Thứ Tư, 30 tháng 9, 2009

PHÁP NẠN BÁT NHÃ


Hôm còn ở phi trường San Francisco, bạn tôi từ Việt Nam đi công tác vào tiệm sách ở đây và thấy một loạt sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh bên cạnh sách của Đạt Lai Lạt Ma. Bạn tôi tỏ vẻ thích thú khi biết rằng Việt Nam có một danh nhân như thế. Mà, quả không sai, bởi vì thầy Nhất Hạnh có lẽ là một trong những thiền sư Phật giáo nổi tiếng nhất trên thế giới. Tôi giải thích với bạn tôi rằng nếu “xếp hạng” tôi nghĩ Thầy Nhất Hạnh phải đứng ngang hàng hay thứ 2 sau Đạt Lai Lạt Ma. Thế nhưng mặc dù Thầy được trọng vọng trên khắp thế giới, nhưng ở Trung Quốc và trớ trêu thay, ngay trên quê hương Thầy là Việt Nam, thì Thầy là nhân vật “có vấn đề”. Quan trọng hơn nữa, học trò của Thầy đang bị pháp nạn.

Mấy tuần nay, tu viện Bát Nhã ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) bị một nhóm người khủng bố uy hiếp, gây thiệt hại nghiêm trọng đến cơ sở vật chất và tổn thương những tu sĩ đang học tập tại tu viện. Theo tin từ tu viện và báo chí quốc tế thì tu viện bị cắt điện, nước, và điện thoại. Hệ quả là các tu sĩ gần như bị cô lập, đói khát, có người phải nhập bệnh viện. Trong khi đó đám người khủng bố ngang nhiên chửi bới và hành hung tu sĩ. Những kẻ khủng bố được trả tiền này thậm chí còn ném cả phân người vào tu viện, và làm hoen ố bức tượng bông hồng cài áo. Giới phật tử gọi đây là pháp nạn. Và, đúng như thế, đây quả là một pháp nạn cho tu viện Bát Nhã, nhưng dư âm và tiếng vang của pháp nạn thì chắc chắn sẽ đi vào lịch sử.

Sự việc được báo chí quốc tế rầm rộ đưa tin, nhưng báo chí trong nước thì … im lặng. Thật khó tưởng tượng nỗi một đất nước có luật pháp mà những hành động khủng bố dơ bẩn kéo dài cả tháng trời, không có sự can thiệp nào của Nhà nước và công an. Thật ra, có tin cho biết chính Nhà nước và công an hoặc làm ngơ, hoặc tiếp tay cho nhóm người khủng bố này.

Còn nhờ trước đây khi Việt Nam bị Mĩ liệt vào danh sách các nước CPC (Country of Particular Concern), tức là những nước đáng quan tâm về tự do tôn giáo, nước ta rất vất vã trong bang giao với Mĩ và các nước Âu châu. Phải qua nhiều vận động gian nan Việt Nam mới ra khỏi danh sách quái ác đó. Một trong những vận động đó là chuyến viếng thăm Việt Nam của thiền sư Thích Nhất Hạnh sau mấy thập niên xa quê. Chuyến đi của Thầy Nhất Hạnh được giới quan sát quốc tế đánh giá cao, và là một minh chứng cho thấy Việt Nam không có vấn đề về tôn giáo.

Sau chuyến đi đó, Thầy Nhất Hạnh còn về nước thuyết giảng từ Nam chí Bắc. Tu viện Bát Nhã là một trong những kết quả của hai chuyến đi đó. Thế nhưng hôm nay, Nhà nước Việt Nam nói rằng cách tu của Thầy Nhất Hạnh ở Bát Nhã không được Nhà nước cho phép! Tu mà cũng phải được phép! Tôi không biết có nơi nào trên thế giới (ngoại trừ có lẽ các nước Hồi giáo cực đoan) có luật hay qui định này.

Hành động khủng bố và hành hung tu sĩ ở Bát Nhã dưới sự làm ngơ (hay ngầm tiếp tay?) của chính quyền xảy ra sau khi Việt Nam đã đạt được mục tiêu là thoát ra khỏi danh sách CPC. Nhà nước đã ngoảnh mặt lại với Thầy Nhất Hạnh, và ngoảng mặt với Mĩ. Đã có vài dân biểu cực đoan Mĩ dựa vào sự kiện đang xảy ra ở Bát Nhã đòi đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC. Hiện nay danh sách CPC có Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Saudi Arabia, Sudan và Uzbekistan. Chẳng lẽ Việt Nam lại muốn đứng chung với những nước này? Không thể nào làm ngơ trước những bạo động đang xảy ra ở Bát Nhã nữa. Nhà nước cần phải can thiệp cứu lấy những tu sĩ đang bị bao vây và hành hung để lập lại kĩ cương pháp luật, và xóa bỏ những cái mà giới quan sát phương Tây gọi là “vấn đề tôn giáo” vốn đã gây khó khăn cho nước ta trên trường quốc tế một thời gian dài.

Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn: http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/09/phap-nan-bat-nha.html

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2009

HẠT GIỐNG LÀNG MAI


Hạt giống Làng Mai gieo trên đất người đâm chồi nẩy lộc. Nhưng gieo trên đất nhà lại bị lung lay hay bị trốc gốc nhổ đi. Tại sao Việt Nam lại trở thành vùng đất khó cho hạt giống lành như thế?

Hạt giống Làng Mai ngỡ như sinh ra do thầy Nhất Hạnh. Nhưng thật ra, đó là hạt giống của muôn phương. Hạt giống chung của những tấm lòng có hồn, có phách. Hồn để chiêm nghiệm và phách để đối mặt giữa cuộc đời.

Một giọt nước còn mang nguyên thể của đại dương. Mỗi hạt bụi trần vẫn ẩn chứa bản chất của ba nghìn thế giới. Những sự dính mắc và tách rời tác động lên nhau, liên tu bất tận; từng khắc, từng sao như ta với người, như hình với bóng. Nguyên sinh của hạt giống Làng Mai không phải từ đấng sáng thế, từ thiền sư Nhất Hạnh, từ ta hay người, từ một cõi hữu sinh hay vô sinh nào đó. Nó là hợp thể của muôn vàn tố chất biến dịch không ngừng và bỗng một khắc hay một thời nào đó tạm biến thành hạt giống Làng Mai.

Một hạt giống mang biểu tượng Làng Mai có duyên với thầy Nhất Hạnh được gieo trồng và tưới tẩm tại Pháp từ năm 1982. Mấy chục năm sau, hạt giống Làng Mai đã trở thành một ngành tu riêng có bản sắc và đầy sức sống trong đời sống tâm linh.
Đầu tháng 12 năm 2005, thầy Nhất Hạnh về nước với 100 tăng thân Làng Mai đã làm dậy lên luồng dư luận chống và ủng hộ từ nhiều phía. Riêng tôi chưa hề được trực tiếp gặp hay quen biết với thầy Nhất Hạnh, nhưng mến mộ Thầy qua những tác phẩm văn chương.

Cũng trong thời kỳ nầy, thầy Đức Nghi sang Làng Mai tu tập và được ủy thác cho việc xây tu viện Bát Nhã trên mảnh đất sẵn có của thầy tại Lâm Đồng có quy mô đủ cho 500 người tu học. Dĩ nhiên là thầy Đức Nghi được quỹ Làng Mai tài trợ những khoản tiền xây dựng rất lớn tương xứng với công trình xây dựng.

Ngày 7 tháng 7 năm 2006, qua công văn số 525-TGCP-PG, Ban Tôn giáo Chính phủ đã chấp nhận cho tăng ni tu viện Bát Nhã tu tập theo pháp môn Làng Mai. Sau đó, gần 400 tu sĩ, hầu hết là trẻ tuổi đã đến tu học tại đây.

Ngày 10 tháng 9 năm 2008, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ tố cáo tăng ni Làng Mai vi phạm luật pháp và vài ngày sau đó thì công an Lâm Đồng chỉ thị trục xuất 400 tu sĩ Làng Mai ra khỏi tu viện Bát Nhã. Thế nhưng lệnh trục xuất được hoãn lại khi một phiên họp khẩn cấp được tổ chức tại Sài Gòn với đầy đủ đại diện chính quyền các ban ngành liên hệ nhưng lại không có đại diện Làng Mai. Quyết định đưa ra là: Tăng ni có thể tiếp tục tu học. Ai chưa đủ thủ tục giấy tờ thì bổ túc. Ai gây bất ổn sẽ bị xử lý. Về tài sản và cơ sở vật chất thì hai phía Làng Mai và Bát Nhã tự giải quyết hay nhờ pháp luật.

Thời gian tiếp theo, 400 tăng ni vẫn ẩn nhẫn nghiêm trì tu học. Nhưng đến ngày 27, 28 và 29 tháng 6 năm 2009 thì có khoảng vài trăm người tuổi trẻ, hành động theo kiểu xã hội đen đến tu viện Bát Nhã, xông vào đập phá đồ đạc, vứt bỏ đồ ăn và vật dụng của tu sĩ, khóa cửa ra vào và cúp hết điện nước. Theo hình ảnh và thông tin của các thông tấn xã nước ngoài, đám người tấn công tu viện Bát Nhã bằng lời lẽ nhục mạ qua loa phóng thanh và biểu ngữ “đả đảo Làng Mai…” Tu viện hoàn toàn bị cô lập. Tăng ni lên mạng lưới vi tính kêu cứu khắp toàn cầu. Thầy Đức Nghi lên tiếng kêu gọi tăng ni phải rời khỏi tu viện càng sớm càng tốt.

Trước sự việc nầy, hẳn nhiên Ban Tôn giáo và thầy Đức Nghi đều hiểu rõ rằng, một khi đã phát nguyện xuất gia, người tu sĩ đã vứt bỏ lại tất cả mọi tiện nghi vật chất, nhà cửa, gia đình lại đằng sau. Mái chùa là nơi duy nhất để một nhà tu nương thân. Xưa nay, kẻ xuất gia chỉ chuyển chùa chứ không có trường hợp bị đuổi ra khỏi chùa không nơi trú ngụ. Đẩy nhà tu ra khỏi mái chùa duy nhất là một hình thức hủy diệt môi trường sinh hoạt của họ. Các tăng ni không còn sự lựa chọn nào hơn là tiếp tục khiêm nhẫn tu hành dưới áp lực nặng nề của một hoàn cảnh đầy đe dọa.

Giữa tháng 8 năm 2009, giới thẩm quyền nhà nước Việt Nam xác nhận là sẽ trục xuất các tăng sinh và giáo thọ Làng Mai ra khỏi tu viện Bát Nhã sau ngày 2 tháng 9 năm 2009 nếu họ không chịu tự động bỏ chùa ra đi. Lý do trục xuất được nêu ra là: Các tu sĩ Làng Mai có những vấn đề “nội bộ bất ổn” như thầy Đức Nghi với tư cách chủ chùa, từ chối tiếp tục bảo lãnh cho các tăng ni ở lại tu học trong phạm vi nhà chùa. Lý do trục xuất khác được nêu lên rằng, nội dung các bài giảng theo tinh thần thiền sư Nhất Hạnh là “bất hợp pháp” và không được giáo hội cho phép!

Nguồn tin 400 tăng ni tu viện Bát Nhã bị đuổi ra khỏi chùa đã làm chấn động môi trường truyền thông đại chúng ở hải ngoại. Nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan tới vấn đề đâu là nguyên nhân và động cơ chủ yếu của sự việc xuất hiện tấp nập trên mạng lưới truyền thông. Những câu hỏi và câu trả lời mang nặng tính giả định không làm ai thỏa mãn. Tuy nhiên, vai trò của thiền sư Nhất Hạnh trong nội tình Làng Mai Bát Nhã và hướng giải quyết của Thầy như thế nào vẫn là câu hỏi xuất hiện hàng đầu trong chuỗi thắc mắc, trao đổi và luận đàm càng ngày càng dồn dập.

Sáng Chủ nhật (27 tháng 9 năm 2009) tin tăng ni Làng Mai ở tu viện Bát Nhã bị những toán người bạo động mang xe và gậy gộc tới cưỡng bức tăng ni lên xe và vứt ra khỏi chùa. Giữa cảnh ban ngày ban mặt, các tu sĩ bị những toán người hành hung đánh đập thô bạo và hốt lên xe trước sự chứng kiến dửng dưng, gần như đồng lõa của các lực lượng an ninh và nhân viên công lực. Cảnh bất nhẫn ấy đã làm dấy lên nhiều câu hỏi và những phản ứng lương tri sâu xa về vai trò chính quyền, giá trị đạo lý, sự hành xử pháp lý và quyền sống căn bản nhất của con người là sự an toàn về mạng sống tại Việt Nam hiện nay.

Trưa Chủ nhật cùng ngày, phóng viên Gia Minh của Đài Á châu Tự do RFA (Radio Free Asia) đã gọi tôi đang ở Sacramento, Bắc California cho biết về cuộc trục xuất đầy bạo động đã diễn ra vài giờ trước đó tại tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng và yêu cầu được phỏng vấn. Thật tình là tôi rất ngại phát biểu công khai ý kiến riêng của mình trước hàng thức giả và đại chúng. Lý do để dè dặt là vì mình đang ở một nơi quá cách trở với hiện trường xảy ra sự cố nên không nắm vững mọi chi tiết thực tế đang thật sự diễn biến như thế nào. Các tin tức và dữ kiện đều phải dựa vào môi trường truyền thông đại chúng. Các bài tường thuật trực tiếp qua điện thoại về cuộc khủng hoảng Làng Mai Bát Nhã ghi trên website của RFA, có đoạn như sau:

“Nó đang đánh mấy thầy, mấy cô. Nó núm (nắm) cổ mấy thầy, nó kéo ra, nó dộng cổ mấy thầy, nó kéo ra mấy xe.

Em đang xuống xe. Em đang xuống xe.

Nó đang đánh mấy thầy mấy cô, tội lắm, chảy máu chảy me đầy. Còn Ban Giáo Thọ, quý thầy Pháp Trụ, thầy Pháp Danh, thầy Pháp Trị thì bị nó bắt đi đâu rồi, không biết nữa. Còn mấy thầy nhỏ thì nó bắt, nó đánh, nó dẫn ra ngoài đường đó. Nó bỏ cho một đám côn đồ đánh mấy thầy, rồi nó chở xe taxi đi một khúc, 5 người nó bỏ một khúc, 5 người nó bỏ một khúc, nó không bỏ dồn người một chỗ đâu”.
(Lời cô Khanh qua điện thoại trực tuyến. Phóng viên Thanh Trúc RFA)

Những tin tức đại loại như thế từ quê nhà làm cho nhiều người xót xa và thất vọng về một viễn ảnh hóa giải xung đột giữa chính trị và tôn giáo.

Vụ Làng Mai Bát Nhã không phải là một trường hợp tình cờ đột biến. Đây là một diễn tiến kéo dài, xảy ra từng bước theo trình tự thời gian và kéo theo sự quan sát, theo dõi rộng rãi của người Việt ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế. Đây cũng không phải đơn thuần là một sự việc mang tính nội bộ xung đột giữa Làng Mai và Bát Nhã; giữa thầy Đức Nghi và tu sĩ theo pháp môn Làng Mai của thầy Nhất Hạnh; giữa Ban Tôn giáo Nhà nước và nhóm “dị giáo”. Nhưng đây chính là uy tín, là bộ mặt, là biểu tượng nói lên bản chất và bản lĩnh của sự lãnh đạo nhà nước Việt Nam thông qua các thành viên ban bệ như Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc và Giáo hội Phật giáo được chính quyền ủng hộ. Tính nhân bản trong cách giải quyết vấn đề nói lên bản chất; và tính tổ chức trong cách giải quyết vấn đề nói lên bản lĩnh của thế lực lãnh đạo. Đáng tiếc thay, tính nhân bản và tính tổ chức hầu như đã vắng bóng trong sự cố Làng Mai Bát Nhã khi sự trục xuất biến thành cuộc trấn áp và bạo hành.

Trả lời cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Á châu Tự do, RFA, tôi đã nêu lên ba ý chính như sau:

Thứ nhất, là về mặt pháp lý. Một chính quyền lành mạnh trong một quốc gia độc lập, có chủ quyền, có hiến pháp là phải đem luật pháp làm chỗ dựa. Tôn trọng luật pháp để bảo vệ người dân là tiêu chí hàng đầu trong vai trò lãnh đạo. Tu viện Bát Nhã và 400 tăng ni tu theo pháp môn Làng Mai là cơ sở vật chất và tổ chức nhân sự hợp pháp được chính quyền Việt Nam cho phép xây dựng và sinh hoạt. Khi có hiện tượng được xem là bất thường hay phi pháp xảy ra trong một tổ chức hợp pháp, vấn đề cần phải được giải quyết thông qua các cơ chế luật pháp phân minh và văn hóa như thảo luận, hội nghị, tòa án… để xử lý rạch ròi những sự chông chênh, sai trái theo luật định. Trường hợp Làng Mai Bát Nhã, nếu có chăng những biểu hiện sai lệnh từ phía tăng sinh và giáo thọ theo quan điểm của chính quyền, tại sao họ không được phép giải thích và biện minh công khai trước khi nhận những chỉ thị trục xuất mang tính cách áp đặt một chiều từ phía giới chức có thẩm quyền? Thầy Đức Nghi đã nhận tiền Làng Mai (trước sau gần cả triệu đô la) để xây tu viện Bát Nhã và quy tụ 400 tăng sinh cùng giáo thọ về tu học theo pháp môn Làng Mai, Thầy phải có trách nhiệm pháp lý và lương tâm chức trách về việc làm của mình. Nếu Thầy nhất định đuổi các tăng ni tu theo môn phái Làng Mai ra khỏi ngôi chùa được xây dựng bằng tiền bạc của Làng Mai mà không có một phương án đền bù thay thế là một hình thức chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp. Trường hợp công dân bị cưỡng đoạt tài sản công khai và bạo ngược, cơ quan luật pháp nhà nước hành động như thế nào để bảo vệ kẻ thế cô oan ức?

Thứ hai, là về mặt tâm lý. Chất keo gắn kết có hiệu quả lớn nhất giữa hai phía lãnh đạo và quần chúng là niềm tin và sự tôn trọng lẫn nhau. Sự việc các tăng ni Bát Nhã bị những thành phần xã hội đen hành hung thô bạo theo kiểu giang hồ, gầm cầu, hè phố như đã xảy ra trước sự chứng kiến không can thiệp của lực lượng an ninh công cộng đã hạ thấp giá trị vai trò lãnh đạo của giới có thẩm quyền. Xưa nay trong tiến trình xã hội từ dã man đến văn minh, cách giải quyết xung đột bằng hành động thảo khấu của xã hội đen là một hạ sách của những thế lực bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Trước ống kính của dư luận quốc tế, một phương thức giải quyết như thế sẽ bị phê phán và liệt ngang hàng với hành động ném đá dị giáo thời Trung cổ. Ai là kẻ chịu trách nhiệm trực tiếp về việc hạ thấp vai trò lãnh đạo, gây tâm lý bi phẫn và làm mất niềm tin vào khả năng bảo vệ an sinh xã hội cho người dân trong trường hợp Làng Mai Bát Nhã ở Lâm Đồng?

Thứ ba, là về mặt đạo lý. Đạo Phật là một tôn giáo an hòa, bất bạo động. Ban Tôn giáo đã thừa hiểu là đạo Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn làm phương tiện. Nay thêm một pháp môn Làng Mai hiện diện trên đất nước là một sự đóng góp khiêm tốn làm phong phú thêm cho lĩnh vực tâm linh trong đời sống văn hóa Việt Nam. Sự giới hạn mang tính chất “bế quan tỏa cảng” tinh thần là đi ngược lại quyền lợi chung của dân tộc trong giai đoạn chính quyền và cả nước đang cố hội nhập vào thị trường kinh tế và văn hóa toàn cầu. Ai là người chịu trách nhiệm nghiên cứu và tham khảo nghiêm túc những trào lưu tư tưởng và tâm linh mới từ xã hội phương Tây và bên ngoài đang du nhập thường xuyên và mạnh mẽ vào xã hội Việt Nam qua môi trường truyền thông đại chúng quá ồ ạt mở đầu thế kỷ 21 nầy. Trước khi chấp nhận hay bác bỏ sự hiện diện của môn phái Làng Mai du nhập trên đất nước mình, cần phải có sự đánh giá đúng đắn nội dung và tác dụng của hạt giống Làng Mai trong hoàn cảnh đất nước như hiện nay. Chấp nhận hay bác bỏ một khuynh hướng tôn giáo mà chỉ dựa trên cảm tính nhất thời và ý kiến chủ quan dẫu xuất phát từ cá nhân hay tập thể đều là biên kiến, bất công.

Đạo Phật Việt Nam là một sự kết hợp nhu hòa giữa nhiều khuynh hướng và bộ phái. Bước vào các chùa chiền tự viện Việt Nam trong cũng như ngoài nước, biên giới phân biệt giữa thiền tông, tịnh độ tông và mật tông hầu như biến mất. Xa hơn thế nữa, có dịp vãn cảnh chùa chiền xứ Bắc, thiền khách sẽ thấy rõ là tôn giáo dân gian hòa quyện với Phật giáo một cách tự nhiên. Những dao động giới hạn, bề mặt và nhất thời qua một số sinh hoạt Phật giáo trong những năm qua chỉ làm nghèo nguồn suối tâm linh cho những cá nhân hay nhóm phái dấn thân vọng động mà thôi. Trong lúc Phật giáo nói chung vẫn êm xuôi theo dòng chảy thái hòa và an lạc thường hằng. Ước mong sẽ không có ai quên sự khác nhau giữa nhất thời và vĩnh cửu.

Sacramento, Cali. Vào Thu 2009

Trần Kiêm Đoàn

Nguồn: Talawas

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2009

THƯ NGỎ GỬI CÁC VỊ LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỀ VỤ VIỆC TRỤC XUẤT 400 TU SĨ TẠI BÁT NHÃ - LÂM ĐỒNG



Kính gửi: - Ngài Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước CHXHCNVN
- Ngài Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN
- Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN
- Ngài Huỳnh Đảm, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN


Qua những thông tin chính thức trên website Làng Mai và trên các phương tiện thông tin hiện đại, tôi được biết 400 tu sĩ tu theo pháp môn Làng Mai đã bị trục xuất khỏi tu viện Bát Nhã (Lâm Đồng) trong khung cảnh hỗn loạn và nhuốm màu bạo lực. Sự việc tấn công bằng đá và phân đối với Chư Tôn đức lãnh đạo Ban trị sự Phật giáo trước đó và sự việc trục xuất 400 tu sĩ chùa Bát Nhã của chính quyền tỉnh Lâm Đồng trong mấy ngày qua đã làm cho hình ảnh người tu sĩ Phật giáo Việt Nam bị xúc phạm, giá trị nhân phẩm con người bị coi thường, sự tôn nghiêm của một Giáo hội bị xem nhẹ. Đó là những điều đang gây nên nhiều hoang mang, lo lắng, nghi ngại trong lòng người Phật tử Việt Nam.

Kính thưa quý ngài,

Đạo Phật là một tôn giáo lâu đời, gắn bó với dân tộc Việt Nam trải suốt nhiều thế kỷ dựng nước và giữ nước. Tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam vẫn soi sáng lịch sử, để những người con Phật sống trên quê hương Việt Nam lấy đó làm chủ đạo trong phương thức ứng xử. Tổ tiên nhiều đời của người Việt được sinh ra trong niềm tin nhân quả của đạo Phật. Niềm tin ấy đã giữ vững giềng mối cộng đồng không chỉ trong những lúc dân tộc thanh bình mà ngay cả trong những hoàn cảnh đầy nguy biến.

Đó là hệ giá trị, là bản sắc văn hoá Phật giáo đã cộng hưởng với dân tộc, đã vượt thời gian để tồn tại cho tới ngày hôm nay. Tôi tin rằng, quý ngài, những người giữ trọng trách trên phương diện quốc gia hiểu điều này hơn chúng tôi. Một bộ phận lớn nhân dân Việt Nam hôm nay là những người Phật tử, họ đang hàng ngày sống, lao động và học tập để đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Họ được phép nói lên tiếng nói của mình với tư cách công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của họ được hiến pháp và pháp luật nước CHXHCNVN bảo vệ.

Tôi còn nhớ năm 2005, sự kiện thiền sư Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai về nước theo lời mời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (và được sự hậu thuẫn lớn của Chính phủ) đã đem đến cho người Phật tử những phút giây ấm lòng, xen lẫn niềm tự hào về một người tu sĩ Việt Nam đem giáo lý đạo Phật truyền vào phương Tây một cách đầy ấn tượng. Lần đầu tiên, tôi tận mắt chứng kiến những người anh em huynh đệ mang quốc tịch nước ngoài với nhiều màu da và ngôn ngữ khác nhau cùng chia sẻ những nhận thức chung về đạo Phật. Hình ảnh đó quá đỗi thân thương khi họ mặc chiếc áo nâu sồng, đội nón lá, ăn cơm bằng đũa và bước đi với những bước chân đầy khoan thai…

Thiền sư Nhất Hạnh đã tô điểm thêm phần nào sức sống của bản sắc văn hoá Việt Nam, của đạo Phật Việt Nam. Tất cả những tông phái, pháp môn tu dù phong phú, đa dạng đến đâu cũng cần phải thể hiện những điều cốt lõi và căn bản của Phật giáo, không xa lạ với văn hoá dân tộc. Đó là những phương tiện linh hoạt để những giá trị của đạo Phật đến được với số đông loài người tiến bộ, yêu chuộng hoà bình, cùng hướng đến những điều Chân - Thiện - Mỹ.

Kính thưa quý ngài,

Hình ảnh người Phật tử Việt Nam cung đón thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai năm 2005, năm 2008 là một hình ảnh đẹp thể hiện sự trân trọng với những đóng góp lớn của thiền sư cho ngôi nhà chung Phật pháp. Hình ảnh đó đã rút ngắn những khoảng cách chia rẽ, ngại ngùng, đố kỵ. Người Phật tử Việt Nam đã hiểu thêm thế nào là tinh thần lục hoà, cộng trụ, thế nào là giá trị tương quan trong cuộc sống: hạnh phúc, khổ đau của anh là hạnh phúc, khổ đau của tôi, và ngược lại. Hơn lúc nào hết, những cuốn sách của thiền sư Nhất Hạnh được in ấn với số lượng lớn và nhận được sự đón chào nồng nhiệt của độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ dù theo hay không theo tôn giáo.

Pháp môn Làng Mai hiện diện trên quê hương Việt Nam là một thực tế có tác động tích cực khi hàng ngày, kinh sách, băng giảng của Làng Mai được bày bán hợp pháp trên khắp các nhà sách từ miền Nam đến miền Bắc. Không thể có một pháp tu “lậu”, “bất hợp pháp” với những thực tế sáng rõ, đàng hoàng như vậy.

Những góp ý xa gần, trực tiếp hay gián tiếp của thiền sư Nhất Hạnh với nhà nước đã trở thành những câu chuyện “trà dư tửu hậu”, đúng hay sai, được lắng nghe hay bị bỏ ngoài tai thì đó chỉ là những đóng góp bình thường của một người con nước Việt có tấm lòng với quê hương, đất nước. Mấy ngày vừa qua, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQVN đã diễn ra phiên thảo luận chung quanh chủ đề "MTTQ Việt Nam với vai trò phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tham gia giám sát và phản biện xã hội". Tôi được biết nhà sử học Dương Trung Quốc đã viết như sau: "Quan trọng nhất trong xã hội hiện đại, đó là tiếng nói người dân được thể hiện qua báo chí. Sợ nhất không phải là dân không dám nói, mà là dân không muốn nói nữa”. Vâng sợ nhất là người dân không muốn nói nữa.

Với những gì đã và đang xảy ra tại tu viện Bát Nhã (Lâm Đồng), tôi có góc nhìn khác với nhà sử học Dương Trung Quốc, rằng “người dân” đã và đang không dám nói, chứ không phải là họ không muốn nói. Không muốn nói là vấn đề mà chủ thể tự quyết định, còn không dám nói lại chịu sự “kiểm duyệt” của đối tượng. Muốn phát huy dân chủ mà không làm chủ được ý kiến của mình thì “phản biện xã hội” sẽ đi đâu về đâu?

Kính thưa quý ngài,

Tôi xin dẫn lại một số kiến nghị đầy trách nhiệm của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng qua “Bản tường trình và Báo cáo khẩn cấp” sau như một tiếng nói “phản biện xã hội”:

1. Phái đoàn Ban Trị sự đến thăm tu viện Bát Nhã để xem xét tình hình và nắm bắt tình hình cụ thể tại Tu viện Bát Nhã, là cơ sở trực thuộc của Giáo hội mà TT. Đức Nghi lại cho một nhóm người hung hăng dữ tợn tấn công BTS bằng gậy gộc, đá, phân hầm cầu, cố ý bức tử Ban Trị sự.

2. Việc bạo hành tàn ác này không phải là sự việc ngẫu nhiên mà là có âm mưu chuẩn bị từ trước nhằm đánh Ban Trị sự , Chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo Lâm Đồng. Hành vi này là coi thường kỷ cương pháp nước, xâm phạm đến nhân phẩm, sức khoẻ, xúc phạm đến Chư Tôn giáo phẩm trầm trọng. Đây là nỗi đau xót, nhục nhã hiếm thấy trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

3. Việc bạo hành đã và đang xảy ra tại Tu viện Bát Nhã từ trước đến nay, TT. Thích Đức Nghi, Thích Đồng Hạnh và đồng bọn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước luật pháp nhà nước và giáo luật của Giáo hội.

4. Hiện tại khoảng 400 Tăng Ni tu theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã đang bị uy hiếp, khủng bố và bị đe dọa đến tính mạng cần được cứu nguy khẩn cấp.

5. Đề nghị xử lý và giải tỏa đám côn đồ đang chiếm cứ và bạo hành tại Tu viện Bát Nhã cũng như điều tra, làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhóm bạo hành.

6. Đề nghị, Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ nước CHXHCNVN, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cấp lãnh đạo Tỉnh Lâm Đồng kịp thời giải quyết nhằm ổn định tình hình Phật giáo Lâm Đồng, đem lại niềm tin cho Tăng Ni Phật tử và quần chúng nhân dân
”.

Qua những kiến nghị và đề xuất những giải pháp trên, lúc đó tôi nghĩ rằng tình hình tu học của các Tăng Ni tu theo pháp môn Làng Mai sẽ được giải quyết ổn thỏa. Vì thực chất, những Tăng Ni có quốc tịch nước ngoài đều đã rời khỏi Việt Nam, còn khoảng 400 người đang tu học trong tu viện Bát Nhã đều là những người xuất gia và tạm trú hợp pháp tại tu viện Bát Nhã. Không thể lấy lý do “pháp môn Làng Mai” là của thiền sư Nhất Hạnh mà hành xử một cách lỗ mãng và thiếu văn hoá đối với người tu sĩ Phật giáo ở mức tối thiểu như vậy.

Kính thưa quý ngài,

Một dân tộc đề cao các giá trị Phật giáo bằng quyết định đăng cai Đại lễ Phật đản của Liên hiệp quốc và kế đây (năm 2010) là Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới, không phải chỉ ở việc xây nhiều chùa to, tạc nhiều Phật lớn, mà chính từ trong nếp sống, tinh thần bất tổn hại, thái độ ứng xử bao dung vị tha, nhân ái mới là điều cần thiết để hội tụ tinh hoa văn hoá, giữ cho giá trị xã hội có một hình ảnh tôn nghiêm, đồng thời làm đẹp hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong con mắt cộng đồng thế giới. Người Việt từ bao đời nay vẫn truyền nhau những câu thành ngữ: “Kính Phật thì phải trọng Tăng”, “Tăng đến nhà như Phật Bà giáng phúc”... Tăng là một trong ba ngôi báu (Phật-Pháp-Tăng) của người Phật tử. Việt Nam là một nhà nước pháp quyền XHCN, nhà nước ấy là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Việt Nam cũng là một nước có lịch sử nhiều đời tín Phật, bạn bè thế giới vẫn xem Việt Nam là một quốc gia Phật giáo. Thế nhưng những hành xử của chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng đối với tu viện Bát Nhã đã đi ra ngoài tinh thần và thái độ ứng xử ấy.

Tôi viết những lời này khi kinh sách, băng giảng, bài viết của thiền sư Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai vẫn hiện diện trước công chúng mà không có một văn thư nào coi đó là bất hợp pháp, là “phản động” và chưa có một phát biểu chính thức nào từ phía những người lãnh đạo cao nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam xem pháp môn Làng Mai là ngoại đạo, đi ngược lại với Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tôi từng mong ước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ quy tụ và đoàn kết các tông phái, pháp môn để trở thành Hộ Pháp thực sự của dân tộc. Vì đó cũng là lời kêu gọi xoá bỏ hận thù, đoàn kết các thành phần dân tộc để phát triển đất nước trong chủ trương chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam.

Kính thưa quý ngài,

Tận đáy lòng mình, tôi kính xin quý ngài rủ lòng thương xót, bao dung đến những người anh em Phật tử của chúng tôi đang chịu nhiều bất hạnh tại tu viện Bát Nhã. Tôi nghĩ, làm sao người Phật tử có thể ngủ ngon và bình thản trong các sinh hoạt thường nhật khi hình ảnh Phật giáo bị đối xử với nhiều uẩn khúc như vậy? Đây là động cơ thôi thúc tôi trình bày thư ngỏ này và gửi tới quý ngài. Tôi không màng đến những nguy hiểm dành cho bản thân, vì tôi tin tưởng rằng, với trí tuệ sáng suốt và lòng khoan dung, quý ngài sẽ trực tiếp chỉ đạo để giải quyết một cách thấu tình đạt lý đối với vụ việc tu viện Bát Nhã. Việc làm sáng suốt, tạo phúc cho dân của quý ngài sẽ giữ vững niềm tin và sự kỳ vọng của dân chúng, trong đó có người Phật tử Việt Nam đối với nhà nước pháp quyền Việt Nam - Xã hội chủ nghĩa.

Tôi xin chân thành gửi lời cầu nguyện và kính chúc quý ngài thân tâm thường an lạc.

Kính thư!

Tp.HCM, ngày 29/9/2009

Thích Thanh Thắng

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2009

NHỮNG NGỘ NHẬN VỀ HỌC VỊ TIẾN SĨ


Hai tuần qua, dù bận đi công tác ở bên Mĩ, tôi vẫn thỉnh thoảng vào mạng đọc báo để theo dõi tình hình trong nước, và thấy nhiều sự kiện mà tôi rất muốn bình luận nhưng vì quá bận rộn nên đành “lực bất tòng tâm” do không có thì giờ. Hôm nay, việc phó hội cũng đã xong xuôi, nên lại có thì giờ để góp nhặt vài lời để gọi là “mua vui cũng được một vài trống canh”.

Hôm nọ, đọc một tin rất lạ mà thoạt đầu tôi mỉm cười một mình vì nghĩ rằng phóng viên có trí tưởng tượng phong phú quá: đó là bản tin cho biết “Hà Nội mong 100% cán bộ Thành ủy ‘quản’ là tiến sĩ”. Nhưng tôi nghĩ sai: phóng viên tường thật hoàn toàn chính xác về chủ trương của chính quyền và đảng ủy Hà Nội, vì hôm sau có một quan chức của Sở nội vụ Hà Nội lí giải rằng cần phải “Có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy”. Vị quan chức này, với danh xưng tiến sĩ, chính là tác giả của “Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền thành phố”.

Nếu xem chủ trương nâng cấp 100% cán bộ diện thành ủy có bằng tiến sĩ thì quả thật ông tiến sĩ này có tư duy đột phá. Nhưng chữ “đột phá” ở đây phải hiểu là phá hoại cái ý nghĩa của học vị tiến sĩ một cách đột ngột. Để hiểu cách diễn giải đó, thiết tưởng tôi có nhiệm vụ giải thích mục tiêu và ý nghĩa của học vị tiến sĩ.

Học tiến sĩ để làm gì ?

Học vị tiến sĩ thường dành cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Để dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học, học vị tiến sĩ là một “giấy thông hành” quốc tế, cũng giống như muốn hành nghề kĩ sư thì phải có bằng kĩ sư. Cố nhiên cũng có một số người tham gia nghiên cứu khoa học dù họ không có học vị tiến sĩ, nhưng đây là những trường hợp ngoại lệ. Do đó, trong quá trình đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh phải làm quen với những kĩ năng cơ bản như phát hiện vấn đề, cách đặt giả thuyết, thiết kế nghiên cứu, thu thập dữ liệu (kể cả đo lường), phân tích và diễn giải kết quả nghiên cứu, v.v… Đây là những kĩ năng mà bất cứ một nghiên cứu sinh tiến sĩ nào cũng phải có sau khi xong chương trình đào tạo.

Do đó, để có được học vị tiến sĩ, thí sinh phải làm nghiên cứu khoa học một cách nghiêm chỉnh. Hai chữ “nghiêm chỉnh” ở đây rất quan trọng trong trường hợp Việt Nam, bởi vì rất rất nhiều nghiên cứu khoa học ở trong nước chẳng những không nghiêm chỉnh mà còn phạm quá nhiều sai sót. Điều này cũng có nghĩa là nếu muốn theo đuổi sự nghiệp quản trị kinh doanh, quản trị hành chính, thì học vị tiến sĩ không cần thiết, và thí sinh không nên tốn thì giờ để đạt được học vị này.

Học vị tiến sĩ dành cho những người muốn theo đuổi sự nghiệp khoa bảng. Học vị tiến sĩ là một “chứng từ” để theo đuổi sự nghiệp khoa bảng (academic career). “Khoa bảng” ở đây được hiểu là giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Cố nhiên, ở nhiều đại học phương Tây, vẫn có người có thể trở thành giáo sư dù không có học vị tiến sĩ, nhưng cơ hội tiến thân trong các nấc thang khoa bảng ngày nay cho những cá nhân như thế không mấy cao. Nhiều trường đại học lớn trên thế giới đòi hỏi các giảng viên và giáo sư hay các nhà nghiên cứu phải có học vị tiến sĩ. Tại sao? Tại vì họ muốn đảm bảo trường đại học có đầy đủ chuyên gia để giảng dạy các môn học cấp cao và bắt buộc các chuyên gia này phải làm nghiên cứu khoa học. Phần lớn giáo sư đại học có học vị tiến sĩ, nhưng không phải ai có bằng tiến sĩ đều có thể trở thành giáo sư.

Do đó, nếu thí sinh muốn theo đuổi sự nghiệp quản trị doanh nghiệp, kĩ nghệ và khoa học (như muốn làm giám đốc doanh nghiệp, giám đốc các cơ sở khoa học) hay các chức vụ hành chính, hay các chức vụ mang tính quản lí trong hệ thống chính phủ thì thí sinh không nên theo học chương trình tiến sĩ, mà nên theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh hay quản trị hành chính (MBA – Master of Business Administration). Tôi biết ngày nay có đại học đưa ra chương trình huấn luyện Tiến sĩ quản trị hành chính (Doctor of Business Administration), nhưng mục tiêu vẫn là đào tạo nhà nghiên cứu và giáo sư. Xin nhắc lại: cốt lõi của học vị tiến sĩ, và cũng là khía cạnh dùng để phân biệt học vị tiến sĩ với các học vị đại học khác, là nghiên cứu khoa học, không phải quản trị.

Những ngộ nhận về tiến sĩ

Do đó, chủ trương hướng tiến sĩ hóa cán bộ hành chính thể hiện một sự hiểu lầm về mục tiêu đào tạo tiến sĩ. Chủ trương này sẽ dẫn đến tình trạng có nhiều người tìm cách theo học để lấy được một học vị tiến sĩ, nhưng động cơ của việc theo học thì lại quá sai lầm. Những sai lầm về động cơ theo học tiến sĩ, theo tôi, có thể tóm lược trong những ngộ nhận phổ biến sau đây:

Ngộ nhận 1: nhiều người hiểu lầm rằng học vị tiến sĩ sẽ tự động đem lại uy danh cho cá nhân. Hầu hết các thí sinh đã đạt được văn bằng tiến sĩ đều cảm thấy tự hào về nỗ lực và kết quả của việc phấn đấu trong học hành nghiên cứu. Tuy nhiên, thí sinh phải hiểu rằng một khi tốt nghiệp tiến sĩ, thí sinh có thể làm việc với nhiều nhà khoa học khác cũng có bằng tiến sĩ. Học vị tiến sĩ mới chỉ là bước đầu vào nghiên cứu khoa học, là một minh chứng rằng người có bằng đó “trưởng thành” trong khoa học, chứ nó (văn bằng tiến sĩ) chẳng đem lại uy danh cho người có học vị nếu người đó không có công trình nghiên cứu nào có giá trị.

Ngộ nhận 2: ý kiến của một cá nhân được nâng cao chỉ vì cá nhân đó có văn bằng tiến sĩ. Nhiều người tin rằng một khi họ có văn bằng tiến sĩ trong tay, công chúng sẽ tự nhiên kính trọng ý kiến của họ. Nhưng niềm tin này chỉ là hoang tưởng. Người có học vị tiến sĩ có thể am hiểu và uyên bác về một lĩnh vực chuyên môn hẹp nào đó, nhưng không phải là chuyên gia của mọi vấn đề khác. Sự kính trọng phải được chứng minh qua hành động và bản lĩnh của người phát biểu, chứ không tự động mà có được qua danh xưng “tiến sĩ”.

Ngộ nhận 3: học vị tiến sĩ là mục tiêu sau cùng trong học hành, nghiên cứu. Học vị tiến sĩ chuẩn bị thí sinh vào sự nghiệp nghiên cứu. Nếu thí sinh chỉ muốn có mảnh giấy để treo trên tường thì không nên theo đuổi học vị tiến sĩ. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, thí sinh có cơ hội để so sánh thành quả của mình với các nhà khoa học khác. Thí sinh sẽ nhận thức rằng cái được “tính sổ” không phải là danh xưng hay học vị tiến sĩ, mà là nghiên cứu khoa học do chính thí sinh tiến hành và hoàn tất.

Ngộ nhận 4: học tiến sĩ để gây ấn tượng trong gia đình và bạn bè. Người thân trong gia đình và bạn bè thí sinh có lẽ rất hồ hởi và tự hào khi thí sinh vào học chương trình tiến sĩ, bởi vì họ nghĩ thí sinh sẽ trở thành một ông nghè, một “doctor” trong tương lai. Nhưng văn bằng tiến sĩ chỉ là giấy thông hành cho nghiên cứu, chứ không phải để lấy le với người thân, bạn bè hay với xã hội. Không phải lúc nào cũng đòi người khác phải gọi mình là ông / bà “tiến sĩ”.

Ngộ nhận 5: học vị tiến sĩ là cái cớ để thử trí thông minh. Nhiều người nghĩ rằng học tiến sĩ là một thách thức và họ muốn chơi trò thách thức xem tri thức của mình cỡ nào. Rất tiếc, quan điểm này sai, bởi vì chương trình huấn luyện tiến sĩ không phải để thí sinh cân não hay để thử khả năng tri thức. Ngoại trừ thí sinh dành trọn thì giờ và dấn thân vào học hành để đỗ đạt, thí sinh sẽ không thể nào có được văn bằng tiến sĩ chỉ vì mình “thông minh”. Như nói trên, thí sinh phải làm việc nhiều giờ trong ngày, phải có khi thức đêm trong phòng thí nghiệm hay thư viện, phải chuẩn bị đương đầu với những thất bại, phải chuẩn bị động não để học cái mới và suy nghĩ cái mới.

Ngộ nhận 6: học tiến sĩ để kiếm nhiều tiền. Thí sinh tốt nghiệp tiến sĩ thực ra không có lương bổng cao hơn các thí sinh với bằng cử nhân hay người công nhân bình thường trong hãng xưởng. Xin nhắc lại: học tiến sĩ là để trở thành nhà nghiên cứu, nhà khoa học, và cái quan tâm đầu tiên của nhà khoa học là sự thật, chứ không phải sự giàu có về tiền bạc. Tất nhiên, có nhiều khi sự thật và khám phá cũng đem lại một nguồn tài chính lớn cho nhà nghiên cứu. Nhưng nói chung, đó không phải là mục tiêu để theo học tiến sĩ.

Ngộ nhận 7: học tiến sĩ là một lựa chọn tốt nhất. Cống hiến cho xã hội có nhiều cách và cuộc đời có nhiều lựa chọn, và học vị tiến sĩ chỉ là một trong số hàng trăm lựa chọn đó. Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đọc phát biểu này, nhưng đó là một thực tế. Thật vậy, đối với nhiều thí sinh, học vị tiến sĩ có thể là một lựa chọn sai lầm! Thí sinh phải tự hỏi mình muốn làm người lãnh đạo trong những người có văn bằng thạc sĩ, hay là làm một nhà nghiên cứu tầm thường. Thí sinh phải biết và quyết định mình muốn gì, và nghề nghiệp nào sẽ kích khích mình nhiều nhất hay đem lại hạnh phúc cho mình nhất.

Đột phá tư duy ?

Quay lại câu nói bất hủ (“Có bằng tiến sĩ mới đột phá tư duy”) tôi muốn trích lại lời thuật của Gs Đặng Phong (trong trang blog của Huy Đức) như sau: “Một lần, ông Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô đến thăm xí nghiệp đánh cá Vũng Tàu-Côn Đảo, một điển hình đổi mới lúc đó. Xí nghiệp này khi sắp bị phá sản đành phải mời một ông chăn vịt vốn là người thạo nghề đánh cá hồi trước 1975 làm giám đốc. Ông đòi được toàn quyền ‘khoán’ cho xã viên và xí nghiệp trở nên làm ăn rất hiệu quả.” Gs Đặng Phong kể tiếp: “Sau khi thăm và hỏi chuyện ở Xí nghiệp, ông Viện trưởng Viện Hàn Lâm Liên Xô hỏi các cán bộ ở trường Quản Lý Trung Ương: ‘Các anh có biết bí quyết thành công của ông giám đốc là gì không?’ Và, ông Viện trưởng đáp: ‘Đồng chí ấy thành công vì đồng chí ấy chưa được học qua lý luận’. Đổi mới trong giai đoạn ấy chủ yếu đều bắt đầu từ những nhà lãnh đạo địa phương chưa qua các trường lớp chính quy lý luận.”

Câu chuyện đơn giản trên cho thấy không phải có bằng tiến sĩ mới có tư duy đột phá. Thật ra, những gì gọi là “đột phá” đều phần lớn xuất phát từ những người không bị ràng buộc bởi những lí thuyết, không có bằng cấp đại học (chứ chưa nói đến học vị tiến sĩ). Cứ nhìn lại lịch sử phát triển kinh tế ở các nước phương Tây thì rõ: có bao nhiêu nhà lãnh đạo chính trị có bằng tiến sĩ đâu. Ở nước Úc tôi đang định cư, cựu thủ tướng Paul Keating được xem là một thủ tướng tài ba, một người có tầm nhìn xa và đột phá trong chính sách ngoại giao cũng như kinh tế. Ông Keating được xem là một thủ tướng giỏi, không phải vì ông có bằng cấp cao, mà vì ông biết dùng người có tài. Thật vậy, ông Keating thậm chí chưa tốt nghiệp trung học, nhưng người cố vấn và viết diễn văn cho ông là một chuyên gia có bằng tiến sĩ. Dưới “trướng” của Keating cũng là những cố vấn giỏi, nhưng chỉ có một số rất ít trong nhóm cố vấn này có bằng tiến sĩ.

Do đó, xin đừng sùng bái văn bằng tiến sĩ như là một chứng từ cho sự đột phá tư duy. Thật ra, ngược lại thì đúng hơn: phần lớn tiến sĩ không có tư duy đột phá. Điều này đúng, bởi vì phần lớn (có thể 99%) các nhà khoa học với học vị tiến sĩ chỉ làm việc trong những mô thức (paradigm) thông thường, và mô thức này thường được định hướng bởi những nhà khoa học tiền phong khác.

Đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam

Các trường đại học Âu châu đã từng đào tạo và cấp học vị tiến sĩ về thần học, luật học, y học trong nhiều thế kỉ qua. Nhưng học vị tiến sĩ trong các ngành khoa học tự nhiên và khoa học thực nghiệm chỉ mới xuất hiện từ đầu thế kỉ 19. Đến giữa thế kỉ 19, học vị tiến sĩ được du nhập vào Mĩ. Năm 1861, Đại học Yale trở thành trường đại học Mĩ đầu tiên cấp học vị tiến sĩ cho sinh viên. Các đại học Anh cũng theo trào lưu và bắt đầu cấp học vị tiến sĩ từ năm 1919. Từ đó, học vị tiến sĩ trở nên phổ biến trong hầu hết các đại học trên thế giới. Ở Mĩ, chỉ tính riêng các bộ môn y sinh học, số lượng tiến sĩ tốt nghiệp hàng năm đã tăng từ 5400 năm 1987 đến 7700 năm 1995. Ở Việt Nam, có 144 trung tâm đào tạo và trường đại học cấp học vị tiến sĩ, và mỗi năm các trung tâm này thu nhận vào khoảng 1000 nghiên cứu sinh tiến sĩ.

Theo thống kê thì hiện nay VN có khoảng 6600 giáo sư và phó giáo sư. Vẫn theo thống kê, trong số 48000 giảng viên đại học, có 13% hay 6250 người có học vị tiến sĩ. Như vậy, có lẽ cả nước có khoảng 12000 tiến sĩ (kể cả những “phó tiến sĩ” sau một đêm thành “tiến sĩ”).

Nhưng trình độ của các tiến sĩ này ra sao? Trong bài Cả nước có bao nhiêu tiến sĩ thật, tác giả phản ảnh nhiều khiếm khuyết trong việc đào tạo tiến sĩ ở trong nước. Những lem nhem về đạo văn, đánh tráo luận văn, mua luận văn, nhầm lẫn giữa nghiên cứu khoa học và dịch vụ, giải pháp, v.v… Thật vậy, theo bài báo này, trong số 97 đề tài nghiên cứu tiến sĩ ở Trường ĐH Kinh tế TPHCM, thì có đến 57 đề tài về giải pháp, không xứng tầm luận án tiến sĩ. Chỉ cần đọc qua vài luận án đã được cấp bằng tiến sĩ, có lẽ chúng ta không khỏi mỉm cười:

"Nhận thức của công chức hành chính về việc sắp xếp lại bộ máy của cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố”.

''Nhận thức của thanh niên nông thôn về chất lượng cuộc sống gia đình hiện nay''.

“Nghiên cứu nhu cầu điện ảnh của sinh viên”

“Phát huy vai trò của tri thức ngành y tế Việt Nam trong công cuộc đổi mới”.

“Lịch sử phát triển giáo dục – đào tạo ở An giang (1975 – 2000)

Đó là chưa nói đến sự lợi dụng chức quyền để có bằng tiến sĩ, mua bán bằng cấp, nghiên cứu ma (giả tạo hay thay đổi số liệu), nghiên cứu không đạt tiêu chuẩn khoa học hay sai phương pháp, v.v… được đề cập đến với nhiều bức xúc. Trong thực tế, rất nhiều người có học vị này chưa chứng tỏ mình là một nhà khoa học chuyên nghiệp xứng đáng với học vị tiến sĩ, vì họ được cấp học vị qua những cống hiến mang tính hành chính và quản lí hơn là những cống hiến mang tính khoa học và hàn lâm mà một luận án tiến sĩ đòi hỏi. Do đó có người mang bằng tiến sĩ từ nước ta sang Thái Lan để học nhưng chỉ được công nhận tương đương bằng y tá! Đã có người khẳng định rằng có nhiều luận án tiến sĩ ở trong nước không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế của một luận án tiến sĩ. Những vấn đề về đào tạo tiến sĩ đã được nêu lên nhiều lần, nhưng hình như vẫn chưa có ai đề ra những tiêu chuẩn cụ thể cho một học vị tiến sĩ là gì.

Trong bối cảnh như thế mà có quan chức nói đến chuyện có bằng tiến sĩ để có tư duy đột phá!

Như nói trên, học vị tiến sĩ là “giấy thông hành” để làm nghiên cứu khoa học. Sản phẩm quan trọng của nghiên cứu khoa học là bài báo khoa học được công bố trên các tập san quốc tế. Nhưng với 6600 giáo sư và phó giáo sư, cộng với 6250 tiến sĩ, đáng lẽ Việt Nam phải công bố khoảng (ít nhất là) 6000 bài báo khoa học. Nhưng hiện nay, mỗi năm, Việt Nam công bố được chỉ khoảng 1000 bài báo khoa học. Con số này thấp nhất so với các nước khác trong vùng Đông Nam Á, và chỉ bằng 1/5 Thái Lan và 1/10 Singapore.

Tại sao năng suất khoa học của Việt Nam quá tồi trong khi có nhiều “sĩ sư” như thế? Hiện nay, trong số GS/PGS ở các đại học chỉ có khoảng 1/3 (chính xác là 35%) tham gia giảng dạy đại học. Phần 65% còn lại là các quan chức trong các bộ và sở. Có lẽ con số tiến sĩ không làm nghiên cứu khoa học cũng khoảng 60-65%. Như vậy, có thể nói rằng Việt Nam đã và đang lãng phí nhân lực khoa học ở qui mô rất lớn.

Đó cũng chính là lời giải thích tại sao các quan chức trong các bộ ở Việt Nam, nhất là Hà Nội, thường có danh thiếp chi chít với những học vị tiến sĩ. Thoạt đầu tôi ngạc nhiên và thấy khó hiểu là tại sao các bộ, thậm chí sở, có quá nhiều quan chức với văn bằng tiến sĩ như thế, vì ở nước ngoài, hiếm thấy tiến sĩ làm việc trong các cơ quan hành chính. Nhưng nay thì tôi đã hiểu tại sao: vì Nhà nước muốn có những con số ấn tượng về phần trăm tiến sĩ trong đội ngũ cán bộ. Một cách làm đẹp con số thống kê.

Chủ trương tiến sĩ hóa cán bộ hành chính là một cách biến học vị tiến sĩ thành một loại giấy thông hành, một chứng từ, một tiêu chuẩn để tiến thân trong sự nghiệp quản trị hành chính. Chẳng hiểu từ đâu mà có qui định lạ lùng như phải là tiến sĩ mới được làm trưởng khoa trong một đại học, hay được đề bạt lên một chức vụ nào đó trong hệ thống quản trị hành chính. Chính vì qui định này mà không ít trường hợp, người ta đề bạt (hay nói thẳng ra là xếp đặt) người vào vị trí nào đó, rồi tìm cách hợp thức hóa cho người đó bằng cách cấp bằng tiến sĩ!

Việc hợp thức hóa đó bất chấp tiêu chuẩn khoa bảng và ý nghĩa của học vị tiến sĩ thể hiện một sự phá hoại các chuẩn mực giáo dục đại học.

Nguyễn Văn Tuấn
Nguồn: http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/09/nhung-ngo-nhan-ve-hoc-vi-tien-si.html

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2009

NGƯỜI LÁI ĐÒ NƯỚC NAM


“Người lái đò nước Nam” xưa nay đều là những bậc thiện tri thức luôn biết rõ chuyện của mình, ngay cạnh mình, gắn bó với dân tộc mình. Quốc sư Phù Vân từng nói với vua Trần Thái Tông rằng: “Phàm đã là bậc nhân quân, tất phải lấy ý của thiên hạ làm ý của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”...

Trên chiếc thuyền độc mộc, thiền sư Pháp Thuận nhận mệnh ngoại giao, cải trang làm người lái đò để đón sứ giả Lý Giác nhà Tống. Lý Giác thấy đôi ngỗng đang bơi, liền cảm hứng đọc hai câu thơ: “Nga nga lưỡng nga nga. Ngưỡng diện hướng thiên nha” (Song song ngỗng một đôi/ Ngửa mặt ngó ven trời). Nghe xong, Pháp Thuận bèn ứng khẩu ngâm tiếp: “Bạch mao phô thủy lục. Hồng trạo bãi thanh ba” (Lông trắng phơi dòng biếc/ Sóng xanh chân hồng bơi).

Lý Giác đã thán phục người lái đò mà viết tặng bài thơ trong đó có lời rằng: “Ngoài trời còn có trời nên chiếu/ Sóng lặng khe đầm, rọi mảnh thâu”.

Ý tứ của câu thơ được hiểu là tôn địa vị nước Nam ngang bằng với địa vị Trung Hoa. Nhưng đây cũng là “khẩu khí” ngoại giao của một sứ giả nước lớn. So sánh ngang bằng nhất thời của Lý Giác không giải quyết được những khúc mắc nhiều đời của hai dân tộc, tuy vậy cũng giúp cho nhận thức ngoại giao của nước Nam được củng cố. Thực tiễn cần phải chứng minh lời của Lý Giác không phải sự “vỗ về” hay “hạ cố”. Có như vậy, niềm tự hào của nước Nam mới không phải là ảo tưởng vĩ cuồng hay xuất phát từ tâm lý nhược tiểu.

Vận nước đến, nước Việt đã mở ra một thời đại độc lập, tự chủ lâu dài khi thiền sư Vạn Hạnh cố vấn và thuyết phục vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Vua Lý Nhân Tông đã ca ngợi Vạn Hạnh là bậc “dung tam tế”, “trụ tích trấn vương kỳ”.
Từ Giao Châu, Hoa Lư đến Thăng Long, những vị vua minh triết, những thiền sĩ hòa ánh sáng cùng cát bụi đã nối tiếp chí hướng tạo nên hình ảnh “người lái đò nước Nam” vững chí, vững tay trước mọi thác ghềnh, xây đắp nên nền móng độc lập, tự chủ cho Đại Việt. Có thể nói, văn hiến Thăng Long là sự kết hợp của bản sắc văn hóa và tầm vóc hiền tài.

Những “người lái đò nước Nam” thuở ấy luôn rộng lòng chở người trong bốn bể, nên mảnh đất Thăng Long trở thành chứng nhân của những thời đại khoan dung tư tưởng trong lịch sử dân tộc. Đó là những thời đại vua hóa Phật, văn thần võ tướng, thiền sĩ…, không kể tầng lớp xuất thân đều tích cực dấn thân nhập thế trong tinh thần ứng xử “Tam giáo” (hòa nhi bất đồng). Thời đại Lý - Trần sáng ngời bản sắc văn hóa và triết lý hành động, khi mọi trí tuệ, sức lực đều được tập trung tối đa cho công cuộc bảo vệ nền độc lập, tự chủ.

Cốt cách Thăng Long là cốt cách của những trí thức “Tam giáo”. Nhưng với không ít người trí thức, dù có được đào tạo bài bản về học vấn hay gắn bó mật thiết với triều đình, thì họ vẫn giữ được sự thanh thản trước danh lợi thế gian. Phong cách sống tự do, tự tại, cư trần lạc đạo của họ đã không biến họ thành những trí thức “tầm gửi”, có tư tưởng bảo hoàng. Trí tuệ và sức sáng tạo của tầng lớp trí thức được sử dụng vào việc đem đến sự no đủ, thuần thiện cho nhân dân. Tương quan với tâm thức ấy, thời đại của họ đã sản sinh ra những vị vua nổi tiếng anh minh, khoan dung, độ lượng và những quần thần thủy chung, tiết nghĩa.

Người trí thức trong nhiều hoàn cảnh vẫn không đứng ngoài những biến động của thời cuộc và vận mệnh dân tộc. Con đường của họ đi là con đường tự hoàn thiện mình, hiểu đời, vui đạo và tự chủ. Họ không lớn tiếng hô hào, không kiểu cách màu mè về lòng yêu nước, nhưng họ đã chiến thắng nhiều bộ óc xâm lược lớn, vì họ hiểu rằng ngôi nhà dù có tối cả nghìn năm nhưng nếu biết đoàn kết cùng nhau thắp ngọn đèn lên thì ngôi nhà cũng sẽ sáng tỏ.

Hội thề đền Đồng Cổ khởi nguyên từ thời Lý, có sức sống mãnh liệt trong thời Trần, nhưng đáng nói chỉ có hai nội dung chính: “Làm tôi tận trung, làm quan trong sạch”. Không thể có quan trong sạch khi vua không sống (và đề cao) trong sạch. Và chỉ khi nào hai sự trong sạch đó được thể hiện như nhau thì lời thề thứ nhất mới trở nên có ý nghĩa. Lời thề ấy tạo nên sức mạnh tổng hợp để chiến thắng ngoại xâm, giữ yên bờ cõi.

Thời đại nào có vua sáng tôi hiền thì tiếng nói của người trí thức được tôn trọng: thân phận của họ được đề cao; việc dở hay của họ luôn có cơ hội để điều chỉnh; sự đổi thay trong con người họ không có nhiều mâu thuẫn, dằn vặt, đớn đau... Trước sự đổi thay, họ không phải nén lòng mình lại hay mất quá nhiều năng lực để nuôi lớn giấc mộng “kinh bang tế thế” một cách hão huyền. Vì họ hiểu công việc và trách nhiệm gần nhất của họ là trả nợ áo cơm cho dân cho nước, để cuộc đời được đẹp hơn, thiện hơn. Điều họ hiểu và làm đều căn bản trên tinh thần vô chấp, vô vi, nên sự thăng trầm của cuộc sống chỉ làm họ nhận thức rõ hơn về sự thật lầm than của nhân dân mà coi trọng việc giữ gìn cảnh thanh bình, an vui.

Trong những mâu thuẫn tư tưởng, người trí thức cố gắng tìm một tiếng nói chung khi nhận thấy có những sự “dung dưỡng”, “trói buộc” của chính sách. Nhưng tinh thần “Tam giáo đồng nguyên” không lĩnh xướng cho một thái độ chấp thủ, bài tha. Người trí thức phải tự đi tìm lời giải cho mình ở những trải nghiệm cuộc sống khi thời thế xoay vần, lấy bỏ. Và phần nhiều trong số họ đã không bị những cái “khuôn” chật hẹp nào đó giam hãm. Họ có khả năng ra vào trong “Tam giáo”. Cái ngưỡng duy nhất buộc họ phải tỉnh táo vượt qua đó là tham vọng của chính họ. Họ không thể đứng ngoài những vận động của cuộc sống. Vì họ luôn có những dự cảm về chính trị và cả sự nhạy bén trước thời cuộc. Đôi khi họ nhận thức về những cái “chóng qua” đó để kịp thời phản tỉnh những xu hướng sống tiêu cực của chính mình.

Sự rộng dung tư tưởng trong thời đại của họ đã nói lên tinh thần hóa giải và làm mềm đi những hoàn cảnh sống khắc nghiệt, để họ hiểu rõ hơn về lẽ đời “xuất xử hành tàng”, “công thành thân thoái”… Một trong những đặc điểm tư duy của người Việt là dung hóa, tiếp biến mọi hình thức tư tưởng, nên trong nhiều hoàn cảnh, những nhiệt tình độc quyền chân lý, tư tưởng thường phải nhường chỗ cho sự dung hóa. Khoa thi “Tam giáo” được nhà Lý mở ra nói lên tầm nhìn xa rộng về một tầng lớp ưu tú của dân tộc.

Bộ máy xã hội muốn vận hành tốt thì không thể chiếu lệ, ban ơn, mà phải biết đề cao trí tuệ và sức sáng tạo của người trí thức. Có nghĩa rằng những con người đa tài, thị tình, khoáng đạt ấy không phải con thoi trên bàn dệt được đẩy qua đẩy lại một cách nhân tạo. Nếu sống chỉ để mượn danh “trí thức” thì chính bản thân họ không thể làm khác trước áp lực của nhu cầu quyền lực với những mối quan hệ “trong họ ngoài làng” đầy phức tạp. Hơn ai hết, người trí thức khi “được chọn” để đứng vào hàng ngũ quyền lực ấy, họ phải có đủ bình tĩnh và tỉnh táo để biết mình sẽ phải hy sinh những gì để không quay lưng lại với tiếng gọi nhân sinh tha thiết ngoài kia.

Đôi khi một số trí thức ở hoản cảnh nào đó đã hướng sự “đơn độc” của mình vào những phản biện xã hội quyết liệt. Nhưng chính khi ấy họ hiểu hơn về giá trị vai trò, cũng như tinh thần tự do của người trí thức. Họ đã biết sống với tinh thần hy sinh, chứ không sống bằng thái độ “mũ ni che tai”, “an phận thủ thường” để cuối đời có một sự thờ phụng hoành tráng trong tháp miếu. Nếu có thể “giữ mình” để tồn tại cho qua hoàn cảnh và chờ thời thì không ai khác họ đã tự “kiểm duyệt” mình một cách khắt khe, trong khi xu hướng xã hội đang rất cần sự rộng mở.

Đám đông và một số sự kiện xã hội, trong hoàn cảnh nào đó có thể không phải là quan tâm của họ, nhưng ở khả năng “định hướng”, người trí thức phải biết phân tích và thể hiện một tiếng nói (dù thuận hay nghịch) để xã hội dành cho họ một chỗ đứng hay một “bản án” công nhận sự tồn tại của họ với tư cách của người trí thức được thể hiện qua động cơ trong sáng vì lợi ích dân tộc.

Trong những diễn biến phức tạp của cuộc sống, thói quen lấy việc “cầu an” làm phương thức tự vệ đã khiến cho những phản xạ của người trí thức tiến gần đến sự “bảo lãnh”. Sự “bảo lãnh” làm cho họ ngỡ rằng mình đang được bọc nhung trong những “hóa thành” quyền lực. Người trí thức có lẽ nào lại xem giới hạn cuối cùng của mình là những “hóa thành” đó, khi biết bao trở ngại thác ghềnh còn đang nằm ở phía trước.

Người trí thức là ai? Cần đặt ra câu hỏi này khi một bộ phận người trí thức thời nay đang hối hả bên những hành lang quyền lực, họ thân cận các chức vụ, họ lao vào trong đám đông của các sự kiện, họ ngợi ca lãnh đạo để tìm chốn tiến thân… Từ những dữ kiện này, chúng ta tin rằng đang có những phân hóa trong cuộc sống của người trí thức. Và đâu đó có những sự vận hành “lệch chuẩn” đang bước dần ra khỏi “truyền thống” [xin hiểu chữ “lệch chuẩn” và “truyền thống” này với đầy đủ ý nghĩa tích cực và tiêu cực của nó]. Vì vậy, chưa có một cơ sở tồn tại mang tính lý thuyết nào để khái quát về một hình mẫu người trí thức hiện nay. Vì sự thích nghi với những biến động thời đại vẫn chưa bung xung được điều gì để có thể gọi tên cho một thái độ “trí thức” đúng nghĩa. Thái độ hoài nghi (lý trí), trong trường hợp đặt câu hỏi cho chính mình là cần thiết, để định nghĩa cho “động cơ” của người trí thức trước những biến động của thời cuộc, đặc biệt trong sự tương quan giữa các hệ tư tưởng khác nhau.

Sự không thống nhất trong “quan điểm” và cái nhìn về diễn biến cuộc sống vốn dĩ là sự phân hóa trong chính bản thân người trí thức, nhưng dù gì cũng có những điểm chung trước một đường hướng có ích cho dân tộc trong một tương lai gần. Tuy nhiên, nếu dư luận xã hội không được người trí thức định hướng, nó sẽ rơi vào sự thỏa hiệp (phe nhóm) một cách đầy cả tin về lợi ích riêng.

Đối kháng và đối thoại không phải là “mạt cưa” cãi nhau với “mướp đắng” vì bản chất của người trí thức phải từ những đối kháng và đối thoại ấy mà tự soi sáng và điều chỉnh mình. Nếu không, họ đã sống phí một đời chỉ để ngồi trên quyền lực với những mệnh lệnh và lòng hăng hái “thẳng tay” với mọi đối kháng hay đối thoại. Và người trí thức khi không còn nhiệt tình để dấn thân cống hiến là lúc họ rơi vào cảnh sống mòn, dù tư tưởng “vô vi” (ở đâu đó) vẫn dành một chỗ để khuyến khích riêng cho những ai muốn sống ẩn thân, không màng danh lợi.

Tinh thần của người trí thức phải là những “định nghĩa” lịch sử, những “văn tự không cháy” trước mọi cố gắng tiêu hủy của cái ác, cái bất công. Xã hội trong mọi thời đại luôn cần đến họ. Vì thế danh xưng “trí thức” không cho phép họ sống bằng thái độ hoạt đầu, quỳ gối, hạ mình trước quyền lợi để thỏa mãn dục vọng ích kỷ cá nhân.
Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, chống gậy trúc đi khắp trong thôn ngoài làng để khuyên dân chúng giữ gìn mười điều thiện, vì có thể ông đã nhận ra trên con đường vươn tới, từ bao đời nay, những “người lái đò nước Nam” không cho phép cái định mệnh u minh, bất thiện tồn tại trong đầu. Hành động từ bỏ ngai vàng của Trần Nhân Tông ở tuổi 41, thêm một lần khẳng định thái độ “phản ứng” với những gì mà các bộ óc quyền lực cổ kim đã thừa nhận, tán dương, cung phụng (bằng mọi cách). Việc từ bỏ những cái khó bỏ (đã được thiết định chặt chẽ) là sự dấn thân siêu việt, không thể nhìn một cách máy móc, xem đó như một sự “phản động” với cách thức duy trì quyền lực. Bằng hành động nhường ngôi tích cực đó, Trần Nhân Tông đã tự làm mới mình trên con đường của bậc thiện tri thức đã đi. Điều đó đủ để người đời xem ông là một triết vương của thời đại.

“Người lái đò nước Nam” xưa nay đều là những bậc thiện tri thức luôn biết rõ chuyện của mình, ngay cạnh mình, gắn bó với dân tộc mình. Quốc sư Phù Vân từng nói với vua Trần Thái Tông rằng: “Phàm đã là bậc nhân quân, tất phải lấy ý của thiên hạ làm ý của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình”. Và cho đến nay, lời thề “trong sạch” từ Đồng Cổ vẫn vọng về… như nước non nghìn thu một thuở.

Thích Thanh Thắng
(Theo Nguyệt san Giác Ngộ số tháng 9/2009)

Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2009

NHẤT THỜI NHÌ THẾ


TT - Tôi tôn trọng những người có ước mơ nhưng với tôi, thú thật, ước mơ là cái gì đó thật trừu tượng và phi thực tế khi hằng ngày ta chứng kiến bao nhiêu chuyện chẳng cần ước mơ gì người ta cũng đạt được.

Tôi chia sẻ với nhiều bạn mơ ước có một nghề, mơ ước vào đại học, mơ ước có công ăn việc làm hoặc kha khá hơn là mơ ước thành đạt, giàu có. Đúng là người ta có quyền mơ điều mình chưa có. Tôi hiện cũng chưa thành đạt hay giàu có, nhưng những điều đó tôi không cần ước mơ nó cũng tự đến. Cha mẹ tôi là những người có ảnh hưởng.

Tôi chưa thấy ai có ảnh hưởng mà con cái phải vất vả trong cuộc mưu sinh hoặc viết ước mơ dằng dặc trên giấy cả. Bởi những thứ người khác mơ ước cứ tuần tự đến mà không mất chút nỗ lực nào. Đôi lúc tôi cũng nghĩ như thế là bất công. Nhưng cuộc sống đâu phải lúc nào cũng công bằng? Và đó là một phần tất yếu của cuộc sống.
Có thân có thế bao giờ cũng tốt hơn là ngồi đó mà mơ ước hão huyền. Nhiều bạn bè tôi không thân không thế cũng tìm cách “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Và nhiều người trong số đó quả nhiên thành công.

Chịu khó lễ phép, chịu vâng dạ với người đáng kính thì được tin tưởng, được cất nhắc và nhất là vớ được những hợp đồng kha khá trong làm ăn. Mất mát gì mà lại được rất nhiều, lại chẳng phải nặng đầu với chuyện mơ ước.

Cũng rất nhiều người nhờ “thời”. Nhiều người tôi biết vốn lớn lên từ chân quê gốc rạ, học hành làng nhàng, sống mờ nhạt, chẳng có một chút lý tưởng hay chính kiến gì. Vậy nhưng gặp thời bỗng chốc đùng đùng thăng tiến. Nhiều anh đang làm chân thư ký văn phòng, đùng một phát có chuyện chia tách tỉnh, phóng lên chức vèo vèo. Gặp thời!
Tôi không nói tất cả những bạn đó không có động cơ phấn đấu nhưng rất nhiều người trong số đó sống rất an phận, thế mà gặp thời là phất. Hay ngay cả tôi, tôi chẳng có ước mơ gì. Thế nhưng nhờ gặp thời mà lại có thế, đùn đùn đẩy tôi đi lên. Tại sao tôi phải mơ khi tôi muốn là được?

Tôi không có nhận định gì về những người thích ước mơ nhưng tôi cứ thấy tồi tội thế nào ấy. Giữa cuộc sống bộn bề ào ạt này mà giờ còn ước mơ và lên lịch thực hiện thì... chắc chết! Bạn chưa có thời thì ráng mà tạo ra thời, chưa có thế thì tìm nơi mà dựa hơi. Đừng nghĩ vậy là lố bịch vì khi làm chuyện đó bạn chẳng làm gì thiệt hại cho ai. Và chẳng việc gì phải sợ người ta dị nghị khi có quá nhiều người bị dị nghị vẫn sống nơi chót vót, còn kẻ tự xưng là thanh cao thì cứ quẩn quanh dưới mặt đất.
Nhưng tùy, vì mơ ước là miễn phí nên ai thích thì cứ mơ. Đó là chuyện cá nhân mà!

HOÀNG HOA
(Theo Tuoitreonline)

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2009

NGHĨ VỀ NHỮNG ĐẠI GIA HÔM NAY

TT - Một người ăn mày trong cơn đói phải tranh ăn với con chó của một gã nhà giàu, lỡ tay đánh gãy hai chiếc răng của con chó. Gã nhà giàu nọ lên ôtô phóng đuổi theo người ăn mày với ý nghĩ:

- À, mày đánh gãy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng!

Thiên truyện mang tên Răng con chó của nhà tư sản mà tôi vừa tóm tắt được Nguyễn Công Hoan viết đúng 80 năm trước (1929). Thú thật lần đầu đọc lên tôi hơi ngờ ngợ, liệu có người ác, vô lương tâm, coi con chó hơn cả sinh mệnh của đồng loại? Nhưng rồi thực tế cho tôi biết là có một hạng người như thế với cách cư xử như thế. Dân ta gọi họ là trọc phú. Sau khi giàu lên họ coi cuộc đời chỉ còn ý nghĩa ở sự hưởng thụ và càng ngông nghênh thách thức với đời càng thích. Hơn thế nữa - như Nguyễn Công Hoan đã nói trong truyện ngắn trên - đó là những con người càn rỡ, những nhân cách kỳ dị, bề ngoài lên mặt với đời nhưng cuộc sống nội tâm lại cực kỳ nghèo nàn, nhạt nhẽo.

Trên báo chí ta gần đây, hình ảnh những đại gia cũng bắt đầu xuất hiện. Và ta lại thấy ở không ít đại gia hôm nay những nét của đám trọc phú xưa. Đúng là trong các đại gia gần đây không ít người có chất hãnh tiến, khinh thế ngạo vật, trơ tráo tàn nhẫn. Họ gợi lại hình ảnh đám giàu xổi đã thành một bộ phận đáng ghét hằn lên trong tâm lý cộng đồng Việt bao đời nay mà văn học đã ghi nhận.

Song tôi không nghĩ rằng tất cả họ đều là trọc phú.

Thông minh sáng láng, khao khát tự khẳng định, quyết đoán dám làm cả những việc động trời, họ nhiều phen gợi cho tôi niềm kính phục.

Nhiều khi cách sống, cách nghĩ, tư thế khai phá sáng tạo của họ đã đánh thức tinh thần năng động của xã hội và mở ra lối thoát cho những tình thế bế tắc.

Nhiều phen họ đã phải lấy cái xấu để vượt lên sự trì trệ. Cuộc vật lộn hằng ngày quá quyết liệt tước đi gần hết của họ cả những niềm vui hồn nhiên lẫn những giây phút hướng thượng cao đẹp.

Nhìn một cách bao quát, tôi chỉ thấy tiếc. Nếu được sự dắt dẫn của trí tuệ, lẽ ra họ có thể tìm được những định hướng khác. Tài năng và sức lực của họ sẽ được huy động để trở nên có ích hơn cho cộng đồng, và như vậy tên tuổi họ còn có khả năng ở lại với tương lai, với lịch sử, chứ không phải chỉ được truyền tụng kèm theo bao lời chê trách như hiện nay.

VƯƠNG TRÍ NHÀN

Thứ Tư, 2 tháng 9, 2009

“CÁCH CHO HƠN CỦA CHO”


Đọc “Một thời mù chữ” của ông Trần Ngọc Cư, đến cuối bài tôi mới rõ hiện trạng “mù chữ” này có “tính lịch sử của đại khối dân tộc”. Và may mắn cho tôi là được đọc bài viết của ông Trần Ngọc Cư bằng chữ Quốc ngữ (Latin hoá), chứ không phải chữ Hán hay chữ Nôm. Vì thế có thể nói rằng những ai đọc được bài viết của ông Trần Ngọc Cư như tôi thì tối thiểu đều không “mù chữ” Quốc ngữ. Có điều dù không “mù chữ” Quốc ngữ thì ai cũng nhận thấy bài viết của ông Trần Ngọc Cư tiếng Hán – Việt vẫn chiếm rất nhiều trong cái vỏ chữ Quốc ngữ kia.

Lạ quá, hiện tại “Hán – Việt – Latin” vẫn “đề huề” trong ngôn ngữ và chữ viết hàng ngày của dân ta. Nếu chỉ đề cao một trong ba cái sự “đề huề” này thì sẽ không công bằng. Nhưng nó đã có “tính lịch sử” rồi thì còn biết làm sao được nữa, nhất là khi dân tộc ta ngay từ đầu đã không có một thứ chữ viết ổn định đủ khả năng để đề kháng ngoại lai. Ngay cả khi mượn vào hình thức chữ Hán để sáng chế ra chữ Nôm (khiến người Trung Hoa đọc cũng không hiểu) thì cũng vẫn bị mang tiếng là vay mượn. Ai chê trách người nghèo mang công mắc nợ nhỉ?

Nhưng áo rách còn giữ được lề, người Việt đã không đánh mất luôn tiếng nói của mình. Không có chữ viết thì đi vay mượn, mất chữ viết thì có thể học chữ viết khác, nhưng mất tiếng mà học tiếng khác thì trở thành người ngoại quốc mất rồi. Dân tộc ta tiếp thu nguồn Hán học cả hàng nghìn năm, và chính vì cái tiếng nói không mất nên không bị đồng hoá. Nhưng cái “tính lịch sử” nó cứ lặp lại như thế thì biết làm sao, bởi cả chữ Nôm và chữ Quốc ngữ đều là vay mượn để ký âm tiếng Việt cả.

Cụ Hoàng Xuân Hãn đã viết về Hội Truyền bá Quốc ngữ như sau: “Lần đầu nghe nói đến tên hội này, tôi lấy làm ngạc nhiên, rồi đáp: ‘Không ai mời tôi cả. Vả chăng ngày nay ai mà chẳng học Quốc ngữ; thì lập hội làm gì? Hoặc Quốc ngữ đây nghĩa là tiếng ta. Tiếng và văn Việt ngữ? Lập hội với mục đích ấy cũng tốt, vì ngày nay ai cũng muốn nói tiếng Tây cho thoáng, chứ không hiểu đúng tiếng ta, đến đỗi hạng lầm hiểu rằng ‘yếu điểm’ là điểm yếu, ngày càng nhiều’. Cụ để tôi nói dài mới ngắt lời, rồi đáp: ‘Truyền bá Quốc ngữ là truyền bá cách viết tiếng ta bằng những chữ la-tinh A, B, C” (“Nhớ lại hội Truyền bá Quốc ngữ…” – Báo Đoàn Kết tháng 9-10-1988).

Mục đích sử dụng chữ Quốc ngữ của những người Việt Nam yêu nước và mục đích của chính quyền Pháp là không giống nhau. Giám mục Puginier, từng nói: “Sau khi đạo Thiên Chúa được thiết lập, tôi xem việc tiêu diệt chữ Nho và thay thế dần dần, ban đầu bằng tiếng An Nam, rồi bằng tiếng Pháp, như là phương tiện rất chính trị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập nên tại Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông” (Thư giám mục Purinier gửi Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa, 6-5-1887, Thư khố Pháp quốc Hải ngoại A00 (30) hay N.F 541). Còn ở Nam Kỳ, ngày 6/4/1878, Đô đốc Hải quân – Thống soái Nam kỳ Louis Lafont ra nghị định số 82 bắt buộc các công văn, thư từ hành chính phải viết bằng chữ Quốc ngữ thay vì chữ Hán hay chữ Nôm. Rất may các cụ nhận ra cái việc “nói tiếng Tây cho thoáng” mà “không hiểu đúng tiếng ta” là việc đồng hoá nguy hại, nên truyền bá chữ Quốc ngữ như một đòn “gậy ông đập lưng ông” đánh vào mưu đồ đó.

Trong lá thư đề ngày 12/01/1882, từ Chợ Quán “Kính gởi các vị trong Hội đồng Thuộc địa”, Trương Vĩnh Ký viết rõ hơn về mục đích các tác phẩm của ông:

Thưa quí vị,
Tôi hân hạnh gởi đến quí vị một bản trình bày từng tác phẩm xuất bản mà tôi đã biên soạn. Làm như vậy, ý định của tôi là để chứng tỏ với quý vị rằng trong 13 cuốn sách tôi đã xuất bản cho đến nay do tiền tôi bỏ ra, tôi chưa bao giờ đi lệch mục tiêu chính và trực tiếp mà tôi đã trình bày trước đây trong các thư tôi viết vừa cho nhà cầm quyền, vừa cho Ủy ban Phụ trách Cứu xét những tác phẩm của tôi. Mục tiêu đó là sự biến đổi và đồng hóa dân tộc An Nam”
(Nguyễn Sinh Duy, Cuốn sổ bình sinh của Trương Vĩnh Ký, NXB Nam Sơn, Sài Gòn, tháng 3,1975).

Khi tôi đề cập việc cần nhìn nhận vấn đề “mù chữ” trong hiện tượng “đồng văn” ở phương Đông cũng như phương Tây, thì ông Trần Ngọc Cư đã phản hồi rằng: “Ngữ hệ Hán có cánh cửa cơ hội là ngàn năm lịch sử để hình thành một loại chữ viết kí âm tiếng nói của người Việt, nhưng cao điểm cũng chỉ tạo ra được chữ Nôm, một thứ chữ viết rối rắm. Vua Quang Trung với ‘Sùng Chính viện’ chỉ là một loé chớp trong đêm dài nô lệ chữ Hán”.

Ông Trần Ngọc Cư đã nói như thánh phán khi một sự việc mà nguyên nhân và kết quả đã bày ra trước mặt mọi người để có thể so sánh sự tiện lợi giữa việc viết bằng chữ Nôm và viết bằng chữ Quốc ngữ (trong một ý thức, tâm lý và quán tính sử dụng đã trở nên nhuần nhuyễn). Nhưng nếu người Trung Quốc, Nhật Bản (trừ Hàn Quốc ra vì chữ viết có vẻ giản tiện hơn) cũng có “tinh thần so sánh” như trên thì chắc họ cũng sẽ bỏ quách cái chữ họ đang dùng đi cho khoẻ vì đỡ “rối rắm” hơn chăng? Vâng, nếu có thể so sánh (dù rất buồn cười) thì một đứa trẻ ở Việt Nam có thể học chữ Quốc ngữ trong một thời gian ngắn (loại trừ một số học sinh lên lớp 5 rồi mà vẫn chưa biết đọc như báo chí từng đưa tin), nhưng với một đứa trẻ Trung Quốc, cũng không phải vì ít thuận tiện hơn trong việc viết chữ Hán (thay bằng Latin) mà bảo rằng nó sẽ học không đúng cấp (tức mất nhiều thời gian để học lớp 1. lớp 2…), ít kiến thức hay ít thông minh hơn…

Khi chữ Nôm được đưa vào trong thi cử, chắc chắn đó không phải là một “thách đố” mà chứng tỏ việc học chữ Nôm đã trở nên phổ biến trong xã hội, có tác động nhiều đến tầng lớp bình dân. Năm 1791 vua Quang Trung cho lập “Sùng Chính viện” để dịch kinh sách từ Hán sang Nôm. Dĩ nhiên dịch sang Nôm là diễn đạt bằng ngữ pháp của người Việt. Còn thì chữ Nôm cũng chỉ chiếm khoảng 20% trong cái kho từ vựng chữ Hán. Vì thế việc viết khoảng 20% chữ Nôm cũng không phải công việc khó tới mức không làm được khi lịch sử phát triển của nó đã trải dài trước đó cả vài trăm năm. Điều đáng tiếc là năm 1791 vua Quang Trung cho lập Sùng Chính viện thì năm 1792 ông qua đời.

Nếu nói về thành công của văn xuôi chữ Nôm, trước đó phải kể đến những tác phẩm kinh sách của Minh Châu Hương Hải (1628-1715) với lối hành văn tiếng Việt không khác với chúng ta ngày nay. Trong Giải tâm kinh ngũ chỉ, Minh Châu Hương Hải viết bằng chữ Nôm: “Nương lời trong kinh, dịch rằng Thích Ca Thế tôn thuở trú trong non Linh Thứu, vào toạ thiền, nhập quang minh đại định. Khi ấy, Xá Lợi Tử bạch Quán Tự Tại Bồ tát rằng: ‘Dầu có chúng sinh tu hành, muốn học cửa pháp Bát nhã thần thông vi diệu, rằng làm sao cho hiểu thấu được’. Quán Tự Tại Bồ tát bèn dạy bảo Xá Lợi Tử rằng: ‘Thích Ca Thế tôn diễn thuyết đại bộ Bát nhã sáu trăm quyển. Một Bát nhã tâm kinh này lấy làm chí tinh, chí yếu, là mẹ đại bộ chư kinh, truyền sang Đông độ, đã năm lần dịch. Đến đời Đường, Huyền Tráng pháp sư lại vâng chiếu dịch truyền để Đông độ lấy làm chính giáo thịnh hành…”. Xin tìm đọc cuốn Toàn tập Minh Châu Hương Hải, NXB TPHCM, 2000 của Lê Mạnh Thát.

Như vậy, cái “loé chớp trong đêm dài nô lệ chữ Hán” mà ông Trần Ngọc Cư hùng hồn nói chẳng qua khi chúng ta đã không còn cơ hội để đặt giả thiết nếu vua Quang Trung không mất sớm và nếu người Pháp không xâm lược Việt Nam thì… nữa. Và khi chúng ta vẫn đang sử dụng “Hán – Việt – Latin” một cách “đề huề” trong ngôn ngữ và chữ viết (vỏ ngữ âm) như vậy mà ông Trần Ngọc Cư sử dụng từ “nô lệ” cho riêng chữ Hán thì thật thiếu công bằng. Khoảng gần 80% từ Hán – Việt mà chúng ta đang sử dụng để ít nhiều có thể hiểu nhau qua diễn đạt tư tưởng, tình cảm (bằng cái vỏ ngữ âm Latin) có nguồn gốc từ đâu? Không biết hơn 1000 năm sau, thời thế đổi thay (dĩ nhiên không ai mong dân tộc ta bị thế lực nào đó đồng hóa), con cháu chúng ta có bảo chúng ta “nô lệ chữ Quốc ngữ” hay không?

Sự vận động và phát triển qua nhiều giai đoạn của chữ Nôm chắc không phải để “mua vui” như Nguyễn Du nói ở cuối Truyện Kiều. Vì rõ ràng cái chữ Nôm đó đã diễn tả được tiếng nói của dân tộc trong một giai đoạn phát triển ngôn ngữ mà chữ Hán không thể thay thế được. Vì thế từ Trần Nhân Tông đến Lê Thánh Tông, Quang Trung, cùng với hàng loạt các danh dân, trí thức mà chúng ta tự hào nói đến, họ đều là những người thông Hán và giỏi Nôm cả. Các vị ấy đều đã mất công mất sức thâm nhập vào chữ Nôm (“rối rắm”) để mang đến cho dân tộc những ngôn ngữ gần với đời sống hơn.

Không ai phủ nhận lợi ích của chữ Quốc ngữ trong việc dùng nó để chống lại Pháp và sự thuận tiện của nó hiện nay. Nhưng cần có một cái nhìn công bằng hơn với chữ Hán – Nôm, đặc biệt là chữ Nôm. Vì muốn hiểu tư tưởng của tiền nhân không chỉ có sự nỗ lực học tập mà còn rất cần có tấm lòng nữa. Trong sự “lựa chọn” mà không thể còn lựa chọn nào khác (“thông minh”) hơn thì đó chính là “tính lịch sử” (đã rồi) như ông Trần Ngọc Cư đã nói về sự “lựa chọn”. Còn dĩ nhiên, chữ Quốc ngữ (kể cả trước đó là chữ Hán) làm sao có thể lấy đi cơ hội thành công của chữ Nôm được. Chỉ có điều cái chính quyền áp đặt việc thủ tiêu nó mới lấy đi cơ hội thành công của nó mà thôi. Tháng 5/1906, dụ của vua Thành Thái về tổ chức giáo dục hệ 3 cấp cho bản xứ được một nghị định của Paul Beau phê chuẩn: ở cấp I, học sinh học cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ; lên cấp II học chữ Hán, chữ Quốc ngữ và một phần tiếng Pháp không bắt buộc; đến cấp III thì cả 3 thứ chữ đều bắt buộc học như nhau. Một “chính sách” xuyên suốt và có hệ thống như thế thì làm gì còn cơ hội cho chữ Nôm (Nôm na là cha mách qué) thành công.

Trong ý kiến trước, tôi nói: “khi “mù” đã có tính “lịch sử” rồi thì… trách ai, ai trách bây giờ trách ai?”. Nhưng qua ý kiến ngắn phản hồi của ông Trần Ngọc Cư thì tôi đã hiểu một vài phần về cái sự “mù chữ” ấy. Tôi cũng xin nói thêm rằng, trong cái hiện tượng “đồng văn”, dân tộc ta đã từng được “ban cho” chữ viết (nói như ai đó), nhưng sự tỉnh táo của người Việt là đã biết vận dụng sự tiện ích của nó nhằm bảo vệ tiếng nói, non sông của mình. Nên dù có phải nói lời cảm ơn (hay gượng ép phải cảm ơn vì từng bị “đấm đá”) thì trước khi nhận một “món quà” người Việt cũng hiểu được thế nào là “cách cho hơn của cho”.

© 2009 Nguyễn Mai Sơn
© 2009 talawas blog: http://www.talawas.org/?p=9722&cpage=3#comment-5362