Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2009

TƯỢNG PHẬT NGỌC CHO HÒA BÌNH THẾ GIỚI

Trong sự ngưỡng vọng bình an của tâm hồn, tượng Phật Ngọc cho hòa bình thế giới dừng chân lần đầu tiên ở Việt Nam đã đem thông điệp hòa bình đến với hàng triệu trái tim yêu hòa bình, đồng thời nhắn gửi với bạn bè thế giới, rằng Việt Nam từ lâu đã chuyển từ văn hóa đối kháng sang văn hóa đối thoại.


Trong sự ngỡ ngàng, nhiều người vẫn còn thắc mắc rằng vì sao Việt Nam được chọn để trở thành chặng dừng chân đầu tiên của Phật Ngọc cho hòa bình thế giới? Câu trả lời không chỉ dừng lại ở việc lịch sử dân tộc ta được viết bởi chiến tranh, nên tâm thức chúng ta luôn mang những ước vọng to lớn về hòa bình, mà còn bởi từ tượng Phật Ngọc không tỳ vết cho chúng ta thấy rõ hơn những tỳ vết đang hiện lên trong cuộc sống hàng ngày.

Quê hương của những ứng xử hòa bình

Việt Nam là một đất nước hồi sinh mạnh mẽ từ sau chiến tranh. Điều đó luôn thúc đẩy người dân ý thức giữ gìn nền độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Thế giới từng biết đến Việt Nam như một mảnh đất của những đối kháng. Nhưng Việt Nam còn là quê hương của những ứng xử hòa bình.

Việt Nam là quê hương của những ứng xử hòa bình. Ảnh: yobanbe.zing.vn


Dân tộc ta từng được thần Kim Quy cho mượn kiếm thần, nhưng ý nghĩa đích thực không phải ở cây kiếm mà ở người sử dụng kiếm. Người trượng phu dùng kiếm, nhưng luôn ý thức kiếm là vật chẳng lành. Chính vì thế sau khi chiến thắng quân giặc, vua Lê đã trả lại kiếm cho thần Kim Quy, viết lên truyền thuyết về lòng yêu chuộng hòa bình của dân tộc. Hồ Hoàn Kiếm là mảnh đất linh thiêng bao đời nay đã minh chứng cho điều đó.

Trong sự ngưỡng vọng bình an của tâm hồn, tượng Phật Ngọc cho hòa bình thế giới dừng chân lần đầu tiên ở Việt Nam đã đem thông điệp hòa bình đến với hàng triệu trái tim yêu hòa bình, đồng thời nhắn gửi với bạn bè thế giới, rằng Việt Nam từ lâu đã chuyển từ văn hóa đối kháng sang văn hóa đối thoại.

Đối thoại là một trong những nguyên tắc ứng xử để gìn giữ nền hòa bình lâu dài. Đối thoại để hóa giải những vết thương xung đột còn hằn sâu trong tâm thức mỗi người khi chiến tranh vẫn còn tiềm ẩn đâu đó chung quanh cuộc sống.

Dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử của mình đã trải qua biết bao đau thương từ những cuộc chiến tranh (nội chiến, ngoại xâm). Chính vì lẽ đó người Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận và hiểu về giá trị của hòa bình, bảo vệ nền hòa bình. Có thể nói, hòa bình đã nuôi lớn lòng nhân nghĩa của dân tộc.

Không thể khởi đầu từ tâm thức xung đột

Tâm thức chiến tranh của quá khứ thể hiện ý nghĩa của từ “khổ”. Tâm thức hòa bình của hiện tại là ý nghĩa của sự “diệt khổ”. Trong một lằn ranh mong manh của hai tâm thức ấy, chỉ cần dũng cảm bước qua đau thương và thù hận là chúng ta chạm đến ý nghĩa đích thực của hòa bình.

Nhưng ở phạm vi xã hội, giá trị của hòa bình không buộc chúng ta phải từ chối toàn bộ tâm thức khổ đau trong quá khứ, mà từ tâm thức ấy, chúng ta sống với những trạng huống hiện tại bằng lòng bao dung, độ lượng, khoan hòa. Điều đó chắc chắn sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc và an lạc.

Ý nghĩa hòa bình được bao quát trong kinh điển đạo Phật có những khác biệt căn bản với học thuyết kinh tế, chính trị xã hội vì nó mang trong mình những giá trị nội tại từ những ước nguyện và sự trải nghiệm sâu xa của cảm thọ và lòng trắc ẩn: tâm bình thế giới bình, tâm an xứ xứ an.

Trong sự ngưỡng vọng bình an của tâm hồn, tượng Phật Ngọc cho hòa bình thế giới dừng chân lần đầu tiên ở Việt Nam đã đem thông điệp hòa bình đến với hàng triệu trái tim yêu hòa bình. Ảnh: Dân trí

Trong chiến tranh, đôi lúc người ta thừa nhận rằng, những biểu hiện của giận giữ, thậm chí căm thù có thể nhất thời cho người ta sức mạnh, nhưng dù ở mức độ miễn cưỡng nào thì đó vẫn là sức mạnh để gây thương tổn cho người. Sự điều chỉnh từ trong tâm hồn sẽ mang đến cho chúng ta những ý nghĩ tích cực rằng quá trình từ đau thương đến an lạc, từ chiến tranh đến hòa bình không chỉ được hiểu như một khoảng thời gian dài đằng đẵng thử thách lòng kiên nhẫn mà còn là thời gian của tâm thức.

Nếu tâm thức bị chi phối bởi những thái độ chính trị khác biệt nhằm phá vỡ mọi giá trị của hòa bình, thì cũng chính tâm thức là nơi để bắt đầu gây dựng lại lòng khoan dung và vị tha.

Sự khổ đau, mất mát quá lớn của nhiều thế kỷ, thập kỷ sống trong tâm thức chiến tranh đã khiến chúng ta nghi ngại và không còn đủ bình tĩnh để nhìn nhận đến những giá trị nội tại của hòa bình, trong khi từng ngày, từng giờ, từng phút chúng ta vẫn luôn mong bản thân, gia đình và cộng đồng luôn có được sự bình an và hạnh phúc.

Chính những tâm tưởng đang bị vây hãm bởi bất an khiến chúng ta tìm cách đối phó. Đối phó là hình thức ban đầu của chuẩn bị chiến tranh. Thời đại nào dân tộc ta cũng phải đứng trước những thách thức lớn và thời cơ lớn. Có thể thời cơ cũng là một thách thức, nhưng rất có thể thách thức cũng là một thời cơ, để chúng ta trưởng thành hơn khi nhìn nhận những giá trị của hòa bình, và đôi khi là những mất mát, đau thương.

Hiểu được cội rễ của những hậu quả mà xung đột gây ra sẽ cho chúng ta một cách nhìn đa chiều hơn về hòa bình, rằng hòa bình không phải là hoàn toàn vắng bóng chiến tranh. Vì cả hòa bình và chiến tranh đều là cơ hội để chúng ta nhận thức nhiều hơn về sự thật của “khổ” và cách thức để “diệt khổ”.

Chống trả lại sự đau đớn bằng thù hận và bức hại là thể hiện của một tâm thức tuyệt vọng. Và sự tuyệt vọng đó không chỉ cuốn trôi sự sống của người khác mà cuốn trôi luôn sự sống quý giá của chính bản thân mình. Rõ ràng, chúng ta không thể khuyến khích sự đoàn kết hay hòa hợp khởi đầu bằng tâm thức xung đột, vì điều đó đi ngược lại các giá trị của hòa bình nội tại.

Xây dựng nền văn hóa hòa bình từ trong tâm thức đến hiện thực cuộc sống cũng chính là cách chúng ta giữ gìn nền hòa bình dài lâu dài của dân tộc.
Ảnh: yobanbe.zing.vn

"Thế giới bắt đầu từ tâm"

Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ nhất tổ chức tại Trung Quốc vào tháng 4 năm 2006 đã đưa ra thông điệp: “Thế giới bắt đầu từ tâm”, nhằm cổ vũ cho những giá trị của hòa bình nội tại. Hy vọng thông điệp ấy sẽ phủ xanh trên mảnh đất Trung Hoa và lan rộng khắp thế giới. Hòa bình trước nhất phải đến với từng tâm thức cá nhân trước khi có thể tác động lên người khác.

Thế giới hiện vẫn đang từng ngày bị xô đẩy bởi tai biến của những làn sóng tranh chấp, xung đột. Vì thế ý chí tự lực tự cường của dân tộc mà chúng ta có thể triển khai đó là nâng cao các giá trị văn hóa, bởi tinh hoa của dân tộc chính là văn hóa. Đó cũng cách thiết thực nhất để chúng ta tiến tới việc xây dựng nền văn hóa hòa bình.

Chúng ta suy nghĩ gì trước tượng Phật Ngọc cho hòa bình thế giới khi Việt Nam đang là một trong những nước đứng đầu trong việc nạo phá thai? Chúng ta sống thân thiện với môi trường như thế nào khi chung quanh chúng ta là những dòng sông đang chết?

Chúng ta thương yêu nhau thế nào khi nhiều gia đình đang đối mặt với tình trạng hôn nhân đổ vỡ? Chúng ta đã học cách bảo vệ nhau ra sao khi đất nước không có chiến tranh mà người chết vì tai nạn giao thông vẫn ở mức báo động? Làm cách nào để chúng ta bảo vệ công sức và tài sản của nhân dân khi tham nhũng còn đang là quốc nạn?

Chúng ta phải hỏi nghiêm túc và phải tìm cách trả lời thẳng thắn cho những câu hỏi ấy, vì tất cả những điều ấy tương quan mật thiết với việc chúng ta xây dựng một nền văn hóa hòa bình.

Xây dựng nền văn hóa hòa bình từ trong tâm thức đến hiện thực cuộc sống cũng chính là cách chúng ta giữ gìn nền hòa bình dài lâu dài của dân tộc.

Tượng Phật Ngọc cho nền hòa bình thế giới được chế tác từ khối ngọc lớn chưa từng thấy, hoàn toàn không tì vết, được phát hiện tại miền Bắc Canada năm 2000.

Khối ngọc nặng 18 tấn được đặt tên là “Polar Pride”, nghĩa là "niềm Kiêu Hãnh của Bắc Cực". Khối ngọc này được một nhà nghiên cứu đá quí lừng danh thế giới, ông Fred Ward, đánh giá là "khám phá của thiên niên kỷ".

Các nhà nghiên cứu khoa học cho biết loại ngọc này cứng chắc hơn bất cứ loại ngọc thạch Nephrite nào khác. Màu ngọc sáng bóng, chất lượng được đánh giá là loại ngọc quí dùng làm nữ trang.

Công ty Jade Thongtavee, một công ty điêu khắc đá quý uy tín nhất Thái Lan đảm nhận việc chế tác tôn tượng.

Tượng Phật Ngọc được tạc theo khuôn mẫu Tượng Phật Thích Ca đang được tôn thờ bên trong Bảo Tháp Đại Giác Ngộ (Mahabodhi Stupa) ở Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) dưới sự chứng minh của Đức Đạt Lai Lạt Ma và sự chỉ đạo, cố vấn kỹ thuật từ ngài Lama Zopa Rinpoche, người đã nằm mơ thấy khối ngọc này sáng rực ở Canada.

Ngài Lama Zopa Rinpoche đã khuyến phát ông bà Ian Green, người Úc, chủ tịch Hiệp Hội Đạt Lai Lạt Ma ở Úc, qui y từ 35 năm nay thực hiện công việc có ý nghĩa này.

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2009

NHÀN ĐÀM VỀ NỊNH



Trong giao tiếp hàng ngày, chúc tục, ca ngợi, động viên cổ vũ, khen nhau khiến cho nhau phấn khởi vui vẻ trong cuộc sống là chuyện thường tình. Thế nhưng nịnh hót, nịnh nọt để thành kẻ nịnh bợ thì cũng không phải là chuyện hiếm. Các kiểu nịnh xưa nay rất đa dạng, nhưng đều có chung một bản sắc, đó là tự hạ mình ca tụng, khen ngợi bề trên một cách quá mức để tranh thủ cảm tình, cầu lợi cho bản thân...

Xưa nay nịnh chỉ có một chiều: dưới nịnh trên, không hề có chuyện người trên nịnh kẻ dưới, ngoại trừ trường hợp dỗ dành trẻ con. Và lúc này nịnh đã biến thành nựng.

Theo sử sách đông tây kim cổ, kẻ thành đạt, giàu có quyền thế bậc nhất nhờ nịnh hót thì chưa ai vượt qua được Hòa Thân thời vua Càn Long nhà Thanh Trung Quốc. Khi Càn Long hứng chí làm thơ, Hòa Thân ca tụng hết lời: "Thơ của Hoàng thượng hay tuyệt đỉnh, chữ viết như rồng bay phượng múa. Triều đình ta mấy nghìn năm chưa có ai làm thơ hay và viết chữ đẹp như thế! ". Hễ có dịp là Hòa Thân ca tụng "Công ơn của Hoàng thượng như trời bể, tài đức sánh ngang với Nghiêu, Thuấn!". Với những lời phỉnh nịnh ngọt ngào như thế. Hòa Thân từ một tên quan lại hạng quèn đã leo lên đến Tể tướng và giàu có tột đỉnh. Tài sản nhà họ Hòa còn lớn hơn ngân khố quốc gia. Chẳng cứ gì Hòa Thân, xưa nay những kẻ xu nịnh vẫn thường a dua theo đuổi kẻ có quyền thế, phủ nhận và xuyên tạc sự thật bất chấp lẽ phải. Sử Trung Quốc vẫn còn ghi chuyện Triều Cao. Tể tướng nước Tần rất được lòng Tần Nhị Thế áp mưu giết hại Thừa tướng Lý Tư, Triệu Cao đem dâng vua một con hươu và bảo nhà vua rằng đó là con ngựa. Tần Nhị Thế hỏi quần thần "Con vật này là hươu hay ngựa. Bọn quan lại xu nịnh Triệu Cao đều tâu là ngựa!"

Đấy là chuyện bên Tàu. Ở Việt Nam ta cũng có khối chuyện vui lý thú. Như chuyện tên đầy tớ nịnh chủ trong chuyện cười Việt Nam. Tên đầy tớ có thói quen phỉnh nịnh, chủ nói gì hắn đều nói theo và phóng đại tô màu! Đi chơi, ông chủ khen. "Lúa đồng làng này tốt quá?". Tên đầy tớ ca theo "Lúa đồng làng ta tốt gấp mười lần ! ". Chủ khen cô thôn nữ xinh gái. Tên đầy tớ ca theo "Cô nương nhà ta xinh gấp mười lần". Khi gặp một bà già, chủ nhận xét bà xấu xí. Tên đầy tớ quen mồm buột miệng "Bà nhà ta xấu gấp mười lần ! ". Thì ra nịnh hót đã thành quán tính!

Nghệ thuật nịnh bao giờ cũng dùng lời lẽ rất văn vẻ để người trên vừa lòng như chuyện tên lính hầu phát hiện trên chòm râu quan huyện có dính hạt cơm. Hắn đã quỳ tâu: “ Bẩm quan lớn, có hạt minh châu vương trên long tu ngài”. Quan hiểu ý nhặt bỏ hạt cơm, rất hài lòng khen tên hầu bẻm lép thông minh.

Tuy vậy, trong kho tàng chuyện nịnh trên thế gian này có lẽ chưa có chuyện nịnh nào vượt qua được tầm nịnh trong chuyện "Nịnh rắm" của nước ta. Chuyện kể rằng trong một buổi thăng đường, huyện quan vô tính tương ra một cái rắm. Quan đang bối rối thì viên thơ lại đã đến bên xun xoe: "Bẩm quan lớn, con nghe như có tiếng đàn, tiếng sáo!". Một viên thơ lại khác thốt lên: "Bẩm quan lớn con thấy thoang thoảng hương quế, hương lan ! " . Huyện quan tỏ vẻ buồn rầu: “Ta nghe nói, trung tiện mà thơm thì ta e chẳng còn sống được bao lâu nữa !” . Hai viên thơ lại cuống quít đính chính. "Bẩm quan lớn,dạ, bây giờ mới có mùi ạ!". Dạ, bẩm quan lớn, bây giờ thì thối lắm, thối lắm ạ!.

Suy cho cùng, nịnh là để chiếm cảm tình của cấp trên để mưu cầu lợi ích riêng. Nịnh là phép xử thế của những kẻ bất tài, kém sức nhưng lại muốn vươn lên bằng thủ thuật nịnh bợ. Xã hội càng phát triển, thủ thuật nịnh càng tinh vi, đa dạng. Từ những ngôn từ đẹp đẽ tâng bốc đón ý cấp trên, tranh thủ cảm tình đến hạ mình phục vụ hầu hạ, biếu xén quà cáp, hối lộ đất đai, tiền bạc. Vì vậy các nhà xã hội học đều cho rằng nịnh là có hại cho sự phát triển xã hội. Ngay từ thời Tam quốc, Tào Tháo đã viết song chiều cầu ngôn: "Trị vì đất nước, thiết tập trăm quan, phải thực sự phòng người xu nịnh . . . " . Cho nên, nhận ra được bộ mặt thật của kẻ xu nịnh không phải là khó nhưng để tránh được sự tâng bốc, phỉnh phờ, đường mật rồi vô tình lạc vào mê cung thì thật không dễ. Phát hiện kẻ nịnh rồi tìm cách tránh, xưa nay không phải là không có. Chuyện cũ kể rằng quan đại phu nước Tề là Trâu Ký rất khôi ngô, tuấn tú. Qua việc ba bà vợ đều khen ông đẹp trai hơn Từ Công. Ông hiểu là người đời thường xu nịnh nên tâu với Tề Uy Vương tìm biện pháp lắng nghe trực tiếp ý kiến của thần dân Tề Uy Vương ra lệnh: "Ai vạch chỉ ra lỗi lầm của nhà vua trước mặt triều đình thì được thưởng loại 1 . Ai dâng biểu hạch tội nhà vua được thưởng loại 2. Ai có lời chỉ trích nhà vua được thưởng loại 3".

Lệnh vua vừa ban ra, dân chúng kéo đến cổng thành đông như họp chợ. Tề Uy Vương mới bừng tỉnh, biết mình trước đây toàn nghe theo lời của bọn nịnh thần nham hiểm... Trong sử sách cũng còn ghi chuyện Sở Trang Vương lúc nào cũng lo lắng việc nước luôn hỏi han quần thần nhưng lũ nịnh thần lúc nào cũng ca tụng Sở Trang Vương sáng suốt, tài ba. Sở Trang Vương rất buồn, ông than: "Ta đây đã ngu mà đình thần lại ngu hơn ta nữa thì nước ta có lẽ khó mà giữ được Yên". Sau đó Sở Trang Vương loại bỏ hết bọn nịnh thần, trọng dụng người tài khiến nước Sở ngày càng hùng mạnh. Tề Uy Vương, Sở Trang Vương không nghe lời xu nịnh nhưng trên thế gian này vẫn còn vô số những người thích nghe những lời tâng bốc đến nỗi tan tành sự nghiệp, mất cả mạng sống của mình.

Danh tướng Quan Vũ (Quan Vân Trường) một trong ngũ hổ thời Tam quốc, oai phong lẫy lừng là thế nhưng lại mất cảnh giác trước lời tâng bốc, phỉnh định của Lục Tốn - đại tướng Đông Ngô, để rồi bị Lục Tốn đánh úp chiếm đóng Kinh Châu và chặt đầu Quan Vũ! Nói công bằng, có người ưa nịnh thì cũng có người khẳng khái không ưa nịnh, luôn giữ bản chất trong sạch của mình trước kẻ cường quyền dù đó là vua của một nước. Nhan Súc, học giả nổi danh của nước Tề không chịu xu nịnh Tề Tuyên Vương là một ví dụ . Chuyện kể rằng khi vua đến chơi nhà Nhan Súc, vua gọi: "Nhan Súc, lại đây!, y như kiểu gọi một đứa trẻ. Nhan Súc điềm tĩnh đắp lại: "Hoàng thượng! Lại đây!". Các quan theo hầu hạch tội. Nhan Súc giải thích: "Vua gọi mà Nhan Súc lại để xun xoe thì Súc là người xu nịnh ham muốn quyền lực. Súc gọi mà nhà vua lại thì vua là người quý trọng hiền sĩ. Nếu để Súc này mang tiếng hâm mộ, xu nịnh quyền thề thì sao bằng để nhà vua được tiếng quý trọng hiền tài!". Thật là một lập luận biện hộ hết sức tài tình.

Trong cuộc sống ngày nay, xu nịnh vẫn luôn tồn tại ở đâu đó, dưới nhiều hình thức, nhiều kiểu cách, mức độ khác nhau. Phân biệt được khen ngợi chân tình, thực lòng hay tâng bốc nịnh nọt thực ra không khó lắm. Nhưng khổ một nỗi, loại bỏ thói xu nịnh lại chẳng dễ dàng vì con đường tiến thân bằng xu nịnh lại thường bằng phẳng, ít chông gai và vì xu nịnh đều dùng lời đường mật dễ thấm vào lòng người. Chẳng thế mà thời nay đã hình thành câu cửa miệng: “Bằng lòng hơn bằng cấp”, song hành cùng câu tục ngữ thời xưa "Mật ngọt chết ruồi".

Trần Trung Hải

(Theo chungta.com)

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

CHỨC VỤ KHÔNG ĐỒNG NGHĨA VỚI TIẾN BỘ NHÂN LOẠI


Bàn về quan phẩm và nhân phẩm, chúng ta vẫn nặng về cách bàn làm quan hơn hay làm người hơn? Làm quan sướng hơn hay làm người sướng hơn? Nói chung nó vẫn thiên về hưởng thụ nhiều hơn là giá trị con người…

Về địa vị xã hội chắc chắn làm quan cao hơn người thường, nhưng sự cao hơn trong hệ thống chính trị đó lại chưa đồng nghĩa với sự tiến bộ của con người cũng như toàn nhân loại. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, khi nền tự do dân chủ mở ra, cùng lúc với rất nhiều sở trường của các cá nhân được phát huy cách phong phú nhất, thì các địa vị của quan chức không thể hoàn toàn mang đẳng cấp tiến bộ cao hơn người dân. Chẳng lẽ ông cục trưởng lại thông minh hơn vị giáo sư ư? Hay ngài tổng thống quan trọng hơn giám đốc điều hành trung tâm vũ trụ. Ở Mỹ, đã có nhiều vị quan toà còn nổi tiếng hơn tổng thống, vì tổng thống giữ cương vị một nhiệm kỳ bốn năm, hay hai nhiệm kỳ tám năm, còn vị quan toà công minh chính trực kia cầm cân nảy mực, bảo vệ người tốt, trừng trị kẻ xấu, được dân tín nhiệm suốt cuộc đời ông dài hàng nửa thế kỷ. Và trình độ tiến bộ của ông còn cao hơn nhiều vị tổng thống.

Có một câu chuyện quan lại rất đặc trưng rằng, Cao Cầu kia trở thành tể tướng của Trung Quốc, thời có nạn 108 anh hùng Lương Sơn Bạc nổi lên. Khởi đầu, Cao Cầu chỉ là một tên du đãng lang bạt suốt ngày mải đá cầu. Vì thế, Cao Cầu đá cầu rất giỏi. Cao Cầu làm người ở cho một nhà giầu kia, một hôm chủ nhà sai Cao Cầu đem lễ vật đi biếu một vị quan địa phương. Cao Cầu đến nhà vị quan kia, đành phải đứng chầu ngoài sân để chờ, vì vị quan đang mải đá cầu. Đột nhiên, quả cầu vị quan đá hỏng bay ra ngoài sân, thuận chân Cao Cầu liều đá một quả rất đẹp – trái cầu bay lộn trở lại cho vị quan. Quan trên bèn tấm tắc khen tài nghệ đá cầu của họ Cao, liền giữ lại làm kẻ đá cầu hầu mình. Thấm thoát chẳng bao lâu vị quan địa phương lại đem Cao Cầu dâng tiến quan trên để hầu quan trên đá cầu, quan trên lại dâng tiến quan trên nữa, cứ thế, chẳng mấy chốc Cao Cầu trở thành của quí tiến dâng đến tận cung vua, và được sủng ái đến mức trở thành tể tướng. Qua chuyện đó đủ thấy làm quan không phải lúc nào cũng do năng lực và trình độ, mà có thể chỉ là kẻ làm vui lòng quan trên nhờ thú chơi, cũng tiến vù vù.

Chuyện Cao Cầu ở ngoài đời từ cổ chí tân, tây cũng như ta thì đầy rẫy. Nó nhiều đến mức nhiều lúc chở thành nguyên tắc sống. Chẳng hạn, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều người có quyền thế ở nước ta lớn tiếng nói :không cần dùng người tài, mà cần dùng kẻ trung thành với mình. Bởi lẽ, nguời tài hơn ta đến ngày nó sẽ lật ta; còn người dốt hơn ta lại trung thành với ta, mới không thể lật ta, như vậy chiếc ghế của ta mới vững, Nói như vậy là người ta bất chấp cả quyền lợi chung của nhân dân, cũng như quyền lợi của cơ quan, mà chỉ để ý đến mỗi quyền lực của riêng mình, làm sao ngồi trên ghế càng lâu càng tốt, càng lâu càng lãi. Và một lần nữa cái gọi là “Cẩu Quan”lại hiện ra, làm quan nhiều khi chỉ là thứ ngu trung như khuyển mã, trên nói thế nào răm rắp tuân theo, quan còn thì mình còn, ghế của quan có vững thì mình mới vững, quan còn được ăn bổng lộc hậu thì mình còn có được phần.Vì thế người ta bảo vệ quyền lợi cho quan trên bằng mọi giá, cho dù có hủ bại và thiệt hại cho mọi người đến thế nào. Và người ta tìm mọi cách để lấy lòng quan trên mà không cần để ý đến việc làm lợi cho dân chúng? Vì nghĩ rằng : chỉ có quan trên mới định đoạt địa vị cho mình, chứ dân chúng như những kẻ cấp dưới đâu có thể quyết định vị trí của mình. Bởi thế mới có câu “Mười năm phấn đấu không bằng cơ cấu một giờ”. Làm sao để lấy lòng cấp trên, một khi cấp trên ưu ái và cho vào điểm ngắm, sau đó lai “cơ cấu” cho, thì bằng đi tắt cả mười năm, thậm chí leo lên được những chiếc ghế, cả đời không dám nằm mơ.

Nói cho đầy đủ, chúng ta vẫn biết, làm quan như ngày xưa là cai trị dân, thời dân chủ được xem như người lãnh đạo hoặc hướng dẫn dân chúng, được coi như phụ – mẫu của dân, người ta vẫn gọi là “quan phụ mẫu”. Người được xem như là cha mẹ của dân, tất đó phải là những người có kiến thức, trí lực, đạo đức hơn người. Điều đó thật là đáng ao ước, thậm chí là lý tưởng, như người Trung Quốc quan niệm về hai từ “chính trị”. Chính trị tức là dùng những điều chính đáng, những thứ chân chính để trị vì dân chúng, làm cho dân chúng được sống dựa trên sức mạnh công lý của luật pháp, nhờ đó được sống yên ổn. Trái lại, nếu chỉ dùng sức mạnh của chính quyền hà hiếp, dùng các thủ đoạn để cai trị dân chúng, vì phải trái đảo lộn, sức mạnh thay thế công lý, thì người ta gọi.đó là “tà trị” –tức dùng những thứ nguỵ trá, gian tà để cai trị dân.

Được sống trong hệ thống chính trị đúng nghĩa- tức sự cai trị chân chính thì còn gì bằng, vì lúc đó dân chúng được lãnh đạo bởi những ông quan ưu tú hơn ngưòi. Song điều lý tưởng đó rất hiếm hoi đặc biệt là trong chế độ quân chủ độc tài: cha truyền con nối, đến lượt các quan lại thì chỉ truyền chức cho con dù dốt nát thế nào theo kiểu: con ông cháu cha. Vì thế nhân gian giành cho quan lại rất nhiều câu ca dao châm biếm hóm hỉnh, đó không hẳn là những gì cay độc mà là những “cái tát” đáng yêu để cảnh tỉnh những chiếc đầu lãnh đạo dân chúng. Những “cái tát” kiểu này không chỉ giành cho các quan mà giành cho các thầy đồ, thầy cúng, quan lại là những bậc thuộc thế giới tinh thần của xã hội Việt Nam.

Chẳng hạn, như thầy đồ thì là chuyện học trò hỏi chữ “nhất” là gì? Ông thầy đồ liền lấy chiếc đĩa đựng mật của nhà học trò liếm một cái và bảo: “đó là chữ nhất”. Còn thầy cúng thì:

Số cô có vợ có chồng

Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai

Số cô có mẹ có cha

Mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông

...

Chập chập cheng cheng

Con gà sống thiến để riêng cho thầy

Đơm xôi thì đơm cho đầy

Đơm mà vơi đĩa thì thầy không ưng

Nhưng ca dao giành cho tầng lớp quan lại mới thật là nhiều. Điều đó chứng tỏ: đời sống chính trị là bao trùm và xuyên suốt hơn cả vì nó liên quan trực tiếp đến sự bình an của dân chúng, và tầng lớp quan lại là được dân kỳ vọng nhiều nhất vì lẽ: quan hiền thì dân được nhờ, quan bất công thì dân phải sống trong đè nén cực khổ. Người Trung Quốc có câu: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, tức là: quan trên mà bất chính sống không ngay thẳng công bằng thì ở dưới dân chúng phải chịu cảnh nhiễu loạn. Còn người Việt thì nói:

Người trên ở chẳng kỷ cương

Khiến cho kẻ dưới lập trường mây mưa.

Như chúng ta đã bàn, người ưu tú làm quan mà dân được nhờ thì chẳng nói làm gì, nhưng đa số những kẻ lười biếng, dốt nát, mải chơi, chẳng chịu học hành, du thủ du thực, những kẻ yếu thường muốn núp bóng những nơi nào hùng mạnh nhất, và chúng thấy chẳng có nơi nào mạnh mẽ và tiện lợi như cửa quan. Những thứ quan như vậy quả thật là đại hoạ của dân chúng. Và người dân giành cho những thứ quan lại đó những lời châm biếm thật chua cay. Trong những năm qua, dân chúng nước ta rất lao đao khốn khổ về nạn tham nhũng, có những công trình xây dựng nhà cao tầng bị rút thép từ bên trong khiến cả công trình biến thành một chiếc quan tài rập rình muốn đổ, chẳng ai đủ can đảm để sống ở đó, vậy là kẻ tham nhũng rút được vài trăm tỷ, nhưng công trình cả ngàn tỷ bị ném qua một bên; còn những công trình cầu cống đường xá bị rút thép, lún, sập, gây nguy hiểm cho cả người đi trên cầu cả người đi dưới cầu, thật đáng kinh hãi!

Mới đây vụ cá độ bóng đá lộ ra, hoá ra đứng phía sau có cả quan chức lớn, cầm số vốn lớn của dân để xây cầu đường... Tại một cuộc họp của Quốc Hội, có nhiều đại biểu đã nêu lên: chống tham nhũng nghĩa là chống giới quan chức, vì dân thường làm gì có quyền hành để tham nhũng, chỉ có các quan chức mới có chức vụ, để lạm dụng chức vụ của mình, biến của chung thành túi riêng. Quả như người Việt từ xưa đã bảo:

Con ơi nhớ lấy câu này

Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan.

Câu hát thật chua cay và chí lý! Tại sao giặc phải cướp vào ban đêm, vì chúng là lực lượng bất chính phải dựa vào bóng đêm đột kích bất ngờ vào ai đó, sau đó rút chạy ngay, mới mong đạt kết quả. Nhưng quan thì không cần bóng đêm, vì ban ngày mới là giờ làm việc chính thức của quan, quan lại đường bệ có mũ ô sa, có lọng, có phẩm hàm – phẩm trật, vì thế quan muốn tham nhũng thì cứ việc lạm dụng quyền hành của mình ngay giữa ban ngày để tham nhũng. Mới đây, Ban công tác đặc biệt của Chính phủ có thông báo về mười ngành tham nhũng hàng đầu ở Việt Nam, trong đó đứng đầu các ngành là: 1- Địa chính nhà đất, 2- Hải quan, 3- Cảnh sát giao thông. Địa chính nhà đất là cơ quan quản lý đất cát, nơi nắm được mọi kế hoạch phát triển, đầu tư, sử dụng đất đai, chỉ cần đưa đất chỗ này vào qui hoạch lập tức giá tăng gấp mười lần, đưa chỗ kia ra khỏi bản đồ xây dựng lập tức giá hạ rẻ như bèo, rồi lập quyền sở hữu, rồi bán thông tin, rồi khai thác mọi đặc quyền hành chính về quyền kiểm soát đất đai... người ta kiếm bạc tỉ nhẹ như lông hồng. Còn hải quan, thôi thì hàng nào đánh thuế, hàng nào cho đi, thậm chí nhiều cán bộ hải quan còn thông báo cho bọn buôn lậu cửa nào đi an toàn, chiến dịch kiểm tra triển khai ra sao, và đánh úp chỗ nào, tóm lại, người ta thông đồng với những kẻ buôn lậu làm sao luôn lậu trót lọt đi đến nơi về đến chốn, để còn nộp mãi lộ cho quan bảo kê. Còn cảnh sát giao thông cứ thế cầm còi tuýt, xe nào muốn đi qua thì cứ thế nộp tiền mãi lộ, nếu không người thi hành công vụ cũng chẳng cần phạt, mà chỉ cần cho ở đó chờ giải quyết một đến vài giờ đồng hồ. Thế là lỡ mất chuyến hàng còn thiệt hại nhiều hơn, nên lái xe cứ nộp luôn để đi cho nhanh. Nhiều cảnh sát còn núp sau những chỗ kín, mong đánh úp những kẻ vi phạm, dân tình liền nói đùa đó là cảnh sát đi câu.

Quan tham cướp ngày chưa đủ, với quyền chức của mình có khi quan còn là “bố mẹ” bảo kê cho những tên kẻ cướp, như người Việt bảo: “Tuần hà là cha kẻ cướp”. Quan là cai tuần, quan đi tuần chỗ nào, bỏ qua chỗ nào, nhìn thấy ai quan đuổi, nhìn thấy ai quan bỏ qua, thế là bọn cướp nhờ có quan mà được ung dung hoạt động. Vì thế mà quan còn là cha mẹ nuôi dưỡng bao dung cho chúng. Có những câu chuyện đại loại như, dân chúng hô hoán đuổi theo một tên ăn cắp, bắt được hắn rồi, họ liền giao cho anh công an, anh ta giải hắn đi cùng với gói đồ quí mà hắn lấy được, đến đầu phố anh ta trả vờ lơ đễnh để mặc cho hắn trốn thoát, thế là gói đồ quí không chủ bỗng nhiên trở thành của riêng của anh ta.

Nguyễn Hoàng Đức

(Theo chungta.com)

Thứ Ba, 7 tháng 4, 2009

PHẬT GIÁO VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LẠM QUYỀN


Lạm quyền và tham nhũng là hai mặt của một vấn đề. Phật giáo không đề cao quyền lực mà đề cao khả năng nhiếp phục tâm. Vì vậy hãy tập nhìn những người thầy của chúng ta với hình ảnh của những người đã nhiếp phục tâm bằng chiến thắng dục vọng cao nhất. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục nhìn và “ngưỡng vọng” người thầy của mình bằng những chức vụ thật lớn và thật kêu trong Giáo hội thì chính cách nhìn nhận ấy của chúng ta đã làm gia tăng sự lạm quyền trong Giáo hội…

Ngay từ thời Đức Phật còn tại thế những vấn đề về tranh chấp quyền lực trong tăng đoàn đã xảy ra. Cụ thể là Đề Bà Đạt Đa đã có ý muốn tranh làm Giáo chủ. Và có những thời điểm Đề Bà Đạt Đa đã thu hút được một số đệ tử của Đức Phật về phía mình. Nhưng điều đáng nói người đứng đầu Tăng đoàn không phải là nhắm đến một quyền lực mà là sự tôn xưng của chúng đệ tử dành cho bậc đã chứng ngộ.

Nói ra bài học lịch sử này để thấy rằng, quyền lực từ cổ chí kim luôn hấp dẫn với con người, không loại trừ tôn giáo. Ở Nhật Bản, có những thời kỳ Phật giáo bị nhà nước nghi ngại đẩy ra khỏi các nơi thành thị, vì có những vị đứng đầu Phật giáo muốn giữ luôn cả vai trò đứng đầu chính quyền. Đó là những tham vọng quyền lực vượt quá giới hạn tôn giáo. Lịch sử Phật giáo Việt Nam không những không có trường hợp nào như thế mà ngược lại còn có những vị vua đã từ bỏ ngai vàng như từ bỏ đôi dép rách để xuất gia sống đời sống phạm hạnh, giải thoát.

Quyền lực dù ở cấp độ nào nó cũng đi liền với những lợi ích dù lớn hay nhỏ. Giáo hội là một tổ chức xã hội với những ban ngành được phân cấp từ trung ương đến địa phương, vì thế vấn đề lạm quyền trong bộ máy tố chức không thể không sớm được đặt ra một cách công khai, nghiêm túc và thẳng thắn.

Đặt ra vấn đề lạm quyền trong Giáo hội Phật giáo hiện nay để nhìn nhận đẩy đủ tính chất “trong họ ngoài làng” của chính bản thân nó với các mối tương quan xã hội dân sự khác, cũng là để thấy rằng vấn đề lạm quyền trong xã hội là một vấn đề chung không chừa tổ bất cứ một chức nào.

Lạm quyền là những việc làm vượt quá mức độ, tính chất quyền hạn của cá nhân, tập thể được quy định trong tổ chức ấy. Hậu quả của việc lạm quyền kéo dài sẽ dẫn đến cơ chế “xin-cho” và tham nhũng, hối lộ. Từ đó dần biến Giáo hội trở thành một “thiết chế” ứng xử bằng quyền lực, dần hình thành các thế lực, bè phái nhằm tranh giành ảnh hưởng, bài trừ lẫn nhau, tiến tới thâu tóm quyền lực tập trung và chi phối vào mọi ngóc ngách của sinh hoạt Giáo hội từ ban ngành đến tự viện.

Quyền lực để duy trì hình thức tồn tại là một điều tất yếu của mỗi tổ chức xã hội. Nhưng lạm quyền thì sẽ để lại cho Giáo hội và xã hội những hậu quả hết sức nặng nề, làm tổn thương đến uy tín tố chức của Giáo hội, phá vỡ tính đoàn kết, thống nhất của Tăng già trong mục đích cao cả là đem hòa bình và an lạc đến cho mọi người.

Có thể nói vấn đề lạm quyền trong Giáo hội hiện nay là một vấn đề “nhạy cảm” đầy gai góc và khó có thể cắt nghĩa trọn vẹn trong một phạm vi hay một tình huống cụ thể. Nhưng không phải vì không cắt nghĩa cụ thể mà chúng ta không thấy được những khoảng cách về những thiết lập ứng xử đạo đức tôn giáo với những biểu hiện thực tiễn của nó trong đời sống hàng ngày.

Khoảng cách này nếu đo lường cẩn thận thì thấy nó ngày một xa nhau. Có nghĩa rằng những vấn nạn về đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận tu sĩ có quyền đang thể hiện những ứng xử không khác với những ứng xử thế tục. Chẳng hạn, mỗi cơ sở tự viện khi muốn hoạt động theo những điều phú hợp với giáo lý của mình thì phải trải qua hầu hết các cơ quan hành chính của chính quyền và các cơ quan tương ứng trong Giáo hội. Có nghĩa rằng, so với người dân bình thường thì mỗi vấn đề đơn giản giải quyết đúng theo thủ tục pháp luật, thì các cơ sở tự viện còn phải thông qua tổ chức của mình mà nhiều khi những “luật”, “lệ” của tố chức còn quan trọng hơn cả pháp lý, pháp quyền. Chính điều này đã dẫn đến những vụ “chạy chọt” bằng cầu cạnh tiền bạc, bằng thỏa thuận lợi ích từ việc lắp đặt bảng tên chùa, việc bổ nhiệm trụ trì, việc mở khóa tu, việc tranh chấp kiện tụng, đến cả những việc liên quan tới “bổ nhiệm chức vụ” trong các ban ngành, hay tham gia vào Hội đồng Trị sự.

Tiếng than thở về tình trạng lạm quyền, “chạy chọt” trong các tự viện ngày một nhiều. Tuy nhiên điều đáng nói để có một lý do “tồn tại” mà không bị cô lập nào đó đã khiến cho những lời than ấy chưa trở thành những phản biện xã hội tích cực, nhằm làm trong sạch bộ máy của tố chức Giáo hội. Thế nên có nhiều những việc làm sai trái, không phù hợp với chánh pháp và tư tưởng Phật giáo nhưng vẫn được dung túng bao che trong một phạm vi quyền lực của địa phương, thậm chí là ở một số thành phần có chức vụ cao trong tổ chức.

Đó chính là những nguyên nhân day dứt khi những ứng xử “chạy chọt”, “xin cho” ở thế tục đang được nhập khẩu vào tổ chức Giáo hội, dẫn đến việc lạm dụng quyền hạn để tiến hành các hành vi tham nhũng một cách thản nhiên, công khai, giống như một quy luật bất thành văn mà các tự viện lớn nhỏ đều phải tự mình nhận ra và "chiêm nghiệm" bằng thực tế.

Đối với việc lạm quyền để tham nhũng ở bên ngoài xã hội, nếu bị phát hiện có thể phải chịu những mức án tù rất cao, nhưng ở trong Giáo hội, có những sự việc liên quan đến tiền triệu, tiền tỷ thì lại hoàn toàn vô can vì nó được núp dưới danh nghĩa “công đức”, “cúng dường”. Như vậy, rõ ràng về mặt quản lý nhà nước về tôn giáo đã có những kẽ hở về luật pháp, hoặc giả do tính chất “nhạy cảm” (không xen vào công việc "nội bộ") mà càng làm cho vấn đề tiêu cực trong Phật giáo phát sinh và gia tăng trong thực tế.

Cũng cần phải kể đến cả thái độ, tư duy, tâm lý và cả nhận thức của Tăng Ni, Phật tử, vì chính một thời gian dài sống trong lý tưởng, họ luôn nghĩ rằng đã là người tu thì không thể làm trái lương tâm, đã là những vị có chức sắc trong Giáo hội thì không thể sai lầm… Chính thái độ, tư duy, nhận thức này đã làm cho mọi việc tiêu cực ngày càng trở nên trầm trọng, ai có ý kiến phê bình thì bị xem là “phạm thượng” và bị cô lập, thậm chí vùi dập. Nỗi sợ hãi lâu ngày đã kìm chế, đè nén những phản ứng trực tiếp, dẫn tới những biểu hiện “nói xấu sau lưng”... Điều này không những không sửa chữa, cải thiện được cho hiện tại mà còn làm tăng cảm giác hoang mang và sự trơ trẽn của những người lạm quyền đến một mức không còn biết hổ thẹn.

Lạm quyền trong tổ chức Phật giáo là một vấn đề nhức nhối, làm mất niềm tin của Tăng Ni vào Giáo hội. Chính nó là nguyên nhân phá vỡ sự hòa hợp và đoàn kết của Tăng đoàn. Tuy nhiên, cũng cần phải xem lạm quyền trong xã hội nói chung và lạm quyền trong tổ chức tôn giáo nói riêng là sản phẩm của một thời mà từ vật chất đến tinh thần của con người đều được "bao cấp".

Con người chỉ biết sống bằng mệnh lệnh, được làm việc này mà không được làm việc kia, không kể rằng việc này là đúng là tốt đẹp, việc kia là sai là trái lương tâm. Mệnh lệnh đã điều khiển con người suốt nhiều thập kỷ nay, nhưng vì niềm tin cao cả thiêng liêng để không làm tổn hại đến hình ảnh cao đẹp của Phật giáo mà người Phật tử cúi đầu làm thinh. Trong khi nhẽ ra họ phải nhận thức dù là chức sắc hay người Phật tử bình thường thì cũng là con người, cũng có những cố gắng và cả những sai lầm chung quanh. Điều quan trọng là biết được việc làm của mình là sai lầm và kiên trì sửa chữa những sai lầm ấy.

Hầu hết mọi người có lương tâm và trách nhiệm đều thừa nhận một thực tế rằng, chưa bao giờ trong xã hội Việt Nam lại thể hiện sự lạm quyền nhiều như thế.

Điều đáng nói là chính vì cái tệ nạn lạm quyền này cứ lan tràn phát triển theo cấp số nhân, nên xã hội Việt Nam mới phải đối đầu với quốc nạn tham nhũng như người ta đang thấy... Có thể nói chưa bao giờ trong xã hội Việt Nam gần như bất cứ ngành nào cấp nào cũng có sự lạm quyền, bất cứ cơ quan nào tổ chức nào cũng có quyền lạm quyền. Tệ nạn lạm quyền không những khiến hình ảnh bộ máy Nhà nước, trong con mắt người dân cứ ngày càng xấu đi, mà còn khiến bản thân bộ máy này không thể vận hành một cách bình thường: không ít người có quyền hạn đã công khai phát biểu rằng mình không thể sử dụng quyền hạn hợp pháp của mình, và lý do dẫn tới kết quả phi lý này không gì khác hơn là ở đầu bên kia có những vụ lạm quyền đang được thực hiện. Dĩ nhiên giữa lạm quyền và tham nhũng còn có một dạng trung gian, đó là việc hối mại quyền lực, song điều cần lưu ý là ở Việt Nam việc lạm quyền đã có truyền thống từ thời bao cấp còn việc hối mại quyền lực chủ yếu chỉ mới xuất hiện trong thời kinh tế thị trường...” (Lạm quyền và tham nhũng - Tia sáng).

Trong lúc sự lạm quyền trong đời sống xã hội gia tăng như vậy, nhẽ ra Phật giáo với vai trò đạo đức, văn hóa tôn giáo càng phải thể hiện mình như cái phanh để kìm hãm, làm điểm dừng lý tưởng cho cả xã hội trông vào, nhưng đáng tiếc, thực tế chúng ta đang bị cuốn vào vòng xoáy ấy, tạo ra nhiều thái độ nghi kỵ, dè dặt của những tầng lớp trí thức có tâm huyết với dân tộc. Trong khi đó, những trí thức Phật giáo có tâm huyết với đạo Pháp thì ngày càng lắc đầu với cái cảnh hội hè, đình đám xô bồ, bát nháo, nhưng có sức “ru ngủ” rất cao bằng chính những hình thức màu mè kể trên.

Một chi nhánh của một trường đại học Công giáo của Mỹ đang hoạt động ở Việt Nam. Học viện Khổng Tử cũng sắp được tiến hành ở Việt Nam. Trong khi chúng ta chỉ loanh quanh với những hội nghị đình đám bề nổi. Hết phong trào rồi, hết hội nghị, hội thảo đình đám rồi, mọi việc lại hoàn nguyên như cũ, vì bất cứ động thái nào muốn phản biện với cái cấu trúc “bao cấp”, “bảo thủ”, “quan liêu” ấy là sẽ phải nhận chịu những sự cô lập hết sức phi lý. Đến nỗi những từ như “đánh”, “cô lập”, “không còn chân rết”, “con cua bị bẻ hết càng”… được nhiều vị Tăng trẻ sử dụng trong các cuộc “đàm luận chính sự” hàng ngày của mình như một xu thế quyền lực trong Giáo hội hiện nay.

Quyền lực để duy trì sự ảnh hưởng và cân bằng xã hội đã bị biến tướng vào các hành vi lạm quyền và tham nhũng dưới danh nghĩa “cúng dường” (một cách trắng trợn và thản nhiên) đã không được tòa án pháp lý nào nhắc đến. Nhưng chắc chắn một điều tòa án lương tâm thì không bao giờ tha thứ (Xem bài viết “Tòa án lương tâm” của Hòa thượng Thích Trí Quảng trên Giác Ngộ online).

Chính những hành vi lạm quyền lợi dụng vào niềm tin sự kính sợ của Tăng Ni, Phật tử mà những thế lực này đang thao túng và phần nào làm chệch đường hướng phát triển tích cực của Giáo hội.

Có thể kể ra những hậu quả như sau:

- Làm mất uy tín của tổ chức khi Giáo hội giao quyền hành vào tay những con người bảo thủ, thiếu tài đức.

- Nội bộ tăng đoàn xảy ra sự phân hóa, dẫn tới hành động liên minh bè phái, hạ cấp nhau.

- Không đủ năng lực để quản trị Giáo hội nếu bất kỳ một địa phương nào xảy ra sự cố.

- Khuyến khích sự lạm quyền và tham nhũng từ những người có quyền trẻ.

- Những người có tâm huyết và thẳng thắn thì bị o ép, chản nản dẫn đến không phát huy được khả năng (tức sống mòn).

- Lan truyền “vi-rút” ngụy quân tử, khẩu giáo mà thân không giáo đến các thế hệ tương lai (tội này vô cùng nặng).

- Làm cho các giá trị xã hội bị đảo lộn, đánh mất niềm tin của mọi người đối với vai trò “hộ quốc an dân” truyền thống của Phật pháp.

Để chấn chính Pháp nạn từ bên trong này, không có cách gì hơn là mỗi Tăng Ni, Phật tử phải ý thức nhiều hơn về vai trò và trách nhiệm của mình, biến tâm huyết trở thành những phản biện xã hội tích cực, không run sợ trước cái ác, cái bất công và các thế lực ưa dùng cường quyền, tiền bạc để bóp nghẹt chân lý.

Hôm nay, những thế lực ấy có thể lạm quyền từ một việc nhỏ để đạt được những mục đích ích kỷ, tư lợi cho bản thân mình thì ngày mai có thể dẫn đến những lạm quyền lớn, đòi làm “Giáo chủ”, làm “Vua” để thỏa mãn những tham vọng và dục vọng khác với những mức độ điên đảo tưởng lớn hơn.

Lạm quyền và tham nhũng là hai mặt của một vấn đề. Phật giáo không đề cao quyền lực mà đề cao khả năng nhiếp phục tâm. Vì vậy hãy tập nhìn những người thầy của chúng ta với hình ảnh của những người đã nhiếp phục tâm bằng chiến thắng dục vọng cao nhất. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục nhìn và “ngưỡng vọng” người thầy của mình bằng những chức vụ thật lớn và thật kêu trong Giáo hội thì chính cách nhìn nhận ấy của chúng ta đã làm gia tăng sự lạm quyền trong Giáo hội…

Trong Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, Đức Phật dạy rằng:

Quốc vương mà buông thả

Để quốc dân làm ác

Thì chư thiên Đao lợi

Nóng bức cả tâm trí

Chư thiên dạy không nghe

Cha mẹ nói không cứ

Thì là người phi pháp

Phi vua phi hiếu tử

Nếu trong quốc gia mình

Thấy ai làm phi pháp

Phải trị phạt đúng phép

Không nên bỏ cho qua…

Giả sử mất ngôi vua

Gặp cảnh ngộ mất mạng

Cũng quyết không làm ác

Không thấy ác bỏ qua…

Lịch sử Phật Giáo Việt Nam đã có những vị vua bỏ ngôi để đi xuất gia, lẽ nào hiện nay Giáo hội chúng ta lại có người đi xuất gia chỉ để nhằm tìm kiếm quyền lực, lạm quyền và tham nhũng để thỏa mãn những dục vọng ích kỷ của mình?

Thật đáng tiếc!

Nguyễn Mai Sơn