Thứ Hai, 23 tháng 2, 2009

TẢN MẠN VỀ TRIẾT LÝ NHAI LẠI


Không nhai đi nhai lại cho kỹ mà nuốt vội, nuốt vàng thì mắc nghẹn, thì làm mệt cho hệ thống tiêu hóa. Giáo dục phải chú ý đến những giá trị căn bản để “làm lòng”, không có cái để “làm lòng” thì càng vung vít sự sáng tạo càng xa rời sự sáng tạo đích thực… 

Năm nào mùa xuân cũng về với hoa lá đâm chồi nảy lộc. Nói chuyện nhai lại của con trâu để sống với những chuyện mới cũ của mọi thời đại. Con trâu có một đặc tính sinh lý là nhai đi nhai lại. Nhai đi nhai lại là một quá trình. Quá trình ấy được thúc đẩy bởi bộ máy tiêu hóa, cụ thể là biết no, biết đói. Vì thế việc nhai lại của con trâu cho biết trong cuộc sống luôn tồn tại một cơ cấu vòng tròn. Đó là một quá trình lặp đi lặp lại của những cố gắng và chán nản. Cái gì là quá trình thì dù nhanh hay chậm, cái đó phái diễn ra. Cái gì là cố gắng và chán nản, dù ưa hay không ưa, cái đó cho ta thấy biểu hiện của sự sống - một sự sống có phản ứng.

Mới nhìn vào cách nhai lại của con trâu, có người ngạc nhiên và xem đó là bất thường. Nhưng thực tế nó rất bình thường với bộ máy tiêu hóa của con trâu. So với mọi loài, dù liên tục hay đứt quãng theo bữa, thì hành động ăn cũng không ngoài việc đáp ứng nhu cầu “tiêu hóa” nhằm duy trì sự sinh tồn.

“Tiêu hóa” thúc đẩy quá trình lặp đi lặp lại này diễn ra theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. Nhận thức của quá trình này chính là nhận thức về những cái đã đang và sẽ được “tiêu hóa”. Cái gì ăn vào mà “tiêu hóa” được thì cái đó mới giúp ích cho sự phát triển. Nếu cho ăn những thứ khó tiêu hóa thì sẽ gây mệt cho hệ thống tiêu hóa, vì ăn như vậy sẽ sinh chán và dần dà mất cả hứng thú trong việc ăn. Có lẽ giáo dục cách ăn như thế nào thì cũng phải quan tâm đến hệ thống tiêu hóa. Hệ thống tiêu hóa là cái tiêu biểu, cái đặc thù của mỗi cơ thể tiếp nhận. Nên đừng cho người khác ăn những cái mà họ không thể tiêu hóa. Nói như Khổng Tử: “Cái gì mình không muốn thì đừng áp đặt cho người khác”.

Thức ăn thì ngày một nhiều, chủng loại cũng phong phú và đa dạng. Nhưng chớ vội bảo rằng cái gì “mới” cũng “ngon” mà bỏ qua quá trình thử nghiệm “khẩu vị”, bởi không khéo sẽ càng gây bất ổn cho hệ thống tiêu hóa. Và cũng đừng cảnh giác quá với món ăn mới mà không tìm cách ăn, tập cách ăn cho thích nghi.

Có người bảo “Ra đường nhặt cánh hoa rơi, hai tay nâng lấy cũ người mới ta”. Quá trình sống nhanh, sống vội, sống gấp gáp làm cho thức ăn nhanh, thức ăn sẵn trở nên phổ biến và “mới” tới mức trở thành một “mốt” ăn. Thực tế, có những cái “mới ta” những chỉ là “cũ người”, tức cái đã trải qua một quá trình đầy hệ quả và hệ lụy cho sức khỏe sinh lý và làm biến đổi những cơ cấu tình cảm trong sinh hoạt gia đình. Ứng xử với “mới cũ” là ứng xử một cách có trách nhiệm với hệ thống tiêu hóa, bởi thuốc bổ mà dùng không đúng liều cũng sẽ trở thành độc dược.

Tại sao cái học “Tử viết…” một thời như viết “công dung ngôn hạnh”, “nhân nghĩa lễ trí tín”,… có lúc bị phê phán, nhưng đến nay chúng ta cứ phải nhắc đến một chiếc gương soi giáo dục? Rõ ràng, trong lúc mâu thuẫn đủ điều với triết Đông, triết Tây, người đi tìm đường cho giáo dục nhìn về quá khứ với một thái độ trân trọng và cả hoài nghi nữa. Vì sao cái thời quân chủ chuyên chế, triết lý giáo dục ấy lại sản sinh ra những nhân cách trí thức vượt thời đại, đáng để tự hào? Và vì sao giáo dục triết lý thời ấy lại gắn với những đạo lý làm người rất căn bản mà chúng ta phải thắc mắc hình như điều đó đã bị bỏ quên trong xã hội hiện đại?

Vẫn là chuyện của “thức ăn” thôi. Ăn cái gì vào mà thiết thực với cuộc sống “để làm người” thì vừa ngon, vừa bổ ích, vừa rẻ (vì có sẵn). Trong tiếng Anh, với biện pháp ẩn dụ, động từ ruminate [nhai lại] có nghĩa là sự suy nghĩ thấu đáo hay suy nghĩ sâu sắc. Nhai lại mà ra “thấu đáo”, ra “sâu sắc” mà khỏe cho hệ thống tiêu hóa vậy thì hà cớ gì bảo phải đừng “nhai lại”? Lòng tự trọng của con trâu chính là được nhai lại một cách tự do, không gò ép. Lòng tự ái của con trâu chính là không vì chuyện được ăn cám ngon thay vì ăn cỏ mà ngừng việc nhai đi nhai lại.

Cũng với nghĩa ẩn dụ này, 7 thế kỷ về trước, Trần Nhân Tông có nói: “Mỗi lần nhắc lại mỗi lần mới” (Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân). Nhắc lại chuyện của mình, nhắc lại chuyện của người, nhắc lại chuyện chung của chúng ta để ứng xử tốt với hiện tại. Con trâu nhai đi nhai lại, nhưng trong cái nhai của nó bao gồm hết thảy quá khứ, hiện tại, vị lai và lúc nào cũng mới tinh suốt cả trăm năm, ngàn năm, vạn năm…

Nhai đi nhai lại để tiêu hóa, để hấp thụ thức ăn tốt hơn. Nên có nhà thơ đã thi vị hóa nụ hôn khi nhìn con trâu nhai lại: Nhai đi nhai lại ư, cũng chỉ nụ hôn đầu... Nhà thơ đó cho rằng dù có hôn ngàn nụ hôn thì cũng không ra khỏi nụ hôn ban đầu. Bất kể lúc nào, chúng ta chạm môi vào quá khứ thì quá khứ đó mới tinh, bởi chúng ta không thể cắt đứt mối liên lạc mang tính cội nguồn như một đặc tính của dân tộc Việt Nam là giữ hồn, giữ nếp và giữ đạo. Triết lý giáo dục của một dân tộc có khi nào lại xa rời việc giáo dục những giá trị triết lý của chính dân tộc ấy?

Triết lý giáo dục làm sao có thể đi ra ngoài việc giáo dục triết lý sống với những bài học làm người cơ bản. Triết lý nhai lại là triết lý nhìn mới cái cũ, làm mới cái cũ và được tiếp nối bằng những giá trị sống để đời. Tại sao làm mới cái cũ lại không được xem là sáng tạo? Vì người ta tưởng lầm giá trị là cái phải luôn đi cùng cái mới, vì vậy người ta mới ào ào chạy theo cái mới. Chạy bở hơi tai mới nhận ra cái mới nào thì cũng sẽ cũ, trong khi chuyện sống làm người thì vẫn còn nguyên giá trị mà con người của mọi thời đều phải đối diện.

Có người phê phán việc nhai đi nhai lại của Khổng Tử qua câu nói “thuật nhi bất tác”. Nhưng thử hỏi, chúng ta đã vượt qua nhận thức của Khổng Tử ở điểm nào khi có vô vàn những tuyên ngôn, chủ thuyết, hàng ngày hàng giờ được chúng ta, xào nấu và nhai đi nhai lại?

Trần Nhân Tông khi được hỏi “dùng công án cũ để làm gì?”, đã nói, “mỗi lần nhắc lại một lần mới”. Chúng ta phải để ý đến hai về “mỗi lần nhắc lại” và “một lần mới”. Quan trọng là “thấy mới”, nhắc lại mà không thấy mới là có dấu hiệu “chán” rồi, vì nó không giúp gì cho những ứng xử hiện tại, nhắc lại như thế sẽ trở nên vô ích. Cả xã hội chúng ta nhắc nhau mà sống, nên nhắc đi nhắc lại hoài chuyện làm người mà vẫn thấy nó mới, nó cần thiết với hiện tại. Vì vậy giáo dục phải bắt đầu từ việc biết sống để làm người. Con trâu chán cỏ là con trâu ốm. Con trâu không thể nhai đi nhai lại là con trâu đang tiến gần đến cái chết. Con trâu được nhai một cách tự do, bởi không ai đưa cỏ cho nó ăn mà ép nó không được nhai đi nhai lại, hay phải nhai thế này thế kia. Chính môi trường tự do ấy, khiến cho nó nhai đi nhai lại một cách sung sướng, không biết chán, càng nhai càng tiêu hóa tốt, càng tiêu hóa tốt thì càng mau trưởng thành.

Không nhai đi nhai lại cho kỹ mà nuốt vội, nuốt vàng thì mắc nghẹn, thì làm mệt cho hệ thống tiêu hóa. Giáo dục phải chú ý đến những giá trị căn bản để “làm lòng”, không có cái để “làm lòng” thì càng vung vít sự sáng tạo càng xa rời sự sáng tạo đích thực là phục vụ cho việc sống làm người. Có người quên rằng “nhà mình có báu” nên cứ mải đi tìm, cuối cùng trên bàn đầy thức ăn mà chưa từng biết phải chế biến thế nào, gắp như thế nào, nhai như thế nào để có thể hưởng thụ thức ăn ấy một cách tự do và có ích cho cơ thể nhất.

Trong Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài, Nguyễn Du nói: “Ta từng đọc kinh Kim Cương hàng nghìn lượt, khi đến đài đá phân kinh này mới hay kinh không chữ mới là chân kinh”. Nguyễn Du đã nhai đi nhai lại kinh Kim Cương (đến cả một nghìn lượt) để đến một lúc được tận hưởng sự sung sướng bằng sự phát hiện lạ lùng: “mới hay…”. Đó là sự tưởng thưởng của quá trình nhai đi nhai lại. Có được cái “chân kinh” ấy rồi thì có thể thiên biến vạn hóa, mặc sức mà vẫy vùng, sáng tạo. Đó chính là còn đường của tự do, của một hệ thống tiêu hóa đã hoàn thiện đủ sức để sàng lọc và tiếp nhận mọi giá trị. Nguyễn Du là một trí thức Nho giáo, nhưng những tác phẩm của ông cho hay ông đã sống với nỗi đau đời, thương người của Phật giáo.

Tuệ Trung Thượng sĩ cũng thường mượn hình ảnh “con trâu đất” xem đó như sự tự tại, bởi ông đã “tiêu hóa” được những giá trị đích thực của tự do, ra ngoài khuôn khổ để tôn vinh sự tự do.

Quá trình sống của chúng ta là nói, nghĩ, thấy, biết và làm, nhằm đi đến nhận thức “mới hay…” từ những cái chưa hay. Trâu thấy khỏe, thấy thú vị khi được nhai đi nhai lại. Ai đọc kinh Kim Cương đến mức thú vị thì đọc hoài không chán. Kinh Kim Cương đã nằm trong lòng thì hình tướng nào cũng là hình tướng Kim Cương, muôn nghìn hóa thân đều là Phật thân. Con trâu của tết cổ truyền Việt Nam có thể là con trâu vàng trong mắt doanh nhân thời hiện đại, những cũng có thể là con trâu đất (vô tư) trong mắt thiền sư. Trâu vốn dĩ không phải là mùa xuân, nhưng nhìn trâu nhai đi nhai lại mà thấy lại tình yêu đầu, nụ hôn đầu, thấy tất cả là tinh khôi, là nắng ấm ban mai của mỗi ngày biết sống, thì trâu ấy là trâu đang vui cười trong tự do. Có vui cười trong tự do nào lại không phải là thực xuân?

Thường Trung


Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2009

GÓP MỘT Ý KIẾN CHO QUY HOẠCH HỒ GƯƠM


Một vòng dạo qua cuộc trưng bày "Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận" mới thấy 9 phương án đưa ra đều hoành tráng, nhưng cũng lại cần bàn thêm về... ý tưởng. Lẽ ra việc quy hoạch Hồ Gươm phải được tham khảo ý kiến công luận từ cách đây... hơn chục năm rồi. Khi mà những vấn đề xôn xao dư luận hồi đó về kiến trúc tòa nhà "Hàm Cá Mập" rồi tòa nhà "Hà Nội Vàng" cần được xem xét đầy đủ vì mang phong cách xa lạ với kiến trúc cổ truyền hoặc xây cao quá làm hỏng cảnh quan Hồ Gươm, dễ biến Hồ Gươm thành một cái ao...

Thế rồi, ào ào một dạo, mọi chuyện hóa ra lại mang màu sắc... cải lương. "Hàm Cá Mập" được sửa sang qua loa, rồi cũng vẫn lại gần giống như cũ. "Hà Nội Vàng" không được xây như thiết kế dự định nhưng lại nhiều công trình bê tông cao tầng khác được xây dồn dập hơn.

Hồ Gươm thoáng đãng dạo nào nay đã... lùn đi biết bao trong mắt người Hà Nội. Chưa đến nỗi biến thành ao, nhưng đã có những khối nhà bê tông cao tầng ngân hàng, công sở mọc lên như không biết sợ... quy hoạch là gì.

Cuộc trưng bày đã đưa ra được 9 phương án, đều có những mặt mạnh và yếu. Có những ý tưởng tốt nhưng lại thiếu tính khả thi như phải di chuyển một vài khu dân cư đông đúc, khi mà việc giải tỏa mặt bằng vốn đã là một căn bệnh nan y của Hà Nội.

Có đề án lại dự định xây một cái tháp Thăng Long ven Hồ Gươm. Liệu có nên không khi mà một cái tháp như vậy sẽ lấn át tượng Vua Lý cạnh đó, lấn át cả một cái tháp bút "viết thơ lên trời cao" ở đền Ngọc Sơn. Có nên không khi biến một dãy phố cổ phía bắc, ở phố Đinh Tiên Hoàng thành một dãy khách sạn mini.

Khi mà khách sạn mọc lên rồi thì ắt hẳn các biển quảng cáo, mọi hoạt động quanh dãy phố khách sạn như vậy ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của hồ. Có dự án lại xây dựng biểu tượng "Tứ bất tử" tức bốn vị thánh ở ven hồ. Mới nhìn thì có vẻ mang đậm tính chất truyền thống lịch sử. Nhưng thực ra biểu tượng hơi thô và cũng chẳng nói lên điều gì.

Một dự án lại xây dựng cả một "Bảo tàng Hồ Gươm" đặt ven hồ. Có cần không, khi mà chỉ qua vài phố ngắn là đã có hai bảo tàng lớn nhất nước là Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Cách mạng thì hà cớ gì lại thêm một bảo tàng nữa ở đây, chưa kể liệu biết bày cái gì trong bảo tàng hay cũng chỉ là bản sao của các bảo tàng nổi tiếng.

Theo chúng tôi, Hồ Gươm là đối tượng quy hoạch đặc biệt. Có thể ví đây là nơi "lắng hồn núi sông ngàn năm", là viên ngọc quý. Mỗi nước đều trưng ra ở thủ đô của mình một viên ngọc quý như vậy, để khoe với thiên hạ những gì cốt lõi của văn hóa nước mình, để thu hút khách du lịch muôn phương.

Người Pháp chọn một đoạn đôi bờ sông Seine để quảng bá cho dân tộc mình, có cả tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn, nhà thờ Đức Bà, điện Elýsees... Thái Lan cũng có khu Hoàng Cung với chùa Phật Ngọc.

Nếu chúng ta quy hoạch Hồ Gươm, phải tìm ra điểm nhấn. Đó là một không gian đẹp đã đành, nhưng còn là một không gian tâm linh, gắn với lịch sử của Vua Lê với sự tích trả gươm thần huyền thoại.

Vì thế, trong tương lai, phải có quảng trường Lê Lợi bề thế, có tượng Vua Lê uy nghi mà chiều cao không thể kém tượng Vua Lý Công Uẩn hiện nay. Vị trí quảng trường này nên ở khu phía tây hồ, nơi có bức tượng Lê Lợi vốn có nhưng kích thước còn quá nhỏ. Hai quảng trường của hai vua sẽ như một sự đăng đối qua tâm của hồ.

Bên cạnh hai quảng trường lớn, nên có một số quảng trường nhỏ hơn. Điều đó phải tính đến chuyện quỹ đất và giải phóng mặt bằng. Một số công sở không nhất thiết phải nhoi ra mặt tiền Hồ Gươm như các trụ sở cơ quan bưu điện, văn hóa, điện lực, ngân hàng... nên lui vào những lớp phố sâu hơn nữa để nhường chỗ cho các quảng trường, công viên.

Nếu như ta giải phóng được các khối bê tông công sở thì không gian Hồ Gươm sẽ rộng ra nhiều, từ nhiều góc được nới rộng hơn sẽ ngắm hồ đẹp hơn. Mà chuyện giải phóng các công sở này hoàn toàn có tính khả thi.

Một ngôi chùa rất đẹp vốn nằm ven hồ bị phá đi xây Nhà Bưu điện là chùa Báo Ân, còn ảnh chụp. Di tích còn lại chính là tháp Hòa Phong ven phố Đinh Tiên Hoàng hiện tại. Kiến trúc Nhà Bưu điện hiện tại là một khối bê tông đồ sộ mà không đẹp vốn xây đè lên nền chùa Báo Ân.

Nếu như dời được đi như một vài phương án kiến trúc đề nghị, thì nên phục dựng lại ngôi chùa này. Chùa Báo Ân với những kiến trúc đẹp của một thời, nay có thể là một điểm nhấn quan trọng của mặt tiền hồ Hoàn Kiếm như vốn có từ xưa.

Chúng ta hoàn toàn có thể phục dựng được ngôi chùa này trên cơ sở khoa học, cũng như chúng ta đã từng phục dựng dãy nhà Thái học bên trong Văn Miếu trước đây
. Một ngôi chùa Báo Ân được phục dựng cùng với những đền Ngọc Sơn, Tháp Bút, đền Bà Kiệu đều là các nét đẹp tâm linh của hồ chắc sẽ trường tồn mãi với thời gian.

Để thu hút du lịch, cũng nên tính đến chuyện các nhu cầu vui chơi giải trí và mua sắm của du khách trong và ngoài nước. Mặt đường phía bắc và phía nam của hồ hiện là hai dãy phố dân cư, chỉ cần cải tạo theo các quy định của phố cổ là đã có được các cửa hàng bán đồ lưu niệm, quán ẩm thực phục vụ ngày đêm.

Bên cạnh đó, một số kiốt lưu động bán hàng phục vụ du khách cũng là một giải pháp "mềm" trên các tuyến đường quanh hồ cho thêm sinh động mà không cần thiết phải mọc lên những trung tâm thương mại làm gì. Một giải pháp mềm nữa là các sân khấu di động, các hội chợ di động sẽ được sử dụng trong không gian các quảng trường.

Chuyện giao thông cũng là vấn đề đáng nói. Con đường quanh hồ dứt khoát chỉ dành cho người đi bộ. Còn giao thông cơ giới nên là một hệ thống đường xa hồ hơn, có thể mở thêm đường và cả những khu vực để xe nổi và ngầm rộng rãi nữa.

Hồ Gươm, ai đi xa mà không nhớ?

Nhưng sẽ nhớ lâu hơn nếu như được đi dạo ven hồ qua những quảng trường thoáng đãng, công viên và những di tích lịch sử tồn tại nhiều đời nay, hơn là nhớ những trung tâm thương mại đồ sộ mà một vài phương án quy hoạch đề ra trong cuộc trưng bày này.

PGS.TS. Trịnh Sinh
(Theo An Ninh Thế Giới)

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2009

PHÁI ĐOÀN THỨ 16 CỦA VATICAN SẼ ĐẾN VIỆT NAM KHÔNG PHẢI VÌ ĐẤT MÀ LÀ... VÌ "MÂM"


Điều VietCatholic News đã xác định đúng đó là THAM, vì tham “một cái bát” (mảnh đất Tòa khâm sứ cũ) mà Vatican (cụ thể là thông qua các “tổng”, các “giám” Vi – en) đã bỏ "cái mâm” (bình thường hóa quan hệ ngoại giao). Đằng sau cái mâm ấy là hơn 70 triệu dân chưa theo Chúa, theo Đảng vẫn hàng ngày lao động, đóng thuế... Tòa của những ông “thánh” mà còn có chủ đích tham làm vậy thì chẳng trách gì những ông “tổng”, ông “giám” lại không lên cơn thèm đất và khát “bình thường hóa” đến như thế…

“Theo nhiều nguồn tin thông thạo, nhận lời mời của Bộ ngoại giao Việt Nam, phái đoàn ngoại giao của Toà thánh do Đức ông Pietro Parolin- Thứ trưởng ngoại giao của Vatican dẫn đầu sẽ sang thăm và làm việc ở Việt Nam từ 16 đến 21-2-2009”

“Thời gian vừa qua, Vatican cũng có nhiều động thái muốn vun vén cho quan hệ này tốt đẹp. Rõ nhất là lá thư của Đức Hồng y T. Bertone đề ngày 30-1-2008 đề nghị Toà TGM Hà Nội cho “trở lại cầu nguyện bình thường”, tháo gỡ được một “quả bom’ cho chính quyền với vụ Toà Khâm sứ. Điều này chứng tỏ Vatican không muốn “tham bát bỏ mâm”, muốn bỏ cái nhỏ để tìm kiếm cái lớn hơn là xây dựng quan hệ với Việt Nam một cách đầy đủ hơn” (VietCatholic News).

Theo thông tin này thì chính Vatican mới “tháo gỡ được một quả bom” (tại sao những con chiên theo Chúa ưa dùng hình ảnh “bom” để dọa nạt người khác thế nhỉ, hay phải chăng tâm lý chiến tranh vẫn chưa rời khỏi đầu óc của họ?). Thế nhưng sau sự “tháo gỡ” ấy chuyện gì đã tiếp tục xảy ra để đến mức ông Tổng Kiệt phải lên giọng “bom” để dọa nạt chính quyền và vạ miệng bằng một câu nói đầy “nhục nhã” đến mức bị chính quyền Hà Nội cảnh cáo và đòi thuyên chuyển khỏi thủ đô? Vậy thì Vatican có dẹp được “quả bom” nào đâu, hay chính họ đã tháo gỡ đi một “quả bom” nhưng lại gài vào thêm hai, ba “quả bom” nữa nên Cộng sản mới nhọc lòng biến hai mảnh đất gài đầy “bom” ấy làm công viên cây xanh để người dân lương thiện khỏi mang họa hỏng tai, hỏng mắt bởi cảnh cầu nguyện bát nháo trong khu phố ròng hơn một năm trời?

Nhưng điều VietCatholic News đã xác định đúng đó là THAM, vì tham “một cái bát” (mảnh đất tòa khâm sứ cũ) mà Vatican (cụ thể là thông qua các “tổng”, các “giám”) đã bỏ “cái mâm” (bình thường hóa quan hệ ngoại giao). Đằng sau cái mâm ấy là hơn 70 triệu dân chưa theo Chúa, theo Đảng vẫn hàng ngày lao động, đóng thuế... Tòa của những ông “thánh” mà còn có chủ đích tham làm vậy thì chẳng trách gì những ông “tổng”, ông “giám” lại không lên cơn thèm đất và khát “bình thường hóa” đến như thế. Cơn thèm đất này là một tập tính di truyền nhiều đời của Vatican, nếu không như vậy thì làm sao bao nhiêu chùa to cảnh lớn của Phật giáo lại bị chiếm phá để xây nhà thờ. Lòng tham ấy tưởng như đã nguội tắt mấy thập kỷ nay bỗng dưng đội mồ sống dậy. Nay đừng “tham cái bát” là hăng tiết vịt “cầu nguyện đòi đất” nữa (vì chuyến thăm lần trước vẫn nhằm bàn thảo một số vấn đề về đất đai) mà hãy biết tham “cái mâm” (bình thường hóa). Tất cả mọi tham muốn là “bình thường hóa” (khác với bất thường hóa). Tâm ý đã lộ rõ như ban ngày đến như thế mà Hội đồng “Gián mục” Vi – en (VN) vẫn bảo “cầu nguyện đói đất” là “no chính trị”. Nếu có thể “bình thường hóa một cách đầy đủ hơn” thì không thể bất thường hóa là mạ lỵ chế độ cộng sản và vác búa, kìm, xà-beng đi “cầu nguyện”.

Nhắc đến những thôi thúc “bình thường hóa” (nỗ lực bao nhiêu năm nay của Vatican) mới thấy thật khó lý giải, con chiên chống Cộng thì ra rả chửi bới Cộng sản đủ điều làm như nó là giống quỷ Satan hút máu mỡ, thế nhưng bao năm nay Vatican vẫn muốn bắt tay với nó mà “chưa được”. Hóa ra kẻ muốn làm bạn với “quỷ” chắc cũng có nhiều tính quỷ (ít nhất là quỷ kế). Mong mỏi lâu quá, nên mất kiên nhẫn, quay sang chửi bừa, chửi phứa, bất chấp rằng mình là một công dân đang sinh sống dưới sự bảo vệ tính mạng và tài sản của bàn tay Cộng sản. Nếu như những kẻ này mà Chúa nặn ra ở một số nước châu Phi nghèo đói, loạn lạc thì chúng còn nâng cấp trình độ chửi đến mức độ nào.

Thật lạ! Cứ mỗi khi Vatican có động thái viếng thăm Việt Nam là tin tức của đám chiên này cứ rối rít cả lên, làm như sự khát ngưỡng “bình thường hóa” của tụi tôi đã quá mức rồi, đừng thờ ơ nữa, không tụi tôi chửi cho nát ra à nghen! Mà chửi nát rồi còn gì nữa. Nhưng như người ta nói “chó sủa mặc chó, người đi mặc người”, điều quan trọng trong nhận thức của đám chiên đó là “đừng tham bát, bỏ mâm” vì khi có mâm rồi thì sẽ đua nhau đi “cướp bát” (giống như cướp đất chùa thời Pháp, đàn áp Phật giáo thời Diệm) như thế thì sẽ “bổ” đủ mọi đường ngang, ngõ tắt cho tham vọng dùng Việt Nam làm bàn đạp để bành trướng “nước Chúa” ở châu Á.

Tại sao một mặt đám theo Chúa chống Cộng phỉ báng cộng sản nhiều như thế, nhưng mặt khác lại tỏ ra vui mừng chờ đợi tín hiệu “bình thường hóa”. Sao không chống đến chết bỏ như cái đám “dân chủ đa nguyên” ở "ngoài biển" nhỉ? Vậy ra chân lý của vũ trụ không phải có một “khối thiên đường” và một “khối satan” biệt lập, đối đầu nhau, mà vì mục đích của một cái “Tham” (loại A, B, C…) nào đó nên bắt tay nhau.

Không biết sau khi bắt tay giao hảo sẽ có những diễn văn tốt đẹp nào để rồi cái đám “chống” ấy lại có thêm một cơ hội để phát triển ngôn từ, rằng mong đất nước này “đoàn kết và phát triển”. Và không biết khi bình thường hóa rồi sẽ có ông Tổng người Việt nào trở thành “anh hùng” để nói rằng mình “rất nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”.

Té ra cái lợi của “bình thường hóa” lại có sức nặng đến như thế. Liệu nó có đảm bảo rằng “dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo” sẽ không bị các ông “tổng”, ông “giám” kêu ra rả suốt ngày nữa? Đọc những lời ca ngợi chính quyền của ông Tổng Kiệt khi còn quản chưởng tại Lạng Sơn và khi mới chân ướt chân ráo về Hà Nội, chẳng ai có thể nghĩ rằng cũng đất nước này mấy năm sau khi ông Tổng “đủ lông, đủ cánh” lại có những ngôn ngữ “táo bạo” để sớm được đám chiên chống cộng phong “anh hùng” như thế.

Nếu Vatican có thể chơi được với cộng sản thì đừng giở trò “hữu thần”, “vô thần” nữa, vì nay “cộng sản” cũng đã biết thắp hương cúng thần, Phật, ông bà, anh hùng dân tộc (phong kiến) rồi. Cũng một thời các cha cố Tây xúi bậy việc quẳng tổ tiên ông bà ra ao và chỉ thờ duy nhất có Chúa, bởi chúa chỉ có một phiên bản duy nhất thôi. Nhưng nay lại được “phá rào” cho phép thắp nhang thờ cúng ông bà, thậm chí tạc cả tượng Đức Mẹ đội khăn đống, mặc áo dài cho giống với “liền chị” Việt Nam. Hóa ra mọi chuyện đều do con người dựng ra cả, bằng không thì Đức Mẹ sẽ không tha cho những kẻ dám “hóa trang” mình làm diễn viên hát quan họ, bằng không Vatican cũng không nhiều lần “phá rào” chỉnh sửa kinh Thánh đến như thế.

Không lẽ khi “bình thường hóa” rồi mà vẫn còn cái giọng điệu chửi càn cộng sản như trong đám chợ búa, bất chấp cả những điều tích cực của nó. Thế thì rồi đây những kẻ đã và đang lỡ chửi cộng sản làm sao còn đất để sống. Không lẽ đảo ngòi bút để quay sang ca ngợi sự “đoàn kết, tốt đẹp, phát triển”. Thế thì muối mặt chẳng khác nào đám tiểu nhân, nịnh bợ, bồi bút.

Vì lẽ muốn thúc đẩy quan hệ ngoại giao thì không thể không xem xét đến lời yêu cầu chuyển tổng Kiệt ra nước ngoài sinh sống (như tổng Bình khi xưa). Rồi những “giám” Hải Phòng, “giám” Nghệ An, “giám” Thái Bình… như Nguyễn n Sang già mà hăng tiết vịt trong cầu nguyện “sống mái tới cùng” cũng sẽ được về nghỉ hưu theo độ tuổi và chết già trong thinh lặng.

Một cuộc “thay AND” sẽ xảy ra. Khôn ngoan là hãy bảo nhau “lựa lời mà nói”, đừng nói bất chấp pháp luật như Hội đồng Gián mục Vi - en “không thấy vi phạm giáo luật gì cả”. Nếu Vatican vẫn tiếp tục nhả ra những thứ giáo luật chống lại những luật pháp quốc gia khác thì chơi với Vatican như chơi với lửa.

Liệu những "luật sư", những "nhà văng" dán mác "con chiên" hùng hổ xưa nay lỡ chống cộng ngày đêm không mệt mỏi có suy nghĩ đến những “phương pháp sáng tác mới” để làm sao tiếp tục bài ca “đoàn kết, tốt đẹp, phát triển” của tổng Kiệt và giống với Thư Chung: “sống phúc âm trong lòng dân tộc” không? Dân tộc này của ai, chắc chắn phải được lý giải là dân tộc đương nhiệm Cộng sản rồi. Có nghĩa là sống trong lòng mẹ Cộng sản. Nếu bú sữa mẹ mà cứ lợi dụng việc mọc răng nanh cắn vào vú mẹ thì sớm muộn cũng bị mẹ nhanh chóng cho “cai sữa” ngay.

Tổng Kiệt đang bị “cai sữa”, nhưng những mỹ từ “dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo” kêu gào cho vui tai bấy lâu cũng không phải không có ý đồ nhằm thỏa mãn cái quyền được tiếp tục “bú sữa bình” từ lòng tham trên mảnh đất Việt Nam. Nhưng xin lưu ý, bú sữa bình thì hên xui lắm vì nếu bú nhầm sữa giả, vẫn ngọt ngào như thường nhưng không có phân tích “khoa học” thì than ôi chẳng có độ đạm nào cả, uống hoài mà vẫn còm nhom, vẫn suy dinh dưỡng, thậm chí không phát hiện sớm như vụ sữa nhiễm melamine thì còn nguy hiểm đến cả tính mạng.

Và nếu “bình thường hóa” xảy ra thì cái đám chống cộng ở nước ngoài không khéo lại mất chỗ dựa từ một đám theo Chúa chống cộng ở trong nước. Đám đó sẽ mất cơ hội để “nổ” như vụ “cầu nguyện đòi đất”, nói như ý tứ của “giám” Nguyễn n Sang đụng đến Đức Mẹ sầu bi là đụng đến sự bùng nổ (chắc cũng là bom), để những kẻ đầu óc không bình thường mơ tưởng rằng 6 triệu giáo dân sẽ làm một cuộc lật đổ ngoạn mục chế độ Cộng sản toàn trị.

Trong vụ “cầu nguyện đòi đất” và phát ngôn dại dột của tổng Kiệt, đám này bu vào “bào chữa” rằng truyền thông Việt Nam cắt xén ngữ cảnh vì tổng Kiệt sau khi nhục nhã cũng đã có mong đất nước “đoàn kết, tốt đẹp, phát triển” (sau khi ông Chủ tịch UBND Hà Nội nhắc nhở tổng Kiệt hãy ăn nói thận trọng). Nhưng những “bào chữa” cho tổng Kiệt này đã bị Nguyễn Mai Sơn lật tẩy trên talawas: “Tôi cũng xin có một ý kiến, vì qua những bài tranh luận trên diễn đàn “Điểm nóng chính trị Việt Nam”, tôi phát hiện ra một mâu thuẫn rất thú vị. Đó là nếu những ai có mong muốn tương tự cho đất nước Việt Nam như: phát triển, đoàn kết, được người ta kính trọng, hay điều chỉnh lớn gì gì đó, tức một sự “trường tồn” mà người cộng sản đang gắn với danh xưng Việt Nam, thì gần như bị trở thành “phe chúng nó”. Nhưng tại sao với câu nói của ngài Ngô Quang Kiệt thì mọi người lại bằng mọi cách gắn nó vào cái “ngữ cảnh”, mong đất nước mình phát triển lớn mạnh, đoàn kết và được người ta kính trọng. Phải chăng vì ai đó không yêu nước mãnh liệt bằng ngài Ngô Quang Kiệt? Và phải chăng cái “nước” mà ngài Ngô Quang Kiệt nhắc đến không phải là cái nước của người Việt trong nước đang sinh sống hiện nay?”.

Nhưng không giống với đám chiên nổ tưởng tượng, từ ngày ô tô chở Đức Mẹ sầu bi ra khỏi khu đất và công viên cây xanh mọc lên, chẳng chế độ nào sụp đổ, ngoài vụ việc hai con chiên kiện báo chí khi tòa án Đống Đa xử tội cố ý gây rối trật tự công cộng và đập phá tài sản. Để chứng minh mình “vô tội”, hai con chiên sau khi được tuyên án treo đã gửi đơn kiện báo Hà Nội mới và Đài Truyền hình Việt Nam rằng họ đã nói sai “những bị cáo đã cúi đầu nhận tội”. Nếu như các báo, đài này lấy những mảnh giấy viết tay khai nhận tội lỗi của một số con chiên khi mới bị bắt thì thông tin họ viết không biết có trùng hợp không? Nếu không có tội, tại sao lúc mới bị bắt lại thành khẩn nhận tội lỗi như thế. Nhưng sau khi nghe tuyên án treo, nghe xúi giục lại “phản cung” với những gì mình viết?

Đó là một trò chơi xúi giục đầy khôn vặt của chủ chăn. “Công lý và hòa bình” nào bằng thước đo lương tâm của lịch sử khi biết bao nhiêu chùa chiền trên khắp mọi miền quê hương bị chính họ bắt tay cùng thực dân cướp nước chiếm phá. Nếu bang giao với hai từ “Việt Nam” thì đừng quên một lời sám hối với những người Phật tử. Đó cũng là làm theo gương của Giáo hoàng Gioan Phao Lồ II khi xưng bảy núi tội đối với nhân loại, đặc biệt với những dân tộc, tôn giáo trong các nước thuộc địa bị áp bức, bóc lột.

Không biết khi “bình thường hóa” thì “Hội đồng Gián mục” hay “Ủy ban Đàn két Công giáo” (từ dùng của con chiên chống cộng, vì đám này cho rằng Ủy ban ấy do Cộng sản dựng lên) sẽ bên nào nặng bên nào nhẹ. Hay vẫn cứ chơi trò “ú tim” với nhau. Hay từ nay “Ủy Ban đàn két Công giáo” lại phải cử thêm người để tiếp nhận đơn xin gia nhập vào đám “két” này?

Còn nếu cứ tiếp tục chơi bài nhử với nhau, không tin nhau, bằng mặt mà không bằng lòng thì ngay từ ban đầu đừng nên chơi để sau này khỏi phải rơi vào cái cảnh nói như dân gian “chơi dao có ngày đứt tay”.

Vì một đám theo Chúa chống Cộng vẫn cứ ảo tưởng rằng đất nước muốn giàu có thịnh đạt thì phải quan hệ với Vatican, vì chỉ những người theo Chúa mới có khả năng mau giàu. Tin Chúa là sẽ mau giàu nhưng tại sao đầu năm người dân không đổ xô vào nhà thờ cầu tài, cầu lộc để mau giàu mà lại tìm đến những đền chùa, đình miếu? Nói thế thì lý giải làm sao, cái anh Nhật Bản, với hơn 90% theo đạo Phật và thần đạo lại trở thành một cường quốc kinh tế đứng thứ hai thế giới. Chỉ có thể nói rằng, đó là vì ta chưa có nội lực, chưa chứng tỏ và phát huy sức sáng tạo của mình mà thôi.

Quyền lợi nào trong xã hội này lại không được mồ hôi, nước mắt của dân tạo ra. Họ có thể bình thường hóa được với những người Cộng sản, nhưng họ cũng rất nên hiểu cần phải nỗ lực “bình thường hóa” với biết bao lỗi lầm họ đã phạm phải và gây ra cho dân tộc này, trong đó có hơn 70 triệu dân không theo Chúa hay theo Đảng. Và hơn 70 triệu dân ấy hàng ngày vẫn phải nỗ lực làm việc, đóng thuế... Vì ai…? Mở rộng nước Chúa tại châu Á là cải đạo, “bình thường hóa” với Cộng sản hay đồng hóa Việt Nam thành một phiên bản mới của Vatican? Chắc chắn “nước con người” (có đất đai, sản vật, mồ hôi công sức) mới là quan tâm tâm đặc biệt của Vatican chứ không phải "nước trời" trong trí tượng tượng của con nít, vì giáo hoàng Gioan Phao Lồ từng cải chính kinh Thánh: “Không có thiên đường ở chín tầng mây”. Phải chăng lần này phái đoàn của Vatican không đến Việt Nam để thúc đẩy “cầu nguyện đòi đất” (cái bát nhỏ) mà là để được một cái “cái mâm” lớn từ hơn 70 triệu người chưa theo Chúa, theo Đảng, vì không có họ thì làm sao mở rộng được “nước trời” (Vatican)?

Trung Ngôn

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2009

KHÔNG THỂ CÓ QUỐC LỄ KHI NGƯỜI DÂN THIẾU LỄ


Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta tận dụng mọi cách để “thu thuế” người dân, nên ngay cả trong việc tâm linh, cúng bái thì không thể tránh khỏi tâm lý đó, vì thế du khách bỗng dưng phải trở thành một trong những “thượng đế” bỏ tiền ra đi “mua” không khí lễ hội. Họ mất tiền nên thông thường họ nghĩ rằng chúng ta phải phục vụ họ. Trách họ xả rác và trách ban tổ chức phục vụ chưa hết lòng, chứ không thể trách dòng người đi lễ đông, vì đó là một nhu cầu chính đáng như bao nhu cầu khác. Mọi quan hệ thương mại đã sòng phẳng với nhau đến như thế thì chúng ta cũng nên bình tĩnh để nhìn sự việc sâu từ trong bản chất… 

Khổng Tử từng dạy: “Nén mình theo lễ là người” (Khắc kỷ phục lễ vi nhân). Lễ là những chuẩn mực, những quy tắc, nguyên tắc trong cuộc sống. Những chuẩn mực ấy hướng dẫn lối sống, nhận thức nơi mỗi con người. Đó cũng chính là ý nghĩa nền tảng của giáo dục: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ nâng tầm cho nhân cách, đạo đức, văn hóa, phong tục, lối sống. Lễ điều hòa các mối quan hệ xã hội từ vua quan đến cha con, chồng vợ, bạn bè… Lễ quan trọng đến mức người ta chú trọng giáo dục con người ngay từ trong bào thai, từ đó một con người khi được sinh ra và lớn lên sẽ có những nền tảng tâm thức để tiếp thu những chuẩn làm người cơ bản khác.

Các tôn giáo truyền thống của Việt Nam đã quan tâm đến chữ Lễ ngay trong các chuẩn mực, quy tắc, nguyên tắc căn bản của mình cụ thể bằng giới luật, quy điều. Nhưng điều đó không hề có tính chất ràng buộc pháp lý cho nên nghiêng nhiều hơn về các nguyên tắc đạo đức (tốt xấu trong hành vi ứng xử). Và chính các nguyên tắc này hình thành nên những giá trị ứng xử tích cực, tác động không nhỏ vào quan niệm xã hội. Không chỉ kêu gọi mọi người giữ gìn đạo đức, chuẩn mực bằng khuyến khích tôn giáo, nhà nước, trong thực tiễn phát triển của mình còn định ra pháp luật để giữ vững trật tự xã hội. Vừa ngăn ngừa bằng pháp luật, vừa khuyến khích các hành vi ứng xử đúng mực và có chuẩn là những điều kiện cần thiết để xã hội có được sự ổn định, thanh bình. Không khó để có thể từ Lễ mà nhìn ra quốc lễ, quốc đức, thậm chí quốc vận của cả một dân tộc.

Trong những ngày gần đây, báo Vietnamnet có tổ chức diễn đàn thảo luận “Làm thế nào để lễ đúng lễ, hội ra hội?”.

Có lẽ, về mặt lý thuyết, chúng ta không thiếu những bài viết, những công trình hội thảo khoa học bàn về lễ hội. Ngay cả việc “làm thế nào…” cũng đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần, trong nhiều năm nay. Thế thì vì lý do gì đến nay chúng ta vẫn phải bàn việc “Làm thế nào để lễ đúng lễ, hội ra hội?”. Nếu lấy lý do vì thấy cảnh lễ hội diễn ra xô bồ, chặt chém, xả rác (ở một góc cận cảnh nào đó) để bàn về lễ hội thì đó là bàn ngọn mà không phải bàn gốc. Bởi vốn dĩ chữ “lễ” trong lễ hội lâu nay đã bị hiểu sai là đi cúng lễ với hương vàng, hoa quả, khấn vái…

Muốn bàn gốc, chúng ta phải quay trở về với giáo dục học đường để chấn chỉnh, bởi những gì chúng ta đang thấy ngày hôm nay là vết khuyết của từ một, hai, thậm chí ba thế hệ đã được giáo dục một cách đầy sai lầm về “lễ giáo” (giáo dục về lễ). Bởi hễ nhắc đến “lễ giáo” là người ta gắn ngay nó với “sản phẩm phong kiến” bằng một cách nhìn thiếu thiện cảm. Vì vậy, chữ “lễ” cùng với các bài học cơ bản làm người khác đã bị bỏ quên trong một thời gian dài. Những năm gần đây, chữ “lễ” đang được quan tâm trong học đường, nhưng hiểu nó thế nào còn là một vấn đề cần phải bàn tiếp. Bởi “lễ” đâu có phải chỉ gói gọn trong lĩnh vực “lễ phép” với thầy cô, cha mẹ, bạn bè (tức quan hệ người - người) mà lễ còn là một trật tự của vụ trụ muôn loài. Trật tự của vũ trụ muôn loài có tương quan nhân quả rất rõ với con người, vì bất cứ một yếu tố nào đi ngược với lễ đều làm đảo lộn “trật tự” ấy và có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến con người. Thiên ý và nhân luân bao giờ cũng phải thuận hợp với nhau, bất cứ sự tàn phá rừng núi, ao hồ, sông suối nào cũng đều là những hành vi xúc phạm đến thần minh. Nếu nghiên cứu kỹ về tín ngưỡng đa thần và cách cúng tế của người Việt xưa mới thấy rõ sự tôn trọng lễ đối với thiên nhiên của người Việt chi tiết trong từng việc nhỏ như chặt cây, khai mương, đào giếng... Như vậy ở trong nhà, ra ngoài cửa, cho đến động chân, cất bước, bắt tay vào việc làm không điều gì là không có lễ. Quét bụi ngược gió là vô lễ, phủi áo quần trước mặt người là vô lễ, cởi trần tiếp khách là vô lễ, rác không bỏ vào nơi quy định, ngồi đâu xả rác đó là thiếu lễ…

Ở ý nghĩa xã hội, “nén mình theo lễ” chính là phải biết điều chỉnh mình theo các nguyên tắc văn hóa ứng xử trong những hoàn cảnh khác nhau. Với điều này, những biểu hiện “trực quan sinh động” trong ứng xử gần đây của người Việt tại các lễ hội đã đến mức báo động. Ở TP.HCM, có năm tại lễ hội hoa xuân, người ta đổ xô tràn vào cướp hoa, đến nỗi nhiều chủ hoa phải dùng gậy đập nát hoa của mình vì không còn cách gì để ngăn tình trạng “cướp cạn” ấy; đường hoa Nguyễn Huệ cũng gặp những sự cố như bê trộm những đồ vật trang trí…; sau đêm mừng Giáng sinh khu vực công viên chung quanh nhà thờ Đức Bà trắng rác trên mặt cỏ (tình trạng xả rác này cũng diễn ra tại chùa Phúc Khánh Hà Nội). Ở Festival Huế, từng xảy những cảnh đập phá, lấy cắp những sản phẩm trưng bày trong lễ hội. Ở Hà Nội, điển hình là vụ bẻ hoa tại lễ hội hoa anh đào, và gần đây là việc phá phách lễ hội hoa trong dịp đón năm mới 2009; Điều đáng nói, trong những gương mặt phá phách lễ hội không chỉ có những người trẻ mà có cả những người trung niên và người già. Đây là một mặt bằng ứng xử văn hóa rất đáng quan ngại.

Những ngày đầu xuân Kỷ Sửu, ở lễ hội chùa Hương, một lễ hội cấp quốc gia, người ta chứng kiến những hình ảnh không đẹp mắt của rác thải trên suối, cách hành xử của chủ đò, việc nâng giá để “chặt chém” túi tiền của du khách trong một số dịch vụ gửi xe, ăn uống… Đây cũng là những chuyện “đến hẹn lại lên” của không ít lễ hội trên khắp đất nước.

Lễ hội chùa Hương năm nào cũng thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận. Song gần như chúng ta đều rơi vào vấn đề “bàn ngọn” qua một số hình ảnh làm chúng ta phật lòng. Nói một cách khách quan và công bằng, việc tổ chức và phục vụ lễ hội tại chùa Hương đã được cải thiện theo từng năm. Thực tế, không có một lễ hội nào dù tổ chức tốt đến đâu không có những vấn đề tiệc cực của nó, vì thế chúng ta nên nhìn nhận sự việc ở mức độ tương đối.

Sống theo lễ không phải là việc đến chùa Hương dâng lễ mà phải biết “nén mình”, điều chỉnh thói quen thường ngày, tôn trọng những nội quy của chùa, của ban tổ chức đặt ra. Chúng ta thấy rõ là có rất nhiều biển nội quy nhưng một bộ phận du khách (chứ không phải vài chục vạn người ai cũng làm thế) vẫn xả rác xuống suối và bất cứ đâu trên đường đi. “Nén mình theo lễ” là cả năm chúng ta đã ăn thịt cả quá nhiều rồi thì nên dành một, hai ngày ăn chay để đến viếng cửa Phật cho lòng nhẹ nhàng, thanh tịnh. Nếu du khách nào cũng nghĩ được như vậy thì làm gì có cảnh thịt treo, bia rượu bày bán tùy tiện nơi đất Phật bất chấp phản ứng của giới Tăng Ni, Phật tử. Chuẩn mực đã có, nội quy cũng được phổ biến, thông tin báo chí trong nhiều năm nay cũng nhắc đến nhiều, nhưng tại sao một bộ phận không nhỏ du khách vẫn sống với lễ hội ở mức “chưa có lễ”. Cái lỗi ấy, nếu đổ hết lên ban tổ chức thì cũng có phần oan uổng, bởi khi lập công tác chuẩn bị phục vụ lễ hội, họ đã nghĩ đến những điều tốt đẹp nhất, thành công nhất, đỡ tai tiếng nhất, nhưng không phải lúc nào thực tế cũng diễn ra giống như mong muốn. Những diễn biến tiêu cực là điều có thể kinh nghiệm và điều chỉnh được qua mỗi mùa tổ chức lễ hội. Đây cũng không phải là việc làm ngày một ngày hai khi lễ hội diễn ra theo bầu không khí “thị trường” có kẻ bán người mua và tham vọng “kinh doanh” lâu dài lợi dụng vào thắng tích.

Tình trạng không tôn trọng pháp luật biểu hiện trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, càng khiến người dân nghi ngờ nhiều hơn về các giá trị. Nếu nhìn vào việc tăng giá để “chặt chém” du khách của một bộ phận kinh doanh nào đó thì thấy đó là tâm lý khá phổ biến của những người bán hàng thời kinh tế thị trường. Nếu ở hoàn cảnh có thể bắt bí được (độc quyền) đối với người tiêu dùng là họ tăng giá. Tăng giá diễn ra ở những tầm mức rộng lớn trong xã hội, giữa giá trị thực và giá trị ảo đã được bơm phồng bằng quảng cáo, nhưng nhiều khi nó vui tai, vui mắt và ngọt ngào đi vào cuộc sống thường ngày đến mức khó nhận ra được. Chúng ta lấy ví dụ, đồ điện tử gia dụng nay đã rẻ đến bất ngờ so với những lúc giá cao chót vót của nó mấy năm trước. Giá gạo năm 2008, thực tế gạo ngon, nhập lậu từ Campuchia qua, giá còn rẻ hơn giá gạo trong nước, nhưng họ vẫn tung tin đồn thất thiệt để tăng giá gạo một cách vô tội vạ khiến người dân đổ xô đi mua gạo với giá cắt cổ. Rồi thì giá xăng dầu, khi tăng tìm mọi cách để tăng từng ngày từng giờ, nhưng khi giảm thì cứ như nhỏ giọt. Giá nhà đất ở một nước nghèo như Việt Nam cũng tương đương, thậm chí cao hơn những nước giàu. Cho đến giá điện, giá nước, giá tất cả mọi mặt hàng thiết yếu khác trong từng lĩnh vực đều được người chủ kinh doanh chỉnh lên một mức quá “chuẩn” để kiếm lời, càng “ảo” trong chuẩn giá càng kiếm lời nhiều. Tâm lý kiếm lời ấy đã ăn sâu vào trong lối nghĩ xã hội, thử hỏi với những người bám vào mùa lễ hội để tạo nguồn sống trong cả một năm, họ có thể đi ra ngoài cách nghĩ ấy không?

Luật lệ do con người đặt ra, và cái gì đã bị biến thành hàng hóa thì thuận mua vừa bán, nhưng trong hoàn cảnh có thể bắt bí được người khác thì việc nâng giá cao là thiếu lương tâm. Kiềm lời bằng mọi cách bất chấp đạo lý, lương tâm cũng đều là do sống thiếu lễ, mà thiếu lễ thì sẽ có khuynh hướng làm lợi cho mình gây tổn cho người.

Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta tận dụng mọi cách để “thu thuế” người dân, nên ngay cả trong việc tâm linh, cúng bái thì không thể tránh khỏi tâm lý đó, vì thế du khách bỗng dưng phải trở thành một trong những “thượng đế” bỏ tiền ra đi “mua” không khí lễ hội. Họ mất tiền nên thông thường họ nghĩ rằng chúng ta phải phục vụ họ. Trách họ xả rác và trách ban tổ chức phục vụ chưa hết lòng, chứ không thể trách dòng người đi lễ đông, vì đó là một nhu cầu chính đáng như bao nhu cầu khác. Mọi quan hệ thương mại đã sòng phẳng với nhau đến như thế thì chúng ta cũng nên bình tĩnh để nhìn sự việc sâu từ trong bản chất.

Ông bà mình xưa đi lễ chùa, vì không mất tiền gì ngoài lòng thành và sự tùy tâm hỷ cúng nên thấy mình là chủ của di sản, thắng tích, mọi hành vi làm ô uế, vấy bẩn lên cửa chùa đều có cảm giác bị thánh thần trừng phạt. Chính điều đó mà hiểu tại sao ông bà mình mỗi khi bước chân đi lễ chùa là sửa thân, sửa lòng hướng dẫn con cháu từ việc không được chỉ trỏ vào tượng thần Phật, vì như thế là vô lễ, sẽ bị thần thánh quở trách. Hoa tươi dâng cúng Phật, thánh song không được vứt chung với rác bẩn mà phải để chỗ sạch cho khô rồi đốt đi, nếu nó mục thì bón vào gốc cây. Không được khạc nhổ, tiểu tiện không đúng chỗ vì theo quan niệm tâm linh của ông bà ta những chỗ đó có thần, quỷ, hoặc những người khuất mặt trú ẩn, nếu vô tình vấy bẩn lên người họ, họ sẽ hành cho mình bị ốm đau…

Thiết nghĩ, ngoài việc chờ đợi những tín hiệu vui từ việc giáo dục đạo đức lối sống có quy mô hơn của cả hệ thống giáo dục, chúng ta càng phải quan tâm đến các giá trị tâm linh tôn giáo nhiều hơn nữa bằng hành động sửa mình nghiêm trang, đưa con cháu đi lễ hội để giáo dục lòng yêu quý, trân trọng di sản văn hóa của ông cha, chỉ ra cho con cháu thấy được những mặt tích cực và tiêu cực đang diễn ra trong lễ hội, chứ không phải mới nhìn vào một vài biểu hiện phật ý mình mà tẩy chay lễ hội. Bởi điện ảnh, ca hát, game, trò chơi cảm giác mạnh và nhiều thứ khác trong đời sống hiện đại vĩnh viễn không thể thay thế được những giá trị tâm linh, tinh thần đến từ các lễ hội truyền thống. Còn rất nhiều những hình ảnh tốt đẹp trong lễ hội rất đáng để chúng ta dành tặng những lời khen ngợi. Tô hồng hay bôi đen hình ảnh của lễ hội truyền thống dân tộc một cách chủ quan thái quá, tùy tiện cũng nên xem đó là một hành vi không trung thực với chính mình.

Điều chỉnh được mình, sống đúng với lễ cũng có nghĩa khẳng định mình là một con người. Nếu chúng ta không quan tâm giáo dục chữ “lễ” ngay từ trong ghế nhà trường thì càng mở rộng quy mô các lễ hội thì càng thúc đẩy nhanh quá trình tàn phá di sản. Người đi lễ chùa bao gồm nhiều thành phần dân chúng không thuần nhất nên rất phức tạp, nếu không gắn với ứng xử văn hóa, văn minh thì càng đông người càng làm cho lễ hội trở nên lộn xộn, xô bồ. Tôn giáo mà biến tướng vào các hành vi cầu tài, cầu lộc không phải là hướng đi tích cực cho xã hội. Và không thể có bộ mặt quốc lễ khi những việc như vứt rác đúng chỗ, vào nơi tôn nghiêm phải ứng xử thế nào cho phải đạo không được nhà trường quan tâm giáo dục và người dân ý thức trong cuộc sống của mình. Vận nước lâu dài của dân tộc chúng ta có lẽ nào lại không liên quan gì đến việc kịp thời giáo dục người dân sống sao cho đúng với lễ?

Nguyễn Mai Sơn

(Theo phattuvietnam.net)

 

 

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2009

RẰM THÁNG RIÊNG ĐI CHÙA


Đi chùa, không ít người theo trào lưu hoặc chỉ đơn giản là để vãn cảnh, nhưng phần lớn đều là để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho mình, cho gia đình và cho cả xã hội. Bên cạnh đó, họ còn tìm được cho mình những phút giây thư thái ở chốn thanh tịnh ấy…

Từ lâu, việc đi chùa lễ Phật dịp đầu năm không còn là của riêng các phật tử mà đã trở thành nét văn hóa truyền thống trong đời sống của người dân Việt. Đặc biệt là vào ngày rằm tháng Giêng - ngày mà theo sự truyền miệng của dân gian là “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”...

Hôm qua 14 tháng Giêng (8.2), hầu hết các chùa trên địa bàn TP.HCM đã rất đông phật tử, tín đồ và người dân đến viếng. Do là ngày nghỉ cuối tuần nên số người đi chùa càng đông hơn mọi khi. Ngay từ sáng, dòng người từ khắp nơi đã đổ về các tự, viện, tịnh xá, niệm phật đường, cơ sở thờ tự của Phật giáo. Trước tôn tượng Đức Phật Thích Ca luôn chật kín người lễ bái, cầu nguyện, khói hương nghi ngút 

Đi chùa, không ít người theo trào lưu hoặc chỉ đơn giản là để vãn cảnh, nhưng phần lớn đều là để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho mình, cho gia đình và cho cả xã hội. Bên cạnh đó, họ còn tìm được cho mình những phút giây thư thái ở chốn thanh tịnh ấy. 

Bà Lê Thị Trúc, một phật tử thuần thành (ở Q.6, TP.HCM) vừa thắp hương, lễ Phật tại Việt Nam Quốc tự xong, vui vẻ cho biết: "Thường năm tôi đi chùa là cốt cầu nguyện cho đất nước thanh bình, sau nữa thì cầu cho gia đình đoàn viên, bình an. Riêng bản thân mình cũng phải tự tu tâm dưỡng tánh để có được cuộc sống an lành".

Không chỉ có người già hay phật tử mới đi lễ chùa mà khá đông người trẻ cũng tìm đến chốn thanh tịnh trong những ngày này. Chị Nguyễn Hồng Ngân (ở Q.10, TP.HCM) cho biết, công việc và cuộc sống của chị rất bận  rộn nên không có nhiều thời gian thư giãn. Dịp rằm này trùng vào ngày nghỉ nên chị cùng bạn trai đến viếng chùa và thắp hương cầu nguyện gia đình được bình an, công việc suôn sẻ.

Rằm tháng Giêng là rằm đầu tiên trong năm. Nhiều người tin rằng ngày này, Đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của phật tử, lại thêm không khí vui xuân vẫn còn đậm đà nên số người đi chùa càng nhiều.

Dịp rằm này, Thành hội Phật giáo TP.HCM đã hướng dẫn các tự, viện, tịnh xá tổ chức các buổi thuyết pháp về ý nghĩa ngày rằm tháng Giêng (hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu), những phong tục tập quán trong những ngày này.

Ngoài ra, các chức sắc Phật giáo còn khuyến khích phật tử giữ nét đẹp truyền thống đi lễ chùa đầu năm, hướng đến đời sống chân - thiện - mỹ, nâng cao ý thức về truyền thống hiếu hạnh, đạo đức để tránh xa những thói hư tật xấu, xây dựng cho tương lai một thế hệ phát triển toàn diện, gìn giữ những thuần phong mỹ tục của cha ông…

Tuy nhiên, bên cạnh những người thành tâm lễ chùa thì cũng không ít người lợi dụng dịp này mưu lợi cá nhân, hoạt động mua bán sách mê tín dị đoan, bói toán… Đó còn là tình trạng mất trật tự của các hoạt động ăn theo như: kinh doanh, mua bán các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng, lễ lạc, tình trạng chen lấn hái lộc, xả rác trước và trong khuôn viên chùa…

Đi chùa lễ Phật cầu an đầu năm là nét đẹp truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Nhiều người thành tâm dâng nén nhang cầu nguyện cho đất nước thái bình, toàn gia hạnh phúc. Đây cũng là dịp gặp gỡ, thăm hỏi lẫn nhau với những lời chúc phúc thắm đượm nghĩa tình...

Hoàng Hậu

(Theo thanhnien.com.vn)