chỉ của Người… Đức Như Lai không muốn thấy mọi người mất tự do. Không biết con hiểu như vậy có sai không, nhưng những khi trong con mọi mục đích đều trống rỗng, con lại thấy hình ảnh Đức Như Lai qua lời kinh: “Vào mỗi buổi sáng, Người mặc trang phục, khoác áo cà sa, cầm bình đi vào thành khất thực…”…Vào một ngày đẹp trời, con lại gửi đến Người một chiếc lá, con kể rằng, ba mẹ con đã lại thương nhau, và chỉ khi ba mẹ con thương nhau, con mới đủ can đảm để nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình.Nhìn những bước chân hoa của Người, con hiểu: hãy biết yêu thương dù chỉ một người… Rằng trong tình yêu, Đức Như Lai đã đến…

Nguyễn Phương Anh

ĐÊM DÀI VỚI NGƯỜI THỨC


Với đời sống kinh tế ổn định, nhiều bậc ông bà, cha mẹ không tham gia vào một công việc cụ thể, nhưng vẫn xem việc “ăn hiền ở lành” như là một yếu tố quan trọng để làm gương, tạo dựng hạnh phúc và “để đức” cho con cháu. Họ là những người cầm cân nảy mực, giữ vai trò thăng bằng cho các thành viên, đem đến sự êm ấm và gàn gắn những điều đã đổ vỡ trong gia đình…

Trong cuộc sống, gần như không ai muốn trở thành gánh nặng cho mọi người, nên bằng cách này hay cách khác mỗi người đều có một “cái gánh” trên vai. Cái gánh đó không nặng như “gánh non sông”, “gánh cương thường” mà văn chương vẫn hay nhắc tới. Cái gánh đó gắn liền với đời sống thường nhật, và nó trở nên nặng hay nhẹ tuỳ thuộc vào thể trạng của mỗi cá nhân. Lúc còn trẻ khỏe, trí tuệ còn minh mẫn thì gánh nặng không phải là vấn đề đối với người gánh. Nhưng cũng một cái gánh ấy, lúc sức khỏe thể chất và tinh thần không đủ thì nó trở thành một cực hình cho người gánh. Và dĩ nhiên, cái gánh ấy trở thành gánh nặng.
Một người với mức lương trung bình khá chỉ đủ để chi tiêu cho những nhu cầu tối thiểu hàng ngày, bất ngờ một trong những yếu tố như bệnh tật, tai nạn… xảy đến, người đó có thể trở thành “gánh nặng” cho chính mình và cho người chung quanh. Một người với thu nhập vừa đủ để nuôi bản thân mình và một người con, nhưng vẫn tiếp tục sinh thêm một, hai người con nữa, thì lúc đó gánh nặng cũng sẽ hình thành… Như vậy có nhiều những yếu tố chủ quan và khách quan đang hàng ngày tạo nên gánh nặng và sự mất cân đối cho người gánh. Điều này càng trở nên phổ biến trong xã hội “hiện đại”.
Gánh nặng về vật chất không được giải quyết ổn thỏa sẽ nhanh chóng gây áp lực lên tinh thần, và ngược lại… Tuy nhiên, áp lực ấy đôi khi cũng cần thiết để tạo lực thúc đẩy cho quá trình “gánh”, và nếu hợp lý người gánh có thể điều chỉnh được lực gánh của mình. Nhưng nhiều lúc áp lực ấy xảy đến quá nhanh và thường xuyên, khiến người gánh lâm vào tình trạng mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần. Và có nhiều người vì muốn giảm bớt áp lực đã bất chấp diễn trình nhân quả, thực hiện những hành vi “gánh” một cách tiêu cực như gian lận, tham ô, trộm cướp, tư lợi… Như vậy gánh nặng ấy mỗi lúc một tạo ra cái vòng luẩn quẩn cho cá nhân: vừa làm cho cái gánh này nhẹ đi thì lại ghé vai vào một cái gánh nặng hơn, hậu quả nhiều hơn.
Nhận thức được giá trị và trách nhiệm của bản thân, mỗi cá nhân có thể tự điều chỉnh nhằm giảm bớt gánh nặng cho chính mình và gia đình. Đó là một trong những biểu hiện của hành vi đạo đức, xuất phát từ lòng trắc ẩn về sự tồn tại có ích của bản thân mình. Bất cứ một áp lực nào về thể chất và tinh thần đều có thể tạo ra một gánh nặng. Giảm áp là một trong những yếu tố cần thiết của quá trình tự điều chỉnh. Điều chỉnh về nhu cầu và các quy tắc ứng xử để có một đời sống hài hòa là một phần trong tiến trình giảm áp. Trong tiến trình ấy, biết đủ là một nguyên tắc đạo đức căn bản để tạo ra niềm vui và sự hạnh phúc. Nếu không biết đủ thì dù có một địa vị cao, một mức lương chót vót, người đó cũng đang tự tạo gánh nặng cho bản thân, thậm chí gánh nặng ấy có nguy cơ làm cho người đó qụy ngã và không thể đứng dậy được.
Bà H. là nhà giáo về hưu, làm phong bì thuê, khi được hỏi về công việc đã trả lời: “Phải làm một việc gì đó cho khuây khỏa, để con cháu thấy mình vẫn có ích, và quan trọng là không để mình trở thành gánh nặng cho con”. Anh T., một thanh niên thất nghiệp đã nỗ lực tìm được một việc làm, dù với đồng lương thấp nhưng vẫn vui vì đã có thể bớt phần nào gánh nặng cho gia đình. Ông V. 70 tuổi, vẫn hôm sớm chạy xe ôm cho biết: “Còn sức khỏe, gắng chạy xe để thêm một phần sữa cho cháu. Cha mẹ nó không phải lo cho mình nhiều thì sẽ có nhiều điều kiện để chăm con tốt hơn”…
Với đời sống kinh tế ổn định, nhiều bậc ông bà, cha mẹ không tham gia vào một công việc cụ thể, nhưng vẫn xem việc “ăn hiền ở lành” như là một yếu tố quan trọng để làm gương, tạo dựng hạnh phúc và “để đức” cho con cháu. Họ là những người cầm cân nảy mực, giữ vai trò thăng bằng cho các thành viên, đem đến sự êm ấm và gàn gắn những điều đã đổ vỡ trong gia đình. Chính nhận thức “để đức” bằng hành vi “ăn hiền ở lành” đã giúp bình ổn được những giá trị tinh thần cơ bản. Người làm lành mà thấy vui chính là người không những không tạo gánh nặng cho mình mà còn có thể chia bớt gánh nặng tinh thần cho người khác.
Trách nhiệm của người gánh chính là tạo nên một động cơ tốt cho hành động gánh. Động cơ tốt ấy cũng là một trong những điều kiện thuyết phục để người khác có thể chia bớt phần nào gánh nặng cho mình. “Đêm dài với người thức, đường xa với kẻ mệt” là một ẩn dụ mà Đức Phật đã nói đến. Nếu mỗi người phải “gánh” trong một trạng thái tiêu cực, gồng người, mệt mỏi thì con đường đi đến niềm vui và hạnh phúc càng trở nên xa vời. Tuy nhiên, ở vào hoàn cảnh nhất định, mỗi người đều có thể “gánh nặng”. Câu trả lời ở chỗ, bản thân mình đã từng san sẻ “gánh nặng” với người khác hay không.

Mai Thị Hoàn

RẰNG TÌNH YÊU SẼ ĐẾN...



Người con gái nào chưa biết yêu thì chưa biết khổ, chưa biết hạnh phúc. Tôi bật khóc một mình vì đã biết yêu: yêu chỉ để yêu. Một thế giới riêng của tôi thôi, cả vui và buồn nữa. Mấy ai nhận ra rằng mình biết yêu là vui. Bởi người ta thường nghĩ rằng yêu đơn phương là khổ…

Mỗi buổi sáng thức giấc, nhìn ban mai với những tia nắng ấm tươi, tôi lại nghĩ về một điều gì đó mới mẻ sẽ đến với tôi trong ngày. Hai người bạn già cùng nhau tản bộ. Một cô gái miệng cười tươi đưa nhẹ miếng bánh vào miệng bạn trai với đôi chân bước đi như có nhạc. Vui thật, đẹp thật. Tự nhiên và chẳng kiểu cách gì. Ai xui? Ai bảo?... Tình yêu là thế!Tôi đã biết yêu mất rồi. Người con gái nào chưa biết yêu thì chưa biết khổ, chưa biết hạnh phúc. Tôi bật khóc một mình vì đã biết yêu: yêu chỉ để yêu. Một thế giới riêng của tôi thôi, cả vui và buồn nữa. Mấy ai nhận ra rằng mình biết yêu là vui. Bởi người ta thường nghĩ rằng yêu đơn phương là khổ…
Tôi cũng phần nào cố gắng thoát ra khỏi “cái khổ” ấy. Người tôi yêu chẳng có gì liên quan đến sự xắp đặt và chọn lựa của tôi từ trước. Những kinh nghiệm từ điện ảnh, báo chí chẳng giúp gì được cho tình yêu của tôi, ngoài sự hối hả đến cuồng nhiệt của một người con gái phải tranh thủ để yêu, vì nghĩ rằng ngồi chờ là lỗi thời, tụt hậu…
Tôi phải tự hạn chế dư luận để kiên nhẫn. Có lúc, tôi rất tự tin rằng mình xinh xắn, dễ thương. Tôi thờ ơ trước mọi sự theo đuổi. Điều đó quá dễ. Dễ hơn cả việc tôi đứng trước mặt anh để đón nhận một nụ cười, một câu hỏi thăm đầy thiện cảm. Tôi vẫn nhận được điều đó mỗi lần giáp mặt anh… nhưng sao cứ vẫn xa xôi và cô đơn quá đỗi.
Bận bịu vì yêu và khốn khổ vì yêu, gần như thu hết năng lượng nữ tính của một người con gái. Với vẻ ngoài hình thể luôn nhạy cảm với bất cứ ánh mắt nào, người con gái thời @ với các danh xưng 8x, 9x… ngày một giống như những con công khoe sắc. Nhưng anh đối với tôi gần như chẳng có chút bận tâm nào. Trong lòng anh không có sóng hay đang chỉ là biểu hiện của những đợt sóng ngầm? Tôi cứ đặt câu hỏi, còn anh vẫn cứ như anh, nhẹ nhàng và chừng mực.
Duyên là năng lực của tình yêu. Duyên có quyền năng nhiều hơn cái đẹp. Càng như vậy tình yêu càng khó nắm bắt. Tôi và anh, ước gì từ kiếp nảo kiếp nao đã nhìn nhau và thương nhau thì hay biết mấy. Nhưng rất có thể anh cũng đang đơn độc như tôi. Đang dùng hết năng lượng nam tính của mình để theo đuổi một ai đó.
Một người trưởng thành thường nghĩ nhiều hơn là hỏi. Nếu có hỏi thì họ lại tự cho mình cái quyền trả lời ngay và phải trả lời theo cái điều họ thích. Có người phụ nữ nói vui rằng: Người phụ nữ sẽ không thể có một tình yêu thương thực sự khi không thông qua năng lực của một người đàn ông. Nghe có vẻ như đàn ông đang trở thành một thứ “cám dỗ” mới của xã hội, luôn khiến những người phụ nữ phải vội vã yêu, vội vã sở hữu và vội vã khổ.
Anh là một người nhiều trắc ẩn và “bao đồng” với cả những cục gạch nằm ngang trên đường. Một thiếu nữ ngang bướng, pha thêm một chút tự kiêu “đủ dùng” đã trở nên hiền dịu, ý tứ khi gặp anh, khi bắt đầu biết yêu sự nhẹ nhàng, chừng mực của anh. Và có lúc “đành hanh” nổi lên, người con gái đó còn muốn “sâu sắc” hơn cả anh mới lạ chứ.Một ngày kia, được bước đi bên anh, tôi mới hiểu mẹ đầy tràn trong trí nhớ của anh, Đức Phật từ bi đầy tràn trong cách nghĩ của anh. Tôi phải lắng nghe trong ganh tị, và mơ hồ nghĩ rằng không biết tôi có một chút nào trong ký ức của anh không? Câu hỏi thật ngớ ngẩn, nhưng tình yêu luôn thôi thúc những điều còn ngớ ngẩn hơn thế nữa. Cô đơn có phải là niềm hạnh phúc riêng biệt nào đó không?
Tôi có thể nhảy múa một cách sôi động, có thể gào thét thật to với những thứ tình yêu cay đắng trên màn hình karaoke. Nhưng mỗi lúc đi bên anh tôi lại thấy mình được bảo vệ, được kiểm soát. Tôi cần anh, và lúc nào cũng như thế, nụ cười ấy, phẩm chất ấy luôn nhẹ nhàng, chừng mực, bao dung, để tôi không khi nào mất đi những cảm giác an toàn.Nhưng tôi sợ khoảng cách, khoảng cách về tâm thức, về cái duyên mà tôi hình dung mình chưa có với anh. Tôi phải cố gắng rút ngắn khoảng cách ấy. Và bất cứ cử chỉ vội vàng nào lúc này cũng có thể là thất bại. Và rồi có lúc tôi nghĩ: hay là mình phải đi tìm một người bạn mới, có thể tôi sẽ yêu và lấy người đó. Nhưng tôi lại sợ lúc ấy tôi sẽ không còn được làm bạn với anh và tôi sẽ không còn là tôi nữa. Tôi muốn nói thật nhiều với anh, rằng anh đừng chừng mực và đừng “một mình” mãi như thế. Nhưng tôi thấy mình thật tức cười. Tôi nghĩ rằng anh đang “một mình” sao?
Và rồi tôi nghĩ… tại sao người con gái khi yêu lại phải nghĩ nhiều như thế? Tôi phải chống đối lại anh, phải làm ra những hành động, cử chỉ để khiến anh bực tức. Nhưng không hiểu sao tôi không thể làm được. Tôi đã thương cả sự nhẹ nhàng, chừng mực của anh và tôi không muốn anh bị tổn thương.
“Mẹ ơi! Có bao giờ mẹ làm cho ba cảm thấy cô đơn không?”. Mẹ chỉ mỉm cười trước câu hỏi của tôi. Mẹ buộc tôi phải đi tìm câu trả lời. Tôi đoán rằng “không”, nhưng bất ngờ đến chiều mẹ nói với tôi: “Con gái của mẹ khờ lắm. Ba con phải cô đơn thì ba con mới yêu mẹ. Nhưng con đừng hiểu cô đơn là buồn nhé”.
Tình yêu ơi! Đức Thế Tôn khi còn là một người chồng đã rời bỏ vợ đẹp, con thơ trong một đêm trường, để thực hành con đường “cô đơn”. Và sáng mai Gia Du Đà La thức giấc sẽ khóc hết nước mắt khi không thấy Người: thấy người mình yêu, thấy chồng mình.Đức Thế Tôn muốn Gia Du Đà La “trưởng thành” với tình yêu của mình. Nên Đức Thế Tôn chỉ yên lặng. Chỉ cần Đức Thế Tôn có thể yên lặng trong định tỉnh thì Gia Du Đà La sẽ thôi không khóc. Cho đến khi Đức Thế Tôn về nhà. Cho đến khi Gia Du Đà La đến bên ôm chân Người với giọt nước mắt trong veo lăn dài trên má. Tình yêu của Đức Thế Tôn không bao giờ ngưng hiện diện. Tình yêu ấy càng rộng lớn hơn trong sự định tỉnh của Ngài.
Cho đến một ngày, anh điện thoại và nói với tôi: “Anh đang nhớ về em đây!”. Tôi rất muốn hỏi ngay rằng anh đã nhớ tôi như thế nào, nhưng nói ra thì “vô duyên” quá. Và chỉ một câu nói của anh: “Không hiểu sao càng yên lặng thì anh càng nhớ em. Em cũng thế, hãy yên lặng nhiều hơn để nhớ anh em nhé!”, giọt nước mắt của tôi lần đầu tiên chảy ra trong và tinh khiết đến như thế.Tình yêu của Đức Thế Tôn! Tình yêu của biết bao con người! Đến đây tôi mới hiểu, hãy cứ biết yêu đi, rằng tình yêu sẽ đến…

Nguyễn Phương Anh

TRẺ VỊ THÀNH NIÊN NẠO PHÁ THAI VÀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH


Theo thống kê, Việt Nam thuộc những nước đứng đầu trên thế giới về tỉ lệ nạo phá thai, mà trẻ vị thanh niên nạo phá thai chiếm tỉ lệ % cao. Đây là điều rất đáng suy nghĩ, bởi tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên luôn đi cùng với tình trạng tình dục sớm, tình dục không an toàn...

Lâu nay, đã có nhiều giải pháp khác nhau cho vấn đề trên, cụ thể là một số nơi đã khởi động việc áp dụng “giáo dục giới tính” vào học đường. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một đánh giá khách quan, tổng kết kinh nghiệm của các nước đi trước, cũng như sự nhiệt tình một cách khoa học và phù hợp với văn hóa truyền thống cho vấn đề này. Trong khi những thông tin tràn lan, thiếu định hướng, không có tính sư phạm về “tình dục” lại tràn lan trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Giáo dục giới tính ở học đường là vô cùng cần thiết, xong nó phải được thực hiện một cách bài bản và tỉ lệ thuận với giáo dục văn hóa, lối sống. Chính bản lĩnh văn hóa là cơ sở để trẻ tiếp thu về kiến thức “tình dục” một cách an toàn và không chệch hướng. Sở dĩ nói vậy, vì có người xem mô hình “giáo dục giới tính” ở phương Tây như lời giải cho bài toán hóc búa về vấn đề giáo dục giới tính ở Việt Nam hiện nay. Những bài học về sự bắt chước, rập khuôn, bê nguyên xi cách làm của người khác cần phải được ghi nhớ thường xuyên để rút kinh nghiệm. Tục ngữ ta có câu: “Vẽ đường cho hươu chạy”, nhưng chưa bao giờ câu nói ấy được dùng để khuyến dụ cho một điều tích cực, huống gì là “vẽ” cho nó chạy đúng thì ít mà chạy sai thì nhiều. Thực tế, yếu tố “vẽ đường” trong giáo dục giới tính phần nhiều được chúng ta hiểu đơn giản như là một “công cụ”, tức là chủ yếu cung cấp cho trẻ “kỹ thuật” để trẻ có thể chủ động, thậm chí “thành thạo” hơn trong phòng tránh thai. Nhưng việc làm này có thể sẽ dẫn đến một thái cực khác mà nhiều người đang lo ngại, đó là nguy cơ thổi bùng lên tình trạng tự do tình dục. Cách giáo dục giới tính nặng về “công cụ” và “kỹ thuật” trên có vẻ làm cho một số bậc phu huynh yên tâm với hai chữ “an toàn”, nhưng đây không phải vấn đề gốc, bởi hầu như nó chỉ “an toàn” phần nào về thể chất, còn những tổn thương về tinh thần, cũng như làm chệch hướng trong tâm sinh lý, biến dạng trong tính cách thì hầu như vẫn chưa lường hết được.
Tình dục an toàn chỉ trở thành định nghĩa hợp lý khi cả hai người (khác giới) hoàn thiện những yếu tố về thể chất và tinh thần. Và đối với bậc phụ huynh, điều quan trọng là làm sao để con trẻ nhận thức được rằng, chúng chưa có nhiều chuẩn bị tốt về thể chất và tinh thần để đến với đời sống tình dục, cũng như bước vào đời sống gia đình. Cũng cần cho con trẻ thấy, quan hệ tình dục trước tuổi rất khó có thể tiến tới một đời sống hôn nhân tốt đẹp về sau, bởi tình dục sớm liên quan đến các vấn đề khác như: mang thai ngoài ý muốn, sẩy thai, nạo phá thai, vô sinh, sinh con chậm phát triển, khuyết tật, các bệnh hoa liễu và những tổn thương tinh thần khác. Tuy nhiên, cha mẹ cũng không nên xem việc “giữ mình” của con cái chỉ là tránh cho một hậu quả không mong muốn (mang thai), và càng không nên hiểu “giữ mình” là phải tiêm vào đầu trẻ những thành kiến xấu xa về tình dục, thậm chí là không cần phải hiểu biết gì về chúng cả. Sự kiểm soát sinh lý một cách khắc khổ, thái quá cũng có thể gây nên những tác hại tiêu cực về tâm hồn và thể chất. Phải giúp trẻ hiểu rằng, sở dĩ trẻ phải “giữ mình” vì thể chất và tinh thần cũng như các yếu tố khác để chuẩn bị bước vào cuộc sống gia đình của trẻ chưa hoàn thiện, chưa đủ điều kiện.
Như vậy, không có phép mầu nào để mở cánh cửa này bằng chính những hành động đạo đức và sự quan tâm cần thiết của mỗi người trong gia đình, xã hội đối với con trẻ. Tình trạng nạo phá thai ở trẻ vị thành niên cho thấy, chúng ta chưa có những bước chuẩn bị ban đầu cho vấn đề này như trường học, bệnh viện dành riêng cho những người mẹ tuổi vị thành niên, để giúp họ vượt qua khó khăn, sinh con an toàn... Cho nên cách giải quyết đối với trẻ vị thành niên mang thai của gia đình, trường học, đoàn thể thường rất tiêu cực như: thành kiến, cô lập, đuổi học, thúc ép nạo phá thai, thiếu tình yêu thương, nâng đỡ… Chính quan niệm nặng nề này đã bức bách trẻ đi đến tình trạng phá thai (giết người không phạm luật) phổ biến, và điều này không chỉ xảy ra ở trẻ vị thành niên mà ở cả những thanh niên đã trưởng thành (những người có thể tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình). Chúng ta nghĩ gì về tình trạng quan hệ tình dục sớm của trẻ, trong khi chúng vẫn còn chưa biết tại làm sao mà có thai và sinh con ra bằng đường nào?
Tình dục và đạo đức là hai đối tượng khác nhau, không thể đồng nhất, nhưng nó tương quan với nhau rất chặt chẽ. Bởi nếu đạo đức gia đình, xã hội xuống cấp thì hệ quả tiêu cực mà thế hệ trẻ phải gánh chịu là điều khó tránh. Do đó, vẻ đẹp thể chất và tinh thần không nằm ở những tuyên ngôn to tát mà chính nó phải là những nỗ lực tự thân và lối sống làm gương của gia đình và toàn xã hội. Nếu nhìn nhận vấn đề trên trong mối tương quan nhân-quả thì chúng ta sẽ hiểu, đạo đức lối sống của thời đại nào chính là sản phẩm của thời đại ấy. Còn nhớ, vào năm 1470 vua Lê Thánh Tông từng ra sắc chỉ: “Con để tang cha mẹ mà vợ cả, vợ lẽ có mang thì bắt tội đi đày. Vợ để tang chồng mà dâm loạn bừa bãi… hay đi lấy chồng khác thì đều phải tội chết cả. Nếu đang có tang, ra ngoài thấy đám trò vui mà cứ mê mải xem không tránh thì bì phạm tội đi đày”... Tinh thần của thời đại ấy, khoan nói đến chuyện “hay-dở” ở thời đại chúng ta, song rõ ràng con người luôn rất cần những chuẩn mực đạo đức để hướng dẫn hành vi của mình. Nên chăng, giáo dục giới tính cần kết hợp với việc đẩy mạnh giáo dục những chuẩn đạo đức làm người căn bản của dân tộc như không giết người, không tham lam trộm cắp, không nói dối, không tà dâm, không uống rượu… Thực tế, quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên chiếm tỉ lệ cao luôn tương thích với tình trạng mang thai. Nhưng nguyên nhân trẻ mang thai không hoàn toàn chỉ ở bản năng sinh lý, hay do thiếu công cụ phòng tránh, bởi thống kê cho thấy rất nhiều trẻ có công cụ an toàn trong tay nhưng vẫn không tự chủ được hành vi, mà phần lớn điều này lại do bia rượu gây ra. Chúng ta nghĩ gì khi trẻ vị thành niên phải mang thai, phá thai, vô sinh… lại có một phần nguyên nhân từ bia rượu. Vậy những gì đang là nguyên nhân trực tiếp, hay gián tiếp cổ vũ cho lối sống buông thả, thiếu chín chắn của trẻ? Chúng ta không nên đổ lỗi, rằng tuổi trẻ kém nghị lực, thiếu ý chí phấn đấu, sống thác loạn… trong khi số lượng các công ty bia rượu, thuốc lá, nhà hàng, khách sạn… được quảng cáo, cấp phép mọc lên nhiều hơn cả trường học.Tại sao phương Tây phải lên tiếng báo động về tình trạng ngoại tình, tự do tình dục? Nó có liên hệ gì đến quá trình “giáo dục sex” một cách công khai và phổ biến? Chúng ta nghĩ gì khi một lúc nào đó, xã hội chúng ta cũng phải đối mặt với tình trạng này?…
Trông người lại nghĩ đến ta luôn luôn là bài học cần thiết. Nhưng khi áp dụng một mô hình chúng ta nên xem nó có phù hợp với phong tục, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc hay không. Nền tảng xã hội Việt Nam là cấu trúc gia đình, vì vậy giáo dục đạo đức lối sống từ trong gia đình cần phải được chú trọng. Hiểu biết về tình dục không nên chỉ dừng lại ở khái niệm “an toàn” nghiêng về mặt sinh lý, thể chất. Có như vậy chúng ta mới ý thức để nhận thấy và loại biệt giữa tình dục có động cơ tình cảm, thủy chung, gắn liền với tình yêu thương và tình dục có động cơ chỉ nhằm thỏa mãn bản năng sinh lý.
Có thể nói rằng, tình trạng quan hệ tình dục trước tuổi và hậu quả của việc nạo phá thai chiếm tỉ lệ cao ở trẻ vị thành niên có nguồn gốc quan trọng từ một gia đình có nhiều xáo trộn, và một nền giáo dục còn nhiều bất cập. Vì vậy, “giáo dục giới tính”, cần được nghiên cứu kỹ càng, mở rộng sang đối tượng cha mẹ, anh chị… để họ không chỉ có kiến thức về tâm sinh lý mà còn cởi mở, tư vấn trực tiếp tùy theo nhu cầu, tâm lý, tính cách của con em mình, hơn là giáo dục một cách tràn lan trong trường học. Thống kê trên thế giới cho thấy, ngay cả ở những nước không có kết cấu truyền thống gia đình bền vững, phần nhiều những đứa trẻ sa ngã đều là nạn nhân của một gia đình có nhiều đổ vỡ về mặt tinh thần, lối sống, cụ thể là người làm cha làm mẹ thờ ơ, không quan tâm đúng mức đến đời sống tâm lý, tình cảm của con cái; thiếu không khí hòa hợp thương yêu, cảm thông chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình. Nói đúng ra, trẻ chưa có một người bạn thực sự (cha mẹ, anh chị, thầy cô…) để tin tưởng bày tỏ và nhận được những lời khuyên thích hợp làm định hướng sống cho mình, dĩ nhiên, không thể không nói đến động cơ giáo dục của chúng ta, bởi nó đang có nhiều biểu hiện chệch hướng.

Nguyễn Ngọc Quý

CAO HỌC THỜI "A CÒNG"


Bàn về chuyện chính sách, đường lối, tư duy giáo dục dĩ nhiên là cần phải bàn và bàn nhiều, nhưng điều quan trọng hơn cả là sự nỗ lực của chính những người chịu trách nhiệm giảng dạy. Họ mới chính là những người đại diện trực tiếp, sinh động nhất cho nền giáo dục nước nhà…

Từ chuyện của người…
Đã từ lâu, trên báo chí, những bàn thảo, những phát biểu to nhỏ về vấn đề giáo dục luôn gây được sự chú ý quan tâm của mọi người. Nhưng điều đáng nói, chúng tôi thấy ít có sự phát biểu nào thừa nhận một cách thẳng thắn vấn đề cá nhân của bản thân người đi làm giáo dục chứ không phải những vấn đề thuộc về chính sách và cách quản lý giáo dục. Bởi chính sách và cách quản lý là vấn đề thứ 1001 của không ít các quốc gia trên thế giới.
Tại sao nhà nghiên cứu, dịch thuật, nhà văn Nhật Chiêu có lần phải “thảng thốt” trên báo Thanh Niên về hiện trạng môi trường giáo dục có quá nhiều “giáo sư vẹt”, “tiến sĩ vẹt”? Tôi không dám tin đó là sự thật, vì từ nhỏ, mỗi khi tôi học bài không ra hồn là mẹ tôi bảo tôi học vẹt. Và bây giờ tôi mới biết thêm rằng còn có cái gọi là “dạy vẹt”. Tôi rất vui vì có một người trực tiếp giảng dạy đã dám nhìn thẳng vào sự thật. Và có lần vô tình tôi đọc được cuốn “Từ điển từ và ngữ” của một giáo sư nhà giáo nhân dân… thì than ôi… ở đó cũng có rất nhiều chuyện còn thua cả vẹt. Hỏi ra mới biết chữ Hán của người đó “yếu lắm” nhưng cũng "nhẫn nhục liều mình một phen" để làm từ điển. Và để thử sức sự "nhẫn nhục" đó, có một tờ báo đã nhiều kỳ phê bình cuốn từ điển này, nghe đâu “nhiều đệ tử” của vị giáo sư này cũng cảm thấy “nhột”. Mà “nhột” cũng phải, vì nếu không “nhột” thì chắc chắn có người sẽ “chăm chỉ kế thừa” để cho ra đời những quyển sách cũng “vẹt” không kém.
Ai cũng biết “hiền tài là nguyên khí quốc gia”? Nhưng điều gì đã khiến người ta “đúc” (chữ của nhà văn Nhật Chiêu) ra nhiều cái gọi là “vẹt” như thế? Đấy là mới nói đến chuyện kiến thức, còn nhân cách của các thầy hiện nay thì còn “ối” chuyện để bàn. Và từ đó, tôi bắt chước người ta thử lạm bàn về vấn đề “nước Việt Nam ta nhỏ hay lớn?”. Lớn hay nhỏ tùy cảm nhận chủ quan, và khó có ai định mức, định lượng được vì có những cái “nhỏ” thì chất lượng, còn có những cái “to” đến mức phì đại thì lại chẳng ra gì. Sống trong thời đại “ăn quảng cáo”, “ngủ quảng cáo” thì phải dè chừng với hai từ “chất lượng” bởi nó ảo còn hơn cả ảo. Khách quan một tí thì mượn thông tin của một vài tờ báo nước ngoài (mà vốn dĩ tác giả bài viết cũng chủ quan không kém) để tự “tuyên dương” và “an ủi” cho thành tích của mình, của nước mình. Hóa ra ở đời, tự đánh giá về mình “thật khó”, nên cái gì cũng cần phải có “tiêu” và có “chí”, không có “tiêu chí” để kiểm định và đánh giá thì “tiêu” thật rồi.
Cho đến một ngày, tôi vô tình đọc được câu nói của một thiền sư: “nhỏ không trong mà lớn không ngoài”. Tôi mới “vỡ lẽ” ở đời có những cái “vô cực” chẳng thể nói nhỏ hay lớn. Còn nói “nhỏ” hay “lớn” thì còn “cực” dài dài. Tôi nhận thấy, các vấn đề nóng bỏng của giáo dục xảy ra là do nhiều cá nhân những người trực tiếp giảng dạy không tự điều chỉnh mình trước dư luận, cụ thể là trước học trò của mình, và khi mỗi cá nhân không tự điều chỉnh mình thì những tiêu cực trở thành hiện trạng, thành bệnh nan y khó có thuốc chữa.
Đến chuyện bi hài của tôi…
Mấy năm trước, sau khi tốt nghiệp ngành văn học, như bao người khác tôi hăm hở thi cao học để học tiếp chuyên ngành mà mình đang theo đuổi. Sau khi trúng tuyển, chúng tôi mừng rỡ và háo hức khi nghe giới thiệu: “Các anh chị đang được theo học chuyên ngành văn học tại một trường đào tạo nổi tiếng hàng đầu về lĩnh vực khoa học xã hội, không chỉ ở TP.HCM…”. Những tiếng vỗ tay tán thưởng nổi lên chủ yếu là do mình vui quá được ngồi “ghế cao học”, chứ lời hứa hẹn đó vẫn còn là một câu hỏi nơi các học viên đã từng có thời gian theo học đại học tại trường.
Sau khi nhìn thời khóa biểu với các chuyên đề thật kêu, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thật nổi tiếng, học viên có người mừng, có người thì lắc đầu: “Lại vẫn những vị này”. Tuy thế, mọi người cũng nôn nóng chờ xem những cái hay, cái mới lạ, cái chưa từng được giảng dạy này sẽ ra mắt như thế nào.
Nhưng cảm xúc đó tồn tại không lâu khi từng chuyên đề qua đi. Trong các chuyên đề được giảng, đối với các học viên lớn tuổi đang giảng dạy ở các trường phổ thông trung học, cao đẳng, hay học viên có thời gian tốt nghiệp từ những năm 1990 trở về trước thì chuyên đề đó quả thật mới mẻ. Nhưng với không ít học viên trẻ mới tốt nghiệp thì nó rất quen thuộc. Và kết quả thật sự trái ngược, nếu không nói là không ít học viên thất vọng. Có những thầy cô giảng dạy không khác mấy so với những điều đã dạy ở đại học. Mới chăng chỉ là chuyện mở rộng tác giả tác phẩm, còn tư duy và phương pháp luận nghiên cứu thì vẫn thế.
Nhiều học viên còn đọc trước được những điều, những câu chuyện của vị thầy ấy sẽ sắp nói. Thế là một nhóm học viên ở dưới được một cơn cười ngầm ở trong lòng. Dĩ nhiên, sau giờ ra chơi, câu nói nhiều người được nghe nhất là: “Giảng dạy mà như thế thì không bằng tôi…”, “cho tôi giảng còn hay hơn”, “giảng gì toàn những điều cũ rích của cái thời sổ gạo”, “cái này tôi đọc mòn cả sách rồi mà ông ấy không biết”, “ở nước ngoài người ta giảng cả trăm năm rồi, nay mình mới được học”, “giáo sư gì thế không biết, thơ Đường bị ông ta giết chết rồi”, “Tệ thật, giáo sư những ngành khoa học xã hội mà trình độ chữ Hán quá “A-ma-tơ”… Chưa hết, thú vị bởi những “điệp khúc khoe thành tích” của các thầy mà có học viên sốt ruột quá phải đứng lên: “Mong thầy vào bài giảng đi ạ”. Đành thông cảm, bởi nhiều vị khi vào buổi giảng chỉ nói chuyện nào là mình đã từng đi dự hội nghị này, đã từng đọc tham luận tại hội nghị quốc tế kia từ 10 năm về trước, đã từng được thỉnh giảng ở một trường đại học nước ngoài nọ. Thật ngạc nhiên khi có vị cứ lồng vào buổi giảng những thành tích về gia đình của mình, nào là cha mẹ thì giáo sư, con cái thì đều tiến sĩ…, hay có vị thì khoe về cách ăn uống “sành điệu”, có vị thì sử dụng buổi giảng để trút giận lên những người không cùng quan điểm với mình, những người phê bình sách, luận án của mình...
Đối với các chuyên đề của các tiến sĩ trẻ thì cũng không khả quan hơn mấy. Đó toàn là những gì đã có trong luận án tiến sĩ, hay cuốn sách nào đó mà họ mới viết. Và an toàn nhất là khi giảng họ cứ bê nguyên luận án đặt trên bàn và đọc cho học viên ghi, giống như ghi bài ở phổ thông trung học, ai có thắc mắc tranh luận thì họ bảo rằng bị đau đầu, bị mệt… để giờ sau bàn tiếp, nhưng rồi bị “lờ” đi vì quỹ thời gian ít quá. Tôi chỉ còn biết tự an ủi mình “thôi cứ coi như đi học cao học là việc bắt ép mình phải đọc sách và viết”. Thế nhưng đến lúc thi cử thì viết cái gì? An toàn nhất vẫn là viết những điều thầy giảng. Có học viên ấm ức khi bị chấm điểm 2, 3 sau những bài luận dài tâm đắc chỉ vì bài viết không giống thầy. Lập tức học viên đó được một học viên khác được điểm 9 nói: “Ý thầy bao giờ cũng là chân lý, anh học nhiều năm rồi mà không có kinh nghiệm gì cả. Không thầy nào muốn quan điểm của mình, sách của mình viết sai cả. Nhưng anh đừng buồn, các thầy không có thời gian đọc bài thi của anh đâu, tôi biết chắc chắn bài ấy do học trò của thầy đang dạy phổ thông chấm, có thầy còn cho con mình chấm…”. Nghe xong, có học viên thốt lên: “Thế này là giáo dục cái quái gì hả trời?”. Chưa hết, khi giảng, các thầy vẫn chỉ “kêu gào” với lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa, một số trào lưu, chủ nghĩa khác thì “đi qua hàng nước”, ai có khát thì tự bỏ tiền ra mua mà uống. Văn học đượng đại thì ít ai có thời gian để theo dõi bước đi của nó. Văn học quá khứ thì càng mù mờ. Có một học viên, khá giỏi chữ Hán và có kiến thức về đông y nói: “Ông thầy này chẳng hiểu gì âm dương, Nho, Phật, Lão gì cả, nên ông ấy cũng không hiểu gì về văn học trung đại”. Điều buồn cười là có vị thầy tu Phật giáo đi học, cứ hết buổi học là than: “Giảng về Phật giáo như vậy là giết chết Phật giáo rồi còn gì”. Có học viên nói: “Sao thầy không tranh luận”. Học viên là nhà sư này chỉ mỉm cười: “Phật giáo ảnh hưởng sâu trong lòng dân tộc mấy nghìn năm như thế mà các trường đại học còn không có nổi một phân khoa Phật học. Tranh luận cũng dư thôi, vì căn bản họ đã gần như chẳng hiểu gì về Phật giáo và văn chương của các thiền sư cả. Tôi nghĩ còn thua xa cả những giáo sư ở những đại học của Mỹ, và một số nước châu Âu, những quốc gia vốn không có truyền thống Phật giáo. Đem lý luận hiện thực vào đánh giá thơ thiền thì nó thành văn xuôi thế tục rồi”… Tôi không phản ứng gì với những câu nói trên của các học viên, bởi tôi vẫn thấy có một số chuyên đề thú vị, thấy một số thầy cô có tâm huyết thực sự, nhưng bản thân tôi cũng phần nào cảm nhận được điều họ nói là một sự thật không vui trong đào tạo cao học.
Có vân vân những điều được nghe, được thấy, khiến mọi người không thấy khả quan gì hơn khi nhà nước mở thêm nhiều trường đại học, công cũng như tư, khi cũng vẫn những con người ấy đi giảng và “chạy xô” hết trường này đến trường khác. Nhiều trường, nhiều lớp, nhiều giáo sư, tiến sĩ không phải lúc nào cũng tỉ lệ thuận với một chất lượng đào tạo tốt. Thời gian họ “chạy xô” giảng ở các trường chiếm hết thời gian học tập, nghiên cứu của họ nên không có gì mới khi họ giảng là điều tất nhiên. Và chính cái tư duy cho rằng, học viên đi học là chỉ để “kiếm mảnh bằng” đã làm cho người thầy coi thường trình độ của học viên và dễ dãi, lơ là với việc học tập, nghiên cứu thêm của mình. Phải chăng cái danh vị “giáo sư”, “tiến sĩ” được họ gặt hái một cách quá dễ dàng? Tôi nghĩ rằng, bàn về chuyện chính sách, đường lối, tư duy giáo dục dĩ nhiên là cần phải bàn và bàn nhiều, nhưng điều quan trọng hơn cả là sự nỗ lực của chính những người chịu trách nhiệm giảng dạy. Họ mới chính là những người đại diện trực tiếp, sinh động nhất cho nền giáo dục nước nhà. Họ không tự điều chỉnh mình thì chuyện nhấn hưng giáo dục cũng chẳng khác gì chuyện mong mặt trời mọc vào ban đêm. Chính sách, đường lối quản lý chỉ là cái điều chỉnh cho nó đi theo hướng nào tốt hơn mà thôi.

Nguyễn Thái Bảo