Thứ Hai, 28 tháng 4, 2008

BA "GỌNG KÌM" HƯỚNG VÀO CHÍNH PHỦ


Có thể nói, những vấn đề chính trị, xã hội, tôn giáo nóng (rất nóng) của Việt Nam xảy ra vào những ngày tháng cuối năm 2007, như một “điềm báo” xấu cho hàng loạt những khủng hoảng khác kèm theo vào đầu năm 2008. “Giậu đổ bìm leo”, một câu tục ngữ mà chính người Việt Nam sáng tác rất đáng được suy ngẫm trong hoàn cảnh này…

1. Vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa
Vào đầu tháng 12-2007, Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc lập thành phố Tam Sa nhằm quản lý các đảo gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 3-12-2007, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng tuyên bố Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo nói trên. Nói đến hai quần đảo nhưng thực chất là vấn đề hiện tại của Trường Sa, bởi trước 1975 Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức để mất Hoàng Sa.

Cuộc chiến lịch sử và pháp lý đều được hai bên đưa ra, tuy nhiên, không có khả năng nào cho thấy Trung Quốc từ bỏ tham vọng xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam . Chưa hết phức tạp, cả Đài Loan và Philippines cũng tổ chức đến thăm các quần đảo Trường Sa, nhằm tìm kiếm những vị thế thuận lợi về mặt an ninh quốc phòng, nhưng cũng không ngoại trừ việc thăm dò nguồn tài nguyên khí đốt (vàng đen) trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.

Chính phủ Việt Nam phản ứng trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc, nhưng không để cho thông tin tràn lan có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Cụ thể là tờ báo thông tin điện tử có uy tín Vietnamnet đã bị cảnh cáo và phạt tiền vì đã cho đăng tải những tin tức có thể gây bất lợi cho Chính phủ về việc Trung Quốc đòi quản lý Trường Sa của Việt Nam. Quả thực là như thế, hình ảnh những sinh viên Việt Nam đến trước Tòa Đại sứ Trung Quốc biểu tình đã làm cho phía Trung Quốc “bực tức” và đưa ra lời cảnh báo với Chính phủ Việt Nam.

Giới báo chí điện tử hải ngoại và những thành phần chống Nhà nước (Cộng sản) Việt Nam, hết lời phê bình, chỉ trích Chính phủ Việt Nam là nhu nhược, hèn yếu, đàn áp lòng yêu nước của những người trẻ Việt Nam. Trong khi đó báo chí Việt Nam trong nước vẫn “cầm chừng” trước các luồng thông tin khác nhau. Rất có thể nhiều bộ óc Chính phủ hiểu rõ “nội tình” Việt Nam không nên “phản ứng” theo kiểu “biểu tình” ồn ào truyền thống. Đối sách của Việt Nam còn tùy vào các điều kiện cụ thể trong quan hệ đối tác chiến lược với Nga, Trung, phương Tây và Mỹ.

Vụ Hoàng Sa-Trường Sa được nhắc nhiều trong những ngày gần đây khi ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh rước qua Sài Gòn. Những nhà “dân chủ” ồn ào tỏ ra quyết liệt giống như nếu Việt Nam do họ quản lý thì họ có thể “sống mái” với Trung Quốc đến cùng và không để tình trạng “liệt kháng” như thế.

Lý thuyết “Tung-Hoành”, tư tưởng xâm lược bành trướng của Trung Quốc có từ thời cổ đại. Việt Nam bị xâm chiếm không chỉ lần đầu. Việt Nam bị cai trị không phải chỉ 100 năm. Thân Mỹ hay thân phương Tây cũng chỉ là “chính sách” mềm nắn rắn buông. Mới đây, việc bắn Vinasat 1 của Việt Nam lên quỹ đạo từ phương Tây mà không phải từ Trung Quốc chẳng phải đã làm cho người Trung Quốc “nóng mắt” sao? Tuy nhiên, mối nguy “nước xa không chữa được lửa gần” luôn là bài học cần phải cân nhắc. Nếu không chúng ta sẽ mắc “bẫy” của Trung Quốc. Mối nguy “ba Tây” (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam) luôn hiện diện có thể gây bất ổn chính trị lớn khi Việt Nam đang phải tập trung vào chống lạm phát, bởi Trung Quốc có đủ điều kiện để chọc cho từ 1 đến 2 mối nguy này vỡ tung ra.

Nếu muốn chống người Trung Quốc không có cách gì hơn là củng cố và tự làm mạnh mình không chỉ trên phương diện kinh tế, chính trị mà còn cả trên lĩnh vực văn hóa, tâm linh, tinh thần. Nếu người Trung Quốc làm được cái gì ta cũng làm được cái đó thì thử hỏi họ có xem thường được ta không? Còn những hô hào vừa ngố vừa nhặng xị về dân chủ đa nguyên, lòng yêu nước (hở ra là tương nhau), đó chẳng phải điều gì mới mẻ cả. Nếu biểu tình và yêu nước quyết liệt (đến mức có thể xả thân trên phố hay trước dinh sứ quán Trung Quốc) thì nên bắt đầu ngay từ khi Trung Quốc tuyên bố hay tiến đánh Trường Sa, không nên lợi dụng nhập nhằng sự kiện Olympic (văn hóa, thể thao thế giới) Bắc Kinh mà phản ứng thái quá. Và nếu phản ứng vì việc Trung Quốc đàn áp Tây Tạng thì càng dở vì tiếng nói của chúng ta có thấm tháp gì với Mỹ, và chẳng ai đi "can thiệp vào nội bộ" của người “bạn lớn” (thật bụng là bạn hay không) về nhân quyền mà vốn dĩ thế giới này vẫn chưa có tiêu chí và thước đo nào chính xác, ngay cả với Mỹ, nước hay ồn ào về chuyện đó nhất. Có người Việt nào chống Mỹ hay tẩy chay hàng hóa Mỹ khi Mỹ đơn phương san bằng Irắc đâu? Chúng ta ngồi chờ một cách tế nhị để xem và mong người Trung Quốc sẽ hành xử văn minh hơn, đẹp hơn với Tây Tạng mà thôi.

Tinh thần người Việt Nam có lúc đã được ví: Nếu tất cả bị nhốt chung vào một cái nồi nước sôi thì người Việt sẽ đoàn kết và nhanh chóng đục thủng nắp để cùng nhau thoát ra, nhưng nếu trên nắp nồi nước sôi mà có sẵn lỗ thủng thì không ai ra ngoài được cả vì ai cũng tranh nhau ra trước, sống chết mặc bay. Việt Nam đang có rất nhiều cái nắp đang đậy kín, đòi hỏi người Việt Nam đoàn kết lại, cùng nghĩ đến đường hướng lâu dài của dân tộc, làm mạnh mình, làm mới mình từ hành vi ứng xử trong cuộc sống hàng ngày.

2. Vụ “cầu nguyện” đòi đất “Tòa khâm sứ” của TGM Ngô Quang Kiệt
Trong lúc vụ việc Trung Quốc đòi quản lý nốt Trường Sa của Việt Nam còn chưa lắng dịu thì vụ cầu nguyện đòi đất “Tòa Khâm sứ” cũ Vatican do Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt phát động đã làm cho Việt Nam trở thành một điểm nóng chính trị đáng chú ý.

Cuộc “cầu nguyện” bắt đầu từ mùa Lễ Giáng sinh 2007. Có thể nói, chưa bao giờ tại Việt Nam , Lễ Giáng sinh lại được tổ chức hoành tráng như thế. Được biết hiện nay Việt Nam có khoảng 6 triệu tín đồ Công giáo (chiếm khoảng trên dưới 10% dân số).

Cũng như vụ Hoàng Sa-Trường Sa, thông tin báo chí trong nước cực kỳ dè dặt, không phổ biến đại chúng, chỉ có bản tin bằng tiếng Anh trên một số tờ báo lớn, nhằm đối ngoại về mặt thông tin. Song chính quyền tại Hà Nội thì phản ứng gay gắt với vụ việc, từng ra những tối hậu thư khi hành vi cầu nguyện của người Công giáo đã lên đến mức quá khích (phá đổ cổng tòa nhà, khiêng tượng Đức Mẹ Sầu bi, cắm thánh giá vào bên trong để cầu nguyện). Kèm theo đó hàng loạt tờ báo ở Hà Nội cũng lấy ý kiến dân chúng phản đối việc gây mất trật tự an ninh công cộng chung quanh khu vực nhà thờ Lớn. Phía giáo phận Hà Nội phủ nhận thông tin và coi đó là hành vi xuyên tạc. Tuy nhiên hình ảnh cổng Tòa Khâm sứ cũ bị phá bỏ thì không thể giải thích được đó có phải là hành vi cầu nguyện trong hòa bình và tĩnh lặng.

Báo chí điện tử Công giáo (nhất là ở hải ngoại) thi nhau đưa tin từ thông tin những người giáo dân trong nước hay “mạng lưới” những người Công giáo chống Cộng, thổi bùng sự việc mà theo như Linh mục Trần Công Nghị (một Linh mục có không ít tai tiếng ở hải ngoại và bị nhiều người Công giáo Việt Nam ở Mỹ bất tín), vụ cầu nguyện có thể làm thay đổi cả một chế độ hiện hành. BBC Việt ngữ cũng hùa vào (một cách có chủ trương) bình luận và đưa ra những thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam . Ai cũng biết chiến thuật “10 thông tin đúng, 1 thông tin sai” của BBC Việt ngữ nhằm tung hỏa mù đối với nhiều vấn đề chính trị, xã hội, tôn giáo ở Việt Nam . Điều đó đã gây ra một luồng thông tin lấn át cả vụ Hoàng Sa-Trường Sa.

Có thể nói, sự việc nhẽ ra không đến nỗi nghiêm trọng, nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không vì “sức ép” nào đó (của nhiều chuyện chính trị xã hội) ghé thăm vụ “cầu nguyện” và đi song hành với TGM Ngô Quang Kiệt đến Tòa Khâm sứ cũ. Vì vụ việc đó chính quyền Hà Nội có thể giải quyết, không cần đích thân ông thủ tướng ghé thăm, bởi nếu nói về quy mô biểu tình, khiếu kiện đòi đất thì có thiếu gì tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội…

Điều bất ngờ đối với vụ việc Tòa Khâm sứ cũ không đến từ phía phản biện của thông tin báo chí nhà nước mà đến từ một Blog của một nhóm mang tên Sen Việt. Bài viết “Tiếng nói của người Phật tử trước cái gọi là “cầu nguyện” đòi lại Tòa Khâm sứ” của Trung Ngôn, liền sau đó đã được Phattuvietnam.net đăng lại và tạo nên một diễn đàn sôi nổi, có nhiều tiếng nói khác nhau trên các trang mạng. Đáp lại, Lê Tuấn Huy (vô thần 100%) đã viết bài “Xin dừng lại trước khi quá muộn” trên Talawas (Phạm Thị Hoài chủ biên), không phải để kêu gọi người Công giáo dừng lại thôi cầu nguyện mà kêu gọi người Phật tử đừng phản biện.

Quả tình khi người Phật tử phản biện, bao nhiêu những hành vi chiếm phá chùa chiền một cách có hệ thống của thực dân và giáo sĩ đều được các dẫn chứng sử liệu đưa ra một cách thuyết phục, rằng chính Giám mục Puginier đã cấu kết với Nguyễn Hữu Độ chiếm phá chùa Báo Thiên (Đệ nhất danh lam thắng cảnh tại kinh thành Thăng Long, có ngôi tháp từng được mệnh danh là An Nam tứ khí) xây lên đó nhà thờ Lớn và sau đó là Tòa Khâm sứ. Lê Tuấn Huy xem việc chùa bị chiếm phá là thuộc về lịch sử, còn vụ tranh chấp hiện nay thuộc về “pháp lý”. Bài viết của Lê Tuấn Huy cho thấy anh ta không vô thần 100% như người ta tưởng.

Nguyễn Hữu Liêm lập tức trả lời trên Talawas nhằm đưa ra một “cáo trạng lịch sử” đối với đạo Công giáo Việt Nam với câu dẫn chứng: “Khi bạn đến tòa để xin công lý, hãy nhìn hai tay mình xem có sạch hay không?”. Sau đó là hàng loạt bài viết tranh luận của cả hai phía diễn ra trên diễn đàn “Điểm nóng chính trị Việt Nam ” (Talawas bị cấm thông tin tại Việt Nam , phải vào phamthihoai.org, hay vượt tường lửa mới xem được). Tuy nhiên, hàng loạt bài viết trên Blog Sen Việt nổ ra với những “cáo trạng lương tâm”, “cáo trạng lịch sử văn hóa” đã được nhiều trang nhà và blog đăng tải lại như một phản biện chính thức với vụ việc “Tòa Khâm sứ”. Đáng chú ý là bài viết trả lời Lê Tuấn Huy của Trần Minh Khoa với tiêu đề “Lịch sự - pháp lý - hiện thực - tình người”.

Sau một hơn một tuần nổ ra tranh luận của người Phật tử, sự việc “cầu nguyện” trở nên gấp rút và “bạo động”, nguy cơ ấy đã buộc Quốc vụ khanh Vatican gửi thư đề nghị giáo phận Hà Nội “ngưng cầu nguyện” bởi tình hình như thực tế có thể gây quá khích, có diễn biến xấu, cản trở quan hệ mới được cải thiện của Việt Nam và Vatican.

Vụ việc còn đang gây tranh luận trên khắp các diễn đàn của cả hai phía thì tờ báo “Công giáo và Dân tộc” tại TP.HCM có tiếng nói gây “bất lợi” với vụ “cầu nguyện”. Báo chí Công giáo hải ngoại không tiếc ngôn ngữ để tấn công vào tờ báo này, hàng loạt đời sống riêng tư của các chức sắc, linh mục Công giáo Việt Nam trong Ủy ban Đoàn kế Công giáo bị đưa ra “đấu tố”. Tuy nhiên, lá thư của Quốc Vụ khanh Vatican đã không hề “cho điểm” những người muốn hướng về họ với một thái độ nhiệt tình quá mức cần thiết. Vatican là một “cái đầu” đa chức năng, họ thực sự biết lúc nào nên “nóng” và lúc nào nên “lạnh”. Nhiều người Công giáo đã bình luận bức thư với một giọng trang nghiêm, tôn kính và không ít thất vọng.

Gần đây chính quyền Quảng Trị đã trả lại những phần đất trưng thu từ "Thánh địa" La Vang như một sự an ủi, xoa dịu nào đó với những vụ "cầu nguyện" đòi đất liên hoàn khác. Nhưng nếu ngẫm kỹ cũng sẽ thấy một sự nực cười, rằng chính đất gọi là Thánh địa La Vang vốn dĩ cũng là đất chùa Lá Vàng của Phật giáo bị chiếm phá để xây nhà thờ. Chỉ còn biết đặt một câu hỏi vu vơ: "Hơn một trăm năm trước, khi thực dân Pháp giày xéo, chiếm phá quê hương, tại sao chẳng có một bóng giáo dân nào đứng ra thắp nến cầu nguyện đòi đất vì công lý và hòa bình?"...

Chưa hết, văn thư chính thức phản ứng của phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã càng làm cho những người Công giáo quá khích với vụ việc mất bình tĩnh. Phật giáo Việt Nam bị tấn công không thương tiếc với những từ như “Sư Cộng sản”, “Phật giáo quốc doanh”…, ngay cả từ “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” cũng bị đưa lên bình luận một cách ấu trĩ trên Talawas, rồi hàng loạt các nhân vật Phật giáo bị đem lên bôi bẩn trên nhiều trang web hải ngoại, mục đích không chỉ vì tức tối với vụ phản ứng “Tòa Khâm” đã làm cho những hò hét về dân chủ, công lý, nhân quyền “ỉu xìu” mà họ còn nhắm vào công kích việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản của Liên Hiệp Quốc. Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc nhằm tôn vinh những giá trị của đạo Phật, đáp ứng lòng mong mỏi của hơn 80% dân số Việt Nam theo đạo Phật (hoặc có tín ngưỡng Phật giáo cùng chung với tín ngưỡng thờ Ông bà), chứ không phải của một thiểu số ồn ào về chính trị, tôn giáo, nhân quyền hay dân chủ đa nguyên gì đó.

Cần phải nói thêm, văn thư chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, anh chiếm phá tài sản của người khác thì anh không thể xứng danh sở hữu chủ, lương tâm người bình thường còn không cho phép huống gì là lương tâm tôn giáo. Tuy nhiên, văn thư trên chỉ là một phần “chính thức” của một dư luận Phật tử đã trở nên không thể im lặng trước những hành động ngang ngược, bất chấp lương tâm, đạo lý và lòng trắc ẩn. Mọi tranh luận, “đoán già, đoán non”, xuyên tạc của một số thành phần Công giáo cực đoan và nhiều trang web hải ngoại đối với Phật giáo Việt Nam đã trở thành trò cười trước nhóm Phật tử trẻ Sen Việt (một nhóm gồm 5 thành viên chính và 10 thành viên tích cực có tuổi đời từ 18 đến 33) mà người viết có dịp tiếp xúc và biết rõ họ chẳng hề bị một ai giật dây hay “chính chị (trị), chính em” gì cả. Không những thế, nhóm Sen Việt còn truyền nhau với bạn bè về những thông tin đe dọa, chửi bới, mạ lỵ, xuyên tạc (bằng ngôn ngữ không phải ngôn ngữ của con người) đối với nhiều danh nhân và tư tưởng Phật giáo Việt Nam.

3. Tình trạng lạm phát
Thị trường chứng khoán, bất động sản, ngân hàng trở nên bất ổn và có nhiều nguy cơ khủng hoảng nếu không có sự điều tiết tỉnh táo của Chính phủ. Giá vàng, giá dầu liên tục đạt những kỷ lục mới, giá đồng đô-la bấp bênh. Quy luật “tự điều tiết” của kinh tế thị trường gây không ít khó khăn cho Chính phủ Việt Nam . Chính vì thế quyết định chính sách “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi tiêu tăng trưởng đã được đặt ra. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng vẫn tăng đột biến gấp hai gấp ba lần năm 2008. Điều này đã đánh trực tiếp vào hầu bao của người dân lao động, cụ thể giá thịt lợn năm 2007 là 40-45 ngàn, năm 2008 là 80-85 ngàn. Chỉ trong 2 ngày gần đây, giá gạo đã tăng từ 10 ngàn lên 18-20 ngàn. Lạm phát thực tế có thể cao gấp nhiều lần con số đưa ra của Chính phủ, tuy nhiên, người lao động không cần biết chỉ tiêu tăng trưởng là bao nhiêu % một năm mà họ chỉ cần biết làm sao để họ có thể mua 1kg thịt, 1kg gạo với giá mà đồng tiền mồ hôi, nước mắt của họ kiếm ra có thể chấp nhận được. Thà tăng trưởng kinh tế 7-7,5/ năm (hay giảm hơn nữa) mà họ chỉ phải mua 40-50 ngàn 1kg thịt lợn còn hơn tăng trưởng 8-9% mà phải mua 80-90 ngàn 1kg, bởi giá cả thì tăng chóng mặt còn lương thì tăng nhỏ giọt.

Nói gì thì nói, quy luật kinh tế thị trường là quy luật tự điều tiết và tự đào thải, lạm phát cho thấy sự cạnh tranh yếu của nền kinh tế Việt Nam . Điều đó cũng chứng tỏ rằng, trong hội nhập kinh tế quốc tế, mọi biến động về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường là tương quan, tương duyên chặt chẽ với nhau, không thể tách rời được. Có nghĩa rằng đó là những khó khăn và thuận lợi chung của thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nghệ thuật của mỗi nước khi tham gia vào sân chơi ấy cùng với một chính sách đúng đắn sẽ là điều kiện để mỗi nước giảm khó khăn và tăng thuận lợi của mình lên. “Trả giá” là một khái niệm được nhắc đến nhiều cho các nước đang phát triển, nên phải luôn cảnh giác để không giẫm vào vết xe đổ của người đi trước.

Nền kinh tế thị truờng đã khiến cho giới doanh nhân lên ngôi, nhưng việc theo đuổi những mục đích giá trị khác nhau đang đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm và đạo đức xã hội của giới này, nếu không ý thức sẽ gây nên những cuộc khủng hoảng an sinh xã hội lớn.

Thị trường chứng khoán bị đầu cơ, lan vào lĩnh vực nhà đất, ngân hàng. Những cơn sốt ảo được tung ra nhằm thu lời bất chính. Như một hiệu ứng dây chuyền, tăng giá và tăng giá… là cách đi chung của toàn xã hội. Đây là tình trạng “giậu đổ, bìm leo” trong kinh tế. Cụ thể Việt Nam không thiếu lương thực mà người dân phải mua gạo với giá trên trời. Với tình trạng lạm phát hiện nay, giá gạo và an ninh lương thực trở nên quan trọng gần như hàng đầu của Việt Nam, mầm mống của mọi mầm mống chính là “cái ăn”. Vì vậy, việc đầu cơ và đẩy giá gạo tăng chóng mặt là hành vi thiếu đạo đức và lương thiện trong thời điểm này. Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đã được Liên Hiệp Quốc cảnh báo. Việt Nam không chấn chỉnh lại ruộng đất nông nghiệp thì sẽ phải trả giá giống như Philippines tự cầm dao đâm vào dạ dày của mình khi công nghiệp hóa đã làm biến mất bao nhiêu cánh đồng trồng lúa.

Việc làm trước mắt, người dân phải hạn chế chi tiêu, xác định lại những nhu cầu cơ bản để điều chỉnh cuộc sống, và nhà nước phải điều chỉnh mạnh mẽ hơn trước các vấn nạn về đầu cơ để đảm bảo an sinh xã hội. Triệt để xử lý tham nhũng, hối lộ. đầu cơ tích trữ, ép giá để giữ vững lòng tin của nhân dân trong công cuộc hạn chế lạm phát. Bằng mọi cách đảm bảo trật tự, an sinh xã hội, tránh tối đa những sóng gió bên ngoài không cần thiết.

Tạm kết
Người viết đã sử dụng những từ “tương quan”, “tương duyên” trong bài, nhằm nói đến một sự thật không thể phủ bác, đó là chúng ta không thể sống một cách biệt lập, bởi đau khổ hay hạnh phúc của người này đều trực tiếp, gián tiếp liên quan đến người kia và ngược lại. Những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo trong nước cũng tương quan, tương duyên chặt chẽ với những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo thế giới. Tuy nhiên, trong những thang bậc giá trị có nhiều biến thiên, trong những trật tự thế giới mới còn nhiều toan tính bất ổn, chúng ta phải nhìn ra và điều chỉnh thích hợp, linh hoạt, bởi những vấn đề về chiến tranh, hòa bình không còn nằm trên một công thức giống như toán học (2 x 2 = 4 hay 2 + 2 cũng = 4).

Người viết đã sử dụng câu tục ngữ “Giậu đổ bìm leo” để nói đến những hành động lợi dụng, “đục nước béo cò” từ những toan tính, những tham vọng quyền hành hỗn độn của cá nhân, làm bất ổn và làm rối các tình hình để thỏa mãn những hận thù, định kiến, riêng tư mà kết quả của các chính sách, âm mưu ấy là việc người dân vô tội phải bị đẩy vào vòng khủng hoảng, vào nước sôi, lửa bỏng và hơn cả là sinh tử.

Người viết nói đến việc “làm mạnh mình” (nội lực trong kinh tế, chính trị và tâm linh tinh thần). Khi phản ứng bằng bạo lực, bên ngoài nhìn có vẻ mạnh, nhưng thực chất bên trong là yếu đuối. Người Trung Quốc đang mạnh trên nhiều phương diện, bởi chính họ là người đã làm thay đổi cách nhìn về thang bậc giá trị của phương Tây. Nhưng khi họ đàn áp Tây Tạng bằng bạo lực, cho thấy bản chất của họ vẫn là một anh khổng lồ vai u thịt bắp và một tư tưởng bành trướng, thống trị, điều này cũng không khác với tinh thần phương Tây trước đó.

Lời cảnh báo trong bài của người viết là: “Nước xa không chữa được lửa gần”. Trong các quan hệ đối tác, với Trung Quốc, không nên có biểu hiện nóng vội. Lịch sử ngoại giao cho thấy, Nguyễn Trãi cùng Lê Lợi đánh tan quân Minh, nhưng sau đó cấp lương thảo, ngựa xe cho họ về nước. Bên trong thì viết Bình ngô Đại cáo, xưng hùng xưng đế nhằm khuyến khích tinh thần dân tộc, bên ngoài viết biểu tạ tội và thần thuộc chịu phong. Điều đó được nhiều sử gia, chính trị gia luận bàn như một nghệ thuật ngoại giao của nước nhỏ. Nhưng đó không phải thời công nghệ thông tin toàn cầu như hiện nay, khi tiếng súng Bắc Kinh vừa nổ ra là sau đó người Việt có thể nghe và nhìn thấy, và ngược lại một lời kinh tụng vọng lên cầu nguyện cho quê hương Việt Nam thanh bình dù Trung Quốc có chối tai thì cũng không thể không nghe. Việt Nam đang khởi công xây dựng chùa trên Vịnh Bắc Bộ. Thiền sư Nhất Hạnh viết: "Giấc mơ Việt Nam là các quốc gia lân cận, kể cả Trung Quốc biết thương mến và thưởng thức cái đẹp và cái dễ thương của đất nước, văn hóa và con người Việt Nam mà không còn có ý muốn xâm hại nhau, tại vì người Việt đã học được cách bảo vệ sông núi, văn hóa và con người của mình bằng nếp chung sống hòa bình, bằng tình huynh đệ, bằng tài ngoại giao, bằng nếp sống tương trợ với các nước chung quanh...".

Quên cái nhục trước mắt, giữ cái vinh lâu dài là bài học có từ trong lịch sử. Mà muốn có được cái vinh lâu dài, không có gì bằng làm mạnh mình, làm mới mình từ trong kinh tế, chính trị, văn hóa lẫn tâm linh, tinh thần dân tộc. Và nguy cơ bất ổn đến từ bên trong cần phải được chấn chỉnh trước, bởi trong có ấm thì ngoài mới yên (êm).

Nam Quốc

Thứ Năm, 24 tháng 4, 2008

ĐĂNG CAI TỔ CHỨC ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN LIÊN HIỆP QUỐC 2008 VIỆT NAM ĐƯỢC GÌ?


Đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 Việt Nam được gì? là câu hỏi nghiêm túc mang nhiều ý nghĩa đối với người Phật tử mà gần đây ông Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đã nêu ra và trả lời trong bài “Giới thiệu về Đại lễ Phật đản (Vesak) Liên hợp quốc 2008 tại Việt Nam”. Nhưng ý nghĩa không dừng lại ở quy mô tổ chức, bởi vốn dĩ Lễ Phật đản ngay từ những kỷ nguyên độc lập dân tộc đã là lễ hội nhà nước.

Những giá trị chung của Phật giáo suốt mấy nghìn năm nay không chỉ được thể hiện qua những tư tưởng triết lý, những bài học nhân sinh mà hơn hết là cách trải nghiệm của từng cá nhân trong một chu trình hoàn thiện nhân cách (thực tu, thực chứng) dù ở cấp độ “nhân thừa” hay “bồ tát thừa”… Chính vì vậy, trong lịch sử truyền bá, sự thực hành cá nhân sâu sắc ấy đã cụ thể hóa thành những hành vi ứng xử văn hóa, tôn trọng, hiểu biết và bất hại. Đó là những “tiêu chí” cụ thể nhất để Liên Hiệp Quốc tôn vinh đạo Phật là đạo của trí tuệ, tình thương và hòa bình. Trong thế giới mà chiến tranh sắc tộc tôn giáo vẫn hàng ngày hàng giờ diễn ra trên thế giới, nhìn một cách toàn diện, điều ấy càng khẳng định thêm những giá trị lâu dài của tư tưởng Phật giáo.

Phật giáo Việt Nam là một trong những minh chứng sinh động cho những bài học trên, bởi trong dòng chảy lịch sử đầy thăng trầm, Phật giáo đã đem lại cho dân tộc những thời đại cường thịnh, khoan dung, thuần từ và một nền văn hóa đã thấm sâu từ trong nếp sống, ngôn ngữ và nghệ thuật. Từ những biến thiên của lịch sử, từ những lãng quên thời thế, Phật giáo vẫn âm thầm bền bỉ sánh bước cùng dân tộc và không hề bi quan trước mọi thử thách của vô thường. Giá trị của tư tưởng Phật giáo Việt Nam là những giá trị chung được tiếp nối trên cơ sở tinh thần nhân sinh dân tộc, cho nên ngay từ những buổi đầu của nền độc lập, Việt Nam đã xuất hiện những ngôi chùa mang tên Khai Quốc (Mở Nước), Trấn Quốc (Giữ Nước)... Và với khả năng thích ứng xã hội và thời đại ở những giai đoạn đầu, đạo Phật đã trở thành quốc đạo, tham dự đầy đủ và tích cực với tất cả những vấn đề mà thời đại đặt ra. Và Phật giáo Việt Nam còn mang một ý nghĩa giá trị khác đó là “Phật giáo nhập thế”, một điều đang rất cần được phát huy trong đời sống hiện tại.

Sở dĩ Phật giáo Việt Nam “sống được” cho đến ngày nay dù trải qua biết bao nhiêu thăng trầm lịch sử chính là nhờ vào những giá trị tinh thần được tiếp nối một cách bền bỉ ấy. Giọt lệ bi tâm trong những đêm thiền - tịnh vẫn truyền đời nhỏ xuống, câu niệm Phật, niềm ước nguyện thanh bình mộc mạc giản dị vẫn vang vọng trên khắp làng quê Việt Nam chính là nỗi niềm đau đáu với vận mệnh dân tộc. Vận mệnh dân tộc là vận mệnh của Phật giáo nên không có lý do gì những giá trị Phật giáo được tôn vinh trên khắp thế giới lại không thể được đón chào tại Việt Nam, một dân tộc mà Phật giáo luôn cùng đi chung trên con đường vinh nhục.
Giáo sư Trần Đức Thảo có viết: “Nghiên cứu tư tưởng sử là phải phân biệt cái gì có giá trị, cái gì không, cái gì liên quan với di tích lạc hậu trong một bộ phận lạc hậu của xã hội hay trong tâm lý cá nhân, cái gì có tính chất tiến bộ tuy phát sinh trong giai đoạn trước, nhưng cần phát triển hơn nữa trong hiện tại” (Lịch sử tư tưởng trước Marx). Sự tôn vinh những giá trị Phật giáo chính là nhằm củng cố và phát triển những giá trị thiết thực hiện tại của Phật giáo mà tính thống nhất của nó trong dòng lịch sử các dân tộc phương Đông đã chỉ ra.

Liên Hiệp Quốc tôn vinh những giá trị của đạo Phật bằng việc tổ chức kỷ niệm ngày đản sinh của Đức Phật vào mỗi năm không phải là một cuộc đầu tư tư tưởng “nóng”, nhất thời, mà là những nhận thức căn cơ trước những khủng hoảng toàn diện về môi trường sinh thái về các thước đo giá trị trong một thế giới đa cực mà nhiều những thế lực lớn đang giữ quyền bao quát và lấn sân.

Liên Hiệp Quốc đã tôn vinh những nguyên tắc sống của đạo Phật, mong muốn rằng điều này có thể đem đến những tiến bộ và hòa bình cho thế giới. Việt Nam đăng cai Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc không phải là một cuộc “tìm ra” và “phát hiện lại” những tinh thần dân tộc, nhập thế của Phật giáo Việt Nam, mà vốn dĩ những nguyên tắc sống làm người căn bản đã được nhiều vị vua Lý - Trần khuyến khích xã hội thực hành. Đăng cai Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, với những hình thức ấn tượng, tiếp đón chu đáo, trọng thị… là điều cần thiết, song bạn bè thế giới phải được quyền hiểu cái gì là tinh hoa của Phật giáo Việt Nam và dân tộc Việt Nam.

Thiết nghĩ câu hỏi “Đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc 2008 Việt Nam được gì?” rất cần được trả lời trên cơ sở của những nguyên tắc sống mà chúng ta cùng nhau cỗ vũ trong xã hội, chứ không phải ở những danh xưng “lần đầu tiên tổ chức hoành tráng”, “tầm cỡ quốc tế”… Bởi sự kiện Liên Hiệp Quốc tôn vinh những giá trị đạo Phật vốn dĩ đã là một thông điệp có sức sống và giá trị truyền cảm cao đối với thế giới. Cần phải nói, có lúc, chúng ta đã rất “đói” thông tin khi mãi đến năm 2007, báo chí trong nước mới chính thức phổ biến tinh thần này của Liên Hiệp Quốc, bởi trước đó, vào năm 2000, Liên Hiệp Quốc đã chính thức lấy ngày Phật đản làm ngày Lễ hội tôn giáo của thế giới và được tổ chức lần đầu tiên tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc - New York (Mỹ).

Như trên đã nói, đăng cai Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc không phải là một cuộc “đầu tư nóng”, vì những nguyên tắc sống của đạo Phật rất cần được triển khai và phổ biến trong hệ thống giáo dục. Bởi khi hỏi “được gì?” thì phải hiểu mình sẽ được những cái cụ thể gì đằng sau lối sống của một dân tộc có 2.000 năm Phật giáo hiện diện.

Về phía Phật giáo cần phải bắt đầu quá trình tự đánh giá: năng lực giáo hội, nhân sự, chiều sâu tu tập (quản lý thời gian tu tập, nhân cách cá nhân), chiều rộng về nhận thức chính trị xã hội (thời gian dành để cống hiến, dân thân, nhập thế), các kỹ năng về tổ chức và trách nhiệm cá nhân cao trước các vấn đề liên quan đến lợi ích chung. Từ đó hoạch định chiến lược giáo dục, hoằng pháp nhằm đến những vấn đề như: tinh thần dấn thân nhập thế mới, hoàn thiện nhân cách người công dân - Phật tử, nhận thức và củng cố đường hướng tâm linh cho tương lai, xây dựng đời sống gia đình lành mạnh, tiềm lực và giá trị của giáo dục Phật giáo đối với xã hội, rèn luyện khả năng thích ứng xã hội của thế hệ trẻ Phật tử, giải phóng mọi tiềm năng, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người Phật tử khi tham gia cống hiến cho đạo pháp và cộng đồng xã hội…

Về phía Chính phủ, cần có một cái nhìn toàn diện hơn về Phật giáo, để cụ thể hơn những điều đã nói và làm, để Phật giáo Việt Nam trở thành một kênh giao tiếp xã hội, có tiếng nói thiết thực trong sự phát triển chung của đất nước. Đăng cai Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, Chính phủ nên tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam hội nhập toàn diện hơn với Phật giáo thế giới mà từ năm 1950 Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã là thành viên sáng lập. Có thể nói, cái “được” chung chính là một sự “chuyển mình”, điều chỉnh thực sự từ trong suy nghĩ, nhận thức, lời nói, việc làm để thống nhất những giá trị Phật giáo được tôn vinh trở thành những giá trị thiết thực trong cuộc sống xã hội thường nhật.

Chính phủ Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc thì Chính phủ và Giáo hội có quyền và khả năng xác định mối liên hệ nhân – quả, sự nhận thức và tương quan giữa phương tiện và mục đích của vấn đề, bởi trên thực tế cả về phía Chính phủ và Giáo hội Phật giáo Việt nam cũng đã tự trao cho mình một lợi thế quảng bá hình ảnh lớn hơn và trách nhiệm cao hơn.
Nam Quốc

“Việt Nam là nước thành viên của Liên Hợp quốc, là ủy viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc 2007 - 2008. Đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Việt Nam tỏ rõ thiện chí và quyết tâm ủng hộ chủ trương của Liên Hợp quốc nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Điều này phù hợp với giáo lý của Đức Phật và phù hợp với chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Việt Nam là nước có Phật giáo với truyền thống đã gần 2 ngàn năm. Phật giáo ở Việt Nam được đánh giá là tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, bởi vậy đất nước Việt Nam tôn trọng các giá trị nhân bản, nhân văn của Phật giáo. Đăng cai Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc 2008, Chính phủ Việt Nam đề cao giá trị của Phật giáo đồng thời đề cao vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ta…”.
Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2008

QUỐC LỄ PHẬT ĐẢN: SỨC SỐNG CỦA VĂN HOÁ VIỆT NAM


Lễ hội Phật đản ngay từ thời kỳ đầu của lịch sử dân tộc đã là lễ hội của nhà nước và đông đảo nhân dân. Từ trong bản chất, lễ hội Phật giáo đã mang đến cho dân tộc một sức sống mới, tươi tắn, khoẻ khoắn, sinh động, từ đó khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho nghệ thuật thẩm mỹ, tạo ra vô vàn những hình thức biểu hiện trong kiến trúc, hội họa, điêu khắc, văn chương và cả trong ca múa, diễn xướng. Nhưng cao hơn hết vẫn là tạo ra phương thức ứng xử trong truyền thống văn hoá tâm linh và trong nghệ thuật sống của dân tộc…

Nói đến văn hoá Việt Nam, chúng ta không thể không đề cập đến văn hoá lễ hội, đặc biệt là những lễ hội Phật giáo truyền thống. Trong đó, lễ Phật đản là một trong những lễ hội lớn có mặt từ rất sớm ở nước ta. Với những hình thức sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng tâm linh phong phú, đa dạng, nghi lễ Phật giáo đã hội nhập đầy đủ với văn hoá dân tộc trong cơ chế bản địa hoá.

Có thể nói, khó có thể tìm thấy ở đâu ngoài lễ hội Phật giáo một thông điệp mát dịu về sự chung sống hoà bình; một không gian tâm linh tự do tràn đầy tin tưởng ở con người; một niềm tin sâu xa vào phương tiện cứu giúp, làm việc thiện lành. Thế nên, đến với lễ Phật đản là đến với sự tự do, bình đẳng, nơi mà người ta có thể tìm thấy mình trong hình ảnh thân quen của Đức Phật.

Tìm hiểu lễ hội Phật đản, chính là xây dựng một bức tranh toàn cảnh về đời sống sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của dân tộc ta nhiều thế kỷ về trước. Tuy không có nhiều tư liệu khả dĩ có thể đáp ứng được đầy đủ thông tin về ngày lễ Phật đản, nhưng chúng ta vẫn có thể tiếp cận với lễ Phật đản trong bầu không khí chung của các lễ hội Phật giáo khác, cũng như trong các tư liệu văn học, bia đá, thư tịch, trong tổng thể các công trình kiến trúc và cụ thể là trong niềm tin, sức sống của mỗi con người thời đại trước.

Trong Văn bia chùa Khai Nghiêm, Trương Hán Siêu có viết: “Tượng giáo đặt ra là để đạo Phật dùng làm phương tiện tế độ chúng sinh; chính vì muốn khiến cho những kẻ ngu mà không giác ngộ, mê mà không tỉnh lấy đó làm nơi trở về với thiện nghiệp. Thế nhưng những kẻ giảo hoạt trong bọn sư sãi lại bỏ mất cái bản ý “khổ không” của đạo Phật mà chỉ chăm lo chiếm những nơi đất tốt cảnh đẹp, tự giát vàng nạm ngọc cho chỗ ở của chúng rực rỡ, tô điểm cho môn đồ của chúng lộng lẫy như voi rồng. Đương thời bọn có quyền thế, bọn ngoại đạo a dua lại đua đòi hùa theo”(1).

Nhận xét này của Trương Hán Siêu theo thời gian tồn tại mà không hề bị bất cứ một sự xâm hủy nào. Điều đó chứng tỏ lòng khoan dung, tôn trọng, biết lắng nghe của Phật giáo khi Phật giáo có những biểu hiện chệch hướng. Dưới khía cạnh chính trị, xã hội, phần nào chúng ta cũng hiểu được dụng ý của nhà cầm quyền trong việc vỗ về các tư tưởng đối lập khác khi Phật giáo phát triển mạnh. Dụng ý này được chính những vị vua Phật tử tinh thông Phật Pháp và có niềm tin kiên cố bảo vệ. Chính vì thế, trong sự phát triển sâu rộng của Phật giáo, người ta khó có thể bắt gặp dù rất nhỏ sự đề phòng, nghi kỵ của nhà cầm quyền đối với Phật giáo, thực sự điều đó là không cần thiết, bởi họ hiểu rất rõ, nền giáo dục Phật giáo là nền giáo dục của cả dân tộc. Nền giáo dục ấy có thể sản sinh ra những con người cởi mở, phóng khoáng, thuần hậu, biết đặt lợi ích của dân tộc và chúng sinh lên hàng đầu. Bỏ qua những lời dèm pha đơn điệu, các vị vua Phật tử vẫn không ngừng xây dựng và hoàn thiện một mô hình xã hội tốt đẹp theo tín lý Phật pháp.

Có thể nói, nhận định của Trương Hán Siêu có phần khiên cưỡng, bởi ông thiếu một cách nhìn toàn diện về vai trò văn hoá, tín ngưỡng tâm linh của Phật giáo. Vai trò này, không phải lúc nào cũng đồng nhất với hệ thống tư tưởng, chính trị, xã hội theo quan niệm “tu, tề trị, bình” của nhà Nho. Nói chính xác hơn, Nho giáo không phải là một tôn giáo, nên nó quy tắc, giáo điều và thiếu sinh động. Bởi thế, khi Nho giáo tàn lụi, nó không còn có cơ hội, dù chỉ một lần được lặp lại trong lịch sử dân tộc.
Nho thần Lê Quát có cách nhìn toàn diện hơn khi nói về vai trò của phật giáo trong đời sống văn hoá xã hội thời ấy. Trong Văn bia chùa Thiệu Phúc, ông viết: “ Thuyết họa phúc của nhà Phật tác động tới con người, sao mà được người ta tin theo sâu sắc và bền vững như thế? Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, thì dẫu đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc. Nếu ngày nay gửi gắm vào tháp chùa thì mừng rỡ như nắm được khoán ước để lấy quả báo ngày sau. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tới thôn cùng ngõ hẻm, không mệnh lệnh mà người ta vẫn theo, không thề thốt mà người ta vẫn tin. Chỗ nào có người ở tất có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chuông trống lâu đài chiếm đến nửa phần so với dân cư, đạo Phật hưng thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng. Ta thuở trẻ đọc sách, để tâm khảo xét xưa nay, cũng hiểu sơ sơ đạo của thánh nhân để giáo hoá dân chúng mà rốt cuộc vẫn chưa được một hương tin theo. Ta thường dạo xem sông núi, vết chân trên khắp nửa thiên hạ, đi tìm những “Học cung”, “Văn miếu” mà chưa hề thấy một ngôi nào! Đó là điều khiến ta vô cùng hổ thẹn với bọn tín đồ nhà Phật. Bèn viết ra đây để tỏ lòng ta”(2).

Bằng chứng trong lịch sử cho thấy, số lượng chùa tháp do vua quan, hoàng thân quốc thích xây dựng có thể lớn hơn về quy mô, chất liệu nhưng thực sự cũng không nhiều bằng số chùa tháp do nhân dân thành kính, tự nguyện xây dựng.

Tuy ở thế đối lập với Phật giáo nhưng Trương Hán Siêu vẫn được các vua Trần kính trọng bởi nhân cách cương trực, thẳng thắn. Sau này, nhận thức về Phật giáo của ông đã thay đổi khi ông được gần gũi các bậc cao tăng. Điều đó, có một khác biệt lớn so với Thái uý Đàm Dĩ Mông thời Lý. Đàm Dĩ Mông từng viết Phán tăng đồ để công kích Phật giáo, nhưng chính sự cực đoan thái quá trong tư tưởng mà ông bị đánh giá là “kẻ mọt nước hại dân”, bởi “nhân tình trạng rối loạn của xã hội phong kiến thời bấy giờ, ông đã chia bè kết đảng và dốc nhiều sức người, sức của vào việc tiễu trừ các phe phái đối lập, thực chất là làm cho triều đình nhà Lý càng thêm hỗn loạn” (3). Có thể nói, tham vọng độc quyền chân lý, cộng với chiến dịch “bàn tay sắt” của ông khi muốn loại trừ tư tưởng Phật giáo ra khỏi sự ảnh hưởng đối với xã hội đã mang đến cho ông những hậu quả đáng tiếc. Điều đó cũng nói lên, ông không chỉ thiếu một tầm nhìn chính trị mà còn thiếu một nhân cách trong văn hoá ứng xử.

Diệt khai quốc công thần là một tiền lệ trong lịch sử của nhiều triều đại. Thậm chí, nó còn đồng thời tạo ra một tiền lệ cực đoan khác trong việc phủ nhận, tiêu diệt những thành qủa văn hoá vật thể và phi vật thể của những triều đại đi trước. Phật giáo thường là đối tượng trước tiên của những chính sách huỷ hoại này. Ngược lại, điều này chưa từng diễn ra ở các triều đại mà các vị vua Phật tử trị vì. Không những thế, các vị vua Phật tử ấy còn nổi tiếng về lòng khoan thứ, nhân từ. Trong thế kiềng ba chân của tư tưởng Tam giáo, sự ước thúc tương đối đã bộc lộ mặt mạnh, yếu của từng tư tưởng, tuy vậy, nhiều vị vua tài giỏi đã biết phát huy tối đa tính tích cực của từng tư tưởng cụ thể, và họ đã thành công trong việc ổn định chính trị xã hội.
Tuy nhiên, nhận thức của họ về tôn giáo vẫn không hề có sự đánh đồng, cào bằng, vì trong kỷ nguyên mà dân tộc đang ra sức khẳng định nền độc lập, tự chủ của mình thì việc ưu tiên cho Phật giáo phát triển là điều rất cần thiết và dễ hiểu, bởi Phật giáo là một tôn giáo gắn bó với dân tộc, bên cạnh những thuộc tính bản chất mang những giá trị tâm linh và tinh thần nhân văn sâu sắc. Với tầm nhìn chiến lược, họ biết phải lấy hệ tư tưởng nào làm trung tâm, chắc chắn tư tưởng ấy không thể là sản phẩm của một đế quốc luôn có âm mưu xâm lược và đồng hoá văn hoá dân tộc ta, tất nhiên nó càng không thể là một tôn giáo có tư tưởng lệ thuộc và vọng ngoại.

Cuối thời Trần, sự chuyển giao vai trò chính trị từ Phật giáo sang Nho giáo diễn ra một cách rất nhẹ nhàng, êm thấm, và Nho giáo có thể đảm nhận tốt công việc đó trong những thời điểm lịch sử cụ thể. Tuy nhiên, chưa từng lúc nào, Nho giáo có thể thay thế Phật giáo trong việc hướng dẫn niềm tin tâm linh của cả dân tộc. Thậm chí ở nhiều thời điểm, Nho giáo Việt Nam còn tự làm nghèo tư tưởng của mình đi bằng việc áp dụng những luật lệ nặng tính giáo điều của Tống Nho, và hạn chế không thương tiếc những sáng tạo văn hoá nghệ thuật của nhân dân mà vốn dĩ nó rất giàu bản sắc. Nền nghệ thuật bác học mà các nhà Nho sáng tạo ra, bản thân nó không nhằm mục đích hướng tới nhân dân. Đây cũng là lý do tại sao trong các truyện Nôm dân gian, cảm hứng từ Phật giáo luôn dồi dào, sinh động.

Nhiều nhà Nho có tâm huyết với dân tộc đã phải thất vọng với hệ tư tưởng ấy, khi một mặt nó luôn đề cao nhân nghĩa, nhưng mặt khác “Thiên triều hào phóng tốt bụng” phía bên kia lại không ngừng chờ cơ hội để thôn tính nước ta. Đây chính là hệ quả tất yếu của mô hình đi từ Nho sang Phật, Lão trong lịch sử tư tưởng dân tộc. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, nhiều vị vua muốn tập trung quyền lực vô hạn vào tay mình bởi họ nhìn thấy ở Nho giáo một hệ thống bảo vệ vô hình của những “trách nhiệm” quân- thần, phụ- tử, đặc biệt là chữ “trung”, một chữ định mệnh trời ban đã làm nên không ít bi kịch trong đời sống của những con người thị tài, khi họ nhận thấy mình phải phục vụ cho những kẻ bất tài, vô đức.

Có thể nói, sự ảnh hưởng toàn diện từ chiều rộng đến chiều sâu của Phật giáo đối với đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội như vậy là cơ sở quan trọng để chúng ta tiếp cận với lễ Phật đản, một lễ hội mang tính chất quốc lễ. Thông tin để chúng ta khẳng định lễ Phật đản là quốc lễ được đề cập đến trong Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT). Vào mùa thu tháng 9 năm Ất dậu Long Phù năm thứ 5 (1105), vua Lý Nhân Tông sai người “chữa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, đào hồ Liên Hoa Đài, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ gọi là Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp. Hàng tháng cứ ngày rằm, mồng một và mùa hạ, ngày mồng 8 tháng 4, vua xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm lấy làm lệ thường”(4).

Tuy nhiên, trước đó, vào năm Nhâm tý, Thần Vũ năm thứ 4 (1072), ĐVSKTT cũng đề cập đến sự kiện “mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 8, vua (Lý Thánh Tông) xem lễ tắm Phật” (5). Những thông tin này tuy chưa thể phác hoạ đầy đủ về ngày lễ Phật đản, nhưng là những thông tin đầu tiên được đề cập trong chính sử. Như vậy, để biết đích xác rằng lễ Phật đản đã diễn ra như thế nào, chúng ta cần phải tiếp cận với không gian văn hoá của ngày lễ ấy qua các nguồn tư liệu đáng tin cậy khác.

Trong Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh, Nguyễn Công Bật đã mô tả khá chi tiết ngày lễ Phật đản thông qua ngày lễ khánh thành tháp Sùng Thiện Diên Linh. Nhà vua “tôn sùng đạo Phật; hâm mộ thắng nhân. Mở chùa Diên Hựu; ở tại vườn Tây. Dấu vết theo quy mô thuở trước; lo toan do thánh ý ngày nay. Đào ao thơm Linh Chiểu, giữa ao trồi lên một cột đá, trên cột có một đoá hoa sen nghìn cánh xoè ra. Trên hoa dựng ngôi đền đỏ sẫm; trong đền đặt pho tượng sắc vàng. Ngoài ao có hành lang bao bọc. Ngoài hành lang lại đào ao Bích Trì, bắc cầu cong để đi lại. Ơ sân trước cầu, hai bên tả hữu xây tháp báu lưu ly. Để mồng một hàng tháng, để mùa xuân hàng năm, nhà vua thân ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay. Hương hoa bày hình thức kỳ an; bồn chậu đặt lễ nghi tắm Phật. Trang sức tướng tinh thành cho năm chúng, hoặc hở vai tiến thoái nhịp nhàng; tạo đội ngũ thiên vương ở bốn phương, nâng khí cụ bồi hồi nhảy múa. Tinh cần chẳng trễ; kính phụng nào ngơi. Vì vậy mà huyền tạo linh thông; đều cùng phù hộ”(6).

Đơn cử, vào năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (1121), vua Lý Nhân Tông tổ chức khánh thành tháp Sùng Thiện Diên Linh với quy mô rất lớn: “sai phụng thường chỉnh đốn kiệu xe; khiến phong bá quét sạch bụi bặm. Khói trầm đàn như mây toả khắp sơn khê; bóng cờ phướn như ráng phô đầy các ngả. Chuông trống vang ầm; khánh tiu rộn rã. Phía trước xe mây Tam bảo; đằng sau kiệu báu thánh hoàng. Dốc nghiêng xanh tía sáu cung; về hết trẻ già muôn nước. Điện hoa vắt ngang phía trước; chùa Phật mở rộng bên trong. Hội tăng ni trai khiết; diễn Giác Đế chân kinh. Hoàng đế nghiêm trang, đọc kệ đoạn cúi đầu tạ lễ; cung nga khép nép, nghe kinh xong dâng sữa múa ca. Thổi cơm chay trắng muốt, thết khách đói qua đường; phát tiền quý ùn ùn, cấp dân nghèo khắp chốn. U hiển đều về; thiên long cùng đến. Đem lực công tối thượng; phúc đức vô lường. Ca ngợi hoàng cương vững bền như trời đất; cầu mong bảo vận vằng vằc như trăng sao. Sớm sinh thái tử; nối mãi mệnh trời. Mong gốc ngành muôn thuở; cầu xã tắc muôn năm. Cỏ lướt nhiều phương; quỳ nghiêng muôn nước. Thần dân yêu mến; tổ khảo khuông phù. Thần đạo giúp ngầm; trời người nâng đỡ”(7).

Có thể tự hào rằng, không triều đại nào như triều đại Lý - Trần, những lễ hội Phật giáo lại được đề cập nhiều ở trong chính sử đến như thế. Điều đó có nghĩa rằng lễ hội Phật giáo đã trở thành những sự kiện văn hoá lớn, có khả năng biến sức mạnh của văn hoá tâm linh, tinh thần thành sức mạnh vật chất, bởi nó không chỉ là nơi quy tụ, cố kết toàn dân tộc mà còn khẳng định nền độc lập lâu dài. Nhân dân được giải trí tinh thần trong một nền văn hoá lễ hội lành mạnh, mắt được vui mà tâm được an, ở đó, người ta thật sự tự do và được sống trong tình yêu thương của cả cộng đồng. Một đời sống thuần thiện, bình đẳng, tự nguyện như thế đã biến lễ hội Phật giáo trở thành nơi để mọi người thực hành lòng từ bi, khoan thứ. Chính vì vậy, từ trong thâm tâm người dân, ngày quốc lễ của dân tộc không phải là những ngày cử công chiến thắng quân xâm lược Tống hay Nguyên – Mông (chính sử không hề đề cập đến điều này) mà là những lễ hội mang đậm màu sắc tâm linh Phật giáo. chính sử không hề đề cập đến điều này.

Sử thần Ngô Sĩ Liên cảm thấy khó chịu về lòng nhân từ, khoan thứ của các vị vua Phật tử mà viết như sau: “Nhân Tông thường nhân việc mở hội Phật mà tha cho người hết tội, là không phải lẽ, nhưng mà còn mượn tiếng hội Phật. Còn như vua Thần Tông không có việc gì mà cũng tha bổng” (8). Ông và một số sử thần khác đều có những nhận xét khá mâu thuẫn về các vị vua Phật tử, chẳng qua đều vì một lẽ là kỳ thị đạo Phật. Chẳng hạn, khi nói về vua Lý Thần Tông, ông viết: “Vua khi mới lên ngôi hãy còn trẻ dại, đến khi lớn lên, tư chất thông minh, độ lượng nên việc sửa sang chính sự, dùng người hiền tài, thuỷ chung đều chính, nhiệm nhặt khúc nôi, không gì sai lệch…song quá thích điềm lành, tôn sùng đạo Phật, chẳng đáng quý gì” (9). Hay tương tự như vậy khi viết về vua Lý Nhân Tông: “Vua trán dô mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, nước được thái bình, là vua giỏi của triều lý. Tiếc rằng mộ đạo Phật, thích điềm lành, đó là điều lụy cho đức tốt”(10).

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, không gian văn hoá của những ngày quốc lễ Phật giáo đã bị thu hẹp, không còn cảnh tưng bừng, vui tươi; cảnh “năm chúng” hở vai tiến thoái nhịp nhàng; cảnh mà từ vua đến dân đều hoan hỷ, thành kính, hát ca nhảy múa; cảnh mà ở đó căn - trần - thức được thể nhập trong lời kinh, tiếng nhạc vừa đắm say vừa thanh thoát… Tuy nhiên, mọi nỗ lực biến những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh Phật giáo trở về con số không của những nhà Nho kỳ thị chưa từng và không thể có cơ hội trở thành hiện thực. Bởi lễ hội Phật giáo đã là máu thịt của sinh hoạt tinh thần dân tộc và nhân dân chính là đại diện xứng đáng duy nhất bảo lưu nó. Cho dù bị cấm đoán, chùa không có sư ở, nhân dân cũng không để cho chùa vắng làn khói hương, vắng nhịp chuông mõ, bởi khi hữu sự họ vẫn tìm đến Phật giáo như tìm đến sự chăm sóc cho một thần thức bấy lâu đã quá mệt mỏi bởi nhưng đam mê danh lợi, quyền hành.

Như vậy, khi tìm hiểu đời sống tín ngưỡng tâm linh Phật giáo từ trong nhân dân, chúng ta mới hiểu những sinh hoạt lễ hội Phật giáo có ý nghĩa như thế nào đối với họ.
Trong Thập di ký, Lý Tế Xuyên viết: “Người Cổ Châu, mỗi năm mừng ngày Phật đản đều họp nhau ở chùa Thiền Định” mà căn cứ vào Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục thì chùa Pháp Vân từng có tên là Thiền Định, triều Lý đổi chùa Thiền Định làm chùa Diên Ứng (11). Còn trong Lĩnh Nam chích quái thì viết: “Ngày mồng tám tháng tư, Man nương tự nhiên mà thác sinh lên trời, linh xác gói chôn trong chùa. Nhân dân lấy đó làm ngày sinh của Phật. Hàng năm cứ đến ngày này trai gái, già trẻ bốn phương tụ tập về chùa để vui chơi, ca múa các trò đàn địch mãi thành tục lệ, gọi là “hội tắm Phật”, đến nay lệ vẫn còn” (12). Như vậy, với thông tin trên, chắc chắn lễ hội Phật Thích Ca đản sinh phải có mối quan hệ nào đó với Phật Pháp Vân - một vị Phật bản địa. Trong khi đó, lễ hội Đức Phật Thích Ca đản sinh vào ngày mồng 8 tháng 4 không chỉ riêng gì Việt Nam mới tổ chức. Như vậy, cơ chế nào đã dẫn đến sự tương hợp lý thú này? Chúng ta sẽ nhận được câu trả lời khi tìm hiểu truyện Nôm Cổ Châu Phật bản hạnh (13). Khác với Lĩnh Nam chích quái, Cổ Châu Phật bản hạnh cho rằng ngày sinh của Phật Pháp Vân là ngày mồng 8 tháng 4 chứ không phải ngày thác sinh của Man nương.

Hạ thiên mồng tám tháng tư,
Ngọ thời mãn nguyệt được giờ xuất sinh.
Được một nữ nhi tốt lành,
Tường vân ngũ sắc phủ mình hào quang.

Cũng theo Cổ Châu Phật bản hạnh thì lễ hội Phật Pháp Vân đản sinh được tổ chức vào ngày mồng tám tháng tư đã có từ thời vua Sĩ Nhiếp (khoảng thế kỷ thứ II).

Bốn chùa Sĩ vương dựng làm,
Trùng trùng điện các tướng vàng tốt thay.
Người ta hội họp rồng mây,
Đôi bên phố xá xem tầy cảnh tiên.
Khai quang khánh tạc mãn viên,
Đặt làm lễ hội Trường An buổi này.
Kèn loa chiêng trống vui thay,
Trượng cờ ống pháo vang tai đùng đùng.
Ngất trời mây phủ hư không,
Pháp Vân, Pháp Vũ thần thông uy cường.
Pháp Lôi, Pháp Điện tiếng vang…

Phật Pháp Vân đản sinh trùng với ngày đản sinh của Đức Phật Thích Ca chính là một bước chuyển quan trọng của Phật giáo Việt Nam. Từ đây, chính thức người Việt đã có Đức Phật của riêng mình. Tuy nhiên, điều đó không hề có sự so sánh đây với kia mà là người Việt đã vận dụng hữu hiệu tư tưởng Phật giáo quyền năng nhằm đưa Pháp thân, Ứng thân, Báo thân, Hoá thân của Đức Phật Thích Ca thị hiện ở khắp mọi không gian, thời gian. Vì thế, sự kiện trên còn khẳng định, bất cứ ai sinh ra trên đất nước Việt Nam đều có khả năng trở thành Phật. Như vậy, đã có sự hoà trộn bình đẳng giữa cơ chế Phật hoá bản địa và bản địa hoá Phật giáo. Cổ Châu Phật bản hạnh xem Phật Pháp Vân chính là một hoá thân khác của Đức Phật Thích Ca.

Thích Ca Phật hiện xuống chăng,
Ưu Đàm hoa ấy thuỵ tường bởi đâu?
hay:
Chư Phật hội nghị phân minh,
Thích Ca xuất thế hiện hình lạ sao!

Khi Đức Phật Pháp Vân xuất hiện cũng là lúc người Việt đưa nền Phật giáo của dân tộc sang một bước ngoặt mới, độc lập tương đối với nền văn hoá Phật giáo kiến tạo vùng và không ngừng gây ảnh hưởng. Khởi đầu chính là sự ra đời của dòng thiền Pháp Vân và tiếp tục hoàn thiện bằng sự xuất hiện của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Theo Cổ Châu Phật bản hạnh thì ảnh hưởng của Phật Pháp Vân đã vượt ra ngoài lãnh thổ. Uy lực và sức phù trợ của ngài vô cùng to lớn đối với dân tộc. Chính sức mạnh tâm linh ấy đã cổ vũ cho sức mạnh vật chất, từ đó, chủ nghĩa yêu nước ngày càng được khẳng định.

Đông Tấn Minh Đế văn chi,
Khiến người Đào Khản đương thì Kiến Khang.
Sai nghìn quân mạnh tràn sang,
Kiệu hoà chẳng nổi nặng bằng Thái sơn.
Ngày sau lại sai ba nghìn,
Kiệu Bụt lên ngàn giữa cõi Long Chi.
Quân Tấn ngã thác tứ bề,
Đào Khản mất vía đương khi cúi đầu.
Xin hoàn Phật tự Cổ Châu,
Kiệu Đức Bụt lại chẳng âu sự gì.

Đại Minh đời Đường Đức Tông,
Sai quan kinh lược anh hùng Triệu Xương.
Kính vâng phép Bụt Nam bang,
Chép làm sử ký tiến sang cửu trùng.

Có thể nói, Đức Phật Pháp Vân có tầm ảnh hưởng quốc tế là một sự thật lịch sử, bởi ngay những lễ hội Phật giáo khác như lễ hội Thiên Phật, lễ hội La Hán, lễ khánh thành tháp, lễ hội đèn Quảng Chiếu… đã thu hút sứ thần và nhân dân các nước khác tham dự rất đông vui, thân tình. Thần lực của Phật Pháp Vân đã khiến cho nước lân bang phải lo sợ và nảy sinh ý đồ đánh cắp. Chúng không thể thực hiện được điều đó bởi Ngài chính là vị Phật làm điểm tựa tâm linh, đại diện cho sức mạnh của cả dân tộc, cùng với nhân dân chống giặc bảo vệ đất nước, đề cao chính nghĩa.

Đến đời Chiêu Thắng (Hy Thắng?) sơ niên,
Tống binh thuỷ lục cao quyền lấn sang.
Đầu binh đóng ở Nguyệt giang,
Đánh hoà chẳng được nam bang vững bền.
Kiệu Bụt lên ngàn Thái Nguyên,
Quân ta đánh giặc, giặc liền vỡ tan.
Nó hận Nam bang báo oan,
Phóng hoả đại ngàn trăm mảng lửa thiêu.
Nam Việt sai quân đánh theo,
Chung quanh lửa cháp đăm chiêu thình lình.
Một nơi thảo điện Phật đình,
Lửa chẳng cháy đến toàn lành trước sau.
Chư quân ngó mặt bảo nhau,
Bụt thiêng biến hoá làu làu uy nghi.
Quân ta lại rước Bụt về,
Mộc dục trang điểm tức thì khai quang…

Công đức lớn lao của Phật Pháp Vân có ảnh hưởng không chỉ ở thời điểm Phật giáo toàn thịnh mà đến tận đời hậu Lê. Trong đó phải kể đến bốn bài thơ ca ngợi về chùa Pháp Vân và Phật Pháp Vân của Lê Thánh Tông trong Hội Tao Đàn nhị thập bát tú. Lê Thánh Tông xưng tụng Phật Pháp Vân như là thạch trụ của đất nước “Tỉnh phù thế nước dường như tại”. Trải nhiều triều đại Phật Pháp Vân hàng năm vẫn được rước về chùa Báo Thiên ở kinh đô Thăng Long để cầu nguyện mưa thuận gió hòa, quốc gia hưng thịnh.

Nhà nghiên cứu lịch sử Lê Mạnh Thát viết: “Thực vậy, những chính quyền liên tục ra đời tại nước ta trong nửa thiên niên kỷ ấy đều ít nhiều gắn bó với Phật giáo. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi dân tộc ta lúc đó là một dân tộc Phật giáo. Tất nhiên, không phải vì dân tộc ta mà Phật giáo ngay tức khắc có một lý luận chống ngoại xâm. Chính những người Phật giáo giai đoạn này, xuất phát từ thực tiễn của dân tộc, đã sáng tạo ra lý luận chống ngoại xâm của mình. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam giai đoạn ấy đã thể hiện bằng chủ nghĩa địa linh của Định Không. Chính chủ nghĩa này đã tạo cho tưởng Phật giáo thiền Pháp Vân một diện mạo mới mang tính đặc thù của thời đại và đất nước Việt Nam. Nó không còn là một thứ lý luận chung chung, chỉ nói đến lòng yêu nước và sự nghiệp chống ngoại xâm là đủ, mà đã tự dựng cho mình một nội dung cụ thể dựa trên tư tưởng địa linh, một tư tưởng xác định đất nước Việt Nam sẽ sản sinh ra những người làm chủ. Đây phải nói là một bước tiến mới của chủ nghĩa yêu nước” (14).

Rõ ràng, không chỉ là lý thuyết, Phật giáo còn là một lực lượng chính trị đông đảo, tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, bằng việc cống hiến rất nhiều những con người tài ba, đức độ, lạc quan yêu đời, làm mà không có lòng mong cầu, dám dấn thân và xả thân cho nền độc lập dân tộc. Nhiều thiền sư, cư sĩ chính là những cố vấn quân sự, chính trị kiệt xuất; nhiều vị vua Phật tử chính là anh hùng dân tộc, họ trực tiếp cầm quân đánh giặc và chiến thắng oanh liệt. Điều này, cho dù ai đó đã từng không ưa mến Phật giáo cũng không thể nào phủ nhận được. Bài thơ Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn của thiền sư Pháp Thuận khẳng định rất rõ:

Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh (15).

Có thể nói, bằng việc tìm hiểu lễ hội Phật giáo qua lễ Phật đản và mối liên hệ với Phật Pháp Vân, bước đầu chúng ta có thể khẳng định văn hoá lễ hội Phật giáo đã thể hiện đầy đủ vai trò, giá trị và sự hiện diện đúng đắn của nó trong dòng lịch sử dân tộc. Dân tộc ta còn lại không nhiều những hình thức sinh hoạt tâm linh có giá trị như thế. Đáng tiếc, nhiều người vẫn còn có cái nhìn hẹp hòi, thiển cận, xem đó là việc riêng của Phật giáo. Tách lễ hội Phật giáo ra khỏi các sự kiện văn hoá lớn của dân tộc, từ đó ngày càng bàng quan với văn hoá Phật giáo. Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi văn hoá dân tộc mang hình dáng như thế nào trong một xã hội mà văn hoá có nhiều hình dạng méo mó, lai căng như hiện nay? Nếu không xác định diện mạo nó như thế nào, cần phải ưu tiên giữ gìn và phát huy cái gì thì việc kêu gọi xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chỉ là một khẩu hiệu đem muối bỏ vào biển. Nếu như chúng ta không thể phát huy được vai trò, giá trị của lễ hội Phật giáo, đặc biệt là lễ Phật đản trong mạch sống văn hoá dân tộc thì cũng đừng làm nó mai một, kém hơn sức sống như nó đã từng sống. Không lúc nào bằng lúc này, trách nhiệm ấy thuộc về tất cả chúng ta.

Thái Nam Thắng

Tài liệu tham khảo:
(1) Viện Văn học, Thơ văn Lý - Trần tập II, quyển thượng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989, tr. 748.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư tập 2, Bản in Nội các quan bản, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2003, tr. 237.
(3) Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần tập I, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 525.
(4), (5) Đại Việt sử ký toàn thư tập 1, Bản in Nội các quan bản, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2003, tr. 438.
(6), (7) Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần tập I, sđd, tr. 405; 407.
(8), (9), (10) Đại Việt sử ký toàn thư tập 1, sđd, tr.464; 458; 424.
(11) Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 2, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr. 99.
(12) Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, Nxb Thuận Hoá, Huế, 1999, tr. 144.
(13) Phần trích thơ của bài viết được dẫn từ Kinh Cổ Châu Phật bản hạnh trong sách Đạo Phật Việt Nam của Hoà thượng Thích Đức Nghiệp, Thành hội Phật giáo Tp. HCM, 1995, tr. 503.
(14) Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 2, sđd, tr. 661.
(15) Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, sđd, tr. 204.


Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2008

NGƯỜI VIỆT TRẺ CÓ SẴN GÌ?


Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông có nói đến khái niệm “nhà mình có sẵn đừng tìm kiếm”. Nhìn những chuyện đang diễn ra trước mắt, chợt giật mình tìm xem cái mình đang có sẵn? Ngó qua ngó lại mới hay cả xã hội đang bỏ quên rất nhiều cái có sẵn quý giá nhất của mình. Phải chăng nền giáo dục đã bỏ quên cái đẹp, tính thiện, lòng nhân, lòng trắc ẩn?

Từ chuyện lễ hội hoa anh đào ở Việt Nam…
Người Nhật có lễ hội hoa anh đào truyền thống, thể hiện cả một triết lý thưởng hoa, hiểu hoa và tôn kính hoa. Có thể nói lễ hội hoa anh đào của Nhật đã làm cho cả thế giới tốn không ít giấy mực để bàn luận về nó. Bởi người Nhật yêu hoa, hành xử với hoa và nâng những giá trị đó trở thành “Đạo”. Người Nhật ý thức việc nâng cao nhận thức thẩm mỹ cho dân chúng nước mình từ những hành vi văn hóa tưởng chừng như đơn giản nhất qua cách yêu cái đẹp, chăm sóc cái đẹp và biến cái chưa đẹp trở nên đẹp. Đó là cái gia tài văn hóa vô giá mà người Nhật hãnh diện và muốn chia sẻ niềm vui đó với bạn bè thế giới.

Trong sự hãnh diện và muốn chia sẻ ấy, người Nhật nhiệt tình đem cái đẹp tinh tế và triết lý thưởng hoa đến với người Việt. Chắc hẳn trong lúc “gieo duyên” ấy, người Nhật cũng phải tìm thấy nét đẹp nào đó trong nền văn hóa chúng ta. Và phải nói, dẫu chưa yêu hoa đến mức thành “Đạo” như người Nhật thì trong văn hóa người Việt, yêu hoa cũng là những nét văn hóa phổ biến. Tuy nhiên, người Việt chưa thể nâng tầm mức yêu hoa, yêu một loài hoa đặc thù trở thành triết lý và cụ thể hóa nó thành lễ hội.

… đến cách ứng xử văn hóa của người Việt trẻ
Với hơn hai trăm nhành hoa được chiết cành và chuyển từ Nhật sang, người Việt đã lần đầu tiên được thưởng hoa anh đào trên mảnh đất của mình. Cái tình đó của người Nhật thật đáng trân trọng.

Đáng tiếc, người Nhật hữu tình còn chúng ta thì vô ý. Sự vô ý thể hiện qua cách ứng xử văn hóa rất thấp, bởi chưa đầy hai tiếng đồng hồ sau nghi thức thưởng hoa, nhiều người Việt trẻ (thế hệ kế tục sự nghiệp của người đi trước) nhào vô “bức tử” hoa anh đào một cách thản nhiên như đi vào khoảng trống. Quả đúng như vậy, vì đó là một khoảng trống văn hóa quá lớn mà mấy thập kỷ nay, nền giáo dục của chúng ta vẫn chưa thể lấp đầy.

Dù biết cái đẹp chỉ nhất thời và nhanh chóng úa tàn, nhưng người Nhật còn tìm thấy cả nét đẹp tiềm ẩn trong sự úa tàn ấy, nên họ rất thích ngồi dưới những cội hoa anh đào không chỉ ngắm những bông hoa đang khoe sắc mà còn thưởng thức những cánh đào rơi rụng một cách tự nhiên. Có cả một triết lý sinh tử trong thưởng hoa chứ không phải chuyện “giỡn chơi” thương mại đình đám đâu. Những người Việt trẻ ngày hôm ấy không những biết quá ít nguyên tắc ứng xử tối thiểu mà còn biết quá ít về văn hóa của người khác. Một sự khập khiễng trong văn hóa qua đó đã được chẩn mạch và cần phải tiến hành bốc thuốc ngay để chữa trị. Vì nó đã trở thành kinh niên trong ứng xử văn hóa từ phong thái đi đứng, chào hỏi, nói năng, ăn uống, học hành, lễ tiết của đa số người Việt trẻ suốt nhiều năm nay, khi những từ “kinh tế thị trường”, “toàn cầu hóa” với toàn những mặt trái đầy thủ đắc, thực dụng đang xâm chiếm họ.

Có thể nói những từ “xấu hổ”, “vô cùng xấu hổ” được nhắc tới nhiều nhất trong mấy ngày qua. Người Việt trẻ nào sẽ thay lời xin lỗi, như một nguyên tắc cần thiết trong ứng xử: xin lỗi là biết cái lỗi trước và chừa cái lỗi sau không tái phạm?

Nhắc đến chuyện bình chọn hoa của người Việt
Hơn một năm trước, trên báo Tuổi Trẻ có đăng bài viết về việc làm sao người Việt có một loài hoa để tôn kính và xem đó là quốc hoa. Một sự thăm dò ý kiến cũng đã được báo tuổi trẻ đưa ra. Cho đến ngày chấm dứt cuộc thăm dò ý kiến, hoa sen vẫn dẫn đầu với đa số bình chọn (theo biểu đồ kết qủa hiển thị trên tuoitreonline), bên cạnh hoa mai, hoa đào và tre (tre xếp vào với hoa là khiên cưỡng). Đúng như tác giả bài báo giải thích, chúng ta đã lấy hoa sen làm biểu tượng trên máy bay của hãng hàng không Việt Nam. Nếu chúng ta không kịp thời lấy hoa sen làm quốc hoa thì sẽ có nước sẽ lấy mất, vì hoa sen vẫn chưa có nước nào chú ý tới. Tuy nhiên, sự việc trên cũng dần dần chìm vào góc khuất thông tin và chẳng đánh động được gì đến những người quản lý văn hóa tại Việt Nam.

Hoa sen có những đặc tính có thể nâng lên tầm triết lý, nếu người Việt quan tâm, bởi chúng ta có thể bắt gặp nó trong nhiều kiến trúc, điêu khắc, thẩm mỹ, văn chương của dân tộc. Và bởi nó hàng ngày vẫn nở khắp trên các làng quê Việt Nam tượng trưng cho một vẻ đẹp thanh khiết và cao qúy. Nhưng muốn có một triết lý về hoa thì phải có nhiều tầng lớp yêu hoa, chăm sóc hoa như yêu và chăm sóc chính bản thân mình, bằng không tất cả chỉ là những mơ ước hão huyền, mò trăng đáy nước.

Bỏ quên và đang chờ phát hiện
Vừa qua, trước khi đến thăm Việt Nam, Thủ tướng Nhật có gửi một thông điệp đến chính phủ Việt Nam, nhấn mạnh đến những yếu tố tương đồng văn hóa và cùng có một nền triết lý của đạo Phật đại thừa. Sự giao lưu văn hóa chính là để khẳng định thêm và gắn bó hơn những nét tương đồng ấy. Ngôn ngữ ngoại giao dù có khách sáo thì cũng gợi ra những suy nghĩ, liên hệ, song những gì thực tế diễn ra trên đất nước Nhật và những gì thực tế đang diễn ra trên đất nước chúng ta, có thể nói “sự tương đồng” là một khái niệm lạc quan tếu.

Không nói đến những “quốc nạn” tham nhũng, tệ nạn xã hội gia tăng, mà chỉ nhìn người dân đi đứng, nói năng, ứng xử là sẽ thấy trình độ văn hóa của một dân tộc. Tranh nhau giành đường để đi, đụng chạm đến nhau là cãi lộn, đánh đấm. Hàng xóm láng giềng thì mạnh ai nấy sống. Chỉ vì cái xe để vô tình trước cửa nhà mình, chỉ vì vài giọt nước tưới cây nhà bên hắt sang, chỉ vì chó mèo phóng uế ra ngõ, chỉ vì trẻ con nô đùa hơi lớn tiếng, chỉ vì vài cọng rác… là hàng xóm có thể từ mặt nhau, thù ghét nhau. Không có đủ nhà vệ sinh công cộng đã đành, ngay cả khi có nhà vệ sinh công cộng thì nhiều người vẫn thản nhiên tiểu tiện bất cứ ở đâu trên đường đi. Người ngồi trên xe tùy ý khạc nhổ, vứt rác xuống đường. Hội hè đình đám ở bất cứ đâu, xong việc là để lại sau mình một bãi rác khổng lồ. Các công ty thay nhau quảng cáo sản phẩm còn phần rác thì để đường phố gánh chịu. Có vô số những chuyện “đau mắt” như vậy xảy ra khắp trong ngõ xóm, đường phố. Chúng ta chỉ còn biết ngồi chờ để phát hiện những hình ảnh đẹp mắt hơn, người hơn.

Trong bài phú Cư trần lạc đạo, Trần Nhân Tông có nói đến khái niệm “nhà mình có sẵn đừng tìm kiếm”, nhằm chỉ Phật tính, cái vốn tâm linh thường được thể hiện qua thái độ văn hóa của chúng ta. Nhìn những chuyện đang diễn ra trước mắt, chợt giật mình tìm xem cái mình đang có sẵn? Ngó qua ngó lại mới hay cả xã hội đang bỏ quên rất nhiều cái có sẵn quý giá nhất của mình. Phải chăng nền giáo dục đã bỏ quên cái đẹp, tính thiện, lòng nhân, lòng trắc ẩn? Đặt một câu hỏi lớn như vậy sẽ có người cho rằng quá bi quan, nhưng cứ nhìn hình ảnh những người trẻ được ăn học đàng hoàng nhảy vào “bức tử” hoa anh đào mới thấy hết sự bẽ bàng của một nền văn hóa ứng xử. Gia tài văn hóa Việt Nam có không ít những bài học cao đẹp về cách làm người, nhưng với những gì mà thực tại xã hội đang diễn ra, nhớ đến chuyện Đức Phật thí dụ về những người có minh châu trong túi áo nhưng vẫn phải đi ăn mày, mà cảm thấy không có gì đáng buồn hơn.

Hành vi ấy là kết quả của một lối suy nghĩ, dù chỉ qua một hiện tượng nhỏ của một nhóm người trong lễ hội hoa anh đào Nhật Bản tại Hà Nội vừa rồi, hay cảnh người trẻ tranh nhau bứt phá những chiếc nón lá trong tác phẩm nghệ thuật sắp đặt trên con đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc sông Hương thơ mộng tại Festival Huế 2006… chính là lời cảnh báo về lối ứng xử văn hóa được giáo dục có rất nhiều vấn đề cần phải sớm xem xét lại.

Thường Trung

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2008

VỤ “TÒA KHÂM”: DI SẢN VĂN HÓA - CỘI NGUỒN LỊCH SỬ CỦA MỘT DÂN TỘC


Vừa qua, trong Tuần Văn hóa Phật giáo được tổ chức tại Huế, thính giả đặc biệt chú ý tới đề tài thuyết trình “Thăm lại những ngôi chùa đã mất” của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn. Mọi người thật sự xúc động khi thấy lại chiếc giếng đá cổ chùa Báo Thiên - di sản quý hiếm còn sót lại của một ngôi đệ nhất danh lam cổ tự tại kinh thành Thăng Long xưa, từng được mệnh danh là “An Nam tứ khí”. Thân phận chiếc giếng đá cổ đó vẫn chưa biết đi về đâu thì việc Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt kêu gọi giáo dân tập trung cầu nguyện, đòi nhà nước “trả lại đất” Tòa Khâm sứ của Vatican, đã một lần nữa gợi lại vết thương đau của dân tộc và Phật giáo, bởi tại mảnh đất này (bao gồm cả nhà thờ Lớn) từng hiện diện ngôi chùa Báo Thiên, mà giếng đá cổ là chứng nhân cuối cùng của một âm mưu chiếm phá. Lịch sử dân tộc cho thấy, mất di sản văn hóa chính là hệ quả của việc mất chủ quyền dân tộc. Nên cái gì là di sản văn hóa của dân tộc cái ấy phải được Nhà nước bảo vệ vì Nhà nước là của dân.

Chùa Báo Thiên bị chiếm phá để xây nhà thờ Lớn và Tòa Khâm sứ (Hà Nội). Chùa Linh Hựu bị phá để sau đó trên miếng đất ấy mọc lên nhà thờ Tây Linh (Huế). Nhà thờ La Vang (Quảng Trị) được xây dựng trên nền chùa Lá Vàng. Nhà thờ Mằng Lăng (Phú Yên) vốn là nền đất của chùa Hội Tôn... Và rất nhiều ngôi chùa khác trên phạm vị cả nước bị Chính quyền thực dân và giáo sĩ chiếm phá. Đó là những sự thật lịch sử không thể chối cãi mà phần nào qua bài nói chuyện của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chúng ta hiểu được. Đó cũng không phải là “phép lạ” mà là chủ trương triệt hạ chùa chiền để xây nhà thờ trong chính sách nô dịch, thống trị, đồng hóa văn hóa của một số giáo sĩ, tín đồ Công giáo có thế lực tại Việt Nam thời Pháp thuộc.

Di sản văn hóa là bằng chứng độc đáo, nhiều khi quyết định quan trọng tới những nhận định của khoa học lịch sử. Di sản văn hóa luôn xác thực, gắn liền với sự vận động của lịch sử, tư tưởng, tôn giáo, văn hóa nghệ thuật… trong một dân tộc. Bỏ qua những lý do nằm ngoài con người, bất kể chủ trương tàn phá nào đều là những hành vi cực đoan không thể chấp nhận được. Bởi di sản văn hóa không chỉ mang những ý nghĩa, giá trị phổ biến trong nếp sống, nếp nghĩ, lối ứng xử, truyền thống tâm linh tiêu biểu đại diện cho nền văn hóa mà còn là biểu tượng của chủ quyền dân tộc.

Vậy chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm gì qua những vụ tàn phá di sản văn hóa đó?

Trong sự liên hệ nhạy cảm và cần thiết từ chiếc giếng đá cổ chùa Báo Thiên với vụ việc cầu nguyện “đòi trả lại đất” của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt dưới danh xưng “công lý và hòa bình” (trên một mảnh đất do cưỡng chiếm một ngôi chùa, mà cái “sở hữu” có được lại do Chính quyền thực dân bảo hộ cấp) gần đây, buộc chúng ta không thể không nghĩ đến một dấu hiệu không bình thường muốn lật lại một trang lịch sử đầy đen tối của thời ngoại thuộc, mà rất có thể đằng sau còn là những tham vọng chính trị đầy thách thức. Tuy nhiên, trên một mảnh đất có liên quan trực tiếp đến những di sản Phật giáo bị tàn phá, người Phật tử không xem đó là việc tranh chấp của một miếng đất thuần túy, hay can dự tùy tiện vào công việc của người khác, mà họ muốn kêu gọi một lương tâm văn hóa hiện tại, một bài học ứng xử cần thiết, mà ở đó một di sản thiêng liêng của dân tộc đang còn trơ vơ trước lương tâm và lòng trắc ẩn của con người.

Lý giải tại sao người Phật tử chỉ lên tiếng trước vụ “Tòa Khâm sứ” mà không hề đề cập đến những vụ cầu nguyện đòi đất “liên hoàn” khác của người Công giáo tại Việt Nam. Vì họ hiểu, không thể có một thứ “sở hữu chủ” hay “công lý” nào có thể được “hợp thức hóa” qua hành vi cưỡng chiếm. Lương tâm con người không cho phép huống gì là lương tâm tôn giáo. Điều đó khiến mọi người phải đặt câu hỏi: Di sản văn hóa của dân tộc đã có lúc trải qua những “đại nạn” mà những tổn thương, những gì còn sót lại, tại sao vẫn chưa thể đánh động lương tâm con người? Trong tương lai, những di sản văn hóa có tiếp tục bị ứng xử một cách ngược đãi như vậy không?
Những giới hạn của lịch sử, của nhận thức, của ứng xử văn hóa đã làm cho nhiều di sản văn hóa của dân tộc bị mất dấu. Nhưng trong tâm thức người Phật tử, trong những trang lịch sử còn thấm đầy đau thương, người Phật tử không bao giờ quên những di sản văn hóa, bởi chính di sản văn hóa đó đã chỉ ra những nét đa dạng văn hóa trong tinh thần, tình cảm của cộng đồng mà mỗi cá nhân đang trực tiếp hay gián tiếp kế thừa.

Sự kiện di sản bị mất dấu là một bài học lịch sử, đặt ra một câu hỏi lớn trong ý thức di sản: Di sản văn hóa của chúng ta có bị tàn phá bởi xung đột, thù hận và các nguyên nhân khác không? Câu hỏi đó sẽ trả lời cho chúng ta những bài học ứng xử cần thiết trong bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản. Chính vì thế, sự thay đổi triều đại, thể chế trong lịch sử có thể diễn ra liên tục, nhưng di sản vẫn không những không hề bị triệt phá mà còn được bảo tồn, phục dựng, tu bổ, phong sắc. Như vậy, câu hỏi trên, còn đặt ra một vấn đề quan trọng khác trong nhận thức để chúng ta có thể qua đó hiểu được thế nào là một “di sản sạch”. “Di sản sạch” là di sản không do thủ tiêu, triệt phá, chiếm dụng mà có. “Di sản sạch” là di sản được tiếp nối một cách hòa bình và ổn định theo dòng chảy thời gian.

Ở Tây Âu, một số nước coi di sản là phương tiện hỗ trợ trí nhớ tổng hợp và là công cụ để giúp con người hiểu biết cội nguồn lịch sử. Từ những di sản tại các vùng nông thôn hay thành thị, các nước Tây Âu có thể phát hiện ra hay phát hiện tiếp những nguồn gốc và sự tương đồng về hành vi cũng như cách sinh hoạt, mối quan hệ giữa con người và thế giới tự nhiên. Bảo tồn di sản cho các thế hệ mai sau không chỉ có ý nghĩa với giới khảo cổ và khoa học mà còn là chức năng về kinh tế, xã hội. do vậy xã hội hiện đại luôn coi di sản như là một nhân tố để phát triển. Những quyết định về bảo tồn, sử dụng và tái sử dụng di sản là một phần cốt lõi trong các chính sách liên kết xã hội, môi trường, văn hóa, giáo dục và lập kế hoạch phát triển một đất nước.

Hai pho tượng Phật lớn bị phá hủy hoàn toàn ở Afganistan đang được UNESCO đưa ra các phương án bảo tồn và có thể phục dựng trong một tương lai gần. Trận hỏa hoạn mới đây tại Hàn Quốc đã nuốt chửng cổng thành Namdaemun bằng gỗ được xây dựng từ năm 1395, một di tích được xem là tài sản quốc gia hàng đầu. Thủ tướng Hàn Quốc tuyên bố sẽ cố gắng hết sức để khôi phục cổng thành, bởi di sản văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc, niềm tự hào dân tộc, cơ sở để sáng tạo những giá trị mới và giao lưu văn hóa. Di sản văn hóa rõ ràng không phải là cái mất rồi - thì - cho - mất luôn.

Đất nước chúng ta là đất nước liên tục phải đối mặt với những cuộc xâm lăng, nên mọi tri thức lịch sử của chúng ta đều nghiêng một cách mãnh liệt về phía đó. Những gia tài văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc đã đi qua và chứng kiến biết bao những thăng trầm của chiến tranh tàn phá, nhưng nó vẫn âm thầm bền bỉ vượt qua những thách thức khắc nghiệt của thời gian và những dòng chảy đầy trống chếnh của sử luận.

Chúng ta đã sống một cách tương quan với nhau trên mảnh đất này. Ở đó, những giá trị sống thiêng liêng tốt đẹp mà con người chúng ta đã tạo ra bằng phong tục, nếp sống, lối ứng xử, không có một chi tiết nhỏ nào mà không chỉ ra rằng đó chính là văn hóa. Chúng ta có thể đứng trước bàn thờ gia tiên tổ với một cái bát nhang và vài cây hương là chúng ta có thể tiếp xúc được với cả một cội nguồn văn hóa. Và cái không gian bé nhỏ thiêng liêng ấy không cho phép bất cứ hành vi ngỗ ngược nào được diễn ra. Chốn chùa chiền được các triều đại nối đời tôn nghiêm càng như vậy.

Nhiều những di sản chùa chiền, miếu mạo nói chung của chúng ta bị mất đi do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan của lịch sử. Nhưng lịch sử không phải là “sự đã rồi”, nên qua đó chúng ta còn nhận thức được cả một hệ thống ý thức chiếm phá chùa chiền của những tham vọng quyền hành hỗn độn, không ngoại trừ những âm mưu thống trị và đồng hóa gây nên. Mọi di sản đều là máu thịt của dân tộc Việt Nam, là cháu con chúng ta không cho phép bất cứ ai xâm phạm, tước đoạt dù nó được núp dưới bất cứ danh nghĩa, hình thức gì.

Nhìn cách thế giới ứng xử và chăm chút với từng mảnh vỡ của di sản, rồi nhìn lại chiếc giếng đá cổ có tuổi đời hàng ngàn năm của dân tộc mà không khỏi ngậm ngùi. Và không có gì đau xót hơn khi một ngôi quốc tự, được mệnh danh là “An Nam tứ khí” nay chỉ còn trong tâm thức, bởi những tham vọng quyền năng một thời của con người, và hiện nay tham vọng ấy gần như vẫn chưa hề có dấu hiệu trở thành quá khứ.

Nhưng với di sản văn hóa dân tộc, tổ tiên ta không phải không có ngụ ý sâu xa khi nói: “Để thì hòn đất mà cất là ông Bụt”. Giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc ta đều gói gọn vào hai hành động “để” và “cất” ấy. “Để” thì có thể vứt lay vứt lắt, nhưng “cất” thì trân trọng, nâng niu. Hy vọng, đối với di sản văn hóa của dân tộc, mỗi người đều có thể thực hiện hành vi “cất” của mình, dù điều đó đôi lúc chỉ lóe lên trong lương tâm và lòng trắc ẩn!

Nguyễn Ngọc Quý