Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2009

GIAO THỪA - THỜI KHẮC THIÊNG LIÊNG NHẤT TRONG NĂM


Cũng như hầu hết các dân tộc trên thế giới, với người Việt Nam, giao thừa được xem là thời điểm thiêng liêng nhất trong một năm. Đó là thời khắc chuyển giao chấm dứt một năm theo vòng quay của trái đất, bắt đầu một năm mới...

 

Và cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, Việt Nam chọn ngày bắt đầu năm mới vào thời điểm bắt đầu mùa xuân. Đây là thời điểm vạn vật như bừng nở sau nhiều tháng ngày cuộn mình trong giấc ngủ đông với những cơn mưa xuân nhẹ nhàng như gột rửa những gì ảm đạm của năm cũ. Chim chóc thì nhảy hót, cây cối thì đâm chồi nảy lộc và con người thì ngập tràn niềm phấn khởi để chuẩn bị bước sang một năm mới, một dự định mới cho tương lai…

Theo phong tục của người dân Việt, ngay từ sáng ba mươi Tết, mọi người dậy thật sớm để chuẩn bị cho thời điểm trọng đại - giao thừa.

Ngày xưa, ở trong các thôn, làng từ sáng sớm, còi trống, thanh la đã được gióng, thổi vang để kêu gọi mọi người chuẩn bị. Hàng loạt các hoạt động đời sống, tín ngưỡng quan trọng trong ngày này được gấp rút thực hiện để đến tiết giao thừa, tất cả phải được hoàn thành, để năm mới bắt đầu với sự thanh thản, không còn gì phải lo nghĩ…

Trong ngày ba mươi Tết, Táo quân sau khi lên thiên đình bẩm tấu mọi việc với Ngọc Hoàng Thượng đế được nhà nhà rước về. Cùng với rước Táo quân trở về, mọi người cũng thực hiện một tín ngưỡng thiêng liêng của người Việt là cúng gia tiên, hay dân gian còn gọi là cúng rước ông bà, mời ông bà người thân quá cố về sum họp gia đình ngày Tết.

Theo Toan Ánh trong Tìm hiểu phong tục Việt Nam, thì người xưa thường cúng gia tiên vào chiều ba mươi Tết và từ lúc đó, trên bàn thờ gia tiên phải giữ hương khói không tắt cho đến ngày cúng đưa, thể hiện việc người của cõi âm luôn có mặt cùng gia đình trong những ngày Tết. Đó cũng là tín ngưỡng căn bản của người Việt trong việc thể hiện lòng tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên của mình…

Thông thường, việc cúng gia tiên diễn ra ở nhà gia trưởng; sau bữa tiệc tất niên này, mọi người ai về nhà nấy để chuẩn bị đón giao thừa.

Theo An Chi trong Chuyện đông chuyện tây thì hai tiếng "giao thừa" có hàm ý tống cựu nghênh tân (đưa cũ rước mới), “thừa” có nghĩa là tiếp nối, tiếp nhận. Và dân gian tin rằng mỗi năm đều có một ông hành khiển coi việc trần gian; cứ hết năm, đúng lúc giao thừa, thì ông tiền nhiệm bàn giao cho ông kế nhiệm. Vì vậy mà có cúng giao thừa để tiễn đưa ông cũ và đón tiếp ông mới.

Về những ông hành khiển này, Toan Ánh viết, theo quan niệm của sách xưa: Mười hai vị đại vương, mỗi ông cai trị một năm cõi nhân gian là Thập nhị hành khiển vương hiệu, tính theo thập nhị chi, bắt đầu là năm Tý, cuối cùng là năm Hợi. Mỗi vị có trách nhiệm cai trị thế gian trong toàn niên, xem xét việc hay dở của từng người, từng gia đình, từng thôn xã cho đến từng quốc gia để định công luận tội, tâu lên Thượng đế.

Mỗi vị đại vương hành khiển đều có một vị phán quan giúp việc. Trong các vị hành khiển vương hiệu, có vị nhân đức, có vị cương trực và cũng có vị khắc nghiệt. Những năm có các loạn thiên thời, loạn đao binh, nạn thủy tai, hỏa tai… tục tin rằng là do các vị đại vương hành khiển trừng phạt nhân gian vì tội lỗi của con người (trích theo Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam).

Cũng theo Toan Ánh thì giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt đầu qua năm mới, giữa giờ Hợi ngày 30 (hoặc nếu tháng thiếu, thì ngày 29) tháng Chạp năm trước và giờ Tý ngày mùng một tháng Giêng năm sau được gọi là trừ tịch. Vào lúc này, mọi người làm lễ trừ tịch, được cử hành rất trịnh trọng từ tư gia tới các đình chùa và cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ Giao thừa.

Để báo hiệu cho giờ phút này, chuông trống từ khắp nơi vang lên, pháo nổ báo hiệu cho một mùa xuân mới. Ngày nay, khi đời sống thành thị đông đảo, pháo không được cho phép sử dụng nữa do nguy hiểm thì để báo hiệu cho sự chuyển tiếp này, mọi người cũng đánh trống, khua mõ, và đặc biệt là tại các thành phố lớn, chính quyền địa phương cho đốt pháo hoa nổ vang sáng rực cả một góc trời.

Ngày xưa, trong thời khắc thiêng liêng giao hòa trời đất này, cả gia đình ông bà cha mẹ con cháu ngồi với nhau trong không khí đầy tâm linh với niềm vui ấm áp của sự khởi đầu cho một năm mới. Ngày nay, không khí gia đình trong ngày lễ trọng đại này đã có phần giảm bớt. Từ trước lễ giao thừa, nhiều người, nhất là giới trẻ đã đổ ra đường để đón năm mới. Tại thành thị, họ tập trung ở các khu vực trung tâm để được chứng kiến màn bắn pháo hoa và để chung vui với người thân hay bạn bè…

Sau đó, một số người sẽ về nhà để tận hưởng tiếp không khí năm mới tại gia đình; còn những người khác thì bắt đầu du xuân, xuất hành đến các đình chùa để cầu may, hái lộc...

 Bùi Dũng (Theo thanhnien.com.vn)

Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2009

THƯ NGỎ GỬI CHỦ TỊCH UBND TP. HÀ NỘI NGUYỄN THẾ THẢO


Thưa ông Chủ tịch, lịch sử, tư liệu, hình ảnh về chùa Báo Ân và chùa Báo Thiên vẫn còn để lại rất rõ. Nếu không có quy hoạch quan trọng này, ắt hẳn không bao giờ trong đời tôi dám mơ rằng những nhà khoa học, lịch sử, khảo cổ, văn hóa sẽ nói lên tiếng nói của lương tâm và lẽ công bằng để phục dựng và tái hiện hai di sản văn hóa quan trọng vào bậc nhất tại kinh đô Thăng Long…

Kính gửi: Kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội

Thưa ông Chủ tịch, tôi là một tu sĩ Phật giáo, người công dân bình thường được sinh ra và lớn lên trên quê hương thân yêu Việt Nam. Niềm tự hào dân tộc của tôi càng dâng trào khi thủ đô Hà Nội đang tiến gần đến kỷ niệm tròn 1.000 năm tuổi. Một nghìn năm tuy dài nhưng nhìn thấu đến cội nguồn thì chỉ như mới hôm qua, vì Đại Việt của một nghìn năm trước hay Việt Nam của một nghìn năm sau cũng là quê hương huyết thống và quê hương tâm linh muôn đời của cháu con người Việt.

Sau gần 1.000 năm với biết bao nhiêu vinh nhục, thăng trầm, cách đây một vài năm, Hà Nội đã có một không gian tượng đài kỷ niệm dành cho vua Lý Thái Tổ, người khai sinh ra kinh đô Thăng Long. Sự ghi nhớ của cháu con với ông cha tuy muộn, nhưng cũng cho thấy một ý thức gốc nguồn đang được nhóm lên. Tôi vui mừng khi nhìn thấy tượng vua Lý Thái Tổ uy nghi đứng đó, nhưng tôi buồn vì thiền sư Vạn Hạnh, người ra kế sách trực tiếp cho việc thiên đô về Thăng Long vẫn chưa có một kỷ niệm xứng tầm.

Dấu ấn khắc nghiệt của thời gian sẽ dần phủ bụi vào nhiều địa tầng và không gian văn hóa tâm linh nơi thủ đô Hà Nội. Thủ đô Hà Nội là thủ đô văn hóa và hòa bình, nên chắc chắn trong suy nghĩ, mọi người đều thống nhất với nhau rằng, thủ đô phải là nơi hội tụ của văn hóa tâm linh và khí thiêng sông núi.

Thưa ông Chủ tịch, tôi được biết ngày 8/1/2009 tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã diễn ra cuộc triển lãm trưng bày các đồ án dự thi “Ý tưởng quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận”, trong đó có 9 phương án quy hoạch, thiết kế đô thị tại khu vực này. Tuy nhiên, tôi rất buồn và thất vọng khi cả 9 phương án đều không có một phương án nào đề cập đến việc phục dựng chí ít một trong hai di sản nổi tiếng của Phật giáo là chùa Báo Thiên (An Nam tứ khí) và chùa Báo Ân (vẫn còn ngôi tháp trơ vơ gần đó).

Thưa ông Chủ tịch, lịch sử, tư liệu, hình ảnh về chùa Báo Ân và chùa Báo Thiên vẫn còn để lại rất rõ. Nếu không có quy hoạch quan trọng này, ắt hẳn không bao giờ trong đời tôi dám mơ rằng những nhà khoa học, lịch sử, khảo cổ, văn hóa sẽ nói lên tiếng nói của lương tâm và lẽ công bằng để phục dựng và tái hiện hai di sản văn hóa quan trọng vào bậc nhất tại kinh đô Thăng Long. Chắc hẳn ông cũng biết rõ căn nguyên lịch sử về hiện trạng của mảnh đất chung quanh khu vực Hồ Gươm này. Nếu công bằng mà nhìn nhận thì dấu ấn đặc biệt nhất của không gian văn hóa tâm linh tại khu vực hồ Gươm chính là chùa Báo Thiên và chùa Báo Ân của dân tộc. Sở dĩ tôi nói vậy, vì chùa Báo Thiên và ngôi bảo tháp là niềm tự hào của người dân Việt Nam suốt trên 7 thế kỷ cho tới ngày thực dân Pháp tàn phá và xây lên đó nhà thờ Lớn.

Thưa ông Chủ tịch, nếu đọc lại lịch sử, không khó khăn để nhận ra rằng, chùa Báo Thiên có vị trí tâm linh vô cùng quan trọng với cả ba triều đại Lý - Trần - Lê, bởi đó là nơi liên tục diễn ra những nghi thức quốc gia cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đồng thời chùa Báo Thiên còn có quy mô lễ hội lớn nhất cả nước. Và không phải ngẫu nhiên khi Báo Thiên được xem là nơi “Trấn áp Đông Tây giữ đế kỳ”.

Thưa ông Chủ tịch, là một kiến trúc sư hẳn ông biết vai trò, giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt của di sản. Nếu chùa Báo Thiên không có những dấu ấn văn hóa, lịch sử đặc biệt quan trọng như vậy, hẳn nhiên rất khó để đề cập đến chuyện phục dựng, mặc dù những công tác phục dựng và bảo tồn di sản đã diễn ra ở rất nhiều nơi trên khắp cả nước, cho dù có nơi chỉ còn lại nền móng cũ. Như ông đã hiểu, công cuộc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa do các nhà chuyên môn khởi xướng, trong đó có những nỗ lực từ phía chính quyền và ước nguyện của người dân nhằm giữ gìn di sản văn hóa cho muôn đời sau.

Người Phật tử chúng tôi không bao giờ quên chùa Báo Thiên chừng nào lịch sử vẫn còn đó dòng chữ Báo Thiên và niềm tự hào “An Nam tứ khí”. Tôi đoan chắc rằng phục dựng chùa Báo Thiên là ước nguyện thiết thân của hơn 40 triệu Phật tử Việt Nam hiện nay. Nhưng tôi buồn và xót xa vì giới chuyên môn có thể lặn lội, tranh biện tận đâu đó với một tấm bia, một vài nền móng trong khi ngay tại thủ đô văn hóa này, chùa Báo Thiên không có ai để tâm nghiên cứu phục dựng, đặc biệt chiếc giếng đá cổ vô cùng tinh xảo của chùa Báo Thiên hiện nay đã bị đào đi nhưng không ai để tâm đến.

Thưa ông Chủ tịch, tôi xin hỏi ông một câu, tại sao trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, chúng ta cũng đã nhiều lần phục dựng lại các phế tích đã mất mà không còn tài liệu, tài liệu chưa rõ ràng hay dữ liệu còn rất mơ hồ, trong khi chùa Báo Thiên lại không được dành cho một ứng xử tương tự như vậy?

Tôi nghe giới chuyên môn nói, một trong nhiều vấn đề thường gặp khi bảo tồn, trùng tu, phục dựng di tích đó là “tính nguyên gốc, dấu mốc và sự chồng lấp, đan xen của thời gian trong di tích. Sự chồng lớp, đan xen của nhiều mốc thời gian, sự biến mất của những bộ phận, cấu kiện, thậm chí cả di tích gốc là điều thường gặp. Vì thế, việc bảo tồn căn cứ vào mốc thời gian nào, phục dựng cấu kiện nào luôn cần được đặt ra khi tiến hành”. Nhưng thưa ông Chủ tịch, chính vì di sản văn hóa cũng có cuộc sống và sự tang thương, thăng trầm, nên những dấu ấn của nó qua các thời kỳ càng khẳng định ký ức sống động và hun đúc lên độ dày nhiều tầng lớp của di sản.

Trước khi phát lộ Hoàng thành Thăng Long dưới lòng đất, nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là một khu đất bình thường có thể xây dựng mọi công trình lên đó. Và điều này có thể xảy ra tương tự với mảnh đất rộng lớn của chùa Báo Thiên và chùa Báo Ân chung quanh khu vực hồ Gươm. Phải chăng không gian văn hóa tâm linh đã un đúc tình người, tình dân tộc lên mảnh đất đó suốt cả nghìn năm, nên mọi xâm phạm không gian ấy đều khiến người ta phải nhói đau, trắc ẩn.

Tự đáy lòng mình, tôi đã chảy nước mắt khi nhìn lại chiếc giếng đá cổ chùa Báo Thiên bị người ta đào đi mất khỏi không gian của nó. Cảm giác mất mát ấy thật khó tả thưa ông, đặc biệt với những người tu hành như chúng tôi luôn tin vào các giá trị tâm linh dân tộc. Tôi thường đặt câu hỏi, tại sao di sản văn hóa ở thủ đô lại bị ứng xử như vậy, trong khi trên thế giới có những di sản chỉ còn trơ trọi một bức tường, nhưng họ vẫn giữ nguyên, đồng thời xây dựng một không gian riêng để dành chỗ cho sự suy nghĩ, tưởng tượng về di sản văn hóa ấy. Nhưng ngay cả những ứng xử tối thiểu đó cũng không có ở mảnh đất chùa Báo Thiên với cả một khu phố mang tên Báo Thiên. Đó có phải là sự mất mát quá lớn của di sản và lòng người không thưa ông Chủ tịch?

Tôi được biết vừa qua, bằng trách nhiệm và quyền hạn của mình ông đã cho dừng dự án công trình xây dựng tại khu chợ “âm phủ” 19/12. Khu chợ đó còn được dành cho một ứng xử như vậy, lẽ nào chùa Báo Thiên, chùa Báo Ân, khi quy hoạch Hồ Gươm lại không thể có một không gian tương xứng?

Thưa ông Chủ tịch, Thăng Long - Hà Nội đang sống trong bước ngoặt lịch sử giữa ngàn năm cũ đã qua và ngàn năm mới đang đến, nhưng sự thờ ơ vô cảm đối với di sản văn hóa này chính là tác nhân làm cho con người không còn xúc động trước mất mát của di sản, gợi nên những cảnh tranh đoạt đất đai. Đối với những rách nát, mâu thuẫn của lịch sử, là chủ nhân hiện tại, chúng ta phải chung tay hàn gắn, trong đó di sản là cơ sở để mọi người khám phá cội nguồn lịch sử, văn hóa, lối sống ứng xử của một dân tộc. Ở đó sự bồi đắp, phục dựng, nối tiếp chính là điều kiện để di sản sống dài lâu và có ích hơn trong đời sống.

Thưa ông Chủ tịch, tiếng chuông mõ cầu quốc thái dân an của chùa Báo Thiên xưa vẫn luôn vọng về trong tâm thức của tôi. Còn một hơi thở, tôi còn nhắc đến Báo Thiên như nhắc đến một niềm tự hào, đồng thời nhắc đến khúc ruột di sản của dân tộc đang bị cắt ra, phơi bày trước sự thờ ơ, vô cảm của lòng người.

Thưa ông Chủ tịch, viết đến đây, tôi nhớ đến nguy cơ mà Giáo sư Vũ Khiêu đã nói đó là “nguy cơ là bỏ mất những điều tốt đẹp trong di sản văn hóa dân tộc và tiếp thu những nhân tố độc hại, phá vỡ bản sắc dân tộc của chúng ta. Chính vì những lẽ trên mà thái độ khoa học, tiên tiến và sáng suốt đối với di sản văn hóa dân tộc đang là một yêu cầu cấp thiết của toàn thể nhân dân ta ở cả nước và ở Thủ đô Hà Nội”.

Tôi cũng nhớ ông Nguyễn Hữu Oanh, Phó ban Tôn giáo Chính phủ đã nói thế này: “Đáng tiếc là, trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, do yêu cầu của tiêu thổ kháng chiến, do bom đạn của kẻ thù, do thiên tai bão lũ và tệ hại hơn, do bệnh ấu trĩ một thời của chúng ta, coi đền, chùa là nơi hành nghề mê tín, tất cả những gì khác với nhân sinh quan của chúng ta đều là đối tượng cần đả phá; vì thế, cùng với các tôn giáo khác, Phật giáo và văn hóa Phật giáo bị xâm hại, bị mai một, mất đi vị trí quan trọng vốn có trong đời sống xã hội và trong tâm linh người Việt. Nhiều ngôi chùa, tượng Phật và đồ thờ cúng trong chùa bị hủy hoại, kinh sách bị đốt; bao nhiêu lễ hội và sinh hoạt văn hóa Phật giáo bị bãi bỏ; nhiều truyền thống quý của dân tộc gắn liền với đạo Phật bị lãng quên. Đó là sự mất mát những di sản tinh thần và vật chất vô cùng to lớn mà tổ tiên đã nghìn năm vun đắp, giữ gìn và truyền lại” ( Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết).

Thưa ông Chủ tịch, như ông đã thấy và cảm nhận được, không gian di tích lịch sử - văn hóa ngày càng bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa. Mọi nguồn lực đất đai bị khai thác tối đa để phục vụ cho các mục đích kinh tế. Di sản văn hóa còn lại không nhiều nhưng càng trở nên ít ỏi bởi hành vi khai thác vì những lợi nhuận to lớn đến từ đất đai, dấu tích di sản trong lòng đất cũng bị xâm hủy không thương tiếc, nhường chỗ cho những công trình hoành tráng về quy mô và sặc sỡ bởi lối kiến trúc hiện đại nhưng xa lạ.

Thưa ông Chủ tịch, tôi nghĩ rằng quy hoạch cảnh quan đô thị là một việc làm cần thiết, song mong ông lưu tâm đến việc ở đây từng là không gian văn hóa, tâm linh của hai ngôi chùa nổi tiếng vào bậc nhất của Phật giáo, và là di sản danh tiếng của nước Nam, vì vậy phương án phục dựng một trong hai ngôi chùa này không chỉ đúng với chính sách di sản của nhà nước mà nó còn là sự trân trọng những đóng góp vô cùng quan trọng của Phật giáo trong qua trình khai mở kinh đô Thăng Long. Gần đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, việc phục dựng chùa Báo Thiên càng có ý nghĩa thiết thực, tôn vinh những giá trị văn hóa tâm linh lâu đời, góp phần mang đến cho thủ đô một hành trình di sản được nối liền từ quá khứ đến tương lai.

Tôi tin rằng, cảm xúc tự hào xen lẫn tiếc nuối, xót xa cho di sản chùa Báo Thiên của tôi cũng là những khát vọng được nuôi dưỡng nhiều thập kỷ nay của người Phật tử Việt Nam nói chung, người Phật tử và nhân dân Hà Nội nói riêng về việc sớm phục dựng di sản chùa Báo Thiên. Tôi mong những lời viết này sẽ được ông lắng nghe, ghi nhận và bằng trách nhiệm và quyền hạn của mình ông có thể làm được nhiều điều có ý nghĩa hơn nữa đối với di sản của dân tộc.

Kính chúc ông có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công trên cương vị của mình.

Ngày 10/1/2009, Kính thư!

Thích Thanh Thắng
(Theo phattuvietnam.net - Xin xem thêm ý kiến phản hồi:http://phattuvietnam.net/index.php?nv=News&at=article&sid=4990)

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2009

BÓNG ĐÁ VÀ SỰ TƯƠNG QUAN


Những biểu hiện nhiều mặt của khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội năm 2008, đã ít nhiều khiến lòng người có những hoang mang. Có thể hơn 90 năm sau Việt Nam mới đuổi kịp nền kinh tế Thái Lan, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, Việt Nam đã may mắn hơn Thái Lan khi có thể cố kết lòng dân dù chỉ qua một trận túc cầu.

Sống vội, sống gấp gáp, sống chậm chạp, lờ đờ, sống thăng bằng, sống cùng và sống với. Ý nghĩa sống có nhiều song cộng đồng luôn tồn tại với nhau qua ý nghĩa của sự tương quan. Tương quan sống là những mối liên hệ nhân quả từ ý nghĩ, lời nói cho đến việc làm. Thực tế, hầu hết các giá trị xã hội đều đang được cân đo bằng những thành quả của “thắng lợi”. Ai, lĩnh vực nào thắng lợi thì có thể tự hào mà ngẩng cao đầu cùng nhau chúc tụng.

Chiến thắng! Việt Nam chiến thắng! Đó là những giai điệu được phất lên cùng cờ tổ quốc khi Việt Nam cầm hòa 1-1 với Thái Lan ở sân Mỹ Đình để giành chiến thắng chung cuộc 3-2 cho cả hai trận chung kết lượt đi và về. Đó là một chiến thắng thuyết phục, chỉ có thuyết phục thì người Việt Nam mới vui tột độ như vậy.

Trong những ngày qua, nhiều người Việt Nam vẫn còn lâng lâng, ngây ngất với chiến thắng của đội tuyển Việt Nam. Quả tình không ngoa khi người ta phát hiện sự hấp dẫn lớn của bóng đá khi đưa ra khẩu hiệu “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”. Bóng đá trở thành sức hấp dẫn số 1, niềm đam mê số 1. Vì vậy, cứ nhìn vào các website nổi tiếng về thu hút độc giả tại Việt Nam, bao giờ họ cũng dành cho chuyên trang thể thao một giao diện đặc biệt. Và đã từ lâu, theo thói quen, mỗi khi mở báo ra đọc không ai lại không dừng lại ở những tin tức thể thao để vui buồn, sung sướng và cả thất vọng với nó.

Bóng đá là như thế. Bóng đá là khát khao chiến thắng. Bóng đá là tình yêu. Người Việt Nam có tình yêu lớn và đã từng có những thất vọng lớn với bóng đá khi đi đá quốc tế mà các cầu thủ đem tình yêu và niềm tin của hàng triệu người Việt Nam ra bán độ. Chính vì thế, tình yêu bóng đá cuồng nhiệt của người Việt Nam luôn cần chất xúc tác của niềm tin chiến thắng, của tinh thần thể thao cao thượng. Xin đừng cầu thủ nào nghĩ rằng vì một đất nước có tình yêu bóng đá như vậy mà xúc phạm vào niềm tin ấy, tinh thần ấy, bởi xúc phạm vào điều đó nhất định họ sẽ phải trả giá.

Tôi còn nhớ rất rõ cái cảm xúc tự hào của mình khi Việt Nam giành chiến thắng ở phút bù giờ cuối cùng. Tôi đã nhảy lên và hét Việt Nam thắng rồi. Rồi cứ thế, tôi chứng kiến sau giây phút chiến thắng, người người già trẻ, trai gái kéo nhau ra đường giương cao cờ tổ quốc và hát lên những tiếng Việt Nam. Thật dễ thương, thật bao dung, thật gần gũi, trong đêm chiến thắng ấy, ý nghĩa tương quan vui buồn thật rõ. Người ta có thể gọi bữa tiệc bóng đá đó là niềm tự hào dân tộc. Nhưng ngày đó là ngày tự hào khi mọi người được bao dung một cách đúng nghĩa. Ngày đó họ đổ ra đường cứ thế mà đi, không biết đi đâu, có lối đi được là đi, có nơi đông người là đến. Đụng xe vào nhau họ cũng mỉm cười. Họ nói với người lạ như người quen. Họ nhìn nhau để nói câu “Việt Nam chiến thắng”. Kẻ nói, người nghe đều sống trong không khí sôi động ở trên sân cỏ. Quả thực đó là một chiến thắng chung của những người Việt Nam yêu bóng đá.

Không còn sự phân biệt của tư tưởng, tôn giáo. Họ cùng chấp nhận để trở thành “tín đồ” của túc cầu giáo. Chiến thắng bóng đá chỉ mang tầm khu vực Đông Nam Á, một vùng được xem là trũng nhất của bóng đá thế giới. Nhưng tình yêu bóng đá thì có thể không kém bất cứ cường quốc bóng đá nào. Vì thế, ở phạm vi của một chiến thắng không đáng kể trên đấu trường bóng đá thế giới, nhưng thế giới vẫn dành những lời trân trọng để khen ngợi chiến thắng của đội tuyển Việt Nam, tình yêu bóng đá cuồng nhiệt của người Việt Nam.

Khát khao chiến thắng thúc giục người ta đến bất cứ nơi đâu có hình ảnh đội tuyển Việt Nam đang thi đấu. Không có khát khao ấy của muôn người thì chiến thắng chỉ mang tính thủ tục ở trên sân của bất cứ giải đấu nào. Nhưng cũng nhờ chiến thắng đó, khát khao ấy sẽ lớn hơn người ta có cơ sở nào đó để đặt niềm tin vào những giải đấu ở tầm cao hơn như Asia Cup hay Word Cup.

Sự thật trần trụi của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, chỉ số lạm phát tăng cao trong nước, không khí ảm đạm thất thường của thị trường chứng quán, bất động sản, của ngành ngân hàng, của dầu hỏa, vàng, đô-la, lương thực cộng với tình hình khắc nghiệt của thiên tai, bão lụt trong suốt một năm đã làm cho tiếng than thở trong xã hội ngày một nhiều. Và từ trong những than thở đó, lòng tin của con người ly tán, họ cùng nhau bàn tán nhiều hơn đến những cảnh huống và trạng thái sống chung quanh. Người làm kinh doanh ở nhiều lĩnh vực càng thận trọng, nghi ngờ nhiều hơn khi giao tiếp với nhau. Cơn lốc khủng hoảng tài chính đã và sẽ còn tiếp tục làm cho nhiều người điêu đứng, vỡ nợ. Vỡ nợ thì tan vỡ tất cả giấc mộng tình và sự giao hảo. Khắc nghiệt là như thế trong kinh tế càng làm cho bộ mặt thật của xã hội được lộ dần ra khi thước đo giá trị được túi tiền đưa lên bàn cân nặng nhẹ, hơn thiệt.

Và càng khủng hoảng, người ta càng suy nghĩ nhiều hơn đến những người họ gửi gắm niềm tin. Gần là những người làm ăn buôn bán, xa là những chính sách kinh tế xã hội. Họ ngóng chờ những tín hiệu mới, những tin vui từ nền kinh tế. Vì thế khi lạm phát tăng cao, gánh nặng ấy đè lên đầu chính phủ và các bộ ngành, doanh nghiệp. Và trong lúc khó khăn như vậy, mọi hành động tham nhũng, mọi hành vi thiếu đạo đức lương tâm đều trở thành nỗi oán hận khó lường trước hậu quả. Lúc đó, sự đổ lỗi sẽ tràn lan, lời đồn thổi về bất ổn sẽ vang xa, không còn nhiều người đủ bình tĩnh và khách quan để nhìn quanh xem thế giới đang xảy ra điều gì từ thị trường tài chính Mỹ, đến cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ở Thái Lan..., họ chỉ biết oán trách chính phủ của nước họ.

Người dân trên thế giới đang nghĩ gì về cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, họ nghĩ rất nhiều về bất ổn và họ mong khủng hoảng nhanh chóng qua đi. Nhưng chắc chắn họ cũng phần nào nhận ra khủng hoảng đó là liều thuốc thử niềm tin, là tiếng chuông đánh thức sự kênh kiệu của những anh khổng lồ, rằng thế giới đang xích lại gần nhau: “chúng ta” cùng chung tay giải quyết khủng hoảng. Cứu mình là cứu người, cứu người là cứu mình, không có quốc gia nào cho phép mình thờ ơ, xem nhẹ. Do đó, gói kích cầu của châu Âu, của Nhật, Hàn, Trung Quốc… dù không bằng Mỹ nhưng cũng làm cho cả thế giới an tâm phần nào. Tín hiệu vui từ Mỹ thổi tràn qua châu Á, châu Âu, tín hiệu buồn từ châu Âu thổi tràn qua Mỹ… Vui buồn cứ lên xuống, qua lại theo bóng dáng của các nền kinh tế. Kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng toàn cầu làm cho mọi người sống trong bất an, lo âu, thấp thỏm. Cuộc khủng hoảng ấy cho người ta một sự thực trần trụi về cái bụng đói hay no. Vì thế những dự báo ghê gớm về nạn thất nghiệp, về nạn đói được đưa ra. Cả hệ thống chính trị, kinh tế thế giới phải vào cuộc. Bất cứ ai hay tin tốt xấu của nhau đều bị tác động. Và điều nhận ra rõ nhất chính là việc “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu của người dân trên khắp thế giới.

Đi đâu người ta cũng bàn tán về khủng hoảng kinh tế, về chuyện làm ăn gặp nhiều khó khăn. Nhưng cũng trong những giây phút của những ngày cuối năm, Việt Nam có thêm một chuyện để bàn, để ăn mừng đó là chiến thắng chung cuộc của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan.

Không khí nặng nề của cuộc khủng hoảng dường như lắng lại. Dù có ai đó vẫn cố tình đưa nó trở lại vòng xoáy của cuộc khủng hoảng khi so sánh rằng, chiến thắng trong bóng đá không nên ảo tưởng đó là niềm tự hào dân tộc khi phải mất hơn 90 năm hay lâu hơn nữa để chúng ta mới đuổi kịp nền kinh tế của Thái Lan, Trung Quốc… Niềm tự hào dân tộc phải đi cùng với tiếng reo hò khi Việt Nam được nhiều nước miễn thị thực, khi các thương hiệu Việt Nam lấp lánh trên các đường phố của châu Âu, Nhật Bản.

Đành rành người Việt Nam phải ý thức điều đó để thắng lợi trong từng lĩnh vực. Nhưng ô hay, ở hiện tại này, thắng lợi này của bóng đá! Hãy cứ vui đi! Hãy cứ tự hào đi! Hãy cứ bằng lòng với điều còn nhỏ nhoi này đi, bởi mọi so sánh đều khập khiễng, bởi nhiều chiến thắng nhỏ sẽ làm nên chiến thắng lớn. Mỗi người một mục đích và khát khao. Những ai đang là “tín đồ” của bóng đá thì hãy nghĩ cách làm sao để đuổi kịp các nền bóng đá khác. Và có anh doanh nhân nào sau khi trút bỏ chiếc áo tín đồ bóng đá sau đêm vui chiến thắng thì hãy lo đuổi theo dự tính kinh tế của mình để sao cho kịp, cho bằng những công ty mà mình đang ngắm đến mô hình phát triển của nó… Mỗi người đều có một bổn phận và trách nhiệm với cá nhân mình và xã hội. Nhà mình cháy thì nhiệm vụ đầu tiên của mình là chữa cháy trước, sau đó mới tìm hiểu vì sao nó cháy, và làm thế nào để sau này nếu gặp điều kiện tương tự nó có thể không bắt lửa và gây cháy. Mỗi người hãy làm một phần việc cho ngôi nhà chung của mình an ổn và có nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc.

Người nghèo thấy mình nghèo hơn bởi so sánh với người giàu. Người giàu rồi thì lại không cần phải quá quan tâm đến hình thức đánh bóng vẻ ngoài. Có giai thoại kể rằng, một người hỏi ông Ford, ông nổi tiếng giàu có như thế tại sao ông không phô trương sự giàu có trong cuộc sống hàng ngày, trong khi con trai ông đi đến đâu cũng phung phí tiền như vậy? Ông Ford trả lời rằng, vì đơn giản tôi là Ford còn con trai tôi không phải là Ford. Quả thực, ông Ford đã là người nổi tiếng nên cho dù mang hình thức gì thì ông ta cũng nổi tiếng. Còn con trai ông ta chưa nổi tiếng nên anh ta phải thu hút sự chú ý của mọi người bằng những hành động tỏ vẻ một sự giàu sang mà mắt đời ưa nhìn như vậy.

Việc tự khẳng định mình là người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh quan trọng hơn nhiều mỗi khi đi qua Mỹ, qua Pháp... Bởi không phải người Việt Nam nào cũng sẵn sàng ngẩng cao đầu đón nhận cái “made in Vietnam”. Và bởi lẽ khi thước đo giá trị con người bị lệch lạc vào những sự sang trọng và hào nhoáng vẻ ngoài của kinh tế đã làm cho họ sống trong mặc cảm tự ti và nhục nhã. Làm giàu cho “nhãn mác” của thương hiệu Việt rất cần phải đi đôi với việc làm giàu tính cách Việt, tâm hồn Việt.

Cần khuyến khích người Việt khát khao làm giàu, nhưng cũng cần định hướng mục đích của việc làm giàu, không phải là làm giàu bằng mọi cách, dẫn đến điên cuồng trong ảo vọng giàu sang. Chừng nào xã hội còn làm giàu cho họ nhiều hơn là họ làm giàu cho xã hội thì họ vẫn chưa thể xứng với hai chữ “người giàu”, bởi xã hội còn có nhiều tiêu chí trong lối sống khác nhau để đánh giá thế nào là một “người giàu” thực thụ.

Việt Nam chiến thắng! Đó là niềm tự hào dân tộc được ẩn trong tiềm thức. Tại sao nhắc đến chiến thắng này, báo chí không ngừng nói rằng đó là giấc mơ được tiếp nối của 49 năm về trước. Bóng đá có thể nói lên điều đó. Tình yêu và niềm tự hào Việt Nam có thể nói lên điều đó mà không sợ đụng vào chính kiến, chính trị. Chiến thắng trong bóng đá của 49 năm trước là chiến thắng của những người nằm ở phía bên kia của chiến tuyến (Nam - Bắc). Không lẽ gì người Việt Nam nói chung tự hào về chiến thắng của thế hệ đi trước đó lại không thể tự hào về chiến thắng hiện nay của thế hệ người Việt Nam đi sau. Hai niềm vui chiến thắng bóng đá của hai thể chế chính trị khác nhau, được người Việt hôm nay cùng chung vui và tự hào.

Chính vì vậy, tình yêu bóng đá đã kéo tình người xích lại gần nhau. Đó là một chiến thắng đẹp. Vì chiến thắng này mà người Việt còn niềm tin ở nhau, còn tôn vinh hai chữ Việt Nam trong lúc kinh tế thế giới đang ở giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, trong lúc Việt Nam đang đau đầu vì những biến động đầy khắc nghiệt của tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, tôn giáo…

Bóng đá tạm thời trong giây phút nào đó làm cho chúng ta quên đi những âu lo, thất vọng trong cuộc sống. Chắc chắn men say chiến thắng sẽ không ở lại lâu, vì nhu cầu và khát khao của bóng đá vẫn là đổi màu đẳng cấp châu lục và cao hơn. Người ta cũng không thể ngủ quên quá lâu trong chiến thắng. Cho nên có người lo rằng men say chiến thắng ấy sẽ làm cho người Việt quên đi mình còn là một nước nghèo… là lo xa, thậm chí lo quá xa. Không có sự công bằng nào bằng sự bằng lòng. Và làm sao chiến thắng bóng đá có thể thay thế những người làm kinh tế để làm việc cứu nghèo.

Anh vui với thành công của tôi, tôi vui với thắng lợi của anh. Tôi vui, anh vui, mọi người cùng vui. Đó chính là ý nghĩa đích thực của hai chữ tương quan. Sống là tương quan. Việt Nam chiến thắng được hô vang trên khắp mọi nẻo đường đất nước chứng tỏ có một sức mạnh tinh thần dân tộc lớn hơn nhiều mọi dị biệt, chia rẽ và ngại ngùng. Những biểu hiện nhiều mặt của khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội năm 2008, đã ít nhiều khiến lòng người có những hoang mang. Có thể hơn 90 năm sau Việt Nam mới đuổi kịp nền kinh tế Thái Lan, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, Việt Nam đã may mắn hơn Thái Lan khi có thể cố kết lòng dân dù chỉ qua một trận túc cầu.

Trần Điều

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2009

TỪ DỰ ÁN QUY HOẠCH HỒ GƯƠM NGHĨ VỀ VIỆC PHỤC DỰNG CHÙA BÁO THIÊN


Với việc triển lãm đồ án quy hoạch Hồ Gươm đang trong thời gian chờ ý kiến của Hội đồng giám khảo và nhân dân, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Tăng Ni, Phật tử Thủ đô Hà Nội nên có kiến nghị và đề xuất việc phục dựng chùa Báo Thiên tại cảnh quan nơi đây. Phật tử cả nước đang chờ đợi Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội lên tiếng về vấn đề này, bởi đó không chỉ là trách nhiệm lịch sử mà còn là lương tâm văn hóa của mỗi người dân Việt Nam.

(Xem thêm ý kiến độc giả trên diễn đàn phattuvietnam.net: http://phattuvietnam.net/index.php?nv=News&at=article&sid=4981)

Thông tin trên báo Thể Thao & Văn Hóa, cho biết ngày 8/1/2009 tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã diễn ra cuộc triển lãm trưng bày các đồ án dự thi “Ý tưởng quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận”, trong đó có 9 phương án quy hoạch, thiết kế đô thị khu vực hồ Gươm và phụ cận. Theo bài viết “Triển lãm Ý tưởng quy hoạch Hồ Gươm và vùng phụ cận: Tương lai nào cho kiến trúc Hồ Gươm?”, các đồ án “đều hấp dẫn người xem, bởi có những ý tưởng độc đáo, thú vị để tôn thêm giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ vốn có được nâng lên tầm cao mới, xứng với tầm vóc là trái tim của Thủ đô.

Các phương án đều cố gắng tìm giải pháp mở rộng không gian, tạo thêm đất để dành cho công trình công cộng, trồng thêm nhiều cây xanh nhằm bổ sung những cảnh quan thêm phong phú, đáp ứng với yêu cầu sinh hoạt văn hóa, nghỉ ngơi, lễ hội và phát triển du lịch cũng như bảo tồn di sản văn hóa - kiến trúc vốn có từ lâu đời”.

Tất cả còn chờ ý kiến của Hội đồng Giám khảo và nhân dân”. Từ ngày 16 đến ngày 18/1 tới, Hội đồng giám khảo sẽ họp và các tác giả ý tưởng sẽ trình bày và trả lời chất vấn trực tiếp. Tuy nhiên, điều đáng nói là với mảnh đất gắn chặt với lịch sử chùa Báo Thiên và chùa Báo Ân, không thấy có một đề án nào nhắc tới việc phục dựng hai di sản này, dù trong một số đồ án quy hoạch sẽ xây mới một số công trình.

Việc quy hoạch khu vực hồ Gươm là cơ hội tốt để chúng ta nói lên việc phục dựng chùa Báo Thiên bởi đó là di sản thiêng liêng và độc đáo bậc nhất của dân tộc đã từng bị tàn phá. Chúng ta cần phải nói lên tiếng nói của lương tâm để những người có trách nhiệm với lịch sử và văn hóa dân tộc, những người đã đưa ra ý tưởng và sau đó là những quyết định chính thức chọn đồ án để quy hoạch khu đất này.

Mảnh đất này từng tồn tại ngôi quốc tự có bảo tháp được mệnh danh là “An Nam tứ khí”, “Trấn áp Đông Tây giữ đế kỳ” - niềm tự hào quốc gia của người Việt; từng có lễ hội Báo Thiên lớn vào bậc nhất cả nước với truyền thống rước Phật Pháp Vân về cầu mưa thuận gió hòa, được đích thân các vị vua đứng ra làm chủ lễ. Thiết nghĩ, chỉ với hai điều này thôi, chùa Báo Thiên rất đáng được các đồ án đưa vào kế hoạch phục dựng.

Việc phục dựng chùa tháp Báo Thiên là mong mỏi của Tăng Ni Phật tử Việt Nam suốt nhiều thập kỷ nay. Lịch sử còn in đậm những dấu tích mà chúng ta có đủ cơ sở để khôi phục di sản vô giá đó bằng những ứng xử văn hóa, văn minh và lẽ công bằng. An Nam tứ khí Báo Thiên được phục dựng tại đây sẽ là một minh chứng lịch sử để các thế hệ đi sau và du khách có thể sống lại những thời kỳ lịch sử đầy biến động, khám phá nhiều tầng bậc lịch sử trong quá trình phát triển đầy thăng trầm của Thăng Long - Hà Nội.

Chưa bao giờ chùa Báo Thiên được nhắc đến nhiều như những ngày tháng vừa qua ở Việt Nam vì có những tham vọng hỗn độn đã cố tình phủ định sự hiện diện của nó trên mảnh đất ấy. Chùa Báo Thiên được đích thân vua Lý Thánh Tông xây dựng vào năm 1056. Ngôi quốc tự này gắn với vận mệnh lịch sử Thăng Long cho đến khi bị tàn phá hoàn toàn vào năm 1883. Chính sách tàn phá di sản Phật giáo trong thời điểm này đã làm cho Hà Nội không còn bóng dáng của một ngôi chùa nào uy nghi mang ý nghĩa và tầm vóc quốc gia.

Mọi nỗi đau của dân tộc luôn gắn với những tang thương của di sản văn hóa. Bất kể lúc nào di sản mất đi là chủ quyền dân tộc bị chà đạp, xâm hại. Bằng lương tâm, công lý và hòa bình, chúng ta đã ý thức nhiều hơn đến di sản văn hóa, nên chưa bao giờ những khái niệm khôi phục, bảo tồn di sản văn hóa lại xuất hiện nhiều như hiện nay. Rất nhiều những di sản vật thể, phi vật thể tưởng chừng như có nguy cơ biến mất hoàn toàn đều lần lượt được khôi phục như điệu múa cổ Bài bông thời Trần, và mới đây là ý tưởng phục dựng lại lễ hội đèn Quảng Chiếu thời Lý. Vậy thì vì lý do gì chùa Báo Thiên (An Nam tứ khí) lại không thể nhận được những ứng xử tương tự như vậy?

Nhìn vào những ý tưởng trong đồ án quy hoạch hồ Gươm, người Phật tử lại thấy chạnh lòng, thấy những nỗi đau di sản của mình vẫn còn đó, thấy sự hờ hững của lòng người... Cảm giác ấy thật khó tả, bởi gần đến đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ở mãi những tỉnh lân cận, người ta còn cho tu bổ một số công trình văn hóa để chào mừng, nhưng ngay tại Hà Nội, di sản Báo Thiên lại vô tình bị bỏ quên trên chính mảnh đất rộng lớn từng tồn tại cả một ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất nước Nam và một khu phố mang tên Báo Thiên.

Các đồ án quy hoạch cho thấy sự hiện diện của nhà thờ Lớn, đền Ngọc Sơn, trong khi tháp Hòa Phong của chùa Báo Ân vẫn còn trơ trọi thì không ai nghĩ đến việc nhân dịp quy hoạch này mà trả về cho nó một không gian tâm linh đúng nghĩa. Cả chùa Báo Thiên và chùa Báo Ân đều xứng đáng được đưa vào tham khảo trong những đồ án này. Có lẽ nào những người làm công tác khảo cổ, bảo tồn di sản văn hóa, những nhà khoa học, những kiến trúc sư lại quên đi những chứng cứ còn nguyên vẹn trong lịch sử?

Còn nhớ, trước đó từng có một dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị khu phố Pháp” gần hồ Gươm và Hồ Thiền Quang. Và có rất nhiều những di sản văn hóa lịch sử bị tàn phá trong chiến tranh trên khắp đất nước được phục dựng từ nền móng cũ, trong khi chùa Báo Thiên, chùa Báo Ân (còn nguyên tháp và hình vẽ rất đẹp trong tư liệu) từng nổi tiếng tại kinh đô Thăng Long xưa lại chìm vào quên lãng với bao nỗi ngậm ngùi như vậy.

Khôi phục và bảo tồn các di sản vật thể, phi vật thể không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn liên hệ đến nguồn gốc lịch sử, sinh hoạt văn hóa của một dân tộc, tạo ra những liên kết xã hội, môi trường, giáo dục, đạo đức... Phục dựng chùa Báo Thiên không chỉ có ý nghĩa hàn gắn lịch sử mà còn trả lời một cách trung thực cho câu hỏi: Di sản văn hoá của dân tộc có bị tàn phá bởi chiến tranh và xung đột hay không, ý thức di sản đang biến dạng như thế nào?

Chúng ta không thể thổi bụi lên không trung khi chối bỏ quá khứ, chối bỏ những ứng xử không đúng mực về văn hóa và di sản, bởi thời đại văn minh, con người luôn cần có sự nhìn nhận đúng mực với quá khứ, để ứng xử một cách công bằng hơn với cuộc sống còn nhiều những giá trị liên đới, tương quan chung quanh.

Chúng tôi thiết nghĩ, với việc triển lãm đồ án quy hoạch đang trong thời gian chờ ý kiến của Hội đồng giám khảo và nhân dân, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Tăng Ni, Phật tử Thủ đô Hà Nội nên có kiến nghị và đề xuất việc phục dựng chùa Báo Thiên tại cảnh quan nơi đây. Phật tử cả nước đang chờ đợi Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hà Nội lên tiếng về vấn đề này, bởi đó không chỉ là trách nhiệm lịch sử mà còn là lương tâm văn hóa của mỗi người dân Việt Nam. Bởi chùa Báo Thiên xét ở bất cứ phương diện lịch sử văn hóa nào cũng xứng đáng được đưa vào đồ án quy hoạch và phục dựng.

Nam Quốc

(Theo phattuvietnam.net)

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2009

TÍNH CÁCH THANH LỊCH CỦA NGƯỜI HÀ NỘI?


Đạo Phật với những giá trị nhân văn sâu sắc trong ứng xử đã thấm sâu trên mảnh đất Hà Nội. Vì thế đối với người Phật tử nói chung, người Phật tử Hà Nội nói riêng, khi hiểu rõ nghiệp báo, luân hồi, và sự tác động của tư tưởng vào môi trường nói chung, cái đẹp và sức sống của cỏ cây hoa lá nói riêng, họ sẽ biết giữ tâm bình an để không bị ô nhiễm bởi các dòng tư tưởng phá phách, cướp đoạt, ích kỷ, tham lam đang có biểu hiện tràn lan trong không gian sống…

Người Hà Nội có còn thanh lịch? Đây là một câu hỏi nghiêm túc được nhiều người đặt ra trong những năm gần đây khi lối sống của người Hà Nội đã khác xưa rất nhiều. Nhưng trước khi hỏi người Hà Nội có còn thanh lịch, cũng cần hiểu thêm ai là “người Hà Nội”. Chắc chắn “người Hà Nội” cần được hiểu dưới hai khía cạnh: một là những người Hà Nội gốc, có nhiều đời ông bà, cha mẹ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội; hai là người Hà Nội là những người ở các tỉnh thành khác mới chuyển đến sinh sống được một hai thế hệ.

Phân biệt tương đối như vậy để thấy văn hóa vùng có nhiều ảnh hưởng đến lối sống và tập tục của người dân. Vì lẽ đó, tìm hiểu tính cách thanh lịch của người Hà Nội là phải tìm về với lối sống ứng xử của người Hà Nội gốc và đặt những tính cách cô đọng ấy vào đúng không gian văn hóa, lịch sử mà người Hà Nội đã trải qua. Tương tự như vậy, muốn tìm hiểu tính cách ứng xử đặc thù của người Huế, người Sài Gòn xưa, cũng cần phải tìm về những cư dân gốc này.

Trong bối cảnh người dân ngoại tỉnh trở thành công dân chính thức của Hà Nội ngày một gia tăng đã làm biến đổi rất nhiều hình ảnh của Hà Nội. Đến nỗi hiện nay, người ta không thể nói một cách rõ ràng rằng người Hà Nội có còn thanh lịch hay không. Từ một nét ứng xử được nói đến nhiều trong tính cách của người Hà Nội, có người cho rằng thanh lịch là một giá trị chung trong ứng xử của người Việt trên khắp mọi miền, có nghĩa rằng lối sống thanh lịch không phải là “sở hữu” của người Hà Nội.

Mới nghe, chúng ta cứ tưởng rằng người Việt Nam đã trở nên thanh lịch vì đó là tính cách chung. Nhưng sự thực không phải như vậy. Cái khó khi không thể trả lời cụ thể câu hỏi: “Người Hà Nội có còn thanh lịch không?” đã cho thấy có một sự mất mát nào đó trong tính cách của người Hà Nội. Nếu trả lời là “có” thì biện minh làm sao cho những hình ảnh không đẹp mắt trong ứng xử của người Hà Nội trong những năm gần đây. Nếu trả lời là “không” thì chạm đến “tự ái”, “tự hào” sâu xa của người Hà Nội chính gốc.

Thanh lịch là một lối sống ứng xử mang giá trị văn hóa. Những ứng xử mang tính cộng đồng cao và phản ánh nét đẹp trong giao tiếp với con người với môi trường sống được định hình thành những tính cách phổ biến của người dân trong một vùng. Cách nhìn nhận và đánh giá nói chung đều dựa vào những lối sống ứng xử riêng của cư dân của vùng đó. Nếu nói rằng "thanh lịch" là tính cách chung của người Việt thì đó là cách nói “cào bằng”, bởi nói như thế thì không chỉ người Việt mới thanh lịch mà người Lào, người Pháp, người Mỹ cũng thanh lịch. Nói chung công dân trên toàn cầu đều thanh lịch cả.

Ứng xử nào của người Hà Nội được xem là thanh lịch? Người Hà Nội xưa ăn nói nhỏ nhẹ, lịch sự, kín kẽ, tế nhị, không to tiếng cãi cự, ăn mặc, đi đứng tề chỉnh, ý tứ, nhân nghĩa với bạn bè, coi trọng tôn ti, lễ nghĩa, hiếu thuận với ông bà cha mẹ, tinh thần công dân quy củ theo lễ giáo, hào hoa, khiêm nhường... Bên cạnh đó là những nét ứng xử đựơc thể hiện trong truyền thống gia đình, giao tế xã hội, môi trường thiên nhiên, tín ngưỡng tâm linh cho người ta một sự cảm nhận rõ nét về tính cách người Hà Nội.

Vậy thì từ “thanh lịch” không phải tự nhiên sinh. Và không phải người dân vùng nào cũng có thể vận dụng và biểu hiện đầy đủ những ứng xử ấy trong cuộc sống hàng ngày. Đáng tiếc là chúng ta chỉ có thể nói điều này với người Hà Nội xưa. Không còn nhiều cơ sở, tiêu chí để khẳng định lại một lần nữa những tính cách thanh lịch ấy ở người Hà Nội nay. Chúng ta không nói đến những người Hà Nội vẫn còn đủ niềm tin để khẳng định mình là người thanh lịch trong vô vàn những xô bồ và cả bát nháo của lối sống lai căng hiện đại.

Gần đây, một trắc nghiệm nhỏ được VTV đưa ra khi tìm hiểu tính cách người Hà Nội hiện nay như sau: họ bỏ rác vào bịch nilon và vứt giữa đường đi, chờ rất lâu mà tất cả mọi người lại qua đều không ai để ý cầm bịch rác đó bỏ vào thùng rác, ngay cả nhân viên vệ sinh cũng bỏ qua. Họ tiếp tục ngầm bỏ một bịch rác khác trên vỉa hè nơi có đông người đi bộ, tập thể dục, nhưng rốt cuộc chính họ phải là những người cầm bịch rác đó bỏ vào thùng rác.

Nếp sống văn minh, hiện đại được thể hiện qua hành vi, thái độ ứng xử của người dân. Nhưng ý thức công dân của người Hà Nội kém như vậy đã nhắc chúng ta nhớ đến ứng xử của người Hà Nội qua vụ Lễ hội hoa anh đào; của người dân Huế qua festival Huế; của người dân thành phố Hồ Chí Minh qua đường hoa Nguyễn Huệ, vì họ đều có cùng một tính cách đó là “bức tử” cái đẹp chung bằng mọi cách.

Và mới hôm qua thôi, cách ứng xử đó đã lập lại tại phố hoa lần đầu tiên được thực hiện tại Hà Nội để chào đón năm mới 2009. Trước khi làm phố hoa, một số phương tiện truyền thông đã nói đến việc tại sao những người thực hiện không làm vào dịp Tết âm lịch, họ trả lời rằng vì lo sợ người đi “hái lộc” đầu năm sẽ phá tan hoang phố hoa. Nhưng cuối cùng thì ngay cả khi làm phố hoa để đón năm mới 2009, họ cũng không thể cản được những hành vi thiếu văn hóa của số đông người trẻ ngay trong lòng thủ đô Hà Nội.

Điều đó cho thấy, có những công dân sống tại Hà Nội nhưng gần như vẫn chưa bước chân vào “lòng” Hà Nội. Vì thủ đô Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội của cả nước, nói một cách văn vẻ là “trái tim của cả nước”. Trái tim ấy mà đập sai nhịp thì cơ thể (văn hóa) của cả nước sẽ có nguy cơ bị mắc bệnh. Và quả tình cái căn bệnh ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng đang bào mòn tính cách thanh lịch của chính người Hà Nội. Với những sự kiện lặp đi lặp lại kiểu này, những người yêu mến Hà Nội không thể không trăn trở.

Ứng xử với môi trường sống chung quanh, với tất cả những giá trị chân, thiện, mỹ mà trong quá trình sống con người đã tạo ra là những ứng xử khẳng định con người có văn hóa. Ứng xử ấy, nhắc nhở chúng ta phải biết nâng niu, trân trọng cái đẹp, cái thiêng. Khi những giá trị ấy bị chà đạp có nghĩa rằng mọi nỗ lực của con người cho cái đẹp, cái thiêng bị chà đạp. Đó chính là ý nghĩa của từ “phản bội”: phản bội lại cội nguồn, phản bội lại nếp nhà, phản bội lại những quy tắc đạo đức, văn hóa chung trong xã hội và cuối cùng là phản bội chính danh từ con người mà mình đang nắm giữ.

Ý thức công dân của người Hà Nội đang xuống thấp, vì họ có thể ngang nhiên cướp phá cái đẹp một cách không hổ thẹn như vậy. Đó là biểu hiện của thói vô nguyên tắc, vị kỷ và nhuốm đầy màu sắc của tham lam, tranh đoạt. Khi người dân không có ý thức công dân, không tôn trọng pháp luật, không biết yêu cái đẹp thì không thể nói đến những từ “ngẩng cao đầu” dù GDP có tăng đến mức nào đi nữa.

Đạo Phật cho rằng, cỏ cây hoa lá đều có tâm linh. Những biểu hiện sống tương quan chính là sự liên kết giữa con người với môi trường sống thiên nhiên, với cỏ cây hoa lá. Những tương quan ấy khi được kết hợp dưới nghệ thuật và sự nâng niu, chăm sóc, nuôi dưỡng cái đẹp sẽ làm tăng thêm hạnh phúc, ý nghĩa sống nơi mỗi con người. Ngoại cảnh luôn có những tác động lớn đến đời sống tinh thần chúng ta, vì thế đối với đạo Phật đó không chỉ là không gian tươi mát của cái đẹp mà còn là không gian tâm linh. Không gian tâm linh ấy dù gặp bất cứ ý nghĩ (yêu ghét) nào của con người cũng sẽ có phản ứng, do đó bất cứ sự chà đạp nào của chúng ta vào môi trường đều là những hành vi tạo nghiệp. Khi trong lòng chúng ta không thể yêu cái đẹp, tôn trọng cái thiêng cũng là lúc không gian mà chúng ta đang sinh sống bị ô nhiễm.

Đạo Phật và những giá trị nhân văn sâu sắc trong ứng xử đã thấm sâu trên mảnh đất Hà Nội. Vì thế đối với người Phật tử nói chung, người Phật tử Hà Nội nói riêng, khi hiểu rõ nghiệp báo, luân hồi, và sự tác động của tư tưởng vào môi trường nói chung, cái đẹp và sức sống của cỏ cây hoa lá nói riêng, họ sẽ biết giữ tâm bình an để không bị ô nhiễm bởi các dòng tư tưởng phá phách, cướp đoạt, ích kỷ, tham lam đang có biểu hiện tràn lan trong không gian sống. Và cũng chính lúc môi trường sống bị ô nhiễm người Phật tử rất cần ý thức điều này để thực hành từ bi quán, trải tâm từ đến muôn loài trong đó có con người, chim thú, cỏ cây hóa lá... Hành vi tôn trọng cái đẹp, yêu quý con người và môi trường sống là kết quả cao nhất của việc thực hành từ bi quán.

Thường Trung