Thứ Ba, 11 tháng 3, 2008

VỤ ĐÒI ĐẤT “TÒA KHÂM”: DI SẢN VĂN HÓA – BIỂU TƯỢNG CỦA CHỦ QUYỀN DÂN TỘC



Báo Văn Hóa Phật Giáo, trực thuộc Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng chính thức về vụ “đòi đất tòa Khâm” do TGM Hà Nội Ngô Quang Kiệt phát động, sau lá thư gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Hòa thượng Thích Trung Hậu. Trong “Thư tòa soạn” của báo Văn Hóa Phật Giáo có đoạn viết: “Đây không phải là vấn đề tranh chấp tôn giáo, bởi vì chùa Báo Thiên không phải là của riêng Phật giáo. Đất và chùa đã là một di sản văn hóa lớn của dân tộc, thì dân tộc, trong đó có Phật giáo phải bảo vệ, chỉ có thế thôi. Hơn nữa Phật giáo trong suốt lịch sử, không chủ trương và cũng chưa bao giờ tranh chấp với một tôn giáo nào. Mặt khác, công lý nào chấp nhận được việc đòi “trả lại” một “sở hữu” khi chính sở hữu đó đã bị hoen ố từ nguyên thủy bởi một hành động cưỡng chiếm? Lương tâm của một người thường còn bị cắn dứt, lẽ nào lương tâm của một tôn giáo cảm thấy bình yên? Huống hồ lương tâm đó còn phải đối chọi với một vết ô nhục của lịch sử?”

Ai cũng biết, tôn giáo là vấn đề vô cùng nhạy cảm, động đến là chơi với lửa. Ai cũng biết: lửa hận thù tôn giáo đang bùng lên trên khắp thế giới, lẫn lộn giữa hiềm khích tôn giáo và khai thác chính trị. Việt Nam là nơi hiếm có trên thế giới, trong đó tôn giáo sống hòa bình, trong đó Phật giáo không hề đòi hỏi một vị thế gì đặc biệt như các tôn giáo của đa số trên thế giới.

Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Những người đang gây áp lực để đòi “trả lại” đất có biết rằng họ đang thắp mồi châm lửa? Họ tưởng nước Việt Nam chỉ mới lập quốc từ 1883? Họ tưởng nước Việt Nam không biết gì là di sản văn hóa của dân tộc? Họ nghĩ rằng Phật giáo đã quên bẵng hình ảnh linh thiêng của chùa tháp Báo Thiên?

Phật giáo không quên chùa Báo Thiên, cũng như Việt Nam không quên một trong Tứ đại khí (bốn di sản văn hóa lớn). Cho đến bây giờ Phật giáo giữ thái độ im lặng vì tin rằng đã có Nhà nước bảo vệ di sản văn hóa. Nhưng nếu im lặng được hiểu như là một sự thừa nhận mặc nhiên thì lương tâm của dân tộc và lương tâm của Phật giáo không cho phép. Vì vậy mà buộc lòng Phật giáo phải lên tiếng chính thức. Lên tiếng chỉ đòi một điều: Cái gì là di sản văn hóa của dân tộc, cái ấy phải được dân tộc bảo vệ. Trách nhiệm bảo vệ thuộc về Nhà nước, vì Nhà nước là của dân.

Bởi lẽ đó, văn thư của Hòa thượng Thích Trung Hậu đã đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề: Đây không phải chỉ là vấn đề tranh chấp trên một miếng đất, đây chính là vấn đề mất di sản văn hóa, hệ quả của sự mất chủ quyền dân tộc.

Đứng về mặt chính trị, biểu tượng mất chủ quyền là Hiệp ước bảo hộ 1884. Đứng về mặt văn hóa, biểu tượng mất chủ quyền là cả một chính sách triệt hạ chùa để xây nhà thờ trên chính đất của chùa, mà nhà thờ Lớn Hà nội chỉ là một ví dụ.

Thống trị chính trị và thống trị văn hóa phải đi chung với nhau và dựa lên nhau: Đó là chiến lược của Giám mục Puginier, người đã chiếm đất của chùa Báo Thiên.

Ông Lê Quang Vịnh, nguyên Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ đã viết rất đúng về khu đất đó: Một khu đất của Tổ quốc, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, máu đào của dân tộc!

Văn Hóa Phật Giáo
(nguồn Văn Hóa Phật Giáo)