Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2009

NGHĨ NGƯỢC VÀ SỐNG NGƯỢC


Làm ngược nghĩ ngược để lừa đời trục lợi vinh thân thì cũng đáng trách, nhưng không tội nghiệp bằng những người chân thành đổi mới theo kiểu lộn ngược lịch sử, lộn ngược công lý, lộn ngược chính mình để chế tạo ra những đạo lý méo mó nhân danh thời đại.

Trong lịch sử hàng ngàn năm, người Việt đã quá quen với những chuyện ngược đời. Tục ngữ Việt Nam là một tiếng thở dài não nuột trước một thế gian đầy những chuyện trớ trêu: "Làm ơn nên oán, làm bạn thiệt mình"; "Tin bạn mất vợ, tin bợm mất bò"... Cái danh hiệu "kẻ ngược đời" vẫn được người Việt coi là một danh hiệu không hay.

Thế nhưng trong cuộc sống xã hội hôm nay đôi khi có một số kẻ ngược đời được một vài thế lực nào đó khâm phục, tôn vinh. Vì sao người ta coi việc nghĩ ngược, sống ngược với đạo lý là khôn ngoan và thời thượng?

Làm ơn nên oán, làm bạn thiệt mình

B.Brest từng viết một vở kịch có tên "Lẽ thường và lẽ biến" kể chuyện một nô lệ đi theo chủ qua sa mạc bị chủ hành hạ tàn tệ suốt cả chặng đường dài. Một đêm, thấy chủ bị ốm nằm rên rỉ kêu khát, anh ta động lòng thương đã mang bình tông nước sang lều cho chủ uống. Nhưng chủ thấy anh ta sang lều mình giữa đêm đã rút súng ra bắn chết. Ra toà, chủ nói rằng ông ta buộc phải bắn vì người nô lệ kia đã mang một hòn đá vào lều trong đêm định giết ông ta. Toà hỏi vì sao ông biết anh ta có ý định giết ông? Người chủ nói vì ông đã hành hạ anh ta thậm tệ, anh ta không thể không căm thù.

Khi các nhân chứng cho biết đó không phải là hòn đá mà chỉ là cái bình tông nước uống, ông ta nói đêm tối quá tôi tưởng đó là hòn đá. Cuối cùng ông ta được tha bổng vì toà cho rằng ông ta có quyền tưởng đó là hòn đá và có quyền sợ anh kia giết mình vì trong thời buổi "mắt trả mắt, răng trả răng" này không mấy khi có chuyện mang nước cho kẻ thù uống khi hắn ta bị ốm.

Vậy là, hiệu quả của ứng xử không phụ thuộc vào bản thân tính chất, động cơ của ứng xử mà phụ thuộc nhiều hơn vào cách nghĩ cách cảm của một thời. Khi nào chưa chữa tận gốc những định kiến, méo mó và bất cập của cách nghĩ cách cảm này thì mọi thiện chí và mọi kỹ năng giao tiếp đều tạm bợ và manh mún, thậm chí chỉ làm trầm trọng thêm quan hệ giữa những con người, những sắc tộc và những quốc gia.

Chẳng hạn, khi cái định nghĩa "người với người là chó sói" còn ám ảnh trong tâm thức nhân loại, thì những ai nghĩ theo kiểu "người với người là bạn" chỉ là cô bé quàng khăn đỏ ngây thơ trong truyện cổ tích mà thôi! Mọi thiện chí của cô trước con mắt thiên hạ cũng chỉ là nỗ lực chui nhanh vào dạ dày chó sói.

Một vở kịch Pháp có tên là "Ông thầy thuốc xứ Cucunhăng" đã phanh phui một cách tàn nhẫn và dí dỏm tâm địa người đời khiến cho họ không thể đón nhận được những món quà cao quý nhất. Chuyện kịch kể rằng có một ông thầy thuốc đi tới ngôi làng kia tuyên bố sẽ làm cho người chết sống lại. Dân làng lúc đầu vui lắm vì sắp gặp lại những người thân đã khuất. Nhưng rồi sau đó họ đun đẩy nhau không ai dám trở thành người đầu tiên kiểm chứng lời hứa của thầy thuốc kia.

Người thì nghĩ thôi bố mình ông ấy già rồi, lại khó tính, bây giờ sống lại thì cũng phiền phức lắm, người thì đã có vợ mới nên không muốn gọi vợ cũ sống lại, người thì sợ gọi chủ nợ sống lại cả dân làng sẽ lấy đâu ra tiền để trả nợ xưa… Rốt cục, chẳng ai dám nhờ ông thầy thuốc thực thi phép lạ, không những thế họ còn oán ông thầy thuốc đã làm họ bẽ mặt trước dân làng. Cuối cùng, ông thầy thuốc kết luận: "Cách cho hơn của đem cho".

Kỹ năng nói ngược và làm ngược

Lòng tốt cũng cần có kỹ năng. Người Việt đã có kinh nghiệm đắng cay về chuyện "làm phúc phải tội", nên trong tích chèo Lưu Bình Dương Lễ các tác giả dân gian đã thể hiện rõ một ý thức về kỹ năng làm phúc có một không hai. Dương Lễ đã thành đạt làm quan, còn Lưu Bình vẫn là người luôn luôn thi trượt. Dương Lễ đã hắt hủi sỉ nhục bạn để Lưu Bình phẫn chí mà vươn lên, nhưng sau lưng Dương Lễ lại âm thầm cậy nhờ người vợ hiền sớm khuya gắn bó và giúp đỡ Lưu Bình học hành thi cử để đi tới thành công. Thật là một tuyệt phẩm về tình bạn tình vợ chồng đầy thuỷ chung, bản lĩnh và trí tuệ.

Không ít kỹ năng làm điều thiện gắn với chuyện nói ngược và làm ngược, như cách Dương Lễ đã làm với bạn, nhưng cái kỹ năng nói ngược và làm ngược thường gắn nhiều hơn với những kẻ gian tham. Chuyện xưa kể lại rằng có một tên tội phạm sắp bị đưa ra xét xử đã hối lộ quan toà để xin được xử cho mình thoát tội. Quan toà hứa sẽ xử trắng án cho anh ta. Nhưng đến khi xử án, ông ta lại dõng dạc đọc cáo trạng tuyên bố tử hình tên tội phạm.

Trong lúc giải lao, tên tội phạm tìm gặp riêng quan toà và trách:

- Ông đã hứa xử trắng án cho tôi sao nỡ nuốt lời như vậy?

Quan ta ghé tai kẻ kia mắng rằng:

- Im đi, Cứ để mặc tao! Tao mà lại thèm ăn quỵt của mày ư? - Quan toà chỉ vào một ông quan toà khác - Cái thằng kia nó ghét tao lắm, toàn nói ngược với tao. Tao nói chém đầu thế nào nó cũng đòi tha bổng. Tao sẽ giả vờ cãi nhì nhằng một tý rồi đồng ý với ý kiến của nó, thế là mày thoát tội. Phải khôn khéo thế mới xong việc, đồ ngu ạ!

Quả nhiên, sự việc diễn ra đúng như vậy! Tên tội phạm được tha bổng nhờ mâu thuẫn thành thực của các vị quan toà.

Thủ đoạn nói ngược làm ngược đã được ghi từ lâu trong sách của người Tàu. Trong Cổ học tinh hoa có chuyện một ông quan văn bị một thằng bé trèo lên cây đái vào đầu đã tươi cười vẫy thằng bé xuống cho nó một quan tiền. Thằng bé quen mui đái vào đầu ông quan võ và lập tức bị chém đầu. Ông quan văn xử sự ngược đời, có vẻ nhân ái, nhưng thật là thâm độc.

Chuyện xử sự ngược ý mình vì một toan tính sâu sắc tinh vi ta hay gọi nôm na là "thâm", ta vẫn hay gọi là "thâm nho". Người Tàu được coi là điển hình của kẻ thâm. "Thâm" nguyên nghĩa của chữ Nho là " sâu ", "thâm ý" là ý sâu, ý ngầm khó thấy, "thâm hiểm " là kẻ hiểm ác một cách thâm trầm, khó lường. Nói chung, những người nói ngược, làm ngược ý mình thời xưa thường là cao mưu, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời và lòng người, dùng biện pháp khôn ngoan nhằm mượn tay kẻ khác trừng trị kẻ thù hay bảo vệ người thân.

Nghĩ ngược sống ngược thời hội nhập

Ngày nay, trong lớp con cháu hậu sinh khả uý cũng còn lắm kẻ khôn ngoan biết học theo trí tuệ của người xưa, áp dụng kỹ năng nói ngược và làm ngược. Có anh láu cá biết tính thủ trưởng hay nói ngược bác bỏ ý cấp dưới nên thường đảo ngược ý mình khi xin ý kiến cấp trên. Chẳng hạn, lẽ ra xin được lên chức, lên lương thì anh ta lại xin được về hưu non dù lúc đó anh ta mới chưa đầy bốn chục. Thủ trưởng gạt phắt đi: năng lực như cậu cần ở lại đảm nhiệm chức cao hơn! Thế là anh ta tót được lên ghế trên. Vừa đạt mục đích lại vừa được tiếng là không tham quyền cố vị.

Hoặc giả muốn tiêu diệt đối thủ, người ta lại tâng bốc ngợi ca kẻ xấu số kia, toàn khen những cái mà thủ trưởng không ưa làm thủ trưởng điên lên bác bỏ, hạ kẻ ấy xuống bùn đen...

Ngay cả đám lưu manh đường phố cũng biết học cách làm ngược để lừa đời. Một tên kẻ cắp bị bắt ngay giữa phố, một người đàn ông hầm hầm tức giận lao vào đấm đá nó túi bụi, chửi nó như tát nước, rồi bẻ quẹo tay nó dong đi. Mọi người đều tưởng tên kẻ cắp được áp giải đến đồn Công an. Nhưng ra đến đầu đường người đàn ông kia thả nó ra. Hoá ra, bọn chúng là đồng bọn. Tên kẻ cắp đã được giải thoát bằng phương pháp nói ngược làm ngược tài tình như thế đấy!

Làm ngược nghĩ ngược để lừa đời trục lợi vinh thân thì cũng đáng trách, nhưng không tội nghiệp bằng những người chân thành đổi mới theo kiểu lộn ngược lịch sử, lộn ngược công lý, lộn ngược chính mình để chế tạo ra những đạo lý méo mó nhân danh thời đại.

Những người dũng cảm đấu tranh phản biện chống áp bức, bất công, tham nhũng bao đời nay đều được ngợi ca là những người dũng cảm. Nhưng giờ đây có những lúc họ bị ai đó hậu sinh lên án là những kẻ quậy phá, gây rối, hiếu thắng, chưa đạt tới sự..."đắc đạo", "tĩnh tâm"(?!) Những chiến sĩ quên mình chiến đấu cho độc lập dân tộc bao đời được ngợi ca thì nay lại bị một số kẻ nói ngược cho là... "dại dột","hiếu chiến"?!

Sau những chuyện nói ngược và làm ngược ấy là những biến động dữ dội về văn hoá ở chiều sâu, dấu hiệu của một sự khô đạo, mượn hồn, đảo lộn giá trị đầy nguy hiểm. Nói ngược và làm ngược không còn là chuyện kỹ năng ứng xử, mà đã trở thành nghĩ ngược sống ngược, thành sự "hoán vị mẫu" về văn hoá như cách nói của nhà triết học Kunh khi bàn về các dân tộc đang từ bỏ những giá trị văn hoá truyền thống của mình để chạy theo văn minh vật chất phương Tây.

Trên thế giới hôm nay cũng nhiều người nói ngược, làm ngược, nhưng không phải là kiểu hành xử thâm nho, ích kỷ hại nhân, mà có khi là cách tự vệ, giữ mình của kẻ yếu, của người lương thiện. Azit Nexin có câu chuyện hài hước "Tên đê tiện hiếm thấy" kể về một kỹ sư kiểm lâm được bổ nhiệm về cai quản một địa phương, anh ta làm bao nhiêu việc tốt mà dân địa phương thừa nhận, biết ơn, nhưng tất cả mọi người đều lên tiếng nguyền rủa anh ta, thậm chí viết hàng chồng đơn gửi lên tỉnh đề nghị chuyển anh ta đi nơi khác.

Nguyên do là dân đã có kinh nghiệm hễ quan tham bị dân tố giác là không bao giờ chuyển đi, quan tốt được dân hài lòng khen ngợi thì y như rằng lập tức bị chuyển đi nơi khác nên họ tương kế tựu kế tỏ ra chán ghét ông quan này để ông ta không bị chuyển đi! Cách nói ngược của người dân trong truyện Azit Nexin cũng sâu sắc, nhưng không độc ác.

Ông quan văn cho tiền đứa trẻ đái vào đầu mình và những người dân trong truyện A. Nexin đều nói ngược để được một cái gì đó lợi cho mình. Vậy những người nói ngược, làm ngược, sống ngược, nghĩ ngược trong xã hội ta hôm nay hẳn cũng được một lợi lộc gì đấy chứ? Nếu không, ai hơi đâu mà trồng cây chuối lộn ngược đầu thành chân cho mệt xác và có khi còn mang nhục vào thân?

Đỗ Minh Tuấn

(Theo CAND)

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

TÔI CHỈ LÀ ASHKENAZY! HAY QUỐC NẠN LOẠN CHỨC DANH, HỌC VỊ

"Bệnh thành tích, cơ hội, trọng bằng cấp, trọng chức quyền... đang làm tê liệt trí tuệ Việt Nam. Phải chăng nó là một trong ba loại giặc đang đe doạ sự tồn vong của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã nói, đó là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm?"

Tôi chỉ là Ashkenazy

Tôi xin được bắt đầu bài viết này bằng một câu chuyện có thật xảy ra ở TP Hồ Chí Minh vào năm 1995. Chuyện như sau: Trong một chuyến đi bằng đường hàng không, do trục trặc, nghệ sỹ Piano lớn của thời đại chúng ta là Vladimir Ashkenazy đã phải dừng lại ở TP HCM hai ngày.

Tất nhiên một nghệ sỹ lớn như Ashkenazy khó lòng mà không bị phát hiện ra trong thế giới nhiều thông tin này. Và ông đã được mời tổ chức một buổi hoà nhạc nho nhỏ cho những người hâm mộ. Với sự khiêm tốn vốn có ở những người vĩ đại, ông chỉ muốn biểu diễn ở phòng nhỏ trong Nhạc viện TPHCM và chủ yếu dành cho một công chúng hẹp, trong giới nhà nghề. Việc này tất nhiên được nhạc viện thành phố chú ý ngay và họ muốn biến chuyến thăm bất đắc dĩ này quảng cáo thêm cho uy tín của nhạc viện.

Người lãnh đạo nhạc viện lúc đó là một giáo sư, tiến sỹ, nghệ sỹ nhân dân đã dẫn đầu một nhóm giáo sư, tiến sỹ của nhạc viện TPHCM đón tiếp Ashkenazy.

Trong buổi tiếp, sau khi trân trọng giới thiệu với Ashkenazy từng thành viên của ta với đầy đủ chức danh, học vị, thì việc mà phía ta muốn hỏi ông ta, để đưa vào programe (tờ in chương trình) và giới thiệu khi biểu diễn là: Ashkenazy là gì? Thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư hay là gì gì hơn thế nữa ? Và câu trả lời là: Tôi chỉ là Ashkenazy.

Tưởng khách không hiểu. Chủ lại hỏi lại và gợi ý thêm cho dễ hiểu hơn: chắc một nghệ sỹ lớn như ông thì phải có tham gia giảng dạy, vậy khi đó chức danh và học vị của ông là gì? Câu trả lời vẫn không thay đổi: Tôi chỉ là Ashkenazy.

Ô hay! Lạ cái ông này, cỡ như ông ta ít nhất cũng phải có một chức danh gì chứ? hay ông ta giấu? Và cuộc gặng hỏi vẫn tiếp tục. Tuy vậy, truy mãi, cuối cùng, dù đông người, ta đã phải chịu thua một mình ông, vì câu trả lời vẫn chỉ có thế, dù đã được pha thêm chút khó chịu: Tôi chỉ là Ashkenazy!

Cách giới thiệu một cuộc hoà nhạc ngày nay và cái tên cha sinh mẹ đẻ

Trên thế giới thì hàng trăm năm nay, khi giới thiệu một buổi biểu diễn nhạc chuyên nghiệp (hoặc in trên bìa CD) chỉ đơn giản như sau, ví dụ:

1/Về tác giả : Sonate số 2, giọng Si giáng thứ của F.Chopin.

2/Về biểu diễn: Piano : V.Ashkenazy

Cách đây khoảng trên hai chục năm, ở Việt Nam ta cũng tương tự như vậy. Nhưng bây giờ thì khác xa rồi, thường họ sẽ giới thiệu theo công thức như sau:

1/ Về tác giả: Tên tác phẩm, của + Chức danh (giáo sư, phó giáo sư) + học vị (tiến sỹ, thạc sỹ) + Danh hiệu (nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú). + Giải thưởng (giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước) + Chức vụ quản lý (Chủ tịch, Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng...) + tên tác giả.

2/ Về biểu diễn: Độc tấu + tên nhạc cụ, do + Chức danh (giáo sư, phó giáo sư) + học vị (tiến sỹ, thạc sỹ) + Danh hiệu (nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú) + Giải thưởng (giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước) + Chức vụ quản lý (Chủ tịch, Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng...) + tên người + biểu diễn.

Mời bạn đọc thử lắp những chức danh, danh hiệu này trước những tên tuổi như: Mozart, Beethoven, Chopin ….. hoặc: Karajan, Rubinstein, Horowitz vv… bạn sẽ thấy nó hài hước tới mức nào ngay. Thêm bất cứ cái gì trước những cái tên đó, đều là một sự xúc phạm khó tha thứ. Bản thân nó đã là vàng mười. Sự sâu sắc luôn mộc mạc, giản dị. Ngược lại với sự son phấn loè loẹt, hàng mã.

Và không chỉ dừng lại ở các cuộc biểu diễn, mà ngay cả trong các cuộc họp hành, hiếu hỷ. Khi mời ai lên phát biểu, người ta cũng luôn luôn phủ đầu làm tối tăm mặt mũi cử toạ bằng một tràng dài các chức danh, học vị, chức vụ quản lý, chức vụ Đảng, cuối cùng mới đến tên người. Điều này dần dần đã thành thói quen, gây sự thiếu thân thiện và tủi phận với những kẻ chỉ có cụt lủn mỗi cái tên cha sinh mẹ đẻ. Họ cảm thấy hẫng như mình thiếu hẳn một cái đuôi.

Cuộc họp nội bộ ngày xưa thì giản dị: “Mời anh Trí” hay “Mời chị Tuệ” lên phát biểu. Chỉ vỏn vẹn có 3 từ thôi, mà sao thân mật, ấm cúng và hiệu quả biết bao. Còn bây giờ thì phải khoảng trên dưới 30 từ. Cũng theo công thức trên, ta lại cùng nghép thử, ví dụ :

Xin kính mời + chức danh + học vị + toàn bộ danh hiệu đã được phong + toàn bộ giải thưởng đã được tặng + toàn bộ chức vụ quản lý, chức vụ Đảng đang có + Ông(Bà) + họ tên đầy đủ + lên phát biểu.

Mời bạn tham khảo thêm tên và tước hiệu của cụ Phan Thanh Giản (1796-1867) một đại thần triều Nguyễn phong kiến như sau: Hiệp biện Đại học sỹ, lãnh Lễ bộ thượng thư, kiêm quản Hộ bộ ấn triện, sung Kinh diên giảng quan, sung Cơ mật viện đại thần, kiêm Quốc tử giám sự vụ, kiêm quản Văn thần phò mã đô uý, Phan Thanh Giản, tự Tĩnh Bá, hiệu Ước Phu. (50 từ)

Ôi, nếu cụ sống lại và đến dự một cuộc họp nội bộ của chúng ta ngày nay, và được ta giới thiệu cụ với đầy đủ chức danh như trên, thì chắc cụ rất hãnh diện. Vì lũ con cháu chúng ta sao mà giống thời các cụ thế! tiếp nối được truyền thống cha ông xưa. Và vẫn đang liên tục phát triển.

Đây là hiện tượng phổ biến trên toàn quốc khoảng hai chục năm nay chứ không chỉ riêng ở một đơn vị nào, và nó vẫn còn đang phát triển theo hướng rườm rà hơn nữa. Tôi sợ với đà này, một ngày nào đó, ngay trong gia đình, bố mẹ, con cái, vợ chồng… hoặc bạn bè gặp nhau ngoài phố, khi gọi nhau cũng phải kèm theo những danh hiệu rườm rà đã kể trên thì thực là rồ dại.

Vậy bạn đọc nghĩ sao về những hiện tượng này? Bản chất của những hiện tượng này là gì?

Một cuộc chạy đua chức danh trên toàn quốc “trồng lúa thu hoạch khoai”

Ta tự hào về chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa (mà hiện nay chỉ có người dân ở một số ít nước được hưởng là: Triều Tiên, Cu ba, Lào và Trung Quốc) mọi người đều bình đẳng. Nhưng thực chất thì người ta đang dựa theo chức quyền để phân chia đẳng cấp, quyền lợi, tất nhiên chức càng cao, bổng lộc càng lớn.

Lúc sống đã vậy, tận tới lúc chết chôn ở đâu cũng có tiêu chuẩn dựa theo chức tước. Vì thế cả xã hội đều trọng chức quyền. Mà muốn có chức quyền thì cần có bằng cấp, cộng thêm danh hiệu Đảng viên, là người ta có thể tiến thân, có thể trở thành lực lượng lãnh đạo với nhiều bổng lộc mà không cần phải có thực lực.

Đó là nguyên nhân sâu xa đã và đang dẫn đến việc nhiều kẻ cơ hội đổ xô đi săn bằng cấp bằng mọi giá. Đua bằng cấp, chức danh chứ không đua tài năng. Bởi đua tài năng, cuộc đua dưới ánh mặt trời, thì khó hơn nhiều, dễ lộ chân tướng và dễ bị thua. Bao nhiêu sức lực, thời gian và tiền bạc đáng ra để tập trung làm chuyên môn, làm nghề thì lại bị phung phí vào các cuộc đua tranh lấy bằng cấp. Nhìn vào con đường để trở thành thạc sỹ, tiến sỹ hiện nay ở nước ta đã bị biến chất. Nhiều người có lòng tự trọng không khỏi ngại ngùng và muốn lánh xa.

Bản thân bằng cấp và chức danh chân chính, lương thiện thì rất có ích cho xã hội. Trước kia, số giáo sư, tiến sĩ ở ta không nhiều, nhưng đó là những tên tuổi như: Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Mạnh Tường... Còn ngày nay thì đúng là “Ta tự hào đi lên. Ôi Việt Nam” giáo sư nhiều đến mức có thể “ra ngõ gặp giáo sư”. Với thực trạng này thì nền học thuật của nước nhà có nguy cơ trở thành hữu danh, vô thực.

Trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp, để chơi đàn, hát, làm được concert thì khó quá, muốn thế phải rèn luyện hàng ngày, phải hy sinh rất nhiều mà lại không oai bằng rẽ ngang đi làm tiến sỹ, đơn giản hơn, chóng được thăng chức với nhiều bổng lộc hơn.

Kết quả là: mục đích cuối cùng và duy nhất của âm nhạc là tiếng đàn, tiếng hát, những buổi concert và viết những tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp thì dần dần không còn ai làm, thay vào đó là rất nhiều tiến sỹ âm nhạc ra đời. Có được cái bằng tiến sỹ, phần lớn không ai chơi đàn và hát nữa. Tiền của nhân dân bỏ ra đào tạo họ để mang lại tiếng đàn tiếng hát cho đời đã trở thành vô ích vì sai mục đích. Trồng lúa thì lại thu hoạch khoai!

Hướng dẫn làm luận văn tiến sỹ chéo ngành chéo nghề

Ở hầu hết các trung tâm đào tạo đại học của Việt Nam trên toàn quốc hiện nay, để có được chức danh thạc sỹ, tiến sỹ, phải có người hướng dẫn viết luận văn, luận án. Đó là các giáo sư, phó giáo sư. Nhưng để đào tạo ra càng nhiều, càng nhanh và để “phổ cập” học vị thạc sỹ, tiến sỹ, người ta đã sử dụng các giáo sư hoặc phó giáo sư nghề này, hướng dẫn luận văn cho các thạc sỹ, tiến sỹ nghề khác.

Tuy cùng là một ngành, nhưng càng lên cao, càng phải chuyên sâu, và cùng một ngành nhưng rất nhiều nghề hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như trong ngành thể thao thì môn cờ tướng với bắn súng hoặc đấm bốc, không hề có liên quan đến nhau. Hoặc trong ngành điện ảnh thì nghề viết kịch bản và nghề tạo khói lửa, cũng không hề có liên quan. Nghề nào cũng vậy. Nên dù biện minh rằng, đó là “hướng dẫn phương pháp luận” thì cũng chỉ là ngụy biện, và không thể chấp nhận được.

Thử tưởng tượng trong cùng ngành y. Giáo sư chuyên nghề phụ khoa lại đi hướng dẫn luận văn cho tiến sỹ chuyên nghề nha khoa thì có được không? Bởi vì hai bộ phận này của cơ thể chúng ta là hoàn toàn khác nhau, có những chức năng hoàn toàn khác nhau. Vậy mà chéo ngành chéo nghề vẫn vô tư hướng dẫn đã trở thành bình thường từ lâu.

Vậy xin hỏi cấp trên có biết vấn đề này không? Với những sự hướng dẫn như vậy, những bản luận văn đó có giá trị gì không? Và trong việc này liệu có thể tránh được tiêu cực không? Có được cái bằng cấp ấy, có đáng tự hào để mời mọi người đi khao “rửa bằng” không? Có lẽ sự “rửa bằng” nghĩa đen lại chính xác hơn vì nó vốn không được sạch sẽ cho lắm.

Theo chúng tôi, cấp bộ hãy cho dừng ngay kiểu hướng dẫn trái ngành trái nghề như hiện nay ở hầu hết các cơ sở đào tạo trên cả nước. Và cho rà soát lại tất cả các luận văn thạc sỹ, tiến sỹ đã có. Nếu không phải do người hướng dẫn có cùng chuyên môn thì cho thu hồi lại, và các luận văn đó phải được làm lại, với sự hướng dẫn của các giáo sư cùng chuyên ngành và công khai việc này trong giới chuyên ngành.

Các danh hiệu, giải thưởng, câu chuyện cười ra nước mắt
Vườn hoa chỉ có 2 loại hoa

Định kỳ một hai năm gì đó, ta có những đợt phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ Nhân dân và trao tặng các giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Việc này không phải do người Việt Nam ta nghĩ ra, mà do chúng ta học tập từ Liên Xô cũ. Họ phong nghệ sỹ Công Huân, nghệ sỹ Nhân dân, giải Xtalin, giải Lê Nin về văn học nghệ thuật ( ví dụ Giao Hưởng số 11 của Shotstakovich được giải Xtalin năm 1953 vv…).

Sau khi Liên Xô tan vỡ, họ đã bỏ thói quen đã có từ hàng chục năm này. Rất nhiều cách tổ chức dập theo kiểu Liên Xô cũ như: nền kinh tế có kế hoạch, hành chính bao cấp, phân phối theo tem phiếu v.v… ta đã bỏ. Nhưng không hiểu vì sao cái thói quen trao những danh hiệu và giải thưởng văn học nghệ thuật học từ họ thì ta lại vẫn duy trì, bởi nó là một phần đồng bộ trong tư duy cấu thành chế độ bao cấp, cơ chế xin cho?

Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh bằng máu và nước mắt một quy luật là: những chính sách dập khuôn theo ngoại bang sớm muộn rồi cũng gây những hậu quả xấu, thậm chí là những thảm hoạ dân tộc.

Về việc phong danh hiệu nghệ sỹ, hãy để chính những nghệ sỹ, bằng tài năng, họ làm nên tên tuổi riêng của mình (như Ashkenazy) thì nó mới có giá trị thực, bền lâu và duy nhất. Không ai có thể ghen tỵ với ai được, vì không ai giống ai. Hàng ngàn nghệ sỹ tài năng, thì sẽ có hàng ngàn cái tên khác nhau, có giá trị khác nhau, giống như vườn hoa với muôn hoa, muôn màu khoe sắc, chứ không phải chỉ có 2 loại hoa ưu tú và nhân dân.

Mà muốn được hưởng các danh hiệu này, phải làm đơn xin, cùng sự “vận động” để được phong (ban) tặng từ trên xuống. Trong hoàn cảnh đất nước ta tệ nạn xã hội tràn lan. Khó có thể tránh khỏi nhiều sự tiêu cực trong sự ban tặng danh hiệu, nếu vẫn giữ kiểu cơ chế ban phát như cũ.

Về việc trao giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, đây cũng là một kiểu cơ chế xin cho với những thành phần Ban giám khảo hoàn toàn được chỉ định từ trên, với những tiêu chí chấm giải tuỳ hứng. Người xin trao giải cũng phải làm đơn và “vận động”.

Riêng trong ngành nhạc đã xảy ra những câu chuyện cười ra nước mắt xung quanh việc trao giải thưởng này. Điển hình là trong đợt đua tranh phong tặng năm 2006 (đây nên là đợt phong tặng cuối cùng) cả nước đều biết tới những chuyện “đồng nghiệp tương tàn” mà báo chí gọi là “cơn địa chấn trong làng nhạc”. Nếu ta lại cứ tiếp tục trao giải thì không ai có thể khẳng định rằng những cơn “địa chấn” sẽ không trở thành “động đất”!

Nói tóm lại: Nhà nước ta nên bỏ lối tư duy kiểu dập theo Liên Xô cũ này!

6. Kết

Hãy để cho mọi người đánh giá tài năng và giá trị con người qua công việc. Dù anh có độn vào trước cái tên của anh hàng trăm danh vị đi nữa mà sản phẩm anh làm ra cho xã hội không có, hoặc tồi, hoặc có hại, thì khác nào gỗ mục được sơn son thếp vàng?

Một xã hội lành mạnh và có tương lai, là một xã hội biết tôn trọng những tài năng và những giá trị thực, bất kể họ có hay không có bằng cấp danh vị cao, tiền của nhiều, chức tước lớn.

Đối với người làm nghề nhạc chuyên nghiệp, thì đó là tiếng đàn, tiếng hát của người biểu diễn và tác phẩm của người sáng tác. Anh hãy tự hào về điều đó, và hãy gắn nó với cái tên cha sinh mẹ đẻ, chứ không phải là những thứ bằng cấp, danh hiệu (mà ở nước ta hiện nay của rởm nhiều hơn thật) và chức vụ quản lý anh đang có, đó chỉ là những thứ son phấn nhất thời.

Bảng giá trị tưởng như là chân lý đơn giản và hiển nhiên này lại đang bị lật ngược. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh thành tích, cơ hội, trọng bằng cấp, trọng chức quyền. Nó đang làm tê liệt trí tuệ ViệtNam. Phải chăng nó là một trong ba loại giặc đang đe doạ sự tồn vong của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã nói, đó là: diặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm? Với tiềm năng trí tuệ thế này, rồi dân tộc Việt Namta sẽ đi đến đâu? “Một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu” (Hồ Chí Minh)

Là một người hoạt động trong nghề nhạc, tôi thấy cần phải viết bài này chỉ vì trách nhiệm công dân, với mong muốn nền học thuật nước nhà - nhất là âm nhạc - ngày càng trở nên lành mạnh và thực chất hơn. Tôi không nhằm vào bất cứ ai và cũng mong đừng ai giật mình bởi tôi luôn luôn kính trọng sâu sắc những giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ chân chính. Tuy không nhiều, nhưng họ có lương tri và trình độ chuyên môn thực sự. Tôi chắc rằng những người này sẽ ủng hộ những ý kiến trên của tôi.

Vì chúng ta đã nói dối quá nhiều và quá lâu rồi, nên những lời nói tử tế bây giờ lại trở nên hài hước. Tuy vậy - dù chỉ nhỏ bé như con Dã Tràng - tôi vẫn muốn nói rằng: Đừng sợ thay đổi vì chỉ nghĩ tới quyền lợi của bản thân, hãy nghĩ tới một tương lai tốt hơn cho tất cả. Đừng sợ ánh sáng, sợ thuốc đắng và sự thật.

Để kết bài viết này tôi xin mượn một câu Kiều của : [Giáo sư, tiến sỹ] Nguyễn Du (xin tạ tội với bậc tiền nhân vì sự xúc phạm này):

“Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”

Chữ “Con đen” ở đây được hiểu là những người dân bình thường.

Đặng Hữu Phúc

Theo TUANVIETNAM

Thứ Tư, 24 tháng 6, 2009

HÀNH TRÌNH HÓA GIẢI CỦA OBAMA VÀ BÀI DIỄN VĂN Ở CAIRO


Sau đây là bản chuyển Việt bài diễn văn của TT Obama đọc tại Đại Học Cairo, thủ đô Ai Cập ngày 04-06-09.

Khán giả mà Obama thực sự nhắm tới là hơn 1 tỷ người Hồi giáo trên khắp thế giới. Nhưng số người nghe Obama nhắm tới không phải là thế giới Hồi giáo, mà là thế giới Ả Rập với hoài vọng thay đổi bản chất của quan hệ Hồi giáo-Mỹ, hay đúng hơn, Hồi giáo với Tây phương đang ngày một tồi tệ vì cuộc chiến ở Iraq và tình hình ở Do Thái.

Văn học Việt Nam không thiếu gì những tác phẩm chính luận. Chiếu Dời Đô, Hịch Tướng Sĩ, Bình Ngô Đại Cáo... là những ví dụ.

Sau bài diễn văn ngày 04-06-09 của TT Obama tại Đại Học Cairo, chúng tôi vẫn chờ đợi một bản dịch chính thức của các cơ quan có thẩm quyền về những chương trình dành cho người Việt của VOA, ACTD, BBC, CARITAS, SBS, Paris... Chờ đợi chỉ là công cốc, và cũng chẳng biết tại sao nữa?! Phải chăng vì những chương trình Việt ngữ này tránh không dịch bài chính luận rất chiến lược của TT Obama vì không muốn bị những kẻ mà chính TT Obama gọi là cực đoan tố ngược là hang ổ của những kẻ... cực đoan, tụt hậu ?!

Cố gắng chuyển Việt bài nói chuyện của TT Obama phát xuất từ những đợi chờ đầy thất vọng đó...

Điều chúng tôi lo ngại trong cộng việc chuyển Việt này là lạc vào lối mòn của những công trình dịch thuật rất trung thành và rất từ chương khoa bảng đầy dẫy những chữ thông thường như cái, sự, rằng, thì là mà, tính cách, tuy nhiên, nhưng mà, rồi ra nó sẽ, nghĩa là, vả lại...

Sau đây là kết quả của cố gắng chuyển Việt bài nói chuyện của TT Obama tại Đại Học Cairo ngày 04-06-2009 ...Hy vọng dịch không phải là dịch tả, nói gì dịch là phản...

Hoàng Nguyên Nhuận dịch

Chào qúy vị,

Tôi rất hân hạnh đến với đô thị Cairo tươi trẻ bất tận và được làm khách của hai định chế khả kính. Từ hơn cả ngàn năm nay, chính trong bối cảnh này Al-Azhar đã là ánh đuốc soi sáng cho nền Hồi học. Và cũng trong hơn cả thế kỷ nay, Đại Học Cairo từng là động lực cho Ai Cập tiến bộ. Cả hai là biểu tượng hài hòa giữa truyền thống và tiến bộ.

Tôi rất cảm kích trước lòng hiếu khách của qúy vị và của nhân dân Ai Cập. Tôi cũng hân hạnh mang đến đây thiện chí của nhân dân Mỹ và của những cộng đồng Hồi giáo từ quê hương chúng tôi lời thân chào hiếu hòa: Assalamu-alaikum.

Chúng ta gặp nhau hôm nay trong khung cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Hồi giáo khắp nơi trên thế giới, những bức xúc bắt nguồn từ những năng động lịch sử vượt ngoài những tranh luận chính sách. Mối quan hệ giữa Hồi giáo và Tây phương không chỉ bao gồm nhiều thế kỷ chung sống hiền hòa và cộng tác nhưng còn bao gồm những tranh chấp và thánh chiến. Hơn nữa mới gần đây, những căng thẳng gây ra do chủ nghĩa thực dân vốn coi nhẹ quyền lợi và đồng đều cơ hội thăng tiến của nhiều người theo đạo Hồi và trong một Cuộc Chiến Tranh Lạnh trong đó đa phần những xứ Hồi giáo thường đã bị đối xử như chư hầu bất chấp những ước vọng thâm trầm của họ. Chưa kể là những biến đổi quay cuồng do trào lưu hiện đại hóa và toàn cầu hóa gợi cho nhiều tín đồ đạo Hồi có ý nghĩ là Tây phương kình nghịch với những truyền thống Hồi giáo.

Những kẻ cực đoan bạo hành đã tìm cách lợi dụng những bức xúc căng thẳng đó trong những nhóm tín đồ Hồi giáo nhỏ nhưng nhiều tiềm năng. Vụ tấn công ngày 11-09-2001 và những nổ lực bạo ngược liên tục của những kẻ cực đoan nhắm vào thường dân này đã khiến cho một số người trong xứ chúng tôi nhìn các tín đồ Hồi giáo như là kẻ thù nghịch đương nhiên không chỉ với Mỹ và các xứ phương Tây mà đối với quyền làm người nói chung.

Tất cả những thứ đó hậu quả là chỉ nuôi dưỡng sợ hãi và mất niềm tin vào nhau. Ngày nào mà mối quan hệ giữa chúng ta còn chịu ảnh hưởng của những khác biệt thì chúng ta vẫn sẽ là nạn nhân của những kẻ muốn nuôi dưỡng hận thù hơn là an bình, của những kẻ luôn hô hào đối nghịch hơn là cộng tác khả dĩ giúp đỡ mọi người chúng ta thực hiện phồn vinh và công bằng. Đã đến lúc vòng luẩn quẩn nghi ngờ và bất đồng ấy phải chấm dứt.

Hôm nay, tôi đến thủ đô Cairo này để mong tìm một khởi điểm mới cho Hoa Kỳ và những tín hữu Hồi giáo khắp thế giới, một khởi điểm xây dựng trên sự thực rằng Mỹ và Hồi giáo không loại trừ nhau và không cần phải ganh đua với nhau. Thay vào đó, chúng ta có những điểm tương đồng, có những nguyên tắc trùng hợp về công lý và tiến bộ, về lòng độ lượng và tôn trọng nhân phẩm.

Tôi thừa nhận đổi thay không phải là chuyện một ngày. Tôi cũng biết không thiếu gì lời qua tiếng lại về buổi nói chuyện hôm nay. Nhưng không có lời tuyên bố hay bài diễn văn nào có thể loại bỏ ngay những năm dài nghi kỵ lẫn nhau cũng như tôi không hề dám đảm bảo là trong chiều hôm nay tôi sẵn có câu trả lời cho những vấn đề đã đẩy đưa chúng ta tới tình cảnh này.

Nhưng tôi tin tưởng rằng, để có thể tiến tới, chúng ta phải công khai nói với nhau những điều chúng ta thường chỉ ấp ủ trong tim hay xầm xì trong cổng kín tường cao. Điều cần là chúng ta phải chịu khó nghe nhau, học hỏi nhau, kính trọng lẫn nhau và tìm những thế đứng tương đồng.

Như thánh kinh Quran thường dạy chúng ta chớ quên Thượng Đế và luôn luôn nói lên điều ngay thật. Đó là điều hôm nay tôi đang cố gắng hết mình, khiêm nhường trong sứ mạng trước mắt và tin chắc rằng những lợi lạc mà chúng ta cùng chia sớt với nhau như người với người còn mạnh hơn những đối lực làm chúng xa nhau.

Niềm tin tưởng ấy phát xuất từ kinh nghiệm của chính cá nhân tôi. Tôi là một tín đồ Ky-tô giáo nhưng thân phụ tôi gốc người Kenya trong một gia đình qua bao thế hệ đều theo Hồi giáo. Từ khi còn bé, tôi đã lớn lên ở Indonesia từng nghe tiếng azaan nhắc nhở những lúc bình minh ló dạng hay lúc mặt trời lặn.Thời trung niên ở Chicago, tôi từng làm việc trong các cộng đồng mà đa số đều cảm thấy nhân phẩm và hài hòa trong đức tin Hồi giáo. Những lớp sử thời sinh viên đã cho tôi thấy món nợ văn minh nhân loại đã mắc của Hồi giáo như thế nào. Chính đạo Hồi trong những môi trường như Al-Azhar qua bao nhiêu thế kỷ đã là ánh đuốc học thuật khơi nguồn cho Âu châu đi vào thời kỳ phục hưng và giác ngộ.

Chính những phát kiến của các cộng đồng Hồi giáo đã tiếp tay phát triển số học, giúp chúng tôi cải thiện la bàn nam châm và các dụng cụ hải hành, lối hành văn và nghề in ấn cũng như những hiểu biết của chúng tôi về việc lây lan bênh tật và cách chữa trị. Nền văn hóa Hồi giáo đã gợi hứng cho chúng tôi những vòm cổng những tháp giáo đường uy nghi hoành tráng, một nền thi ca vượt thời gian và nền âm nhạc đáng mến chuộng, những bút pháp bay bướm và những nơi chiêm niệm hài hòa. Và qua lịch sử Hồi giáo đã chứng tỏ không những bằng lời mà bằng hành động cụ thể rằng tôn giáo có thề tồn tại bên nhau trong tương nhượng và bình đẳng chủng tộc. Tôi cũng biết rằng Hồi giáo từ xưa là một phần của lịch sử Mỹ. Quốc gia đầu tiên thừa nhận Mỹ là Morocco.

Trong dịp ký Thỏa Ước Tripoli năm 1796, vị Tổng Thống thứ hai của nước tôi là John Adams đã từng viết Mỹ không nuôi mầm kỳ thị luật pháp, kỳ thị tôn giáo và mối an lành của người Hồi. Và từ những ngày lập quốc, những người Mỹ theo đạo Hồi quả đã góp phần làm cho quốc gia này giàu mạnh. Họ đã chiến đấu trong những cuộc chiến, đã phục vụ trong những chính quyền, đã đứng lên đòi quyền công dân. Họ đã phát khởi việc kinh doanh. Đã giảng dạy trong các đại học và rực sáng trong các vận động trường thể thao. Họ đã đoạt giải Nobel, đã xây dựng những cao ốc ngất trời và châm lửa Thế Vận. Và khi người Mỹ Hồi giáo đầu tiên đắc cử vào Quốc Hội, kẻ ấy đã tuyên thệ bảo vệ Hiến Pháp Mỹ trên quyển thánh kinh Quran còn được giữ gìn trong tủ sách riêng của một trong những quốc phụ của chúng tôi là Thomas Jefferson.

Tôi đã có kinh nghiệm với Hồi giáo trên ba miền đại lục trước khi đặt chân đến miền đất phát nguyên của Hồi giáo. Kinh nghiệm đó điều hướng tôi tin tưởng rằng sự cộng hợp và cộng hoạt giữa Mỹ và Hồi giáo phải căn cứ trên cái mà Hồi giáo có chứ không phải là cái không phải là Hồi giáo. Và nhân danh một tổng thống Mỹ tôi tự thấy có trách nhiệm chống lại những hình ảnh rập khuôn tiêu cực bất cứ nơi nào hình ảnh này lộ diện. Nhưng tôi nghĩ nguyên tắc này cũng phải được áp dụng cho những lối nhìn của Hồi giáo đối với Mỹ. Nếu Hồi giao không phù hợp với bất cứ hình ảnh định lệ tiêu cực nào thì hình ảnh rập khuôn của Mỹ cũng không phải là một đế quốc ích kỷ vậy.

Mỹ từng là một trong những nguồn tiến bộ lớn lao nhất của thế giới. Chúng tôi đã được khai sinh từ cuộc cách mạng chống lại một đế quốc. Chúng tôi đã được dựng lập trên lý tưởng chúng sinh bình đẳng và hết thế kỷ này qua thế kỷ khác, chúng tôi đã đổ máu cho lý tưởng ấy trong vùng cương lãnh của chúng tôi cũng như khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi đã được định hình bằng mọi văn hóa, thu nhập từ khắp mọi miền thế giới lý tưởng phụng sự, tất cả là một, E pluribus unum. Và giờ đây lý tưởng đó đã thị hiện khi một người Mỹ da đen với cái tên Barack Hussein Obama được bầu làm Tổng Thống.

Nhưng kinh nghiệm riêng của cá nhân tôi không phải là duy nhất. Đành rằng giấc mơ đồng đều thăng tiến cho mọi người chưa trở thành thực tế cho mọi người Mỹ nhưng hứa hẹn đó vẫn có hiệu lực cho bất cứ ai đặt chân lên bờ nước chúng tôi. Kể cả gần 7 triệu người Mỹ Hồi giáo đang hàng ngày hưởng dụng những lợi tức và trình độ giáo dục có khi còn cao hơn người Mỹ thường.

Hơn nữa, nền tự do của Mỹ vốn bất phân ly với quyền tự do tín ngưỡng của mỗi người. Thế nên tiểu bang nào cũng có đền thánh Hồi giáo và khắp nơi trong xứ hiện có trên 1.200 đền thờ loại đó. Trong khi chính quyền Mỹ vẫn ra tòa xin án lệnh để cho các bà các cô được quyền choàng khăn trùm đầu hijab và xử phạt kẻ nào phủ nhận quyền ấy.

Cho nên Hồi giáo hiển nhiên là một phần của nước Mỹ và tôi tin chắc rằng bất chấp những khác biệt chủng tộc, tín ngưỡng hay những quan điểm về cuộc đời, người Mỹ nào cũng ôm ấp một sự thật đó là lòng mong ước sống bình an, được hưởng dụng một nền giáo dục và một chế độ lao động hợp với nhân phẩm, là thương gia đình mình, cộng đồng Đấng Tối Cao của mình. Đó là điều người Mỹ đang san sẻ với nhau. Đó là hy vọng của toàn thể loài người.

Đã hẳn, công nhận là người ai cũng như ai là phần vụ đầu tiên của chúng tôi. Lời nói suông không thể đáp ứng nhu cầu của toàn dân Mỹ.

Trong thời gian tới, những nhu cầu đó sẽ chỉ được đáp ứng nếu chúng ta dám hành động táo bạo, nếu chúng tôi biết được rằng mình không đơn độc đối đầu với những thách thức đó và nếu thất bại thì tất cả đều lãnh đủ.

Chúng ta vừa học được từ thực tế mới đây rằng khi một hệ thống tài chính của một quốc gia suy yếu thì sẽ phương hại đến tình trạng thịnh vượng khắp nơi. Khi một dịch cúm mới lạ tác hại một cá nhân thì tất cả đều lâm nguy. Khi một quốc gia lao vào phát triển vũ khí nguyên tử thì mọi nước trên thế giới đều bị nguy cơ bị tấn công nguyên tử hăm dọa. Khi những kẻ cực đoan bạo động núp lén trong một dãy núi xa xăm ra tay hành động thì mọi người khắp thế giới đều phải chịu nguy hiểm. Khi những người vô tội ở BosniaDarfur bị tàn sát thì lương tâm chung của nhân loại cũng bị vấy máu.

Đó là điều khi chúng ta nói tới việc san sẻ thế giới trong thế kỷ 21. Đó là trách nhiệm giữa người với người. Và đó là một trách nhiệm khó khăn vì lịch sử loài người thường không thiếu gì chuyện giành giựt lấn lướt kèn cựa nhau giữa các quốc gia, các bộ tộc, và dĩ nhiên là giữa tôn giáo, vì quyền lợi. Nhưng trong thời đại mới này, làm như vậy là tự hại mà thôi. Vì độc lập của chúng ta, mọi nền trật tự thế giới chèn ép một quốc gia hay một nhóm người tất nhiên sẽ thất bại.

Cho nên, chúng ta muốn nghĩ quá khứ là gì thì cứ nghĩ nhưng không nên tự biến mình thành tù nhân của ý nghĩ đó. Chúng ta phải giải quyết khó khăn của chúng ta qua thế cộng hợp, chúng ta phải chia sẻ những tiến bộ của mình.

Điều đó không có nghĩa là hiện nay chúng ta phải quên đi những những cội nguồn gây căng thẳng. Trái lại, phải nhớ kỹ thì hơn. Chúng ta phải trực diện với những căng thẳng đó. Và trong tinh thần đó, tôi xin cố hết sức thẳng thắn nói rõ những vấn đề đặc thù mà tôi nghĩ là trước sau gì chúng ta cũng phải cùng nhau đối đầu.

Vấn đề đầu tiên mà chúng ta phải trực diện đối đầu là chủ trương cực đoan bạo hành dưới mọi hình thức.

Ankara tôi đã nói rõ là Mỹ không chiến tranh và không bao giờ chiến tranh với Hồi giáo. Nhưng chúng tôi sẽ không ngừng đối đầu với những kẻ cực đoan bạo hành hăm dọa trầm trọng nền an nguy của chúng tôi vì chúng tôi cũng phủ nhận điều mà mọi tín ngưỡng đều chối bỏ đó là giết hại đàn ông, đàn bà, trẻ con vô tội. Và nhiệm vụ hàng đầu của một tổng thống là bảo vệ nhân dân Mỹ.

Tình hình ở Afghanistan thực chứng cho mục tiêu của Mỹ và sự cần thiết chúng ta phải hành động chung.

Bảy năm trước, Mỹ đã truy bức Al Qaida và Taliban với sự tiếp trợ quốc tế rộng rãi. Chúng tôi không đơn phương ra tay. Chúng tôi ra tay vì cần thiết.

Tôi biết là vẫn đang có một vài kẻ tỏ ý nghi ngờ hay tìm cách biện minh cho cuộc tấn công ngày 11/9. Nhưng đừng quên là trong ngày hôm đó Al Qaida đã giết hại gần 3.000 mạng người. Nạn nhân là đàn ông, đàn bà, trẻ em vô tội Mỹ cũng như nhiều quốc tịch khác không hề làm hại ai. Thế nhưng Al Qaida đã tàn sát họ rồi tự nhận là công của mình và cho đến giờ vẫn xác nhận là sẽ không ngần ngại tàn sát một mức độ lớn hơn. Những người đó đã cấy đồng bọn tại nhiều quốc gia và đang cố gắng nới rộng tầm ảnh hưởng.

Đó không phải là những ý kiến để mà bàn qua nói lại. Đó là những thực tại phải đối phó.

Xin nhớ cho là chúng tôi không hề muốn duy trì binh lính lại Afghanistan. Vấn đề không phải là quân sự - chúng tôi không tìm cách thiết lập những căn cứ quân sự ở đó. Nước Mỹ không vui sướng gì khi phải thiệt mất những thanh niên thiếu nữ con dân của mình. Tiếp tục công cuộc đối đầu là một việc rất tốn kém về tiền bạc cũng như chính trị. Rút về được một người lính nào là chúng tôi vui mừng rồi nếu chúng tôi có thể tin rằng ở Afghanistan, và cả Pakistan hiện nay nữa, không còn những kẻ cực đoan bạo động quyết giết hại càng nhiều người Mỹ càng tốt. Nhưng vấn đề không chỉ là ở đó.

Và đó là lý do tại sao chúng tôi thực hiện một liên minh gồm 46 quốc gia, và dù tốn kém đến đâu Mỹ vẫn không nao núng. Đương nhiên, không một ai trong liên minh đó đồng tình với những kẻ cực đoan kia. Những kẻ này đã ra tay giết hại trong nhiều quốc gia. Họ giết những người khác tôn giáo nhưng khác đời là họ cũng giết luôn cả những đồng đạo Hồi giáo. Hành động của họ thật không phù hợp chút nào với quyền làm người, với đà tiến bộ của các quốc gia, và với Hồi giáo.

Thánh kinh Quran dạy rằng giết một người vô tội chẳng khác nào giết cả loài người. Và thánh kinh Quran cũng nói cứu được bất cứ một người nào chẳng khác nào cứu cả nhân loại. Đức tin miên viễn của hơn một ngàn triệu người đương nhiên là to lớn hơn mối hận thù nhỏ nhoi của một thiểu số. Hồi giáo không phải là một phần của vấn đề chống lại chủ trương cực đoan bạo động. Hồi giáo là một phần trọng yếu trong việc xiển dương hòa bình.

Giờ thì ai cũng biết chỉ dựa vào sức mạnh quân sự thôi thì sẽ không giải quyết được những vấn đề ở AfghanistanPakistan. Điều đó giải thích tại sao chúng tôi dự tính đầu tư 1,5 tỷ MK trong vòng 5 năm tới để cùng với người Pakistan xây trường học và bệnh viện, đường sá và dịch vụ và hàng trăm triệu để trợ giúp những kẻ chạy loạn. Tại sao chúng tôi trợ cấp hơn 2,8 tỷ MK để giúp người Afghanistan phát triển kinh tế và cung ứng những dịch vụ thiết yếu cho dân chúng nước này.

Giờ tôi xin nói về giải pháp ở Iraq. Khác với Afghanistan, quyết định chiến tranh ở Iraq đã gây ra nhiều bất bằng trầm trọng trên quê hương chúng tôi và khắp nơi trên thế giới.

Dù nghĩ rằng, xét cho cùng, dân chúng Iraq sẽ khá hơn nếu không có nền chuyên độc của Saddam Hussein, nhưng tôi cũng nghĩ rằng những sự cố từng xảy ra ở Iraq đã nhắc cho người Mỹ thấy sự cần thiết bất cứ lúc nào có thể dùng ngoại giao và thế nhất trí quốc tế để giải quyết vấn đề thì phải dùng.

Đã hẳn, chúng ta có thể nhắc lại Thomas Jefferson là người từng nói tôi hy vọng càng mạnh chúng ta càng khôn và càng nhớ bài học là càng ít dùng đến sức mạnh thì hiệu lực của sức mạnh càng lớn.

Ngày nay Mỹ đang phải gánh một trọng trách kép là giúp Iraq xây dựng một tương lai tươi sáng hơn và trao Iraq lại cho người Iraq.Tôi đã nói rõ với người Iraq là chúng tôi không có dụng ý chiếm bất cứ phần lãnh thổ hay tài nguyên nào ở đây. Chủ quyền quốc gia Iraq là của người Iraq. Cũng vì vậy mà chúng tôi đã ra lệnh triệt thoái hết các đơn vị chiến đấu vào tháng Tám sang năm. Và đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ tôn trọng thỏa thuận với chính quyền đã được bầu lên một cách dân chủ của Iraq là sẽ triệt thoái hết những đạo quân chiến đấu khỏi các đô thị Iraq vào tháng Bảy và hoàn toàn rút khỏi Iraq vào năm 2012. Chúng tôi sẽ giúp Iraq huấn luyện lực lượng an ninh và phát triển nền kinh tế của họ. Chúng tôi sẽ hỗ trợ một Iraq an ninh như một bạn đồng hành chứ không như một ông chủ.

Và sau hết, vì nước Mỹ không bao giờ khoan nhượng bạo lực của những kẻ cực đoan, chúng tôi sẽ không bao giờ nhân nhượng hay dẹp qua một bên những nguyên tắc của chúng tôi.

Vụ 11 tháng 9 là một cú sốc tâm lý sâu đậm đối với đất nước chúng tôi. Lòng lo sợ và giận dữ do biến cố đó gây ra là điều dễ hiểu. Thế nhưng trong một vài trường hợp điều đó đã thúc đẩy chúng tôi có những hành động ngược với truyền thống và lý tưởng của chúng tôi. Chúng tôi đang làm những việc cụ thể để thay đổi tình thế đó. Chúng tôi đã nhất quyết cấm chỉ hành động Mỹ tra tấn và tôi đã ra lệnh dẹp trại tù Guantanamo Bay đầu sang năm. Chúng tôi tự lo bảo vệ lấy mình trong sự tôn trọng chủ quyền quốc gia của các nước khác và tôn trọng luật pháp. Và chúng tôi sẽ làm việc đó trong thế hợp đồng với các cộng đồng Hồi giáo vốn cũng đang bị hăm dọa. Những kẻ cực đoan càng bị cô lập và xua đuổi khỏi các cộng đồng Hồi giáo sớm ngày nào thì chúng ta càng an toàn sớm ngày đó.

2. Giờ đây, cội nguồn căng thẳng thứ hai mà tôi cần thảo luận là tình thế giữa người Do Thái, Palestine và thế giới Á Rập.

Mối liên hệ bền bỉ giữa Do Thái và Mỹ là điều chẳng lạ lùng gì với mọi người. Mối liên hệ đó sẽ không bao giờ đứt đoạn. Mối liên hệ đó xây dựng trên những ràng buộc lịch sử và văn hóa và sự thừa nhận rằng ước vọng về một quê hương Do Thái đã bắt mầm từ những bi thảm lịch sử hiện tiền. Hết thế kỷ này đến thế kỷ khác, người Do Thái đã bị bách hại khắp nơi trên thế giới. Và đỉnh cao của chính sách bài Do Thái ở Âu châu là cuộc diệt chủng vô tiền khoáng hậu. Ngày mai tôi sẽ đi viếng Buchenwald vốn là mắt xích trong một chuỗi những trại tập trung đã bắt làm nô lệ, hành hạ, bắn giết và giết bằng hơi ngạt mà Đệ Tam Cộng Hòa Đức Quốc Xã, The Third Reich, đã thực hiện. Sáu triệu người Do Thái đã bị giết, hơn cả dân số Do thái hiện nay. Phủ nhận sự kiện đó là thấp hèn. Đó là ngu ngốc, và đó là sân hận.

Vấn đề là phải ngăn chận cuộc thi đua vũ khí nguyên tử ở Trung Đông có thể lôi kéo cả vùng này cũng như thế giới vào đường vô cùng nguy hại. Không phải tôi không biết là hiện đang có kẻ phản đối tại sao nước này có vũ khí nguyên tử mà nước khác thì không có quyền. Nhưng không một quốc gia nào có quyền đơn phương quyết định nước này hay nước kia có quyền có khí giới nguyên tử.

Bất cứ một quốc gia nào, kể cả Iran, cũng có quyền sỡ hữu nguyên tử hòa bình nếu quốc gia đó tuân thủ những trọng trách theo Hiệp Ước Không Phổ Biến Nguyên Tử [Nuclear Non-Proliferation Treaty] quy định. Quyết định đó là cốt lõi của thỏa ước. Và quy định đó phải được tôn trọng bởi bất cứ quốc gia nào ràng buộc với thỏa ước đó. Và tôi hy vọng mọi quốc gia trong vùng cùng chia sớt mục tiêu đó.

Vấn đề thứ tư mà tôi cố gắng trả lời là dân chủ. Tôi thừa biết là trong mấy năm gần đây việc hô hào thực thi dân chủ đã gây ra lắm bất đồng. Và đa số những bất đồng này đều dính dáng đến cuộc chiến ở Iraq. Cho nên tôi hy vọng được nói thẳng trước là không một quốc gia nào có thể và phải áp đặt một hệ thống quyền lực lên một quốc gia khác. Tuy nhiên, điều đó sẽ không ngăn chặn chúng tôi ủng hộ những chính quyền phản ảnh được nguyện vọng quần chúng nước họ. Mỗi quốc gia hàm dưỡng cho nguyên lý ấy được sinh động theo cách riêng, tùy theo những truyền thống của dân tộc mình.

Nước Mỹ không tự thị cho rằng mình biết cái gì là hay tốt cho mọi người cũng như chúng tôi không hề tự cho là sẽ biết trước hết mọi kết quả bầu cử không có xáo trộn vậy. Thế nhưng tôi tin tưởng kiên định rằng dân chúng nước nào cũng ôm ấp những nguyện vọng như tự do bày tỏ ý nghĩ của mình, được quyền có tiếng nói trong chính quyền, tin tưởng vào pháp quyền và bình đẳng trước pháp luật, chính quyền phải minh bạch và không ăn cắp, ai cũng tự do sống theo cách mình ưa thích. Đó không phải là những điều đặc thù của Mỹ. Đó là nhân quyền và đó là lý do tại sao chúng tôi hỗ trợ cho những ý kiến ấy khắp nơi.

Không có một đường hướng cứng nhắc nào để thực thi những hứa hẹn ấy. Nhưng điều hiển nhiên ai cũng thấy là nếu biết bảo vệ những quyền đó thì rốt cuộc chính quyền nào cũng vững vàng, thắng lợi và ổn định. Mưu định bóp nghẹt hoàn toàn nguyện vọng của thiên hạ không bao giờ thành công. Nước Mỹ tôn trọng quyền lên tiếng ôn tồn và hợp pháp bất cứ nơi nào trên thế giới ngay cả khi chúng tôi không đồng thuận với những ý kiến ấy. Và chúng tôi sẽ chào đón tất cả những chính quyền hiếu hòa được bầu lên, quý hồ là những chính quyền ấy tôn trọng tất cả người dân trong xứ họ.

Điểm sau cùng này cũng quan trọng không kém vì một số người chỉ hô hào dân chủ khi đã mất hết quyền lực. Khi còn chính quyền thì những kẻ này đã thẳng tay dẹp bỏ quyền của kẻ khác. Cho nên nói gì thì nói, chính quyền của dân do dân là chuẩn đích cho bất cứ ai có quyền hành. Phải duy trì quyền lực bằng thuận ý chứ không phải ép buộc. Phải tôn trọng quyền của những thiểu số và phải tham gia với tinh thần khoan nhượng và thỏa hiệp. Phải đặt quyền lợi của quần chúng trong xứ và hành động xứng hợp qua tiến trình chính trị vượt lên trên bè đảng của mình. Nếu không có những điều đó thì bầu cử chưa hẳn là dân chủ đích thực.

Điểm thứ năm chúng ta phải cùng nhắc đến là tự do tôn giáo. Hồi giáo tự hào về truyền thống khoan nhượng. Chúng ta thấy điều đó trong lịch sử Andalusia và Cordoba trong thời kỳ các giáo tòa thanh lọc, Inquisition. Tôi đích thân chứng kiến cảnh đó ở Indonesia nơi mà các tín đồ Ky-Tô giáo tha hồ thờ phượng trong một xứ tuyệt đại đa số là Hồi giáo.

Đó là tinh thần chúng ta đang cần hôm nay. Dân chúng bất cứ chân trời góc biển nào phải được tự do lựa chọn và sống với đức tin của mình căn cứ trên thuyết dụ của tâm linh và con tim, và linh hồn. Nhẫn nhịn là điều cần cho tôn giáo lớn mạnh. Lòng tương nhượng này đang bị thử thách từ nhiều phía. Giữa người Hồi giáo với nhau vẫn có một khuynh hướng đáng ngại là đo lường mức độ sùng kính của mình bằng sự chối bỏ đức tin của kẻ khác. Mức độ phong phú đa dạng của tôn giáo phải được khuyến lệ bất kể là trong những tín hữu phái Maronites ở Lebanon hay Copt ở Ai Cập. Và nếu thật lòng chân thành thì chúng ta phải nói rằng những rạn nứt phân rẽ giữa số tín đồ hai phái Sunni và Shia Hồi giáo vốn đã gây ra những bạo hành bi thảm, đặc biệt ở Iraq, phải được san bằng.

Tự do tôn giáo là cốt lõi giúp cho người chung sống với nhau. Chúng ta phải luôn luôn theo sát những cách thức người ta dùng để bảo vệ tự do tôn giáo. Ví dụ như ở Mỹ những luật lệ về hiến tặng từ thiện đã làm cho các tín đồ Hồi giáo cảm thấy khó khăn khi thi hành trách nhiệm tín ngưỡng của mình. Đó là lý do tại sao tôi cố làm việc với những đồng bào Hồi giáo để bảo đảm rằng họ có thể làm trọn điều luật zakat.

Tương tự như thế, điều quan trọng trong các nước phương Tây là tránh đừng gây phiền hà cho các công dân Hồi giáo mà họ thấy là thích, ví dụ như chuyện trang phục của phụ nữ Hồi giáo chẳng hạn. Chúng ta có thể dùng chiêu bài tự do để ngụy trang thái độ kỳ thị tôn giáo. Quả thực, tôn giáo phải làm cho chúng ta gần nhau hơn. Và đó là lý do tại sao ở Mỹ chúng tôi củng cố những phương án đem các người theo Ky-Tô giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo đến gần nhau hơn. Tại sao chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực đối thoại liên tôn của Vua Abdullah xứ Saudi Arabia hay cố gắng liên hợp vì văn minh, Alliance of Civilizations, của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Bất cứ ở đâu trên thế giới chúng ta có thể biến đối thoại thành hành động làm nhịp cầu nối kết quần chúng lại với nhau bất kề là để chống bệnh sốt rét ở Phi châu hay để cứu trợ thiên tai.

Điểm thứ sáu mà tôi muốn đề cập đến là nữ quyền.

Tôi thừa biết, và cứ nhìn vào số khán giả ở đây thì cũng biết, nữ quyền là một vấn đề thảo luận lành mạnh. Tôi phủ nhận một vài quan điểm Tây phương cho rằng phụ nữ trùm khăn quàng là thiếu bình đẳng. Nhưng tôi tin tưởng rằng một phụ nữ bị gạt ra ngoài giáo dục là không công bằng. Cho nên chẳng phải ngẫu nhiên gì là trong các quốc gia mà giới phụ nữ được học hành tới nơi tới chốn là những quốc gia phồn thịnh.

Giờ tôi xin được nói rõ vấn đề phụ nữ bình quyền không chỉ đơn thuấn là vấn đề Hồi giáo. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Bangladesh, Idonesia là những nước Hồi giáo chiếm đa số, phụ nữ đã được bầu vào chức vụ lãnh đạo. Trong khi cuộc đấu tranh cho phụ nữ bình quyền về nhiều phương diện vẫn tiếp tục ở Mỹ và trong nhiều quốc gia khắp thế giới. Tôi tin chắc rằng các cô con gái chúng tôi có thể đóng góp không thua gì các cậu con trai chúng tôi. Nền thịnh vượng chung của chúng ta của chúng ta sẽ tiến triển tốt đẹp bằng cách để cho mọi người, đàn ông đàn bà thi thố hết tiềm năng của mình. Tôi không tin rằng phụ nữ phải làm như nam giới để được bình đẳng. Và tôi kính trọng những phụ nữ quyết định sống theo lối sống truyền thống qúy hồ đó là tự họ quyết định. Đó là điều tại sao Mỹ lại hợp đồng với bất cứ quốc gia Hồi giáo đa số nào để phố biến việc biết đọc biết viết cho các cô gái và giúp cho hàng thiếu nữ theo đuổi nghề nghiệp qua những chương trình tài trợ nhỏ giúp mọi người theo đuổi mơ ước của mình.

Sau hết, điều tôi muốn nói là phát triển kinh tế và cơ may thăng tiến. Tôi thừa biết nhiều người nghĩ toàn cầu hóa là nghịch lý. Internet và truyền hình có thể cung cấp hiểu biết và tin tức nhưng cũng du nhập vào nhà chuyện tính dục chướng kỳ và bạo động mù quáng.

Giao thương có thể đem lại tiền của và cơ may mới nhưng cũng đem lại những đổ nát to lớn và xáo trộn trong cộng đồng. Ở khắp nơi, kể cả Mỹ, đà thay đổi đó có thể gây ra lòng lo ngại trào lưu đổi mới có thể dun dủi chúng ta đánh mất quyền kiểm soát kinh tế, chính trị, và quan trọng hơn cả là nhân cách của chúng ta, đó là những điều vô cùng thân thiết về cộng đồng, gia đình, truyền thống và đức tin của chúng ta. Nhưng tôi cũng biết rằng tiến bộ của loài người là điều không thể phủ nhận.

Mâu thuẫn giữa phát triển và truyền thống là điều không tất yếu. Những xứ như Nhật, Hàn quốc phát triển kinh tế lớn lao nhưng vẫn giữ được văn hóa đặc thù. Điều đó cũng là một ngạc nhiên về tiến bộ trong các quốc gia Hồi giáo đa số từ Kuala Lumpur đến Dubai. Trong thời xa xưa, các cộng đồng Hồi giáo vẫn tiên phong trong sáng kiến và giáo dục. Và đấy mới là quan trọng vì mọi chiến lược phát triển chỉ có thể căn cứ trên những gì phát xuất từ cội nguồn bản địa và không thể duy trì khi lớp trẻ không có việc làm. Đa số các quốc gia Vùng Vịnh đã giàu có nhờ dầu hỏa và một số dang tập chú phát triển rộng hơn số tiền của đó. Nhưng tất cả chúng ta đều phải nhận rằng giáo dục và phát kiến phải là tiền tệ của thế kỷ 21. Và trong phần nhiều các cộng đồng Hồi giáo, vấn đề đầu tư vào giáo dục và phát kiến lại yếu kém nhất. Tôi đang chú trọng lối đầu tư ấy ở nước Mỹ của chúng tôi. Và trong khi trong quá khứ Mỹ đã quá chú trọng vào dầu khí khi hai thứ này tràn vào, bây giờ đã đến lúc chúng tôi phải tìm kiếm lối đầu tư rộng rãi hơn.

Trong phạm vi giáo dục, chúng tôi sẽ mở rộng những đổi thay chương trình và gia tăng học bổng như thứ từng đem bố tôi đến Mỹ vậy. Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến khích càng ngày càng có nhiều người Mỹ nghiên cứu các cộng đồng Hồi giáo và chúng tôi sẽ khuyến khích đà thi đua của các nhà nghiên cứu Hồi giáo ở Mỹ, gia tăng đầu tư vào việc học hàm thụ trên Internet cho thầy giáo và học trò khắp nơi trên thế giới và sẽ tạo dựng một hệ thống Internet mới nhờ đó mà một thanh niên ở Kansas có thể giao liên trực tiếp ngay với một thanh niên ở Cairo.

Về phương diện phát triển kinh tế, chúng tôi sẽ gầy dựng một chủ lực kinh doanh mới để cộng hợp với những đối tác của họ ở các xứ Hồi giáo đa số. Và trong năm nay tôi sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh về hợp tác kinh doanh để cố phát hiện những liên hệ sâu xa giữa giới lãnh đạo thương trường, các hiệp hội và những nhà hoạt động xã hội ở Mỹ và ở các xứ Hồi giáo khắp thế giới.

Về khoa học kỹ thuật, chúng tôi sẽ phát động một tài trợ ngân sách mới để hỗ trợ những phát triển kỹ thuật trong các xứ đa số Hồi giáo và giúp phổ biến ý niệm thị trường để tạo thêm công ăn việc làm. Chúng tôi sẽ khai diễn nhiều trung tâm tài năng khoa học ở Phi châu, Trung Đông, Đông Nam Á và chỉ định một đại diện lưu động mới về khoa học để điều hợp các chương trình khai thác các nguồn năng lượng mới, tạo thêm công việc hợp nhu cầu bảo quản môi sinh, điện tử hóa các dữ kiện, nước sạch, gieo trồng những giống ngũ cốc mới.

Hôm nay, tôi xin loan báo một nỗ lực toàn cầu mới với tổ chức Nghị Hội Hồi Giáo, Islamic Conference, để tiêu trừ bệnh sưng màng óc, polio. Và chúng tôi sẽ mở rộng thế hợp đồng với các cộng đồng Hồi giáo để xúc tiến việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhỏ và các bà mẹ.

Tất cả cố gắng đó đều sẽ được thực hiện trong thế hợp đồng. Dân Mỹ sẵn sàng liên kết với công dân và chính quyền, các tổ chức cộng đồng, các lãnh tụ tôn giáo, các nhà doanh nghiệp trong các cộng đồng Hồi giáo khắp nơi để giúp người ta theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những vấn đề tôi vừa trình bày không dễ gì đáp ứng, nhưng trách nhiệm chung của chúng ta là cùng nhau cộng tác nhân danh một thế giới mà chúng ta mưu tìm, một thế giới trong đó những kẻ cực đoan không còn hăm dọa mọi người, và binh đội Mỹ hồi hương, một thế giới trong đó người Do Thái và người Palestine được sống an toàn trong quê hương của mình và năng lượng nguyên tử được dùng vào những mục tiêu hòa bình, một thế giới trong đó chính quyền phục vụ công dân của mình và quyền của các con Thượng Đế sẽ được tôn trọng. Đó là những lợi ích hỗ tương. Đó là thế giới chúng ta mưu tìm. Nhưng chỉ có thể cùng nhau thành đạt.

Tôi thừa biết có nhiều người, Hồi giáo cũng như không Hồi giáo, thắc mắc liệu chúng ta có thể hình thành khởi điểm mới hay không. Một số khác hăng say châm dầu và lửa chia rẻ và ngăn cản đà tiến. Môt số gợi ý là chẳng đáng phí sức và định mạng chúng ta là bất đồng kiến và văn minh va chạm là điều tất nhiên.

Một số đông chỉ bi quan rằng đổi thay thực sự là điều có thể xảy ra. Có quá nhiều lo ngại, quá nhiều hoài nghi được hun đúc từ bao nhiêu năm qua. Nhưng nếu chúng ta tự trói mình vào quá khứ thì chúng ta sẽ không tiến lên được.

Tôi đặc biệt ao ước được nói với lớp trẻ thuộc bất cứ tôn giáo nào trong bất cứ quốc gia nào rằng hơn ai hết các bạn là thành phần có khả năng để tưởng tượng lại thế giới, tái tạo thế giới này.

Tất cả chúng ta đều chia nhau thế giới nhưng chỉ là trong một lúc ngắn ngủi thôi. Cho nên vấn đề đặt ra là liệu ta nên chú tâm vào những gì làm chúng ta xa rời nhau hay nên dồn mọi nổ lực, một nổ lực dài lâu để tìm ra một đất đứng chung, để tập chú vào một tương lai mà chúng ta ao ước cho con cháu chúng ta và để tôn trọng nhân phẩm của mọi người.

Gây chiến dễ hơn ngưng chiến. Đổ lỗi cho người dễ hơn nhìn lại lỗi mình. Tìm ra khác biệt dễ hơn tìm điểm tương đồng. Nhưng chúng ta phải chọn lấy con đường đúng, không chọn con đường dễ đi. Một nguyên tắc trọng tâm của mọi tôn giáo là hãy làm cho người khác điều gì mình muốn người khác làm cho mình.

Đó là sự thật vượt quá mọi biên giới quốc gia và dân tộc, lòng tin đó chẳng mới lạ gì, chẳng phải của người đen hay trắng hay nâu, chẳng phải của Ky-tô giáo hay Hồi giáo, hay Do Thái giáo. Đó là lòng tin từng đẩy cái nôi văn minh và đang duy trì nhịp đập con tim của hàng tỷ người khắp thế giới. Niềm tin vào tha nhân. Và đó là điều đem tôi đến đây ngày hôm nay.

Chúng ta có sức mạnh để xây dựng thế giới mà chúng ta ước mơ, miễn sao chúng ta có can đảm phát động một khởi điểm mới, và luôn ghi khắc những gì đã được viết ra.

Thánh kinh Quran đã dạy chúng ta, hỡi nhân loại, ta đã tạo dựng các người thành đàn ông đàn bà và ta đã gom các người lại thành quốc gia và bộ tộc để cho các người hiểu nhau.

Talmud cũng nói với chúng ta rằng mục tiêu của toàn bộ thánh thư Torah là xiển dương hòa bình.

Thánh Kinh dạy chúng ta rằng phúc cho những ai phục vụ hòa bình vì những kẻ đó sẽ được gọi là con Thượng Đế.

Nhân loại có thể sống chung trong hòa bình. Chúng ta biết đó là viễn kiến của Đấng Tối Cao. Bây giờ chúng ta phải làm việc ở đây, trên địa cầu này.

Xin cám ơn qúy vị. Cầu mong Thượng Đế hòa bình ở cùng qúy vị. Xin hết lòng cảm tạ tất cả.

Xin cám ơn.

( Theo sachhiem.net)

► Xem nguyên văn Anh ngữ (Text of Obama's speech at Cairo University)

► mời đọc thêm

Barack Obama draws tough crowd in Cairo

Obama delivers historic speech in Cairo :