Thứ Tư, 11 tháng 6, 2008

VATICAN THÚC ĐẨY NGOẠI GIAO HAY ĐI ĐÒI ĐẤT “TÒA KHÂM”?


Trong khi cả nước đang xoay sở với tình hình lạm phát thì BBC luôn cho đăng tải những bài viết kiểu “tung hỏa mù” bằng cách dịch những bài viết hay trích những lời phát biểu của mấy ông chuyên gia kinh tế này nọ nước ngoài thiếu thông tin, bình luận một cách sai lệch về tình hình lạm phát tại Việt Nam làm cho hệ thống tin đồn ảo gia tăng, gây hoang mang trong xã hội. Thậm chí còn đưa ra dự báo “bất ổn” rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có thể sẽ bị lật đổ… Song song cạnh đó là những “tin đồn thất thiệt” về tình hình tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam. Cụ thể BBC vẫn còn “cay cú” về vụ đòi đất “Tòa Khâm” của ông Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà Nội nên những thông tin chung quanh việc Vatican sang Việt Nam, không lúc nào BBC không thổi lại “ngọn lửa” cầu nguyện Tòa Khâm sứ và luôn sử dụng những từ “đòi” một cách hồ đồ. Điều này càng ngày càng lộ diện một BBC “Vatican” được núp dưới vài mớ thông tin thu thập có vẻ như khách quan, thời sự.

Công giáo Việt Nam - một nghịch lý
Sau vụ cầu nguyện đòi đất “Tòa Khâm sứ”, qua những diễn biến thông tin trên BBC và một số website Công giáo khác, chúng ta thấy Công giáo Việt Nam đang phải đối mặt với một nghịch lý chưa từng thấy giữa một niềm tin “Vatican” (tuyệt đối) và lợi ích của dân tộc Việt Nam. Nếu không giải quyết được nghịch lý này thì cho dù thời đại có thay đổi như thế nào thì Công giáo Việt Nam vẫn không thể cải thiện hình ảnh của mình trong lòng dân tộc.

Công giáo Việt Nam vì chưa tìm được sự điều chỉnh tốt nhất trong nghịch lý này nên vẫn chưa thế “chính danh”, tức rơi vào tình trạng “nửa nạc nửa mỡ”, không biết nên gọi là Công giáo dân tộc hay Công giáo “Vatican”? Khi không thể “chính danh” được thì đừng nói đến sự phát triển hay cố tình ra vẻ với người khác về một cái gọi là hệ thống “tổ chức chặt chẽ”. Có cái hệ thống tổ chức nào chặt chẽ bằng cái hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương của Công giáo thời Ngô Đình Diệm, nhưng nó đã bị chính nghĩa dân tộc “bỏ rơi”, chỉ vì nó là một “hệ thống chặt chẽ” luôn quay lưng lại với lợi ích chung của dân tộc.

Chứng minh sự đóng góp của mình cho dân tộc bằng cách “lúc ẩn lúc hiện”, “lúc chìm lúc nổi” chống lại lợi ích dân tộc thì sự chứng mình ấy càng phản cảm và vô nghĩa. Công giáo Việt Nam chỉ có thể chính danh đàng hoàng ngồi trên mảnh đất của Việt Nam khi biết gắn lợi ích của mình với lợi ích của dân tộc Việt Nam chứ không phải “quỳ gối xưng tụng”, “có hiếu” với một quốc gia khác nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Điều này không cần dẫn chứng đâu xa, chỉ cần nhìn cách nói xấu, mạ lỵ hàng lãnh đạo Việt Nam và nhìn cách họ đón tiếp một ông thứ trưởng “quèn quèn” của Vatican sang Việt Nam (“người thay Đức Thánh cha đến thăm đàn con”) là thấy rõ ngay vấn đề.
Hứa hẹn “thiên đường” nào đã khiến Công giáo Việt Nam qụy lụy một Vatican mà uy tín vốn đã giảm rất nhiều trong con mắt cộng đồng quốc tế sau lời xưng 7 núi tội với thế giới của cố Giáo hoàng John Paul II, đặc biệt sau khi Giáo hoàng này tự thú “Thiên đường không phải là một nơi trừu tượng mà cũng chẳng phải là một nơi cụ thể ở trên các tầng mây” và “Hỏa ngục không phải là sự trừng phạt áp đặt từ bên ngoài bởi Thượng đế, mà là trạng thái hậu quả của những thái độ và hành động mà con người đã làm trong đời này”?

Thực chất Vatican đang cố cựa mình trong một xu thế không thể cưỡng lại được của sự bất tín ngay trên cái nôi mà mình sinh sống. Và họ đang ngắm vào châu Á, cụ thể là Việt Nam, một nước có số giáo dân đứng thứ nhì châu Á (6 triệu tín đồ). Tuy nhiên, đây vẫn là một con số rất nhỏ chứng tỏ thất bại của Vtiacan trong việc mở rộng nước Chúa ở châu Á trong nhiều năm nay. Bên cạnh đó, sự thất bại của Vatican trong việc chi phối Giáo hội Trung Quốc đã khiến con số tín đồ trên mảnh đất hơn 1,3 tỷ dân này trở nên vô cùng ít ỏi.

Như vậy, nhà nước Việt Nam khi còn chưa vận động được lòng trung thành với tổ quốc, với dân tộc của người Công giáo Việt Nam thì việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao để đổi lấy một vài cái lợi kinh tế (hay cái lợi gì đó) trước mắt chỉ có thể được coi là việc “cõng rắn về cắn gà nhà”, “mang dây để tự trói mình”. Hình ảnh ông Ngô Quang Kiệt “đòi đất” một cách phi lý cho Vatican gần đây càng chứng tỏ điều đó. Bất ổn này sẽ tăng hơn nữa nếu Vatican hiện diện tại Việt Nam, và bởi thói lật lọng truyền thống rất khó sửa của Công giáo.

Cả Vatican và Mỹ đều đang giảm uy tín một cách trầm trọng trên trường quốc tế, nhưng không hiểu sao, hình ảnh Vatican vẫn như một cái “bánh vẽ” lung linh trong con mắt giáo dân Việt Nam?

Vatican đang “hợp lý” một hình ảnh thống nhất
Phân tích những bài báo gần đây trên BBC qua vụ Tòa Khâm sứ và qua vụ phái đoàn Vatican sang thăm Việt Nam, chúng ta thấy Vatican đang “hợp lý” một hình ảnh thống nhất đó là “đòi đất”. Như vậy, vụ việc cầu nguyện đòi Tòa Khâm của ông Ngô Quang Kiệt đích thực là có chủ ý “thống nhất” rất rõ. Chí ít nó cũng phù hợp với “nguyện vọng” của Vatican trong (bàn tròn, bàn vuông) nghị sự khi phái đoàn Vatican sang Việt Nam. Khi “đòi đất” và “đòi dân tộc” công nhận đóng góp của Công giáo Việt Nam cho đất nước. Hai cách đòi này “tuy hai mà một”, có nghĩa là theo họ, với những đóng góp của tôi cho dân tộc thì việc trả lại vài miếng đất (mà bằng chiếm đoạt, tàn phá, không phải bằng đóng góp) ấy thì có là gì. Còn những thứ tôi tàn phá dân tộc đừng nhắc đến nữa vì nó là "quá khứ".

Ngô Quang Kiệt đòi đất cũng là Vatican đòi đất, Vatican đòi đất thì cũng là Ngô Quang Kiệt đòi đất. Cho nên nó mới “ẩn hiện” và “chìm nổi” để đánh lạc hướng dư luận như thế. Cái mở miệng “đòi” của họ thật “đồng thanh tương ứng”. Nếu nó không “tương ứng” thì ngay sau bức thư của Quốc vụ khanh Vatican, vấn đề đòi đất “Tòa khâm” không nên được nhắc tới nữa. Vì Vatican có đủ điều kiện để nắm rõ pháp luật Việt Nam và có đủ hồ sơ để biết Tòa khâm sứ và nhà thờ Lớn, Hà Nội có phải là chùa Báo Thiên nổi tiếng kinh thành đã bị cướp hay không? Và Vatican cũng hiểu rõ Việt Nam chưa từng quan hệ ngoại giao với Vatican nên cái gọi là “Khâm sứ” ấy nên chuyển sang Mỹ mà nói chuyện, bởi nó chẳng có ý nghĩa gì với nhà nước Việt Nam cả, nếu không muốn nói rằng nó chỉ gợi lại những vết ô nhục trong lịch sử mà Vatican đã từng gây ra cho dân tộc Việt Nam mà thôi.

Còn nhớ khi vụ “cầu nguyện” Tòa khâm xảy ra, nhiều người Công giáo cố bênh vực việc ông Ngô Quang Kiệt là đòi đất cho tài sản Giáo hội chứ không phải cho Vatican, nhưng việc Vatican sang Việt Nam để thúc đẩy bình thường hóa lại “bị” cái chủ đề đòi đất chi phối. Như vậy Vatican lấy cái quyền gì mà đòi đất của dân tộc Việt Nam, do chính tổ tiên người Việt Nam đổ xương máu, nước mắt khai khẩn, giữ gìn mà có. Còn Công giáo Việt Nam đòi đất gì khi chính đất ấy là đất họ đi cướp phá những di sản văn hóa dân tộc mà có. Nhẽ ra, anh phải sang thăm Việt Nam bằng một thái độ thành khẩn, nhún nhường, thậm chí phải sám hối những tội lỗi mà Vatican đã phạm phải với dân tộc Việt Nam, biết đâu nhà nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ tha thứ cho điều đó. Thư hỏi hành động mà Vatican cử bộ hạ sang để đòi đất không phải của mình có kém hơn hình ảnh Trung Quốc trơ trẽn cướp đất của Việt Nam hay không?

Câu nói vừa trịch thượng vừa giả vờ của Thứ trưởng Ngoại giao Vatican Pietro Parolin: “chuyến đi đến Việt Nam là “khó khăn” nên cần “cương quyết và nhẫn nại””. “Nhẫn nại” có phải giống như kiểu vác kìm búa, xà beng đi cầu nguyện? “Cương quyết” có phải là cố sống cố chết “nhất định đòi đất Tòa Khâm sứ” và những mảnh đất do đi cướp phá mà có không? Đó là cái “kiểu” (lớn lối) đi thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao hay sao? Thật tỉnh táo khi báo chí trong nước lại chẳng thèm để ý đến chuyến đi này của bộ hạ Vatican, trong đó có mấy “đức ông, đức bà” người Việt Nam đi cùng.

Sự xuất hiện và can thiệp của Vatican lần này càng cho thấy sự nghịch lý của Công giáo Việt Nam là không tự làm chủ được mình: Giê -su bảo: “anh em không được làm tôi hai chủ”.

Công giáo - tìm một hướng đi…?
Muốn hóa giải cái nghịch lý trên thì Công giáo Việt Nam phải các định cho mình một cái “chủ” (chỉ một mà thôi), hoặc bám chặt vào Vatican, chống đối Việt Nam tới cùng, không cần phải dài dòng chuyện đòi “dân tộc” phải thưởng công, cũng như mong muốn được đóng góp nhềiu hơn nữa cho dân tộc… Hoặc tách rời một cách độc lập với Vatican, đừng mù quáng để họ thao túng, chọc gậy sâu vào nội bộ Việt Nam, gây bất ổn xã hội và tạo thêm những thù hằn dân tộc mới.

Qua bức thư Matthew Trần, Chủ nhiệm Vietnam Homebound Newsletter Network được trôi nổi trên internet trong thời gian gần đây cho thấy sự thật của một xu hướng chống đối Công giáo Việt Nam (có ý) muốn tách khỏi Vatican.

Bức thư kết tội Hồng y Phạm Minh Mẫn là đã có những lời tuyên bố phạm thượng đối với Vatican như: "Vatican có tội khi áp đặt những gì mình nghĩ là tốt". Và việc Hồng y Phạm Minh Mẫn cầm đầu một phái doàn Giám mục Việt Nam của "Giáo hội Công giáo Thuần Hóa Việt Nam" - qua thăm và toa rập với giáo hội quốc doanh Trung Quốc để thiết lập giáo hội thuần hóa quốc doanh, mặc nhiên tạo ra nhóm "dị giáo" (schism).
Bức thư kết tội, với hai tội kể trên, Hồng y Phạm Minh Mẫn xứng đáng bị “rút phép thông công”. Còn nhớ sau khi vụ cầu nguyện “đòi” đất “Tòa khâm” xảy ra, một số linh mục đã phản ứng với ông Ngô Quang Kiệt trên báo “Công giáo và Dân tộc”, lập tức những linh mục này bị công kích nặng nề. Tất cả chỉ có một “mẫu số”, rằng cái gì không có lợi cho Vatican cái đó bị lên án, còn cái gì bất lợi cho dân tộc, cho sự ổn định xã hội ở Việt Nam cái đó được tôn vinh và che đậy dưới những mỹ từ đủ để làm người ta mất bình tĩnh “công lý và hòa bình”.

Trong bài viết “Vatican có 'sứ vụ khó khăn' ở Việt Nam” trên BBC có đọan: “Một nhiệm vụ chính của chuyến đi là bàn bạc về tình hình nội bộ Giáo hội Công giáo Việt Nam trong một hoàn cảnh chính trị-xã hội mới, đặc biệt là các yêu cầu đòi bất động sản Giáo hội nói vốn là của họ”.
Chúng ta để ý đến hai cụm từ trong chuyến sang thăm Việt Nam ngày 9/6/2008 của bộ hạ Vatican: “Bàn bạc về tình hình nội bộ Giáo hội Công giáo Việt Nam” và “Đòi bất động sản Giáo hội nói vốn là của họ”.

Hai vấn đề này nói ra nghe vừa thừa mà vừa thiếu. Thừa vì những chuyện đó cần gì đến sự can thiệp của Vatican. Thiếu vì nếu không có sự can thiệp của Vatican thì rõ ràng Vatican bị “đá”. Cuối cùng thì chính điều này chỉ càng chứng minh thêm cái “nghịch lý” như đã được phân tích ở trên. Công giáo Việt Nam vẫn chưa tìm được hướng đi cho chính mình.

Vai trò của Phật giáo?
Tại sao chúng ta lại đặt câu hỏi có vẻ như lạc đề này? Vì trong bài “Đường lối của Tòa thánh là đối thoại” có đoạn BBC phỏng vấn Linh mục Bùi Thượng Lưu:
BBC: Có luồng ý kiến cho rằng hiện nay nhà cầm quyền cảm thấy quảng bá cho Phật giáo là một lựa chọn có lợi và an toàn hơn. Cha nghĩ sao?
- Tôi kính trọng những sinh hoạt bên giáo hội bạn. Tôi nghĩ từ trước tới nay, nhà cầm quyền đã cố gắng can thiệp nhiều vào mọi giáo hội. Và họ vẫn còn ảnh hưởng nhiều ở các tôn giáo khác, trong đó có Phật giáo. Họ cố gắng cách này cách khác để bày tỏ cho thế giới biết bộ mặt tự do tôn giáo, nhưng các hậu ý đằng sau, lịch sử sau này rồi sẽ phơi bày.
Mọi chính thể đều phải tôn trọng tự do trong đời sống tâm linh dân tộc. Còn mọi sự can thiệp, lợi dụng tôn giáo, thì chắc chắn tôi và các tổ chức khác lên án điều đó”.

Câu hỏi của BBC trúng vấn đề, nhưng câu trả lời của Linh mục Bùi Thượng Lưu thì rất thiếu kín kẽ, vì câu nói “mọi sự can thiệp, lợi dụng tôn giáo, thì chắc chắn tôi và các tổ chức khác lên án điều đó” phải dành cho Vatican mới đúng. Chẳng lẽ chỉ đến khi Việt Nam trở thành nước Chúa như mong muốn của Vatican từ quá khứ đến hiện tại (đạt được giống như Philippinne) thì mới có “tự do trong đời sống tâm linh dân tộc” hay sao?

Đường lối đối thoại của Vatican là “kiểu” công kích này sao? Lịch sử đang “phơi bày” điều gì thì ai cũng đã rõ. Vatican đã lừa thế giới, đã chống lại sự tiến bộ của khoa học, và Vatican đã buộc phải “phơi bày” 7 núi tội đối với nhân loại. Vậy thì Vatican có đủ tư cách để bàn đến những điều đó không.

Phật giáo Việt Nam không bao giờ xem vụ “Tòa Khâm”, cũng như những di sản Phật giáo bị Công giáo chiếm phá khác là việc tranh chấp miếng đất, mà luôn xem đó là việc mất đi những di sản văn hóa, một hệ quả của việc mất chủ quyền dân tộc. Vì vậy bất cứ thế lực nào muốn lập lại cái hình ảnh “tranh cướp” thời ngoại thuộc đó, Phật giáo sẽ không thể im lặng.

Nói như GS. Cao Huy Thuần trong Đại lễ Vesak 2008 tại Huế: “Đứng trong xã hội dân sự, Phật giáo là hộ pháp của Nhà nước để Nhà nước thực sự xứng đáng là Nhà nước của dân. Trong lịch sử đã thế, ngày nay lại càng phải thế. Một nhà lãnh dạo có tầm cỡ lớn sẽ không nhìn Phật giáo như bất cứ đoàn thể quần chúng nào. Phật giáo không phải là một đoàn thể, lại càng không phải là một phong trào. Phật giáo là hộ pháp của Nhà nước, một Nhà nước hết lòng lo cho dân. Phật giáo làm nhiệm vụ mà Bình Ngô Đại Cáo đặt ngay nơi câu đầu tiên: nhiệm vụ an dân, “việc nhân nghĩa cốt ở an dân”. “Quốc thái dân an” là nhiệm vụ của Phật giáo từ những bước đầu của lịch sử. Hôm nay, chúng ta đi trong ánh nến từ Diệu Đế đến Từ Đàm là để nhắc nhở cho tất cả và cho chính chúng ta nhiệm vụ thiêng liêng đó. Chúng ta là hộ pháp. Chúng ta phải hiểu chúng ta là như thế để đừng làm nhục vai trò đó của tổ tiên”.

Người Phật tử ghi nhớ được điều này trong “Tứ ân Phật giáo”, dù cho lúc này lúc kia, Phật giáo có thăng trầm đi chăng nữa thì cũng không bao giờ là một “nghịch lý”, không bao giờ quay lưng lại với lợi ích của dân tộc. Và tương ứng với nhân quả đó, Phật giáo luôn giữ được niềm tin yêu trong trái tim dân tộc.

Thường Trung

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2008

TÂM LÝ “LẠM PHÁT”


“Lạm phát” là hai từ được nhiều người nhắc đến nhất trong những ngày tháng qua. Và tùy theo nhận thức mà từ “lạm phát” được hiểu một cách khác nhau. Nhìn chung, người ta hiểu lạm phát là sự tác động “tiêu cực” đến đời sống xã hội. Đa số người dân không quan tâm lắm đến những chỉ số % (lên xuống) của lạm phát, của tăng trưởng GDP mà các chuyên gia kinh tế phân tích.

Người dân chỉ thấy khi mình đi chợ, giá cả tăng từng ngày (tăng gấp đôi, tăng chóng mặt) là mường tượng ra hai chữ “lạm phát” đang ở mức độ nào. Chính vì vậy, “lạm phát” hầu như được “gói” vào trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm thiết yếu hàng ngày, và điều họ quan tâm là làm sao để có thể ổn định giá cả theo đúng mức sống và thu nhập của mình.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên UB Kinh tế Quốc hội nói: "Lạm phát trong tháng 5 tăng lên quá cao do có hai yếu tố. Một yếu tố phía bên ngoài là do giá dầu tiếp tục lên, còn một yếu tố trong nước nữa là yếu tố tâm lý”. Nếu đúng như phân tích của ông Nguyễn Đức Kiên thì giá dầu lên là một trong những yếu tố khách quan trên thị trường thế giới và nó tác động không chỉ riêng với Việt Nam. Điều còn lại là yếu tố tâm lý. Đây có thể được xem là yếu tố quan trọng làm cho tình trạng “lạm phát” tại Việt Nam gia tăng. Ông Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng: “Chỉ số lạm phát cao hay thấp không thành vấn đề. Vấn đề là người dân bị ảnh hưởng như thế nào trước nền lạm phát ấy. Không nên căn ke quá về con số”.
Nếu lạm phát là một nguyên nhân do yếu tố “tâm lý” (chủ quan) thì chúng ta có thể phân tích dưới hai khía cạnh: tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội, bởi hai loại hình tâm lý này tương quan chặt chẽ với nhau.
Những người trực tiếp đi chợ, thấy giá cả tăng cao, cùng với một đồng tiền khi trước mua được gấp đôi nay chỉ còn một nửa. Tiếng than của từng cá nhân tăng lên, mặc dù chưa biết nguyên nhân vì sao mà nó tăng, chỉ nghe người bán nói về giá “mua vào” đã như vậy thì giá “bán ra” không thể thấp hơn. Như một hiệu ứng xã hội, đi đâu người ta cũng nghe nói đến từ “đắt” (mắc), khó mua… Và tâm lý chung ấy lại tác động ngược lại với tâm lý cá nhân làm cho hiệu ứng thông tin lan nhanh trong xã hội. Nghiễm nhiên “sự tăng giá” được hợp lý hóa đến mức mọi người đều (ngậm đắng) chấp nhận trả tiền, trong khi giá trị thực của mặt hàng đó không đến mức như vậy.
Như một phản ứng dây chuyền, tất cả các mặt hàng đều tăng giá dù rằng tác động của giá cả thế giới mới chỉ quẩn quanh trong một vài lĩnh vực giá cả: giá vàng, giá dầu, giá gạo. Tuy nhiên, đối với giá gạo, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới, nhà nước có thể bình ổn được giá cả mà không chịu chi phối nhiều bởi tác động bên ngoài. Có thể nói, tâm lý “sợ thiệt” cho lĩnh vực này của nền kinh tế đã khiến cho người ta tính đến việc “bù đắp” bằng việc để cho lĩnh vực khác tăng cho đúng với giá thị trường thế giới nói chung. Cụ thể là lo sẽ giảm chỉ tiêu tăng trưởng, cho nên Chính phủ để những mặt hàng cần phải tăng giá (đúng với giá biến động trên thị trường), tức là nó tăng đến đâu, chúng ta phải để cho người dân chấp nhận đến đấy như giá điện, giá dầu... Nhưng khi hiệu ứng tâm lý “lạm phát” vốn xuất phát từ việc tăng giá đã lan rộng và có ảnh hưởng tiệu cực thì bất cứ động thái “tăng giá” nào để bù đắp hiện nay đều rất có thể sẽ gây ra tác dụng ngược, vô hình gây thiệt chung đến lĩnh vực khác của nền kinh tế. Bởi trong tâm lý lạm phát, người dân chỉ mong chờ có 2 điều: không tăng giá và ổn định giá cả.
Việc để một số mặt hàng tăng giá, đúng về mặt quy luật kinh tế song không thực sự hợp lý với tâm lý lạm phát. Tăng giá xăng dầu, giá điện, giá ô tô, giá vật liệu xây dựng hay các mặt hàng thiết yếu… khác không phải vấn đề “gay cấn” lắm đối với người giàu, người có thu nhập cao. Nhưng điều đáng bàn, giá các mặt hàng đó tăng lại chính là cái cớ để nhà sản xuất cho rằng chi phí đầu vào tăng nên đầu ra của sản phẩm cũng tăng. Chẳng hạn, khi người nông dân đi mua phân bón, phân bón tăng cao, người nông dân được trả lời rằng vì chi phí cho giá điện, giá dầu tăng nên phân bón cũng tăng. Người nông dân mua phân bón với giá cao, tất nhiên sản phẩm nông nghiệp bán ra cũng phải tăng. Nhưng sản phẩm nông nghiệp thực chất có tăng ở trong tay người nông dân hay chỉ tăng ở những doanh nghiệp (môi giới) buôn bán nông sản, bởi chính họ thường hay sử dụng phương thức ép giá nông sản đối với người nông dân, nhưng bán ra thị trường thì giá lại rất cao. Người nông dân chỉ còn biết “lấy công làm lãi”, còn doanh nghiệp thì vin vào đủ “mọi cớ” để tăng giá nhằm thu nhiều lợi. Người nông dân thì được lợi rất ít từ công sức của mình, người tiêu dùng thì phải mua với giá cao (cắt cổ). Nhà doanh nghiệp thì luôn than thở giá dầu, giá điện, giá nguyên liệu tăng, còn nó tăng ở mức nào, lợi nhuận ở mức nào thì khó ai biết được. Đó là chưa kể sự “than thở” của doanh nghiệp lại “hợp lý hóa” sự tăng giá, buộc người tiêu dùng phải chấp nhận vì nhu cầu.
Một sự tương quan giữa tất cả các lĩnh vực ngành nghề kinh tế là rất rõ trong tác động của chính sách giá cả, song hưởng lợi ở mức nào thì không phải lúc nào cũng giống nhau. Dĩ nhiên, đối với nhà sản xuất, dù hoàn cảnh kinh tế có như thế nào chăng nữa thì sản xuất vẫn phải có lợi nhuận, vấn đề chỉ là ở mức độ nào, nhiều hay ít.
Có thể nói trước vấn đề này, báo chí đã không làm tốt việc hướng dẫn dư luận xã hội hay nói cách khác chính báo chí nhiều khi cũng không dự đoán được mức độ của lạm phát và hiểu đúng về lạm phát. Không được tư vấn về lạm phát, không theo kịp diễn biến của dư luận, cũng như sự hiểu biết và phân tích về tình hình giá cả nói chung, nên báo chí thường ở trong tình trạng bị động, “chữa lửa” thông tin. Việc giá gạo tăng đột biến vừa qua do đầu cơ và tin đồn thất thiệt là một ví dụ.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên cố vấn ban nghiên cứu của Thủ Tướng từ năm 2003 đến năm 2007 phải nói: “Phương tiện thông tin đại chúng đăng các nhận định và giải pháp đối phó với lạm phát đang tăng lên mạnh ở Việt Nam, ta có thể nhận thấy, dường như vấn đề lạm phát vẫn chưa được hiểu đúng ở Việt Nam, cho dù bản chất của vấn đề không có gì mới và quá khó hiểu”.
Mặt khác, tình trạng lạm phát đã xuất hiện khá lâu, nhưng gần như không có một “chiến lược” nào về mặt thông tin, nên thông tin không đồng bộ, không “đánh trúng” vấn đề lạm phát mà bị chi phối bởi những vấn đề “tiêu cực” khác, khiến cho kênh thông tin bị nhiễu, từ đó kéo theo những tin đồn bất ổn về tất cả các mặt an sinh xã hội.
Thiết nghĩ, ngoài những mặt hàng liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội mà Chính phủ quan tâm bình ổn giá cả, Chính phủ cũng nên quan tâm nhiều hơn đến điều chỉnh tâm lý “lạm phát” trong xã hội, bằng cách đẩy mạnh những thông tin chính xác, minh bạch, kêu gọi đạo đức của người kinh doanh. Bởi giới kinh doanh có thể nhất thời “té nước theo mưa” trước cơn bão giá cả, tung tin đồn thất thiệt nhằm đẩy các mặt hàng lên cao. Nhưng cũng chính lúc đầu cơ, thu lợi nhất thời như vậy, sự khủng hoảng của kinh tế sẽ khiến cho mức “cung-cầu” diễn ra bất ổn, đảo ngược thất thường trên diện rộng và lâu dài, và chính điều này lại là nguyên nhân tác động tiêu cực ngược trở lại, làm cho các doanh nghiệp phải chịu tổn hại. Một cái nhìn tự lợi trước mắt, bỏ qua những liên đới nhân quả trong xã hội không chỉ làm cho nhận thức làm giàu trong xã hội bị chệch hướng mà còn kéo theo cả một nền kinh tế xã hội trì trệ, uể oải, không đủ sức gồng gánh chính mình.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã nói rất chí lý rằng “Ở Mỹ, nói huyền thoại “Giấc mơ Mỹ” thì tất cả tỉ phú kết thúc đều trả lại xã hội cái xã hội đã cho. Không ai ôm của cải giàu có để chết. Xã hội, nền kinh tế, cá nhân phải làm giàu nhưng không là lẽ sống. Yêu cầu và lẽ sống khác nhau. Lẽ sống phải cao hơn, rộng hơn, sâu hơn. Như thế nào? Mỗi người tự trả lời”.
Với tình trạng lạm phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội nói chung, không ai buộc những doanh nghiệp, những người giàu phải không ích kỷ, đừng co cụm, giảm đầu tư, giảm mở rộng sản xuất trực tiếp… mà chỉ xin họ, bằng lương tâm và trách nhiệm đừng vì cái lợi nhất thời mà đánh mất cái thiện vì chính cái thiện ấy là căn bản để đưa cái lợi vào đúng giá trị nhân bản của nó.

Theo kinh tế học, lạm phát là sự tăng lên theo thời gian của mức giá chung của nền kinh tế. Trong một nền kinh tế, lạm phát là sự mất giá trị thị trường hay giảm sức mua của đồng tiền. Khi so sánh với các nền kinh tế khác thì lạm phát là sự phá giá tiền tệ của một loại tiền tệ so với các loại tiền tệ khác. Thông thường theo nghĩa đầu tiên thì người ta hiểu là lạm phát của đơn vị tiền tệ trong phạm vi nền kinh tế của một quốc gia, còn theo nghĩa thứ hai thì người ta hiểu là lạm phát của một loại tiền tệ trong phạm vi thị trường toàn cầu. Phạm vi ảnh hưởng của hai thành phần này vẫn là một chủ đề gây tranh cãi giữa các nhà kinh tế học vĩ mô.
Nguyễn Mai Sơn