Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2007

NICKNAME “nguoicodon_smile”


Không biết lý do gì, tôi lại lấy nickname “nguoithichsongmotminh2000”. Nói thì nói vậy nhưng tôi vẫn nhập cuộc với khoảng 20 “cư dân” mà tôi đã “addnick”. Đó là dấu hiệu của một “cơn ghiền” hay cuộc sống thực của tôi đang dần trở nên cô đơn, trống vắng...


1. Thỉnh thoảng tôi bước vào tiệm internet với một tâm trạng không vui buồn, không mục đích nào rõ ràng. Thường thì người ta cho rằng chat là tán ngẫu, hay nói một cách khác là được tự do nói và nghe những gì mình thích mà không cần để ý nhiều đến mọi sự ràng buộc. Tôi liên hệ từ chuyện chat đến chuyện “bản ngã” và thấy một không gian, một lối sống mới vừa thực vừa ảo cả trong giới tính lẫn tuổi tác đang tan chảy trong đám đông hay còn nằm khuất ở một chốn riêng nào đó. Không ai có thể phủ nhận được sự tồn tại của một “cộng đồng mạng”, nơi mà sự xuất hiện của các cá đối với tôi vừa quen vừa lạ.
Có lần tôi thất vọng ra về vì ngồi hơn một tiếng trong phòng chat mà không có một cuộc nói chuyện nào thú vị. Dĩ nhiên, sự thú vị còn tuỳ thuộc vào chủ đề và cách mà hai bên nói chuyện với nhau. Biết vậy mà bản thân tôi vẫn “ghiền chat”. Tôi để ý đến hai chữ này để hiểu rõ hơn về “căn bệnh” của mình, và tôi không thể sống mãi với những điều mà mình không thể kinh nghiệm được. Tôi lang thang trong các tên miền, khám phá những “nick name” có vẻ dễ đồng cảm, mong sao tìm được cho mình một cái gì đó có ý nghĩa: tình bạn, và biết đâu có thể là một tình yêu...
2. Không biết lý do gì, tôi lại lấy nickname “nguoithichsongmotminh2000”. Nói thì nói vậy nhưng tôi vẫn nhập cuộc với khoảng 20 “cư dân” mà tôi đã “addnick”. Đó là dấu hiệu của một “cơn ghiền” hay cuộc sống thực của tôi đang dần trở nên cô đơn, trống vắng. Có người nói vui, nếu ai chưa biết nói dối, chỉ cần vào mạng chat thường xuyên thì có thể nói dối một cách thành thạo. Tôi cười thầm một mình, học cái gì không học, có ai đời lại đi học nói dối. Nhưng qua kinh nghiệm tôi mới hiểu câu nói vui ấy phần nào có lý, bởi nếu nói thật thì hầu như cuộc nói chuyện chẳng kéo dài được bao lâu, ngoài những câu hỏi xã giao như “bạn tên gì?”, “ban bao nhiêu tuổi?”, “ở đâu?”, “có còn đi học không?”, “làm nghề gì?” và rồi chấm hết trong im lặng.
Đôi khi tôi nhận ra mình đã đóng quá nhiều vai khác nhau. Vậy mà tôi vẫn chung thuỷ với nickname có vẻ lập dị ấy. Có người khuyên tôi hãy mở rộng lòng ra, vì cuộc sống này còn vô vàn những bao la bát ngát. Tôi “uh” một cách khó hiểu và lạnh lùng, như thể những lời khuyên ấy vẫn chưa rơi vào khoảng không vậy. Thật buồn cười bởi tôi cũng đã từng khuyên người khác cái điều tượng tự như thế trong một cuộc nói chuyện gần hai tiếng đồng hồ…
3. Tôi có thói quen “save” lại tất cả những cuộc nói chuyện thú vị, để mỗi khi cảm thấy cô đơn thì đem ra đọc. Tôi không buồn khi biết có một ai đó đã nói những điều không thật. Bởi vậy, có lúc tôi đã bật khóc trước câu chuyện bất hạnh đến không ngờ qua lời tâm sự của một cô gái mới 16. Tôi trắc ẩn đối với một cuộc sống còn quá nhiều tàn nhẫn và bất hạnh. Nhưng có khi tôi cũng vui vẻ vì có thể làm bạn vong niên với một người đàn ông có giọng nói chuyện khá hài hước, biết quan tâm và nhiều kinh nghiệm sống. Chat không đơn thuần chỉ là “tán gẫu”…
4. Có lúc tôi tình cờ nói đến chuyện tôn giáo, và có một “nickname” trẻ đã xem tôi như người có niềm tin sâu sắc. Nhưng nếu không biết rõ về một tôn giáo nào thì nên im lặng, bởi trong tôn giáo, khen hay chê một điều gì đó đều khá nhạy cảm và không kém phần nghiêm túc. Tôi biết niềm tin là một cái gì đó khó diễn đạt qua những con chữ chẳng có dấu. Và tôi nhận ra, nói chuyện tôn giáo qua ngôn ngữ chat có vẻ như thoải mái hơn, vì những con chữ ấy chẳng nói lên điều gì là niềm tin thực sự . “Tin là tin” đừng nghĩ ngợi gì cả, có người nói với tôi vậy. Đây là một định nghĩa ngắn gọn về niềm tin, nhưng làm tôi khá lo lắng.
Rất có thể “tin chỉ là tin”, nhưng bạo biện cho niềm tin bằng một sự thực, một hình mẫu là điều không dễ, nhất là khi người đang nói chuyện với tôi còn luôn rộn ràng giữa ảo và thực. Họ nói đến niềm tin như là cái gì đó không thể thiếu trong xã hội hiện đại, còn tôi cảm nhận nó có vẻ thời trang hơn cả sự hiện diện của chính nó trong xã hội này. Niềm tin không phải là một sự bào chữa cho một hành động quá khích trong lôi kéo tôn giáo, hội đoàn bằng mọi cách. Nói ra điều này, hình như tôi đang tạo ra một định nghĩa mới, và có vẻ chỉ càng làm tăng thêm sự ồn ào. Niềm tin không cần phải định nghĩa…
5. Những nickname nghe rợn thần kinh cứ nhảy vào một cách vô hồn. Chuyện giới tính có gì lạ đâu, nhưng có lúc vẫn gây tò mò đối với người trẻ. Có thể mình không hiểu mình, nên muốn nhập vào một thế giới mà ở đó người ta có thể nói thay cho mình về mọi chuyện. Lụi cụi với những chuyện “phòng the” chẳng phải là khuynh hướng mà nhiều tờ báo viết hiện nay khai thác và thể hiện sao? Tôi nói chuyện với một nickname khá nổi da gà. Thật bất ngờ, hắn không tỏ vẻ gì là ngượng ngùng hay bất mãn cả, đơn giản hắn thích thể hiện mình bằng một cuộc sống phóng túng như vậy... Tôi thầm nghĩ: “Tội nghiệp, lại có thêm một căn bệnh lạ”, và rồi mỉm cười…
6. 9h30 p.m, “nguoithichsongmotminh2000” tình cờ gặp “nguoicodon_smile” ghé thăm. Xin trích đoạn:
- nguuoicodon_smile: hi
- nguoithichsongmotminh2000: 333333333333
- nguoicodon_smile: ban la nguoi thich song mot minh?
- nguoithichsongmotminh2000: uh!
- nguoicodon_smile: minh cung vay.
- nguoithichsongmotminh2000: khi ban cam thay co don, ban thuong lam gi?
- nguoicodon_smile: minh den tuong Phat co don de cau nguyen.
- nguoithichsongmotminh2000: ban di mot minh a?
- nguoicodon_smile: uh!
- nguoithichsongmotminh2000: ban nghi rang Phat ngoi mot minh la co don sao?
- nguoicodon_smile: minh khong biet, nhung minh nghi Phat chia se dieu do voi minh.
Sau cuộc nói chuyện đó, tôi thử tìm đến tượng Phật cô đơn. Thật bất ngờ, ở đây rất đông các người trẻ tới cầu nguyện. Tại sao người ta lại gọi là “Phật cô đơn”? Phải chăng xã hội này đang càng ngày càng nhiều những người cô đơn như tôi, hay không có sự cô đơn thì Phật không phải là Phật? Đức Phật vẫn ngồi yên lặng như thế. Còn tôi đã có thể chia sẻ một điều rất riêng với một tượng “Phật cô đơn” có nét mặt không buồn...

Nguyễn Phương Anh

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2007

TÂM LINH GIA ĐÌNH


“Tại sao ngày nào đọc báo con cũng thấy giết người thế này hả bố?”. Con gái tôi đã “ném” thật mạnh câu hỏi đó vào tôi. Ngay lập tức, tôi bị “choáng” bởi câu hỏi đó. Nhưng tôi cũng nhận ra rằng con gái tôi đã ý thức và không chỉ biết đọc tin bằng thái độ tò mò…
Con người ai cũng có một gia đình để sống, để yêu thương và nhận được yêu thương. Tình yêu thương là một nhu cầu, một niềm hạnh phúc giản dị mà mỗi con người đều có cơ hội được hưởng. Ý nghĩa của cuộc sống càng thêm giá trị hơn khi tình yêu thương được ấp ủ, vun đắp và chia sẻ trong mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Tình yêu thương trong gia đình được xây dựng trên một nền tảng của của hai nguồn mạch: tâm linh và huyết thống. Yếu tố huyết thống có thể chỉ ra cho chúng ta biết chúng ta thuộc tộc người nào, cha mẹ là ai? Nhưng yếu tố tâm linh mới là điều quan trọng chỉ ra cho chúng ta biết: chúng ta sống để làm gì, sống vì ai?
Sống với nhau là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự nỗ lực của mỗi người trong môi trường nhiều những mâu thuẫn, đối nghịch về tính cách, tình cảm và vật chất. Trong gia đình, không có một đòi hỏi bắt buộc nào, rằng các cá nhân phải sống tốt đẹp, chan hòa và yêu thương nhau. Nhưng sự hiện diện của mỗi người trong gia đình (dù đẹp hay xấu, lành nặn hay khiếm khuyết) đã nói lên những tương quan tình cảm chặt chẽ, và mỗi cá nhân đều được ví một cách thân thiết như “máu thịt”, như “khúc ruột trên, khúc ruột dưới” của mình. Một cái nhìn tương quan như vậy sẽ khiến mọi người quan tâm, yêu thương nhau nhiều hơn. Phải yêu được mình, yêu cha mẹ mình, yêu “khúc ruột trên, khúc ruột dưới” của mình thì mới có thể yêu thương được người khác.
Giá trị của tình thương yêu không chỉ được thể hiện qua một cái bằng khen, giấy khen nhất thời mà nó phải là ý hướng trong suốt quãng đời còn lại của mỗi người. Và người ta chỉ đánh giá cao tình yêu thương qua những ứng xử thực tế hàng ngày. Nhưng tình yêu thương không chỉ đi cùng với quà biếu... Tình yêu thương có khi đơn giản chỉ là làm cho nhau vui. Bố mẹ tôi thường nói với tôi: “Con không phải mua quà nhiều như thế, về chơi với bố mẹ đã là vui lắm rồi. Cũng không phải biếu bố mẹ nhiều tiền như thế, hãy để dành cho các cháu ăn học…”.
Những khi như vậy, tôi cảm nhận tình yêu thương trong gia đình rõ nét hơn: mọi người luôn quan tâm tới cuộc sống của nhau. Bố mẹ tôi trong lúc rất đáng nhận được sự quan tâm của con cái nhưng không quên nghĩ đến các cháu, đến đồng tiền mà chúng tôi vất vả kiếm được. Vậy thì tôi không thể không nói với con tôi rằng, tất cả sự nghiệp mà hôm nay tôi có được đều là nhờ vào tình thương yêu của ông bà, dù có mọi nỗ lực tối đa, tôi cũng không thể trả nổi. Trong kinh Phật nói, chỉ tính riêng công ơn sinh thành của cha mẹ thôi, cũng đủ khiến cho ta cả đời này cũng không trả hết, huống gì là còn đòi hỏi ở cha mẹ những sự quan tâm khác.
Có nhiều gia đình, các thành viên đã đòi hỏi quá nhiều ớ nhau, nên tình yêu thương dần trở nên có điều kiện và thường gắn với những biểu hiện vật chất cụ thể. Nhưng một tình yêu thương thiếu thực tế cũng sẽ trở nên kém sức sống. Cho nên những nhu cầu vừa đủ, những chia sẻ cân bằng nhiều khi cũng đem đến những hàn gắn và tạo ra những niềm vui ở những mức độ khác nhau. Mọi mâu thuẫn giữa tình cảm và vật chất đều có nguy cơ gây nên những xáo trộn gia đình, thậm chí thù oán nhau. Sống trong thù oán, người ta thường không đủ bình tĩnh để nhìn nhận sự việc và tìm ra cách giải quyết tốt nhất. Không những vậy còn gieo vào đầu óc của con em mình những mâu thuẫn, thù hận của người lớn. Cấu trúc gia đình bị phá vỡ có khi chỉ vì một lời khuyên không được để ý, một lời mời bị bỏ quên và những tự ái nhỏ nhặt khác…
Tình yêu thương và sự quan tâm hiện diện càng nhiều thì những mâu thuẫn, xung đột gia đình càng bớt đi, và xã hội cũng bớt đi những người nhiều lòng thù hận. Hiểu được như vậy, tôi luôn nói với con rằng: “Khi nhận của ai một quan tâm nào đó con đã biết chân thành cảm ơn chưa? Khi làm người khác phải buồn phiền con đã chân thành xin lỗi chưa? Khi bạn không muốn chơi với con nữa con có nhất định xem bạn là đối đầu không? Khi bước chân ra ngõ, gặp người lớn tuổi con có quên chào hỏi không? Khi chơi với các em con có biết nhường không? Khi ăn uống xong con có xả rác ra đường không? Khi làm cho bạn đau con có thấy hối tiếc không?...
Tôi không nghĩ rằng những câu hỏi như vậy lại không có ý nghĩa gì với nhận thức của con tôi. Nhưng trong cuộc sống hàng ngày, gặp những xung đột của người lớn, tôi phải biết sống bằng hoặc hơn những điều mà tôi đã dạy bảo con.
Con gái tôi đã hiểu rằng giết người chính là chấm dứt sự sống của người khác. Tôi chỉ nói với con: “Không ai có quyền chấm dứt sự sống của người khác chỉ vì người đó mâu thuẫn với mình và không tuân theo mình”. Khi tôi nói như vậy, con tôi liền hỏi tôi: “Vậy giặc đến thì làm sao hả bố?”. Câu hỏi này, nếu tôi trả lời sẽ quá sức suy nghĩ của con tôi. Vì thế nào gọi là giặc, có phải cứ bắt đầu hòa bình là phát động một cuộc chiến không?, con tôi vẫn chưa hiểu được. Nhưng tôi vẫn phải lưu ý với con tôi rằng: “Hàng tuần con vẫn hát quốc ca. Nhưng con nên nhớ không có đường vinh quang chân chính nào lại được xây bằng xác quân thù đâu con ạ!”. Tôi biết đó là những nhận thức sai lầm mà nhà trường đang đưa vào cách nghĩ của con tôi. Con tôi không nên tiếp xúc quá nhiều những bài học đầu đời bằng sự chém giết, bằng quân ta hay quân thù như vậy. Nhưng chỉ khi con tôi lớn lên, đầy đủ nhận thức, có những suy nghĩ độc lập, có thể tự chịu trách nhiệm và biết cân nhắc trong từng việc làm, tôi mới có thể “thẳng thắn” với con trong từng sự việc được.
Tôi nghĩ, những vụ án giết người ngày càng nhiều và xuất hiện ở những độ tuổi 14, 15 có nguyên nhân từ một nền giáo dục bỏ quên những yếu tố tâm linh. Những nội dung chiến tranh được chú trọng nhiều hơn những bài học về tình yêu thương. Và tâm thức chiến tranh từ lâu đã hằn lên trong mỗi trái tim, để đến nỗi sức mạnh thật sự của con người là tình yêu thương có lúc đã trở thành một thứ hèn yếu, ủy mị. Nhưng người nuôi lớn tâm trả thù là người không còn một khả năng tích cực nào nữa để tìm hiểu những tính cách bí ẩn còn nằm sâu trong mỗi con người.
Người chết và người bị giết chết, đều chết cả thôi. Nhưng âm thanh của cái chết giằng xé người sống ở mức nào mới là vấn đề đáng suy nghĩ. Nói về tâm thức thì dân tộc ta có quá nhiều người bị giết. Chiều dài lịch sử là chiều dài của những cuộc chiến tranh liên miên, người bị giết đã kết nên một vòng tang lớn. Và chẳng mấy khi chúng ta tự hỏi, mình là ai trong những vòng oan kết đó. Có thể chúng ta chỉ là “bèo nước gặp nhau”, nhưng những tương quan về huyết thống, tâm linh thì vô cùng gần gũi: sinh trên mảnh đất Việt, mang trong mình tâm thức Việt: tâm thức của những nỗi đau, của biết bao nhiêu thù hận…
Nhưng may mắn, dân tộc chúng ta đã tiếp nhận đạo Phật, đã có ông bà tổ tiên được phụng thờ trang trọng trên tủ thờ quanh năm hương khói. Trong những xu hướng lạnh nhạt, hờ hững của cõi người hiện đại, mỗi lúc nhìn vào đó, lòng cũng cảm thấy ấm dần lên.
“Cái chết xảy ra trong từng khoảnh khắc của những người đang sống” là điều mà đạo Phật nhắn nhủ, cho phép chúng ta nhìn nhận sự tương quan trong một bức tranh vô thường sinh động hơn. Nhận được giá trị của vô thường trong từng ngày giờ, từng hơi thở sẽ làm cho mọi hơn thua, tranh nhân, tranh ngã có cơ may được hóa giải. Bởi việc thù hận hay cố tình cướp đi mạng sống của người khác cũng không làm giảm đi sự vô thường trong sự sống của chúng ta. Nhẽ ra “người đang chết” phải là người biết yêu qúy sự sống hơn ai hết, thế mà nhiều người đã đi làm những điều ngược lại. Thử hỏi có ai không từng một lần phải đau đớn vì mất đi những “khúc ruột” thân thương của mình?
Vậy điều còn lại trong đời mà chúng ta có thể làm là tưởng đến người đã mất, để tìm cho mình một tình thương đích thực từ những người chung quanh, vì biết đâu ngày mai sẽ có người thân bỏ ta đi vĩnh viễn. Tình yêu thương sẽ nuôi lớn những tình cảm, những giá trị tâm linh gia đình. Tâm linh gia đình phát triển thì tâm linh dân tộc mới vững mạnh. Một dân tộc “biết sống trong cái chết” là một dân tộc ít tiếng hận thù và những cá nhân biết giải quyết mâu thuẫn với nhau bằng sự lắng nghe và hiểu biết.
Trong những thoáng chốc sinh tử của cuộc sống, chúng ta đừng nên tiếp tục làm tắt đi những hy vọng sống mong manh trong mỗi con người. Đó là điều chúng ta còn có thể làm cho nhau khi còn hiện diện ở cõi nhân gian bé xíu này. Và chỉ mong ngay mai, trên mảnh đất được xem là thanh bình và “an ninh” nhất này, tôi không còn phải nghe con hỏi: “Tại sao ngày nào đọc báo con cũng thấy giết người thế này hả bố?”…

Văn Truyền

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2007

PHẬT GIÁO HÀN QUỐC HIỆN NAY


Sau chiến tranh thế giới thứ II và cuộc chiến Nam-Bắc Hàn, Phật giáo Hàn Quốc đã phải đối diện với nhiều thách thức và đang dần thích nghi với cuộc sống của thế giới hiện đại. Từng bị lãng quên một thời gian dài nơi rừng sâu, nay đã trở lại sinh hoạt nơi thị thành. Nhiều chùa chiền đã được xây dựng, khôi phục, các hoạt động vì lợi ích cộng đồng được nhân rộng…

Hiện nay ở Hàn Quốc có 18 tông phái Phật giáo khác nhau xuất phát từ bốn tông phái chính là Thiền tông, Mật tông, Pháp Hoa tông và Hoa Nghiêm tông. Tất cả đều theo truyền thống Phật giáo Đại thừa. Trong 18 tông phái trên, nổi bật và có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất là Thiền phái Tào Khê đã được thiền sư Tae-go (Thái Cổ: 1301-1382) sáng lập. Riêng thiền phái này có 1632 ngôi chùa với chi nhánh ở khắp trong và ngoài nước, và có khoảng 18.000 tăng ni và khoảng 6.000.000 Phật tử.
Với truyền thống lâu đời, Phật giáo Hàn Quốc đã đẩy mạnh các công tác giáo dục xã hội, tham gia và đáp ứng các nhu cầu quần chúng hiện nay. Hầu hết các ngôi chùa đều có xây dựng nhà trẻ và trường tiểu học. Các tăng sĩ Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục phổ cập. Hiện tại Phật giáo Hàn Quốc có rất nhiều trường sơ, trung, cao đẳng, đại học trên toàn quốc. Trường Đại học Phật giáo ở Dong-Guk đã mở thêm chi nhánh ở Seoul và Kyongju, đặc biệt chú trọng đến đào tạo những thế hệ tăng ni kế cận làm rường cột cho giáo hội. Đặc biệt, có rất nhiều chương trình thuyết giảng, tu học đáp ứng cho như cầu của nhiều giới, nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Có nhiều vị sư Mỹ gốc Hàn đã trở về nước, đưa tinh thần mới vào trong hoằng pháp, ví dụ Hòa thượng Hyon Gak Sunin, một công dân Mỹ tốt nghiệp trường đạo Harvard Divinity School, đã xuất gia trở thành một tăng sĩ Phật giáo, hiện đang trụ trì chùa Hwagyesa tại Hán Thành.
Dù đạo Tin Lành đang có nhiều nỗ lực truyền giáo, nhưng những vụ tai tiếng gần đây đã làm cho tín đồ hoang mang và suy xét lại cái gọi là “sự tương hợp giữa Tin Lành và dân tộc Hàn”. Năm 2006, Mục sư Kim Hong-Do trưởng Hội thánh Kumran tại Mangwoo-dong (Hán Thành), đã bị tòa kết tội lừa gạt và biển thủ 3.2 tỉ Hàn tệ (khoảng 3,375,000 USD). Ông Kim Hong-Do vào năm 2004 đã cường điệu khi cho rằng Chúa đã trừng phạt những nạn nhân của cơn Sóng thần Tsunami ở nam Á vì không chịu tin theo đạo Tin Lành. Trước đó vào năm 2003, Mục sư Jang Hyo-Hee Chủ tịch Hội đồng Tin Lành Hàn Quốc đã nhảy lầu tự tử từ một cao ốc, vì lý do bắt gặp người bạn đời của mình quan hệ bất chính ngay tại nhà.
Nhiều người dân Hàn Quốc đang ý thức về cái giá phải trả cho những thứ văn hóa đề cao vật chất và tiêu thụ của Tây phương, bằng nhiều con đường nhân danh tôn giáo khác nhau đã cấy vào tâm thức họ. Họ nhận ra rằng, không thể cứ dùng mãi “thẻ tín dụng” để trả giá cho hạnh phúc lâu dài của mình qua những lời rao truyền đầy hứa hẹn hão huyền trên đất nước họ, nhất là qua những danh xưng “tin lành”.
Trong tình thế đó, nhiều Phật tử đã ý thức về vai trò của Phật giáo, khơi dậy truyền thống tâm linh sâu sắc để có thể cống hiến một viên thuốc trị độc cho xã hội. Hòa thượng Hyon Gak Sunin nói: "Chúng ta phải chứng tỏ rằng chúng ta chỉ tìm được tự do thật sự không phải trong sự cầu chứng vô kiểm soát, mà trong sự chế ngự và điều phục được dục vọng. Rằng hạnh phúc đích thực không nằm trong sự gia tăng thủ đắc của cải, mà trong tâm an bình và lòng hoan hỉ".
Một du sinh Việt Nam hiện đang học đại học ở Hàn Quốc nhận xét, không khí sinh hoạt Phật giáo ở đất nước này được phổ cập mạnh mẽ trên các phương tiên truyền thông. Phật giáo có riêng một kênh truyền hình phát sóng cho công đồng học tập và tìm hiểu. Những ngày lễ lớn, các ngã tư trên khắp đường phố đều treo cờ hoa. Điển hình là ngày Lễ Phật đản, được tổ chức long trọng, về đêm bầu trời tràn ngập pháo hoa đón mừng Khánh đản. Tuy khoảng cách của giới trẻ với sinh hoạt chùa viện chưa rút ngắn nhanh như mong muốn, nhưng càng ngày càng có đông giới trẻ Hàn Quốc chú ý và tham gia vào các sinh hoạt Phật pháp như: ghi danh theo học các khóa giáo lý, khóa tu thiền ngắn hạn, công tác từ thiện xã hội...
Những sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đang được bày bán rất nhiều ở các nhà sách và rất được giới trẻ hâm mộ tìm hiểu sau cuộc hoằng hoá thuyết pháp của Thiền sư tại Nam Hàn gần đây. Đối với họ công đức trình bày làm mới đạo Phật của Thiền sư đã thích hợp với lối sống hiện đại và trở nên thiết thực hơn, nhờ vậy đã thu hút giới trẻ có cách nhìn thấu đáo hơn về một tôn giáo truyền thống của dân tộc Hàn..
Lại nữa, công nghệ du lịch đang giúp phục hồi vai trò quan trọng của Phật giáo tại quốc gia này, song song với việc bảo tồn các giá trị vật thể và phi vật thể của Phất giáo. Chùa chiền được mở cửa cho công chúng viếng thăm. Tổng cục Du lịch Hàn Quốc đã hợp tác và triển khai thành công chương trình "ngụ tại chùa" để đẩy mạnh công nghệ du lịch, đặc biệt từ World Cup 2002 đến nay. Dân chúng và du khách nước ngoài đã có thể trú ngụ tại chùa, sống như một nhà tu, ngắn thì một ngày, dài thì ba tháng. Thu nhập từ "dịch vụ" này gọi là "công quả", được sử dụng để trùng tu lại chính ngôi chùa. Lúc đầu, chương trình này mới chỉ có 14 chùa tham gia, nhưng bây giờ đã tăng lên 50 chùa. Riêng năm 2005, đã có hơn 50.000 "thí chủ" trả tiền công quả để được "ngụ tại chùa".
Dựa vào những chứng cớ hiện nay người ta tin tưởng rằng Phật giáo Hàn Quốc đang trên đà phát triển mạnh và đầy lạc quan ở tương lai। Vì thế các nhà lãnh đạo quốc gia và các Giáo hội Phật giáo ở Đông Nam Á nên nghiên cứu kỹ bài học của Hàn Quốc để rút tỉa kinh nghiệm, kịp thời định hướng tâm linh cho đất nước mình, đồng thời học hỏi cách phục hưng của Phật Giáo Hàn Quốc trong thời đại mới.

Ở Bắc Hàn (Triều Tiên), tin tức gần đây cho biết là nhà nước cộng sản đã nới lỏng các sinh hoạt tôn giáo, nhất là Phật giáo. Theo thống kê, có khoảng 60% dân chúng theo Phật giáo. Hơn 300 ngôi chùa được tu bổ và hoạt động. Bản dịch Đại tạng Kinh bằng tiếng Hàn gồm 25 cuốn đã được in ấn và phát hành rộng rãi. Trong khi ấy nhà nước Bắc Hàn chỉ chính thức cho 2 thánh đường là Protestant Pongsu (Tin Lành) và Changchung Cathedral (Công giáo) được hành lễ. Trong hiến pháp năm 1992 của Bắc Hàn, điều 68 ghi: "Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và xây dựng nơi thờ phượng", nhưng điều luật ấy cũng quy định rõ "không ai được phép dùng tôn giáo như là phương tiện để đưa quyền lực ngoại bang vào đất nước, hay để hủy diệt trật tự xã hội và nhà nước". Điều đó cho thấy chính quyền Bắc Hàn ý thức rất rõ về sự khuynh đảo của các tổ chức truyền giáo có tổ chức từ Phương Tây, cụ thể là "Tin lành" của Anh và Mỹ.

Trần Trúc Lâm

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2007

NHÌN XE TANG QUA PHỐ...







Một chuyến xe tang đi qua là chở một thân phận đi qua. Một chuyến xe tang đi qua, để lại sau họ những mất mát, buồn thương không gì bù đắp được. Và đằng sau chuyến xe tang ấy có biết bao những chuyện đời vui buồn...

Mỗi khi thấy chiếc xe tang nào đi qua, tôi lại không thể quên được câu chuyện trong kinh Phật kể về một người mẹ đáng thương, ôm xác đứa con xinh xắn của mình chạy khắp nơi để tìm thuốc hồi sinh. Khi nghe nói Đức Phật có phương thuốc làm cho người chết sống lại, người mẹ đã đem xác con mình đến tận nơi để cầu xin sự cứu giúp. Đức Phật không từ chối mà cũng không có ý định gạt ngay sự mất mát bi thương ra khỏi lòng người mẹ. Người chỉ có một yêu cầu, nếu người phụ nữ ấy có thể tìm được những hạt cải trong một gia đình chưa từng có người thân nào qua đời, thì hãy mang những hạt cải đó về, Người sẽ dùng chính những hạt cải ấy để làm cho đứa bé sống lại. Người mẹ mừng rỡ ôm xác con đi tìm khắp trong làng ngoài thôn, nhưng trớ trêu, không một gia đình nào có thứ hạt cải ấy, vì không ít thì nhiều trong đời có ai không một lần phải chứng kiến cảnh mất người thân. Người phụ nữ đã nhanh chóng giác ngộ ra sự thật đó. Sau khi chôn xác đứa con bé bỏng của mình xong, bà đã đến đảnh lễ và quy y với Đức Phật.
Mỗi khi thấy chiếc xe tang nào đi qua, tôi lại nhớ đến câu thơ của Đỗ Trung Quân: “… Ngả nón đứng chào xe tang qua phố. Ai mất mẹ sao lòng ta hoảng sợ. Ngày tháng kia bao lâu nữa của mình…”. Đó là tâm trạng của một người con sợ chứng kiến cảnh một ngày kia mình sẽ không còn mẹ, sẽ mồ côi, sẽ bơ vơ… Nhưng mồ côi, bơ vơ có ý nghĩa gì bằng khi một ngày kia người con không được chăm sóc mẹ, không được chia sẻ những vui buồn trong đời với mẹ, hay chỉ đơn giản là không được chào hỏi mẹ mỗi khi đi - về, không được nhìn thấy mẹ vui khi ăn một món thật ngon do tự tay mình nấu, mặc một chiếc áo thật đẹp do tự tay mình mua… Bản thân tôi phải sống xa mẹ, nên tự hổ thẹn khi không làm được những điều đơn giản nhất. Trong cuộc sống tha hương bận rộn của mình, tôi chỉ biết hằng đêm dành mấy mươi phút để niệm Phật và nhớ nghĩ về mẹ. Mỗi khi tôi vấp ngã, nghĩ đến mẹ là tôi lại tự mình đứng dậy. Mẹ là Phật. Mẹ thương con như Phật thương chúng sinh. Biết vậy mà tôi vẫn có tâm trạng hoảng hốt như nhà thơ kia.
Mỗi khi thấy chiếc xe tang nào đi qua, tôi lại nghĩ đến những tiếng kêu đớn đau bật ra thành lời, hay còn nghẹn lại ở trong lòng những người vợ khóc chồng. Và đâu đó, tiếng khóc vợ bi ai ngày nào của Phạm Thái (1777-1813) trở về: “Ta hăm hở chí trai hồ thỉ, bởi đợi tình cho nấn ná nhân duyên; mình long đong thân gái liễu bồ, vì giận phận hóa ngang tàng tính mệnh. Cho đến nỗi hoa rơi lá rụng, ngọc nát châu chìm, chua xót cũng vì đâu, não ruột cũng vì đâu? Nay qua nấm cỏ xanh, tưởng người phận bạc, sụt sùi hai hàng tình lệ, giãi bày một bức khốc văn, đốt xuống tuyền đài tỏ cùng nương tử”. Tiếng khóc thương của người xưa vẫn còn cho tôi một chút niềm tin rằng, lời đồn về những quý ông thời hiện đại, vợ tuy còn đó, môi vẫn đỏ, má vẫn hồng mà đã thay lòng đổi dạ, không phải là phổ biến.
Mỗi khi thấy chiếc xe tang nào đi qua, tôi lại nhớ đến lời chiêu hồn tha thiết của cụ Nguyễn Du: “Mỗi người một nghiệp khác nhau. Hồn siêu phách lạc biết đâu bây giờ?”. Cái nghiệp mà cụ nói ở đây là cái nghiệp tự tạo: thiện có ác có, xấu có tốt có. Tuy khác nhau là như thế nhưng chết đi thì đều bi thương cả. Cụ chiêu hồn từ những người “mũ cao áo rộng”, lính thú chinh chiến, đến những người “buôn son bán phấn”, người đi ở, người cô thân, người vô tình chìm sông lạc suối, người có đẻ không nuôi… Và những cảnh đời khác nhau đầy bi thương, trắc ẩn ấy, đã đưa chữ nghiệp của Nguyễn Du bao trùm lên mọi thân phận trong xã hội. Nhưng cụ không lên án điều gì cả. Cụ chỉ đặt câu hỏi để người đời sau tự trả lời: “Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?”, “Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi?”, “Hồn đường phách xá lạc loài nơi nao?”…
Tôi cũng như bao nhiêu người khác, đều có một lý lịch về nghề nghiệp…, nhưng tôi chỉ biết chăm chăm với nghề mà quên đi nghiệp đang tạo của mình. Hàng ngày, đọc những trang báo đầy những cảnh giết nhau một cách tàn nhẫn mà không khỏi băn khoăn về lòng nhân trong cuộc sống. Đó là hệ quả của sự dồn tụ biết bao nhiêu cộng nghiệp, biệt nghiệp. Nhưng tôi vẫn thảng thốt, không biết lấy nghiệp nào để lý giải khi 5 cô bé tuổi còn chuồn chuồn kim đã rủ nhau cùng nhảy sông tự tử. Và một lần nữa, câu hỏi của cụ Nguyễn Du vẫn từ mấy trăm năm qua vẫn còn đang bỏ ngỏ… Ai cũng muốn trở thành người hiểu được Tố Như. Nhưng phải chăng khóc Tố Như chính là chuyện khóc đời, thương đời? Tôi chỉ biết theo cụ niệm tiếng nam mô để hóa giải những bàng hoàng trong tinh thần, để có nhiều hơn niềm tin yêu ở mỗi con người.
Mỗi khi thấy chiếc xe tang nào đi qua, tôi lại đem cái nhìn bình đẳng của cụ Nguyễn Du mà niệm Phật, răn mình. Trong xe tang ấy, có người đang viết lên lịch sử cuộc đời mình, có người bị đời ruồng bỏ, lãng quên; có người đã từng đầm ấm hạnh phúc, có người tủi phận cô đơn; có người ác, có người hiền… Nhưng họ đều đã có nơi để đi về theo nghiệp riêng của mình. Bất kể những chiếc xe tang nào đi qua, người nằm đó, có tôn giáo, tín ngưỡng hay không, tôi đều dành cho họ một câu niệm Phật. Có những điều tẻ nhạt, có những sự thú vị nơi mỗi cái chết, nhưng đó đều là những đối thoại không dứt với riêng tôi về thân phận con người. Tôi nghĩ rằng, cái chết đến với con người cũng không phải là chuyện hoàn toàn đau khổ, vì chỉ có ở đó, mọi toan tính ích kỷ, mọi hờn ghen, thù hận, mọi công danh, tiền bạc mới trở nên vô nghĩa…
Nhưng cũng mỗi khi thấy xe tang qua phố, tôi lại vô tình chạm phải những ánh mắt không vui nhìn vào đoàn người đang đi, xem đó như là hành vi làm kẹt giao thông. Đằng sau con mắt ấy là gì…, tôi không hiểu. Có lẽ nào, sự bận rộn của cuộc sống mưu sinh đang chia tách con người ra thành từng mảng, đến nỗi phải giành sống với người chết để đi, mặc dù chỉ mất có 5 phút đoạn đường. Cuộc sống còn rất nhiều liên đới với nhau, mà ở đó, nghĩa tử luôn là nghĩa tận, và bởi cái chết còn cho ta hiểu thêm về tình bằng hữu, tình hàng xóm láng giềng. Xin hãy ngả nón tiễn biệt nhau, không phải với ánh mắt của những người xa lạ, vô tình.
Cũng như những lần khác, hôm nay tôi lại “ngả nón đứng chào xe tang qua phố” và thêm một tiếng niệm Phật, một lời nguyện cầu, mong người ra đi sẽ bỏ qua tất cả vui buồn trong kiếp sống mà để lòng thanh thản. Nhìn chiếc xe tang dần xa khuất, tôi chợt hiểu chúng ta không phải là những người tù của bản thân mình. Cuộc sống tốt đẹp còn ở mãi ngoài kia…

Nguyễn Ngọc Quý

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2007

ĐẶC ĐIỂM CỦA TRÍ THỨC VIỆT NAM?


Nói thật, bây giờ tôi không dám sử dụng động từ “dạy” nữa, vì trong thực tế tôi có dạy gì đâu. Tôi như một chiếc cassette xuất hiện trước sinh viên, lặp đi lặp lại những điều đã có trong đầu từ bao năm nay để kiếm sống. Anh thấy đó, ngôi nhà này tôi vừa xây là nhờ vào tiền kiếm được. Để như vậy, tôi phải dạy ngày, dạy đêm. Tôi không là trường hợp duy nhất nhé, hầu như tất cả các giảng viên bây giờ đều vậy. Tôi buồn lắm, không phải vì thiếu thốn vật chất mà là nỗi buồn, sự xấu hổ của một kẻ sĩ. Làm thế nào được, khi tôi phải nuôi vợ con tôi trong cái xã hội này? Tôi phải chọn lựa, một bên là bảo vệ hình ảnh của một trí thức chân chính trong tôi, bên kia là gia đình. Cũng như những người khác, tôi đã chọn gia đình…

Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, NXB Giáo Dục, 1994) định nghĩa: “Trí thức là người chuyên làm việc trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình”. Còn theo Cao Huy Thuần, từ “trí thức” (intellectuel) được sử dụng để chỉ cho một dạng công dân của Pháp thời kỳ sau Công xã Paris, cuối thế kỷ 19, đó là “những người không chỉ có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà hơn hết phải là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị xã hội nóng bỏng của thời cuộc”. Cao Huy Thuần đã dẫn thêm định nghĩa của Karl Marx: “Trí thức là những người có đủ tri thức để quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề của xã hội, nên họ phải là những người phê bình không nhân nhượng những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính quyền hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào”. (Thế giới quanh ta, NXB Đà Nẵng, 2006).
Nhìn nhận những định nghĩa trên, Chu Hảo cho rằng, Karl Marx nói đến “phê bình không nhân nhượng” và “xung đột với chính quyền” đều phải nằm trong luật pháp của xã hội đương thời (Chu Hảo đã cho “ý kiến riêng” này của mình bằng một từ “chúng tôi hiểu rằng” để giải thích không công cho định nghĩa của Marx. Nhưng Marx trở thành nhà triết học nổi tiếng bởi chính cái khí phách không biết "nằm trong" trước một xã hội Tư bản đang ở thời khủng hoảng). Chỉ cần nhìn cụm từ “nằm trong luật pháp” thì thấy rõ vì sao “trí thức” Việt Nam lại thiếu cái “vế thứ hai” quan trọng ấy. Trí thức chứ có phải ăn trộm đâu?
Vì vậy khi đi nói đến đặc điểm của trí thức các nước, ông Chu Hảo đã dẫn như khoe: “Trí thức Trung Hoa thâm thúy (thâm nho), trí thức Nhật khiêm tốn (đến khách khí), trí thức Nga sâu sắc đôn hậu, trí thức Mỹ thực dụng, trí thức Anh lạnh lùng tỉnh táo, trí thức Pháp hào hoa phong nhã… Còn đặc điểm của trí thức Việt Nam như thế nào thì ông cũng chỉ có thể dẫn: “phò chính thống” (ông K.G), “quan văn” (bà P.T.H - người viết còn thấy bà Phạm Thị Hoài nhấn mạnh đến trí thức Việt Nam bằng hình ảnh cái “ỉu xìu”), và tựu chung lại là tính “thích được chính quyền sử dụng” (theo Vietnamnet).
Khi bàn về vấn đề trên, chúng ta đã bỏ qua một câu nói được nhiều người quan tâm của Hồ Chủ Tịch: “Một người học xong đại học có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế.” (“Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t.5, tr. 235-238).
Nếu theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt kể trên, đối chiếu với lời phát biểu của Hồ Chủ Tịch thì chúng ta mới chỉ có “trí thức một nửa”. Vậy phải đi tìm “nửa” còn lại ở đâu? Có lẽ nó không nằm ở phía “chân tay”: biết cày, làm công, đánh giặc (vì bây giờ có thí thức nào làm ruộng, làm công và đánh giặc đâu), mà nó nằm ở chỗ “nhiều việc khác”. Phải biết được cái “nhiều việc khác” ấy là gì thì chúng ta mới có thể tiếp tục bàn về đặc điểm của người trí thức Việt Nam (trên cơ sở nhận thức “chính thống” về trí thức) được.
Và nếu so sánh định nghĩa vừa “chính thống” vừa “ngoài luồng” một chút thì thấy ở Việt Nam, trí thức vừa rất thiếu mà lại vừa rất thừa. Rất thiếu vì không có cái “vế thứ hai”: có chính kiến riêng trước các vấn đề chính trị xã hội của thời cuộc; phê bình không nhân nhượng với bất cứ chính quyền nào… Rất thừa vì chỉ cần người có trình độ cử nhân trở nên là đã đứng vào hàng ngũ trí thức. Nhưng chợt giật mình, vì cứ theo những “định nghĩa” và “tiêu chí” cả “nội” lẫn “ngoại” trên thì Việt Nam hiện nay “chưa có trí thức?”. Và nếu chưa có trí thức “đúng nghĩa” thì có thể hội nhập và phát triển nền kinh tế tri thức, phấn đấu ngang tầm với trí thức thế giới hay không?
Vietnamnet và tạp chí Khoa học và Tổ quốc mở ra diễn đàn “trí thức” với những vấn đề “rất đắt” như: “Khái niệm trí thức được hiểu như thế nào? Chúng ta nghĩ gì về trí thức Việt Nam trước đây, hiện tại, và tương lai? Chúng ta biết gì về bản thân những con người cụ thể, cũng như vai trò của họ trong vận mệnh dân tộc?”, đã không ít ngày rồi, nhưng thực sự vẫn chưa nóng.
Chúng ta lưu ý đến phát biểu của ông Nguyễn Quang A: “Người trí thức một mặt phải có lòng dũng cảm nói lên ý kiến của mình, đấu tranh vì những giá trị phổ quát của nhân loại như tự do, bình đẳng (thực ra là giảm bình đẳng) hạnh phúc, thịnh vượng, công bằng xã hội (thực ra là giảm bất công xã hội). Trí thức phải trung thực, độc lập, sáng tạo, tự chủ, góp sức mình cho sự nghiệp phát triển của đất nước, mặt khác phải có trách nhiệm và cân nhắc về những điều mình nói và mình viết vì chúng có thể tác động sâu sắc đến xã hội” (Vietnamnet).
Từ “bình đẳng” và “công bằng” được ông Nguyễn Quang A nhấn mạnh bằng cái gọi là “thực ra là giảm”. Ai chẳng biết thế. Tuy nhiên cái chữ “tự do” thì bị “phớt” đi bằng một cái “quyền tự do” thông qua lòng "cởi mở" của internet (không “chính ngạch” như báo viết). Quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận có sẵn trong Hiến pháp Việt Nam, nhưng cứ “tự do” đi là sẽ thấy ngay hậu quả nhãn tiền: nhẹ thì "chỉnh huấn, học tập tư tưởng", nặng thì bị chụp mũ “phản động” (có nhiều người đã “giác ngộ” và hiểu rằng cần phải biết tự do trong khuôn khổ cho phép, đừng nói chi đến cái “không lùi bước trước kết luận của chính quyền” - Marx).
“Dũng cảm nói lên ý kiến của mình” là để đấu tranh với những thói hư, tật xấu của trí thức trong xã hội mình đang sống cái đã, khoan nói đến “những giá trị phổ quát của nhân loại”, vì nó lớn lao quá. Thử hỏi có “trí thức” nào viết mà không “cân nhắc” đến cái “tác động sâu sắc”? Lâu rồi, người ta vẫn “cân nhắc” trên tinh thần “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” đấy thôi. Chỉ có như vậy “bàn tiệc” mới trọn vẹn đồ uống và thức nhắm. Nếu chỉ có một bên phải “mất” là thiếu bình đẳng. Thiếu bình đẳng sẽ nảy sinh mâu thuẫn. Mâu thuẫn thì sẽ có người nổi nóng, hoặc cả hai cùng nổi nóng. Người nào “định hướng được dư luận” người đó chiếm ưu thế (mà không có báo, đài, truyền hình ở trong tay thì sao có thể định hướng dư luận được). Tuy nhiên, trong những điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, lời khuyên “cân nhắc” của ông A rất có giá trị. Phải là người từng trải lắm, thậm chí là “oan ức” thì mới có thể có một lời khuyên sâu sắc đến như vậy. Nhưng vẫn phải xin thưa với ông một câu: “mâu thuẫn mới là nguồn gốc và động lực của sự phát triển”, cân nhắc với mục đích “dĩ hòa vi quý” vốn dĩ không phải thái độ thực sự của người trí thức.
Trên tinh thần “ông mất chân giò, bà thò chai rượu” kia, chúng ta mới thấy được sự thỏa hiệp trong một hiện thực “ích lợi” cho cả hai (không phải lúc nào cũng thống nhất với ích lợi của số đông, của nhân dân). Nếu chỉ có một người ích lợi thôi thì không được. Đó là lý do tại sao có những người trí thức đang bất đồng (một cách tự do, chân chính) tự nhiên thay họ, chuyển giọng, đổi bút đen thành bút đỏ, và nhanh chóng được tưởng thưởng bằng một chức vụ nào đó…
Từ đây, có thể thử đưa ra một đặc điểm tương đối phổ biến của trí thức Việt Nam đó là “khen trước mặt chê sau lưng và sẵn sàng thỏa hiệp khi có lợi ích”. Và sự khen chê này có được hoán chuyển từ trước ra sau hay không còn tùy thuộc vào “ích lợi” ở mức nào. Trong một chừng mực nào đó, ở đặc điểm này, người trí thức đương đại chỉ có thể xếp vào kẻ "ném đá giấu tay" hoặc cùng nắm là “hạ quân tử” theo quan điểm Nho gia (hạ quân tử: nắm đuôi hổ mà đánh; trung quân tử: cưỡi lưng hổ mà đánh; thượng quân tử: nhằm mặt hổ mà đánh - Khổng Tử).
Khen trước mặt để không phải khó khăn với cơm áo gạo tiền. Chê sau lưng để tỏ ra mình còn có vai trò phản biện mang tính tri thức. Chỉ cần đi dạo một vòng các trường đại học sẽ thu được những kết quả bất ngờ. Thầy “chê” trên bục giảng của chúng ta không thiếu. Nhưng thầy “viết” thì cực kỳ “cân nhắc”, vì học đến cỡ ấy có ai mà không hiểu ra “bút sa là gà chết” (chết chứ không phải sống vật vờ đâu).
Đó cũng chính là bộ mặt của cái “yếu tố kinh tế” mà ông Nguyễn Khánh Trung (Pháp) khi nói về tâm sự của một người thầy mà ông từng tiếp xúc: “Là người giảng viên, tôi có hai chức năng: nghiên cứu và giảng dạy. Khổ nỗi, tôi không thể chu toàn hai nhiệm vụ đó. Nói thật, bây giờ tôi không dám sử dụng động từ “dạy” nữa, vì trong thực tế tôi có dạy gì đâu. Tôi như một chiếc cassette xuất hiện trước sinh viên, lặp đi lặp lại những điều đã có trong đầu từ bao năm nay để kiếm sống. Anh thấy đó, ngôi nhà này tôi vừa xây là nhờ vào tiền kiếm được. Để như vậy, tôi phải dạy ngày, dạy đêm. Tôi không là trường hợp duy nhất nhé, hầu như tất cả các giảng viên bây giờ đều vậy. Tôi buồn lắm, không phải vì thiếu thốn vật chất mà là nỗi buồn, sự xấu hổ của một kẻ sĩ. Làm thế nào được, khi tôi phải nuôi vợ con tôi trong cái xã hội này? Tôi phải chọn lựa, một bên là bảo vệ hình ảnh của một trí thức chân chính trong tôi, bên kia là gia đình. Cũng như những người khác, tôi đã chọn gia đình…” (Vietnamnet).
Sự lựa chọn của người trí thức bao giờ cũng nhiều dằn vặt, mâu thuẫn và đau đớn. Nhưng chỉ có thế người trí thức mới là người trí thức đúng nghĩa. Trong xã hội, người trí thức sống tốt đã là đáng quý, nhưng người trí thức nhận ra những lỗi lầm, giới hạn của bản thân mình còn đáng quý hơn. Thế mới biết, thái độ và cách ứng xử trí thức nhiều khi còn được đánh giá cao hơn cái giả danh “trí thức”.

Thái Nam Thắng

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2007

55 CANCRI: “ANH EM SONG SINH” CỦA TRÁI ĐẤT?


Nhóm Marcy vừa công bố một phát hiện thiên văn học mới nhất về hành tinh thứ 5 quay quanh ngôi sao “55 Cancri” thuộc chòm sao Cự Giải cách trái đất 41 năm ánh sáng. Hành tinh mới này nằm trong vị trí mà các nhà thiên văn học gọi là “vùng có sự sống”. Theo các giả thiết thiên văn học lâu nay thì vũ trụ này không chỉ có một hành tinh có sự sống như trái đất chúng ta mà có rất nhiều các hành tinh khác có sự sống mà chúng ta chưa biết đến. Phát hiện mới này đã gây ra một mối quan tâm rất lớn đối với Vatican (thánh địa của người Công giáo). Liệu trái đất có phải là trung tâm của sự sáng tạo? Chúng ta có phải là duy nhất?...

Về vấn đề “sáng tạo”, nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận viết: “Sự tiến triển của vũ trụ không phải do tình cờ may mắn mà cũng không phải bởi một sự can dự thiêng liêng nào. Thay vào đó, chúng bị chi phối bởi luật nhân quả, trong một mối liên hệ duyên khởi, hỗ tương, bao trùm lên tất cả. Bởi vì vạn pháp không hề có thực tại độc lập, chúng không thể nào “bắt đầu” và “kết thúc” một cách thực sự như là những thực thể tách biệt… Trong những ý nghĩa này, vấn đề sáng tạo trở thành một vấn nạn giả…” (Đi tìm một đấng thối cao).
Tuy nhiên, những tranh luận “sáng tạo” sẽ vẫn còn tiếp diễn, chừng nào chúng ta còn chưa tìm được một hành tinh thực sự có sự sống. Cũng như trong quá khứ, “chân lý” mà phần nhiều người phương Tây đã “phát hiện” lầm khi cho rằng mặt trời quay và trái đất đứng yên, chỉ có một vài người đã đúng như Copernic, Bruno, Galilei…
Những năm gần đây, người ta nhắc nhiều đến khái niệm “công dân toàn cầu” như một sự dịch chuyển, giao thoa của con người trước những vấn đề còn giới hạn và bất cập trong nhận thức thời đại. “Tính loài” và “giá trị loài” được khẳng định như là một phạm trù của những giá trị tinh thần nhân văn. Có nghĩa rằng, trước khi chúng ta thuộc về một tư tưởng, một tôn giáo thì chúng ta phải biết “sống như một con người” cái đã.
“Công dân toàn cầu” phải xuất phát từ nhận thức về mối quan hệ liên đới (toàn cầu) giữa người với người, giữa người và môi trường sống. Nên bất cứ lời nói hành động nào của mỗi người cũng có thể là ích lợi hay tổn hại đến một cộng đồng hoặc/và toàn thế giới. Trong thế giới hiện đại cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, một tiếng cười, tiếng khóc của chúng ta ở bên này có thể mang những thông điệp khác nhau cho người tiếp nhận ở phía bên kia tận cùng trái đất. Nhưng một “công dân toàn cầu”, không chỉ là những công dân được tiếp cận với công nghệ toàn cầu và khả năng ngoại ngữ lưu loát. Vì đó chỉ là những phương tiện để bạn có thể “nghe nhìn” người khác một cách tốt hơn mà thôi.
Và không phải cứ đi nhiều nơi trên thế giới, làm nhiều việc to tát cho thế giới mới là những công dân toàn cầu. Vũ trụ là tương quan, tương duyên. Trái đất là tương quan tương duyên. Tất cả đang từng giờ từng khắc làm nhân quả cho nhau. Điều khác biệt cơ bản giữa cái gọi là công dân toàn cầu đó chính là thái độ sống: ích mình tổn người, tổn mình ích người hay ích lợi cho cả hai. Thái độ sống ích lợi "cả hai” chính là thái độ tôn trọng mối tương quan giữa ta và người, giữa ta và môi trường sống. Một thái độ sống ích mình hại người, hay ngược lại đều là cực đoan. Cần phải thay đổi quan niệm “nhân văn” khi chỉ đặt quan hệ con người trong cái khung chật hẹp “người-người” mà quên đi những mối quan hệ thiết thân khác: môi trường sống. Ta thấy, thuyết “vật dưỡng nhân” lâu nay đã và đang phá vỡ “hiệp ước hòa bình” giữa con người với môi trường sống. Thảm họa môi trường gia tăng trong những thập niên gần đây là một ví dụ.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon vừa ra thông điệp kêu gọi hành động khẩn cấp trước tình trạng trái đất nóng dần lên và băng tan ở Nam Cực. Ông cũng cảnh báo, băng tan sẽ dẫn đến khủng hoảng sinh thái, làm cho nhiều quốc gia, diện tích lãnh thổ nhiều hay ít sẽ bị nhấn chìm, và đó lại là khởi đầu cho những cuộc chiến mới về đất đai, nguồn nước…
Xin đừng cường điệu hóa những đóng góp để "hãnh diện" dự vào hàng những “công dân toàn cầu”. Một công ty làm từ thiện cả vài tỷ đồng một năm, đó là một điều tốt đẹp, nhưng ít ai chú ý rằng để có được những sản phẩm bán ra thị trường, công ty đó đã làm tổn hại đến môi trường sống như thế nào. Chỉ tính trong lĩnh vực sản xuất quần jean, trên thế giới đã phải mất đi rất nhiều cánh đồng bông, rất nhiều lượng phân bón thuốc trừ sâu phục vụ cho việc trồng bông, và rất nhiều hóa chất, dung dịch phục vụ cho việc giặt giũ. Và chỉ tính số lượng thiệp chúc tết, chúc Noel hàng năm thôi cũng đủ làm cho thế giới mất đi bao nhiêu lá phổi xanh rồi.
“Công dân toàn cầu” phải là những công dân có một cái nhìn liên đới và tương quan nhân quả. Như vậy, chúng ta không chỉ truyền đạt cho họ lòng nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm mà còn kêu gọi tình yêu thương, sự quan tâm đến con người và môi trường sống.
Chúng ta có thể nói, công dân toàn cầu là người “cần phải có khả năng thích ứng, tôn trọng sự khác biệt và đa dạng, có khả năng hiểu và kết nối với những xu hướng thay đổi trên thế giới, nhất là khả năng thích ứng, và sự rộng mở. Những nhân tố này sẽ kích thích óc sáng tạo, tìm tòi cái mới trong một thế giới bao la nhưng vẫn biết gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc mình” (theo tác giả Bảo Bình, Vietimes). Những nhận thức này vẫn chưa phổ biến trong một nền giáo dục Việt Nam vừa thiếu và vừa yếu cả về đầu tư lẫn trách nhiệm. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi những thay đổi trong nhận thức giáo dục, có những điều cụ thể nhỏ nhoi khác vẫn có thể khiến chúng ta tự hào là một “công dân toàn cầu”, đó chính là nhìn nhận sự liên đới, tương quan giữa ta và người, giữa ta và môi trường sống qua những hành vi đơn giản như dắt một người già qua đường, xả rác đúng chỗ… Chúng ta nên quan tâm nhiều hơn để những hành vi đơn giản ấy có điều kiện được thực hiện. Và như vậy, một người âm thầm sống trong khu bảo tồn hàng ngày chăm cho rùa đẻ trứng, một người mỗi khi vào bưu điện gửi thư đều biết gom phần rác của mình và phần rác của người khác thải ra đưa vào thùng rác, một người có thể chăm con người khác như chăm con mình, một người đang đi biết dừng lại đỡ người té ngã đứng dậy…, sao không thể là những công dân toàn cầu. Đạo vốn không nằm ngoài cái lý giản đơn.
Phát hiện thiên văn học mới đây trên chòm sao Cự Giải đã sớm gửi đến cho chúng ta một thông điệp, rằng trong những sự liên đới, tương quan rộng lớn hơn mang tính vũ trụ, chúng ta cũng vẫn không phải là những người chỉ biết sống cho bản thân và cho thế giới riêng của mình.
Khi được hỏi về việc chúng ta sẽ làm gì khi phát hiện ra “người anh em song sinh” với trái đất, nhà thiên văn học G.Marcy đã trả lời trên Los Angeles Times 16-11-2007, “Tôi biết chính xác ta sẽ làm gì: Viện Berkeley cùng với SETI (Viện Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái đất) đang xây dựng một kính viễn vọng vô tuyến ở phía bắc núi Lassen (Hat Creek) để dò tìm những tín hiệu truyền hình và truyền thanh từ một nền văn minh công nghệ tiên tiến”. Và nếu tìm được sóng radio, “Bước A sẽ là thông tin rộng rãi và đồng loạt khắp thế giới để mọi người có thể biết và giám sát công việc của chúng ta. Bước tiếp theo sẽ là... một hội nghị, nơi tất cả các dân tộc đều cử đại diện đến để thảo luận thông điệp nào chúng ta sẽ hồi đáp họ…”.
Mọi kết luận có thể còn quá sớm, song cho dù có thêm một, hai hay nhiều người “anh em song sinh” với trái đất đi chăng nữa, thì nhận thức về một mối tương quan, tương duyên của chúng ta vẫn là điều thiết yếu để chúng ta sống đẹp và sống tốt với con người và môi trường trong trái đất mà chúng ta đang từng giờ có cơ hội được sống.

Nguyễn Sơn Hà

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2007

THỜI GIAN VÀ NHÂN QUẢ




Khi xã hội có bất cứ hiện tượng gì tiêu cực xảy ra, lúc cần phải thể hiện trách nhiệm cá nhân trước vấn đề này, người ta thường nói: “Chúng ta đã và đang thực hiện, vấn đề là cần phải có thời gian…”.
Nghe câu nói trên, nhiều người dù chưa thỏa mãn nhưng vẫn có thể tạm yên tâm. Nhưng thời gian là bao lâu để cải thiện tình hình thì ít ai đưa ra một cách cụ thể. Có thể phần nào nhận ra ở cách nói ấy sự thực hiện thiếu đồng bộ, nên thời gian hứa hẹn chỉ nhằm để thực hiện lại những điều đã lịch trình hơn là việc bắt tay vào điều chỉnh cho một nhận thức đúng tốt hơn. Vì ít ai có thể tự nhận rằng mình đã sai ngay từ khâu lên kế hoạch. Và như vậy, thời gian và tiền của vẫn tiếp tục bị lãng phí. Nhưng lãng phí trong kinh tế còn có cơ hội bù đắp lại được, còn suy mòn về văn hóa, lối sống thì ảnh hưởng lâu dài đến nhiều thế hệ, mà hậu quả trực tiếp nhất vẫn là giới trẻ phải gánh chịu.
Diễn tiến của cuộc sống thì luôn phức tạp và không dừng lại, mà mức độ ảnh hưởng của những yếu tố môi trường xã hội trong thực tiễn đối với từng cá nhân là rất cao, đôi khi vượt trên cả những tác động của giáo dục. Chẳng hạn, gia đình và xã hội mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để đào tạo ra một con người, nhưng khi họ vừa rời ghế nhà trường, bước chân vào đời, thì chỉ cần một phần tác động rất nhỏ từ thực tiễn cuộc sống có thể cuốn hút và gần như phá vỡ nhiều những “chuẩn mực” mà họ đã được học. Không ít người thừa nhận rằng, nền kinh tế thị trường, sự sùng bái khoa học kỹ thuật luôn có những tác động tiêu cực không thể tránh khỏi đi kèm. Nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn không ngừng khuyến khích, thậm chí tạo nhiều áp lực để con cái dấn thân vào lĩnh vực này, nhằm có được những công việc có thu nhập cao, nhiều cơ hội thăng tiến, và tạo ra nhiều lợi nhuận cho bản thân... Cho đến khi họ bị vật chất cám dỗ và xa ngã thì chúng ta lại đổ hết trách nhiệm lên đầu họ…
Bà Nguyễn Thị Oanh, thạc sĩ phát triển cộng đồng, có lần đã phát biểu công khai trên báo chí: “Lĩnh vực khoa học kinh tế đang phát triển rất nhanh, nhưng tôi khẳng định đất nước sẽ khó đi lên và không thể phát triển bền vững nếu lớp trẻ chỉ học về kinh tế, khoa học kỹ thuật mà không coi trọng học và rèn luyện đạo đức làm người… Cái đạo đức con người đơn giản mà hết sức cơ bản: chớ giết người, chớ ăn cắp của người, chớ nói dối, tà dâm… Trong xã hội ta, người nói dối, ăn cắp một cách thản nhiên. Tôi đã suy nghĩ khá nhiều về vấn đề này và dường như khi bài trừ tư tưởng phong kiến thì những giá trị nhân bản, những bài học làm người cũng bị bỏ quên luôn. Không thể có chính trị tốt mà không có đạo đức tốt…”. Sở dĩ những điều đó trở nên phổ biến vì sự giáo dục của chúng ta hầu như đang khuyến khích lớp trẻ chạy theo một lối sống xem trọng vật chất, khoa học kỹ thuật, lợi nhuận, hưởng thụ, thực dụng, hơn là những bài học để họ tự biết cách làm người trước đã.
Vẫn còn đó những giá trị vượt thời gian, vấn đề là chúng ta sẽ áp dụng như thế nào vào trong nhận thức, lối sống của thế hệ trẻ. Thời gian là thước đo cho một hệ quả nhưng thời gian cũng chính là cái đang diễn ra, mà cái đang diễn ra ấy có thể vừa là kết quả vừa là nguyên nhân. Vậy không thể chờ thời gian cho một nguyên nhân trong khi nó đã nảy mầm và cần ngay sự chăm sóc đặc biệt. Bởi sự thật của diễn tiến xã hội diễn ra nhanh hơn gấp nhiều lần chúng ta dự báo. Nếu chúng ta không thay đổi nhận thức này thì những dự tính đặt ra cho một lĩnh vực chỉ là sự đầu tư thiếu chiều sâu, đuổi theo thời gian bằng thói quen “nước đến đâu bầu đến đó”, chứ không phải là chúng ta đang làm chủ thời gian. Bởi làm chủ thời gian chính là tạo điều kiện cho nhân quả tốt đồng thời xuất hiện và nhân quả xấu cùng lúc được cải thiện. Như vậy, trong sự điều chỉnh mang tính cần kíp, thời gian cần được nhận thức như là một yếu tố nhân quả đồng thời, tránh hiểu nó theo một trật tự máy móc: có nguyên nhân rồi mới có kết quả, hay nguyên nhân chính là kế hoạch trong một thời gian và kết quả là cái thu được sau kế hoạch. Bởi cái quả ấy lại chính là nhân cho cái quả tiếp nối sau đó. Nếu cái vừa là kết quả, vừa là nguyên nhân ấy còn chờ thời gian nữa thì cái nhân ấy đã trở thành một quả khác mất rồi, và cái quả ấy chắc chắn sẽ teo đét…
Trong đào tạo con người, nếu để cho một thế hệ bị teo đét về văn hóa lối sống thì nhiều thế hệ sẽ bị ảnh hưởng theo. Từ ngày đất nước thống nhất đến nay, chúng ta có gần hai thế hệ; từ khi đất nước đổi mới (1986) đến nay, chúng ta có hơn một thế hệ. Đó đều là những cột mốc quan trọng hứa hẹn mang lại sự tiến bộ. Nhưng cũng chính thời gian này, chúng ta phải bàn luận và lo nghĩ rất nhiều về những vấn nạn xã hội, mà sự suy mòn đạo đức lối sống trong nhiều tầng lớp, đặc biệt ở giới trẻ luôn là vấn đề trọng tâm, nóng hổi.
Làm chủ thời gian chính là làm chủ thời gian nhận thức, hành động, làm chủ không gian văn hóa, và cần phải xác định ngay những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống làm nền tảng căn bản. Bởi vì trong hội nhập, văn hóa là điểm tựa cho mọi sự phát triển bền vững. Chúng ta đã tốn quá nhiều phương tiện giấy mực để nói, nói rất hay, rất bài bản mà chúng ta vẫn phải chạy theo thời gian để mong cải thiện cuộc sống xã hội ở cả hai mặt vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, nếu vẫn còn những người thiếu nhận thức về giáo dục mà đi làm giáo dục, thiếu nhận thức về văn hóa mà đi làm văn hóa, thiếu nhân cách làm người mà đi dạy làm người…, thì chuyện tốn công sức, tiền của, thời gian và giấy mực sẽ còn tiếp diễn. Và càng tạo ra nhiều “bộ óc” cứ gặp việc gì khó khăn cũng cần một thứ thời gian… không xác định, bất chấp diễn trình nhân quả như thế thì càng tạo ra sự lãng phí cho xã hội. Nếu có thể làm chủ thời gian bằng chính những nhận thức và hành động tốt đẹp trong hiện tại thì những nhân quả tốt đẹp cũng sẽ tỷ lệ thuận với điều đó. Dĩ nhiên “sửa sai” chỉ là chuyện bất đắc dĩ, không ai mong muốn nó sẽ xảy ra.

Nam Quốc

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2007

“THẮT LƯNG BUỘC MIỆNG”


Hồ Chủ Tịch từng nói: “Phải cho dân được mở miệng”. Mở miệng ở đây không phải để ăn uống đâu mà mở miệng để nói, nhưng cũng không phải là nói theo, nói leo, nói cho có chuyện, nói “rào trước đón sau”, bởi những cách nói như vậy cũng không khác xảo ngôn là mấy…

Những người xưa nay không được nói, cứ phải ngồi im nghe, đến khi chịu hết nổi, bức xúc quá mới “tuôn” thế là người ta nói vui rằng “cóc mở miệng”. Nhưng “cóc mở miệng” nhiều khi cũng còn có lợi, bởi chí ít người ta còn biết “cóc” có bức xúc gì. Nói thế để thấy có những vị đại biểu quốc hội (không phải “dân”, có chức năng là nghe và nói) ngồi mòn ghế suốt cả tháng trời mà không thấy nói, nếu có nói thì nói theo những gì mà báo đã viết, dân đã nói, chẳng có sáng kiến gì. Xin thưa, dân đóng thuế để nuôi các vị ngồi trên cái ghế “đại biểu quốc hội” có phải để “thứ nhất ngồi ì, thứ nhì đồng ý” đâu.
Thế nhưng ngược thay, trong hoàn cảnh tập trung dân chủ “cao độ” như vậy, người có quyền nói thì chẳng nói, nói không thỏa, nói cho vừa lòng nhau kiểu khen có chê có, có người còn nói “nịnh” bằng một bài diễn văn đả phá người nọ, người kia một cách rất mất thì giờ. Trong khi người dân muốn nói thì chẳng ai nghe, chẳng lọt vào tai quan chỉ vì là “ngoại đạo”, “ngoài luồng”, “đồ lậu”, “không chính thống”… Không phải ngẫu nhiên mà cả chục năm trước, nhà báo Thái Duy từng cảnh báo: "Sự thật không phải lúc nào cũng dễ lọt vào Hội trường Ba Đình. Bao giờ mọi sự thật, dù cay đắng, ùa được vào hội trường Quốc hội, mọi nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân được cất lên áp đảo ở hội trường Quốc hội thì người dân mới bớt khổ".
Tiếng nói của người dân được cất lên để “bớt khổ”. Phải nhận ra và thấm cái chữ “khổ” ấy thì mới hiểu thấu lòng dân, mới là “công bộc” của dân. Nhưng không hiểu từ bao giờ “xã tắc vi quý” (người làm luật), “dân vi khinh” (người chịu luật) chỉ vì cái cơ chế ban hành “xuống” dân đủ mọi thứ mà không cần hỏi họ như hiện nay. Và cũng không hiểu sao cái từ “chất vấn” cũng lại được hiểu một cách “một chiều” như thế. Có nghĩa rằng cả mấy trăm con người tập trung vào một con người và “vấn”. “Vấn” cao, “vấn” thấp, “vấn” dài, “vấn” ngắn mặc sức. Trả lời được đến đâu thì trả lời, có thỏa hay không xin chịu vì chỉ có thể trả lời đến đó là hết ý rồi. Không còn thời gian thì trả lời sau cho người hỏi. Câu trả lời có đến được dân không… còn chờ. Người trả lời tự chịu trách nhiệm, còn mấy trăm con người kia được khen là “vấn hay”, “vấn bí”, nhưng dân ngồi xem truyền hình trực tiếp thì tức anh ách, vì mất thì giờ để ngồi nghe “hỏi-đáp” kiểu “đã làm và đang làm”, “cần phải đồng bộ”, “còn chờ bên… đó, bên… kia”, “phải mấy năm sau mới có thể đánh giá”… Thay vì cứ tiến hành kiểu “hỏi-đáp” hình thức để quay phim, lên truyền hình này, mấy trăm “bộ óc” ấy đưa những vấn đề nổi trội của nước của dân ra mà cùng hỏi, cùng bàn, cùng trả lời và cử một người lên giải trình cái “kết quả” ấy mà tiến hành làm ngay, làm dứt điểm còn hơn.
Đơn cử như vấn đề tai nạn giao thông và nạn kẹt xe ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP. HCM, mấy kỳ họp quốc hội rồi mà vài trăm con người ấy cũng không thể nghĩ ra điều gì mới hơn. Chẳng hạn như ra luật đi xe máy trong nội thành phải đội mũ bảo hiểm. Nhưng thử hỏi mấy trăm đại biểu ấy, ai là người hàng ngày phải ngồi xe máy để đi làm? Người ra luật chủ yếu là người cưỡi máy bay đi họp, ngồi trên xe hơi có máy lạnh đi làm, còn người chịu luật là dân thì cứ phải “thi hành” cái khổ của mình. Xin đơn cử, đội mũ bảo hiểm là phải mua mỗi người trong gia đình một cái mũ mà chất lượng chưa biết là té ngã thì có bị chấn thương sọ não hay không, đó là chưa kể đến hàng ngày phải gửi mũ (tốn thêm tiền), mất mũ phải mua mũ mới cả mấy trăm nghìn... Phải đội mũ bảo hiểm trong nội thành khi nạn kẹt xe cả sáng lẫn tối như hiện nay là một cực hình. Vì một ngày hai buổi đi làm đều kẹt, cả tiếng cho đến vài tiếng đồng hồ không nhúc nhích mà phải nghe tiếng ồn, mang “nồi cơm điện” ở trên đầu, bịt miệng kín mít mà vẫn không chống nổi với khí xăng thải ra từ các phương tiện giao thông. Thử hình dung nếu ngày nào cũng nhiễm độc hệ hô hấp như vậy thì hậu quả mang bệnh tật sau này sẽ như thế nào.
Còn nạn kẹt xe thì khỏi phải nói, chữa chỗ này kẹt chỗ kia, thay đổi giờ làm việc thì “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”… Người dân nói về nạn kẹt xe để rồi người ta “quay lưng” lại bằng một giải pháp đánh vào dân là “hạn chế xe gắn máy” và tăng thu thuế. Chúng ta có cả gần 500 đại biểu quốc hội, những người “ưu tú” nhất được dân bầu ra, thế mà ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phải nhờ người Nhật Bản xem xét và đưa ra giải pháp cho tình hình kẹt xe ở Việt Nam. Thật đáng suy nghĩ, vì đầu tư cho hạ tầng cơ sở của ông Nhật Bản lớn, đường xá rộng rãi, không có nạn kẹt xe máy vì ông ta sản xuất xe máy để cho những nước như Việt Nam đi thôi… Không cần nói đến khủng bố, nổi lọan, chỉ cần một cái "xe điên" xuất hiện giữa đám kẹt xe ấy thì chỉ còn biết: "than ôi thịt nát máu trôi!".
Còn bao nhiêu vấn đề bức xúc khác nữa, năm này năm khác, kỳ họp nọ kỳ họp kia, điệp khúc “ông nọ đỗ lỗi bà kia” vẫn tiếp diễn. Dân cứ ngồi chờ nghe đọc luật và luật ban ra là phải thi hành. Phạm luật là phạm pháp. Phạm pháp là không “yêu nước”. Không được “mở miệng” đành phải “thắt lưng buộc miệng” để chờ đợi những cuộc chưng cầu dân ý và chờ nghe hai chữ “thương dân” từ chính những người mà mình đã đặt niềm tin, hy vọng.

Trần Điều

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2007

CỨ 10 NGƯỜI VIỆT NAM CÓ 1 NGƯỜI “TÂM THẦN”





PGS.TS Trần Viết Nghị, Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần Trung ương, cho biết có khoảng 10-15% dân số Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Con số thực tế còn cao hơn nhiều. Điều đáng quan tâm là không chỉ có người dân lao động, sinh viên học sinh, doanh nhân mà giáo sư, tiến sĩ cũng “điên” như thường. Chất lượng dân số Việt Nam trong những năm tới sẽ như thế nào khi cứ 10 người thì có 1 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần?...

Có thể hiểu “nôm na” về người có vấn đề về sức khỏe tâm thần qua các triệu chứng từ nặng đến nhẹ như sau: điên loạn, hò hét, đập phá, đánh người, tự sát, “adam”, “eva” giữa đường phố, khóc cười một mình, nói năng lảm nhảm, trầm cảm, thờ ơ, vô tình… Đâu là nguyên nhân của những biểu hiện trên?
Trong khi kêu gọi tình thương và lòng trắc ẩn của những người thân và cộng đồng còn đang bình thường cảm thông cho lời nói và hành vi của người bệnh thì không ai phủ nhận nguyên nhân của những triệu chứng tâm thần trên là do lối sống gia đình và xã hội. Có thể kể đến một vài nguyên nhân sau:
Thương trường căng thẳng: những cạnh tranh trong buôn bán đòi hỏi người ta phải bỏ ra nhiều sức lực và tinh thần hơn cho công việc. Và như vậy thời gian dành cho cuộc sống riêng tư, gia đình nhằm quân bình, lấy lại sức khỏe và tinh thần ngày càng ít đi. Thêm vào đó, những rủi ro trong kinh doanh làm cho nhiều người “mất ăn, mất ngủ”. Cách nhìn được mất, hơn thua, tiền bạc chật đầy trong suy nghĩ khiến cho nhiều người không đủ bình tĩnh để có thể làm những công việc bình thường như uống trà, tưới cây, gần gũi người thân, quan tâm tới cha mẹ, vợ chồng, con cái… Công nhân lao động bình thường thì tăng ca, tăng kíp mà lương vẫn không đủ sống để chi phí cho những nhu cầu tối thiểu về ăn uống, thuê nhà, bệnh tật…
Người già mất dần không gian sống: Con cái ngày càng bận rộn với công việc làm ăn. Cha mẹ ít được gần gũi để chia sẻ kinh nghiệm sống với con cái, sống thui thủi một mình, đi lang thang ngoài phố… Người nào may mắn thì có câu lạc bộ để tham gia, còn phần nhiều lo việc gia đình, con cháu, không còn thời gian nghỉ ngơi. Tiếng ồn quá tải, không khí ô nhiễm, bệnh tật, mất ngủ, mình nói con cháu không hiểu, con cháu nói mình không hiểu. Khoảng cách sống giữa các thế hệ ngày càng cách biệt. Đó là chưa kể đến những cha mẹ bị con cái bỏ rơi, không người thân thích, không nơi nương tựa…
Học tập quá tải: sinh viên, học sinh gần như ở trong tình trạng phải học tập quá tải. Sáng trưa chiều tối đều phải học, từ học ở trường đến học ở nhà, học phụ đạo, học thêm ngoại ngữ, tin học… Không còn thời gian nghỉ ngơi, chơi đùa, thư giãn vì áp lực từ các kỳ kiểm tra, thi dày đặc cộng với áp lực về thành tích của trường lớp, thầy cô, cha mẹ. Nhiều trong số đó thì bị cha mẹ bỏ rơi, không quan tâm dẫn đến chán học, chơi bời lêu lổng, nghiện internet, nghiện game, nghiện web đen, lối sống buông thả, không làm chủ được mình…
Yêu đương không giới hạn: giới trẻ ngày càng yêu vội, thương nhanh, yêu không giới hạn, thay bồ như thay áo. Thiếu những kiến thức tối thiểu về sức khỏe sinh sản, giới tính. Tình dục sớm, nạo phá thai, thích chụp ảnh khỏa thân, đóng phim sex…
Ly dị: ngày càng nhiều các cặp vợ chồng ly dị do thiếu quan tâm chăm sóc tới nhau, do cám dỗ của tiền bạc, tình dục bản năng. Thiếu lòng chung thủy, thờ ơ với vợ chồng con cái. Bên cạnh đó, ly dị còn có nguyên nhân từ những triệu chứng bất lực ở nam giới, trầm cảm ở nữ giới, nghiện rượu, nghiện ma túy…
Các rủi ro khác: các rủi ro đến từ thiên nhiên như thiên tai, dịch bệnh, mất mùa. Tai nạn giao thông, tai nạn lao động. Bị mất đất đai do những văn bản trái quy định pháp luật. Bị mất việc làm. Áp lực công việc, áp lực cuộc sống. Bị hàm oan, bị bức hiếp, bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, cuồng tìn tôn giáo, ám ảnh dị đoan…
Thực trạng trên là những tác nhân gây nên những tổn thương thể chất và tinh thần, tùy theo mức độ nặng nhẹ đã gia tăng con số người mắc bệnh tâm thần một cách đáng kể trong những năm gần đây.
Chúng ta có cảm giác như thế nào khi chứng kiến một người không có mảnh vải nào trên người đang đi lang thang? Chúng ta nghĩ gì khi một học sinh lớp 3 chưa đến năm giờ sáng là vùng dậy vồ lấy cái cặp và cứ đi lên đi xuống cầu thang, miệng thì lẩm bẩm? Chúng ta hiểu ra điều gì khi người phụ nữ mới 1 mụn con, cứ ngồi nhìn vật gì đó không chớp mắt cả tiếng đồng hồ, ai gắp gì cho ăn cũng không biết? Chúng ta phải làm sao khi một thanh niên gặp ai cũng muốn chém giết và hát một cách hùng hồn rằng “đường vinh quang xây xác quân thù”?... Có rất nhiều những hoàn cảnh thương tâm như vậy, chỉ mong chúng ta chia sẻ, nhìn và đối xử với họ như những con người. Bởi họ trực tiếp, gián tiếp là nạn nhân của lối sống gia đình, xã hội mà trong đó, hoặc có lúc vô tình, cố ý, lời nói, hành động của mỗi người chúng ta đã làm cho căn bệnh này nặng thêm và gia tăng.
Chúng ta nên điều chỉnh các nhu cầu hàng ngày để có một thể chất và tinh thần mạnh khỏe, an vui. Và lòng yêu thương, chia sẻ chính là nhân tố mang đến cho chúng ta sự quân bình, hài hòa. Cuộc sống là tương quan, tương duyên. Bệnh tâm thần có thể chữa khỏi sớm nếu nhận được sự quan tâm đầu tư của nhà nước, sự chăm sóc yêu thương của gia đình và cộng đồng.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì ngày nay, trung bình cứ 4 người có một người bị tác động bởi các rối loạn tâm thần hoặc thần kinh. Theo bác sĩ Gro Harlesn - Giám đốc WHO - không có một gia đình nào, không một người nào mà lúc này hay lúc khác không có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trên thế giới (thống kê năm 2001) có tới 450 triệu bệnh nhân tâm thần (trong đó có 54 triệu người bị tâm thần phân liệt, 50 triệu bị động kinh, 121 triệu bị trầm cảm, 10-20 triệu người định tự sát và 1 triệu người tự sát mỗi năm). Nhưng tiếc thay 2/3 trong số đó không tiếp cận được các dịch vụ y tế gây ra 1/3 số người bị tàn phế.

Quang Hưng

THAM NHŨNG - BẤT CÔNG BẰNG XÃ HỘI


“Tôi làm việc với một số tổ chức quốc tế, họ hỏi Chính phủ Việt Nam khó khăn gì trong chống tham nhũng họ sẵn sàng giúp. Tôi nói là chúng tôi quyết tâm đủ, ý chí đủ, luật pháp đủ chỉ thiếu… tiền để làm lương cho đủ sống, nhưng không ai chịu giúp” (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng).

Hơn một thập niên qua, nền kinh tế nước ta có những bước phát triển mạnh, nhưng, Việt Nam vẫn thuộc vào các nước nghèo nhất thế giới, trình độ phát triển thấp, phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài. Trong xu thế hội nhập, Việt Nam đang tìm mọi cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thiết lập sự công bằng xã hội, phát triển tiềm năng văn hóa, và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Chống đói nghèo và thiết lập công bằng xã hội là hai tiền đề chính liên quan trực tiếp đến tham nhũng. Và khi tham nhũng được mặc nhiên thừa nhận là “quốc nạn” ở Việt Nam thì việc tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ là câu hỏi lớn cần có ngay một lời giải.
Còn nhà nước là còn tham nhũng?
Những mức độ nâng cấp khác nhau của tham nhũng cho thấy đó là một loại “tội phạm quyền lực”. Nhưng quyền lực lại khiến chúng ta liên hệ nhiều hơn đến các khái niệm công cụ khác như pháp luật, tòa án, cảnh sát, nhà tù… Có hay không sự "hoài nghi công lý” khi tham nhũng được núp dưới bóng quyền lực? Đã có lúc, người ta phê bình rằng: “Chủ nghĩa thực dân không kết tội những người có đầu óc thực dân”. Khi ấy, nhiều người đã nhận thức rất rõ về điều này và cho rằng "bóc lột" là lối thoát “nghèo" của chủ nghĩa thực dân. Tham nhũng không thể hiện dưới hình thức bóc lột, nhưng hậu quả nặng nề gây ra cho xã hội cũng chẳng khác gì bóc lột sức dân. Tham là một trong những tính cách phổ biến của con người, còn tham nhũng là thuộc tính phổ biến của quyền lực, nghĩa là có nhà nước là còn tham nhũng. Có thể tham nhũng sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia và các vấn đề chính trị, xã hội, an ninh… khác, nhưng đáng nói, kiểu “thoát nghèo trong quyền lực” này lại chính là sản phẩm của tiến trình dân chủ, nói đơn giản là “được dân bầu” ra. Danh chính ngôn thuận mà nói, người nào “được dân bầu” cũng có đức-tài cả. Nhưng do đâu đức-tài là kết quả của quá trình “thanh lọc” dân chủ tốt đẹp như thế mà tham nhũng lại trở thành “quốc nạn”?
Tham nhũng có vi phạm nguyên tắc dân chủ?
Trong vô số các loại tội phạm, tội phạm tham nhũng là khó trị nhất. Bởi có quyền lực mới có cơ hội tham nhũng. Vậy phải chăng chính quyền lực là nguyên nhân của mọi nguyên nhân? Tại sao những người được mệnh danh là “đày tớ của nhân dân”, nhưng hàng ngày lại dùng quyền lực của mình để “vui sướng” trước thiên hạ? Người ta vẫn khăng khăng rằng pháp luật nghiêm minh, công lý luôn được thực thi, đạo đức lương tâm luôn thắng thế, ý chí quyết tâm đã đủ, trong khi “quốc nạn” vẫn sờ sờ ra đấy thì chẳng phải thực tiễn ấy đang xúc phạm nền dân chủ hay sao? Lịch sử thế giới cho thấy, khi quyền uy không giữ được vẻ trong sạch, khi tham nhũng trở thành quốc nạn là lúc thế lực của cái ác đang cố tình bẻ cong lịch sử tốt đẹp của con người. Đơn cử, theo thống kê, nước ta có 1,8 triệu trẻ em suy dinh dưỡng, trong số đó, nhiều trẻ em không được tiếp cận với sự chăm sóc tối thiểu, và có nguy cơ bệnh tật, chết non… mà điều rõ nhất là không có đủ dinh dưỡng cần thiết để phát triển thể chất và trí tuệ. Chắc chắn, nếu con số tham nhũng không gây thất thoát lên đến vài ngàn tỉ đồng một năm thì người ta không phải nhắc nhiều đến những con số đáng suy ngẫm như vậy…
Không thể không khẳng định, tham nhũng đang tạo thêm hố ngăn cách giàu nghèo và có nguy cơ gây nên một cuộc “đấu tranh giai cấp mới” trong lòng xã hội, kéo lùi động lực phát triển của lịch sử, khi hàng loạt các vấn đề tha hóa khác sẽ chạy theo nó như một móc xích của luận suy “thượng bất chính hạ tắc loạn”. Với tính chất “trong họ ngoài làng” bảo thủ, “lý thuyết” và thực trạng tham nhũng đang phá vỡ dần tính tập trung, liên kết của toàn xã hội, đẩy cơ sở lý luận về việc tiến tới một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh vào bế tắc. Có thể nhận thức tham nhũng như một loại hình thức "bạo lực mới”, gây tổn hại cho nhà nước, cướp mất cơ hội được đối xử bình đẳng của tất cả mọi người, trực tiếp nhất là người lao động.
Chống tham nhũng là chống ai?
Triết gia Platon nói: “Mọi quốc gia đều có hai quốc gia, quốc gia của người giàu và quốc gia của người nghèo”. Và như vậy, tham nhũng hiển nhiên là “quốc gia” của những người có tiền, có quyền. Không phải ngẫu nhiên mà Liên Hợp Quốc cho rằng nhiệm vụ chống đói nghèo phải đi đôi với nhiệm vụ chống tham nhũng. Vậy phải chống như thế nào, và ai là người trực tiếp chống? Rất khó khi hình thức tham nhũng biến tướng và ẩn núp trong nhiều mối quan hệ phức tạp, chồng chéo, thậm chí có sự bao che, chống lưng, hay sẵn sàng có người chịu tội thay. Điều này đã làm giảm “nóng” xã hội một cách đầy thách thức, nhưng hậu quả là làm sai lệnh nhận thức thực tế, dẫn đến nguy cơ xuất hiện sự bất tín công lý và kéo theo hàng loạt các hệ quả xã hội khác. Chẳng hạn nhìn vào tỉ lệ % giảm nghèo, ai cũng phấn khởi, nhưng chưa ai thống kê rằng những người giàu lên đó có bao nhiêu % làm ăn “đàng hoàng”, bao nhiêu % là tham nhũng… Phải biết rõ người "làm ăn" không đàng hoàng đó là ai thì mới có thể chống. Nhưng nhiều khi có người chỉ ra rồi mà chống không được. Vì sao? Vì lấy “quyền” chống “quyền” thì chẳng khác “quân ta đánh nhau với quân mình”, thật không dễ chút nào.
Tham nhũng là do lương không đủ sống?
Người tham nhũng có khi (thậm chí phần lớn) không “thiếu tiền” mà vẫn “tham tiền”, trái khoáy chính là ở chỗ đó. “Lòng tham” đã “không đáy” thì không bao giờ có cái gọi là “đủ tiền”. Vì thực tế, có cán bộ tham nhũng nào mà nhà nghèo đến mức thiếu tiền trang trải cuộc sống hàng ngày đâu? Tăng tiền lương để giảm tham nhũng? Nhưng người mắc vào tham nhũng cũng không ngoài mục tiêu làm tăng túi tiền của mình. Còn tăng đến cỡ nào mới gọi là đủ khi lòng người không biết đủ.
Có lẽ nguyên nhân không năm ở việc tăng tiền lương. Bởi vì ai cũng biết “quyền” rất dễ đẻ ra “tiền” (tham nhũng). Khi nhìn nhận vấn đề tham nhũng, chúng ta thấy động cơ thúc đẩy hành vi tham nhũng có nguyên nhân lâu dài từ một môi trường chính trị, "cả nể", “dĩ hòa vi quý”, "vuốt mặt nể mũi". Vì vậy không nên xem tham nhũng là việc sửa lại cho khớp với tinh thần lịch sử: “nước nào mà chả có tham”. Bởi đây là vấn đề thuộc ý thức, vì hành vi “tham nhũng” bắt nguồn từ “tính tham lam” và được một điều kiện thuận lợi là quyền lực trong tay ủng hộ. Muốn ngăn chặn tham nhũng thì phải biết dũng cảm “tước” quyền lực, chứ không phải “thuyên chuyển công tác”. Ai sẽ tước quyền lực của ai? Không đủ “lòng dũng cảm” và “sức mạnh” thì không thể bàn chuyện này. Ở đây, còn một nguyên nhân khác đó là hành động “dám làm, dám chịu”. Ai trực tiếp quản lý người gây ra tham nhũng cũng phải dám chịu trách nhiệm về mình. Nhiều khi tham nhũng xảy ra, nhưng chịu trách nhiệm cao nhất chỉ là cỡ “phó”, cỡ “thứ” thì không bao giờ chống được cả. Vì mất “phó” này, “thứ” này thì có “phó” khác “thứ” khác. Cái vòng quay ấy chỉ được điều chỉnh bằng một cuộc tự chịu trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu. Điều này thì Việt Nam chưa có tiền lệ. Thiết nghĩ, ở điểm này văn hóa “từ chức” cũng nên được nghiêm túc nhìn nhận.
Sự vững mạnh của một quốc gia chính là phải có “minh quân, lương tướng”, nói theo quan điểm Nho gia: “Tự thiên tử chí ư thứ nhân, nhất nhất giai dĩ tu thân vi bản” (Từ vua cho đến người thường, tất cả đều phải lấy tu thân làm gốc). Tu thân chính là sửa mình… Điều đó trở nên đúng và đáng khuyến khích biết bao.

Mai Sơn

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2007

LÒNG TRONG SẠCH



Trong khi xã hội loài người đang tràn ngập sự cạnh tranh và người ta phải quan ngại về những tiêu cực của nó, thì Singapore-một đảo quốc nhỏ bé hiện lên như một sự cạnh tranh “lòng tử tế”. Thường thì người ta cạnh tranh về các chỉ số phát triển, về cái gọi là sự ưu việt của Tư bản chủ nghĩa hay Xã hội chủ nghĩa, về cái gọi là vật chất quyết định ý thức hay ý thức quyết định vật chất... Nhưng bỏ qua sự cạnh tranh kiểu “con gà có trước hay quả trứng có trước” ấy, người Singapore cạnh tranh “lòng tử tế” với phần còn lại của thế giới, bởi họ tin rằng “lòng tử tế” mới phản ánh đúng chất lượng con người…

Lòng tử tế được ông thủ tướng Lý Hiển Long giải thích: “Một là phải biết chào hỏi nhau, không quên nói “làm ơn”, “cảm ơn”. Hai là phải quan tâm, ân cần với nhau, chẳng hạn như nhường ghế cho người cần đến nó hơn, hay lau bàn, dọn mâm sau khi ăn”.
Lòng tử tế được nhìn nhận như vậy “vào quá”, “thấm quá” mà không cần phải mất những hội nghị bàn vuông, bàn tròn và những tranh luận triết học nào. Trong khi đất nước mình tìm lời giải cho cái gọi là “triết lý giáo dục” thì người Singapore đã “biết” (tri) và “làm” (hành) từ những việc nhỏ nhất ấy: “làm ơn”, “cảm ơn”, “quan tâm”, “ân cần”… Có điều thiện to lớn nào mà không xuất phát từ những điều thiện nhỏ như vậy. Chúng ta muốn chứng tỏ với người nên thường hô hào những bài học đạo đức, để cho tuyên ngôn văn hóa xanh đường, đỏ phố trong khi “lòng tử tế” thì không tỉ lệ thuận với điều đó. Cái tâm lý khen mình thì thừa mà chê người cũng không thiếu ấy đã làm cho chúng ta bỏ qua những bài học tưởng chừng như đơn giản “lòng tử tế” của con người với nhau: tình thân gia đình, tình hàng xóm láng giềng, tình bạn hữu, thầy trò, tình yêu thiên nhiên, dân tộc… Lòng tử tế ấy làm nhân quả tốt đẹp cho nhau. Và lòng tử tế ấy được tưởng thưởng bằng ích lợi: ích mình và lợi người, từ đó ích lợi cả hai. Chính vì vậy mà ông Lý Quang Diệu nói: “Khi một nhà đầu tư cần người, trong một hàng ngang các “con người” mà tài trí, sức lực, giỏi giang như nhau, người ta sẽ chọn người Singapore”.
Tại sao những nhà lãnh đạo của Singapore lại có một cái nhìn tự tin như vậy? Vì họ tin vào sự tử tế, tin vào lòng tốt của con người. Ông Lý Hiển Long nhấn mạnh: "Khi đã tăng trưởng và hội nhập toàn cầu, các giá trị về sự quan tâm, lòng trắc ẩn, tình láng giềng trở nên quan trọng còn hơn trước. Không một xã hội nào có thể tồn tại và thịnh vượng nếu công dân của họ chỉ biết theo đuổi sự giàu có về vật chất. Lòng tử tế là sợi chỉ chạy xuyên qua các chất liệu tạo nên xã hội, giúp nó trở nên mạnh hơn và dính kết". Như vậy, Singapore “cạnh tranh” với thế giới về lòng tử tế để điều chỉnh nhận thức về cạnh tranh của con người: cạnh tranh để làm tốt đẹp cho nhau, không phải để hủy diệt nhau.
Nền kinh tế tri thức của Singapore được đặt trên nền tảng của “lòng tử tế” mà không nhằm chứng minh “mô hình” xã hội ưu việt nào, vì trong con người, mô hình ưu việt nhất chính là “lòng tử tế”. Một xã hội đề cao lòng tử tế như vậy thì làm sao “mỗi lỗ chân lông đều tiết ra bùn, máu và nước mắt của người lao động” (Tư Bản, C. Mác) được. Sự vận động và điều chỉnh linh hoạt của một xã hội mà từ người đứng đầu đất nước đến người dân bình thường đã nói lên khát vọng hạnh phúc, khát vọng vươn lên cái đẹp, cái thiện thực sự của dân tộc đó. Dĩ nhiên “sự tử tế” ấy đã đưa xã hội vượt trên và vượt xa cái nhu cầu “cơm ăn, áo mặc và được học hành”.
“Lòng tử tế” không thuộc sở hữu riêng của người Singapore, nhưng họ đã hơn người trong thái độ không lãng quên và không cố tình lãng quên nó. Lòng tử tế là lối sống ứng xử thường trực của một dân tộc. Lòng tử tế ấy không phải là “di tích”, “thắng cảnh” để mọi người ghé thăm và rồi bỏ qua. Nói vậy để chúng ta bình tâm đọc lại những ứng xử của ông cha mà cố gắng làm theo. Trong bài phú “Cư trần lạc đạo”, vua Trần Nhân Tông phát biểu: “Tịnh độ chính là lòng trong sạch. Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương”. Hóa ra không cần phải có một tranh luận triết học, tư tưởng nào cũng thấy “lòng trong sạch” chính là mô hình xã hội ưu việt của mỗi con người.
Lòng trong sạch của người Việt đã có. Còn chờ gì nữa mà chúng ta không đem đến cho nhau...

Nguyễn Ngọc Quý

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2007

NUỚC CHẢY CHỖ TRŨNG



Miền Trung năm nào cũng phải đối mặt với bão lũ. Nếu nói trên mặt lý thuyết thì kinh nghiệm phòng chống bão lũ của Việt Nam có lẽ thuộc vào những nước đứng đầu. Vì bão lũ là một phần trong cuộc sống của người dân Việt Nam. Nhưng tại sao hậu quả của lũ lụt mà người dân phải gánh chịu lại nhiều tang thương đến như thế? Không có kinh nghiệm nào trong những nỗi đau chăng?...

Chúng ta có ủy ban phòng chống lụt bão từ cấp trung ương đến địa phương. Nhưng cứ nhìn vào cách “phòng” và “chống” thôi thì cũng đủ suy ra những cái thiếu và yếu trong cả nhận thức lẫn lương tâm.
Có chống được bão lũ không? Bao nhiêu năm nay rồi, lũ đi lũ đến, lũ vào lũ ra, lũ càn, lũ quét. Bão lũ đi đến đâu thì sức người không cản nổi, đê vỡ, cầu cống hư hỏng… và chưa khi nào chúng ta bắt được lũ và khiến lũ đi đúng đường cả. Thế nên thực tế không có chuyện chống được “bão lũ” mà chỉ có chuyện hạn chế thấp nhất thiệt hại. Bão lũ chỉ chống được trên các văn bản, khiến người ta nhìn vào đó mà cảm thấy yên tâm hơn thôi. Vậy bão lũ có “phòng” được không? Câu trả lời là có. Nhưng phòng như thế nào? Bão đến thì còn biết trước được cả tuần, nhưng vào đến nơi, nó bất ngờ đi vào đâu, làm gì thì khó mà dự đoán được. Lũ đến thì bất ngờ hơn vì cứ mưa to hai ba ngày không dứt là lũ. Chúng ta có những gì để phòng bão lũ? Câu người ta nghe nói nhiều nhất trên ti vi, báo đài là “lực lượng 3 tại chỗ”. Bão lũ đến, đất đai, cuốc xẻng cũng bị nhấn chìm, người ứng cứu dù có đông thì cũng chỉ biết đứng nhìn bão lũ hoành hành, chỉ cứu được bằng các phương tiện thô sơ vì sức người có hạn. Không biết cách cứu người, cứu tài sản thì không những không cứu được người mà còn thiệt cả mạng. Những phương tiện chuyên dụng để phòng bão lũ của ta gần như không có. Vì chủ yếu là điều động những phương tiện cứu hộ của các quân khu. Còn ở địa phương, người dân vẫn ngụp lặn trong lũ bằng những phương tiện ngoài mức tưởng tượng đó là can nhựa và bè chuối. Nhà nào khá hơn thì có được chiếc thuyền con. Những thứ ấy đi ở chỗ nước lặng bình thường còn nguy hiểm, huống chi là đi trong cơn lũ. Một cái sẩy tay, sẩy chân là theo lũ trôi đi mất dạng.
Năm nào mọi người cũng chứng kiến cảnh lũ lụt hoành hành những khúc ruột của mình. Nhưng năm nào cũng nhìn thấy cảnh người dân vật lộn với lũ bằng những phương tiện ngoài mức tưởng tượng như thế. Có lẽ có những tư duy “bù trừ” xuất hiện ở đây chăng? Nên hàng năm cứ nhìn lũ về là biết ngay sẽ có người chết trôi, co tan hoang, có chỉ đạo, có ngân sách, có quyên góp cứu trợ… Điều này đã trở thành một “định luật” không vui chút nào. Nhưng ai là người ngồi tính cho một xã có bao nhiêu người, cần bao nhiêu thuyền bè và lương thực khi lũ đến để ứng cứu và tự ứng cứu?
Chúng ta không thể phủ nhận những mặt tích cực, kịp thời của quân đội, của ủy ban tìm kiếm cứu nạn, của các tổ chức từ thiện xã hội… trong những cơn bão lũ. Nhưng đó chỉ là “chữa” lũ chứ không phải “phòng” lũ. Chữa lũ dù có tích cực như thế nào thì cũng không thể bằng phòng lũ. Phòng lũ có kinh nghiệm của phòng lũ, chữa lũ có kinh nghiệm của chữa lũ, không thể làm thay cho nhau được. Nhưng nói cho cùng, không ai muốn gia đình mình có người chết hay có người đói lạnh để nhận được sự quan tâm, thương hại cả. Sở dĩ chúng ta phải nói đến cái tư duy “bù trừ” là vì năm nào cũng như năm nào “lũ vẫn hoàn lũ”, “tang thương vẫn hoàn tang thương”. Gần như không còn cách gì khác với bão lũ, đành phải lấy “lãi” bù “lỗ”, lấy cái phát triển cả năm để bù vào cái “rủi ro”. Biết đâu nhờ sự “bất phá bất lập” ấy, những đầu tư đường xá, cầu cống, nhà cửa và những dịch vụ “ăn theo” sau lũ nữa sẽ “nhộn nhịp” hơn…
Không nên cứ ngồi mà mường tượng ra những điều không hay như thế, nhưng cứ nhìn vào những khen ngợi về tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và nhìn vào cách phòng chống bão lụt mới thấy khoảng cách còn quá lớn. Không lớn sao được khi một bên là thu tiền còn một bên là chi tiền. Và cứ thử nhìn cách các lãnh đạo đến vùng lũ mới thấy, người dân đang đau khổ vì lũ thì trong những văn phòng vẫn bàn ghế, hoa hoét và cả những tấm băng-rôn “nhiệt liệt chào mừng… về thăm và chỉ đạo phòng chống lụt bão”. Đi chỉ đạo và bàn cách chống lũ có gì đâu mà phải “nhiệt liệt chào mừng”. Người xưa nói “nước chảy chỗ trũng”, nay mới nghiệm ra, bão lũ thì cứ đổ vào khúc ruột miền Trung, còn đầu tư hạ tầng cơ sở và các phương tiện khác cho bão lũ khác thì gần như vẫn vắng bóng ở đây. Đành trông chờ ở lòng người, tình đồng bào, nghĩa “tay đứt ruột xót” mà thôi.
Nhìn những hoành hành của bão lũ, thương quá máu thịt mình, cầm lòng không được mà vẫn phải đặt một câu hỏi: “bao nhiêu quyền hạn đều của dân, bao nhiêu ích lợi đều vì dân” nay ở đâu?

Trần Điều

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2007

MÁI CHÙA, HÌNH CHỮ S, HÌNH CẦU (WTO)



Mỗi khi trong lòng có chuyện buồn, ghé vào chùa với một hành động đơn giản là bước đi quanh khuôn viên, hay ngồi ở một góc nào đó lắng nghe tiếng kinh trầm bổng, tiếng chuông mõ ngân vang thì buồn phiền đã dần vơi đi rồi…

Mọi người ít bận rộn, đó là chuyện của những năm tháng chưa “toàn cầu hóa”. Khi ấy, mắt mình còn chưa cận, không cần nhìn sát vào tấm biển mà chỉ cần nhìn cái mái cong cong đặc thù thì biết ngay đó là chùa. Bây giờ, có khi nhìn thấy cái mái cong cong, nhưng đến gần mới phát hiện ra đó không phải chùa mà là nhà thờ hay là một cái quán ăn, nhà hàng nào đó. Và rất có thể một ngôi nhà hộp nào đó, ghé thăm thì lại là chùa...
Có người nói vui, từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mái chùa ít cong hơn và mảnh đất hình chữ S đang biến thành “hình cầu”. Nói vui mà làm cho mọi người giật mình, lo lắng không khéo là nguy hiểm. Nhưng thú thật đi đâu, nhìn đâu, đọc đâu cũng thấy “toàn cầu”. Không hiểu biết hết về “toàn cầu” là thua ngay tại sân nhà. Vì cái “hình cầu” ấy phải được từ “thủ môn”, “hậu vệ”, “trung vệ”, “tiền vệ”, “tiền đạo” tập trung gìn giữ, nếu không nó sẽ rời khỏi mình, sẽ lăn đi nhanh, sẽ đẩy những thứ khác đi nhanh và càng chạy theo thì đáng đuối sức. Cho nên phải học đi, học chạy để đuổi theo và “bắt kịp”, và quan trọng là phải để cái “hình cầu” ấy được kiểm soát ngay dưới chân mình.
“Toàn cầu rồi, chúng ta phải thay đổi tư duy, nhận thức thì mới theo kịp được bước đi của thế giới”. Đó là một câu nói phổ biến nằm trên miệng không ít người. Và nhận thức thay đổi ấy đang rục rịch, rì rào đi vào trong tâm thức xã hội. Toàn cầu hóa đang từ thành thị bước về nông thôn. Toàn cầu hóa đang từ chùa phố tiến vào chùa quê. Nhưng xưa nay cửa chùa ở đâu cũng thế, luôn rộng mở đón khách thập phương không phân biệt sang hèn, nhân ngã, lẽ nào lại từ chối “toàn cầu hóa”. Không cần phải một khóa huấn luyện nào, khâu đầu tiên là đón khách… Khách đến, vui thì khách ở lâu, không vui thì khách đi. Đến và đi là chuyện của khách. Chuyện của chủ là giữ cái tâm bình thản, không vui buồn. Chỉ khởi lên một chút vui buồn là cái “hình cầu” ấy sẽ đưa mình đi chơi, để ngôi nhà vắng chủ ở lại.
Chỉ cần nhìn những chiếc điện thoại di động nằm trên tay mấy thầy là biết “toàn cầu hóa” đã đến và vào chùa rồi từ lâu rồi. Nhưng thầy nào ở nhà và thầy nào đi vắng còn tùy vào việc thầy đó có làm chủ được cái cầm ở trên tay, cái “a-lô” ở phía bên kia gọi tới hay không... Người bận rộn đôi lúc vào chùa để tìm kiếm sự bình an, thăng bằng. Nhưng vào chùa thấy cái bận rộn cũng không ít hơn ở bên ngoài. Ngồi nói chuyện với thầy chưa đầy nửa tiếng mà có đến 4, 5 cú điện thoại. Câu chuyện trở nên nhấp nhỏm, kẻ muốn ngồi, người muốn đi. Vài lần như thế, đành phải “cam chịu” với sự bận rộn của mình. Cam chịu hoài là sinh bệnh. Đành phải tìm kiếm điều gì đó để giảm bớt căng thẳng. Giống như trước, chọn cách ngồi vào một góc để nghe tiếng chuông ngân, nhưng hôm sau đến, chờ mãi không nghe thấy tiếng chuông, hỏi ra mới biết chuông đã được đánh rồi. Hôm sau nữa đến đúng giờ ấy để đón nghe thì mất cả hơn tiếng sau mới có người ra đánh chuông. Sáng đến, nghe chuông nhà thờ đổ hồi lâu mới nghe thấy chuông chùa đổ. Chẳng ai dạy mình tinh tấn bằng tiếng chuông chùa, nên cứ nghe chuông là thức giấc để tập thể dục, để hít thở không khí trong lành. Nhưng có hôm ngủ đến 7 giờ, hỏi ra mới biết chuông chùa hôm ấy “quên” không đổ.
Có lần ham vui, theo chân các thầy đi hành hương, cũng là để thay đổi không khí và không ngoài mục đích tìm sự bình yên cho mình. Nhưng suốt hành trình, những thông tin, những vụ scandal mà mình đã đọc trên báo, xem trên ti-vi, được các thầy bàn luận sôi nổi... Có thể đó là cách để quên cái mệt đường dài. Nhưng sau chuyến đi ấy về ốm mất mấy ngày. Thế là từ đó sợ đi hành hương. Quả thực, hành trình đi tìm sự tĩnh lặng cũng vất vả, gian lao. Nhưng chỉ hy vọng những cái bình yên mà mình thiếu là những cái trong chùa luôn luôn thừa, những cái bận rộn mà mình thừa không phải là cái mà chùa đang thiếu. Bởi sự hoán chuyển ấy sao có thể gọi là “bình an” được.
Chỉ có thể nhìn “toàn cầu hóa” từ một vài việc nhỏ nhặt như vậy. Tin rằng những điều tốt đẹp, thiêng liêng xuất phát và còn lưu giữ ở tâm mình luôn là sự mách bảo đúng đắn: hình chữ S hay mái chùa cong cũng vậy. Điều gì để mất đi từ trong tâm thì sẽ mất đi vĩnh viễn. Còn những sự đến đi, thay đổi ở bên ngoài, dĩ nhiên phải xảy ra.

Nguyễn Trung Tạo

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2007

SỨC MẠNH TỪ NIỀM TIN CÁI THIỆN




Ngày càng nhiều các bạn sinh viên, học sinh quan tâm đến Phật giáo mà không cần để ý đến cái chứng minh nhân dân: “tôn giáo: không”, hay cái “thẻ đoàn”, “thẻ đảng” của mình. Đó là một thực tế đáng mừng, sau nhiều năm người ta “ngại” nhắc đến những cụm từ “theo… tôn giáo” (như một loại thuốc phiện). Sức mạnh đang được bắt đầu từ niềm tin cái thiện, đòi hỏi Phật giáo phải có những điều chỉnh mạnh mẽ...

Trong khi chúng ta hàng ngày vẫn đang phải cảm thông cho những nhận thức sai lầm đã qua và đang tồn tại về tôn giáo, thì trên bục giảng của các trường đại học, Phật giáo gần như vẫn chưa “ly dị” với “thuốc phiện”. Không ít người người “vận dụng” khái niệm “tôn giáo” và cách nhìn của Mác về Thiên Chúa Giáo để gắn vào tất cả các đạo khác nhằm lý giải cái điều mà vốn dĩ thời ấy (thế kỷ 19), Mác chưa biết gì nhiều, đó là triết học phương Đông (cụ thể là Phật giáo trong các mối quan hệ đồng nguyên đặc thù). Sở dĩ tôn giáo được “thừa nhận” tràn lan là do cái khái niệm “tôn giáo” ấy từ lâu đã bị người ta cào bằng, đánh đồng dưới nhiều hình thức. Và không biết từ hôm nảo hôm nao, vì lý do gì, Phật giáo lại trở nên nhạy cảm trong các mối quan hệ xã hội đến vậy: nhạy cảm với chính quyền, nhạy cảm với báo chí, nhà in, nhà xuất bản, nhạy cảm với việc tổ chức lễ hội, treo cờ, tu trì và nhạy cảm cả với sinh viên, học sinh.
Đạo Phật gắn bó keo sơn với dân tộc suốt 2.000 năm lịch sử, để lại cho dân tộc một gia tài văn hóa, ngôn ngữ, tư tưởng… đồ sộ, nhưng trong kiến thức của rất nhiều học sinh, sinh viên, đạo Phật ở Việt Nam vẫn giống như một đứa trẻ mới ra đời. Bởi vẫn có những sinh viên năm thứ hai, thứ ba trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn hỏi một cách hồn nhiên rằng: “Đạo Phật là đạo Bà la môn đúng không?”, “Thần tài có phải là Phật không?”, “Những ông Phật to cao đứng ở cửa chùa có phải là Thần hủy diệt không?”… Nhưng đâu phải ngạc nhiên, vì thực tế ngay cả những người trực tiếp làm công tác giảng dạy ở những trường gọi là “Đại Học” còn thiếu một kiến thức tối thiểu về Phật học. Bởi đã có vị giáo sư, tiến sĩ triết học nói một cách tự nhiên rằng: “Ông Phật ông ấy có vợ, nhưng không hiểu sao ông ta lại căm thù phụ nữ đến thế?”. Của đáng tội, cái quyền được "nói sai" ấy không dành chung cho tất cả mọi người mà chỉ là đặc quyền của một thiểu số nào đó mà thôi. Nhưng phải nói Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống phân tích và đối thoại với các tư tưởng chung quanh, nên có khá nhiều những câu chuyện bi hài về đạo Phật tương tự diễn ra trong các trường đại học, sách báo…
Việt Nam đang bước vào thế kỷ 21, thế kỷ mà các luồng tư tưởng, các giá trị tinh thần nhân văn, tiến bộ của loài người đang có những tiến trình dịch chuyển, điều chỉnh giao thoa, đắp đổi cho nhau. Không ít người đã hùng hồn gọi đó là “toàn cầu hóa”. Việt Nam đã có “toàn cầu hóa” trong lĩnh vực kinh tế cụ thể qua việc gia nhập WTO. Còn văn hóa Việt Nam đã “toàn cầu hóa” hay chưa? Áo dài, nước mắm, hoa sen, đạo Phật, đạo ông bà hay một cái gì đó, câu trả lời vẫn để ngỏ ở phía trước… Có điều công nghệ thông tin đã và đang làm ngắn tiến trình ấy. Mọi tư tưởng đều được con người biết đến chỉ trong một từ khóa và cái nhấp chuột. Mọi “tô hồng” hay “bôi đen” đều không thể che lấp được người biết sàng lọc, nhận thức về sự thật. Trong khi đó, cách nhìn nhận về các giá trị tư tưởng của chúng ta vẫn chưa bước chân ra khỏi những năm đầu thế kỷ 20: “bế quan” tư tưởng và “tỏa cảng” với cái mới. Nói như nhà văn Nguyên Ngọc: “Suốt nhiều chục năm nay, chúng ta đã tập trung toàn lực, cao độ, nhằm đào tạo ra con người biết vâng lời, thuộc lòng một số chân lý có sẵn, và từ đó người được học suốt đời cứ thế mà làm theo cho đúng” (Tuổi Trẻ, 3-10-2007). “Làm theo cho đúng”, giống như người bệnh phải uống thuốc, bác sĩ cho thuốc gì thì uống thuốc ấy, cho đúng thì khỏi bệnh, cho sai, cho nhầm thì không những bệnh không khỏi mà còn nguy hiểm đến tính mạng.
Cần phải nhắc thêm, mối quan hệ giữa Phật giáo và chính quyền suốt trong lịch sử dân tộc là mối quan hệ đồng nguyên đặc thù, tôn trọng và gắn bó, thúc ước và chi trì lẫn nhau. Mối quan hệ ấy biết sử dụng những “bài thuốc đặc hiệu” để trị bệnh cho nhau. Chứ không phải mối quan hệ “ban phát”. Bởi có ban phát là có “xin” và “cho”, mà “xin-cho” thì không phải phong cách của người học Phật. Đáng buồn, sự “ban phát”, xin chức, cho quyền lại là một trong những biểu hiện của Phật giáo Việt Nam hiện nay.
Một xã hội “biết vâng lời”, nói gần giống như Khổng Tử “khắc kỷ phục lễ vi nhân” (nén mình theo lễ là nhân), điều đó có phần đáng quý. Nhưng một xã hội “nén”, “nín”, “cả tin” tuyệt đối thì không đáng quý chút nào. “Nén”, “nín”, “cả tin” thì sẽ thiếu những con người có dũng khí, thiếu “những con người tự do, dám và biết tự mình đi tìm lấy chân lý, sống và làm việc theo chân lý mình đã chọn, chịu trách nhiệm về sự lựa chọn ấy” (Nguyên Ngọc).
Bài học “dũng khí” từ trong lịch sử dân tộc còn nằm nguyên vẹn trên trang giấy mặc dù trải qua bao nhiêu rách nát, mâu thuẫn của lòng người. Nguyễn Trãi, một nhân cách văn hóa lớn của dân tộc, trong cuộc đời, đã từng phải thốt lên: “Ta dư cửu bị Nho quan ngộ” (Bấy lâu ta đã bị cái mũ nhà Nho nó chụp làm cho sai lầm) và ông cũng từng phát biểu “Lâm kỳ ngã diệc thượng thừa thiền” (Biết đâu gặp dịp tôi cũng sẽ đi tu thiền). Và Ngô Thì Nhậm, một sĩ phu Bắc Hà từng viết "Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh" và tự xưng mình là Đệ Tứ tổ… Người trí thức ấy đã dám nói và dám sống. Người trí thức ấy ra vào trong các hệ tư tưởng và góp nhặt tinh hoa cho mình. Và người trí thức ấy đã cống hiến hết sức mình để phục vụ dân tộc.
Bây giờ, bóng dáng của người trí thức ấy vẫn còn đó trong mỗi tâm hồn Việt. Mỗi người nên đào luyện tinh thần ấy để hóa giải sự tự ti của dân tộc mình suốt bao nhiêu thế kỷ. Nhưng không phải bằng vũ khí và bạo lực. Bởi sức mạnh bắt đầu từ niềm tin vào cái thiện và vào một nền tảng văn hóa tâm linh vững chắc. Tình trạng “chưa đánh đã đau” của trí thức Phật giáo đang là một hiện trạng đáng buồn, làm cùn nhụt ý chí, mất đi những bản “sớ tấu” đả hôn Tăng, nghịch đạo, mất đi những ngòi bút tôn trọng sự thật. Và đó chính là khởi nguồn của mọi nhu nhược, sai lầm, nhiễu nhương... Đáng nói, vẻ ngoài hào nhoáng với chùa to cảnh lớn, người ra kẻ vào, lên xe xuống ngựa, lễ lạc quanh năm đã khiến cho nhiều người cứ ngỡ rằng đó là một “giấc mơ”, là “sự phát triển vượt bậc”. “Giấc mơ” ấy tuy đẹp nhưng đẹp cỡ nào thì cũng vẫn là một giấc ngủ dài, mà ngủ dài là vẫn chưa tỉnh, chưa tỉnh mà cứ nói cứ làm thì đó là mộng du, mộng du thì hư ảo, không thật. Hóa đi đi một vòng trở lại mới thấy cái gọi là bề thế ấy vốn “không thật”. Như vậy, muốn tụ hội người trí thức Phật giáo thì phải có niềm tin và sức mạnh để bước ra khỏi cái màn hư ảo ấy.
Trí thức Phật giáo ở đâu trong bước đồng hành với dân tộc tiến vào thế kỷ thứ 21? Nhìn quẩn, nhìn quanh trên mảnh đất chữ S này để đặt một câu hỏi mà biết chắc rằng sẽ có những câu trả lời không thỏa. Vì cả hai hình thức: Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự của Phật giáo Việt Nam đều có những biểu hiện vừa thừa vừa thiếu cả về trình độ tu tập và trình độ học vấn, dẫn đến tình trạng cả nước có 40.000 Tăng Ni, 10 triệu Phật tử mà để xảy ra tình trạng kiêm nhiệm chức vụ không đáng có. Từ đó sinh ra những “đặc quyền, đặc lợi” và tệ toan. Trong khi nhiều tổ chức chính trị xã hội cố gắng quy định tuổi tác để có chiến lược đào tạo người kế cận một cách bài bản và có tuyển chọn thì Phật giáo vẫn chưa bước ra khỏi cái vỏ “thâm niên”, “hạ lạp” của mình, từ đó trì trệ trong các quyết sách và tổ chức thực hiện. Điều đáng nói, cái “thâm niên”, “hạ lạp” ấy lại có một bức bình phong cố hữu là “kinh nghiệm ngồi lâu” bảo vệ. Và để không “vi phạm” vào các nguyên tắc “đạo đức tu hành”, người trên nói gì, không cần đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp, người dưới cứ thế nhắm mắt vào làm, không phản ứng, không tranh luận vì đó là chân lý của “thâm niên” tu hành. Người dưới chỉ rào đón ý kiến người trên để làm việc sao cho không mất lòng, dẫn đến tình trạng xu phụ, nịnh nọt, tâng bốc làm mát lòng nhau. Một số người trong hàng lãnh đạo không đủ đức tài, nhờ sự can thiệp nào đó mà có đường đi tắt, có chức vụ cao. Tư tưởng vùng miền phần lớn chi phối phần nhiều hàng lãnh đạo, dẫn đến tình trạng kết vây kéo cánh, phủ quyết những việc làm của nhau không vì lợi ích chung. Thiếu bản lĩnh nhìn nhận trước các diễn biến Phật giáo, dẫn đến phát ngôn không cân nhắc, hoặc “có chỉ đạo” gây chia rẽ Phật giáo không đáng có. Thiếu những động thái hòa giải, tìm ra tiếng nói chung vì lợi ích của Phật giáo và dân tộc, nên để sự chia rẽ Phật giáo kéo dài trong nhiều năm nay, đó là một vết đau thương chưa được ý thức mà lịch sử Phật giáo Việt Nam sẽ còn nhắc mãi. Tình trạng thừa kiêm nhiệm thiếu đầu óc tổ chức, thừa thâm niên thiếu sáng tạo đang làm mất dần niềm tin, ý chí phấn đấu của nhiều thế hệ kế cận và những người có cảm tình với đạo Phật.
Hãy nhìn vào những nhược điểm cố hữu đó để tạm quên đi những lời chúc tụng mà tiến bước. Bước vào đâu? Bước vào thế kỷ 21 với những tiến bộ và khủng hoảng mang tính toàn cầu. Bước vào “lòng trong sạch” (Tịnh độ nhân gian) mà Trần Nhân Tông đã nói đến. Muốn song hành như vậy thì nên điều chỉnh mạnh mẽ, dám nói, dám làm, dám từ bỏ sự ôm đồm danh lợi và quan trọng là lắng nghe những ý kiến trái ngược, nhìn vào sai lầm, yếu kém của chính mình. Bởi một người tu hành tốt và một người lãnh đạo tốt, một người có kiến thức và một người biết tổ chức không phải lúc nào cũng đồng nhất với nhau. Nhận thức như vậy để điều chỉnh cơ cấu tổ chức, để giá trị “xuất thế”, “nhập thế” không bị chồng chéo như hiện nay, người già phải được an dưỡng, người trẻ phải được dẫn dắt để thử sức. Có như vậy mới tận dụng được sức người và phát huy được tinh thần Phật giáo Việt Nam: “Khi đi gió cuốn mây bay. Khi đứng núi yên non vững”.

Thích Thanh Thắng