Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2009

THƯ NGỎ GỬI HĐND, UBND TP.HÀ NỘI VÀ HỘI KHLSVN VỀ VIỆC DỰNG TƯỢNG ALEXANDRE DE RHODES


Đại đức Thích Thanh Thắng, một tu sĩ Phật giáo tại TP. Hồ Chí Minh vừa có thư ngỏ gửi Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về việc đề nghị dựng tượng giáo sĩ thực dân Alexandre Rhodes tại Hà Nội nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
TP. Hồ Chí Minh, Ngày 23 tháng 7 năm 2009
Kính thưa quý vị,
Theo thông tin trên Tuổi Trẻ Online ngày 29/6/2009, tôi được biết ông Phạm Văn Hạng (TP.HCM) vừa có “văn thư” gửi đến HĐND, UBND TP. Hà Nội cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam để nêu ý muốn tặng tượng ông Alexandre de Rhodes cho thủ đô nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Bài báo cũng cho biết thêm, chính quyền Hà Nội cũng đã có thư trả lời ông Phạm Văn Hạng, hẹn sẽ cử đoàn vào Bình Dương xem qua tác phẩm. Sau bản tin ấy, liền có ý kiến nhắc lại tấm bia vinh danh Alexandre de Rhodes từng được đặt tại Hồ Gươm năm 1941 để gợi ý nơi đặt tượng.
Việc một cá nhân ưa thích ai và tạc tượng người ấy để kỷ niệm, thờ phượng hay muốn đặt ở đâu là chuyện riêng trong phạm vi quyền hạn của họ, không nhất thiết phải có ý kiến. Nhưng việc nhân danh toàn dân tộc đặt một pho tượng nơi công cộng để kỷ công một người nào đó thì mọi người dân đều có quyền có ý kiến.
Muốn nhân danh toàn dân tộc để kỷ công một người nào đó thì người ấy phải thật sự có công đối với toàn dân tộc. Công và tội của nhân vật Alexandre de Rhodes đối với dân tộc Việt Nam từng là đề tài tranh luận học thuật của nhiều người, nhiều giới và nhiều thời kỳ, đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Lập luận kỷ công vị thừa sai này chủ yếu xoay quanh việc ông là người đầu tiên sáng tạo chữ quốc ngữ cho người Việt sử dụng, khiến người Việt có thể đi trước thời đại vài trăm năm. Tuy nhiên, cũng có những lập luận và tư liệu chứng tỏ vị thừa sai này chỉ là người tập hợp các nghiên cứu của những người trước mình để thực hiện quyển tự điển Việt-Bồ-La.
Mặt khác, cũng có không ít tư liệu chứng tỏ trước khi có chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latin thì người Việt cũng đã có cả một nền văn học chữ Nôm, nghĩa là người Việt đã có chữ quốc ngữ do chính mình sáng tạo, và chỉ vì sức mạnh của thực dân Pháp mà chữ quốc ngữ ấy mai một, nên không thể nói rằng việc thủ tiêu chữ Nôm và thay thế bằng chữ Việt (Latin hóa) là một việc làm tốt đẹp.
1. Sử liệu cho biết, Alexandre de Rhodes (1593-1660), người Pháp, gốc Do Thái, gia nhập dòng Tên tại Roma ngày 24/4/1612, vào Việt Nam năm 1624 [thời điểm Lê/Trịnh đàng Ngoài và chúa Nguyễn đàng Trong có những chính sách rất cởi mở với thương nhân và chú trọng đẩy mạnh quan hệ ngoại thương. Chúa Trịnh còn nhận thương nhân Carel Hartsink người Hà Lan làm con nuôi], học tiếng Việt từ một cậu bé 13 tuổi và được sự chỉ dạy bài bản của giáo sĩ Francisco de Pina người Bồ. Tháng 7/1626 bị trục xuất về Ma Cao. Ông tiếp tục trở lại và bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam năm 1630. Những năm 1640 ông vẫn lén trở lại cho đến lần cuối cùng bị trục xuất vào năm 1645.
Alexandre de Rhodes không phải người sáng tạo ra chữ quốc mà chỉ là người biên soạn từ điển qua các công trình của người khác. Chính ông đã xác nhận: “… công việc này ngoài những điều tôi đã học được nhờ chính người bản xứ trong suốt gần mười hai năm thời gian mà tôi lưu trú tại hai xứ Cô-sinh và Đông-kinh, thì ngay từ đầu tôi đã học với Cha Francisco de Pina người Bồ-đào-nha…, tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một Hội Dòng, nhất là của Cha Gaspar de Amaral và Cha Antonio Barbosa, cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ-đào, nhưng cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La-tinh theo lệnh các Hồng y, vì ngoài những tiện lợi khác, nó còn giúp ích cho chính người bản xứ học tiếng La-tinh…” (1).
Roland Jacques đã phát hiện công bố bản viết tay năm 1623 của Francisco de Pina: “Về phần tôi, tôi đã biên soạn một chuyên luận nhỏ về từ vựng và các thanh của ngôn ngữ này (tức tiếng Việt) và tôi đang bắt tay viết về ngữ pháp. Tuy nhiên, tôi cũng đã tập hợp được những cổ tích, thuộc nhiều loại khác nhau, nhằm cung cấp các trích dẫn của các tác giả để xác minh nghĩa của các từ và các quy tắc của ngữ pháp, cho đến nay tôi có thể yêu cầu một người nào đó đọc để tôi phiên dịch sang các chữ Bồ Ðào Nha (tức chữ La tinh)... Ngoài ra, tôi đã có ba bốn cuốn tập hợp các bài viết có lý luận trong số các bài viết hay nhất mà tôi tìm thấy được ở Vương quốc nầy". (Nguyễn Phước Tương, Ai là người thật sự sáng chế ra chữ Quốc ngữ?, Tạp chí Huế, Xưa & Nay số 62 tháng 3-4/2004) (2).
Kể từ khi cuốn từ điển này ra đời năm 1651, nó cũng không có tác dụng gì tới việc học chữ quốc ngữ của người Việt Nam. Vì vốn dĩ khi ấy người Việt sử dụng chữ viết chính thức là chữ Hán và chữ quốc ngữ (chữ Nôm). Chữ Nôm đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều thể loại sáng tác văn chương và đã đạt đến đỉnh cao qua tác phẩm Truyện Kiều (Nguyễn Du) và nhiều truyện thơ Nôm, văn xuôi quốc ngữ khác.
Đặc biệt trong các tác phẩm chữ Nôm của Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1715), lối hành văn tiếng Việt không khác nhiều so với ngày nay [trong Hương Hải thiền sư ngữ lục cũng nói đến sự kiện một số giáo sĩ Hoa Lang bị trục xuất khỏi Việt Nam – Lê Mạnh Thát, Toàn tập Minh Châu Hương Hải, NXB TPHCM, 2000, tr.116]. Vua Quang Trung (1753-1792) không chỉ sử dụng chữ Nôm trong văn bản hành chính mà còn chính thức đưa chữ Nôm vào trong thi cử. Ông chủ trương thay toàn bộ sách học chữ Hán sang chữ Nôm nên năm 1791 đã cho lập “Sùng chính viện” để dịch kinh sách từ Hán sang Nôm.
Chữ Nôm [ký âm tiếng Việt] chính là chữ Quốc ngữ mà ông cha ta sáng tạo. Điều đó khẳng định VIỆT NAM LÀ MỘT NƯỚC CÓ VĂN TỰ. Người Pháp đã tìm mọi cách thủ tiêu văn tự (Nôm) của chúng ta, thế mà còn lớn lối nói rằng đã đem đến cho chúng ta một chữ viết (Latin). Đây là hành vi thủ tiêu (chữ viết) và tranh công (sáng tạo) nực cười nhất trong lịch sử chữ viết của nhân loại. Không những thế, vì một cuốn từ điển được biên soạn lại qua công trình của người Bồ, mà một số người Pháp không ngượng miệng nói rằng: “Khi cho Việt Nam các mẫu tự La Tinh, Alexandre de Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ” (Nguyệt san MISSI).
Ngày 23/1/1576, Giáo hoàng La Mã Gregory VIII ban sắc lệnh, chính thức thành lập giáo phận Bồ Đào Nha tại Ma Cao. Phạm vi cai quản của giáo phận này gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và các vùng lân cận.
Nhưng đến nửa đầu thế kỷ 18, tại châu Âu dấy lên cuộc vận động trục xuất các giáo sĩ dòng Tên. Ngày 3/9/1759, Thủ tướng Pombal ban hành pháp lệnh, coi dòng Tên là kẻ phản bội, kẻ địch và kẻ xâm lược của vua và nhà nước. Ngày 21/7/1773, Giáo hoàng Clement XIV ban sắc lệnh, tuyên bố chính thức thủ tiêu dòng Tên. Những sự kiện này dẫn đến sự tan rã của giáo phận Bồ tại Macao (3).
Một điều đáng chú ý, tại Giáo phận Macao, năm 1594, Học viện St. Paul's - trường đại học phương Tây đầu tiên ở Viễn Đông đã hình thành, ngoài các môn thần học, văn học và nghệ thuật ra, trường còn dạy các ngôn ngữ của khu vực Viễn Đông như tiếng Hán và tiếng Việt...
Theo GS. Thang Khai Kiến, Đại học Ký Nam, Quảng Châu, Trung Quốc: “Sau khi Nhật Bản xẩy ra nạn cấm đạo, các dòng tu Macao hết sức coi trọng việc khai thác và phát triển công cuộc truyền giáo ở Việt Nam. ở Học viện St. Paul's, để đáp ứng nhu cầu truyền giáo ở Việt Nam, việc dạy tiếng Việt là điều hết sức quan trọng. Theo ghi chép của Linh mục Maldonado, năm 1667, học viện có hai môn học tiếng, tiếng Việt là một trong hai môn đó. Năm đó có 8 linh mục học tiếng Việt, nhưng chỉ có 6 linh mục học tiếng Trung Quốc. Theo thống kê không đầy đủ, trong thế kỉ XVII, có 70 giáo sĩ phương Tây đã đến Việt Nam, trong đó số giáo sĩ đến từ Macao chiếm tỉ lệ rất lớn” (4).
Như thế, rõ ràng tiếng Việt được ký âm bằng chữ cái La-tinh đã được phát triển dần dần từ rất lâu trước đó do nhu cầu tiếp cận với người bản địa của các giáo sĩ thuộc Giáo phận Bồ Đào Nha [làm nền tảng cho quyển tự điển Việt-Bồ-La mà Alexandre de Rodhes đã cho in năm 1651].
2. Alexandre de Rhodes là người có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông. Trong cuốn Divers voyages et missions (Các cuộc hành trình và truyền giáo), xuất bản tại Paris năm 1653 ở đoạn cuối chương 19, phần thứ 3 có một câu nguyên văn: “J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient, pour l’assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j’y trouverais moyen d’avoir des Évêques, qui fussent nos pères et nos maitres en ces Églises. Je suis sorti de Rome à ce dessein le 11e Septembre de l’année 1652 après avoir baisé les pieds du Pape”.
Câu này được Hồng Nhuệ (linh mục Nguyễn Khắc Xuyên) dịch:“Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi mấy chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi Đông Dương đưa về quy phục chúa Kitô và nhất là tôi sẽ tìm được các giám mục, cha chúng tôi và Thày chúng tôi trong các giáo đoàn. Với ý đó, tôi rời bỏ Roma ngày 11 tháng 9 năm 1652 sau khi tôi hôn chân Đức Giáo hoàng.” ("Hành trình và truyền giáo” - Ủy ban Đoàn kết Công giáo TP.HCM, 1994, tr. 263. Người dịch còn chú thích từ chiến sĩ ở đây: nói chiến sĩ Phúc Âm tức là nhà truyền giáo, chứ không phải binh sĩ đi chiếm xứ xăm lăng - tr. 289).
Trong bài viết “Ai làm ra chữ quốc ngữ?” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 31/1/1993, Giáo sư Hoàng Tuệ đã dịch plusieurs soldats là binh lính như sau: “Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ”. Linh mục Nguyễn Khắc Xuyên đã viết bài “Gửi GS Hoàng Tuệ bàn về chữ Quốc ngữ trên tờ Tuổi Trẻ” đăng trên báo Ngày Nay số 277 ngày 1/7/1993 ở Houston, Texas. Linh mục Nguyễn Khắc Xuyên đã mạt sát GS Hoàng Tuệ là "ngu xuẩn", "ngu dốt", "thật là dốt lại thích nói chữ"... và đã chất vấn GS. Hoàng Tuệ như sau: “Từ điển Pháp Việt của Trương Vĩnh Ký dịch soldat là ‘lính, binh lính, lính tráng’. Từ điển Pháp Việt của Đào Duy Anh dịch soldat là ‘lính, bộ đội, chiến sĩ...’” Như vậy GS Hoàng Tuệ lùi lại hơn nửa thế kỷ khi chỉ dịch theo Trương Vĩnh Ký mà không theo từ điển mới nhất 1981 (sic) (5).
Theo Tự Điển Từ Nguyên (Dictionaire Étymologique), từ Soldat: mượn từ tiếng Ý, Soldato (từ Soldare, Solde); được biến đổi từ chữ Sondart (từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17) thành Soldat, có nghĩa là người đi bắn thuê, giết thuê - Tiré de Soudoyer "Dictionaire Étymologique, par Albert Dauzat (à l'école pratique des hautes Études) librairie Larousse - Paris 6, 1938, tr. 671, 672."
Hai tác giả phương Tây đã hiểu và dịch từ “plusieurs soldats” ra tiếng Anh như sau:
1. Solange Hertz dịch: “…I thought that France, as the most pious kingdom of the world, could furnish me many soldiers for the conquest of all the Orient in order to subject it to Jesus Christ and especially that I could find there some way of getting bishops for our Fathers and masters in those Churches. I left to Rome for this purpose on the eleventh of September of the year 1652, after kissing the Pope’s feet…” (Divers Voyages & ..., Solange Hertz, Newman Press, Westminter, Maryland 1966, trang 237).
2. Helen B. Lamb: “Alexandre de Rhodes held to his dream that France should play the key role in colonizing Vietnam: “I believe that France, as the most pious of all kingdoms, would furnish me with soldiers who would undertake the conquest of the whole Orient, and that I would find the means for obtaining bishops and priests who were Frenchmen to man the new churches. I went toRome with this plan in mind on September 11, 1652. ” (Vietnam’s Will to Live, Helen B. Lamb, N.Y. 1972, trang 38, 39) (6).
Nhưng “Plusieurs soldats” vẫn được dịch là “mấy chiến sĩ” (Nguyễn Khắc Xuyên), “chiến sĩ có nghĩa bóng là thừa sai” (Nguyễn Đình Đầu), “chiến sĩ truyền giáo” (Đinh Xuân Lâm) và ông Chương Thâu thì đồng ý với cách dịch này.
Với những tranh luận xảy ra trên chữ "soldat" này, GS. Cao Huy Thuần đã dẫn theo từ điển Robert của Pháp:
Soldat: 1. Homme équipé et instruit par l'Etat pour la défense du pays. 2. Tout homme qui sert ou qui a servi dans les armées.Dịch: 1. Người được nhà nước trang bị và huấn luyện để bảo vệ xứ sở. 2. Bất kỳ người nào phục vụ hoặc đã phục vụ trong quân đội.
Như vậy "soldat” bao hàm ý nghĩa quân sự, quân đội. Đó là người mà nhiệm vụ là làm chiến tranh, chiến tranh phòng vệ hay chiến tranh xâm lược, dù là nghĩa đen hay nghĩa bóng. Trong tôn giáo, dùng chữ "soldat” không làm mất đi cái ý nghĩa đánh nhau. Dù đánh nhau vì chân lý đi nữa, thì cũng đánh nhau và đánh nhau vì chân lý thì ghê rợn lắm. Đừng trách ai dịch soldat là "binh sĩ”.
Vậy, việc Alexandre de Rhodes từng có ý định xin vua Louis XIV của Pháp cung cấp binh lính để chinh phục phương Đông là đã rõ. Dù đã có một số người thêm “nghĩa bóng” cho từ soldats nhưng ý đồ tiêu diệt các nền văn hóa và tôn giáo khác để đem toàn cõi Đông Dương về quy phục chúa Kitô vẫn lồ lộ ra đó.
Thực tế 12 năm ở Việt Nam, Alexandre de Rhodes chẳng để lại bất cứ một ấn tượng gì ngoài việc 6 lần bị trục xuất.
3. Năm 1858 Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Ngày 14/11/1874, Đô đốc Hải quân - Thống soái Nam kỳ François Krantz ký nghị định mở trường Chasseloup-Laubat (tên của Bộ trưởng Hải quân Pháp) ở Sài Gòn để dạy tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ cho con em của quan chức người Pháp và người Việt đang cai trị Nam kỳ. Ngày 15/4/1865, tờ báo tiếng Việt - Gia Định Báo bằng thứ chữ mới, phiên âm theo mẫu tự la-tinh, lần đầu tiên được phát hành tại Sài Gòn. Ngày 6/4/1878, Đô đốc Hải quân - Thống soái Nam kỳ Louis Lafont ra nghị định số 82 bắt buộc các công văn, thư từ hành chính phải viết bằng chữ Quốc ngữ thay vì chữ Hán hay chữ Nôm.
Tháng 5/1906, dụ của vua Thành Thái về tổ chức giáo dục hệ 3 cấp cho bản xứ được một nghị định của Paul Beau phê chuẩn: ở cấp I, học sinh học cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ; lên cấp II học chữ Hán, chữ Quốc ngữ và một phần tiếng Pháp không bắt buộc; đến cấp III thì cả 3 thứ chữ đều bắt buộc học như nhau.
Lợi dụng đúng lúc áp dụng thành công chính sách giáo dục “đồng hóa” triệt tiêu chữ Hán - Nôm, họ đã tô vẽ cho từ điển công cụ của Alexandre de Rhodes bằng những từ mà lâu nay một số người nhầm lẫn sử dụng như “cha đẻ”, “sáng tạo”, “công đầu”… Thực tế, thứ chữ đó sau hơn 200 năm chìm lỉm đã bất ngờ “sống dậy” trong sự cổ xúy của chính quyền bảo hộ Pháp. Trong hoàn cảnh bị thực dân cai trị và không đủ tư liệu tham khảo như bây giờ, việc một số người lầm tưởng rồi cổ vũ và tiến hành việc đặt bia kỷ niệm vị thừa sai này ngay bên cạnh trái tim của thủ đô Hà Nội là điều không đáng ngạc nhiên.
4. Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nhằm tôn vinh tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, lòng tự hào dân tộc, cũng như bản sắc và văn hiến Thăng Long. Thăng Long là mảnh đất được thành lập gìn giữ và xây dựng phát triển bởi công lao của các vị vua Phật tử, các thiền sư, cư sĩ và trí thức Tam giáo, cùng vô số những người nông dân chân chất tin vào lẽ nhân quả tự ngàn đời, luôn kính ngưỡng Phật, Pháp, Tăng.
Có thể thấy Thăng Long - Hà Nội là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, của tư tưởng văn hóa truyền thống dân tộc. Ở đó đã có tượng đài tôn vinh Lý Công Uẩn, người đặt nền móng cho thủ đô Hà Nội ngày nay. Nếu Ngô Quyền là người đặt nền móng cho sự độc lập của người Việt thì chính Lý Công Uẩn đã xây dựng cho nền độc lập đó phát triển nguy nga thêm. Tư tưởng chủ đạo để Lý Thái Tổ xây dựng nguy nga nền độc lập ấy chính là tư tưởng Tam giáo, mà cốt lõi là Phật giáo. Ông cũng là người xuất thân nơi nhà chùa.
Thế mà chúng ta hãy nghe vị thừa sai Alexandre de Rhodes phỉ báng và mạt sát Đức Phật: “Bởi Tam giáo này, như bởi nguồn độc, nhiều sự dối khác. Song le bắt mỗi sự dối ấy chẳng có làm chi, vì chưng biết là bởi đâu mà ra, cho hay tỏ tường là dối thì vừa. Như thế có chém cây nào độc cho ngã, các ngành cây ấy tự nhiên cũng ngã với. Vậy thì ta làm cho Thích-Ca là thằng hay dối người ta, ngã xuống, ...” (Aleaxandre de Rhodes, Phép giảng tám ngày, tr. 115 & 116, Tủ sách Ðại Kết, TP. HCM, 1993).
Trong tư tưởng, vẫn có người áp dụng luật mâu thuẫn đối kháng để phủ định cái có trước. Nhưng khi đã đặt tượng Lý Công Uẩn làm biểu tượng cho tinh thần người Việt, lại đặt tượng vị thừa sai người Pháp gốc Do Thái vào đó, phải chăng người ta muốn tinh thần thừa sai người Pháp gốc Do Thái phủ định tinh thần người Việt? Không bàn đến công hay tội của Alexandre de Rhodes, người ta thấy ngay rằng pho tượng của người Pháp gốc Do Thái này không nên để vào bất kỳ một nơi công cộng nào.
Dân tộc chúng ta có thiếu người để tôn vinh? Ai đó đã từng nói “lịch sử là một phòng tranh, trong đó nguyên bản chỉ có một còn phiên bản thì nhiều”. Vì thế, nếu xem thường việc khinh trọng mà cứ cố dựng cho bằng được tượng Alexandre de Rhodes tại Hà Nội có thể sẽ di hại đến muôn đời.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một định chế thừa kế tinh thần từ các vị quốc sư Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, Khuông Việt…, tôi nghĩ rằng, Giáo hội nên có ý kiến chính thức về vấn đề này. Tôi mong rằng Nhà nước và chính quyền Thành phố Hà Nội cũng cần cân nhắc kỹ trước khi nhận “quà tặng” tượng Alexandre de Rhodes. Nếu để “sự đã rồi” thử hỏi Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có còn nguyên vẹn ý nghĩa văn hóa, hòa bình cao đẹp nữa không?
Kính thưa quý vị,
Lịch sử rất cần nêu cao sự thật, và chân lý thì không cần “người bảo hộ”. Một câu nói có thể có nghĩa đen và nghĩa bóng, nhưng một nửa sự thật thì vĩnh viễn không phải là sự thật. Mong sao chúng ta đừng để những nhầm lẫn trong ứng xử trở thành những nhầm lẫn của lịch sử.
Tôi xin gửi tới quý vị những ý kiến chân thành trên đây.
Kính chúc quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành tựu.
Thích Thanh Thắng
Ghi chú:
(1) Alexandro de Rhodes, Từ điển An Nam - Lusitan - La tinh (Thường gọi Từ điển Việt - Bồ - La), phiên dịch Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt và Đỗ Quang Chính, biên tập Hồ Lê, Cao Xuân Hạo và Hồ Tuyết Mai, nhà xuất bản Khoa học Xã hội, TP Hồ Chí Minh, 1991.
2) Xem thêm: Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt Ngữ học, Roland Jacques, NXB Khoa học Xã hội-2007, tr. 43, 44).
(3), (4) Địa vị và vai trò của công giáo Macao thời Minh - Thanh trong công cuộc truyền giáo ở Viễn Đông, Thang Khai Kiến, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, (Số 4(40)/2006), Nguồn: http://www.vae.org.vn/News_print.asp?id=3561
(5) Lý Đương Nhiên, Xin góp ý dịch chữ “soldat”, Nguồn: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7309&rb=12
(6) Đoạn trên dẫn theo Lý Đương Nhiên, Chữ "Plusieurs Soldats" Thời A.D. Rhodes (Kính gửi Viện Sử học), nguồn: http://www.sachhiem.net/LICHSU/LyDuongNhien1.php
(XEM Ý KIẾN PHẢN HỒI - Nguồn: http://phattuvietnam.net/3/6972.html)

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2009

NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG TRÊN ĐỒI BUÔNG


SGTT - Robert Poduna Vac hay ngồi bệt trước hiên nhà nhìn ra khu đồi trước mặt, nơi đó có vạt rừng keo và cau do chính ông tạo dựng nên. Dáng ngồi và khuôn mặt bình thản của Robert gợi cho người ta cảm giác ông đã thuộc về nơi này từ lâu lắm…

Lúc tôi đến, ông mặc một chiếc áo lam của người Phật tử, tay cầm tràng hạt, mắt chăm chú nhìn lên tượng Quan âm toả hào quang điện chấp choá trên tường. Ông đang đắm chìm trong một cảnh giới không thể quấy rầy.

Vì tôi yêu em

Nhà ông ở trên đỉnh đồi Buông, thuộc một xã miền núi hẻo lánh của Quảng Nam – xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh). Tại sao một chuyên gia phần mềm của một công ty lớn ở Washington, lại từ bỏ tất cả để đi làm nông dân ở chốn rừng núi này, thật khó giải thích. Mỗi người nói mỗi kiểu, riêng Nguyễn Bích Giang, cô gái đầu của người phụ nữ sắp là vợ Robert, giải thích hơi lạ: “Kiếp trước ổng nợ mẹ em nên kiếp này ổng phải trả”.

Giang nói: “Ổng từ bỏ quê hương, tiện nghi, tiền bạc, thậm chí bỏ cả đạo gốc (Robert đã cải đạo Thiên Chúa sang đạo Phật) để theo mẹ em, một phụ nữ đã có đời chồng, ba đứa con, nghèo xơ xác làm nghề rửa bát thuê. Ổng sống chung với mẹ ba năm rồi nhưng tối ai ngủ giường nấy, ổng ngủ một mình còn mẹ ngủ với em. Ông hy sinh tất cả vì mẹ mà không đòi hỏi điều gì cả”. Bà Lữ Hà Thy Nhơn (1969), vợ sắp cưới của Robert, cũng thú thật như vậy: “Robert bị tai nạn giao thông dẫn đến đau cột sống, không thể ân ái vợ chồng được…” Bà Nhơn cũng tiết lộ, Robert coi điều đó là một thiệt thòi cho bà, thỉnh thoảng ông đưa bà cả chục ngàn USD và khuyên bà nên đi chơi đâu đó. Nhưng bà chối từ. Bà không muốn phụ ông, một người bà coi như đấng cứu nạn của đời mình.

Robert đã biến cô lọ lem Thy Nhơn nghèo xác xơ thành một “công chúa” ở đất Tam Lãnh này. Ngày trước bà Nhơn chỉ có một túp lều dưới chân đồi, trong đó ngoài cái giường tre không còn gì nữa cả. Robert đã sắm cho gia đình bà từ… cuộn giấy vệ sinh sắm lên. Ông bỏ tiền đổ đất nền lên cao và dựng lên đó một ngôi nhà khang trang thuộc loại nhất nhì của Tam Lãnh bây giờ. Ông chuộc lại toàn bộ đất đai (3ha) mà ngày trước vì túng thiếu mẹ bà đã bán, và dựng lên đó một trang trại với rừng keo, cau xanh ngát, với hàng trăm con gà, vịt, bồ câu… Ba đứa con bà được ông sắm sửa từ cái áo, cái quần, ông đi hỏi vợ cho cậu con trai giữa và chuẩn bị làm đám cưới cho cô con gái đầu của vợ, Nguyễn Bích Giang. Ông làm tất cả những điều đó, với số tiền chi ra bằng gia tài một người giàu có ở Quảng Nam để được gì? “Nhiều khi tôi cũng thắc mắc như vậy, nhưng ông chỉ nói đơn giản, vì tôi yêu em”, bà Nhơn kể.

Âm thanh của sự trầm lặng

Robert về quả đồi này được bốn năm. Cả xã hầu như không ai nói được tiếng Anh (trừ vợ ông), ông không biết tiếng Việt. Vì vậy Robert có lẽ là người ít nói nhất của Tam Lãnh. Mỗi khi khách đến nhà, vợ ông huyên thuyên, còn ông theo thói quen ra ngồi bệt trước hiên nhà, hút thuốc và nhìn ra rừng. Bà Nhơn nói, Robert không thích ồn ào, mỗi khi đi đâu, ông đều khuyên nên chọn chỗ yên tĩnh.

Robert ít nói nhưng không hề lãnh đạm với mọi người. Do nhà có chăn nuôi nên hay thuê phụ nữ chung quanh đến thái chuối cây để làm thức ăn cho chúng. Những ngày đầu thấy bà con ngồi bệt xuống đất làm việc, ông lẳng lặng lấy xe máy chạy 30km đường núi xuống Tam Kỳ (tỉnh lỵ của Quảng Nam) mua một lô ghế nhựa nhỏ đem về cho bà con ngồi. Những nông dân đến làm thuê cho ông, ông không nói chuyện với ai nhưng không hề quên ai. Có lần một người đang làm bị ốm phải nghỉ. Thấy anh ta không đến, ông hỏi vợ rồi vào lấy mấy trăm ngàn đồng đưa vợ bảo đem đến cho anh ta uống thuốc. Qua trường mẫu giáo thôn thấy bàn ghế các em xập xệ, ông làm thinh về lấy mấy triệu đồng qua cho trường để sửa chữa. Một lần nghe bà con định tu sửa lại cái miếu thôn, ông đưa tiền cho bà con mua vật liệu và đích thân đi mua sơn về bỏ hai ngày lụi cụi sơn lại miếu. Các cụ bô lão trong thôn sững sờ.

Chốn về của kẻ độc hành

“Chúng ta về quê em sinh sống đi”, ông đề nghị bà Nhơn khi hai người đang ở Sài Gòn.
“Thế còn công việc của anh, về đó chúng ta lấy gì mà sống?”
“Tôi xin nghỉ việc công ty. Em đừng lo, tôi có điều kiện để em sống một đời không lo lắng”.
“Nhưng anh thích điều gì ở đó?”
“Tôi thích sự tĩnh lặng của nó”.

Ông về hôm trước, hôm sau bà con đã thấy ông ra đồng. Nhà bà Nhơn có mấy sào lúa, từ cày cấy, đổ nước, gặt hái…ông tham gia hết. Với tiền bạc của mình ông dễ dàng trở thành một đại điền chủ của Quảng Nam. Nhưng không, ông chắt chiu từng hạt lúa trên đám ruộng của mình. Những trưa nắng như đổ lửa, bà con thấy ông đầu trần, vận mỗi cái quần đùi, lết bàn chân đi tới đi lui trên sân để đảo lúa cho khô. Ông phơi phóng, gìn giữ từng hạt lúa không phải cho mình vì ông chưa… ăn cơm được. Ngày ngày, khi gà trong thôn vừa gáy, ông đã dậy, vác cuốc ra đồi chăm lo rừng keo, rừng cau, dựng cây này lên, bón gốc cho cây kia. Đang làm, sực nhớ điều gì, ông tất tả chạy về. Ông lấy cái ô lúa mà vợ đong sẵn hú gọi gà, vịt, bồ câu đến để cho ăn. Có lần chuyên gia phần mềm Robert cho gà, vịt ăn đến suýt chết vì quá nhiều, con nào con nấy diều phồng lên cứng ngắc, đi không nổi. Từ đó, bà Nhơn phải đong khẩu phần gà, vịt cho Robert…

Trang trại cho thu nhập bao nhiêu, Robert không cần biết. Điều Robert cần là được làm công việc của một nông dân. Robert ước ao được chết như một… nông dân, nghĩa là có cái mộ. Bà Nhơn biết điều này qua một lần Robert tâm sự: “Ở bên Mỹ khi chết thiêu xác mang tro rải biển, thấy lạt lẽo cuộc đời quá. Tôi muốn được như người dân quê em, có một ngôi mộ, nhỏ cũng được, nhưng là cái còn lại của mình sau cuộc đời này”.

Một lần Robert về Mỹ, bà Nhơn im lặng kêu người xây một ngôi mộ cho ông bên cạnh cái trang trại với rừng cây, gà vịt mà ông tạo dựng nên. Khi trở lại biết chuyện này ông khóc nức nở vì cảm động: “Em đã toại nguyện một mong muốn lớn nhất của đời tôi. Cả đời này tôi mang ơn em”. Bên ngôi mộ mình, ông tâm sự đã từng có một người vợ, từng tha thiết mong những đứa con. Nhưng vợ ông ba lần mang thai ba lần hỏng vì cô nghiện rượu. Ông ly dị vợ và sau đó bị tai nạn giao thông, chuyện có con coi như khép lại vĩnh viễn. Vì công việc ông sống nhiều nước, nhưng đi đâu ông cũng cô đơn, cũng thấy thiếu vắng. Chỉ có ở đây, ở đồi Buông này, mà ông hiểu theo tinh thần đạo Phật là buông xả tất cả, ông mới thấy lòng mình yên tĩnh.

Đêm đêm theo lời khuyên của bà Nhơn, Robert đem máy cassette ra mộ mình mở băng kinh Phật “cho ấm ngôi nhà mai sau”. Ông rất hay đi chùa. Đến đâu ông cũng cúi đầu lạy Phật thành kính. Mỗi ngày hai thời, ông mặc áo lam, cầm xâu chuỗi đứng niệm Phật. “A di đà Phật” là bốn tiếng Việt duy nhất mà ông thuộc và sử dụng hàng ngày.

Robert Poduna Vac vừa xin được Giấy chứng nhận độc thân từ đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Ông cần thủ tục này để làm hôn lễ với bà Nhơn. Một đám cưới có phần kỳ lạ, đám cưới mẹ lại diễn ra sau đám cưới con (Bích Giang), chú rể 73 tuổi, cô dâu 41 tuổi, đám cưới thì có, động phòng thì không.

Đoàn Nguyễn

(Theo SGTT)

NGUỒN: http://www.sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&NewsId=54207&fld=HTMG/2009/0714/54207

PHẬT GIÁO ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ TÔN GIÁO VĨ ĐẠI NHẤT THẾ GIỚI


Qua giải thưởng Leading Figure hằng năm về nhân vật tôn giáo đã đóng góp cho nhân loại và hòa bình, Tổ Chức Liên Minh Thế Giới Về Sự Phát Triển Tôn Giáo Và Tâm Linh đóng tại Geneva, Thụy Sĩ (ICARUS) đã quyết định bầu chọn và trao tặng một giải thưởng đặc biệt năm nay cho cộng đồng Phật giáo

Hans Groehlichen, chủ tịch Tổ Chức Liên Minh Thế Giới Về Sự Phát Triển Tôn Giáo Và Tâm Linh (ICARUS) đã phát biểu trong hội thảo vào ngày thứ hai vừa qua: “Chúng tôi đã tổ chức nghiên cứu theo mạng rada, đồng thời tổ chức của chúng tôi đánh giá trên một tinh thần công bằng về những giá trị truyền thống. Chúng tôi đã trải qua phân tích từng tôn giáo để bình chọn và trao giải thưởng cho một tôn giáo vĩ đại nhất thế giới (Best Religion in the World). Qua đó chúng ta cổ vũ và khuyến khích những nhà lãnh đạo tôn giáo khác thấy được những ích lợi trong việc thực hành hạnh từ bi.”

Groehlichen cho biết rằng giải thưởng được thông qua do một hội đồng quốc tế hơn 200 nhà lãnh đạo tôn giáo làm việc và đánh giá từng phần tâm linh về một tôn giáo. Ông nói: “Thật là tuyệt vời khi chúng tôi cùng đưa ra một tiêu chuẩn, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo khác đã bình chọn Phật giáo. Phật giáo thực sự chỉ là một số ít trong hội đồng của chúng tôi, nhưng tôn giáo của họ thật tuyệt vời, hoàn toàn hấp dẫn và họ đã xứng đánh nhận được giải thưởng vinh dự này.”

Tiêu chuẩn bao gồm nhiều mặt chẳng hạn như đề cao giá trị con người và hòa bình, lòng từ bi và ý nghĩa của tinh thần không phân biệt, khuyến khích bảo tồn thiên nhiên. Ông Groehlichen nói tiếp: “Một thông điệp lớn nhất cho chúng tôi là Tổ Chức Liên Minh Thế Giới Về Sự Phát Triển Tôn Giáo Và Tâm Linh (ICARUS) thành lập vì tâm linh và nhân loại, mang thông điệp bất bạo động (non-violence) dâng hiến cho xã hội. Một chìa khóa giải đáp cho chúng tôi trong tiến trình bình chọn là một tôn giáo đích thực phải thực hành bất bạo động.”

Khi đề ra phương hướng tiến hành bình chọn cho các thành viên trong hội đồng bình chọn, Tổ Chức Liên Minh Thế Giới Về Sự Phát Triển Tôn Giáo Và Tâm Linh (ICARUS) đã nghiên cứu 38 tôn giáo khác nhau trên toàn cầu, đưa ra tiêu chuẩn, sự cống hiến của một tôn giáo, triết học, và vai trò tôn giáo trong lãnh vực điều hành và phúc lợi. Trưởng ban nghiên cứu của Tổ Chức Liên Minh Thế Giới Về Sự Phát Triển Tôn Giáo Và Tâm Linh (ICARUS), ông Jonna Hult nhận xét: “Quả thật không ngạc nhiên với tôi khi Phật giáo là đại biểu xứng đáng danh hiệu Tôn Giáo Tuyệt Vời Nhất Toàn Cầu (Best Religion in the World), bởi vì chúng tôi đã tìm thấy Phật giáo truyền bá không bao giờ có sự can thiệp của vũ lực, ngược lại những tôn giáo khác dường như đi qua xa với tinh thần bất bạo động. Chúng tôi thật sự có một ấn tượng sâu sắc khi nhận ra được trong lịch sử Phật giáo chưa bao giờ dùng vũ lực bạo động. Người Phật tử thực hành những gì mà họ nói, cái mà chúng tôi không thể chứng minh được ở những truyền thống tâm linh khác.”

Ít nhất một trong số thành viên theo đạo Công giáo đại diện để nói về quan điểm này đối với Phật giáo. Cha Ted O'Shaughnessy nói từ Belfast: “Tôi theo giáo hội Thiên Chúa giáo, nhưng cứ làm tôi khó xử đó là chúng tôi đã thực sự nói về tình thương trong kinh thánh hay chưa, rồi cho đó là ý Chúa khi đến giết người khác. Với lí do này, tôi đã bình chọn Phật giáo bằng lương tri của mình.” Giáo sĩ Tal Bin Wassad của Hồi giáo ở Pakistan đã đồng ý và nói, được thông ngôn dịch rằng: “Tôi theo Hồi giáo, tôi có thể biết được sự truyền giáo có mặt của sự giận dữ và đổ máu thành sông nhiều hơn là tình thương. Phật giáo ngăn ngừa được điều đó.” Bin Wassad, một thành viên bình chọn trong hội đồng ICARUS thuộc cộng đồng Hồi giáo ở Pakistan nói thêm: “Thực sự, tôi có rất nhiều người bạn theo Phật giáo.” Và Rabbi Shmuel Wasserstein đến từ Jerusalem đã phát biểu: “Dĩ nhiên, tôi yêu đạo Do Thái, và tôi nghĩ Phật giáo là một tôn giáo vĩ đại nhất thế giới. Nói với danh dự, tôi đang tu tập theo phương pháp Thiền Minh Sát của Phật giáo hằng ngày trước khi làm lễ cầu nguyện minyan (lễ cầu nguyện hằng ngày của đạo Do Thái) từ năm 1993. Vì thế tôi đồng ý với quý vị như thế.”

Groehlichen đã tuyên bố rằng kế hoạch bình chọn giải thưởng cho Phật giáo là tôn giáo vĩ đại nhất thế giới đã công bố và thông báo cho các nhà lãnh đạo và cộng đồng Phật giáo. Tuy nhiên vẫn con một trở ngại, ông nói: “Trên cơ bản, chúng tôi chưa tìm ra vị lãnh tụ Phật giáo nào để trao giải thưởng.” Groehlichen hứa sẽ sớm công bố sớm vào thứ ba tới. “Tất cả tín đồ đạo Phật đều nói rằng họ không xứng đáng để nhận lấy phần thưởng,” Groehlichen giải thích với một tính cách ngay thẳng, ông tiếp: “Lập trường của Phật giáo, họ luôn cho rằng tôn giáo mà họ theo là một giáo lí thực nghiệm chứ không phải một tôn giáo. Nhưng chân lí vẫn bất di bất dịch, với sự thật này chúng tôi công nhận triết học và sự cống hiến của họ là tuyệt vời nhất thế giới và trọng yếu nhất trong sự thách thức và đối mặt với những kỉ nguyên về sau của mỗi cá nhân và con người trên hành tinh của chúng ta.”

Khi được hỏi lý do tại sao các cộng đồng Phật giáo Miến Điện từ chối giải thưởng, Sư Bhante Ghurata Hanta cho biết: “Chúng tôi rất biết ơn đối với sự công nhận của quý vị, nhưng chúng tôi nhường giải thưởng này cho tất cả nhân loại, cho Phật tánh nằm trong mỗi người chúng ta.” Groehlichen trân trọng nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thỉnh cầu cho đến khi chúng tôi tìm thấy một vị trong cộng đồng Phật giáo tiếp nhận giải thưởng. Chúng tôi sẽ cho các bạn biết khi nào chúng tôi hoàn thành.”

Thiện Hữu dịch, từ http://blog.beliefnet.com

Nguồn: http://www.lieuquanhue.com.vn/index.php/1/3461.html

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2009

TỪ TRẦN NHÂN TÔNG ĐẾN TRẦN ĐỨC THẢO


Hai nhà tư tưởng vĩ đại đủ xóa bỏ mặc cảm Việt Nam không có triết gia, và khẳng định đặc trưng của triết gia Việt Nam là không duy lý giáo điều, không cực đoan

Con người thường suy nghĩ trước rồi hành động sau, tuy nhiên suy nghĩ cũng có quán tính, nên nhiều giai đoạn trong đời người và giai đoạn lịch sử chỉ hành động theo suy nghĩ của ai trước đó, thế là yên tâm sống. Con người với bản năng sống bầy đàn, hành động theo số đông, thích tạo thành phong trào trong mọi lãnh vực, mà số đông và phong trào cần sức mạnh nên suy nghĩ giống nhau là điều kiện tiên quyết, vì vậy chỉ cần một người suy nghĩ cho mọi người sao y lại trong tư duy, việc ấy lợi trong thời gian dài và có hại trong thời gian dài hơn sau đó.

Người viết bài này, xét trên góc độ dân tộc, trào lưu tư tưởng ngoại bang không thể hoàn toàn phù hợp thỏa đáng với một quốc gia nào đó. Việt Nam, có hai nhân vật tư duy độc lập thoát khỏi trào lưu tư tưởng ngoại bang. Trần Nhân Tông ở thế kỷ 13 và Trần Đức Thảo ở thế kỷ 20.

Trần Nhân Tông làm thơ:

“Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,

Lộ trích thu đình , dạ khí hư.

Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ,

Mộc tê hoa thượng, nguyệt lai sơ. (Nguyệt)

Tạm diễn nghĩa: Đầy giường sách qua ánh đèn trong khung cửa sổ?mùa thu sương móc rơi trên sân đình đêm hư không/ thức giấc tiếng chày (đập vãi) không còn nghe /ánh sáng trăng vừa rọi trên hoa mộc tê.(Trăng)

Những năm cuối đời Trần Đức Thảo viết: « ... khi tự vấn mình, ý thức đòi hỏi Thiện trong hành động, Chân trong tri thức, và Mĩ trong sự hoàn thành các quá trình nghiệm sinh, qua đó ý thức biến thế giới tự nhiên thành nhân giới, xứng đáng với con người. » (la conscience dans son appel à soi même pose l'exigence du bien dans l'action, du vrai dans la connaissance, et du beau dans l'achèvement des processus vécus. Par là, la conscience fait du monde naturel un monde humain, valable pour l'homme. Un itinéraire. Một hành trình. Tác giả xuất bản, Paris 1992.)

Một bài thơ nhữ nho và đoạn văn tiếng pháp nêu trên, chúng cách nhau đến 7 thế kỷ, đọc qua tưởng chừng như chẳng dính dáng gì nhau. Đọc kỹ lại nhận biết hai cách diễn đạt khác nhau, một bên là thi pháp phương Đông, bên kia là lập luận triết học, thơ thiền thì cảm nhận, tiểu luận thì nhận thức. Đọc kỹ hơn, chúng cùng một thông điệp trong dòng chảy văn hiến, giống như hai bờ của một dòng sông, bờ này là vách đá, bờ kia là đất pù sa của cánh đồng. Cụ thể hơn, bài thơ của Trần Nhân Tông nêu lên thái độ nhân sinh bằng truyền cảm qua bút pháp tượng trưng của thơ thiền, tiểu luận của Trần Đức Thảo cũng xác lập thái độ hiện sinh bằng phân tích rạch ròi theo triết luận phương Tây. Rõ ra thái độ trước thân phận làm người chính là dòng nước chảy giữa hai bờ ấy.

Nhiều nhà nghiên cứu thơ thiền đều có chung cảm nhận bài Trăng: Trong đêm khuya tĩnh lặng giữa không gian hư vô, thức giấc nhìn thấy hoa nhờ trăng sáng, người trí thức (giường đầy sách qua ánh đèn) ngừng đọc, và người lao động chân tay (tiếng chày đập vi không còn nghe) đã nghỉ việc, làm bật lên hình tượng ánh trăng soi sáng hoa mộc tê, cũng là làm bật lên chủ đề hòa nhập tâm hồn người vào tịch lặng của tự nhiên bao la, nói cách khác bản thể vũ trụ đã cuốn hút bản ngã trở vế. Phải chăng chủ đề trên là nôi dung của câu nói đầy khát vọng :…”qua đó tạo ra ý thức về biến thế giới tự nhiên trở thành thế giới con người”… của Trần Đức Thảo? Vì hai chỗ đứng đối diện nhau, nên cách nói về hòa nhập khác nhau, thiền sư Trần Nhân Tôn, trực cảm và tổng quan, (Mộc tê hoa thượng, nguyệt lai sơ – ánh trăng sáng là biểu tưng của vũ tru), đứng ở phía bản thể vũ trụ (dòng năng lượng tâm linh) thu hút bản ngã (năng lượng vật chất và tinh thần cá nhân) để giúp con người thanh thản và sáng suốt. Nghĩa là con người giao cảm với vũ trụ để có được sức mạnh và tự do của vũ trụ.

Trong lúc triết gia Trần Đức Thảo theo tập quán triết học phương Tây, luận lý và phân tích, cho rằng nhờ ý thức (la conscience fait du monde naturel un monde humain), mới thu hút tự nhiên, trong đó có cả bản năng đông vật - con người, phát triển thành thế giới văn minh đích thực, giúp con người tự do và sáng suốt.

Tuy nhiên vấn đề không nằm ở chỗ khác nhau bề ngoài của cái vỏ của diễn đạt tư tưởng, mà chính là nhìn thấy được cốt lõi tư duy của thiền sư và triêt gia, cần hòa nhập lẫn nhau mới thật sư có tự do, thanh thản và sáng suốt.

Ở đây, không nêu vấn đề tranh cãi đúng sai của chỗ đứng, lại càng không bàn về duy tâm hay duy vật, mà tập trung nhìn nhận thái độ hòa nhập giữa chủ thể và khách thể của thiền sư và triết gia, cả hai chung một dân tộc và lịch sử tổ quốc Việt Nam.

Vui lòng nghiền ngẫm một bài thơ khác của Trần Nhân Tông: Đăng Bảo Đài Sơn

Địa tịch đài dũ cổ

Thì lai xuân vị thâm

Vân sơn tương viễn cận

Hoa kính bán tình âm

Vạn sự thủy lưu thủy

Bách niên tâm ngữ tâm

……..

Tạm dịch:

Đất hoang vắng đài cổ kính

Tới đây mùa xuân chưa qua

Mây núi xa gần gần quấn quít

Đường sáng chập chờn trổ hoa

Sự đời nước cuốn xa tít

Trăm năm dặn lòng ta.

Bài thơ toát lên thần khí của triết lý sống: con người tự do : phá chấp,vô ngã. Thời đại Lý Trần, nhà thơ luôn xóa bỏ cách nhìn phân chia đối kháng: niết bàn và địa ngục; mê muội và giác ngộ, người phàm và bậc thánh…Suy ra theo khái niệm phương Tây ngay nay thì chẳng cần phân chia chủ thể và khách thể; tất nhiên và ngẫu nhiên; nội dung và hình thức.v.v…Vì vậy phải có bản lĩnh tìm ra cách sống hòa điệu với vũ trụ, tự tin ở chính mình để hành động tự do.

Thiền sư phá chấp ngay với chính lý tưởng Phật pháp. Mặc dù Phật giáo thâm nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ hai, và có nhiều bằng chứng cho biết xứ Giao Châu (nơi phát nguyên của dân tộc Viêt Nam) theo đạo Phật trước cả Trung Quốc, thế mà thái độ phá chấp đến mức có thiền sư đã viết: mê chi cầu Phật/hoặc chi cầu thiền (Ni sư Diệu Nhân)

Tuệ Trung còn nói: “Phật và Tổ cuối cùng chẳng cần lễ”. Vì nếu cầu Phật, cầu Thiền chính là “chấp ngón tay mà quên mặt trăng”. Cũng một tinh thần như vậy mười ba thế kỷ sau, Trần Đức Thảo đã phê phán một lãnh tụ vì ông này chỉ biết rằng chân lý là do va chạm, tranh biện giữa những ý kiến trái ngươc nhau theo phép biện chứng Platon, thay vì phải bắt nguồn từ biện chứng của Héraclite, theo hướng sự vật luôn luôn vận động, tương tác ,biến dổi và chuyển hóa( sự đời theo dòng nước trôi trong tự nhiên). Từ đó Lãnh tụ nọ diễn giải giáo điều và chủ quan duy ý chí cho nhiều vấn đề thực tiễn, gây tác hại lớn vào những quốc gia theo chủ nghĩa Marx. Còn nhiều lập luận của Trần Đức Thảo và thơ thiền của Trần Nhân Tông làm sáng tỏ sự phá chấp, không giáo điều; Còn vô ngã, hai ông viết ra sao?

Dưới đây là một bài thơ thiền với thông điệp vô ngã tuyệt hay của Trần Nhân Tông:

Xuân hiểu

Thụy khởi khải song phi

Bất tri xuân dĩ quy

Nhất song bạch hồ điệp

Phách phách sấn hoa phi

Buổi sớm mùa xuân

Ngủ dậy ngỏ song mây

Xuân về vẫn chửa hay,

Song song đôi bướm trắng,

Phất phới sấn hoa bay.

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Trong khi Trần Nhân Tông, cảm nhận mùa xuân vẫn cứ đến dù người có biết hay không? Cái tiểu ngã chẳng cần phải tách khỏi cái mênh mông của thiên nhiên, không vì thế mà con người thiếu tự tin, tự hào để làm việc phải làm. Và Trần Đức Thảo khi nhận định về chủ nghĩa hiện sinh của Jean Paul Sartre đã viết: chủ nghĩa hiện sinh dẫn đến nghịch lý là hiện hữu của tôi, mặc dù được xem như tồn tại hiện thực, vẫn tiếp tục đối lập với thế giới và chối bỏ tự nhiên bao quanh mình, như thế không phải là chủ nghĩa hiên sinh và lại càng không vô thần được. Trong tác phẩm Chủ Nghĩa Tồn Tại và Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng (Existentialisme et Matérialisme Dialectique – 1949), Trần Đức Thảo viết : « bởi vì thế giới hiện thực chỉ có thể là cái thế giới phơi mở trước mắt tôi, với tất cả ý nghĩa có thể có đối với tôi, trong khi tôi trầm luân trong ấy», tiểu ngã của mỗi người không thể tách rời hiện thực vũ trụ, nếu không muôn hư vô hóa, cho nên Sartre luôn bị ám ảnh l’Être et le Néant( hữu thể và hư vô).Người viết minh chứng điều này không nhằm đề cao hay hạ thấp một trong hai triết gia, hai bộ óc xuất sắc của thế kỷ 20. Ai cũng biết Trần Đức Thảo và Jean Paul Satre tương kính nhau, ông Thảo từng nói Sartre là triết gia biết đặt những câu hỏi đáng đặt ra nhất. Ở đây muốn nói Trần Đức Thảo cùng một tư duy vô ngã với thiền sư Trần Nhân Tông, vì triết học hiện sinh thực chất là tô đậm bản ngã, tách rời với thực tại, với bản thể vũ trụ.

Phải chăng thái độ văn hóa của hai triết gia ấy cũng tương tự như ở thế kỷ 13;14 những nhà Nho dù bài bác Phật, vẫn làm bạn với Thiền Sư.( Trương Hán Siêu ; Phạm Sư Mạnh…). Vì vậy, thời đại này được cho là tam giáo đồng nguyên; đồng nguyên ở chỗ Phật luôn lưu ý nguồn gốc, bản chất con người..(hình nhi thượng), Nho để tâm vào trách nhiệm, mục đích sống của con người(hình nhi hạ), Lão gần như một lực lượng thứ ba trong triết học phương đông. Bài thơ sau đây của trần Anh Tông với thông điệp dung hòa giữa Phật và Lão: Dã bất tạo ác/dã bất tu thiện/thụy lai đã miên/cơ lai khiết phạn/tòng tha nhiễu nhiễu/nhậm nhĩ phân phân/nguyên lai y cựu/thái vũ chủ nhân. (cũng không gieo ác/ chẳng thèm làm lành/buồn ngủ vào giấc/bụng đói liền ăn/kệ nó nhiễu xách/hỗn độn mặc tình/xưa nay nào khác/là chủ vũ trụ. Suy cho cùng trong thế giới vật chất, con người có rất nhiều vật dùng, tùy việc mà sử dụng. Không thể lấy dao cắt cỏ ra phát ruộng, mà phải dùng máy cày. Tại sao trong thế giới tinh thần, không biết khéo léo kết hợp những ưu thế của nhiều học thuyết để tạo ra bản lĩnh phù hợp với thực tại ? Điều này hoàn toàn khác với thỏa hiệp hoặc chia ghế quyền lực, đó là kết tinh của nhiều tinh túy để có nguyên khí quốc gia.

Trần Đức Thảo đã thưc hiện khát vọng trên từ giữa thế kỷ 20, lúc ông viết : Chủ nghĩa Marx và hiện tượng học. Nhà triết học RoLant Barth mở đầu điểm sách viết : « Quyển sách của Trần Đức Thảo là một thử nghiệm liên kết hai phương pháp cho đến nay vẫn bị xem là thù địch bởi những người chủ trương của cả hai phía : hiện tượng học của Husserl và chủ nghĩa duy vật biện chứng ». Điều tạo ra hòa nhập thể giữ hai phái thù địch, truyền thống duy lý Platon chưa hề xảy ra ở trời Tây, chắc chắn triết gia Thảo làm việc này bắt nguồn từ tiềm thức sâu thẳm của triết học phương Đông.

Ý nghĩa của sự kết hợp đó đã giúp cho một thời đại biết tự thấy những giới hạn của mình, mà nhà triết học Rolant Barth đã đúc kết: « Rất đặc sắc, sự chứng minh của Trần Đức Thảo có giá trị lớn là đã đặt sự tiến hoá của tư tưởng và huyền thoại vào trong sự tiến hoá của Lịch Sử chiều sâu, đó là lịch sử của sở hữu, hay đúng hơn nữa, của ý tưởng sở hữu. Chắc hẳn đây không phải là một hệ thống phương trình đã giải cạn những giai đoạn của Lịch Sử. Như đã được viết, quyển sách của Trần Đức Thảo tiêu biểu cho tình trạng sau cùng - nhưng chưa phải là tối hậu - của chủ nghĩa Marx tư duy »

Phải chăng tình thế Việt Nam luôn yêu cầu người yêu nước chân chính phải biết hòa nhập trong tư duy, bao dung trong xử sự và luôn phải động nảo độc lập thoát khỏi mọi ràng buộc tầm thường như hư danh và hư vị, phần lớn do giáo điều và học thuyết ngoại bang mang lại, làm chia rẻ và hủy hoại tinh hoa của dân tộc.
Trần Nhân Tông một nhà vua lãnh đạo chống ngoại xâm lừng l
y, đại thắng chấn động hành tinh, xã hội thịnh trị, cũng chính là thiền sư, Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm, nói theo bây giờ là triết gia, sáng lập học thuyết đặc trưng cho dân tộc.
Trần Đức Thảo, triết gia, biện luận xuất sắc của chủ nghĩa Marx và Hiên tượng luận Hurserl, từ bỏ môi trường thuận lợi , lao vào kháng chiến và chịu đựng những bất công sau đó ; sáng tạo ra con đường tư tưởng mới cho nhân loại, trước hết là vì Việt nam (dù còn dở dang, tin chắc rằng thế hệ sau sẽ phát triển tiếp)

Hai nhà tư tưởng vĩ đại đủ xóa bỏ mặc cảm Việt Nam không có triết gia, và khẳng định đặc trưng của triết gia Việt Nam là không duy lý giáo điều, không cực đoan, tạo ra một hòa nhập có tính toàn cầu, phù hợp với những thành tựu của cấu trúc vĩ mô không-thời gian và hấp dẫn lượng tử, mà những nhà vật lý vũ trụ hậu bán thế kỷ 20 đã chứng minh bằng toán học.

Đã đến lúc, mỗi người Việt Nam không nên suy nghĩ theo quán tính, hoặc giao phó tư duy cho người khác, đặc biệt là những người giữ trọng trách. Nghiên cứu Trần Nhân Tông và Trần Đức Thảo toàn diện và sâu sắc sẽ giúp hóa giải bế tắc triết học của nhân loại hiện nay.

TRIỆU TỪ TRUYỀN

Gia Định-Vientian, tháng 6/2009

Nguồn: http://lethieunhon.com/read.php/3723.htm

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2009

CHỮ QUỐC NGỮ VÀ QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ

1. Về phương diện từ ngữ

Tự điển Pháp Việt của Ðào Duy Anh định nghĩa chữ “soldat” là lính chiến. Chữ “soldier”, theo Anh-Việt từ điển của Nguyễn Văn Khôn cũng có nghĩa là binh lính. Thực ra, chữ “missionnaires” mới có nghĩa là những thừa sai. Tôi chưa bao giờ thấy ai dịch chữ “soldat” là lính thừa sai, và cụm từ “la conquête de tout l’Orient” là “nước Cha trị đến”. Vả lại, danh từ “La France” (nước Pháp) chứ không phải danh từ “Eglise francaise” (Giáo hội Pháp) là chủ từ của mệnh đề đó, nên chữ “soldat” phải được hiểu là “lính chiến” chứ không thể hiểu ẩn dụ là “lính thừa sai” được. Trong chính phủ Pháp không làm gì có lính thừa sai để cha xin, mà chỉ có lính chiến mà thôi.

Cũng trong cuốn Hành trình và truyền giáo, Linh mục de Rhodes viết:

“Tôi đi qua Marxây và Lyon rồi tới Paris; theo tôi thì Paris là thu gồm hay đúng hơn là bản mẫu tất cả những gì đẹp nhất tôi đã thấy ở khắp trái đất này” (cuối tr. 263). Sau 3 dòng này, Linh mục de Rhodes viết rõ thêm ý nghĩ của mình:

“Trên đường từ Lyon tới Paris tôi nghiệm thấy có sự quan phòng rất đặc biệt của Chúa tôi vẫn coi như kim chỉ nam và mẫu mực. Ðể ra mắt ở Pháp tôi cần có thiên thần hộ vực để đưa tôi lọt vào triều đình vua cao cả nhất hoàn cầu. Thế là tôi gặp ở Roanne đức Henri de Maupa, giám mục thành Puy, tu viện trưởng Saint Denis, đệ nhất tuyên úy của Hoàng hậu. Ngài có nhã ý cùng đi với tôi trong cuộc hành trình nhỏ bé này. Trong mười lăm ngày, tôi thấy nơi ngài rất nhiều nhân đức và thương yêu, suốt đời tôi, tôi quí mến công ơn và sẽ đề cao cuộc hội ngộ may mắn nhất trong suốt các hành trình của tôi”. (đầu tr. 264).

Ðoạn văn trên cho thấy, chính linh mục Alexandre de Rhodes đã nhờ Giám mục thành Puy, Henri de Maupa, cũng là tuyên uý của Hoàng hậu vợ vua Louis XIV, dẫn vào triều đình để vận động xin giúp nhiều lính chiến (plusieurs Soldats) để chinh phục toàn cõi phương Ðông (la conquête de tout l’Orient, trong đó có Việt Nam). Tuy sự vận động đó chưa thành hình vào thời điểm của ông, nhưng nó đã mở đường cho Pháp xâm lăng nước ta 206 năm sau. [Lính Pháp đổ bộ lên Ðà Nẵng ngày 1.9.1858.]

Chưa hết, tiếp theo đoạn vừa dẫn, Linh mục de Rhodes cũng đã bộc lộ thêm:

“Tôi chưa công bố thánh chiến chống mọi địch thù của đức tin ở Nhật, ở Trung Quốc, ở Ðàng Trong, ở Ðàng Ngoài và ở Ba Tư thì lập tức đã có một số đông con cái thánh Inhaxu, đầy tinh thần đã đưa thánh Phanchicô Xavie tới ba trăm quốc gia, các ngài đã bừng bừng ao ước vác thánh giá Thầy và đem đi cắm những nơi cùng kiệt cõi đất.” (giữa tr. 264)

Sự việc quá rõ như thế, nhưng các Gs. Chương Thâu, Gs. Ðinh Xuân Lâm và nhà nghiên cứu Nguyễn Ðình Ðầu không biết lý do nào đã không đọc hết một trang mà chỉ đọc một đoạn (hơn sáu dòng, tr. 263) trong Hồi ký của Linh mục de Rhodes rồi diễn giải tùy tiện.

Ðể việc biện chính được rõ hơn, tôi sẽ trở lại vấn đề này và dẫn thêm sử liệu để cho thấy tại sao cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes) không xin Giáo hội Pháp mà xin chính phủ Pháp.

2. Yếu tố kinh tế và xu hướng của các thương gia

Nửa đầu thế kỷ 17, các nước phương Tây như Pháp, Bồ Ðào Nha chú ý đến biển cả để buôn bán với các nước bên ngoài, đặc biệt là các nước Viễn Ðông. Do đó, sử gia Stanley Karnow, khi tìm hiểu nguyên nhân thu hút người Tây Phương đến Á Châu, đã viết:

“Sự giàu có của Á Châu, thực tế và huyền thoại, đã kích thích Châu Âu. Những nhà du hành như Marco Polo đã trở về với câu chuyện nín thở về những ngôi đền Miến Ðiện ‘được bọc vàng dày một ngón tay’, và các bờ biển Ấn Ðộ ‘cát được sáng chói với những viên ngọc thạch và những quặng kim loại quí giá’. Chưa có loại thực phẩm Châu Á nào có thể sánh với hồ tiêu, đậu khấu, sả và các gia vị đặc biệt khác để ướp thực phẩm, đặc biệt là trong những vùng khí hậu ấm hơn của miền nam Âu Châu.” [1]

Trong chiều hướng đó, Linh mục Ðắc Lộ cũng đã kích thích các thương gia qua cách diễn tả lạc dẫn để “thuyết phục các lãnh tụ tôn giáo và thương gia Pháp bằng một hình ảnh là nước Việt Nam đã đến giai đoạn chín muồi để dân chúng theo Công giáo, và là một quốc gia thần tiên với tài nguyên vô tận, ngay cả người đánh cá cũng dùng lưới làm bằng tơ lụa”.

Ðắc Lộ mô tả tình hình kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ như thế, hoàn toàn không đúng: Việt Nam đâu có giàu như vậy. Nhưng tại sao Cha lại nói dối? Phải chăng là để kích thích lòng tham của chính phủ Pháp và các giới thương mại? Và việc từ thương mại đến vũ trang để chiếm đoạt và khai thác quyền lợi kinh tế đâu phải là một đoạn đường dài và không thuận lý?

3. Về bối cảnh chính trị và tôn giáo

Từ năm 1493, Giáo hoàng Alexander VI đã ban hành giáo lệnh giao cho Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha có quyền sở hữu và khống chế cả thế giới. Vì thế, Cố A. de Rhodes viết rất đúng với hiện thực chính trị lúc bấy giờ rằng: “Tôi tưởng nước Pháp là một nước đạo đức nhất thế giới, nước Pháp có thể cung cấp cho tôi nhiều chiến sĩ đi chinh phục toàn cõi phương Ðông.”

Tại sao Cha Ðắc Lộ không xin Giáo hội Pháp mà xin nước Pháp? Vì về mặt giáo quyền, Giáo hội Pháp bị ràng buộc bởi giáo lệnh của Giáo hoàng Alexander VI, 4.5.1493, nên Linh mục de Rhodes không thể xin Giáo hội Pháp lính thừa sai (missionnaires) được. Vì vậy, khi Cha Ðắc Lộ tiếp cận nước Pháp (hay bất kỳ nước nào khác, ngoại trừ Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha) là để xin lính chiến, hoặc để xin gì cũng được, ngoại trừ những gì liên can đến Giáo hội như giáo sĩ, giáo sản và giáo quyền… Cha Ðắc Lộ dùng chữ soldats (lính chiến) rất chính xác. Nước Pháp hay chính phủ Pháp làm gì có quyền cung cấp các vị thừa sai cho Cha? Hoàng hậu và vua Louis XIV thì có quân đội, chứ làm gì có linh mục, giám mục trong đó mà cha vào gặp vợ vua để xin?

Căn cứ vào từ ngữ và bối cảnh lịch sử như thế, nên sử gia Helen Lamb trong cuốn Vietnam’s will to live, tr. 38, rất đúng khi dịch chữ “soldat” (tiếng Pháp) ra tiếng Anh là “soldier” có nghĩa là lính chiến. [New York, 1972]

Ðể tránh tình trạng có thể bị hiểu lầm hay có sự “nhạy cảm” về tôn giáo, thay vì trích sắc lệnh của Giáo hoàng ở một sách khác, tôi sẽ trích từ sách Thập giá và lưỡi gươm của linh mục Trần Tam Tỉnh. Qua sắc lệnh, chúng ta thấy linh mục Ðắc Lộ không thể xin Giáo hội Pháp mà có thể chỉ xin chính phủ Pháp mà thôi. Nguyên văn:

“..., quyền lợi của Bồ Ðào Nha đã được phân định rõ ràng trong sắc chỉ “Romanus Pontifex” do Ðức (Giáo hoàng) Nicholas V (1447-1455) ra ngày 8 tháng Giêng năm 1454. Theo quyền lực Chúa ban và quyền lực của Tòa thánh, Ðức Giáo hoàng ban cho triều đình Lisbon (Bồ Ðào Nha) “toàn quyền tự do xâm lăng, chinh phục, chiến đấu, đánh giặc và khuất phục tất cả các quân Sarrasins (tức người Ả Rập), các dân ngoại đạo và các kẻ thù khác của Giáo hội, gặp bất cứ nơi nào: được toàn quyền chiếm cứ tất cả các vương quốc, lãnh địa, vương hầu, đất đô hộ và tài sản của chúng; toàn quyền chiếm đoạt tất cả của nổi và của chìm của chúng và bắt tất cả chúng nó làm nô lệ vĩnh viễn”.

“Khi ban quyền cho người Bồ Ðào Nha được chiếm mọi thứ lợi lộc kể trên, Giáo hoàng đồng thời cũng muốn mở mang nước Chúa sang các miền xa xôi. Và để nhà vua Bồ Ðào Nha yên tâm hơn, Giáo hoàng ra lệnh cấm không một ai khác được phép đặt chân tới các vùng đất ấy nếu không có phép của nhà vua, dành cho nhà vua độc quyền buôn bán và ra vạ tuyệt thông tức khắc cho bất kỳ ai dám hành động ngược lại.” [Trần Tam Tỉnh, Thập giá và lưỡi gươm, Paris: Sudestasie, 1978, tr. 14-15].

“Năm 1492, Christopher Columbus khám phá ra những vùng đất mới mà ông nghĩ là Ấn Ðộ. Một nửa thế kỷ trước đó, thương thuyền Bồ Ðào Nha cũng đã chạy dọc theo bờ biển phía Tây Châu Phi. Ít năm sau, năm 1497, Vasco de Gama, người Bồ Ðào Nha, đã phát hiện đúng con đường sang Ấn Ðộ.

“Ngày 4 tháng 5 năm 1493, qua sắc chỉ “Inter caetera” (“giữa những điều khác”), Giáo hoàng Alexander VI giao quyền chinh phục các vùng đất kể trên mà các dân Phương Tây chưa từng biết, cho các triều đình nước Tây Ban Nha và Bồ Ðào Nha. Tây Ban Nha có quyền đi chiếm tất cả các đất đai gặp được ở một trăm dặm kể từ quần đảo Azores, còn Bồ Ðào Nha, tất cả các nước nằm ở mạn Ðông đường ranh đó (quần đảo Azores ở mạn giữa cắt đôi Ðại Tây Dương.” [Trần Tam Tỉnh, Sđd., tr. 14].

Các Giáo hội Công giáo ở các quốc gia, dĩ nhiên, không ai dám phản đối các sắc lệnh của Giáo hoàng. Nhưng chính quyền các nước Âu châu ngay từ lúc có giáo lệnh của các Giáo hoàng cho đến mãi về sau đã không thừa nhận các giáo lệnh đó. Ngay cả nữ hoàng Elizabeth I (1533-1603) cũng phản đối. Năm 1540, vua Francis I của Pháp công khai chống đối ra mặt bằng câu mỉa mai: “Ai có thể chỉ cho ta thấy di chúc của ông tổ Adam giao tất cả thế giới cho Bồ Ðào Nha và Tây Ban Nha?” [2]

Giáo sĩ Ðắc Lộ (hoặc bất cứ một giáo sĩ nào) không thể trông cậy vào Giáo hội Pháp (hoặc bất cứ một giáo hội nào) nên ông đã vào triều đình Pháp để xin lính chiến là do bối cảnh chính trị tôn giáo trong thời kỳ đó như thế. Nhưng trong thời gian trị vì, vua Louis XIV bận rộn với những cuộc chiến tại Âu châu và phí tổn xây cất cung điện Versailles quá lớn, nên việc vận động của giáo sĩ Ðắc Lộ, có lẽ vì thế, mà không thành.

4. Về mặt tâm lý

Cha A. de Rhodes bị Chúa Trịnh đuổi, Chúa Nguyễn đuổi, Trung Quốc đuổi, há ông không xin binh lính (soldats) để phục thù sao? Mà chính cha cũng đã nóng giận lúc viết “Tôi chưa tuyên bố Thánh chiến chống mọi địch thù...” Trong cuốn Phép giảng tám ngày, viết cùng thời với cuốn Hành trình và truyền giáo, cha Ðắc Lộ đòi chém một ông giáo chủ khác:

“Bởi Tam giáo này, như bởi nguồn độc, nhiều sự dối khác. Song le bắt mỗi sự dối ấy chẳng có làm chi, vì chưng biết là bởi đâu mà ra, cho hay tỏ tường là dối thì vừa. Như thế có chém cây nào độc cho ngã, các ngành cây ấy tự nhiên cũng ngã với. Vậy thì ta làm cho Thích-Ca là thằng hay dối người ta, ngã xuống, ...” (Aleaxandre de Rhodes, Phép giảng tám ngày, trang 115 & 116, Tủ sách Ðại Kết, TP. HCM, 1993).

Lúc bình thường được vua yêu chúa mến mà Cố vẫn nóng nảy đòi chém Thích Ca cho ngã huống hồ lúc bị các Vua Chúa Phật tử trục xuất ra khỏi Việt Nam? Phép giảng tám ngày viết như thế dễ bị kết án là một tác phẩm thiếu văn hóa, phi đạo đức, và kém thông minh của cha Ðắc Lộ.

5. Sứ mạng của một giáo sĩ Dòng Tên (Jesuite)

Muốn biết thêm giáo sĩ A. de Rhodes có ý đồ chính trị hay không, chúng ta cũng nên tìm hiểu Cha được đào tạo và trưởng thành như thế nào trong Dòng Tên.

Lời thề của các tu sĩ Dòng Tên trước Giáo Hoàng

“Tôi tên là ... Giờ đây, trước sự hiện diện của Chúa Toàn năng, sự cứu rỗi của Ðức Mẹ Ðồng trinh Maria, của các Thiên thần Michael, của Thánh John Baptist, các Thánh Tông đồ Peter và Paul và tất cả các vị Thánh thần của con, Cha Bề trên của Giáo hội Chúa Jesus, do Thánh Ignatius Loyola sáng lập trong nhiệm kỳ Giáo hoàng Paul III, và tiếp tục đến ngày nay, được tạo thành từ sự trinh nguyên, khuôn mẫu của Chúa và quyền năng của Chúa Cứu thế Jesus.

Xin tuyên thệ rằng:

Sự Thánh linh của Giáo hoàng là đại diện của Chúa Cứu thế, xứng đáng là thủ lãnh duy nhất của Giáo hội Gia Tô hay Giáo hội toàn cầu: và theo bí quyết của sự ràng buộc và buông lơi đã được đấng cứu thế, Chúa Jesus ban cho, ngài có quyền năng truất bỏ các vị Vua Chúa dị giáo (khác tôn giáo), các quốc gia, các nước Cộng hoà Quốc dân và các chính quyền, tất cả đều bất hợp pháp nếu họ không chịu phép bí tích của Chúa và chắc chắn họ sẽ bị hủy diệt.

Do đó, với quyền lực tối hậu của con, con sẽ kiên quyết bảo vệ đường lối, quyền năng và tập quán của Ðức Thánh Cha để chống lại tất cả những kẻ tiếm vị, những tên dị giáo hay giới chức Tin Lành và đối với tất cả những kẻ liên đới, chúng sẽ bị tước đoạt và bị coi là dị giáo, chống lại quyền bất khả xâm phạm của Giáo hội Ðức Mẹ La Mã (Mother Church of Rome).

Giờ đây con xin tuyên bố từ bỏ mọi bổn phận như là món nợ đối với bất cứ những tên Vua Chúa dị giáo hay quốc gia mệnh danh là Tin Lành hay Tự Do hoặc tuân theo bất cứ điều luật tài phán hay viên chức nào của họ.

Con xin tuyên hứa thêm rằng, con sẽ không có ý kiến hay quyết định của riêng mình, ngay cả đặc nhượng tinh thần, thể xác, nhưng con không ngần ngại tuân theo mệnh lệnh của Cha Bề trên trong Vệ binh của Giáo hoàng và của Chúa Jesus.

Con xin tuyên hứa rằng:

Trong mọi trường hợp nếu có dịp, con sẽ tạo ra chiến tranh và tham chiến một cách bí mật hay công khai chống lại tất cả những kẻ dị giáo, Tin Lành và Tự Do mà không hề do dự. Khi được lệnh thi hành, con sẽ tàn sát và triệt hạ tận gốc những tên này trên khắp mặt địa cầu. Con sẽ không từ một kẻ nào: không kể tuổi tác, đàn ông hay đàn bà, con sẽ treo cổ chúng, thiêu chúng, bỏ chúng vào nước sôi, lột da, siết cổ hay chôn sống những kẻ dị giáo, mổ bụng, moi bào thai trong tử cung vợ chúng ra và đạp nát đầu những hài nhi vào tường, trong mục đích hủy diệt một dân tộc đáng ghét.

Khi nhiệm vụ kể trên không thể thi hành một cách công khai, con sẽ bí mật dùng ly thuốc độc, dùng dây thắt cổ, dao găm hay đạn chì, không cần biết đến danh giá, cấp bậc, phẩm hạnh hay quyền hạn của một người hay một nhóm nào, bất cứ hoàn cảnh nào của họ trong cuộc sống, dù đời công hay cá nhân, bất cứ lúc nào được lệnh thi hành của bất cứ vị đại diện nào của Giáo hoàng hay Cha Bề trên, của tình Huynh đệ của Hội Thánh linh Chúa Jesus.

Trong sự xác quyết tuyên thệ, con xin dâng hiến đời con, linh hồn con, và tất cả quyền năng cụ thể của con và với lưỡi dao “thánh giáo”mà con hiện đã nhận được, con sẽ viết tên con bằng chính máu của con, trong lời thề này; nếu con giả dối hay yếu mềm trong quyết định của con, thì người đại diện hay bạn đồng ngũ, vệ binh của giáo hoàng có thể cắt bỏ tay chân con, cưa cổ con từ tai này qua tai kia, banh bụng con nhét lưu huỳnh vào mà đốt, con xin chịu tất cả những hình phạt đau đớn trên trái đất và linh hồn con sẽ bị quỷ sứ dưới địa ngục hành hạ đời đời!” [Bản dịch Thái Vân, Gia Tô thực dân sử liệu của Chu Văn Trinh, Văn Sử Ðịa 1990, in lần thứ ba. Ban Tu thư Tự lực, trang 255-257). [3]

Nếu so sánh một phần nhỏ của lời thề trên với những gì Cha công kích mạt sát Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo và truyền thống thờ cúng ông bà tổ tiên trong cuốn Phép giảng tám ngày, thì việc thóa mạ các tôn giáo ấy vẫn còn quá ít.

Sử liệu cho thấy Linh mục A. de Rhodes gia nhập Dòng Tên lúc 19 tuổi (1612), ông đến Macao năm 1623, đến Quảng Nam và Thuận Hoá cuối tháng 12.1624. Ông ở Việt Nam khoảng sáu đến tám năm. Trong suốt thời gian này, Cha Ðắc Lộ không bị dứt phép Thông công, không bị khai trừ ra khỏi Giáo hội, nghĩa là Cha vẫn theo Dòng Tên.

Với sứ mạng của một giáo sĩ Dòng Tên mà Linh mục A. de Rhodes (Ðắc Lộ) đã thề, thì chữ "soldat", có thêm một lý do nữa, không thể nào dịch là “lính thừa sai” (tức giáo sĩ) được mà phải dịch là lính chiến, và cụm từ "la conquête de tout l’Orient" cũng không thể dịch là “nước cha trị đến” mà phải dịch là đến thống trị phương Ðông.

6. Tại sao chúng ta sai lầm?

Qua năm phần trình bày trên, tôi thấy bất cứ ai có cái nhìn khách quan cũng không thể nói là linh mục A lexandre de Rhodes không có thâm ý kêu gọi chính phủ Pháp xâm chiếm nước ta bằng chính trị và vũ lực, và hai cụm từ "plusieurs soldats""la conquête de tout l’Orients" cũng không thể hiểu theo nghĩa ẩn dụ là lính thừa sai và nước cha trị đến được.

Nhưng tại sao qua cả hai cuộc hội thảo tại Việt Nam năm 1992 và 1993 có hằng trăm sử gia, học giả và những vị khoa bảng cao cấp lại đưa đến những quyết định sai lầm trầm trọng đến thế? Sai lầm tầm trên cỡ quốc gia? Theo tôi, nhiều hội thảo viên, mặc dầu là những nhân vật khoa bảng nhưng thiếu sử liệu, nhất là thiếu một cuốn sử liệu quan trọng bậc nhất. Ðó là cuốn Hành trình và truyền giáo. Thật vậy, sách do Hồng Nhuệ dịch và chỉ mới được xuất bản lần đầu (?) tại Việt Nam năm 1994, mà hai lần hội thảo thì được tổ chức vào các năm 1992 và 1993. Riêng GS Chương Thâu, và nhất là linh mục Hồng Nhuệ là hai người, tôi nghĩ, biết rất rõ về Ðắc Lộ, vì hai vị có trong tay cuốn tư liệu này. Hơn nữa, linh mục Hồng Nhuệ còn đỗ tiến sĩ Thần học về phân tích cuốn Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes, và cũng là dịch giả cuốn Hành trình và Truyền giáo nói trên. Nhưng vì tình cảm tôn giáo hay một lý do riêng tư nào đó, hai ông đã tranh biện với những hội thảo viên, không có tài liệu, để bênh vực một cách rất sai lầm về Ðắc Lộ. GS Chương Thâu, thay vì trích dẫn đầy đủ cả ba đoạn quan trọng trong hơn một trang sách (trang 263 & 264) thì chỉ trích một đoạn (trang 263) mà thôi. Như vậy, GS Chương Thâu không những đã phạm vào cái lỗi mà ông phê bình GS Hoàng Tuệ, là “Trích không trọn câu đủ ý,” lại còn biện bạch và khuynh chế các hội thảo viên để “đưa ra nhiều kiến nghị với các cấp có thẩm quyền... nhằm khôi phục vị trí ‘xứng đáng’ cho linh mục A. de Rhodes”. [Hệ quả của vấn đề là một đất nước từng tự hào, một cách có thực, có bốn ngàn năm văn hiến và đánh thắng ba cường quốc vĩ đại của thế giới lại đi vinh danh một người không những bất xứng mà là một gián điệp ngoại bang làm hại đất nước ta!]

Tóm lại, qua sáu luận điểm nêu trên, chúng ta thấy, với Linh mục Ðắc Lộ, truyền đạo chỉ là một trong những bước đầu để biến những người dân thương yêu tổ quốc thành những kẻ ly khai với xứ sở, và việc kêu gọi chính phủ Pháp xâm chiếm nước ta để vừa làm nhiệm vụ một tông đồ truyền giáo vừa làm nhiệm vụ một công dân yêu nước (Pháp).

Vì thế, không phải vô cớ Cha Ðắc Lộ bị Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn và cả chính quyền Trung Quốc đuổi ra khỏi nước.

Khí cụ chữ Quốc ngữ

Ngoài ra, để góp ý về vai trò của chữ Quốc ngữ trong lịch sử văn hóa nước ta, tôi xin trích những đoạn nói về mục đích của chữ Quốc ngữ trong sách lược chính trị của Giám mục Puginier. Dẫu Giám mục Puginier không sống đồng thời với Cha Ðắc Lộ, nhưng chiến lược lịch sử thì giống nhau, vì đây là một trong những công cụ đã được sáng chế bởi những Giáo sĩ đi trước Giám mục Puginier.

Mục đích việc sử dụng chữ Quốc ngữ của Giám mục Puginier [4] :

“‘Từ lâu, tôi chủ trương dạy và dùng chữ Châu Âu để viết tiếng An Nam, nhưng khốn thay, tôi không được ủng hộ trong việc thực hiện kế hoạch mà đã sáu lần tôi đề nghị. Nhưng tôi sung sướng thấy từ hai năm nay, chúng ta hoạt động tích cực trong mục đích này: Ngoài trường dạy tiếng Pháp của phái bộ là trường đầu tiên được thiết lập ngày 8-12-1884, chính phủ còn lập nhiều trường khác từ ngày 5-4-1885.

Cần phải dạy càng sớm càng tốt cho người An Nam viết và đọc được tiếng họ bằng chữ Âu Châu, việc này dễ hơn và tiện lợi hơn dùng chữ Nho. Trong vài năm sau, cần phải bắt buộc mọi giấy tờ chính thức không được viết bằng chữ Nho như trước nữa, phải viết bằng tiếng trong nước, mỗi viên chức ít nhất phải được dạy đọc và viết tiếng An Nam bằng chữ Châu Âu. Trong lúc đó, việc dạy chữ Pháp sẽ tiến triển nhiều hơn và chúng ta chuẩn bị một thế hệ để cung cấp các viên chức có học tiếng nước chúng ta. Như thế có lẽ trong vòng 20 hay 25 năm, chúng ta có thể bắt buộc mọi giấy tờ đều viết bằng tiếng Pháp, do đó chữ Nho sẽ dần già bị bỏ rơi mà chúng ta chẳng cần phải cấm đoán gì.

Khi chúng ta đạt được thành quả lớn lao đó, chúng ta xóa đi của nước Trung Hoa một phần lớn ảnh hưởng tại An Nam và phe trí thức An Nam là phe rất căm ghét sự thiết lập thế lực Pháp, cũng sẽ bị tiêu diệt dần dần.

Vấn đề này có tầm quan trọng rất lớn, sau khi đạo Thiên chúa được thiết lập, tôi xem việc tiêu diệt chữ Nho và thay thế dần dần ban đầu bằng tiếng An Nam, rồi bằng tiếng Pháp như là phương tiện rất chính trị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập nên tại Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ ở Viễn Ðông.’

Ngoài việc Thiên chúa giáo hoá xứ này và xóa bỏ chữ Nho, Giám mục Puginier còn đề nghị một số biện pháp thực tế khác để cũng cố nền thống trị Pháp ở Bắc kỳ: Cho định cư tại ven biên giới Việt Nam, tiếp cận Trung Hoa, các nhóm dân thân hữu và trung thành với nước Pháp, sử dụng các dân tộc ít người trong công việc bình định, đào tạo một đội quân Pháp theo mẫu quân đội Ấn Ðộ xưa kia, tạo lập một nông trại kiểu mẫu do tu sĩ Dòng Luyện Tâm đảm đương, giảm bớt chi phí và thuế má để chinh phục (lòng quý trọng và thương yêu) của dân chúng… (Hiện nay dân miền thượng bị lỗi đạo cũng nằm trong kế hoạch này, BK)

Giám mục kết luận:

‘Tôi đã làm việc gần 30 năm trong phái bộ và tôi biết khá nhiều về đất nước này để bảo đảm được rằng nếu chính phủ chấp thuận theo kế hoạch mà chúng tôi hân hạnh đưa ra, thì không bao lâu nữa Bắc Kỳ sẽ thành một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông mà tôi một lòng tha thiết muốn xây dựng.’

Là giám mục Hà nội, người cầm đầu phái bộ lớn nhất ở Bắc Kỳ đã giúp rất nhiều cho đoàn quân chiếm đóng Pháp nhờ sự hiểu biết rộng lớn về đất nước này, Puginier lúc nào cũng là vị cố vấn được nghe theo nhiều nhất, là kẻ hợp tác mà giới chức Pháp luôn tôn trọng. Tóm lại, ông ta là Laviegerie ở Ðông Dương.

Trong một “văn thư dành cho bộ trưởng” đề ngày 4-4-1884, Puginier được kể như là kẻ góp phần nhiều nhất cho cuộc xâm lăng Bắc Kỳ:

‘Trong thư từ chính thức của thiếu tá Rivière và những người kế tiếp ông ở Bắc kỳ, Giám mục Puginier thường được nêu lên vì đã có những phục vụ lớn lao cho nước Pháp. Nhờ sự hiểu biết đầy đủ của ông ở xứ này, nhờ có nhiều tin tức do thám do các tín đồ Thiên chúa giáo Bắc Kỳ cung cấp mà bộ tổng tham mưu đã có thể nhận nhiều thông tin về xứ này, như về đường sá ở Sơn Tây, Bắc Ninh, Hưng Hoá… chính nhờ có các chỉ điểm đó mà chúng ta tìm được chiếc đầu của thiếu tá Rivière cùng các bạn đồng đội không may của ông. Ở đây tôi không nói đến vai trò chính của chính trị mà giám mục đã đóng từ khi chúng ta đến Bắc kỳ. Thất vậy, ông đã nghe theo tiếng gọi vừa là quyền lợi của người lãnh tụ đạo Thiên chúa, vừa là tình cảm yêu nước, và chính phủ có thể đi đến chỗ không tán thành hết mọi hoạt động của ông, nhưng ngoài những nhận xét đó ra tôi thấy dường như khó khăn mà bỏ qua, không nói đến công việc đặc biệt mà Giám-mục Puginier đã giúp cho đoàn quân chiếm đóng.’”

Gậy ông đập lưng ông

Ðoạn trích sau đây là của giáo sư Trần Chung Ngọc, tiến sĩ vật lý tại Hoa Kỳ, đăng trên Vietnet, cho thấy các bậc cha ông chúng ta đã biết sử dụng “Vũ khí Việt ngữ” của thực dân chế tạo để giải phóng đất nước như thế nào:

“Những nhà cách mạng như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… nhận ra tầm quan trọng của công việc mở mang dân trí và cổ xuý việc truyền bá Quốc ngữ, do đó Hội Truyền bá Quốc ngữ mới ra đời vào thập niên 1930 và dù thực dân Pháp và các Cha cố Thiên chúa giáo muốn cản cũng không được. Sự phát triển Quốc ngữ cho tới ngày nay là do công ơn của hai cụ Phan dùng đòn (gậy ông đập lưng ông) dùng Quốc ngữ để mở mang dân trí người Việt, xuất bản báo chí bằng chữ Quốc ngữ để phổ biến tinh thần cách mạng Pháp năm 1789, và khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Tình Huynh đệ” thường được dịch thoát là “bác ái” (Liberté, Egalité, Fraternité) và từ đó các phong trào cách mạng đã lan rộng trong quần chúng chủ nghĩa thực dân Pháp phải cáo chung tại Việt Nam.”

Sự sáng tạo ra chữ Quốc ngữ với những mục đích đen tối hiển nhiên không phải là để giúp người Việt mở mang đầu óc, nhưng ông cha chúng ta đã dùng nó làm một vũ khí để khai phóng dân tộc. Vậy chúng ta nên biết ơn ông cha chúng ta hay biết ơn kẻ tạo ra nó với những ý đồ đen tối?

Một tên giặc tới nhà chúng ta tạo ra một vũ khí để dễ bề quyến rũ con em nhẹ dạ theo chúng phản lại tổ tiên, chúng ta dùng ngay vũ khí đó để mở mang đầu óc của tất cả những người ở trong gia đình, nhờ đó mà gia đình chúng ta bảo vệ được truyền thống luân lý đạo đức của gia đình, bảo toàn gia tài của tổ tiên khỏi bị cướp đi. Vậy chúng ta nên nhớ ơn những người trong gia đình có sáng kiến dùng ngay vũ khí của địch để đánh địch, hay nên nhớ ơn kẻ đã mang vũ khí đến nhà chúng ta để cướp đi của cải và gây bất hoà trong gia đình chúng ta?

Tôi hi vọng vấn đề công và tội của Alexandre de Rhodes nay đã sáng tỏ.

Tôi xin kết thúc bài viết với ý kiến cuối cùng sau đây

Dân tộc ta có truyền thống ghi công và biết ơn anh hùng liệt nữ đã đóng góp cho tổ quốc. Và chúng ta thể hiện lòng biết ơn đó qua các biểu hiện vật thể hoặc phi vật thể để vinh danh những vị đó bằng các ngày lễ, đặt tên trường, công viên, đường phố.

Quan trọng hơn, chúng ta phổ biến trung thực và đầy đủ dưới mọi hình thức những công trình và công trạng của những vị này. Nhưng chúng ta cũng không quên những kẻ có tội với đất nước mà tên tuổi và những tội trạng cũng được nghiên cứu để ghi vào sử sách cho người đời này và đời sau lấy đó làm bài học. Tiêu chuẩn lớn nhất để quy định công/tội là họ đã làm gì cho dân tộc và tổ quốc Việt Nam.

Về việc phiên âm tiếng Việt theo mẫu tự La tinh: đây là một công trình tập thể, trong đó có Linh mục Alexandre de Rhodes, nhưng ông chỉ là học trò của các giáo sĩ Bồ Ðào Nha, nhất là của Francisco de Pina.

Do đó, trong bảng ghi công (nếu muốn và cần) chúng ta nên để tên giáo sĩ Bồ Ðào Nha, Francisco de Pina trước tiên, kế đến là Barbosa (tác giả Từ điển Bồ Việt) và Amaral (Từ điển Việt-Bồ). Tiếp theo là giáo sĩ Alexandre de Rhodes, các thầy đồ, sư sãi, nhiều trí thức Việt Nam,và sự đóng góp đắc lực và hữu hiệu của nhiều con chiên. Thêm vào đó, giáo sĩ Ðắc Lộ cũng có công thêm chữ La-tinh vào hai cuốn Từ điển Việt-Bồ và Bồ-Việt của hai giáo sĩ người Bồ để trở thành cuốn Từ điển Việt-Bồ-La [nhưng thay vì đề tên tác giả là ba người, linh mục Ðắc Lộ chỉ để tên riêng mình mà thôi]. Trong quá trình truyền đạo tại Việt Nam, ông cũng viết cuốn Phép giảng tám ngày bằng tiếng La-Tinh và tiếng Việt với mục đích để truyền đạo [trong cuốn sách này có những lời lẽ rất hung bạo, thiếu văn hóa, khinh mạn và thù hận những tôn giáo có mặt trước đó tại Việt Nam]. Nhưng ông cũng có tội lớn là cung cấp thông tin chiến lược, nhiều khi có ý đồ kích động, để vận động nước Pháp xâm chiếm lãnh thổ, kinh tế và khuynh loát chính trị nước ta.

Vậy từ cái công cái tội đó tôi xin đề nghị như sau: Dân tộc ta nên ghi công của Linh mục A. de Rhodes, vì qua tác phẩm dùng để truyền đạo, dân ta cũng lợi dụng được nó để cải tiến thêm chữ Việt phiên âm theo mẫu tự La-tinh. Và nên kết tội ông là kẻ gián điệp sớm nhất trong lịch sử xâm lăng của Tây Phương vào nước ta. Ông đã vào triều đình Pháp vận động để Pháp đánh chiếm nước ta. Hành động chính trị của ông là bước dẫn khởi cho gần một trăm năm nước ta bị Pháp đô hộ và hệ quả của nó vẫn còn di hại cho đến ngày nay.

Tên và tiểu sử của Linh mục cần được ghi lại trong chương trình giáo dục môn sử với đầy đủ công tội. Có như vậy, lịch sử mới rõ ràng, và việc ứng xử của chúng ta mới minh bạch, vì nếu ta không sòng phẳng với quá khứ thì tương lai sẽ không sòng phẳng với chúng ta.

Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, tôi đã có dịp biết đến và/hoặc đối thoại với một số các nhà nghiên cứu khác, nên xin kết thúc bài viết bằng những lời tâm sự với quý vị đó:

a. GS Chương Thâu: Cuối tháng 7.1996, dưới bút hiệu Nguyễn Kha, tôi có viết bài “Góp ý với giáo sư Chương Thâu về vai trò của linh mục Alexandre de Rhodes và nguồn gốc chữ Quốc ngữ” để biện chính với GS về bài viết của ông đăng trên Hiệp Nhất. Từ đó đến nay đã 10 năm, nhưng chưa thấy giáo sư viết bài phản biện để bênh vực quan điểm của mình hay thừa nhận có sự sai sót trong lúc nghiên cứu. Nhân dịp này, ước mong giáo sư lên tiếng. Hoặc đưa thêm chứng cớ cho quan điểm của giáo sư về Linh mục Alexandre de Rhodes, hoặc công khai xin lỗi các đồng nghiệp Viện Sử học, xin lỗi quí vị trong hai cuộc Hội thảo năm 1992 & 1993 mà tôi có nhắc đến trong bài viết này, nhất là xin lỗi Bộ Văn hóa và Chính phủ vì việc nghiên cứu thiếu chu đáo của giáo sư đã làm thương tổn đến không những cho ngành sử học nước nhà mà cho thể diện của quốc gia nữa.

b. TS Thần học Linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên: Xin đề nghị cũng nên có lời xin lỗi cố GS Hoàng Tuệ, vì sau khi bài tham luận của GS (đăng trên tờ Tuổi Trẻ với tựa đề “Ai làm ra chữ Quốc ngữ”) nêu lên những nghi ngờ chính đáng về quan điểm chính trị của A. de Rhodes thì liền bị Linh mục viết bài mạt sát, mang tính đối đầu chứ không phải đối thoại, bằng những lời lẽ kém văn hóa như “ngu, dốt”. Những từ này được lặp đi lặp lại đến 15 lần trong một bài viết ngắn (đăng trên tạp chí Ngày nay, Houston, Texas, Hoa Kỳ, 1993) có tựa đề “Gởi Giáo sư Hoàng Tuệ bàn về chữ Quốc ngữ trên tờ Tuổi Trẻ”.

c. Ban chủ trương talawas: Vấn đề Alexandre de Rhodes đến nay có lẽ không còn nằm trong khuôn khổ của việc nghiên cứu về sử học hay học thuật nữa, mà nó có liên đới đến uy tín quốc gia. Do đó, tôi đề nghị, nếu được, thì quí vị trong ban chủ trương nên mở rộng diễn đàn về vấn đề này, tập trung đăng tất cả những bài thuận hoặc nghịch viết về Alexandre de Rhodes mà quí vị có thể sưu tầm được, bài cũ cũng như bài mới.

Riêng cá nhân tôi, tôi ước mong nhận được những lời phê bình về bài viết của mình, nhất là những bài không đồng thuận, để tôi có dịp học hỏi thêm.

Bùi Kha

24.4.2006

© 2006 talawas

[1] The riches of the East, real and fabled, tantalized Europe. Travelers like Marco Polo had returned with breathless tale of Burmese temples “covered with gold a full finger thick,” and Indian shores whose “sands sparkled and glittered with gems and precious ores.” But no Asian treasure matched its pepper, nutmeg, clove, and other spices essential to preserve food, especially in the warmer climates of southern Europe. (Stanley Karnow, p. 55).

[2] “Who can show me the will of father Adam leaving all the world to Spain and Portugal?” trong This is America’s Story, của Howard B. Wider, Robert P. Ludlum & Harriett McCune Brown, do Houghton Mifflin Company, Atlanta, xuất bản năm 1975. trang 63.

[3] The extreme oath of the Jesuits:

I, (name), Now, in the presence of Almighty God, the Blessed Virgin Mary, the blessed Michael the Archangel, the blessed St. John the Baptist, the holy Apostles St. Peter and St. Paul and all the saints and sacred hosts of heaven, and to you my ghostly father, the Superior General of the Society of Jesus, Founded by St. Ignatius Loyola, in the Pontificate of Paul the Third, and continued to the present, do by the womb of the virgin, the matrix of God, and the rod of Jesus Christ, declare and swear, that his holiness the Pope is Christ’s Vicegerent and is the true and only Head of the Catholic or Universal Church throughout the earth: and that by virtue of the keys of binding and loosing, given to his Holiness by my Saviour, Jesus Christ, he hath power to depose heretical kings, princes, states, commonwealths and governments, all being illegal without his sacred confirmation and that they may safely be destroyed.

Therefore, to the utmost of my power, I shall and will defend this doctrine and His Holiness’ right and custom against all usurpers of the heretical of Protestant authority and all adherents in regard that they be usurped and heretical, opposing the sacred Mother Church of Rome. I do now renounce and disown any allegiance as due to any heretical king, prince or state named Protestants or Liberals or obedience to any of their laws, magistrates or officers.

I do further promise and declare, that I will have no opinon or will of my own, or any mental reservation whatever, even as corpse or cadaver, (perinde ac cadaver), but will unhesitatingly obey each and every command that I may receive from my superiors in the Militia of the Pope and of Jesus Christ.

I furthermore promise and declare that I will, when opportunity present, make and wage relentless war, secretly or openly, against all heretics, Protestants and Liberals, as I am directed to do, to extirpate and exterminate them from the face of the whole earth; and that I will spare neither age, sex or condition; and that I will hang, burn, waste, boil, flay, strangle and bury alive these infamous heretics, rip up the stomachs and wombs of their women and crush their infants’ heads against the walls , in order to annihilate forever their execrable race.

That when the same can not be done openly, I will secretly use the poisoned cup, the strangulating cord, the steel of the poinard or the leaden bullet, regardless of the honor, rank, dignity, or authority of the person or persons, whatever may be their condition in life, either public or private, as I at any time may be directed so to do by any agent of the Pope or Superior of the Brotherhood of the Holy Faith, of the Society of Jesus.

In confirmation of which, I hereby dedicate my life, my soul and all my corporeal powers, and with this dagger which I now receive, I will subscrible my name written in my own blood, in testimony thereof; and should I prove false or weaken in my determination, may my brethren and fellow soldiers of the Militia of the Pope cut off my hand and my feet, and my thoat from ear, my belly opened and sulphur burned therein, with all the punishment that can be inflicted upon me on earth and my soul be tortured by demons in an eternal hell forever!

[4] Dẫn theo Cao Huy Thuần, Ðạo Thiên chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam, trang 386 – 388.