Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2008

ĐỌC “PHẬT TẠI TÂM! TÂM TẠI Ý. Ý TẠI HÀNH ĐỘNG. HÃY HÀNH ĐỘNG TỐT”


Thú thật, đọc xong bài viết này trên vietimes.vietnamnet.vn, tôi suy nghĩ và thắc mắc rất nhiều. Vì hình như tác giả Đỗ Hòa do đứng ở một “vị trí” không thiện cảm với chùa nên mới để cho bức xúc, xen lẫn tỵ hiềm, không kiểm soát được ngôn ngữ, dẫn đến thái độ bất kính với Đức Phật. Vì thế tôi dám nói rằng Đỗ Hòa không phải là người Phật tử, và cũng không phải người biết “lên chùa” như một cách để tìm sự bình thản cho tâm hồn…

Xin xem tại đây http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/nguoiquansat/6046/index.viet

Xemcập nhật ý kiến độc giả: http://phattuvietnam.net/index.php?nv=News&at=article&sid=4669

Đã là người Phật tử, điều đầu tiên là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào không bao giờ bất kính với Đức Phật, vì Đức Phật bao giờ cũng tuyệt đối thiêng liêng, và cũng không mượn danh Đức Phật vào bất cứ sự mỉa mai nào mang tính thế tục. Với bài viết như khẩu hiệu “Phật ở trong tâm… Hãy hành động tốt”, tôi không biết trong tâm Đỗ Hòa có Phật, động cơ bài viết có trong sáng, có mang tính xây dựng hay không?

Với khẩu hiệu “hãy hành động tốt” và những nội dung chủ quan, phiến diện trong bài viết trên, tôi thấy có gì đó “lệch lạc” không lương thiện trong dẫn chứng của tác giả Đỗ Hòa này. Vì trước tiên nói đến cái tốt (thiện) nhằm nói rằng hiện thực đang xấu (ác). "Tốt xấu" này thuộc phạm trù của đạo đức. Nhưng có những cái xấu không liên quan đến đạo đức (tốt) mà liên quan đến cái đẹp (xấu đẹp). Vậy cái xấu đó thuộc phạm trù thẩm mỹ. Không ai nói người mặc áo sát nách, mặc quần cộc, ngáp, nói cười to tiếng, sức nước hoa sặc mùi… là xấu (theo nghĩa liên quan đến đạo đức - tốt). Thế thì nói đến những hành vi xấu này là nói đến cái chưa đẹp. Cái chưa đẹp thì sẽ có cơ hội để làm cho nó đẹp. Nhưng hành vi này thuộc quan hệ thẩm mỹ, không thuộc quan hệ đạo đức. Cũng như vậy, người nhổ nước miếng bừa bãi nơi cửa chùa tôn nghiêm, đó là một hành vi thiếu thẩm mỹ, chưa thể nói đó là một hành vi xấu (ác). Vậy thì với những hành vi kiểu này chúng ta chỉ có thể khuyên họ sống đẹp (mỹ), chứ chưa thể bảo họ là phải sống tốt (thiện).

Có thể nói việc nâng cao hành vi ứng xử sao cho đẹp, cho thiện, cho chân là việc làm mà tôn giáo và các tổ chức xã hội đang cố gắng quan tâm, điều chỉnh, khuyến khích mọi người.

Ngày xưa, các vị thiền sư còn để nhà nho viết văn bài xích những tệ đoan trong chốn chùa chiền của Phật giáo và cho khắc bia dựng ở chùa, nhưng đó là có ý răn đời, dạy người và đặc biệt có tính xây dựng. Vì vậy, chính những người viết văn bài xích đó sau này đã cảm mến tinh thần khoan dung ấy mà trở về quy ngưỡng Phật giáo. Chúng ta tiếp nối tinh thần ấy của người xưa, nhưng tuyệt nhiên, không chấp nhận hành vi nào xem thường các giá trị trị tâm linh, đặc biệt là Đức Phật cũng như giáo lý của ngài.

Đọc đoạn viết như thế này, ai có thể tin Đỗ Hòa nêu cao “Phật ở tại tâm… Hãy hành động tốt”: “Với quan niệm: Phật cũng là người mà nên, Phật tử đi chùa giờ cũng góp phần làm cho đức Phật được mở mang tầm mắt, được “mát con mắt bên trái mà sướng con mắt bên phải” với các loại trang phục đủ loại sắc màu, đủ loại kiểu dáng. Từ sooc ngắn, lỡ, ngố, loe dài cho đến các loại váy, đầm liền thân, đầm dời. Áo thì lửng tay, sát nách! Cô nào mát mẻ, sành điệu hơn tí nữa thì áo hai dây tung tăng đi chùa. Gặp tiết trời nóng, lại leo đường núi mệt quá rồi thì các Phật tử cũng chẳng ngần ngại mà cởi phanh áo ngoài, diện luôn cái áo mỏng manh, trong suốt ở trong. Nhẹ nhành hơn thì phanh một vài cái cúc trên, còn ở dưới thì buộc túm lại để lộ cái rốn xinh xinh giống các ca sĩ nhà mình vẫn làm khi lên sân khấu đó”.

Đọc đến đây, tôi chợt hiểu ra những ngầm ý chất chứa nhiều sự không lương thiện ở bên trong. Trong đầu óc Đỗ Hòa, chốn đền chùa chỉ toàn hành động không tốt. Có thể nói, cách nói nhiều khi còn quan trọng hơn vấn đề mình muốn nói. Cách nói chỉ cho ta thấy thái độ lương thiện, xây dựng ở trong tâm người viết. Chúng ta phải nên cẩn thận với những bài viết kiểu này, bằng không sẽ bị những từ “Phật Tâm… Hãy hành động tốt” làm lạc hướng nhận thức, hiểu sai về giá trị tâm linh và sức sống phong phú của Phật giáo.

Đỗ Hòa mở đầu bài viết thế này: “Linh thiêng, tôn nghiêm, yên tĩnh, thanh bình... cái người ta nghĩ, mong tìm được khi đến không gian đình chùa là vậy! Vậy nhưng dường như, những điều ấy chỉ còn là một sự viễn tưởng trong ẩn ức xa xưa”.

Không gian, thời gian của đình chùa nào đang không còn linh thiêng, tôn nghiêm, yên tĩnh, thanh bình? Đỗ Hòa cần phải lương thiện và công bằng nói cho rõ ra, không nên kết luận một cách võ đoán như thế. Phải chăng với những dòng viết này, tác giả đang khuyến khích mọi người không cần đền chùa nữa? Tôi ngờ rằng Đỗ Hòa đang tự đề cao “tôn giáo” riêng nào đó của mình.

Chúng ta nên phân biệt những thành phần khác nhau khi đến chùa và danh xưng Phật tử cho đúng mực. Hầu hết những Phật tử có quy y đều cảm thấy hạnh phúc khi đến chùa. Ngày ngày mà không đến chùa tụng kinh, niệm Phật là thấy nhớ, thấy thiếu một cái gì đó thân thiết, gần gũi. Tâm bình thì thế giới bình. Tâm an thì xứ xứ an. Tâm bình thì ở chốn chợ búa bát nháo vẫn tìm thấy bình an. Tâm loạn thì dù cho có ngồi vào một nơi thật yên tĩnh cũng không làm cho lòng mình hết phiền não, tham sân.

Còn những người đi lễ chùa, ăn mặc hở hang, khạc nhổ, phấn son lòe loẹt…, chắc chắn nếu hỏi ra thì đó chỉ là người đi lễ chùa bình thường, người tự nhận mình là “Phật tử”, hay là khách thập phương, khách du lịch, họ ưa mến cảnh chùa thì vào viếng thăm, hoặc vì mục đích nào đó nghĩ chùa Phật là linh thiêng nên tìm đến cầu cúng.

Và chính vì người Phật tử chúng ta trăn trở với điều ăn mặc, nói năng, của du khách thập phương, nhưng cũng không muốn đuổi họ, làm họ xa lánh Phật giáo, nên chúng ta mới ghi nội quy, mang tính răn cấm để đánh vào lòng tự ái của du khách, nhằm giảm bớt những hình ảnh không đẹp mắt chốn cửa thiền. Biết đâu đi lễ vài lần, câu kinh Phật thấm vào tai về nhà lại chỉnh sửa hành vi, và một ngày nào đó thấy thương mến chùa, tìm đến chùa chính thức xin quy y làm Phật tử đúng nghĩa.

Nếu hỏi các vị trụ trì, chúng ta sẽ không thiếu những ví dụ về những con người mà trước đó đến lễ chùa không đẹp mắt, thô tháo ra làm sao, và nay lại chuyển biến biết cung kính, và có uy nghi khác hẳn như thế nào. Đó chính là cửa thiền bao dung, rộng mở đối với khách thập phương, đó chính là sức cảm hóa của đời sống những vị tu sĩ, của giáo lý Phật giáo.

Tôi rất chú ý đến lời nhắc nhở của đa số các vị thầy mà tôi có dịp viếng chùa. Lúc đầu tôi cũng phê phán những hành vi cầu cúng, xin lợi bán buôn… và tôi luôn cho rằng đó là mê tín, dị đoan. Hầu hết các thầy đều ôn tồn, mỉm cười giải thích gần giống như nhau, và đặc biệt thể hiện tâm từ bi, khoan dung, không nhìn lỗi xấu của người rất rõ.
Điểm thống nhất chung trong lời khuyên của các vị thầy là như thế này: những người lạ mới vào chùa chỉ cần nhìn cách đi đứng, nói năng, ăn mặc là biết ngay không phải Phật tử. Nhưng họ có duyên với đạo Phật nên mới tìm tới cửa chùa. Một hiệu Phật rót vào tai cũng có công đức, huống chi là miệng có thể niệm Phật, tay có thể vái Phật, đầu có thể cúi lạy Phật. Còn những đến cầu xin tài lộc, cầu hại cho người, không thầy nào dạy Phật tử như vậy cả. Bảo họ là mê tín không có nghĩa là chúng ta xa lánh, ruồng bỏ hay tức giận mà đuổi họ. Họ là những người đang đau khổ và rất đáng thương. Ở đời khó tìm được người có lòng tin tâm linh. Vậy thì nhiệm vụ của các thầy, của người Phật tử là phải chuyển cái “mê tín” của họ thành cái “chánh tín”. Mê và ngộ chỉ trong gang tấc. Không có lẽ vì thấy họ mê mà chúng ta hắt hủi, bỏ đi một hạt giống Phật hay sao? Lượng người này trong xã hội còn nhiều lắm, chúng ta phải kéo họ về với Phật giáo. Tính đặc thù của Phật giáo là cửa chùa luôn gần gũi rộng mở với dân chúng có tin ngưỡng tôn giáo cũng như không có tín ngưỡng tôn giáo. Nhà thờ và các tôn giáo khác có được không khí gần gũi với nhiều thành phần dân chúng như vậy không? Đây là một ưu điểm nhưng cũng là điều có lúc sẽ làm cho chúng ta có lúc phải buồn lòng. Vì thế phải biết phát khởi tâm nhẫn và phải có lòng từ bi. Điều này quyết định cho việc cảm hóa người đời.

Từ những dịp tiếp xúc với quý thầy như vậy, tôi chuyển hẳn thái độ coi thường đối với những người đến lễ chùa với những hình ảnh không mấy đẹp mắt và thiện cảm trước đó. Và đến bây giờ, tôi nghĩ thật may mắn khi vẫn còn điều gì đó run rủi họ tìm đến với cửa chùa, tức là còn có cơ hội để chuyển hóa hành vi. Nếu người Phật tử không thể có niềm tin, lòng lạc quan và sự bao dung, rộng lượng thì người Phật tử còn mất nhiều thứ hơn nữa, xa rời cuộc sống hơn nữa. Chúng ta vừa chứng kiến những ngày tôn xưng Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông với tư tưởng “cư trần lạc đạo”, “hòa quang đồng trần” (hòa ánh sáng vào cát bụi)… lẽ nào chúng ta không hiểu việc đời là do “gió động” hay “tâm động”? Tâm động thì thấy cái gì cũng động, cũng xấu.

Nếu bài viết của Đỗ Hòa không có ý coi thường Phật như trên, tôi có thể xem đây là bài viết có tính xây dựng. Nhưng Đỗ Hòa là người có chủ tâm không lương thiện, khi quy đồng danh xưng Phật tử vào các biểu hiện không đẹp như trên, thâm chí còn gắn họ với lời cầu “ngoại tình không bị phát hiện”… Khái niệm “lên chùa” được người Phật tử chúng ta nhắc đến một cách trịnh trọng thì Đỗ Hòa viết: “Lên chùa để khạc nhổ? Lên chùa để diễn thời trang quần sooc, áo hai dây? Lên chùa để móc túi, để trộm cắp? Hay lên chùa để xóc đĩa, ba cây? Lên chùa để làm từng ấy việc sao?”. Đây hoàn toàn không phải người Phật tử, nhưng đã được Đỗ Hòa luồn vào rất khéo trong bài viết, dẫn đến sự ngộ nhận đáng tiếc của nhiều người không có đạo, hoặc khác đạo Phật, làm xấu hình ảnh của biết bao nhiêu Phật tử chúng ta.

Dù có liên hệ tới tâm trạng ngòi bút nào của Đỗ Hòa, tôi cũng thấy ẩn hiện ở đó những suy nghĩ có động cơ không trong sáng, nhằm chống phá Phật giáo.

Với những bài viết kiểu xem lẫn một vài khái niệm nhà Phật, nhưng có động cơ không trong sáng này, tôi chỉ biết nhắn gửi người Phật tử một câu: chúng ta hãy không ngừng hoàn thiện mình, bởi đó là cách tốt nhất để báo ơn Đức Phật.

Trần Điều

CHƯ TĂNG THỜI LÝ MẶC Y “TIỂU THỪA”?


Nhân dịp Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, một số website có đăng tin về việc phát hiện “nếp áo Tiểu thừa” trên tượng vua Trần Nhân Tông tại tháp tổ Huệ Quang của tác giả Trần Khánh Linh. Tôi quan tâm đến những chi tiết đã được trình bày sau đây.

“Tượng vua Nhân Tông trong tháp tổ Huệ Quang quả là công trình tuyệt mĩ về mặt mĩ thuật, nhưng đặc biệt hơn cả là pho tượng đó tồn tại trong đó những bí ẩn mà mãi cho đến ngày nay chúng ta mới đặt câu hỏi và bắt đầu trên con đường khám phá: Đó chính là nếp áo tiểu thừa mà những người thợ chế tác cùng thời khoác cho bức tượng.

Như chúng ta đã biết rõ ràng thiền phái Trúc Lâm nằm chung trong hệ thống Phật giáo Đại Thừa vậy nếp áo Tiểu Thừa của đệ nhất tổ một dòng thiền Đại thừa mang ý nghĩa gì?

Tìm lại một chút lịch sử các pho tượng cổ vua Nhân Tông, ngoài pho tượng đặt trong tháp Huệ Quang ra còn có một số pho tượng khác vua cũng mặc áo tiểu thừa: hệ thống ba pho Trúc Lâm tam tổ đặt thờ ở Côn Sơn; ba pho Trúc Lâm tam tổ đặt thờ trong chùa Đồng cũ được xây dựng đầu thế kỷ 20… còn lại đa phần các pho tượng khác vua vẫn mặc áo Đại Thừa.

Giở lại một số sách sử chép về cuộc đời bắt đầu khi vua xuất gia tu hành đến đắc đạo thành Phật ta thấy có một số sự kiện sư sau:

Sách Thánh Đăng Ngữ Lục chép: “Năm Kỷ Hợi Hưng Long thứ 7, tháng 10 bằng cách đi thẳng vào núi Yên Tử, siêng năng tu hành 12 hạnh đầu đà, tự gọi là Hương Vân Đại Đầu Đà”.

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Tháng 8 (năm kỷ hợi) Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường lại xuất gia, vào núi Yên Tử khổ hạnh”.

Sách Thánh Đăng ngữ lục chép lại: Khi mất vua Nhân tông được tôn hiệu Đại thánh Trần triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Huệ Điều Ngự Tổ Phật.

Như vậy có một điều khẳng định là vua Trần Nhân Tông đã tu hành theo pháp giới hạnh đầu đà thuộc Tiểu thừa để rồi sau này đắc đạo thành Phật” (Phát hiện nếp áo tiểu thừa trên tượng Trần Nhân Tông - Vietnamnet).
*
Có thể nói đoạn trích trên đáng chú ý với 2 điểm mà tôi đã in đậm. Với 2 điểm đáng chú ý này, tôi vẫn phân vân và chưa cảm thấy được thuyết phục. Vì vậy, tôi xin gợi ra thêm một số suy nghĩ có căn cứ để chúng ta tham khảo thêm về “nếp áo Tiểu thừa” trên tượng vua Trần Nhân Tông, nhằm đến những giả thiết (hay kết luận) về sau thuyết phục hơn.

- Với chi tiết đáng chú ý thứ nhất: “ngoài pho tượng đặt trong tháp Huệ Quang ra còn có một số pho tượng khác vua cũng mặc áo tiểu thừa: hệ thống ba pho Trúc Lâm tam tổ đặt thờ ở Côn Sơn; ba pho Trúc Lâm tam tổ đặt thờ trong chùa Đồng cũ được xây dựng đầu thế kỷ 20… còn lại đa phần các pho tượng khác vua vẫn mặc áo Đại Thừa”, chúng ta cần phải xác định cụ thể niên đại của những pho tượng có “nếp áo Tiểu thừa” và cả Đại thừa nữa.

Vì rằng, khi tạc tượng Phật, người đời sau cũng có thể sao chép lại mẫu tượng trước đó. Nếu không xác định được những niên đại cùng thời hoặc sớm hơn pho tượng trong tháp tổ Huệ Quang thì sẽ thiếu thuyết phục. Biết đâu, cùng thời, khi Trần Nhân Tông viên tịch đã tồn tại cả hai mẫu tượng với 2 nếp áo (Tiểu thừa, Đại thừa) khác nhau?

- Với chi tiết đáng chú ý thứ hai: “có một điều khẳng định là vua Trần Nhân Tông đã tu hành theo pháp giới hạnh đầu đà thuộc Tiểu thừa để rồi sau này đắc đạo thành Phật”, chúng ta quan tâm đến hạnh tu đầu đà.

Đầu đà: phiên âm chữ Phạn Dhùta, cũng phiên là đỗ trà hay đỗ đa. Dhùta đến từ động từ Dhù có nghĩa là rũ bỏ, tiêu diệt, cho nên hạnh đầu đà, có nghĩa là rũ bỏ các phiền não, tiêu diệt những chướng ngại do ăn mặc ở tạo nên.
Vậy hạnh tu đầu đà có phải chỉ dành riêng cho những người theo truyền thống Tiểu thừa hay không? Ở Việt Nam, sự phân biệt này là không rõ ràng và không cần thiết, vì vốn dĩ ngay từ đầu đã có sự dung hội của nhiều pháp môn tu khác nhau mà không hề có sự phân biệt.

Không chỉ có vua Trần Nhân Tông mới tu hạnh đầu đà. Trong hành trạng của thiền sư Cứu Chỉ (Đàm Cứu Chỉ) đời thứ 7, dòng Vô ngôn thông (Đại thừa) thời Lý, có chi tiết như sau:

“Sư thấu triệt ý chỉ. Nhân đó Trưởng lão đặt tên Sư là Cứu Chỉ. Sau đó, Sư lên chùa Quang Minh, núi Tiên Du (Bắc Ninh) ở luôn trong đó chuyên tu hạnh đầu đà, trọn năm không bước chân xuống núi. Tiếng đồn tới kinh đô, vua Lý Thái Tông cho mời mấy lần nhưng Sư không đến nên ba lần thân hành đến chùa Sư, lấy lời an ủi thăm hỏi…” (Thiền sư Việt Nam, Thích Thanh Từ).

Đối chiếu thơ văn, thi kệ, quan điểm tư tưởng của thiền sư Cứu Chỉ và Trần Nhân Tông, ngoài chi tiết tu hạnh đầu đà, nổi bật vẫn là tư tưởng Đại thừa. Vậy có phải chỉ có người theo Tiểu thừa mới tu hạnh đầu đà, và chỉ tu hạnh đầu đà mới mặc áo Tiểu thừa?

Vì không có một bản văn chính thức nào nói đến y phục của tăng sĩ thời Trần, nên chúng ta mới phải diễn giải các chi tiết như vậy. Trần Nhân Tông có thể nào mặc y khác biệt với chư Tăng thời đó, đặc biệt là đối với những tăng sĩ cùng một môn phái do ông sáng lập? Chúng ta có thể so sánh với nếp áo trên pho tượng Pháp Loa và Huyền Quang xem họ có mang “nếp áo Tiểu thừa” không, bởi họ là những người được truyền thừa trực tiếp từ Trần Nhân Tông?

Đó là những giả thiết cần phải được đặt ra. Tuy nhiên, có một chi tiết đáng chú ý để chúng ta có thể liên hệ tới “nếp áo Tiểu thừa” này của vua Trần Nhân Tông. Trong văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh do Nguyễn Công Bật thời Lý soạn có đoạn đã miêu tả về ngày Lễ tắm Phật như sau: “… Để mồng một hàng tháng, để mùa Xuân hàng năm, nhà vua thân ngồi xe ngọc đến mở tiệc chay. Hương hoa bày hình thức kỳ an, bồn chậu đặt lễ nghi tắm Phật. Trang sức tướng tinh thành cho năm chúng, cùng hở vai tiến thoái nhịp nhàng…”.

Vậy việc năm chúng xuất gia (Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa, Sa di, Sa di ni) mặc y phục hở vai thời Lý có liên quan và tiếp nối gì đến y phục chung và phổ biến của tăng sĩ thời Trần, cũng như nếp áo trên tượng Trần Nhân Tông?

Và nếu cách mặc hở vai của tăng sĩ là một hình thức phổ biến thời Lý, được tiếp nối với các hình thức ăn mặc khác của tăng sĩ thời Trần thì việc tạc tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông có nếp áo hở vai có phải là điều quá ngạc nhiên? Phải chăng với nếp áo trên bức tượng Trần Nhân Tông trong tháp Huệ Quang, chúng ta nên gọi là “nếp áo hở vai” hơn là gọi “nếp áo Tiểu thừa”?

Trên đây chỉ là một chi tiết phần nào chỉ ra cách ăn mặc của tăng sĩ thời Lý và một số giả thiết nhằm gợi mở rõ hơn cho “nếp áo hở vai” trên tượng Trần Nhân Tông. Chúng ta hy vọng còn có những phát hiện mới hơn nữa từ trong các thư tịch cổ, bia đá, chuông đồng… Bởi đó là những tư liệu mà chúng ta phải giữ gìn, tìm hiểu, vì nó liên quan đến nhiều lĩnh vực văn hóa của Phật giáo nước ta.

Chỉ riêng văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh đã cho ta thấy nguồn gốc của Quốc lễ Phật đản, của nghệ thuật làm người rối, phong tục múa rối nước, và lễ hội đèn Quảng Chiếu. Gần đây, chúng ta đang tìm hiểu để phục dựng lễ hội đèn Quảng Chiếu trong dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Chắc chắn những miêu tả sinh động và chi tiết trong văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh về lễ hội là những cơ sở đáng tin cậy để chúng ta quan tâm, tham khảo.

Thích Thanh Thắng

(phattuvietnam.net)

Thứ Năm, 27 tháng 11, 2008

CHÙM ẢNH: 10 VẠN TĂNG NI, PHẬT TỬ THAM DỰ ĐẠI LỄ TƯỞNG NIỆM 700 NĂM NGÀY ĐỨC VUA-PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG NHẬP NIẾT BÀN

Sáng nay, 27/11/2008, tại quảng trường khai hội Yên Tử đã long trọng, trang nghiêm diễn ra Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông viên tịch. Hơn 10 vạn Tăng Ni, Phật tử và đại biểu, quan khách đã về dự trong niềm hoan hỷ, với tâm thành kính hướng về Ngài.


























(Theo phattuvietnam.net)

ĐẠI LỄ TƯỞNG NIỆM 700 NĂM NGÀY ĐỨC VUA-PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG NHẬP NIẾT BÀN


Ngày 27/11, tại Quảng trường lễ hội Yên Tử, xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí (Quảng Ninh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tỉnh hội Phật giáo Việt Nam... đã long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Đức vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn - vị Hoàng đế anh hùng, nhà văn hoá lớn, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử-Việt Nam.

Tham dự đại lễ về phía lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cùng đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, các Bộ, ban ngành trung ương và một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Hoà Thượng Thích Thanh Tâm, Phó Pháp chủ, Phó thư ký Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Hoà thượng Phong Châu, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam; Hoà thượng Thích Thanh Tứ, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đông đảo các chư tôn, hiền đức trong Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đại diện Ban trị sự các tỉnh, thành; các vị hoà thượng, đại đức, tăng ni, phật tử trong cả nước.

Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Lê Tiến Thọ đã đọc diễn văn tưởng niệm 700 năm ngày mất của Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) tên thật là Trần Khâm, lên ngôi năm 1278, là con trưởng của Trần Thánh Tông; là vị vua lãnh đạo quân dân cả nước đánh tan quân Nguyên xâm lược lần thứ 2 (1285) và thứ 3 (1287). Triều đại ông nổi bật với tinh thần quân dân đại đoàn kết, nổi tiếng qua hai hội nghị Diên Hồng và Hội nghị Bình Than. Sau cơn binh lửa, Trần Nhân Tông chú trọng đến khuyến khích nông tang, chiêu mộ dân khai khẩn ruộng hoang, mở rộng các công trình thuỷ lợi, chia ruộng đất cho dân, khuyến khích học hành thi cử, tuyển chọn nhân tài, tha tô thuế tạp dịch cho những vùng bị tàn phá, miễn dịch cho các vùng khác...

Năm 1293, ông nhường ngôi cho con là Trần Thuyên (vua Trần Anh Tông) và làm Thái Thượng hoàng cùng con lo việc nước. Năm 1299, ông giũ sạch bụi trần lên núi Yên Tử tu hành và lấy Đạo hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà về sau đổi làm Trúc Lâm Đại Đầu Đà, kế thừa Huệ Tuệ Thiền Sư làm tổ thứ 6 của Sơn môn Yên Tử.

Trần Nhân Tông đã đổi tên Sơn môn Yên Tử thành Trúc Lâm Thiền phái, tự mình làm Đệ nhất Tổ với mục đích quy tụ ý trí, sức mạnh của toàn dân tộc hướng vè một thế giới tâm linh thuần thiện, thuần mỹ, từ đó hoá thành tình thần đoàn kết của cả dân tộc Đại Việt.

Dòng tu thiền do Trần Nhân Tông sáng lập mang tính báo dung, hội nhập tất cả các hệ phái Phật giáo, các nền văn hoá tư tưởng để hành thành nên một tư tưởng mới của dân tộc Đại Việt. Hạt nhân cơ bản của dòng thiền này là chữ Tâm với nghĩa "tâm cứu độ chúng sinh,tâm giải phóng dân tộc, tâm hoà nhập cộng đồng". Đã 700 năm trôi qua kể từ ngày Điều ngự giác hoàng Trần Nhân Tông-vị tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm tạ thế (16/11/1308), nhưng cùng với sự trương tồn của dân tộc, tinh hoa thiền học của Người vẫn lấp lánh như ngọn hải đăng soi rọi cho sự phát triển của Phật học Việt Nam với phương châm bất tử "cư trần lạc đạo" và "hoà quang đồng trần".

Phát biểu tại Đại lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ vui mừng được thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày mất của Đức vua- Phật hoàng Trần Nhân Tông, một trong những vị vua anh minh bậc nhất của triều Trần; một nhà thơ, nhà văn hó nổi tiếng; người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam, hiện thân của sự kết hợp giữa Đạo và Đời để bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc Hội hoan nghênh sáng kiến tổ chức Đại lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học nhân 700 năm ngày mất của Trần Nhân Tông chính tại vùng đất Yên Tử giàu cổ tích và huyền thoại nơi Người đã tu hành đắc đạo và về với cõi Phật, coi đây là dịp để tưởng nhớ công lao bày tỏ tri ân trân trọng tài đức của Người cũng như các bậc tiền nhân khác đối với đất nước; thể hiện quyết tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Trong con người và sự nghiệp của Trần Nhân Tông, Đời và Đạo, Đạo và Đời luôn hoà quyện vào nhau, gắn bó với nhau vì hạnh phúc của muôn dân, vì sự phát triển của đất nước. Với Đời, Trần Nhân Tông là vị Vua nhân từ, trí tuệ, một nhà chiến lược tài ba, luôn nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, hết lòng vì nước vì dân. Trong chiến đấu thì kiên cường, mưu lược. Trong hoà bình thì dành hết tâm sức, tìm kế sách khoan hoà trong nhân dân, đề ra chính sách dưỡng dân, an dân để xây dựng, mở mang đất nước. Người ra sức chăm lo việc nông trang cày cấy, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân; mở mang dân trí, chiêu dụ nhân tài, khuyến khích thi cử, phát triển văn hoá.

Trong xử thế thì nghiêm khắc với những việc làm sai trái của vua quan, quần thần, kể cả với con mình khi đã làm vua; khoan thứ cho người có lỗi đã biết hối cải, xoá bỏ mọi tỵ hiềm, tập hợp mọi người chung tay xây dựng đất nước. Với nước ngoài thì thực hiện chính sách kết tình giao hảo, hoà hiếu lân bang, mở mang bờ cõi, nằhm giữ nền hoà bình lâu dài cho đất nước.Với Đạo, Trần Nhân Tông là vị Thiền sư đắc đạo, có nhiều triết lý sâu sắc, khéo kết hợp lấy Tâm, Đức, Trí của Đạo làm nền tảng để xây đời. Việc xuất gia tu hành của Người không chỉ đơn giản để tìm giải thoát cho cá nhân mà cho cả dân tộc.

Người chủ trương qua tín ngưỡng Phật giáo để nuôi tâm đạo đức, dạy trí làm người; bồi đắp tính độc lập, tự cường; phát huy sự thuận hoà trong nhân dân trăm họ, tạo ra sự hoà hợp quốc gia, hào hợp vua tôi, hoà hợp cha con, hoà hợp vợ chồng, gia đình.... tạo cội rễ cho sức mạnh lâu bền của đất nước.

Người có ý thức rất rõ trong việc mượn Đạo để xây Đời để dựng Đạo; Đạo và Đời luôn gắn bó với nhau.Chủ tịch Quốc hội mong muốn liệt vị, tôn túc trưởng thượng, trong Phật giáo Việt Nam cùng đông đảo tăng ni, phật tử và các tầng lớp nhân dân ra sức giữ gìn, kế tục và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, của dân tộc, thực hiện tốt hơn nữa chính sách tôn giáo, chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta trong thời đại Hồ Chí Minh, xây dựng, phát triển đất nước và tô điểm cho truyền thống "hộ quốc an dân" của Phật giáo nước nhà.

Chủ tịch Quốc Hội tin tưởng: Toàn thể dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi sắt son chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ giang sơn gấm vóc nước Việt. Tăng ni, phật tử Việt Nam sẽ ngày càng nhất tâm xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam vững mạnh, nối tiếp tư tưởng "Cư trần lạc đạo", " Hoà quang đồng thuận" của Đức vua Trần Nhân Tông và tư tưởng Đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện tốt đường hướng hoạt động "Đạo Pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội" của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, góp phần cùng toàn dân xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.

Tiếp đó, các đại biểu tham dự lễ đã dâng hương tưởng niệm Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông và thả bóng bay, phóng sinh chim bồ câu để cầu nguyện hoà bình, cầu cho quốc thái dân an và trồng cây lưu niệm tại khu di tích và danh thắng Yên Tử.

Mạnh Tú

(Theo TTXVN)

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

ĐẠI ĐỨC THÍCH ĐỨC THIỆN: TRÙNG TU TÔN TẠO CHÙA PHẬT TÍCH ĐÁP ỨNG NGUYỆN VỌNG CỦA TĂNG NI, PHẬT TỬ


22h36 ngày 22/11/2008, báo điện tử vietnamnet.vn có đăng bài viết “Tan hoang chùa Phật Tích” của tác giả Khánh Linh gây ít nhiều xôn xao trong dư luận và bài viết này đã được nhiều người đọc nhất trong ngày 23/11. Ngay cả báo Giác Ngộ online của THPG TP. Hồ Chí Minh cũng cho đăng lại bài này và đưa lên mục Tin nổi bật mà không cung cấp thêm thông tin. Để rộng đường dư luận, phattuvietnam.net đã phỏng vấn nhanh Đại đức Thích Đức Thiện – Trụ trì chùa Phật Tích để cung cấp thêm thông tin cho độc giả.

Phóng viên: Xin Đại đức cho biết về Dự án Trùng tu tôn tạo chùa Phật Tích?

ĐĐ. Thích Đức Thiện: Dự án trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích do UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định đầu tư, Sở VH-TT-DL làm chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn thiết kế là Viện Bảo tồn Di tích – Bộ VH-TT-DL, đơn vị thi công là Công ty cổ phần tu bổ di tích và thiết bị văn hóa trung ương.

Dự án chính thức được khởi công ngày 11/10/2008 với sự hiện diện của chư Tôn giáo phẩm GHPGVN: HT. Thích Thanh Sam – Phó Pháp chủ kiêm Chánh thư ký Hội đồng Chứng Minh, HT. Thích Thanh Tứ - Phó chủ tịch TT Hội đồng Trị sự… Lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, Cục Di sản Văn hóa Bộ VH-TT-DL cũng tới dự.

PV: Thưa Đại đức, vì sao phải trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích?

ĐĐ. Thích Đức Thiện: Chùa Phật Tích là di tích lịch sự văn hóa cấp quốc gia, được khởi dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ X. Vào thời Lê, chùa được xây dựng hoành tráng. Tuy nhiên, năm 1947, do chiến tranh, chùa bị phá hủy hoàn toàn. Nhà nước cho dựng tạm một nhà kho nhỏ để lưu giữ đồ vật. Năm 1986, nhân dân địa phương dựng tạm ngôi chùa nhỏ để thờ phụng và năm 1991, ngôi chùa nhỏ này được mở rộng thành chùa Phật Tích như ngày nay. Tuy nhiên, do kinh tế eo hẹp, khó khăn nên quy mô ngôi chùa xây mới năm 1986 và 1991 không đáp ứng yêu cầu về diện tích, quy mô, kiến trúc, mỹ thuật, không xứng đáng với một di tích có thời thời Lý.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng bào Phật tử thập phương và địa phương có nguyện vọng tha thiết muốn phục dựng lại chùa Phật Tích cho xứng đáng với quy mô và tầm cỡ của di tích lịch sử cấp quốc gia, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng, tham quan, du lịch của nhân dân.

Đáp ứng nhu cầu đó và để chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, UBND tỉnh Bắc Ninh đã quyết định đầu tư dự án trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích theo kiến trúc có từ thời Lê.

PV: Đại đức có thể cho biết việc bảo tồn, lưu giữ các di vật cổ được tiến hành từ trước tới nay, và trong quá trình trung tu, tôn tạo lần này được thực hiện thế nào?

ĐĐ. Thích Đức Thiện: Khai quật khuôn viên chùa Phật Tích vào những năm 1949-1951, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều tác phẩm điêu khắc đá cổ, đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia: những mảnh đá chạm rồng và hoa lá; nhiều mảnh lá đề bằng đá kích thước to nhỏ khác nhau, trên mặt chạm rồng; pho tượng Kim cương bảo vệ Phật pháp thế kỷ XI; tảng đá chạm hình hoa văn sóng nước thế kỷ XI; tượng nữ thần chim; mảnh đá chạm đầu tượng tiên nữ...

Ngoài ra, cổ vật của chùa Phật Tích còn có tượng Phật A Di Đà (1057); chân cột chạm dàn nhạc (1057); hàng thú trước sân chùa (thời Lý); pho tượng táng của thiền sư Chuyết Chuyết; 32 bảo tháp (thế kỷ XVII – thế kỷ XX)...

Trước khi trùng tu và trong quá trình trùng tu, tôn tạo, các ngành chức năng đều tiến hành thám sát thực địa. Nhân viên của Bảo tàng Bắc Ninh và Viện Mỹ thuật thường xuyên có mặt để phát hiện và thu lượm cổ vật trong quá trình thi công.

PV: Đại đức nghĩ thế nào về bài báo “Tan hoang chùa Phật Tích” của phóng viên Khánh Linh trên vietnamnet.vn?

ĐĐ. Thích Đức Thiện: Trước hết, việc trùng tu, tôn tạo chùa Phật Tích chính là việc tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi chùa Phật Tích trong lịch sử. Ngôi chùa được xây dựng lại năm 1986 trong bối cảnh khó khăn, hạn chế không đáp ứng được nhu cầu lưu giữ di vật, thờ tự, không có giá trị về lịch sử, văn hóa. Việc trùng tu chùa thể hiện tâm nguyện, tấm lòng của Tăng Ni, Phật tử đối với quá khứ, với tiền nhân, và là sự khôi phục, tiếp nối những giá trị văn hóa Phật giáo truyền thống.

Bài báo trên vietnamnet.vn đã được viết mà không có đủ thông tin, không hiểu rõ bản chất sự việc, gây ra những bất bình, bức xúc không đáng có trong dư luận. Tôi được biết phóng viên Khánh Linh đã không đến hiện trường. Đây cũng là điều nên rút kinh nghiệm. Qua đây, các đơn vị thông tin, báo chí của Phật giáo cũng nên cung cấp thông tin đầy đủ để độc giả thập phương hiểu rõ việc trùng tu, tôn tạo các di tích Phật giáo và hộ trì quá trình này.

PV: Trân trọng cám ơn Đại đức.

Trọng Hoàng (thực hiện)

MẸ GIÀ HƠN TRĂM TUỔI VẪN THƯƠNG CON TÁM MƯƠI


Thật xót xa cho bất cứ ai khi chứng kiến cảnh người con đánh mẹ ruột của mình. Xã hội chúng ta thử hỏi có được bao nhiêu người mẹ bước qua tuổi 85? Tôi nghĩ đó là người mẹ chung của xã hội chúng ta. Người mẹ ấy bị xúc phạm có nghĩa là những giá trị làm người của chúng ta đang bị xúc phạm...

Mỗi khi theo dõi chương trình “Như chưa hế có cuộc chia ly” của VTV, phần lớn chúng ta đều xúc động mạnh khi có những người con mồ côi chỉ mong mình có mẹ và những người mẹ chỉ mong tìm thấy con, không suy nghĩ đến hoàn cảnh phía trước như thế nào. Tình mẹ con như vậy đã làm tăng thêm những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống này.

Nhìn cảnh người mẹ bị con đánh ngã dúi xuống, tôi đã ứa nước mắt. Thương mẹ quá! Điều gì đang xảy ra trong xã hội chúng ta? Tôi không còn tin vào mắt mình. Rồi thì cả đêm đó buồn bã như đánh mất một điều gì đó. Tôi đang rất hạnh phúc khi còn mẹ. Dù ở một nơi xa quê hương hàng nghìn cây số, nhưng lúc nào cũng nhớ mẹ, thầm xin nghị lực của mẹ để vươn lên. Mỗi khi nghe tin ở nhà mẹ bị ốm hay bị cảm nặng, không thể nghe giọng nói của mẹ là đêm đó tôi không ngủ được, chỉ biết nguyện cầu năng lực từ bi che chở cho mẹ. Nhưng cũng có lúc bất an nghĩ đến cảnh một ngày kia tôi sẽ mất mẹ, sẽ gọi mẹ mà không được mẹ trả lời.

Tôi còn bà ngoại, năm nay cũng đã gần 90 tuổi. Bà ngoại tôi cũng rất thương mẹ tôi. Dịp rằm tháng bảy tôi về thăm nhà, mang theo một số kinh Báo đáp thâm ân cha mẹ. Suốt mùa báo ân, chiều đến, mẹ tôi ngồi trước gõ mõ tụng kinh, bà ngoại tôi ngồi sau đọc theo. Bà tôi rất tâm đắc với câu “mẹ già hơn trăm tuổi vẫn thương con tám mươi”. Lúc ấy, tôi nắm tay bà ngoại: bà thương mẹ con nhất và mẹ con cũng thương bà nhất, có hai cái nhất ấy, chúng con thấy không có gì sung sướng bằng. Bà ngoại tôi nghe vậy cười móm mém.

Những ngày gần đây nhìn thấy hết cảnh những người mẹ hành hạ con, rồi đến con đánh mẹ, ai cũng bức xúc. Nhưng chuyện đó đều rơi vào hoàn cảnh của những người nghèo. Điều này khiến chúng ta cảm thấy nhiều trắc ẩn. Trắc ẩn trước cái xấu, cái ác sẽ làm cho ta suy nghĩ nhiều hơn là khởi lòng căm giận. Chúng ta nên tạo cơ hội cho những người con lỡ lầm sửa sai, trở về yêu thương mẹ, chăm sóc những ngày ngắn ngủi còn lại của mẹ, bởi chắc chắn không người mẹ nào muốn nhìn thấy con bị pháp luật trừng trị.

Người nghèo phải vật lộn nhiều hơn với đời sống vật chất, nhưng chuyện đối xử tệ bạc với mẹ cha xảy ra trong những trường hợp này có điều gì đó không bình thường. Phải chăng mức sống vật chất làm cho đời sống tình cảm của những người nghèo cũng nghèo đi theo? Nếu dự cảm này đúng thì đó là điều chúng ta không thể không lo lắng vì nước ta vẫn là một nước có tỷ lệ người nghèo cao, và vốn xưa nay người nghèo vẫn luôn được xem là những người sống có tình có nghĩa, rách lành đùm bọc.

Người ta thường nói, người nghèo là so với người giàu mà trở nên nghèo. Người giàu, cha mẹ chỉ hơi ho hắng là con cái đã đưa ngày vào bệnh viện, khám một bệnh mà ra nhiều bệnh, nhờ vậy mà chăm sóc cha mẹ kỹ hơn. Cũng là ốm đau thân xác, nhưng người nghèo thì không đủ tiền để cho cha mẹ tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc tối thiểu và đành để cha mẹ héo gầy, tiều tụy theo ngày tháng.

Thực tế, đang có nhiều người hiểu rằng con cái phải chăm sóc cha mẹ đầy đủ, không thiếu thốn vật chất mới là có hiếu, và người ta cũng thường khen ngợi những người cha người mẹ đó là có phước vì có những người con thành đạt, giàu có. Nhưng có phải vì vậy mà người giàu có hiếu nhiều hơn người nghèo không?

Mặc cảm về sự nghèo khó, rồi trong hoàn cảnh nào đó không thể làm gì hơn cho cha mẹ cũng là một áp lực tinh thần cho những người con nghèo. Mặc cảm này không nên có, vì trong bất cứ hoàn cảnh nào dù giàu hay nghèo, có địa vị hay không người con đều có thể tận hiếu. Người làm cha mẹ thương con luôn hiểu hoàn cảnh của con cái. Nếu con cái phải ăn một bát cơm cha mẹ cũng sẵn sàng chỉ ăn nửa bát cơm hay bát cháo, nhưng chỉ xin những người con đừng hắt hủi mẹ cha, đừng tính tháng kể ngày mà bỏ rơi mẹ cha.

Đức Phật dạy rằng, dù người con có cõng mẹ cha lên rừng xuống biển hay cắt thịt để nuôi mẹ cha trong lúc đói kém cũng vẫn chưa trả được ân sinh thành của cha mẹ.

Chỉ nội ân sinh thành mà chúng ta đã rất khó trả nổi rồi huống gì là còn yêu cầu những hy sinh thêm nữa ở cha mẹ. Chúng ta nên có trách nhiệm giáo dục con em nuôi dưỡng ý nghĩ trả ân cha mẹ bất cứ khi nào và trong bất cứ điều kiện giàu nghèo nào. Bởi mỗi ngày chúng ta trưởng thành là mỗi ngày cha mẹ dần xa ta. Và những biến cố bất ngờ trong đời lúc nào cũng có thể cướp đi vĩnh viễn cha mẹ, khiến chúng ta trở thành những đứa con côi.

Cha mẹ còn sống với chúng ta một ngày là chúng ta có hạnh phúc một ngày. Hạnh phúc còn có cha mẹ là hạnh phúc lớn nhất, hơn mọi thứ tài sản trên thế gian này. Vì tiền bạc mất đi, chúng ta có thể còn cơ hội nỗ lực để kiếm lại, nhưng cha mẹ mất đi là mất đi vĩnh viễn. Đừng nên tiếp tục đổ hết mọi trách nhiệm, chịu đựng, hy sinh lên người cha mẹ. Cha mẹ rất yêu thương con, nhiều khi còn hơn cả yêu thương bản thân mình, nhưng cha mẹ cũng có nhu cầu được con kính trọng yêu thương. Không hiểu điều này, chúng ta sẽ rất dễ dàng bỏ rơi cha mẹ, để cha mẹ sống những ngày còn lại trong cô đơn buồn tủi, điều mà nhẽ ra cha mẹ phải nhận được sự chăm sóc thương yêu của con cháu nhiều hơn thế khi tuổi xế chiều.

Cha mẹ nhớ thương con, con thương nhớ cha mẹ. Hai nhớ ấy in sâu thì cuộc sống xã hội của chúng ta có khi nào lại không ngập tràn hạnh phúc.

Nam Quốc

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2008

VÀI CẢM NGHĨ KHI ĐỌC “NỖI LÒNG TĂNG NI TRẺ”


Khi đọc bài viết “Nỗi lòng Tăng Ni trẻ” của sư cô TN. Huệ Thiện trên tràng nhà giacngo.vn, tôi thật sự xúc động về cảm nghĩ thật và có phần dịu dàng của cô về thực trạng Phật giáo nước nhà. Trăn trở là những suy nghĩ được viết ra từ lòng trắc ẩn trước những hiện thực không mong muốn của cuộc sống. “Trăn trở” không biết có phải là điều hiếm gặp trong suy nghĩ của Tăng Ni trẻ hay không mà sao lâu nay ít thấy người trẻ đề cập đến từ này, hay phải chăng “trăn trở” chỉ thuộc về người già, người có chức sắc, địa vị?

Người già thường “trăn trở” với những việc cao ngang bằng với tuổi tác và địa vị của họ, và nhiều khi cao quá nên chúng ta khó với tới được những "trăn trở" ấy để mà định hướng cho tương lai cho mình. Vì từ “trăn trở” đến hành động để giảm bớt sự “trăn trở” ấy có khoảng cách không gần, nên năm nào cũng nghe đi nghe lại những lời trăn trở. Nghe thì thấm thía, hồi hộp, vui mừng vỗ tay, nhưng để biết được người trẻ nghĩ gì, làm gì, muốn gì ở “trăn trở” ấy thì còn phải chờ những bước đột phá.

Đột phá là phải vượt qua được những giới hạn của tuổi tác, tư tưởng, nhận thức và những “cải tổ” táo bạo. Nói thì có đột phá nhưng nhiều khi vẫn chưa làm được. Chưa làm được thì tạo đủ mọi điều kiện để làm được, nhưng bao giờ làm được (cái đích cụ thể) cho từng vấn đề thì còn tiếp tục chờ... Nếu không ai có đủ kiên nhẫn để chờ thì đem “trăn trở” xếp đầy trong tủ, khóa lại một cách cẩn thận, sang năm lại lấy ra “trăn trở” tiếp vì ngừng trăn trở có nghĩa là ngừng tư duy, mà ngừng tư duy thì ngừng tồn tại. Đã có những người ngừng tồn tại rồi mà trăn trở vẫn còn nguyên trong kỷ yếu vì cả đời mình vẫn chưa thực hiện được.

Người già tồn tại trong thế giới của người già và người trẻ tồn tại trong thế giới của người trẻ. Có nhiều khoảng cách thật khó mà rút ngắn. Nói thế để thấy rằng, người trẻ có những suy nghĩ khác với người già nhiều quá, ngay cả trăn trở của họ cũng vậy. Người trẻ biết tỏ nỗi lòng với người trẻ, vì người trẻ hiểu cuộc sống của những người trẻ. Và vì vậy trăn trở của họ cũng gần gũi thiết thực hơn với người trẻ. Người già cũng có những cảm thông sâu sắc với người già, vì họ phần nào đang nắm giữ “kinh nghiệm”.

Nước Mỹ đã mạo hiểm thay đổi, phần nào bỏ qua “kinh nghiệm” để chọn ông Obama (46 tuổi) mà không chọn ông John McCain (71 tuổi). Ông Obama sẽ bước trên con thuyền sóng gió với đời sống của 300 triệu công dân của mình. Phật giáo Việt Nam ta có những người lãnh đạo như vậy không? Có! Vua Trần Nhân Tông, 35 tuổi đã buông bỏ ngai vàng, nhường ngôi, 40 tuổi bỏ hết tất cả xuất gia tu Phật, 50 tuổi viên tịch, nhưng đã để lại sự nghiệp to lớn cho cả dân tộc và đạo pháp.

Đó không phải những năng động thái quá của người trẻ mà họ đã được sống trong một thời đại đầy hào khí, có một môi trường tự do để lựa chọn. Môi trường ấy nuôi hy vọng của họ, xóa mặc cảm tự ti của họ, kích thích sáng tạo của họ, cho họ sự mạo hiểm và cả thách thức, đảm bảo có đủ những lực lượng kinh nghiệm dạn dày ngồi sau để cố vấn cho họ… và họ đã vững bước tiến, kéo theo cả dân tộc cùng tiến. Họ không ngồi nói chuyện viển vông mà bàn những kế hoạch, chiến lược mà thời đại đặt ra cho họ, bắt họ phải nghĩ, bảo họ phải làm.

Người trẻ dù có bay bổng, quấy động như thế nào thì cuộc sống vẫn công bằng với họ. Tăng Ni trẻ cũng là con người với những buồn vui, yêu ghét bủa vây chung quanh. Và chính vì họ không có địa vị, kinh nghiệm để tựa nương mà tiến một cách đĩnh đạc, êm đềm, yên ổn nên những biến cố xảy với họ rất dễ làm họ ngã lòng, làm họ trở thành những đối tượng đáng được chỉ bảo, dạy dỗ. Cơ hội để họ có thể đứng dậy sau những vấp ngã để trưởng thành rất ít. Sở dĩ cuộc sống công bằng với họ không chỉ vì những việc làm tích cực của họ được khen ngợi mà họ cũng phải gánh chịu những hậu quả mà họ đã tạo ra một cách tiêu cực.

Trong môi trường thiếu tự do, cởi mở, họ có ít cơ hội và phải chịu nhiều hậu quả. Ai sẽ là người đứng ra nhận trách nhiệm trước những hậu quả mà họ gây ra? Không ai khác, chính họ. Đây là điều chúng ta phải tập chia sẻ bằng lòng từ bi chứ không phải bằng oán trách. Vì họ đã được chuẩn bị cho những bước đi sai ngay từ ban đầu. Vì họ nghĩ họ không có cái quyền gì khác ngoài cái quyền được “tu” như một đặc ân của cái thời “gạo châu củi quế”. Những người thầy có nghĩ về họ như vậy không? Rời thầy tổ, rời chùa là “tàn”, là “đói” ngay. “Đói” và “no” ám ảnh tinh thần của họ, xâm chiếm hết nhận thức của họ, nên nhiều trong số họ trở thành những người quẩn quanh, đến nỗi ngày qua tháng lại, có thiền sư phải giận mà nói rằng “túi thịt, bị cơm…”, đã là “túi thịt, bị cơm” thì làm sao còn cái hiên ngang của bậc ứng cúng, bố ma phá ác…

Suy nghĩ của ông thầy còn chưa rời cái túi thịt, bị cơm mà bảo học trò phải hy sinh đầu, óc, tủy, mắt, quốc thành, thê tử… thì khác gì hái sao trên trời. Thế là tiếp tục phải “trăn trở”. Trăn trở là của người trên, còn vấn đề là của người dưới. Bất kể sự việc có diễn ra theo chiều hướng nào thì người trẻ ơi, chạy đâu cũng chẳng khỏi sân chùa.

Trước kia người ta cho "tu là trốn đời" chúng ta phản bác lại, nay người ta bảo "tu là sướng", "tu là giàu", "tu là vô âu vô lo"… chúng ta cũng phản bác lại. Nhưng cứ nhắc đến tu là người ta thêm cho nó định nghĩa mới "tu là…", không cần biết những Tăng Ni trẻ của chúng ta phải nỗ lực vận động như thế nào trong môi trường tu vốn rất nhiều quy luật thanh lọc và đào thải. Vì tự thân vận động nên người thì vận động thế này, người thì vận động thế kia, chẳng có quy chuẩn thống nhất nào cả.

Đến lúc có những biểu hiện báo động cho uy nghi, phẩm hạnh của Tăng Ni thì một mình họ chịu hết trách nhiệm vì sự thiếu “tu là…” của mình. Phải gắn chữ tu là với trang nghiêm, với giới luật, với hy sinh, với dấn thân, với gian khổ, thậm chí với sinh tử. Vì thiếu những định hướng cụ thể của con đường “tu là...”, thiếu những bước dẫn dắt có trách nhiệm nên dần dà họ thu mình lại như con ốc sên, hoặc giả lại rong ruổi như ngựa không cương.

Tu là… có nhiều hấp dẫn với người trẻ mới vào tu, vì họ phải mường tượng ra quá nhiều cái viễn cảnh sau đó của lọng, dù, đón rước… Và thế là ý tưởng “tu là…” ban đầu đã bị trật đường ray. Rồi thì càng trật đường ray hơn nữa khi cứ một ngày nhìn vào cuộc sống của người tu lại thấy một định nghĩa “tu là…” mới mà thiếu vắng dần sự chân chất, giản dị, chia sẻ, yêu thương, gần gũi với đời. Những chiếc xe hơi bóng loáng, những chiếc điện thoại cầm tay đắt tiền, những giọng nói ban ơn, những mệnh lệnh như thâu tóm ý thức của người khác… cứ nhịp nhàng năm này tháng nọ đập vào tai, mắt đi vào giấc ngủ của những người trẻ, thế là họ lại có thêm một định nghĩa mới "tu là…"...

Chưa hết đâu, trăn trở của người trẻ dễ bị thủ tiêu một cách nhanh chóng bằng những ngôn ngữ có cánh: “trứng khôn hơn vịt”, “ngựa non háu đá”… thế là phải kịp điều chỉnh trăn trở để nhận ra tu là… Dần dà mất cả phản biện, mất cả ý thức, mất cả cá tính…, lâu dần cả một thế hệ trẻ bị đánh cắp mất ý tưởng, lý tưởng và đánh cắp luôn lòng tự trọng.

Một thế giới cô lập và tách rời hiện ra, mọi hiện tượng trật đường ray trở nên cá biệt. Đánh mất lòng tự trọng thì dĩ nhiên có những biểu hiện thiếu tự trọng, chạy chức, chạy quyền, chạy xe hơi và chạy xô… Vô vàn những thứ “chạy” cuốn người trẻ của chúng ta đi, đi mãi, đến khi nhập cuộc hay hội nhập đầy đủ rồi mới sáng mắt nhận ra mình không hề “trật đường ray” vì đã hiểu và đi đúng mục đích của con đường tu là… vâng lời bằng mọi cách, qua mọi tình huống có thể (cung kính không bằng vâng lời).

“Văn hóa lãnh đạo”, cụm từ này được xã hội nhắc đến nhiều đó là văn hóa xin lỗi, văn hóa chịu trách nhiệm, văn hóa từ chức… Chúng ta một tổ chức "tu là phải khác tục" nên hình như ít nhấn mạnh đến điều này. Xã hội có sao thì có sao, còn chúng ta có trăng thì có trăng, đừng đem những ứng xử xã hội vào tố chức vì chúng ta là tổ chức “phi chính trị”, “phi lợi nhuận”, “vô vụ lợi”… Và vì vậy, cách tốt nhất là chúng ta nên đóng cửa vào bảo nhau. Trên bảo dưới nghe, dưới bảo dưới nữa nghe, nghe và làm thôi đừng phản biện góp ý gì cả. Cứ nhịp nhàng như vậy thì có nhiều sự “gia hộ”, sợ gì “toàn cầu hóa”, lo gì “Tin lành hóa”…?

Lợi thế trong hoàn cảnh thế giới mở ra bằng truyền thông đa phương tiện này là nó rất công bằng với người trẻ. Người trẻ ứng xử đúng sai thế nào thì internet, blog sớm muộn cũng xuất hiện cử chỉ, lời nói, hành động của họ. Điều này cho thấy 5 năm về trước khác xa bây giờ. Rồi đây, khi mọi thông tin không còn được “bao cấp” và “can thiệp”, uy tín của họ, tai tiếng của họ đều được cuộc sống đối xử rất công bằng. Nắm lấy cái công bằng đó mà điều chỉnh mình thì cuộc sống sẽ có cơ hội trưởng thành, đừng tiếp tục mong chờ vào những “trăn trở” không có câu hồi đáp. Hãy tự mình thắp đuốc mà đi!

Nam Quốc

Thứ Hai, 17 tháng 11, 2008

TRẬN LỤT LỊCH SỬ Ở HÀ NỘI: CÓ PHẢI “TRỜI PHẠT”?


Sau trận lụt lịch sử tại Hà Nội, “Chúa cứu thế” cho đăng những bài viết tung tin đồn nhảm nhí, rằng trận lụt ấy là do “trời phạt” và được một số kẻ cuồng tín tung hô. “Một trí thức sống tại thành phố Hồ Chí Minh” qua bài viết “Tâm linh có ngăn được lũ lụt?” ngày 14/11/2008 trên BBC cũng chung một luận điệu nhảm nhí tương tự. Cần phải nói BBC rất hay có những bài viết kiểu (không tên tuổi, giới tính) như bài viết này và ngụy biện với dòng chữ “theo quan điểm của tác giả). Những năm gần đây, khi mạng lưới Internet và blog cá nhân phát triển, BBC càng trở nên mất uy tín với những thông tin kiểu tung hỏa mù này.

Trận lụt lịch sự tại Hà Nội vừa qua cũng như những trận lụt lịch sử tại Châu Âu, tại Mexico hay các thảm họa thiên tai khác như cháy rừng ở Úc, Mỹ, Hy Lạp; động đất ở Indonesia, Pakistan, Trung Quốc, Nhật Bản; Bão lụt ở Mỹ, ở Philippinne, ở Việt Nam, Trung Quốc; sóng thần ở Nam Á… những năm gần đây, đã gây ra những thiệt hại to lớn về người và của. Có không ít quốc gia từ Đông sang Tây phải trải qua những trận bão lũ lịch sử, vì đó là một hiện tượng thiên nhiên mà những quốc gia có vùng địa lý với điều kiện khí hậu khác nhau có thể tích hợp những trận thiên tai lớn nhỏ, điều đó không thể do con người hay "Thượng đế" nào sắp đặt.

Ông/bà “trí thức” này bàn chuyện về “tâm linh” và lũ lụt, có chiều hướng phê phán đủ thứ chuyện từ nhập đồng, gọi hồn, tìm hài cốt… nhưng đọc đến hết bài mới thấy ông/bà trí thức này mắc nghẹn một điều gì đó không nói ra được, hình như cũng là hai từ “tâm linh” nhưng tâm linh (phe nó) khác với “Ông Trời” (phe ta) thì phải.

Bài viết phê bình “chủ nghĩa duy vật” là không tin thần thánh gì cả. Nhưng thực tế lại cho thấy xã hội có nhiều hình thức tôn giáo, tín ngưỡng được khôi phục và phát triển, người dân có tự do tín ngưỡng nhiều hơn trong cúng lễ... Ông/bà "trí thức" kia cảm nhận ra điều đó nên mới viết: “Nhờ có tự do tín ngưỡng như thế nên các Hội Thánh Tin Lành được cấp phép hoạt động trở lại và người công giáo Hà Nội mới công khai tụ họp cầu nguyện để đòi lại Toà Khâm Sứ ở khu đất Nhà Chung, Hà Nội”.

Thế thì nhẽ ra đây là một điều đáng suy nghĩ, vì rõ ràng Việt Nam đang có tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Và “tự do tôn giáo” được hiểu là mọi người đều có quyền theo hay không theo một tín ngưỡng tôn giáo, cũng như các hình thức sinh hoạt tôn giáo phải phù hợp với thuần phong mũ tục của dân tộc và luật pháp của nhà nước Việt Nam. Còn vấn đề người Công giáo cầu nguyện đòi đất tòa Khâm sứ cũ (chùa Báo Thiên bị giám mục Puginier mưu chiếm) là một biểu hiện trái pháp luật, và coi thường cả lương tâm lịch sử, nó không liên quan gì đến việc “tự do tôn giáo”.

Chẳng lẽ trận lụt lịch sử do mưa lớn gây ra ở Hà Nội không gợi cho ông/bà "trí thức" kia lòng trắc ẩn nào trước mất mát của người dân hay sao? Với trận lụt lịch sử, thay vì đi phê bình lòng tham và sự tàn phá môi trường sống của con người ông ta lại đi vào phê bình một vài hiện tượng tâm linh hay các biểu hiện thuộc lĩnh vực văn hóa, phong tục đang được khôi phục. Thậm chí ông/bà "trí thức" này không vui khi thấy người đảng viên (hay vợ con của họ) biết cúng lễ theo những hình thức tâm linh (phe nó) mà quên mộ "Ông Trời" (phe mình). Ông/bà này nên hiểu những hình thức tín ngưỡng tâm linh bản địa… dù biểu hiện đậm nhạt khác nhau nhưng gần như quốc gia nào cũng có.

Ông/bà gọi là “trí thức” kia đã viết như thế này đây: “Mà đã nói đến tâm linh thì phải coi lại tướng số của các mẫu nghi thiên hạ. Phải xem lại tử vi sao lại xung khắc đến như thế, hoặc họ có làm điều gì không phải đạo với đất trời. Có ai làm gì đến nỗi động mả tổ tiên không? Có nên cần coi lại việc đào bới, đập phá những nơi xung yếu của Hà Nội dù với mục đích đi tìm nguồn gốc văn hoá dân tộc?”. Ngay cả việc khai quật những di tích tìm về cội nguồn văn hóa dân tộc cũng bị cái ông/bà “trí thức” này cho là một nguyên nhân để gắn với trận lụt tại Hà Nội. Không biết ông/bà này được sinh ra từ cội nguồn văn hóa nào? Nếu không phải từ cội nguồn văn hóa của dân tộc này thì ông/bà “trí thức” ấy do cuồng tín “trời” mà được vặn xương sườn nặn ra chăng?

Để trả lời những câu hỏi trên, đọc hết bài viết của ông/bà “trí thức” này mới thấy có một điều không ổn bởi ông/bà này chủ yếu không tiêu hóa những hiện tượng “tâm linh” khác ngoài “Ông Trời” của ông ta.
Bởi nếu phê bình “chủ nghĩa duy vật” vô thần thì phải đề cao các hiện tượng tâm linh hữu thần. Đằng này ông/bà “trí thức” kia chẳng những phê bình “chủ nghĩa duy vật” mà còn mỉa mai các hiện tượng tâm linh thuộc tín ngưỡng đa thần của người bản địa, cứ như không có điều gì để có thể tin vào các hiện tượng tâm linh ấy. Nhưng điều trái khoáy là mở đầu bài viết “Tâm linh có ngăn được lũ lụt?”, ông/bà này lại có vẻ như tin vào lời đồn “trời hại”. Chính vì điều này mà cuối bài viết ông/bà “trí thức” này lại bung ra một câu hỏi “tại con người hay tại Ông Trời?”, rồi liên hệ đến việc “còn bao nhiêu công cụ phục vụ cho nhu cầu tâm linh bị hư hỏng, người Hà Nội phải mua sắm và thị trường tâm linh lại được mùa bội thu”.

Nếu những giá trị tâm linh biểu hiện ở những công cụ phục vụ cho nó bị hư hỏng do lũ lụt thì người ta phải sắm sửa, thay mới làm cho nó trang nghiêm là điều rất cần thiết. Riêng bàn thờ tổ tiên ông bà, nếu có bị hư hỏng do lũ lụt thì càng nên phải chú trọng mà sửa sang đầu tiên.

Xâu kết những sự kiện mà ông/bà “trí thức” này phê bình và cách thức đưa tin không đàng hoàng của BBC mới nhận ra sự vụ “Tòa khâm sứ” vẫn còn bị ám ảnh và cay cú với họ nhiều lắm. Và rõ ràng “trời hại” này không phải ông Trời của người Việt Nam đâu mà hình như là trời (“Chúa trời”) luôn bị cưỡng bức phải “hiệp thông” với người cầu nguyện đòi đất gì đó thì phải.

Đọc bài viết này với những bài viết trên “Chúa cứu thế” về trận lụt tại Hà Nội mới thấy hết cái luận điệu “trời phạt” này của một số người cuồng tín về “trời”. Đúng như một độc giả im di Việt Nam viết để phản biện với ông/bà “trí thức” này trên BBC “Cứ theo quan điểm của tác giả bài viết này thì người Mỹ là người vô đạo nhất, phỉ báng tâm linh nhất. Bằng chứng là hàng nghìn người Mỹ chết sau cơn bão Katrina. Xin nghiêng mình trước vong linh các nạn nhân cơn bão Katrina”.

Lấy ví dụ từ Philippinne cho gần. Philippinne là một nước có khoảng 92% theo đạo Thiên Chúa giáo (Công giáo khoảng 80%), còn lại là các đạo khác và tín ngưỡng bản địa. Nhưng nước này nằm trong vành đai bão Tây Thái Bình Dương và hàng năm phải nhận khoảng 19 cơn bão, đồng thời nằm ở rìa phía Tây Bắc của Vành đai núi lửa Thái Bình Dương, nên thường xảy ra động đất và các hoạt động núi lửa. Có khoảng 20 trận động đất được ghi nhận mỗi ngày ở Philippines, dù đa số là quá nhẹ. Vậy có phải vì cuồng tín “trời” mà hết được bão và động đất không? Nếu bão không phải là hiện tượng tự nhiên mà do “trời phạt” thì phải chăng người Philippinne hiện nay là “vô đạo” hay “nhảm nhí đạo” nên mới ra nông nỗi như vậy?

Hoàn toàn không phải như vậy vì mưa bão, lũ lụt là những hiện tượng tự nhiên, có những trường hợp có dự báo tốt thì giảm được thiệt hại, có những trường hợp dự báo đúng nhưng chủ quan thì vẫn gây ra thiệt hại lớn. Như vậy vấn đề giảm thiệt hại ở mức nào là do con người chứ không phải do cuồng tín về “trời phạt”, “thánh vật” gì gì đó.

Vào trang nhà “Chúa cứu thế” mới thấy những người Công giáo ấy quả là có vấn đề về đầu óc khi nói rằng vì đàn áp vụ cầu nguyện đòi đất của Công giáo nên bị “trời phạt”. Nhưng nếu quả có “trời phạt” thì “trời ấy” cũng nên né người Công giáo ra chứ ai lại để người Công giáo cũng bị chung cảnh “ngập lụt” nặng như vậy, đặc biệt ở xứ đạo Đồng Chiêm (Hà Nội), Nho Quan (Ninh Bình)... Và nếu đã có đầu óc mụ mị tin vào “trời phạt” thì cũng nên đặt câu hỏi ngược lại: phải chăng vì chính quyền để cho người Công giáo cầu nguyện đòi đất kéo dài, vẩy nước thánh tùm lum trên đường, gây mất trật tự công cộng, tung tin Đức Mẹ hiện hình, cắm thánh giá bừa bãi… nên Trời (của người Việt Nam) đã giáng họa?

Nếu cứ suy luận kiểu “trời phạt” như thế thì bao giờ nói cho hết. Hóa ra cái ông/bà “trí thức” kia phê bình các hiện tượng tâm linh khác chỉ để ngụ ý nhằm tôn cái “trời” của ông ta lên. Có nghĩa rằng phải dẹp hết các tín ngưỡng tâm linh khác đi, chỉ có “trời” của ông ta mới đáng tin, mới có thể vì đám cầu nguyện trái pháp luật và thiếu lương tâm lịch sử ấy mà giáng họa bừa bãi như thế. “Phải chăng kiến thức khoa học về mưa lũ, lòng trắc ẩn trước khổ đau mất mát chung, sự hiểu biết về tương quan giữa ứng xử (nhân quả) của con người với thiên nhiên của họ tự nhiên biến đâu mất hết, trong họ chỉ có lòng hận thù sự cay cú vì “yêu sách” của mình không được thỏa mãn?” (Thường Trung).

Tâm linh nào thì cũng từ con người mà ra. Nếu tâm linh có thể ngăn được lũ lụt thì có thể ngăn được các hiện tượng gây hại khác trong xã hội. Và trước khi ngăn thứ nọ thứ kia thì hãy ngăn lòng tham lam, ích kỷ, hận thù, ngu si của con người. Vì từ những cái đó mà con người ứng xử tệ bạc với thiên nhiên, đồng loại. Nếu quả là “trời” của mấy người "cầu nguyện đòi đất" có thể gây ra “lụt” hại gần 30 người dân Hà Nội chết oan và làm thiệt hại vật chất lên đến mấy ngàn tỷ đồng như vậy, thì chúng ta phải xem xét lại hành vi mà người ta ca ngợi “tình yêu” của vị “trời” này. Bởi vì một lúc điên cuồng trả thù mà ông ta đã gây hại biết bao nhiêu. Ông ta không những không biết sống hòa đồng với các tín ngưỡng bản địa khác mà còn tìm cách gây tốn kém cho họ.

Làm gì có “trời” nào như thế, vì thay bằng đợi người cầu nguyện bị thua một cách phải phát biểu là “nhục nhã” thì hãy làm cho họ “thắng” bằng nổi loạn chiếm đất ngay từ ban đầu đi. Nếu ngay lúc cầu nguyện chiếm đất ấy không thắng được phải chăng là “trời” hết phép, hoặc giả mải đi “buôn lậu”, “cướp đất” ở một quốc gia nào đó nên không kịp quay trở về để “hiện hình” một lần nữa cho đám cuồng tín chiếm đất tung hô về phép lạ? Và nếu ở Thái Hà có Đức Mẹ hiển linh thật thì hãy để cho khu Nguyễn Lương Bằng khô ráo không một giọt nước, tại sao để các giáo dân và linh mục cũng phải lội bì bõm như vậy?

Trời của người Việt Nam đã cảnh báo với người Việt về việc chặt phá rừng và đối xử tệ bạc với môi trường sống, phản ánh tương quan nhân quả của con người với môi trường, rất đáng phải suy ngẫm, kinh nghiệm. Tuyệt nhiên không có “trời” nào hiện ra lũ lụt để trả thù việc nhà nước ngăn cản những người cầu nguyện “đòi đất” trái pháp luật. Chỉ có “Ông Trời” đầy tư thù của ông/bà “trí thức” kia và cái loa đang rè BBC mới làm việc với động cơ không trong sáng như vậy. “Trời” ấy, xin lỗi, rất xa lạ, phản cảm với người Việt.

Trung Ngôn

Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2008

KHỦNG HOẢNG KINH TẾ: LÀM GÌ ĐỂ HẠNH PHÚC?


Năm 2008 là một năm thế giới chao đảo bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Kinh tế suy thoái đồng nghĩa với việc đời sống của người dân ngày càng trở nên khó khăn, thậm chí đói nghèo, bần cùng, khốn khổ. Nhưng cũng trong lúc khủng hoảng xảy ra, những trải nghiệm về khổ đau, hạnh phúc mới càng trở nên sâu sắc hơn. Từ chối những diễn biến đó, cuộc sống của chúng ta có giảm đi chút khổ đau nào không?

Kinh tế suy thoái, tác động nhiều đến diễn biến cuộc sống. Ở đó, khổ đau là một sự thật mà chúng ta buộc phải nhận diện, không thể đánh lừa sự ảo tưởng của mình mãi được. Hạnh phúc là một quá trình của sự tìm kiếm, mưa cầu chính đáng. Đó là những nỗ lực tinh thần và vật chất của tất cả mọi người. “Mưu cầu” là một từ dùng chính xác vì hạnh phúc không phải là sự ban phát của ai đó, tức nó không có sẵn để mọi người hưởng thụ. Hạnh phúc và khổ đau là hai người bạn song hành. Khổ đau không phải là kẻ thù của hạnh phúc, mà phần nào còn giúp cho chúng ta trải nghiệm hạnh phúc một cách sâu sắc hơn.

Người Việt có câu tục ngữ: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” diễn tả rất chính xác những cảm nhận này. Cái miếng khi đói ấy trở nên vô cùng giá trị vì họ đã hiểu được hạnh phúc trong một sự chia sẻ nhỏ nhoi. Điều này đáng suy nghĩ khi khủng hoảng kinh tế xảy ra. Phải hiểu giá trị của “một miếng” chung quanh cái giá trị của “nhiều miếng”. Vì một miếng khi đói bao giờ cũng ngon, nhiều miếng khi no bao giờ cũng chán. Đói = ngon. No = chán. Thấy ngon thì giữ được hạnh phúc ở lâu hơn với mình. Thấy chán thì hạnh phúc sẽ sớm rời bỏ mình. Và vì thế người Việt lại có câu: “miếng ngon nhớ lâu”, “no cơm, chán chè”…

Nên lấy cái lúc nhiều miếng để so với cái lúc một miếng mà tìm cái ngon, cái hạnh phúc khi thấy đói. Thấy đói, thấy thiếu quan trọng lắm, vì cơ thể muốn thích nghi tốt với cuộc sống nên phải để cho nó cảm nhận sự đói rét, bằng không nó sẽ nhanh chóng mất sức đề kháng tự nhiên. Còn cứ đem so cái nhiều miếng để với tìm những cái nhiều miếng hơn thì sẽ mau oải, mau chán. Thực tế cuộc sống cho thấy, nhiều người chỉ ăn uống được một phần nhỏ thức ăn, nhưng khi làm cơm hàng ngày phải bày bàn ăn đủ món. Hãy ăn vừa phần thức ăn của mình để có cảm giác ngon miệng vừa đủ.

Biết vừa đủ quan trọng lắm. Ngày xưa Đức Phật đi khất thực với chiếc bình bát vừa phải, đủ cung cấp đủ thức ăn cho một ngày. Chúng tăng thời đó không ăn bàn với la liệt món ăn như bây giờ, bởi bày biện nhiều chỉ lãng phí vì không thể ăn hết lượng thức ăn nhiều như vậy. Tốn kém, lãng phí, không lợi ích cũng từ đó mà sinh ra, rồi thì cảm giác chán “cỗ” cũng vì đó mà sinh ra. Hiện nay, người ta đi dự tiệc nhiều khi vì quan hệ công việc nhiều hơn là đến để được ăn. Đây cũng là điều chúng ta có thể suy nghĩ thêm cho thời buổi kinh tế khó khăn. Phật giáo với “tam đề ngũ quán” thì càng nên đi đầu trong lĩnh vực này.

Hạnh phúc là một khái niệm dùng để chỉ cho những thỏa mãn tinh thần và vật chất. Nhưng bức tường ngăn cản lớn nhất của hạnh phúc lại chính là lòng không biết thỏa mãn. Càng đuổi theo tìm cầu hạnh phúc, chúng ta càng thấy mọi việc như chỉ mới bắt đầu. Hàng chuỗi những sự kiện, những biến cố xảy ra trong cuộc sống làm cho chúng ta luôn mãi ở trong tình trạng đối phó, nên người ta thường cảm nhận hạnh phúc diễn ra ngắn ngủi, bởi cuộc sống luôn đẩy mình trôi nhanh về phía trước. Chưa có đủ thời giờ để nhìn nhận hạnh phúc hôm nay, bây giờ của mình thì nó đã nhanh chóng tuột khỏi suy nghĩ. Kết thúc một công việc, đón nhận một điều tốt đẹp để tiếp tục một công việc, một thử thách mới.

Chính lúc này phải tập so sánh, so sánh với hạnh phúc nhỏ, so sánh với khổ đau, khó khăn, thất bại và rất cần so sánh với khi chỉ có “một miếng”. Hạnh phúc là hiểu và nắm bắt được những cái bình thường nhất trong cuộc sống. So sánh ấy có làm cho người ta gia tăng những cảm nhận về hạnh phúc và khổ đau. Ở ý nghĩa này, hạnh phúc là một nhu cầu được bù đắp. Thiếu thốn cái gì, cái đó được bù đắp thì người ta cảm thấy hạnh phúc. Nhưng ít ai có được sự hạnh phúc trọn vẹn khi cuộc sống luôn xảy ra những biến cố bất ngờ ngoài mong muốn.

Cảm nhận được khổ đau ở mức vừa đủ cũng tốt cho việc mưa cầu hạnh phúc. Nhiều người vẫn tiếp tục chia sẻ với chúng ta về những cảm nhận và đưa ra quan niệm của mình về hạnh phúc, có người còn gắn hạnh phúc với khổ đau, bởi họ xem cái này luôn là nguyên nhân kết quả của một cái khác.

Có thể hạnh phúc là có thật nhiều tiền vì nhờ tiền mà sẽ có nhiều những điều kiện sống được thỏa mãn. Không có tiền là không có điều kiện để hạnh phúc. Vì vậy muốn có được hạnh phúc người ta đã phải bằng mọi cách để có được tiền.

Cầm tiền trong tay, nhìn ngắm tiền hàng ngày bằng cách theo dõi lợi nhuận là có hạnh phúc? Chính vì tìm hạnh phúc trong một hình thức như vậy nên khi đồng tiền tuột khỏi tay mình là người đó nhanh chóng cảm thấy mất hạnh phúc, mọi việc trong cuộc sống không có gì đáng bàn hơn nữa. Đây là một người đau khổ nhất trong những người đau khổ vì họ không thể hiểu tiền là tương đối, không thể hiểu ngoài những giá trị đồng tiền còn có những giá trị khác cần tìm kiếm. Nếu họ không để đồng chiếm bao chiếm sự duy nhất trong cuộc sống thì họ còn những con đường khác để chọn lựa, để bắt đầu lại một công việc, suy nghĩ nhiều hơn đến sự song chiếu của giá trị vật chất và tinh thần.

Trong khi cảm nhận hạnh phúc có lẽ chúng ta ít cho phép mình suy nghĩ đến chữ mất (thất), vì nghĩ và nói đến nó là xui xẻo. Do quá quan tâm đến cái được (đắc) cho nên đến khi hoàn cảnh cuộc sống thay đổi, chúng ta nhận thấy rằng mình đã mất quá nhiều thứ thì mới bắt đầu hối hận, đau khổ. Dù gián tiếp hay trực tiếp thì mất của người này là được của người kia và ngược lại. Được và mất không chắc chắn điều gì là phúc hay là họa. Quan trọng là người hiểu và nắm giữ được quy luật của được mất. Nếu hạnh phúc được hiểu là thỏa mãn một điều gì đó trong mong cầu, vậy thì khi không còn thỏa mãn nữa hạnh phúc có vĩnh viễn mất đi không? Hạnh phúc hay khổ đau không vì vấn đề được mất của chúng ta mà mất đi. Nó là một quá trình của ý nghĩ, lời nói và việc làm.

Có thể nói thế này, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã viết hoa cho chữ Mất. Có những cái chúng ta nắm bắt được và có cái không nắm bắt được. May mắn có thể mỉm cười với người này và không mỉm cười với người kia dù cơ hội của họ có ngang bằng nhau. Cái hôm nay đã thất bại thì cái ngày mai rất có thể sẽ khó nắm bắt. Đuổi theo những suy nghĩ đó là chúng ta dằn vặt, đau khổ và tiếc nuối cái đã qua nhiều hơn. Nhưng trước khi chờ đợi cái ngày mai nó đến bằng cả tích cực lẫn tiêu cực thì hãy sống thật với ngày hôm nay cũng bằng cả những tích cực và tiêu cực của chính nó. Tất cả những cái tạm thời trong cuộc sống sẽ qua đi. Giàu đến ba họ cũng chỉ là tạm thời, khó đến ba đời cũng có ngày thay đổi. Những mưu cầu hiện lên dù tích cực hay tiêu cực thì cũng nhanh chóng biến mất theo thời gian và tuổi tác.

Thời lạm phát, giá cả tăng cao, đồng tiền trở nên mất giá. Đây cũng là thời gian để chúng ta ý thức hơn về tiết kiệm, đánh giá lại những nhu cầu căn bản thiết yếu, điều chỉnh cuộc sống của mình. Sống là thích nghi với mọi điều kiện. Hãy dùng thời gian diễn ra lạm phát để sống chậm lại và di dưỡng tinh thần, xem đây là cơ hội đề quay về nhìn nhận nhiều hơn về những điều được mất vừa qua, có thể chúng ta lại tìm thấy những hạnh phúc giản đơn trong hoàn cảnh cần nhiều đến sự cảm thông và chia sẻ này. Người chồng hay vợ về nhà hãy bớt cằn nhằn về tiền lương giá cả mà hãy chuẩn bị cho những bữa cơm vừa đủ dinh dưỡng.

Xin đừng nhầm lẫn rằng món ăn phải trải đầy bàn thì mới có lợi cho sức khỏe. Chúng ta nấu ăn với tâm bình, khí hòa thì bao nhiêu năng lượng vui vẻ, yêu thương đã được gửi gắm vào món ăn trong quá trình chế biến. Năng lượng yêu thương ấy, những người thân yêu của chúng ta sẽ cảm nhận được ngay qua lòng nhiệt tình chăm sóc, qua ánh mắt, nụ cười, nên dù món ăn có thiếu đi một vài món hay mặn nhạt một chút thì niềm vui vẫn luôn hiện diện, và gánh nặng cuộc sống nhẹ bớt phần nào. Chúng ta sẽ không thể tiêu hóa được khi mà trước mặt rất nhiều món ăn được chế biến bằng sự bực dọc, tức tối, bằng hơn thua được mất của lợi ích kinh tế. Món ăn ấy chắc chắn là độc dược, có hại cho sức khỏe và tinh thần.

“Râu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Bây giờ món đó chẳng có ai ăn, nó chỉ còn được đem ví với những tâm trạng hạnh phúc. Tâm trạng hạnh phúc sẽ cân bằng cuộc sống của chúng ta. Nay ra đến chợ thấy người dân mình than thở nhiều, có nghĩa rằng người dân mình đang không mấy có hạnh phúc. Không hạnh phúc không chỉ nằm trong những lời than thở mà còn nằm trong sự tranh mua tranh bán, vì cùng một đồng tiền giá cả nhưng ai cũng muốn có được phần rẻ, phần tươi ngon.

Khi mất cân bằng cung cầu, sinh ra tranh chấp lợi ích giữa những người mua bán. Có lúc rau bỏ thối trên đồng ruộng không ai muốn ăn. Có những lúc rau không có đủ mà cung cấp cho thị trường. Lời khuyên trở nên mất giá trị khi điều kiện nào đó xuất hiện và hạnh phúc bị điều kiện hóa trước thực tế cuộc sống.

Để sống hạnh phúc trong những hoàn cảnh mà sự điều kiện hóa đã nhỏ đến từng chi tiết, nhà Phật không chỉ đề cao thái độ sống biết vừa đủ mà còn khuyến khích tâm hoan hỷ. Hoan hỷ nghe dễ vậy chứ rất khó thực tập. Nếu thấy người đến mua trước mình mua được mớ rau ngon, con cá tươi ngon mình có hoan hỷ với niềm vui của người ấy không hay mình sẽ đố kỵ? Đó là hạnh phúc của người. Nếu có thể hoan hỷ được với hạnh phúc của người thì mình sẽ lấy hạnh phúc ấy làm hạnh phúc của mình. Chính vì điều này mà hạnh phúc cũng cần được chia sẻ. Tâm hoan hỷ không những chia sẻ hạnh phúc được với người mà còn nuôi dưỡng lòng trắc ẩn trước khổ đau của người. Vì người muốn người khác hạnh phúc giống như mình thì không bao giờ có thể mang khổ đau đến cho người được. Trong khó khăn, tâm hoan hỷ làm cho con người bảo bọc yêu thương nhau, ít đi sự ích kỷ, giành giật.

Đức Phật cho rằng người biết khởi tâm hoan hỷ trước sự bố thí của người khác thì công đức của người đó bằng công đức của người bố thí. Trong những hoàn cảnh khó khăn, tâm hoan hỷ luôn mang đến cho mình niềm hạnh phúc.

Sống chung với lạm phát là phải biết điều chỉnh nhu cầu, tiết kiệm những thứ cần dùng, không bỏ những thứ còn dùng được. Tiết kiệm hay điều chỉnh cuộc sống để giảm thiểu nhu cầu không có gì là mất đi niềm tự trọng. Một người có tự trong và công bằng ở trong tâm lẽ nào lại xem việc phải đi xe đạp thì kém cỏi hơn đi bằng xe hơi sang trọng. Cái xe hơi có thể thông báo với chúng ta đó là một người giàu (tạm thời), nhưng nó không cho ta biết đó là một người làm ăn lương thiện, có nhiều tình thương và lòng tự trọng. Ta thấy rõ, có những giám đốc ngồi trên xe hơi sang trọng, ở ngôi nhà sang trọng…, nhưng chính ông ta là người để công ty thải rác và chất độc hại ra giết chết môi trường sống, thử hỏi trong tâm ông ta có sạch, có nhiều lòng tự trọng như cái vẻ ngoài hào nhoáng ấy hay không.

Hạnh phúc là sống với hiện tại, nắm bắt được mọi thăng trầm của hiện tại. Ai cũng có quyền mưa cầu hạnh phúc, nhưng để đối phó với những khó khăn hiện tại hãy cho mình thêm một cơ hội và cũng không quên dành cho người một cơ hội. Chỉ có những việc chúng ta chưa làm chứ không có những việc chúng ta không làm được. Và chỉ có những việc làm (dù lớn dù nhỏ xuất) phát từ động cơ suy nghĩ ích mình lợi người, ích lợi cho cả hai mới là điều kiện để chúng ta đi đến một cuộc sống hạnh phúc lâu dài. Sống có trách nhiệm với bản thân với mọi người chung quanh là hạnh phúc. Làm một việc thiện nhỏ bằng tinh thần chia sẻ là hạnh phúc, không làm tổn hại đến ai cũng là hạnh phúc. Còn những ai thờ ơ, vô cảm trước niềm đau của người khác thì rất khó tìm được cho mình niềm hạnh phúc đích thực.

Trần Điều

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2008

VÀI SUY NGHĨ VỀ CON SỐ THỐNG KÊ MỚI: VIỆT NAM CÓ 45 TRIỆU PHẬT TỬ CHÍNH THỨC QUY Y TAM BẢO



Theo thống kê mới nhất của Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương (được Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thông qua) Việt Nam có 45 triệu tín đồ Phật tử quy y tam bảo. Con số thống kê này được phát biểu nhân dịp kỷ niệm 27 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (7/11/1981-7/11/2008).

Theo số liệu thống kê của Ban Hướng dẫn Phật tử, cả nước có gần 45 triệu tín đồ Quy y Tam bảo, có 839 đơn vị Gia đình Phật tử, có 7568 Huynh Trưởng, 85.000 đoàn sinh. Ban Hướng dẫn Phật tử thường xuyên tổ chức các trại huấn luyện Huynh trưởng và đoàn sinh, các trại họp bạn ngành nữ, ngành thiếu, các khóa tu như Khóa tu một ngày an lạc, Phật thất, Thiền Tịnh song tu, các Lớp Bát Quan trai, Đạo tràng Niệm Phật, Đạo tràng Pháp Hoa, Dược Sự, Hội Quy… với số lượng Tăng Ni, Phật tử tham dự rất đông”.

Tôi không ngạc nhiên về con số thống kê này, vì vốn dĩ ngay từ khi có thống kê nào đó cho rằng Phật giáo Việt Nam có khoảng gần 12 triệu Phật tử, tôi cũng đã không tin và có biết bao nhiêu người Phật tử đã phản ứng trước thông tin này, vì theo ước tính của các cơ sở tự viện có 80% dân số theo đạo Phật (bằng nhiều hình thức). Con số thống kê dựa vào chứng minh thư hay bản khai nhân khẩu có thể tương đối chính xác khi thống kê số tín đồ theo đạo Công giáo qua sổ bộ rửa tội ngay từ khi còn là trẻ sơ sinh và những người mới theo đạo tại các giáo xứ, nhưng khó mà chính xác khi thống kê số lượng Phật tử.

Tại sao lại xuất hiện con số “thống kê” gần 12 triệu Phật tử giống như “bỏ bom” vậy? Tôi nghĩ nguyên nhân sâu xa vẫn là nguyên nhân thuộc “đường lối” (có thời điểm) của một lực lượng, đặc biệt mà thời điểm diễn ra nhiều hỗn độn trong việc lựa chọn hình thức tôn giáo cho bước đi “kinh tế” của một số thỏa thuận “ẩn hiện” không chính thức. Con số này khi được công bố đã gây ra sự mừng lo chung trong xã hội, vì không đánh giá đúng thực tiễn diễn biến tôn giáo tại Việt Nam. Thống kê có tính “thời điểm” này phụ thuộc rất nhiều vào một chủ trương mà sự lựa chọn vẫn chưa đủ mạnh để đưa ra một tương quan có tính cách thúc ước tôn giáo. Công bố hơn 20% người có đạo trên số dân Việt Nam là một con số bất thường, gây bất lợi cho chính chính sách tôn giáo của nhà nước. Bởi không phải cứ cho rằng xã hội ít có người theo tôn giáo thì vấn đề tôn giáo sẽ kém phức tạp hơn, xã hội sẽ ổn định hơn.

Những ảo thực, ẩn hiện chung quanh động cơ công bố có phần không chính xác về số lượng Phật tử ở một nguồn tin (chính thức và có thể không chính thức) nào đó, đã thúc đẩy những quá trình toan tính tôn giáo diễn ra nhanh hơn. Con số đưa ra không phải chỉ là sự phản đề hợp lý để Phật giáo chạy vào cuộc đua con số. Vì chắc chắn một điều rằng, một nửa con người thì vẫn là con người, nhưng một nửa sự thật thì không phải sự thật.

Vì sao với con số thống kê trên, tôi lại sử dụng từ “gây ra sự mừng lo chung trong xã hội”. Trước nhất, cái “mừng” có lẽ thuộc về tín đồ Công giáo vì trong hơn 20% dân số có đạo, họ chỉ đứng sau Phật giáo với vài triệu tín đồ mà khoảng cách rút ngắn, vượt lên cũng khá mong manh. Về cái lo, thứ nhất: dân số chỉ có 20% theo tôn giáo, rất đáng ngại, vì tôn giáo có tác dụng tích cực khuyên con người sống hướng thiện như vậy nhưng tại sao lại quá ít người theo, và tại sao theo tôn giáo lại không được coi là một vinh dự? Cái lo thứ hai: con số gần 80% “không tôn giáo” còn lại sẽ là mảnh đất màu mỡ để dấy lên một cuộc giành đất tín đồ, hay một cuộc “cải đạo” có tổ chức mới. Cái lo thứ ba là cái lo thuộc về Phật giáo, một tôn giáo gắn bó lâu đời, đã thấm sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của người Việt mà số lượng Phật tử chỉ chiếm khoảng 11% dân số, mất cân bằng nghiêm trọng trong chính sách đối trọng tôn giáo.

Vì sao mất cân bằng? Vì tôn giáo ở Việt Nam không thể được quy giản vào tính từ “tôn giáo” như phương Tây quan niệm, bởi bản chất, đối tượng tôn giáo ở Việt Nam là rất khác nhau về cách thức truyền đạo, tổ chức giáo hội và giáo lý thực hành cũng như mục đích tôn giáo (hướng nội, hướng ngoại, thế quyền, thần quyền) của nó. Tính bình đẳng tôn giáo không nên hiểu một cách đồng nhất, vì rằng con hổ (ăn thịt) và con nai (ăn cỏ) không thể vì xem là bình đẳng mà nhốt chung chúng vào với nhau, chỉ trừ khi con hổ biết chuyển thói quen ăn thịt sang ăn cỏ.

Những diễn biến tôn giáo phức tạp được thúc đẩy nhanh hơn sau những công bố này. Đó là điều mà người viết cảm nhận được. Quả tình sau con số thống kê tôn giáo, rục rịch xảy ra nhiều tin đồn đoán rằng nhà nước sẽ sớm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Vatican và sau đó Giáo hoàng sẽ nhanh chóng viếng thăm Việt Nam và đạo Công giáo sẽ được chọn làm điển hình để phát triển. Con số gần 7 triệu tín đồ Công giáo được đặt trong thế so sánh (chủ yếu) với gần 12 triệu Phật tử (sau đó mới đến hơn 3 triệu đảng viên Cộng sản) đã cho những người có chủ đích quyền lực chính trị rất nhiều niềm lạc quan về sự phát triển, đặc biệt khi có sự hậu thuẫn tối đa của nhà nước Vatiacan.

Nhưng cũng từ đây, sức ép tôn giáo hình thành, sau những vụ Tin lành ở Tây Nguyên đòi độc lập, HT. Quảng Độ sát cánh bên “dân oan”, Công giáo cũng đã nhanh chóng “vào cuộc” thử sức bằng hiệp thông đòi đất để tìm “công lý và hòa bình”, như một nhắc nhở khéo Việt Nam đang thiếu công lý và hòa bình và cần phải thay đổi. Cả 3 vấn đề trên có những “động cơ” và “mục đích” khác nhau, nhưng nó luôn “bổ sung” cho nhau, làm “khoáng sản” kích thích các thế lực muốn gây bất ổn, rối loạn cho Việt Nam khai thác.

Sự chia rẽ của Phật giáo, và số lượng tín đồ chính thức được công bố một cách “nghèo nàn” như vậy đã làm cho một số thế lực “cầu nguyện đòi đất” trở nên thái quá bằng việc “thử sức” cả nhà nước và Phật giáo. Không phải ngẫu nhiên họ lại khởi sự tranh chấp đất đai bằng mảnh đất Tòa khâm sứ cũ (chùa Báo Thiên bị Giám mục Puginier chiếm phá khi xưa), đến mức giám mục Thái Bình già cả Nguyễn Văn Sang đã phải thốt lên câu nói rất có “ý đồ” rằng: Phật giáo đã từng bị mất chùa (vì tay Công giáo), nay có mất thêm một lần nữa thì có mất gì đâu, và cứ theo nghĩa này suy rộng ra: dân tộc này từng mất độc lập, tự chủ (vào tay Pháp) nay có mất thêm một lần nữa thì cũng có mất gì đâu. Rõ ràng, trong cuộc tranh chấp đất đai này, tư duy, nhận thức về con số luôn được đưa vào một cách có chủ ý.

Với gần 7 triệu tín đồ rất hăng say trong hiệp thông, bài bản trong tổ chức, kỷ luật trong vâng lời, họ đã liên hệ tới 12 triệu Phật tử (theo cách mà họ cố tình hiểu và tuyên truyền đó là Phật giáo bị chia rẽ, quốc doanh hóa, tổ chức không chặt chẽ, không đủ tài lực…). Từ đó họ chợt nhìn ra “lợi thế to lớn” về số lượng (tinh nhuệ) đó để - có - thể làm một cuộc đảo cờ thần thánh, nên họ ra sức tung tin rằng 7 triệu tín đồ Công giáo có thể được ví như quả bom tôn giáo bất cứ lúc nào cũng có thể gây ra một cuộc lật đổ chế độ hiện hành.

Đây là con số lý tưởng để các đảng phái, các tổ chức chống đối hải ngoại bám víu vào như chiếc phao nổi cho những toan tính, sắp đặt chính trị. Nên không khó hiểu vì sao họ bất chấp cả lương tâm lịch sử, đạo đức và lòng trắc ẩn để “hiệp thông” một cách phi lý, bôi nhọ nhà nước và tung tin đồn nhảm rằng Phật giáo bây giờ toàn là sư công an, có vợ con, bồ bịch… để gây nhiễu thông tin, đánh đồng sự phản biện của Phật giáo trước di sản của mình bị chiếm phá và sự không chấp nhận yêu sách vô pháp vô thiên của họ là công cụ của Mặt trận tổ quốc nhằm đàn áp tự do tôn giáo.

Nhưng khi Vatican không cho phép được cầu nguyện quá khích, một số thế lực cầu nguyện còn không mặn mà lắm với quyết định này, thậm chí còn có phản ứng tiêu cực. Liền sau đó, cuộc tranh luận về pháp lý và lịch sử của mảnh đất chùa Báo Thiên đã nổ ra trên nhiều diễn đàn, cung cấp cái nhìn nhiều chiều cho người tiếp cận, không như những thông tin một chiều mà phía Công giáo đưa ra.

Tuy nhiên, khái niệm “thông tin một chiều” lại được họ sử dụng để tấn công vào truyền thông của nhà nước khi đuối lý và đuối cả về sức mạnh truyền thông khi phát ngôn gây tranh cãi và phẫn nộ trong nhân dân của ông Ngô Quang Kiệt được phát đi. Từ một cuộc bao biện “đổi trắng thay đen” về mảnh đất di sản nổi tiếng của Phật giáo, họ quay sang bao biện cho nhân cách người khởi xướng “cầu nguyện” là ông Ngô Quang Kiệt. Không phải khi “khởi động”, “tăng tốc” và xém “về đích”, ông Ngô Quang Kiệt (người Việt 100%) không có một kiến thức lịch sử nào về mảnh đất ấy, mà ông cố tình kêu gào “công lý và hòa bình” ở một mảnh đất mà điều đó đã bị bỏ quên như một thách thức.

Điều đáng nói là “Kinh Hòa Bình” lại được ca hát suốt ngày đêm trên mảnh đất đó. Khác với ông Ngô Quang Kiệt, ông John V. Hanford Đại sứ của Tổng thống Hoa Kỳ về vấn đề Tự do Tôn giáo, tuy chẳng phải người Việt nhưng đã hiểu rất rõ lịch sử mảnh đất ấy và phát biểu trên BBC rằng: “Một trong những vấn đề là tài sản đã được sang tay nhiều lần. Trong trường hợp miếng đất được nhiều người biết đến ở Việt Nam, tôi nghĩ trước đây của người Phật giáo, sau nhờ người Pháp mới thành của người Công giáo cho nên rất phức tạp”. Với những phát biểu này, những xuyên tạc lịch sử cho rằng đất Tòa khâm cũ không phải là đất chùa Báo Thiên trở nên trơ trẽn và thiếu lương thiện.

Cố đấm ăn xôi bằng mọi cách thức chiếm đất như xưa họ đã từng ứng xử với Phật giáo, bất chấp mọi phản biện, mọi cảnh báo, họ liên tục gia tăng sức ép, và khi lý luận, lương tâm yếu thế ngoài cách thức tráo trở với lịch sử, họ chỉ biết bám víu vào “con số” tín đồ xem đó như một lực lượng chủ đạo làm bình phong và chỗ dựa. Bên cạnh đó là tấn công vào các biểu hiện tiêu cực trong quá trình phát triển của đất nước như vấn đề tham nhũng, vần đề giáo dục, vấn đề ô nhiễm môi trường nhằm đánh lạc hướng chủ đích “đòi đất”. Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng đưa ra một bản gọi là “quan điểm” vòng vo với những vấn đề tiêu cực trong xã hội mà nhà nước đang nỗ lực điều chỉnh và giải quyết, không còn trực diện đối đầu với mảnh đất Tòa khâm sứ cũ. Và điều đáng ngạc nhiên là trước trận mưa lịch sử vừa rồi tại Hà Nội, họ tung tin với tin đồ rằng do “đàn áp” Công giáo mà bị “trời trừng phạt” như vậy. Phải chăng kiến thức khoa học về mưa lũ, lòng trắc ẩn trước khổ đau mất mát chung, sự hiểu biết về tương quan giữa ứng xử (nhân quả) của con người với thiên nhiên của họ tự nhiên biến đâu mất hết, trong họ chỉ có lòng hận thù, sự cay cú vì “yêu sách” của mình không được thỏa mãn?

Có thể nói, việc cương quyết của nhà nước trước vụ Tòa khâm sứ cũ và việc phản biện của dư luận xã hội, Phật giáo đã giáng một đòn mạnh vào đầu óc “ngoại thuộc” của một số người đứng đầu, thông tin chống đối ở hải ngoại gần như tan rã, không còn hy vọng bám víu vào con số 7 triệu tín đồ mà họ bốc rời về một cuộc bạo loạn lật đổ như những thông tin giật gân ban đầu.

Với tương quan về lực lượng con số, chắc chắn từ khi cầu nguyện, họ không trông mong vào sự ủng hộ của các tôn giáo khác tại Việt Nam. Và lực lượng đáng quan tâm nhất của họ không phải là 3 triệu đảng viên mà chính là người Phật tử. Bất kể khi nào người Phật tử tham gia vào phản biện hoặc có ý kiến là họ phản đòn hoặc bằng giai điệu người Phật tử từ bi, khoan dung thì không nên “nhảy” vào cuộc tranh chấp này vì đó là chuyện giữa họ và nhà nước, hoặc xuyên tạc, đồng nhất toàn bộ Tăng Ni, Phật tử vào thế lực của Mặt trận tổ quốc mà họ không có thiện cảm. Ô hay chưa! Anh đi chiếm bao nhiêu chùa của tôi để xây nhà thờ, tôi đã vì hòa bình, hòa hợp mà quên đi, nay anh lại đi đòi những mảnh đất mà anh xâm chiếm ấy bằng danh xưng “công lý và hòa bình”, vậy ra hòa bình chính là phải đi chiếm đất bằng mọi cách à?

Từ những luận điệu tráo trở và lươn lẹo trên, trong vụ cầu nguyện đòi đất (tức người Công giáo cầu nguyện “đòi” vào cái mảnh đất mà họ từng chiếm phá một cách phi công lý với di sản nổi tiếng vào bậc nhất của Phật giáo), người Phật tử phải lên tiếng và cảnh báo rõ với họ rằng “Phật giáo thiền chứ không ngủ”, đừng có nói “đêm qua em mơ thấy Chúa về, bảo rằng khu đất đó là “Thánh địa” mà Chúa đã mua của quân xâm lược Pháp”.

Nhưng đúng là “kẻ dùng gươm sẽ chết bởi gươm”, vụ cầu nguyện vì “công lý và hòa bình” này lại trơ nên vô cùng lạc lõng, không có một lực lượng tôn giáo, xã hội nào ủng hộ, ngoài những thế lực thù địch, chống cộng, chống Phật giáo ở nước ngoài. Không những thế nó còn trở nên phản cảm trong con mắt của nhân dân về những hình ảnh cắm mốc thánh giá bất cứ chỗ nào, cũng như đập phá tài sản, phát biểu thiếu chín chắn, miệt thị vào luật pháp, đạo đức của dân tộc Việt Nam qua hành động quá khích của một số linh mục.

Thật là giậu đổ bìm leo khi họ chọn đúng thời điểm nhà nước đối phó với lạm phát, với vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, với những vụ xử lý tham nhũng để khởi động “cầu nguyện”, những tưởng rằng Việt Nam với những sức ép to lớn không thể nào không gần gũi với phương Tây, đặc biệt một số nhà bình luận Công giáo còn xem Vatican như một chiếc phao cứu sinh nhiều mặt để Việt Nam đến gần hơn những đảm bảo của phương Tây, đặc biệt là của Mỹ. Nhưng thực tế, Vatican không còn là Vatican của mấy thập kỷ về trước (nó đã ngày càng trở nên bất tín, thiếu uy lực), và khi kinh tế Mỹ và Châu Âu gặp khủng hoảng, “chân lý” về sức mạnh toàn diện của phương Tây đã không được đảm bảo vì chính họ cũng không đảm bảo được cho chính mình. Mặt khác về quân sự, Mỹ không thể bao quát hết mọi chiến trường trong khi vẫn còn sa lầy ở Iraq, Afghanistan…

Việt Nam ít nhiều nằm trong “vùng ảnh hưởng” của Trung Quốc, nên mọi động thái ngoại giao phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo tỉnh táo không nên tạo cho mình những nguy hiểm gần cận, thường trực một cách không cần thiết mà sa bẫy của các phía (vừa muốn làm bạn vừa không muốn làm bạn, vì từ bạn sang thù từ thù sang bạn không có gì đảm bảo nếu tranh chấp về lợi ích xảy ra). Việt Nam không thể tạo ra sự cảnh giác, nghi ngờ ở Trung Quốc nếu mạo hiểm đặt quan hệ bình thường với Vatican trước họ.

Khi xã hội luôn tư duy bằng con số (chỉ số), không nói về vấn đề ảo thực của nó mà chỉ nói về mặt tác động thông tin thì sự công bố chính thức của một tổ chức về một vấn đề được thống kê sẽ có tiếng nói quan trọng vào việc hoạch định chính sách, cũng như tương lai phát triển của tổ chức ấy. Đó không thể là một việc làm tùy tiện, mà phải được cân nhắc một cách cẩn trọng. Mới đây chỉ có viết sai “Ở Việt Nam có khoảng 1 triệu học sinh không đến trường” thành “Ở Việt Nam có khoảng 1 triệu học sinh bỏ học” mà Trưởng văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã phải gửi đơn đến Bộ Giáo dục để đính chính, vì nhận định trên đã làm sai lệch chỉ số đánh giá, làm thiệt hại đến hình ảnh giáo dục tại Việt Nam.

Cũng như vậy, trước con số thống kê 12 triệu Phật tử Việt Nam, Giáo hội cũng phải “giật mình”, nhiều Phật tử có tâm huyết cũng phải “giật mình” đặt câu hỏi “vì sao lại ít một cách vô lý như vậy?”. Đây là nguyên nhân mà Giáo hội phải vào cuộc để trả lời cho vấn đề này. Con số thống kê 45 triệu Phật tử được đưa ra trong ngày kỷ niệm 27 năm thành lập giáo hội chắc chắn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trước những diễn biến phức tạp về tôn giáo tại Việt Nam ở tầm vĩ mô.

Nhưng Phật giáo chúng ta có truyền thống không tranh chấp tín đồ, ai thấy phù hợp thì tình nguyện theo, không cưỡng ép cải đạo. Phật giáo cũng không xem số lượng Phật tử đông đảo là sẽ tương đồng với sự giác ngộ tâm linh. Ở vào thời Phật giáo cực thịnh, vua Trần Nhân Tông từng nói: “Phô người học đạo, Vô số nhiều thay, Trúc hóa nên rồng, Một hai là họa” (Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca). Nếu theo nhiều mà chất lượng không có thì đó cũng chẳng phải là điều đáng vội mừng.

Chúng ta vinh dự khi Liên hiệp quốc công nhận Vesak là ngày lễ hội văn hóa tôn giáo của thế giới. Chắc chắn không phải vì có số lượng hàng tỷ tín đồ đông đảo trải khắp thế giới như đạo Hồi, đạo Thiên Chúa mà chính vì bản chất tôn giáo là đề cao trí tuệ, đức từ bi và lòng khoan dung. Người Phật tử trên khắp thế giới đã thực hành đúng lời Đức Phật dạy, nên đã gửi đến nhân loại bức thông điệp hòa bình bằng chính thực tiễn cuộc sống của mình. Đó là điều không ai có thể phủ nhận được.

Đối với lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam, dù những lúc Phật giáo làm quốc giáo thì cũng không bao giờ trở tranh ngôi vị thế quyền, đàn áp các tư tưởng, tôn giáo khác. Đó là điều chúng ta luôn vững tin Phật giáo sẽ phát triển, xứng đáng với truyền thống hộ quốc an dân.

Liên hệ tới những con số thống kê về lượng tín đồ tôn giáo tại Việt Nam, tôi lại thấy trước là giật mình là lo nhưng sau lại là mừng. Bởi vụ “cầu nguyện đòi đất” là liều thuốc thử cho các bên tự bộc lộ, bộc lộ sớm còn hơn bộc lộ muộn, còn hơn bộc lộ vào những tình huống khẩn cấp, thiết quân luật…, bởi giặc ngoài dễ phòng thù trong khó tránh. Tôi nghĩ, dù con số thống kê có xác tín điều gì đó với những người ưa tư duy bằng con số, thì chất lượng của con số vẫn là điều đáng khuyến khích, chú trọng trong sự nghiệp hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Nếu chạy theo số lượng mà số lượng ấy ảo, hoặc không đảm bảo về chất lượng, hoặc lợi dụng nó bằng những động cơ quyền lực không trong sáng thì chẳng đáng quý gì. Nói như Lão Tử “vật cực tắc phản”. Thực tế cho thấy, vì một số thế lực ảo tưởng là mình mạnh, mình phát triển nên mới xảy ra yếu tố “phản” ở bên trong. Thế nên Phật tử dù ít, dù nhiều chúng ta cũng không chạy theo tư duy con số mà đánh hỏng truyền thống vốn có của mình. Bất tranh nhi thiện thắng. Phật tử không bao giờ tự coi mình là kẻ mạnh mà đặt mình vào chỗ “vật cực” (đầy tràn) vì điều đó đồng nghĩa với việc tự đặt mình vào chỗ nguy hiểm vậy. Viết đến đây, tôi chợt nhận ra rằng con số gần 12 triệu hay 45 triệu Phật tử không còn cần thiết nữa trước thực tiễn sức mạnh tâm truyền của Phật giáo mỗi khi đạo pháp và dân tộc lâm nguy.

Thường Trung