Thứ Ba, 28 tháng 10, 2008

MẪU HÌNH NHÂN CÁCH HOÀNG ĐẾ PHẬT TỬ VIỆT NAM


Nếu như phẩm tính Nho gia đều được đúc khuôn bởi những quy chuẩn giáo điều và bị chi phối bởi hai yếu tố chính “thiên ý” và “nhân luân” thì ở Thiền gia mọi sự “bắt chước” đều làm thiếu sinh khí và sức sống. Những công cụ của thiền trở nên hữu hiệu trong việc giải phóng tri thức và đạo đức, xây dựng một nhân cách tự chủ mãnh liệt, tiến tới phá bỏ dần sự giáo điều, cũng như tránh cho đường lối cai trị của họ không rơi vào tình trạng “dân chủ hình thức” cũng như “dân chủ thần bí”, để có thể “dụng Nho, triển Thích” một cách tích cực...


Những nền văn hóa, văn minh từng để lại dấu son trong lịch sử đều gắn liền với mẫu hình của một nhân cách mà phẩm chất Tài-Đức của họ có ảnh hưởng vô cùng rộng lớn đến quần chúng. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực tự thân, mỗi bậc quân vương phải chịu sự đào tạo khá bài bản, chính quy từ những mẫu thức nhân cách gần như bắt buộc, mặc dù sức chi phối của họ vào cộng động có thể đến mức tuyệt đối.

Khi tìm hiểu về vai trò và tầm quan trọng của cá nhân trong lịch sử, bên cạnh những ảnh hưởng từ: văn hóa, chính trị, nghệ thuật…, chúng ta cần chú ý đến những nét đặc thù khác trong tư tưởng đã hình thành nên nhân cách riêng của họ. Tuy hiện nay đã có một số nghiên cứu về loại hình nhân cách nhà Nho nhưng vẫn chưa có khảo cứu nào về mẫu hình hoàng đế Phật tử - một mẫu hình nhân cách từng có vai trò ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ ở Việt Nam. Vì thế, tìm hiểu nhân cách hoàng đế Phật tử cũng chính là tìm hiểu những nét đồng dị của mẫu hình này trong sự dung thông của các tư tưởng đương thời.

Cũng như các mẫu hình nhân cách khác, mẫu hình hoàng đế Phật tử Việt Nam đều cơ bản nằm trong ảnh hưởng của mẫu hình hoàng đế Trung Hoa, cụ thể trong quỹ đạo: quân - thần, phụ - tử và các mối quan hệ thân tộc, huyết tộc khác. Với ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, đặc biệt là quá trình hiện thực hóa bản ngã và thăng tiến tâm linh một cách cao độ, các hoàng đế Phật tử đã ý thức bước dần ra khỏi mẫu hình hoàng đế Trung Hoa và lối giáo dục “hiếu cổ”, “thuật nhi bất tác”,… để tạo nên một dấu ấn nhân cách riêng trong lịch sử.

Nói cụ thể rằng, họ là những người tạo ra phẩm chất chứ không hoàn toàn do phẩm chất tạo ra. Vì vậy họ đã phần nào dung hòa được yếu tố danh vị (hoàng đế) và quyền hành (thay trời hành hóa), để từ đó đánh mờ bản ngã “thay trời” bằng những nỗ lực tự thân, khẳng định giá trị “nhân vi tối thắng”; vượt qua những giới hạn nhận thức để khám phá chiều sâu thực tại trong bản chất vô thường, khổ, không và vô ngã. Đây chính là khác biệt cơ bản với hình mẫu hoàng đế Nho gia và yếu tố “thiên mệnh”. Thực chất, ở nhà Nho, nói là “thiên mệnh” nhưng hầu như những “luật trời” ấy đều do con người nghĩ ra, dùng nó làm công cụ để thúc ước và chi phối quyền lực cao nhất của hoàng đế, để “con trời” không được mặc sức tự tung tự tác…

Nhận thức được sự hữu hạn, vô thường của thế giới sắc tướng, các vị vua Phật tử đã giải phóng phần lớn những dục vọng cá nhân như tham quyền cố vị, ham hưởng thụ, sợ chết, tìm thuốc trường sinh…; và chính họ là những người đầu tiên trong lịch sử có thể quẳng ngai vàng như quẳng đôi giầy rách. Với nhân sinh quan, thế giới quan Phật giáo, vua Trần Thái Tông phát biểu: “Sự nghiệp các đế vương thuở trước thay đổi bất thường… việc sống chết rơi vào hữu hạn…”; vua Trần Minh Tông nói: “ngoài trời còn có trời”…

Hiểu được ngôi vị vương chủ là hệ quả của tiến trình nhân quả, không phải là “ý trời”, các vị vua Phật tử đã gần như vượt khỏi thói thường của việc đời còn-mất, thịnh-suy, trường-đoản, thọ-yểu…; và họ cũng hiểu việc “Trời nổi can qua” cũng chỉ là đem con người hy sinh cho quyền lực: “Giãi thây trăm họ làm công một người” (Văn Chiêu hồn). Nhận thức ấy giúp các nhà lãnh đạo Phật tử có tầm nhìn xa rộng, đoàn kết và vực dậy các nền học thuật tư tưởng khác để cùng góp sức xây dựng đất nước. Họ đã đánh tan sự xâm lăng của những đế quốc lớn như Tống, Nguyên-Mông, nhưng họ không kỷ công của mình bằng chiến thắng mà bằng một nền văn hóa, nghệ thuật cao, trong đó những thái độ ứng xử bằng nhân quả, nghiệp báo và năm giới, mười lành luôn được khuyến khích.

Đó cũng chính là những bài học căn bản nhất hình thành nhân cách của một con người, tiến tới phổ cập một nền “quốc đức” không chỉ có ảnh hưởng mạnh mẽ trong dân chúng mà rộng khắp trong triều đình. Nho thần Lê Quát từng thốt lên rằng: “Thuyết họa phúc của nhà Phật tác động tới con người, sao mà được người ta tin theo sâu sắc và bền vững như thế. Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật thì dẫu đến hết tiền cũng không sẻn tiếc. Nếu ngày nay gửi gắm tháp chùa thì mừng rỡ như nắm khoán ước để lấy quả báo ngày sau. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tới thôn cùng ngõ hẻm, không mệnh lệnh mà người ta vẫn theo, không thề thốt mà người ta vẫn tin. Chỗ nào có người ở tất có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chuông trống lâu đài chiếm đến nửa phần so với dân cư, đạo Phật hưng thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng… Ta thường dạo xem sông núi, vết chân trên khắp nửa thiên hạ, đi tìm những “Học cung”, “Văn miếu” mà chưa hề thấy một ngôi nào. Đó là điều khiến ta vô cùng hổ thẹn với bọn tín đồ nhà Phật”.

Nếu như khuôn thước nhân cách của các vị vua nói chung là hình mẫu Nghiêu - Thuấn, Thang - Vũ… thì “Thái tổ” (người mở triều) là hình mẫu của các vị vua trong một triều đại. Như một “quy luật”, triều đại nào cũng tìm cách xây dựng cho mình một mẫu hình nhân cách, thậm chí “thánh hóa” nhân cách đó nhằm tạo thế đứng vững chắc cho quyền lực và “vỗ về” niềm tin của dân chúng. Dù cho thế hệ tiếp nối vẫn có những phẩm chất ưu việt của mình (hay từ trong bản chất họ đã có nhiều sự vận động để phản kháng ngầm một cách có hệ thống những tư tưởng đi trước của “tiên tổ”) nhưng trên thực tế họ không muốn tỏ rõ sự “ưu việt” của mình, bởi khi lợi ích chưa bị xâm phạm thì lịch sử của một triều đại không thể cho phép có hai điểm tựa.

Đối với Nho gia, quyền lực tối cao được sản sinh ra bởi “mệnh trời” nhưng họ vẫn phải sử dụng đến chữ “trung” như một hạn cuộc khác để đối phó với những bất ổn do các hành vi “lệch chuẩn” gây ra. Song song với nó là khái niệm “bình” và “trị”, khái niệm này ban đầu được những cái “đầu nóng” đẩy lên thành một “lý tưởng” lớn lao nhằm trấn áp nội loạn và thu phục, thống nhất “thiên hạ” về một mối, để xưng quyền thống trị, trong khi thái độ “thần thuộc giả vờ” và tình trạng cát cứ vẫn ngấm ngầm hay công khai diễn ra ở tất cả các nước bị coi là “nhỏ”.

Các khái niệm này không phải không có ảnh hưởng đối với các vị vua Phật tử, tuy nhiên, như chúng ta đã phân tích, vì nhận ra tính chất hữu hạn và vô thường của thế giới sắc tướng, họ đã sáng suốt hướng tư tưởng của nhân dân vào các mục đích nhân sinh khác nhằm mang lại sự ổn định cần thiết cho xã hội. Chữ “trung” là bài học cay đắng mà chỉ những người trải qua cảnh cùng thông, đắc thất mới thấy hết bản chất “phản động” của nó: “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Nguyễn Trãi đã từng có lúc thốt lên: “Bấy lâu ta đã bị cái mũ nhà Nho nó chụp làm cho sai lầm” để rồi sau đó vượt ra khỏi quy các chuẩn mà tự khẳng định “Ông này đã có thú ông này”…

Chúng ta có thể thấy được tính chất hai mặt “trong họ ngoài làng” của nhà Nho một cách rõ nét: một mặt đề cao lòng nhân, mặt khác lại sử dụng bạo lực một cách triệt để. Những vụ huyết án đẫm máu để thanh trừng các “lực lượng” có nguy cơ “đe dọa” đến lợi ích của họ thường diễn ra một cách vô cớ. Chẳng thế mà vì lý do “nghi ngờ”, “cách tân”… công thức “diệt khai quốc công thần” vẫn đều đặn diễn ra trong lịch sử và chưa có dấu hiệu trở thành quá khứ. Nhận thức được bạo lực không giải quyết hết được những vấn đề nảy sinh trong xã hội, lòng nhân từ được các vị vua Phật tử ứng dụng không những làm cho cả xã hội nhân hậu mà còn tạo nên những sức mạnh to lớn khác để đánh đuổi quân xâm lược (Vô vi cư điện các, Xứ xứ tức binh đao). Điều gì đã làm cho triều đại Lý-Trần, với những vị vua Phật tử nổi tiếng nhân từ có thể huy động niềm tin và sức mạnh của nhân dân để lần lượt đánh bại các cuộc xâm lăng của những đế quốc hùng mạnh Tống và Nguyên-Mông? Chỉ có coi ngai vàng như đôi giầy rách, coi thân là giả tạm, và đặt mình vào lý tưởng Bồ tát “ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục”… mới có thể làm nên sức mạnh to lớn ấy.

Sự biến động của thời cuộc có thể biến một kẻ thất phu thành anh hùng và ngược lại…, song guồng máy trị loạn dù có được đắp đổi như thế nào nó cũng phải lặp lại tính chất cố hữu của nó đó chính là thành lập một tập đoàn tư tưởng chính trị mới theo kiểu “thắng làm vua, thua làm giặc”. Dĩ nhiên, xét một cách biện chứng, cái gì lên đến đỉnh cao thì cũng phải đi xuống. Nếu không thừa nhận điều “vô thường” ấy thì sẽ gây nên một sự tranh chấp quyền lực mới, và khi không hội đủ khả năng tranh chấp thì xu thế “cõng rắn về cắn gà nhà” tất yếu diễn ra, và cảnh nồi da xáo thịt là điều không thể tránh khỏi cho lịch sử một dân tộc. Đó chính là vòng luân hồi của quyền lực và anh hùng…

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể khái quát một vài nét tiêu biểu về mẫu hình nhân cách hoàng đế Phật tử như sau:
- Bốn đức lớn Từ-Bi-Hỷ-Xả của Phật khi được triển khai và thực thi ở người lãnh đạo cao nhất đã có tác dụng thiết thực lên đời sống xã hội. Trong khi hầu hết các vị vua Phật tử và không ít quần thần của họ đều thọ nhận và thực hành giới Bồ tát, mà điểm quan trọng nhất của giới Bồ tát là “bất sát”. Tuy nhiên, bốn đức trên được bổ sung bằng ba yếu tố khác: Bi-Trí-Dũng (được hiểu là: có lòng thương xót mà không có trí và dũng thì không thể cứu người; có trí mà thiếu lòng bi, dũng thì thấy người chết không cứu, hoặc không đủ sức cứu; có dũng mà không có bi trí thì không biết khởi tâm cứu và không biết cách cứu). Đây cũng chính là những đức tính cần thiết để các vị vua Phật tử ứng dụng vào việc trị nước cũng như đánh đuổi quân xâm lược.

- Các vị vua Phật tử cũng bộc lộ phẩm chất chung của một bậc quân vương: văn chương, võ lược…, nhưng họ sinh ra không hoàn toàn để lập thân, lập danh nên khái niệm “anh hùng” trong họ không phải là tài “kinh bang tế thế” mà là những nỗ lực tối đa để chiến thắng chính mình: “Rút kiếm trị loạn sao bằng chính mình mở hộp báu ra” (Trần Thái Tông). Sức vươn lên mãnh liệt của họ chính là ra khỏi sinh tử, xứng với pháp hiệu “Giác Thánh Trung Vương” (Bậc thánh giác ngộ trong các hàng vua).

- Xu hướng nhập thế-xuất thế không phải lúc nào cũng dễ dàng phân định ở mẫu hình nhân cách này. Nếu như vấn đề “xuất-nhập” của nhà Nho gắn với sự khủng hoảng trong niềm tin, nhận thức, hay bị ruồng bỏ, ghẻ lạnh thì “xuất-nhập” của các vị vua Phật tử là tùy thuận. Khi thực hiện lý tưởng Bồ tát, nói như kinh Pháp Hoa: “Hiện đủ các thân hình khác nhau để độ chúng sinh viên mãn” thì làm vua, làm dân, làm thiền sư, làm thi sĩ… cũng không ngoài tâm nguyện độ sinh. Khi làm vua thì khả năng dấn thân, nhập thế thuận lợi hơn, biến sức mạnh quyền uy thành hiện thực tốt đẹp mang lại thái bình, yên ổn cho đất nước. Trần Thánh Tông nói: “Tuy bề ngoài là cả thiên hạ phụng sự một người tôn quý, nhưng bên trong thì ta cùng các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thi cùng vui…”. Tuy nhiên, “xuất thế” ở họ cũng là nhập thế ở một phương diện khác. Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con lên Yên Tử xuất gia, sau đó đi khắp thôn làng để khuyên dân thực hành 5 giới, 10 thiện. Nếu như sự vượt trội về nhân cách của các hoàng đế được khẳng định bằng những lời xưng tán: anh minh, thần võ, trí tuệ, hiếu nhân thì sự khẳng định của các vị vua Phật tử về mặt thiền học còn cung cấp cho họ một thế giới quan siêu việt. Từ đó, ngoài nhân cách anh hùng, họ còn có nhân cách của một bậc hiền triết. Mẫu hình hoàng đế-hiền triết là mẫu hình xuất hiện không nhiều trong lịch sử tư tưởng loài người.

- Các nhà Nho luôn khẳng định vị trí hơn đời, khác người bằng cách đặt mình lên trên yếu tố “phàm tục” để trở thành tiên, hiền, quân tử thì với khả năng giác ngộ cao nhất, sự phóng nhiệm, hòa nhập, cộng thông với thực tại đã đưa các vị vua khẳng định một tư tưởng: “Có không xóa hết, đạo tục san bằng”, “Hang quỷ ở là lâu đài Di Lặc, núi Hắc sơn đâu khác cảnh giới Phổ Hiền,… Chốn chốn là đại quang minh tạng…” (Trần Thái Tông), hay “Tịnh độ là lòng trong sạch, Di Đà là tự tính sáng soi…” (Trần Nhân Tông)… Nói cách khác, tư tưởng “Bất nhị” đã hình thành trong họ một “nhân cách vô ngã”.

- Nếu như phẩm tính Nho gia đều được đúc khuôn bởi những quy chuẩn giáo điều và bị chi phối bởi hai yếu tố chính “thiên ý” và “nhân luân” thì ở Thiền gia mọi sự “bắt chước” đều làm thiếu sinh khí và sức sống. Những công cụ của thiền trở nên hữu hiệu trong việc giải phóng tri thức và đạo đức, xây dựng một nhân cách tự chủ mãnh liệt, tiến tới phá bỏ dần sự giáo điều, cũng như tránh cho đường lối cai trị của họ không rơi vào tình trạng “dân chủ hình thức” cũng như “dân chủ thần bí”, để có thể “dụng Nho, triển Thích” một cách tích cực...

Có thể nói, quá trình cá thể hóa của từng loại hình nhân cách mang những đặc trưng riêng biệt, cũng như chịu sự thúc ước của hệ tư tưởng đương thời. Những yếu tố đồng dị của tư tưởng Tam giáo đã ít nhiều ảnh hưởng đến nhân cách của các vị hoàng đế Phật tử. Tuy nhiên, bằng việc ứng dụng tư tưởng Phật giáo, các hoàng đế Phật tử đã để lại những thành tựu to lớn về các mặt chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế…, đặc biệt là sức sống văn hóa, tâm linh. Về cả lý thuyết và thực tiễn, chúng ta có thể thấy mối liên hệ nhân quả, cũng như cộng nghiệp sâu xa của một thời đại. Hai từ khoan dung và thuần từ được dùng để nói về triều đại Lý-Trần là minh chứng rõ nét nhất của tư tưởng Phật giáo cũng như tác động của nhân cách hoàng đế Phật tử vào cộng đồng và lịch sử. Trong đó, khoan dung đã và đang là mẫu hình nhân cách mà cả thế giới hiện đại Đông-Tây ngày hôm nay nỗ lực kêu gọi con người hướng đến.

Thích Thanh Thắng

(Theo Văn hoá Phật giáo)
 

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2008

NGÀI NGÔ QUANG KIỆT KHÔNG PHỈ BÁNG DÂN TỘC

Người “tự hào” có thể bị lên án, người “nhục nhã” có thể được tôn vinh, nhưng đứa trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường có thể hiểu được điều này không, khi lịch sử đang dạy nó rằng: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”? Chúng ta nghĩ gì nếu xã hội Việt Nam có cả một trào lưu “tự phê”, nhìn cái gì cũng ra “rất nhục nhã”?

Câu nói gây tranh cãi nhiều nhất của ngài Ngô Quang Kiệt trong những ngày vừa qua đã được cả hai luồng thông tin trái chiều nhau khai thác, một bên bênh vực và một bên lên án. Tôi xin dẫn lại nguyên đoạn trích mà không ngắt câu gì cả.
“Do đó chúng tôi xin nhắc lại chúng tôi rất mong muốn xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét chúng tôi buồn lắm chứ chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi không ai xem xét gì cả anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết thật sự tốt đẹp để cho đất nước chúng ta mạnh đi đâu chúng ta cũng được kính trọng.”
Có hai khả năng của lời nói, nghĩ sao nói vậy và nói không suy nghĩ. Tuy nhiên qua đoạn trích trên, dù có bênh vực hay lên án ngài Ngô Quang Kiệt thì cũng phải nói với nhau rõ ràng rằng ngài Ngô Quang Kiệt thứ nhất là không “phỉ báng” mà chỉ “nhục nhã”, thứ hai đối tượng nhục nhã không phải “dân tộc” mà là “Việt
Nam”.
Và chúng ta cũng nên thừa nhận với nhau rằng, dù ở ngữ cảnh nào thì một câu nói ra bao giờ cũng có hai cách hiểu, cách suy luận, vì rằng câu hỏi chứa một cặp mâu thuẫn. Vì vậy, chúng ta chỉ nên đi vào những gì ngài Ngô Quang Kiệt đã nghĩ và đã nói.
Mong muốn xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Tức không còn (nếu còn thì rất ít) mâu thuẫn, bất hòa, tranh chấp, ngài đã nghĩ đến điều này và bây giờ nói ra, hoặc giả ngay lúc đó ngài mới nghĩ mà nói ra, hoặc giả ngài không nghĩ gì cả mà nói ra. Không phải chỉ có mong muốn mà được, vì sự thật giữa chính quyền và ngài vẫn chưa có thể “đoàn kết” với nhau được, thậm chí “mâu thuẫn”, “tranh chấp” còn có vẻ mỗi ngày một leo thang và gay gắt.
Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét chúng tôi buồn lắm chứ chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi không ai xem xét gì cả anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế.
Ở câu nói này, nhiều người đã suy diễn “rất là nhục nhã” = “phỉ báng”, “hộ chiếu Việt
Nam” = “dân tộc”. Ngài Ngô Quang Kiệt không phỉ báng dân tộc mà chỉ nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam. Vì sao ngài nhục nhã? Vì ngài đi nước ngoài nhiều và chứng kiến cái hộ chiếu Việt Nam bị soi xét, còn hộ chiếu hay thẻ gì đó của công dân Nhật Bản, Hàn Quốc thì không bị như vậy (theo cảm nghĩ của ngài, còn ở những tình huống “soi xét” cụ thể tại các cửa khẩu không biết người Nhật hay Hàn có cảm thấy ngược lại với ngài hay không? Chắc là phải có cuộc thống kê xã hội học của công dân Việt Nam và các nước này thì mới rõ được).
Nếu phải khẳng định ở mặt ngôn từ cụ thể thì ngài Ngô Quang Kiệt
không phỉ báng dân tộc.
“Còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết, thật sự tốt đẹp để cho đất nước chúng ta mạnh đi đâu chúng ta cũng được kính trọng.”
Ngài tiếp tục “mong đất nước lớn mạnh” (“đoàn kết” thì mong ở trên rồi), “thật sự tốt đẹp”, “đi đâu chúng ta cũng được kính trọng”. Mong ước của ngài cũng như biết bao nhiêu mong ước tốt đẹp của người dân Việt
Nam về đất nước mình. Đây là một mong ước chính đáng. Chính quyền chắc hẳn cũng tán đồng với ngài Ngô Quang Kiệt về mong ước này, vì dẫu gì “đất nước Việt Nam” cũng đang nằm trong tay họ, không ai đi gây mâu thuẫn với một người đang nhiệt tình mong mình “phát triển lớn mạnh” cả.
Thế thì điều gì mà họ phải trích riêng câu nói: “
Chúng tôi đi nước ngoài nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” để lên án và bình luận nhiều như vậy? Có lẽ vấn đề đã vượt xa khỏi ngữ cảnh hiện thời của những phát ngôn đó. Chính vì vậy, nếu chỉ nhìn đơn giản “sự kiện” trong một ngữ cảnh thì sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề trong tranh luận “ngôn từ”. Rõ ràng những mâu thuẫn trước đó đã được đem vào ngữ cảnh này. Có nghĩa rằng sự thật đang không có “đoàn kết”. Tất cả những mong muốn tốt đẹp, nói như ông Trương Công Khanh là đang “ở thì tương lai”, có thể xảy ra hoặc không thể xảy ra.
Vậy thì “cái gì mâu thuẫn” đang được cả hai phía đem vào cuộc nói chuyện này? Đó là những “tranh chấp về đất đai”. Nhưng nói thế thì e quá đơn giản, bởi nó còn ẩn chứa một “ý thức hệ” tranh chấp về đất đai. Vì sao? Vì một bên khẳng định đất đó là do chính quyền bảo hộ (Pháp) cấp cho nhà thờ. Một bên bảo rằng giấy tờ đó đã hết hiệu lực khi chính thể cầm quyền thay đổi. Một bên đưa ra giấy tờ bàn giao nhà cho nhà nước thống nhất quản lý (thậm chí bên Thái Hà còn phủ nhận quyền bàn giao nhà của Linh mục Vũ Ngọc Bích). Một bên thì bảo cần đưa ra giấy trưng thu, tịch thu cụ thể.
Nhà thờ Thái Hà thì khẳng định đất mà nhà nước quản lý không phải cho mượn hay cho thuê nên không nằm trong chính sách “cải tạo nhà cửa”. Còn bên Tòa Khâm sứ thì bảo Tòa Khâm sứ là cho Khâm sứ “mượn”, nay có quyền đòi lại. Quy định chung của nhà nước cùng trong một thời điểm “cải tạo nhà cửa” thì đã rõ qua những luật, nghị định, thông tư, công văn hướng dẫn, còn phía nhà thờ thì bên đặt mình vào trong, bên đặt mình ra ngoài.
Nhà nước thì bảo không có cơ sở pháp lý để đòi lại. Vì Luật đất đai năm 2003 quy định nhà nước không giải quyết những đất đai trong thời kỳ cải tạo xã hội ở miền Bắc từ 1991 trở về trước. Muốn thay đổi luật đất đai thì phải trình Quốc hội thông qua; khi luật vẫn còn hiệu lực, mọi tổ chức và công dân phải tuân thủ luật này. Chính quyền Thành phố Hà Nội không thể đơn phương xé luật để giải quyết.
Chính quyền có thể “cấp mới” chứ không thể “trả lại” vì nó liên quan đến chính sách chung về đất đai. Trong những mảnh đất mà chính quyền Hà Nội đưa ra tham khảo có mảnh đất tại Phó Đức Chính, thuộc trung tâm thành phố, còn rộng hơn cả khu đất Tòa Khâm sứ cũ.
Ngài Ngô Quang Kiệt dứt khoát khẳng định “đòi” chứ không “xin”. Cái “tình” ấy bị từ chối. Quá quê đi chứ!
Một điều quan trọng khác không thể bỏ qua, đó là quyết định bất ngờ từ phía chính quyền khi tập trung nhiều lực lượng phong tỏa khu vực Tòa Khâm sứ cũ, san ủi mặt bằng, cải tạo nơi đây thành thư viện và công viên. Phía nhà thờ cho rằng việc sử dụng lực lượng này cho thấy nhà nước đang có chủ ý dùng bạo lực... Cùng lúc với động thái đó của nhà nước là động thái của phía ngài Ngô Quang Kiệt với “Đơn khiếu nại khẩn cấp”. Phía chính quyền cho rằng lá đơn này có ý xuyên tạc và đe dọa khi ngài Ngô Quang Kiệt viết: “Chấm dứt ngay hàng động phong tỏa Tòa Tổng Giám mục và việc phá hoại tài sản”; “Thành phố Hà Nội phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những điều có thể xảy ra trong việc chiếm đoạt tài sản của chúng tôi. Chúng tôi có quyền sử dụng mọi khả năng có thể để bảo vệ tài sản của chúng tôi.”
Rõ ràng cái mong ước “đoàn kết” trước đó hay kể cả sau này của ngài Ngô Quang Kiệt là rất khó xảy ra, chí ít là khả năng đối thoại còn rất ít cơ hội cho cả hai phía.
Nếu những “văn bản” kể trên chỉ chứa những “nội hàm” ngôn ngữ trong ngữ cảnh riêng của chính nó thì mọi việc sẽ đơn giản hơn nhiều là việc kéo theo cả một “ý thức hệ” về tranh chấp đất đai. Chính vì vậy, ở vụ Tòa Khâm sứ cũ không chỉ giữa nhà nước và Công giáo mà còn có tiếng nói của Phật giáo. Đúng như ông John V. Hanford, Đại sứ của Tổng thống Hoa Kỳ về vấn đề Tự do Tôn giáo đã phát biểu trên BBC: “Một trong những vấn đề là tài sản đã được sang tay nhiều lần. Trong trường hợp miếng đất được nhiều người biết đến ở Việt Nam, tôi nghĩ trước đây của người Phật giáo, sau nhờ người Pháp mới thành của người Công giáo cho nên rất phức tạp”.
Đụng đến một vấn đề phức tạp và nhạy cảm để khởi nguồn cho tranh chấp về đất đai, quả tình tất cả các bên đều đang tự “làm khó” cho mình. Nếu chỉ thuần nói về “tình” cũng kẹt mà chỉ nói về “lý” cũng không xong. Vì chuyện gì cũng được mỗi bên khiến cho nó “có lý”.
Truyền thông của các phía đã thay nhau nói lên tính “có lý” này và không phải không có người nghe. Chủ điểm trong truyền thông của nhà nước là trích câu nói: “
Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam của ngài Ngô Quang Kiệt ra khỏi ngữ cảnh, và sau đó họ cho rằng dù bất kỳ ở ngữ cảnh nào cũng không thể chấp nhận được. Một số ý kiến ngược lại thì cho rằng đó là phát biểu dũng cảm, dám nhìn thẳng sự thật, dám chỉ vào nỗi nhục kém cỏi của đất nước mình… Ông Trần Trung Đạo cũng đứng về phía lập luận này.
Tôi giả định, nếu đúng là một bản lĩnh chính trị thì tôi nghĩ ngài Ngô Quang Kiệt nên chính thức khẳng định điều này một lần nữa, thậm chí còn phải nói dài dài. Bởi có những lời xác quyết ấy, những người không chịu đựng nổi cảnh nhục nhã của người Việt Nam kém cỏi sẽ vùng lên bằng hết tất cả ý chí và sáng tạo của mình để đất nước phát triển, và biết đâu, sau dẫn dắt của ngài, dân tộc Việt Nam sẽ hết nhục.
Ngài Ngô Quang Kiệt có thể “quên mình” để cổ vũ lòng yêu nước thực sự của người Việt
Nam bằng những hành động và lời nói tương tự không? Nếu ngài có thể làm được điều này, chắc chắn không có một thông tin trong nước nào dám cắt xén câu nói ấy ra khỏi “ngữ cảnh” nữa, và chắc chắn không có người biện hộ nào bảo ngài “lỡ lời” nữa. Hoặc ngài trở thành người hùng, hoặc ngài phải chịu cái tiếng là phỉ báng dân tộc như hai luồng thông tin đang diễn ra.
Nói đến truyền thông, thì phải nghe hai tai. Tôi nhớ rất rõ, khi xảy ra vụ cầu nguyện cho Tòa Khâm sứ cũ cuối năm 2007, truyền thông nhà nước gần như “ngậm hạt thị”, chỉ có một vài bản tin bằng tiếng Anh nhằm đối ngoại. Trong khi đó là một màn gần như “độc diễn” của truyền thông Công giáo. Thậm chí mọi người không khỏi có những nghi ngờ và hoang mang khi đâu đó trên BBC phát biểu rằng, cuộc cầu nguyện với sự hiệp thông của 6 triệu giáo dân trên cả nước sẽ có thể dẫn đến một cuộc thay đổi chế độ với những hậu quả “bom nguyên tử tôn giáo” không thể lường trước được.
Ngoài tờ
Hà Nội Mới đưa tin bằng tiếng Việt, gần như không có một tờ báo chính thức nào trong nước nào đề cập đến vụ việc Tòa Khâm sứ cũ. Cuộc chiến thông tin chỉ chính thức nổ ra những ngày gần đây, khi giáo dân giáo xứ Thái Hà đẩy đổ tường của Công ty may Chiến Thắng và một số giáo dân bị bắt vì những tội cố ý hủy hoại tài sản của người khác, gây mất trật tự an ninh xã hội. Và truyền thông cả hai phía trở thành đỉnh điểm thu hút tất cả những tờ báo lớn tham gia, khi VTV cho phát đi câu nói của ngài Ngô Quang Kiệt.
Nếu nhìn về vấn đề truyền thông, quả thật cũng không thể đơn giản đặt nó trong “ngữ cảnh” câu nói của ngài Ngô Quang Kiệt, mà nó là cả một chuỗi thông tin dồn nén, cả những ý thức về sự nguy hiểm mà truyền thông Công giáo đã đưa ra trong gần một năm. Nào là “bọn chúng đã sử dụng bạo lực, bắt bớ”, nào là “máu của chúng ta đã đổ xuống đất Tòa Khâm”, nào là “chúng ta phải nhất định vùng lên để đòi công lý và hòa bình”, nào là “những kẻ vô thần thất tín bội nghĩa”, nào là “cảnh giác với cạm bẫy của bọnquỷ satan”, nào là “bọn sư quốc doanh núp bóng Mặt trận Tổ quốc để chống phá chúng ta…”
Sự phân tuyến “ta - địch” trong truyền thông của Công giáo trước đó đã rõ như ban ngày. Đó là những cơ sở để người ta có thể giải quyết một vấn đề tranh chấp đất đai trong phạm vi “pháp lý”, “tình cảm”, “đoàn kết” hay sao?
Một điều khác nữa trong truyền thông của các phía là có những thông tin chúng ta có thể hiểu với nhau ở mức độ dễ “thông cảm”, thậm chí “hiểu được”, nhưng với “quần chúng” dễ dao động và dễ bị kích động, một câu nói dù “bình thường” cỡ nào cũng có thể sa bẫy và khó rút lại khi những suy diễn đang nằm trong một mâu thuẫn không nhỏ. Không phải người Việt
Nam nào cũng có thể hiểu được việc nói lên các nhục nhã của dân tộc mình là một hành vi yêu nước, và nhất định cứ phải nói lên các nhục của mình thì đất nước mới có thể phát triển được. Người “tự hào” có thể bị lên án, người “nhục nhã” có thể được tôn vinh, nhưng đứa trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường có thể hiểu được điều này không, khi lịch sử đang dạy nó rằng: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”? Chúng ta nghĩ gì nếu xã hội Việt Nam có cả một trào lưu “tự phê”, nhìn cái gì cũng ra “rất nhục nhã”?
Tôi nhớ không nhầm mới mấy hôm nay thôi, ông Nakayama, Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản bị chỉ trích mạnh mẽ khi ông gọi liên đoàn nhà giáo lớn nhất của Nhật là “căn bệnh ung thư’ trong hệ thống giáo dục của nước này, và với những gì phát biểu, ông đã phải xin lỗi và chính thức đệ đơn xin từ chức. Ông Bộ trưởng này có mong cho đất nước ông ta phát triển không? Tôi nghĩ, mới dám nói thẳng vào một liên đoàn giáo dục, ông đã phải chịu trách nhiệm cho phát ngôn như vậy rồi. Nếu ông ta nói một câu tương tự như ngài Ngô Quang Kiệt thì không biết người Nhật sẽ nghĩ về ông ta như thế nào? Có thể họ sẽ xem nhẹ câu nói này, đất nước họ quá phát triển nên có nói “nhục nhã” cùng bằng thừa, phát triển vậy thì có gì đâu phải nhục nhã. Nhưng cũng có thể họ không cho phép vì người Nhật chưa bao giờ biết nhục nhã và khuất phục, ngay cả khi bị bỏ bom nguyên tử.
Đã có những diễn đàn bàn về tính xấu của người Việt, một số người Việt công tác ở nước ngoài khi được hỏi một cách nghiêm túc về những chính sách nào đó thì cũng tỏ ra xấu hổ khi không bằng các quốc gia khác, ví dụ như chính sách về nhân tài, thu hút chất xám, coi trọng trí thức…, hoặc do đất nước mình nghèo nên mặc cảm, tự ti…, chứ tuyệt đại đa số không nhục nhã vì mình mang hộ chiếu Việt Nam.
Ngài Ngô Quang Kiệt “nhục nhã khi cầm hộ chiếu Việt
Nam” với tư cách cá nhân, ngài không có gì sai. Nhưng với tư cách một nhân vật của công luận, có chức vụ và địa vị trong xã hội thì câu nói đó không thể là “bình thường” được. Đặc biệt, trong những tình huống mâu thuẫn đang đến đỉnh điểm mà chính ngài phải nhanh chóng thể hiện bằng “Đơn khiếu nại khẩn cấp” thì e rằng câu nói trên không phải không là dịp “ngàn năm có một” để truyền thông nhà nước vào cuộc “mổ xẻ” nó.
Nếu thật là bản lĩnh thì ngài có thể chỉ ra rất nhiều cái sai của người cộng sản một cách cụ thể, nhưng không thể “lỡ lời” với câu nói có khả năng bị suy diễn ở nhiều khía cạnh và mức độ như vậy.
Đối với tôi, trong “ngữ cảnh” và với những câu nói “giấy trắng mực đen” của ngài Ngô Quang Kiệt, ngài không hề phỉ báng dân tộc mình, nhưng với tất cả những gì có thể nói ra với với tư cách cá nhân, phải chăng ngài đang “nhục nhã” với chính bản thân mình? Nhục nhã với chính bản thân mình thì ai có quyền gì mà phê bình!
Tôi cũng xin có một ý kiến, vì qua những bài tranh luận trên diễn đàn “Điểm nóng chính trị Việt Nam”, tôi phát hiện ra một mâu thuẫn rất thú vị. Đó là nếu những ai có mong muốn tương tự cho đất nước Việt Nam như: phát triển, đoàn kết, được người ta kính trọng, hay điều chỉnh lớn gì gì đó, tức một sự “trường tồn” mà người cộng sản đang gắn với danh xưng Việt Nam, thì gần như bị trở thành “phe chúng nó”. Nhưng tại sao với câu nói của ngài Ngô Quang Kiệt thì mọi người lại bằng mọi cách gắn nó vào cái “ngữ cảnh”,
mong đất nước mình phát triển lớn mạnh, đoàn kết và được người ta kính trọng. Phải chăng vì ai đó không yêu nước mãnh liệt bằng ngài Ngô Quang Kiệt? Và phải chăng cái “nước” mà ngài Ngô Quang Kiệt nhắc đến không phải là cái nước của người Việt trong nước đang sinh sống hiện nay?

Nguyễn Mai Sơn
© 2008 talawas

 

Thứ Sáu, 3 tháng 10, 2008

TIẾNG VỌNG PHÚC ÂM


Đã tám tháng trôi qua từ khi một số linh mục và giáo dân phá đổ hàng rào khu đất số 42 Nhà Chung, đánh bị thương bảo vệ cơ quan và dựng một cây thánh giá cao 5m ngay trước trụ sở phòng Văn hóa Thể thao quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt đã khích lệ những người đã làm những việc đó, xem như là một lễ hiện xuống mới. Tháng 7/2008, tôi có đi qua khu đất ấy và ghé Đền thờ Lý Quốc Sư (nay là chùa Lý Quốc Sư), trong khuôn viên chật hẹp của Đền tôi thấy có tấm bảng ghi tên các liệt sĩ của phường Hàng Trống. Hiếm có khu đất nào mà mang nhiều dấu ấn lịch sử cận đại của Việt Nam như khu đất này.

Chuyện gì cũng có nhân duyên. Có nhân có duyên từ 1883 mới có khu đất Nhà Chung. Có nhân có duyên khu đất này mới thụộc sự quản lý của nhà nước. Có nhân có duyên mới có sự kiện đòi đất ngày 25/01/08. Có nhân có duyên mới có câu chuyện hiện nay. Có nhân có duyên mới có câu chuyện dài 125 năm (1883-2008) của khu đất này.

Khu đất ấy thuộc về cả dân tộc. Bất cứ người nào, dù có tín ngưỡng hay không có tín ngưỡng, muốn kiếm chác gì đó cho mình từ mảnh đất ấy mà bất chấp lợi ích của dân tộc hãy quá bộ vài bước vào Đền Lý Quốc Sư đến trước bia Liệt sĩ của phường Hàng Trống, hãy quá bộ đến thành Hà Nội nơi Hoàng Diệu tuẫn tiết để mà suy ngẫm. Lịch sử quá dài mà con người thì hay quên, có phải bài học Phúc âm vẫn là điều nên  nhắc lại?
 
Anh em đã nghe luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, anh hãy cho; ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi (Mát-thêu 5, 38).

Anh em đã nghe luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự ở trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế hay sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoài cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện (Mát-thêu 5, 43).

Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả (Lu-ca 6, 34).

Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: Chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em (Mát-thêu, 6, 5).

Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em ở trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em (Mát-thêu, 6, 14).

Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được. Vì kho tàng ở đâu thì lòng anh ở đó (Mát-thêu 6, 19).

Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dễ chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được (Mát-thêu, 6, 24).

Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong mắt mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: “Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn” trong khi có cả cái xà trong con mắt anh? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em (Mát-thêu 7, 1).

Người nói với các ông: “Hãy để ý tới điều anh em nghe. Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa. Vì ai đã có thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy mất” (Mác-cô 4, 24).

Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà tới với các anh em; nhưng bên trong là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai (Mát-thêu, 7, 15).

Không phải cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trị quỷ, nhân danh Chúa mà làm phép lạ đó sao?”. Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác! (Mát-thêu 7, 21).

Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”. Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mát-thêu, 18, 21).

Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. Bấy giờ tên đầy tớ sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. Tôn chủ của tên đầy tớ liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!”. Bấy giờ người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao?”. Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình (Mát-thêu, 18, 23).

Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và cũng được sự sống đời đời làm gia nghiệp (Mát-thêu 19, 27).

 “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?”. Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất, điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mát-thêu, 22, 34).

Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người khóa cửa nước trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không để họ vào… Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén dĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện trộm cắp và vô độ. Hỡi người Pha-ri-sêu mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén dĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch. Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình gian ác (Mát-thêu, 23,13).

Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu đó là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt. Thật thế, làm điều thiện thì không phải sợ nhà chức trách, có làm điều ác mới phải sợ. Bạn muốn khỏi phải sợ chính quyền ư? Hãy làm điều thiện, và bạn sẽ được họ khen ngợi, vì chính quyền là người thừa hành của Thiên Chúa để giúp bạn làm điều thiện (Rôma, 13, 1).

Từ cùng một cái miệng phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được. Chẳng lẽ một mạch nước lại có thể phun ra, từ một nguồn, cả nước ngọt lẫn nước chua sao? Thưa anh em, làm sao cây vả lại có thể sinh ra trái ô-liu, hoặc cây nho sinh ra trái vả? (Gia-cô-bê, 3,12).

Hồng Tuệ

(Theo Văn Hóa Phật Giáo số 66)

Thứ Năm, 2 tháng 10, 2008

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ NHỮNG CÂU HỎI


Những vấn đề cần phải thừa nhận và nhìn nhận nơi Giáo hội đã quá nhiều và được gợi đi gợi lại. Đó là những cảm nhận riêng hay những điều tai nghe mắt thấy, nhưng dù xuất phát từ góc nhìn nào thì Giáo hội cũng không thể thay đổi được cách nghĩ rằng chúng ta đang có một giáo hội già cả, quá thụ động, mất nền tảng và chú trọng vào những hình ảnh bề nổi, tức là những quả bóng bóng nhiều màu khi thả nó lên trời cho thiên hạ ngắm xong rồi thì không biết nó đi đâu về đâu.

Những khó khăn bước đầu của chúng ta là giáo hội tự thân vân động, về cả nhân sự lẫn tài chính. Nhưng không phải không có điều kiện để quy tụ và hội đủ những điều kể trên. Tuy nhiên do nhiều năm nay thụ động trông chờ vào sự quan tâm của nhà nước những sự kiện quan trọng, thậm chí có việc người ta phải nghĩ cho mình làm. Chính vì sự thụ động này mà chúng ta nhận thấy nó ảnh hưởng vào toàn bộ các lề lối sinh hoạt của giáo hội hiện nay. Một giáo hội thích tụ tập, họp hành nhưng công việc thì gần như giậm chân tại chỗ. Mới mấy tháng nay có một bản tin hoạt động giáo hội, tưởng rằng có gì đao to búa lớn, hóa ra toàn những chuyện húy kỵ, viếng thăm, giải quyết mấy chuyện tranh chấp chùa chiền, bổ nhiệm trụ trì, góp tiền làm từ thiện… Sau bản tin “hào hứng nhất thời” đó, lại là sự im ắng đến đáng sợ.

Điều chúng ta cần là một Giáo hội nhiều ý tưởng và sáng tạo, nhiều việc làm chuyển biến, nhiều dấn thân vào cuộc sống. Vậy muốn nhiều ý tưởng và sáng tạo, chúng ta phải cần có những con người dám nghĩ, dám nói, dám tự chịu trách nhiệm. Và chúng ta cứ phải bàn mãi cái câu chuyện về tuổi tác. Người già cả kinh nghiệm nên ngồi trên con thuyền, còn người lèo lái con thuyền phải là những người có tài lực và trí tuệ. Kinh nghiệm là cái vốn quý báu, nhưng nó chỉ được nên dùng trong những hoàn cảnh, điều kiện cần đến sự cố vấn. Sự chênh lệch trong nhận thức thời đại đã vượt xa những kinh nghiệm cũ, và phần nào kinh nghiệm ấy đã không còn phù hợp với điều kiện và thách thức mới. Phải nói ngay rằng, nếu quý hòa thượng không thể theo kịp những diễn biến đang đổi thay từng ngày, từng giờ, từng phút của xã hội để điều chỉnh hướng đi thích hợp cho giáo hội thì quý hòa thượng tự mang dây mà buộc vào mình và có lỗi với các thế hệ Phật tử kế cận.

Chăm lo giềng mối đạo đức là điều quan trọng nơi những bận tu hành đạo cao đức trọng, nhưng trí tuệ cũng vô cùng cần thiết trước những thách thức khắc nghiệt của thời cuộc. Hoặc chúng ta cùng song hành cũng xã hội hiện đại tiến lên, hoặc chúng ta bị đào thải, bị gạt ra khỏi ngoài lề xã hội.

Điều đáng nói những vần đề này đã được bàn đến cả gần trăm năm nay, từ những năm đầu của thế kỷ 20. Nhưng như chúng ta đã thấy đến bây giờ vẫn còn phải bàn “chay”, “độc thoại buồn” và rồi nhanh chóng rơi vào một khoảng không nào đó. Đến bây giờ mà chúng ta vẫn còn thấy những ngôi chùa hoang, những ngôi chùa không ai chăm sóc tu bổ, nhiều vùng quê, làng xã chưa khôi phục được ngôi chùa cho sinh hoạt tâm linh của cộng đồng. Đó không phải là những hình ảnh của một Giáo hội thụ động với hầu hết những Ban Trị sự khá nặng nề và chậm chạp, chờ người tìm đến mình, chứ không phải tìm đến người mà độ người.

Vậy Giáo hội đang đối mặt với những câu hỏi nào dành cho chính mình?

Giáo hội có thiếu tinh thần quyết tâm để chấn chỉnh không hiện tranh Tăng Ni lượng nhiều chất ít hiện nay không? Giáo hội có thiếu tiền để làm những sự kiện quan trọng như đào tạo một thế hệ Tăng Ni đặc biệt có khả năng tiếp nối không? Giáo hội có thiếu nguồn nhân lực có tài đức để làm việc giáo hội không hay là do “cha truyền con nối” với quan điểm “trong họ ngoài làng” để giữ ghế, giữ chân? Giáo hội có một chiến lượn phát triển ngắn và dài hạn cho từng vấn đề cụ thể không? Giáo hội có quá tự mãn với những gì mình đang có mà quên đi những yếu kém và biết bao nhiêu điều chưa đáp ứng được mong mỏi của xã hội không? Giáo hội có tập hợp được sự đoàn kết của các tông phái vùng miền không? Giáo hội đang kế thừa những tư tưởng nào của tiền nhân hay không biết lấy tư tưởng nào làm kim chỉ nam? Giáo hội đang làm gì để làm mới hình ảnh của chính mình ít nhất là từ khi thống nhất năm 1981? Giáo hội có phải là nơi tìm kiếm danh vọng và địa vị không? Giáo hội có phải đang sở hữu những nhân tố tốt nhất về cả tài và đức không? Giáo hội có chiến lược gì trong việc nâng cao chất lượng của người tu sĩ và cư sĩ không? Giáo hội tham dự vào đời sống xã hội bằng những lĩnh vực cụ thể gì? Trong thời đại công nghệ thông tin, Giáo hội có chiến lược gì cho sự tham gia sâu rộng vào mạng lưới này? Giáo hội có đủ sức mạnh từ những người trẻ để phản biện lại với những ý tưởng “cầu nhàn”, “không ưa mạo hiểm” của bề trên, trưởng thượng không? Giáo hội đã có chiến lược hoằng pháp gì cho những người trẻ? Giáo hội có đồ án gì cho việc xây dựng một nền tảng tâm linh gia đình để ứng phó với nạn bạo hành, ly hôn, phá thai....? Giáo hội tham gia vào việc xã hội hóa giáo dục đã bài bản chưa hay chỉ là tự phát?

Có lẽ nếu cứ ngồi mà đặt câu hỏi như vậy thì không biết phải đến lúc nào mới hết. Nhưng chắc chắn rằng có đặt nhiều câu hỏi như vậy cũng chẳng có nhiều câu trả lời cho chúng ta đâu. Nói vậy nghe có vẻ bi quan. Nhưng quả thực Giáo hội đang không được xây dựng trên một cái nền móng vững chắc, trước những tình huống xã hội thiếu suy ngẫm, thiếu phân tích, thiếu tổng hợp, thiếu hành động. Hôm nay đổ cái tường bên Tây thì lục đục kéo nhau tới họp hành, quyên góp sửa chữa. Ngày mai cái nhà nó dột mái Đông thì lại lục tục kéo nhau tới họp hành, quyên góp và sửa chữa.

Nếu cứ như vậy khi quanh năm suốt tháng cứ phải họp hành, quyên góp, chạy vòng qua vòng lại, hết cái vòng này thì vòng kia đã hỏng… Và thế là chúng ta có một hình ảnh Giáo hội vá víu, chắp nối, đuổi theo công việc, và đuổi riết một hồi thì hụt hơi, đuối sức và đau đớn nhất là khi chúng ta phải nghe tin báo viên tịch, từ trần. Người ra đi thì vĩnh viễn ra đi còn người ở lại thì tiếp tục cái vòng luẩn quẩn ấy cho đến ngày người khác báo tin mình viên tịch, từ trần.

Chúng ta cứ phải nói thẳng với nhau như thế. Vì sao? Vì chưa có Ban, Ngành nào xây dựng một đồ án phát triển cho mình. Cả về cơ sở, nhân sự, lẫn tài chính. Chẳng hạn ban nghi lễ. Chúng ta phải có một Trung tâm Ban chỉ đạo với những nhân sự tốt nhất để xây dựng những hình ảnh nghi lễ theo đúng bài bản và truyền thống Phật giáo. Nghi lễ tấn phong pháp chủ ra sao, đã uy nghiêm và trang trọng chưa? Nghi lễ tấm phong Hòa thượng thế nào, tập trung làm ở đâu? Nghi lễ ma chay cưới hỏi theo truyền thống Phật giáo như thế nào, hướng dẫn cách làm cụ thể và thống nhất để khi người Phật tử hữu sự thì theo đó mà làm… Muốn như vậy thì Ban nghi lễ phải vận hành một website, cung cấp tất cả những hình thức nghi lễ có từ trong lịch sử, các nghi lễ phong tục cưới hỏi ma chay trong đời sống cộng đồng và cách hướng dẫn theo nghi thức Phật giáo, chôn thì như thế nào mà thiêu thì ra làm sao, có những lý giải và hướng dẫn để người Phật tử hiểu…

Về các Ban, Ngành khác cũng như vậy, cần phải xây dựng, điều phối và chỉ đạo các vấn đề liên quan đến lĩnh vực của Ban ngành mình. Và điều ưu tiên nhất đó chính là mỗi Ban ngành viện phải có một website hoạt động để cung cấp thông tin, hướng dẫn cũng như những chỉ đạo, để các Ban Trị sự tỉnh thành nắm bắt, phản ứng kịp thời với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Các Ban, Ngành phải có những gắn kết nhịp nhàng, đề xuất và những hình thức thu hút, tự tìm nhân tài về Ban ngành mình, không cần phải thông qua một nhiệm kỳ 5 năm quá dài và vô cùng hình thức. Nhiều khi 5 năm trôi qua là mất đi cả một thế hệ ưu tú, trong khi những nhân vật gần như được chỉ định vào các Ban, Ngành hoạt động không hiểu quả, một năm được đôi ba lần, ồn ào, họp hành còn thì ngôi chơi xơi nước cả năm không đóng góp được trí tuệ và tài năng gì nhiều.

Như vậy cần có những chính sách thu hút nhân tài, những sự đãi ngộ cao, sự phân bổ đảm nhiệm chức vụ, khuyến khích Tăng Ni, Phật tử trẻ có học vấn tham gia viết đồ án phát triển, hay hoạch định những hoạt động tâm điểm và vệ tinh, ngắn hạn và dài hạn của các ban ngành viện. Khi nhận được các bản đồ án ấy phải có thù lao, nhuận bút xứng đáng, thậm chí đặc biệt với những công sức mà họ bỏ ra.

Các Tăng Ni trẻ ra trường nên khuyến khích họ tập trung thành từng nhóm, nghiên cứu thực tế đưa ra những giải pháp cụ thể để tiến hành làm. Chẳng hạn, nghiên cứu về thực trạng của những Tăng Ni đi độ tử, cúng đám tại các miền Nam, Trung, Bắc. Từ đó thống kê về thành phần tham gia, sử dụng nghi lễ, nhận tiền thù lao, phản ứng của người dân, của người Phật tử… Từ đó nêu lên những mặt tích cực và tiêu cực để chấn chỉnh, từ đó có thể xây dựng những hình thức chăm lo đến phần hồn của con người một cách chuyên nghiệp, cụ thể, phù hợp với gia cảnh, tín ngưỡng, phong tục gia tộc, làng xã và điều kiện kinh tế của từng gia đình…

Nếu Ban Ngành nào cũng lên kế hoạch, xây dựng, lựa chọn những đề án tốt nhất để tiến hành thí điểm. Muốn có nhiều sự lưa chọn, phải khuyến khích bằng nhiều hình thức. Khi đã có những hướng đi cụ thể thì bộ máy cứ cắt cử theo đó mà làm, khi làm thì có thưởng phạt phân minh, làm tắc trách, gây hậu quả thì các hình thức cụ thể như kỷ luật, bãi nhiễm chức vụ, thuyên chuyển nơi làm việc…

Chúng ta có những ai đủ trình độ, đủ vị tha, đủ sáng suốt, đủ bình tĩnh để lắng nghe tiếng nói của người khác. Nếu có ai đó gửi đến những bản kiến nghị tốt đẹp, những đồ án phát triển liệu chúng ta có trân trọng họ mà triển khai từng phần và ưu tiên những gì khả thể, phù hợp với điều kiện, hay lại vì mâu thuẫn cá nhân, bè phái mà để ý tưởng của người khác chìm khuất vào bóng tối.

Trong bao nhiêu những Tăng, Ni trẻ được ăn học đàng hoàng, sau ngần ấy năm học, có ai đã từng ngồi suy tư, ghi ra những trăn trở của mình về sự phát triển của Giáo hội, hay chúng ta đi học chỉ để kiếm mảnh bằng mà đem khoe trình độ với người Phật tử?

Những Lãnh đạo của đất nước mà làm cho đất nước ấy yếu kém là những lãnh đạo phụ lòng dân, ăn cơm của dân mà bỏ rơi dân. Những người lãnh đạo Phật giáo mà để Phật giáo suy thoái, phát triển bề nổi có lượng mà thiếu chất thì những lãnh đạo ấy cũng không xứng với miếng cơm, manh áo mà tín thí đàn na đã bỏ ra để cung phụng mình. Nhưng Tăng Ni đi theo con đường phụng sự chúng sinh mà bỏ rơi chúng sinh, lo ích kỷ cho bản thân mình, ngồi hưởng thụ đồ cúng dường là những Tăng Ni làm nhục sứ mệnh của Thầy Tổ, không xứng đáng đứng vào hàng ngũ Tăng Ni. Ý thức ấy, ý chí ấy chúng ta phải giáo dục Tăng Ni từ khi còn sơ cơ, bằng không với cái vẻ hào nhoáng bề ngoài, nhiều người cứ tưởng rằng bước vào con đường xuất gia là để kiếm chác lợi danh, cầu nhàn hưởng thụ.

Có bao nhiêu câu hỏi đặt ra cho Giáo hội này là có bấy nhiêu suy tư trăn trở của người viết. Nhưng nếu không có sự thay đổi từ bên trên thì phải quyết liệt thay đổi từ bên dưới. Mong những Tăng, Ni trẻ khoác trên mình chiếc áo thầy tu, hãy ý thức nhiều hơn về vai trò và hình ảnh của chính mình. Trước khi để những tư tưởng của mình được trưởng thành, già dặn hãy nuôi dưỡng ý chí và quyết tâm cống hiến, trau dồi học vấn để chủ động dân thân, tạo một cách đối thoại của chính mình trên tinh thần xây dựng. Internet có thể giúp chúng ta làm việc đó. Hoằng pháp lợi sinh có thể bắt đầu từ đây, Tăng Ni trẻ đừng chần chừ gì nữa. Những huynh đệ nào chưa đủ điều kiện làm việc hãy hoan hỷ với việc làm lợi ích chung, bắt đầu hoàn thiện từ bước đi, hơi thở, lời ăn tiếng nói và ứng xử hàng ngày của mình, để làm sao sống cho xứng với danh xưng người Phật tử, làm tốt cho đời, vẻ vang cho đạo. Diễn biến xã hội ngày càng phức tạp, vì vậy trách nhiệm xã hội của mình chính là đừng đừng ngoài lề xã hội. Đúng như tinh thần “hộ quốc an dân” truyền đời, bất diệt của Phật giáo trong lòng dân tộc.

Trần Điều

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2008

PHÁT BIỂU NGHIÊM KHẮC CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRƯỚC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VỀ VỤ “CẦU NGUYỆN ĐÒI ĐẤT”


- Video: TT Nguyễn Tấn Dũng tiếp đại diện HĐGMVN

http://www.vtv.vn/VN/TrangChu/TinTuc/CKX/2008/10/1/185509/

Sau lời nói “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” của ông Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục giáo phận Hà Nội, các tin tức trên truyền thông Công giáo gần như khựng lại và bị sốc. Tuy nhiên, sau khi choáng váng bởi câu nói mà chính họ cũng phải mường tượng ra một viễn cảnh tồi tệ cho vụ việc “cầu nguyện đòi đất”, thói chống chế lại xuất hiện một cách “cuồng tín” hơn. Lời chủ chăn bao giờ cũng “là vàng, là ngọc” cho dù họ hiểu rằng lời nói của ông Ngô Quang Kiệt đã bị cả xã hội lên án, dù có bao biện ở trong bất cứ ngữ cảnh nào. Những người cầu nguyện ngồi vỗ tay khi nghe lại lời ông Tổng Kiệt đã minh chứng rằng họ không còn đủ đầu óc bình tĩnh và sáng suốt để lắng nghe những gì mà cả xã hội đang nói. Đó cũng là chiến dịch thông tin mà các chủ chăn đưa ra: chỉ đọc những bài viết trên các trang nhà Công giáo thôi.

Đây cũng chính là những gì mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đã bị hớ sau khi nhận được đơn đề nghị xử lý theo giáo luật của chính quyền Hà Nội đối với ông Ngô Quang Kiệt và một số giáo sĩ bên nhà thờ Thái Hà. Hội đồng Giám mục Việt Nam, dưới chữ ký của ông Nguyễn n Nhơn đã viết: “Chúng tôi thấy các vị này không làm bất cứ điều gì ngược lại với giáo luật hiện hành của Giáo hội”. Và cũng không kém phần thách thức tuy có khiêm nhường hơn “Đơn khiếu nại khẩn cấp” của ông Tổng Kiệt, đó là việc gửi theo một văn bản đính kèm có tên là “Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay”.

Có thể nói, phát ngôn chính thức của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng được xem là một phát ngôn “lỡ lời” không thua kém gì phát ngôn của ông Tổng Kiệt. Vì cả xã hội và chính quyền, nhà nước đang lên án những hành vi vi phạm pháp luật và câu nói có ý miệt thị dân tộc như vậy thì Hội đồng Giám mục Việt Nam lại thấy “không vi phạm giáo luật gì cả”.

Phải nói rằng chính quyền Hà Nội rất khôn ngoan khi yêu cầu Hội đồng Giám mục Việt Nam xử lý những “giáo dân” kia theo giáo luật. Vì họ hiểu rằng sẽ không có một thứ giáo luật nào lại cho phép người theo giáo luật ấy có thể vi phạm pháp luật, xuyên tạc, đe dọa, miệt thị nhà nước và dân tộc.

Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cố tình không hiểu ý tứ này hay do vụ việc cầu nguyện đòi đất đã được họ “hiệp thông” từ trước. Nếu không có sự “hiệp thông” ấy, một mình ông Tổng Kiệt có thể ngạo mạn như vậy không?

Bất cứ ai có một chút kiến thức về pháp luật và chính trị khi đọc đơn “Khiếu nại khẩn cấp” của ông Ngô Quang Kiệt cũng có thể hiểu rằng, ông ta đang tự cho phép đặt mình cao hơn pháp luật Việt Nam. Và những lời lẽ ấy, khó ai có thể tưởng tượng rằng đó là lời nói của một công dân, bởi ai cũng nghĩ rằng hình như đó là một bản cảnh cáo của Chủ tịch nước hay Thủ tướng Chính phủ đối với một tổ chức vi phạm pháp luật thì đúng hơn:

“Đài Truyền hình đã đưa tin về dự án, trong đó đã xuyên tạc nội dung và hình ảnh để dọn đường dư luận cho việc làm bất chấp luật pháp này”.

“Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đang tiến hành. Vụ việc này là hành động bất chấp nguyện vọng của cộng đồng Công giáo, bất chấp luật pháp và coi thường tổ chức Giáo hội Công giáo Việt Nam. Việc này cũng là hành động chà đạp lên đạo đức, lương tâm mọi người trong xã hội đối với tôn giáo được nhà nước công nhận.

Chấm dứt ngay hàng động phong tỏa Tòa Tổng Giám mục và việc phá hoại tài sản 

“Trả lại nguyên trạng khu đất cho chúng tôi sử dụng vào mục đích tôn giáo, phục vụ cộng đồng”.

Thành phố Hà Nội phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những điều có thể xảy ra trong việc chiếm đoạt tài sản của chúng tôi. Chúng tôi có quyền sử dụng mọi khả năng có thể để bảo vệ tài sản của chúng tôi

“Yêu cầu có sự can thiệp khẩn cấp của ngài Chủ tịch nước, ngài Thủ tướng Chính phủ, chính quyền Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan để dừng ngay những hành động này”.

Với những lời lẽ này, hình như quan tòa đã trở thành tội phạm. Và hình như ông Tổng Kiệt đang thay thế vai trò của nhà nước thì phải. Vì sao ông Tổng này đặt mình ở thế ngang hàng, thậm chí cao hơn pháp luật như vậy? Phải chăng ông cho rằng Tòa Tổng Giám mục Hà Nội là “Bộ ngoại giao” của Vatican. Phải chăng Hội đồng Giám mục Việt Nam là “nhà nước mới” của Vatican tại Việt Nam?

Hồng y Phạm Minh Mẫn, một số Giám mục tại các tỉnh a-dua hiệp thông “cầu nguyện”. Hội đồng Giám mục Việt Nam giả bộ như ngây như điếc không ý kiến gì. Tất cả như một động lực để ông Tổng Kiệt “Thay Chúa Trời hành đạo” bằng các luật của riêng ông ta. Tức là “đòi” một mảnh đất của chính quyền thực dân cấp, không cần biết mảnh đất đó đã bị Giám mục Puginier và giáo gian bán nước Nguyễn Hữu Độ dùng thủ đoạn cướp chùa Báo Thiên, một ngôi chùa nổi tiếng nhất tại kinh thành Thăng Long. Chắc ông Tổng Kiệt cũng phải hiểu rằng một mảnh đất đi chiếm đoạt bằng đầu óc thực dân xâm lược thì vĩnh viễn không bao giờ xứng danh sở hữu chủ. Và ông phải hiểu hệ quả của việc mất di sản không phải là mất một mảnh đất đơn thuần mà là mất chủ quyền dân tộc. Chỉ khi mất chủ quyền dân tộc thì di sản mới bị ngang nhiên cướp phá như vậy.

Sau khi ông Tổng Kiệt dùng những lời lẽ hống hách trong “Đơn khiếu nại khẩn cấp” ấy, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã không đủ khả năng phân tích lá đơn một cách bình tĩnh, còn để ông Tổng Kiệt cho bắc loa công suất lớn phát đi những lời lẽ này. Và sau khi được triệu lên “làm khách” với UBND Tp. Hà Nội, ông ta vẫn giữ thái độ “Chủ tịch nước” của mình “Tôi không tranh chấp với nhà nước”, giống như một chủ thể ngang hàng. Và những lời lẽ phơi bày lòng dạ đã được phát ra: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”.

Những mong muốn “đất nước lớn mạnh”, “đoàn kết”, “đi đâu cũng được người ta kính trọng” của ông Tổng Kiệt luôn trái với những gì ông ta làm và kích động những “giáo dân” (trước khi làm giáo dân phải làm tốt vai trò của một công dân) cuồng tín làm.

Tuy nhiên khi câu nói của ông Tổng Kiệt được phát đi, chiến dịch truyền thông Công giáo lại vào cuộc bao biện, bào chữa cho lời Tổng Kiệt là nằm trong “ngữ cảnh” mong đất nước phát triển lớn mạnh, đoàn kết… Thế nhưng một điều chéo ngoe là trước khi câu nói của Tổng Kiệt chưa phát ra thì không có một thông tin Công giáo nào mong đất nước này phát triển, đoàn kết cả mà hình như họ đang nhìn Cộng sản và những gì liên quan đến Cộng sản là đầy dẫy tham nhũng, xấu xa, là “quỷ satan” với những ngôn ngữ đầy hằn học, bực tức, miệt thị, thậm chí còn rêu rao về một cuộc lật đổ chế độ…

Những ngôn ngữ ấy trong truyền thông Công giáo không biết đang cổ vũ cho sự đoàn kết, phát triển lớn mạnh ở nước nào vậy? Nếu ở cái nước Việt Nam này thì sao lời nói và việc làm của họ lại xa cách nhau như thế? Dù họ có cắt xén câu nói trong “ngữ cảnh” như thế nào thì họ cũng không thể cắt xén được cái dã tâm của những người cầu nguyện. Vì căn bản dã tâm đã như vậy thì ngôn ngữ phải tương đồng thôi. Không thể có một đất nước nào “đoàn kết” và “lớn mạnh” khi người ta bất chấp luật pháp và cả lương tâm lịch sử như vậy. Vì với những gì mình đã ứng xử với dân tộc, với các tôn giáo khác mới chỉ là một quá khứ không xa, chẳng lẽ cả một Giáo hội với bao nhiêu bộ óc chứa đầy tri thức lại không thể chứa nổi một chút lương tâm và lòng hổ thẹn nào sao?

Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã phải chính thức xin lỗi nhân loại với việc công bố 7 núi tội của đạo Công giáo với loài người, chắc chắn trong đó phải có núi tội trong ứng xử với dân tộc Việt Nam. Và một trong những điều đáng hổ thẹn nhất chính là Giáo hội của “tình yêu vô bờ” ấy đã xúi giục Mỹ bỏ bom nguyên tử tại miền Bắc.

Nếu đã có quá nhiều những thái độ chống đối như vậy thì cứ ngang nhiên làm kẻ chống đối việc gì phải vội núp vào cái “ngữ cảnh” mà rất nhiều những mong muốn hão huyền như vậy. Đó chẳng phải là lật lọng sao?

Ông Tổng Kiệt đã không làm chủ được lời nói và hành động của mình đã đành vì nó mang tính cá nhân, nhưng ngay cả Hội đồng Giám mục cũng không làm chủ được ngôn từ và hành động của mình thì những giáo dân chân chính biết đặt niềm tin vào ai để xây dựng một giáo hội “đồng hành cùng dân tộc”. Nếu nhất quyết đi theo đường lối của “Thư Chung” thì tại sao Hội đồng Giám mục Việt Nam lại vội vã viết: “Chúng tôi thấy các vị này không làm bất cứ điều gì ngược lại với giáo luật hiện hành của Giáo hội”.

Có thể họ chưa xem dư luận xã hội ra gì cả. Và để chứng minh “quyền lực thực thụ” của mình để cổ vũ cho những bộ óc hiếu kỳ về những tham vọng chính trị, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng theo tổng Kiệt đặt “giáo luật” của mình cao hơn pháp luật nhà nước. Nếu ai đã đọc lịch sử thực dân và chính sách của đạo Công giáo thì thấy điều này có sự tương đồng kinh ngạc với lịch sử truyền giáo của họ. Không lúc nào coi pháp luật triều đình ra gì cả:

Không chối cãi được, một số Giám mục Pháp đã hùa với các nỗi ghen ghét, hận thù sục sôi ở nơi họ sống; họ làm hại các con chiên một cách nghiêm trọng khi đẩy những người này vào một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ An Nam.
Việc chinh phạt của Pháp chỉ là cái cớ bề ngoài, còn lý do căn bản là sự tranh chấp phe phái. Nên để ý là một số vụ nổi loạn do những kẻ tự xưng là con cháu nhà Lê đều có các viên chỉ huy là Thiên Chúa giáo… Cầm đầu các đám tín đồ Thiên Chúa đi cướp bóc, đốt phá các làng phi Thiên Chúa và triệt hạ chùa chiền thường là các linh mục hay các kẻ truyền đạo: họ bổ nhiệm các viên đội, tụ tập binh lính mà đa số, theo lời thú nhận đều là đầu trộm đuôi cướp
” (Philastre gửi Dupré, 15-1-1874, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 13506 số 4 – Theo Luận án tiến sĩ của Cao Huy Thuần).

“Chúng tôi thấy một số lớn làng bị thiêu rụi. Khổ thay, cứ mỗi lúc, các tín đồ Thiên Chúa giáo thấy kẻ thù của họ biến mất, hoặc họ tự thấy mình mạnh hơn thì họ lại đi hành quân, trả thù không gớm tay, rồi đến phiên họ lại đốt và giết. Hầu hết họ đều có võ trang, và tôi tin rằng, chính các nhà truyền giáo cũng không ngăn cản nổi. Đó là điều đáng tiếc, vì các quan mới từ Huế ra đều nhân cớ đó mà xác nhận rằng, chính các tín đồ Thiên Chúa gây sự, chính những người này là nguyên nhân đầu tiên của mọi đau khổ. Hơn nữa, vì những con chiên có nhiều khí giới, nên họ sẵn sàng xem những con chiên là những kẻ làm loạn” (Báo cáo của Harmand ngày 24-1-1874, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 11689/54 - sđd).

“Tôi tin rằng Giám mục Gauthier và Giám mục Purinier nhất là ông sau này không chịu nổi ý kiến một giải pháp hòa bình cho vấn đề: giải pháp này sẽ phá tan hy vọng của họ mong muốn thấy một chính phủ riêng biệt, chính phủ này có lẽ sẽ là một chính phủ Công giáo. Các tín đồ Công giáo lại càng phóng đại hơn nữa các ý tưởng đó và xúi giục các linh mục, các người chăn dẫn họ để đưa đến một sự đổ vỡ mới giữa hai chính phủ… Suốt ngày chúng tôi nhận tới tấp các báo cáo và các lời yêu cầu đem quân chinh phạt các tỉnh đó” (Thư Philastre gửi Dupré, 15-1-1874 - sđd).

“Điều 9 luôn luôn đem lại cho chúng ta các khó khăn, vì rằng các con chiên đã làm bậy khi lập nên một chính đảng chính trị muốn ở ngoài pháp luật của xứ này và tự cho là độc lập. Không có nước nào vô tư cho bằng nước An Nam về vấn đề tôn giáo, và nếu các phái bộ chỉ lo giảng đạo, họ không có gì phải lo cả” (Rheinart gửi thống sứ Le Myro de Vilers, 19-8-1879, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 10443/8 - sđd).

“Viên Tổng đốc và các viên Tri phủ trong một tỉnh Trung Kỳ đã kể với tôi rằng các tín đồ Thiên Chúa giáo không tuân lệnh nộp thuế và làm xâu…. Tôi hỏi tại sao không dùng sức mạnh buộc họ phải theo như đã làm đối với người Phật tử, viên Tri phủ tại một phủ có nhiều người Thiên Chúa giáo sinh sống trả lời: “Chúng tôi thường cố gắng làm như thế, những nhân viên của chúng tôi bao giờ cũng được trả lời bằng những phát đạn” Hầu như khắp nơi ở Bắc cũng như Trung Kỳ, các tín đồ Thiên Chúa giáo hoặc đã ít nhiều tranh né các bổn phận mà những người Việt Nam khác phải làm, và trong việc kháng cự này, họ được các giáo sĩ khuyến khích. Kết quả tự nhiên là một mối hiềm thù sâu xa giữa hai hạng dân và là nguyên nhân của các hỗn loạn ở địa phương, nhất là tại các tỉnh Bắc, Trung Kỳ” (Văn thư về tình hình chính trị và kinh tế ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, 13-7-1887, Thư khố Bộ Pháp quốc hải ngoại, A00 (22) hộp 2 – sđd).

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng, nhưng phần nào cũng chỉ ra những tính chất “không thấy điều gì ngược lại với giáo luật hiện hành của giáo hội”. Vẫn còn có một thứ “giáo luật hiện hành” cho phép được vi phạm pháp luật và coi thường nhà nước như vậy ở thế kỷ 21 này. Hội đồng Giám mục Việt Nam đang muốn chơi con bài chính sách “ngoại thuộc” hay sao?

Điều đáng nói, sau thư phúc đáp này của Hội đồng Giám mục, nhiều trang nhà Công giáo đã đăng lại để một lần nữa tôn vinh “Hội đồng anh hùng” sau khi đã tôn vinh “cá nhân anh hùng – Tổng Kiệt” vì câu nói bất hủ: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”. Câu nói này đáng ghi vào lịch sử truyền đạo của những bậc “cha chú”: “Không có sự hộ trợ của giáo dân Việt Nam, quân Pháp như con cua bị bẻ gẫy hết càng, không có cách gì để có thể xâm chiếm nổi Việt Nam” (Giám mục Puginier); “Thà mất nước, chứ không thà mất Chúa” (Linh mục Hoàng Quỳnh).

Khi Hội đồng Giám mục trả lời thư với Chính quyền Thành phố Hà Nội, họ được những “giáo dân” ca lên tận may xanh khi dám bày tỏ “quan điểm” trực tiếp với Chính quyền Thành phố Hà Nội và gián tiếp với Nhà nước Việt Nam (một thứ quan điểm hổ lốn và rỗng tuếch đã được Trần Điều phân tích). Tuy nhiên, họ đã sai lầm khi sử dụng từ “quan điểm” ở đây. Vì “quan điểm” thể hiện trong thời điểm này chính là đồng lõa. Mà vi phạm pháp luật nhà nước mà đồng lõa thì phạm tội giống như nhau. Cả một Hội đồng Giám mục biến mình thành “Tổng Kiệt” thứ 2. Điều này chẳng những không khôn ngoan mà còn đi ngược lại với phát biểu về một giáo hội muốn “đồng hành cùng dân tộc”.

Sau “quan điểm” này của Hội đồng Giám mục Việt Nam, người ta chú ý đến phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Ủy viên Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an trên báo Công An Nhân Dân như một tuyên bố công khai ở cấp cao nhất về vụ “cầu nguyện đòi đất” của ông Tổng Kiệt và giáo phận mà ông ta đang quản nhiệm:

“Với Việt Nam chúng ta, cũng như rất nhiều quốc gia lịch sử có chiến tranh khác trên khắp thế giới, quyền sở hữu, sử dụng đất đai là một vấn đề hết sức phức tạp. Thế kỷ trước, dưới chế độ thực dân xâm lược, Pháp chiếm đất đai rồi cung cấp cho các đối tượng từ những sở hữu gốc có thể là của Phật giáo, có thể là của các tổ chức, cá nhân khác. Khi đất nước độc lập, luật pháp Việt Nam qui định rõ đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý. Mọi đối tượng chỉ được quyền sử dụng khi được Nhà nước cấp phép”.

“Nguyên nhân đầu tiên tôi cho rằng nhiều giáo dân chưa hiểu biết về luật pháp. Còn một nguyên nhân khác nữa là một thiểu số lãnh đạo giáo phận Hà Nội lợi dụng chính sách tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước để đòi quyền lợi không chính đáng, bất hợp pháp. Họ hy vọng nơi này, nơi kia, thế lực này, thế lực khác ủng hộ để gây mất ổn định. Nhưng họ quên mất rằng, thế giới bây giờ sống trong tinh thần thượng tôn pháp luật, vì vậy, dư luận khó có thể đồng tình với vụ việc do một số chức sắc của giáo phận Hà Nội kích động giáo dân gây ra ở Thủ đô; bởi nếu nơi nào ủng hộ thì vô hình trung tạo tiền đề cho bản xứ của họ cũng sẽ dẫn đến đòi những cái không thể giải quyết”.

Nói đến những phát ngôn và hành động của TGM Ngô Quang Kiệt, ông Nguyễn Văn Hưởng nói:

“Trước hết là đối với chính bản thân ông Ngô Quang Kiệt bị mất uy tín. Bởi lẽ, một đức cha, một vị giám mục giáo phận Thủ đô phải rất am hiểu pháp luật, và hơn ai hết phải là người hành xử sao cho đúng với ý nghĩa sống phúc âm trong lòng dân tộc. Thật tiếc là ông ấy đã không làm được như vậy.

Giáo phận Hà Nội luôn có vị trí quan trọng đối với đất nước, thì việc làm của ông Tổng giám mục sẽ tạo ra sự nhìn nhận ra sao về Tòa giám mục Hà Nội. Đây không còn là câu chuyện riêng của ông Ngô Quang Kiệt, bởi vậy ông đã làm mất uy tín của giáo phận Hà Nội.

Quan trọng hơn là ông Kiệt đã làm tổn hại mối quan hệ giữa Giáo hội với chính quyền Hà Nội bằng việc bất hợp tác, vu cáo chính quyền, kích động, tổ chức cho giáo dân làm việc phi pháp… Ông làm tổn hại đến mối đoàn kết trong cộng đồng, giữa giáo dân với lương dân.

Dù muốn dù không, nhưng hình ảnh đẹp đẽ của những giáo dân ngoan đạo, hiền lành ít nhiều đã bị phai nhòa, thay vào đó là hình ảnh những con người hung hãn đập phá tài sản chung, mang những vật linh thiêng của giáo phái đặt ở những nơi nhếch nhác để thờ tự…

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng chính Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt còn gây khó khăn cho mối quan hệ của Va-ti-căng với Việt Nam”.

Khi Thứ trưởng Bộ Công an đã lên tiếng chính thức như vậy thì việc chính quyền sẽ sử dụng đến biện pháp mạnh nếu ông Tổng Kiệt tiếp tục kêu gọi giáo dân “cầu nguyện” chiếm phá đất bằng “kinh Hòa Bình” và khẩu hiệu “công lý và hòa bình”.

Hội đồng Giám mục Việt Nam còn có một cơ hội để lên gân “quan điểm” của mình trước Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Và không như mong chờ ở lần “viếng thăm Tòa khâm”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mềm mỏng nhưng nghiêm khắc.

Thủ tướng khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam được đảm bảo bằng pháp luật và phải được thực hiện trên cơ sở thượng tôn pháp luật, không thể chấp nhận việc lợi dụng tự do tôn giáo để có các hành vi vi phạm pháp luật, càng không nên cho rằng làm đúng giáo luật là không trái pháp luật hay chỉ làm theo giáo luật còn bất chấp pháp luật. Mọi tín đồ tôn giáo Việt Nam, trước hết là công dân Việt Nam. Một tín đồ tốt phải là một công dân tốt.

Thủ tướng cũng tỏ thái độ nghiêm khắc phê phán những thành vi vi phạm pháp luật, tập trung đông người cầu nguyện đòi đất, dựng ảnh tượng, thánh giá, làm lều bạt, phá hoại tài sản công cộng, chống người thi hành công vụ xảy ra ở giáo xứ Thái Hà, 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung Hà Nội vừa qua. Thủ tướng đánh giá cao về thái độ của Hội đồng Giám mục Việt Nam là không có chủ trương đó và yêu cầu Hội đồng Giám mục Việt Nam có những quyết định để chấm dứt cũng như không lặp lại những việc làm sai trái đó, nếu không sẽ ảnh hưởng không tốt tới quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước và Giáo hội cũng như tới quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đang trên đà phát triển tích cực.

Thủ tướng tỏ ý lấy làm tiếc và bày tỏ không hài lòng về những việc làm sai trái của Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt trong thời gian gần đây như chủ trương, tổ chức và ủng hộ những hành vi vi phạm pháp luật của một số giáo sĩ, giáo dân tại 42 Nhà Chung và khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội, thiếu tôn trọng và hợp tác với chính quyền Hà Nội, trong đối thoại để tìm giải pháp thích hợp, có những lời lẽ thách thức Nhà nước, có những phát ngôn dù trong ngữ cảnh nào cũng thể hiện sự xúc phạm đối với đất nước dân tộc, coi thường vị thế đất nước và tư cách công dân Việt Nam trong mối tương quan với thế giới.

Thủ tướng cho rằng những lời nói và hành vi của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã làm giảm sút lớn uy tín của ông trong cộng đồng Công giáo Việt Nam và trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và chính quyền Hà Nội, giữa Nhà nước và Hội đồng Giám mục Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt tự xem xét lại những hành vi của mình để có cử chỉ sửa mình và hành động thiết thực để khắc phục những sai trái vừa qua, mong muốn Hội đồng Giám mục Việt Nam với tinh thần đồng đạo và vì lợi ích chung hỗ trợ và giúp đỡ Tổng Giám mục Kiệt nhiều hơn nữa, trước hết chấp hành pháp luật.

Thủ tướng cũng giải thích thêm với các giám mục về thiện chí đối thoại chân thành hòa bình của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương đối với việc giải quyết vụ việc ở 42 Nhà Chung và giáo xứ Thái Hà vừa qua, không chủ trương và thực hiện vũ lực, nhưng đối với các hành vi chống lại Hiến pháp và pháp luật thì quốc gia nào cũng phải sử dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

Thủ tướng cũng cho rằng việc thông tin về các sự việc vi phạm pháp luật ở 42 Nhà Chung và giáo sứ Thái Hà vừa qua là cần thiết và cơ bản là chính xác, còn những ý kiến đóng góp ý về nội dung, cách thức đưa tin, các cơ quan truyền thông sẽ sẵn sàng lắng nghe và cùng trao đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng và xã hội.

Tất cả những “quan điểm” của Hội đồng Giám mục Việt Nam nêu ra qua văn bản “Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay”, đều được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra và phê bình một cách nghiêm khắc.

Hội đồng Giám mục Việt Nam không còn cách gì hơn phải công khai đặt mình ra ngoài “chủ trương” của ông Tổng Kiệt, bằng không thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không thể “đánh giá cao” việc làm của Hội đồng Giám mục Việt Nam được.

Một bài học sâu sắc nhất mà Hội đồng Giám mục Việt Nam rút ra được sau cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đó là: “Chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam được đảm bảo bằng pháp luật và phải được thực hiện trên cơ sở thượng tôn pháp luật, không thể chấp nhận việc lợi dụng tự do tôn giáo để có các hành vi vi phạm pháp luật, càng không nên cho rằng làm đúng giáo luật là không trái pháp luật hay chỉ làm theo giáo luật còn bất chấp pháp luật. Mọi tín đồ tôn giáo Việt Nam, trước hết là công dân Việt Nam. Một tín đồ tốt phải là một công dân tốt”

Hội đồng Giám mục Việt Nam có những quyết định để chấm dứt cũng như không lặp lại những việc làm sai trái đó, nếu không sẽ ảnh hưởng không tốt tới quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước và Giáo hội cũng như tới quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đang trên đà phát triển tích cực.

 

 Thường Trung