Thứ Ba, 2 tháng 9, 2008

CẦU NGUYỆN ĐÒI ĐẤT: "ÔNG TIỀN CHỦ, BÀ TIỀN CHỦ" Ở ĐÂU?


Tương tự như vụ cầu nguyện đòi đất “Tòa khâm sứ” do TGM Ngô Quang Kiệt phát động, vụ cầu nguyện đòi đất tại giáo xứ Thái Hà cũng đã lên đến đỉnh điểm bằng các hành vi đập phá tài sản và gây mất trật tự công cộng. Điều đáng nói những hành vi coi thường luật pháp lại tiếp tục được núp dưới danh nghĩa “cầu nguyện đòi đất” vì “công lý và hòa bình”. Sự việc ngày càng tỏ ra thách thức bất chấp pháp luật, nên cần nhìn nhận và xâu chuỗi những hành vi “cầu nguyện” này là có chủ đích “mất trật tự”, vượt khỏi hình thức “đòi đất” thông thường. Khởi đầu từ Giáng sinh 2007, vụ cầu nguyện đòi đất “Tòa Khâm sứ” (một phần đất cùng với nhà thờ Lớn được xây trên di sản Chùa Báo Thiên) đã lây lan qua các vụ “cầu nguyện đòi đất” khác, với ý đồ “hiệp thông”, nhằm gây sức ép lên hệ thống pháp luật, làm cho những diễn biến chính trị xã hội, tôn giáo tại Việt Nam trở nên phức tạp.

Có thể nói, trước vấn đề đất đai, những năm gần đây xảy ra liên tiếp những vụ khiếu kiện, cụ thể là chính sách đền bù, giải tỏa để quy hoạch đô thị, xây dựng các khu công nghiệp, hoặc do chưa thỏa đáng trong đền bù, hoặc do những sai phạm về quản lý đất đai tại một số địa phương đã dẫn đến những thiệt hại vật chất nhất định cho người nông dân. Đã có lúc, người dân từ một số vùng nông thôn kéo lên các thành phố lớn để khiếu kiện về đất đai, trở thành một điểm nóng chính trị xã hội đáng lưu tâm.

Tuy nhiên, những vụ “cầu nguyện đòi đất” của một số người Công giáo dòng Chúa Cứu thế thì không tương đồng về bản chất và mức độ. Bởi những phần đất mà họ đòi cơ bản đã nằm ngoài khuôn khổ của pháp luật hiện hành. Nói cách khác, họ muốn tách riêng ra khỏi hệ thống pháp luật Việt Nam để xây dựng một “chủ nghĩa xét lại” về đất đai và hợp lý hóa ngay cả những phần đất mà họ đã từng cưỡng chiếm như chùa Báo Thiên (nay là nhà thờ Lớn), chùa Lá Vằng (nay là nhà thờ La Vang), chùa Hội Tôn (nay là nhà thờ Mằng Lăng)… Cầu nguyện đòi đất, rước ảnh tượng Chúa, thánh giá vào cắm mốc là một hình thức tái chiếm những phần đất đã bị nhà nước trưng thu, hoặc những phần đất mà họ phải bàn giao cho nhà nước quản lý trong chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và chính sách đất đai ở miền Nam.

Họ đang muốn lật lại và lập lại những hình ảnh không tốt đẹp của thời ngoại thuộc, khi phủ nhận và tự cho phép mình nằm ngoài những chính sách đất đai kể trên (một điều mà khi luật này được thi hành tại thời điểm lịch sử đó, họ không có cách gì thay đổi được), nên cố tình làm ngơ hoặc không để ý đến những văn bản pháp luật đã được sửa đổi và thông qua trong những năm gần đây của nhà nước. Căn cứ vào Luật Đất đai năm 2003 và Nghị định 181 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, căn cứ vào Nghị quyết số 23 ngày 26-11-2003 của Quốc hội về nhà đất do Nhà nước quản lý và chính sách cải tạo nhà XHCN trước ngày 1-7-1991 “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất”.

Sau khi báo SGGP ngày 20-8-2008 đăng bài “Không chấp nhận hành động vi phạm pháp luật, kích động giáo dân", Linh mục Cao Đình Trị (tự giới thiệu là Phó Giám tỉnh Dòng Chúa cứu thế VN – 38 Kỳ Đồng quận 3 TPHCM, đại diện cho 279 linh mục, tu sĩ Dòng Chúa cứu thế tại VN và toàn thể giáo dân Thái Hà, Tổng giáo phận Hà Nội, Giáo hội Công giáo VN) gửi đơn khiếu nại tới Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Biên tập Báo SGGP và lãnh đạo một số báo đài. Trong đơn khiếu nại, linh mục Trị cho rằng “khu đất (178 Nguyễn Lương Bằng, Q.Đống Đa, Hà Nội - PV) mà Giáo xứ Thái Hà và Tu viện Dòng Chúa cứu thế Hà Nội là chủ sở hữu hợp pháp từ năm 1928, bị chiếm đoạt không có bất cứ một văn bản hoặc chủ trương nào phù hợp với hiến pháp và pháp luật Việt Nam”.

Thế nhưng liên quan đến những phần đất di sản của Phật giáo bị nhà thờ chiếm phá như đất của nhà thờ La Vang và gần đây là vụ “Tòa Khâm sứ” (đất chùa Báo Thiên cũ) thì không ai lên tiếng vì “công lý và hòa bình” cho chủ sở hữu hợp pháp của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, thế nhưng khi tranh chấp một mảnh đất với nhà nước, họ lại lập luận: “Tất cả giáo dân, linh mục nhà thờ là một thể thống nhất về quyền lợi và nghĩa vụ”. Điều đáng nói cái gọi là “chủ sở hữu hợp pháp” của họ là do chính quyền thực dân bảo hộ cấp. Rõ ràng trong thái độ lật lọng của họ, chỉ có giấy tờ do chính quyền bảo hộ thực dân cấp mới có cơ sở pháp lý để giải quyết còn lại đều bị họ không thừa nhận.
Thực dân Pháp đánh chiếm Việt Nam, dù dưới bất cứ danh nghĩa gì thì vĩnh viễn “chính quyền” ấy không thể là sở hữu chủ hay đại diện sở hữu chủ trên mảnh đất mà đã có biết bao thế hệ đồng bào, trong đó có nhiều dân tộc, nhiều tín ngưỡng khác nhau đã không quản hy sinh xương máu, tài sản cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong chính sách cải tạo ruộng đất của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, hấu hết đất đai được lấy lại từ tay thực dân, phong kiến, và các cơ sở tôn giáo, không ít chùa chiền, đình miếu cũng bị trưng thu. Nếu cứ đem quá khứ của nhiều mảnh đất mà hiện nay nhà thờ có được (do cấu kết với thực dân, do mua bán trao đổi và cả cưỡng chiếm, cướp phá chùa chiền, đình miếu mà có) ra bằng đúng lương tâm con người thì không thể cân lường bằng vài thứ “công lý” ngoại thuộc ấy được. Bởi công lý chính là lương tâm. Không thể có chuyện cướp đất nơi này, đòi đất nơi kia mà vẫn có thể ngang nhiên sử dụng những cụm từ “công lý và hòa bình” được. Lương tâm người bình thường còn không cho phép lẽ nào là lương tâm tôn giáo.

Lịch sử còn biết bao trang ghi rõ những ngôi chùa đã bị cưỡng chiếm, cướp phá để rồi hiện diện trên đó là những nhà thờ đồ sộ. Ai sẽ là người thay họ đi đòi? Chùa chiền là di sản văn hóa của toàn dân tộc, lẽ nào những sự tàn phá di sản trong quá khứ không gợi lên một bài học lương tâm hay lòng trắc ẩn của những con người đang “cố sống cố chết” cầu nguyện “đòi đất” bằng mọi cách bất chấp pháp luật hiện hành? Và nếu cứ xét lịch sử (sở hữu chủ) đất đai thì không ít nhà thờ vốn được xây trên đất chùa. Vậy Tăng Ni, Phật tử Việt Nam hiện nay có quyền căn cứ vào những bằng chứng lịch sử để lên tiếng với nhà thờ đòi trả lại đất hay không?

Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt từng phát động đòi đất “Tòa khâm sứ” và hiệp thông với những linh mục nhà thờ Thái Hà. Ngòi nổ của những vụ cầu nguyện đòi đất khác đều xuất phát từ động thái thách thức của TGM Ngô Quang Kiệt. Nếu TGM Ngô Quang Kiệt (con đẻ của Vatican) không chống lưng cho những vụ cầu nguyện quá khích thì có giáo dân nào dám tỏ ra thách thức đến mức vác kìm búa, xà beng đi cầu nguyện. Chính ông ta chưa từ bỏ tham vọng “Tòa khâm sứ” khi kêu gọi một số linh mục nước ngoài “hiệp thông”: “nhất định đòi Tòa Khâm sứ cho bằng được” như tin BBC đã đưa. Và chính ông ta đưa ra lời phát biểu “nếu ai cầu nguyện mà phải đi tù, tôi sẽ đi tù thay”. Người đứng đầu giáo phận Hà Nội đã “hiếu chiến” với đòi đất như vậy thì không lấy làm lạ khi giáo dân Thái Hà ngày càng quá khích trong hành vi cầu nguyện.

Vụ “Tòa khâm sứ” và vụ giáo xứ Thái Hà thực chất chỉ là một chủ ý nhất quán trong chiến dịch “đòi đất” để thử gân nhà nước Việt Nam của Vatican, bởi đó là điều họ đã từng tuyên bố trong những chuyến viếng thăm Việt Nam: cầu nguyện đòi đất chỉ là những việc làm “chìm nổi”, “ẩn hiện”, đằng sau chính là việc thúc Việt Nam nhanh chóng bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Vatican, công nhận những đóng góp của đạo Công giáo (Vatican) với dân tộc Việt Nam. Như vậy, việc “cầu nguyện đòi đất” chẳng khác gì “thí tốt” để “bắt xe” chạy theo đúng dự tính của họ.

Thực tế, ngay sau bức thư của Quốc vụ khanh Vatican yêu cầu các linh mục và giáo dân ngưng ngay các hành động cầu nguyện quá khích, việc “cầu nguyện đòi đất” đã trở nên “vụng về” trong con mắt của những người chủ chăn, trở nên phản cảm trong con mắt quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, mỹ từ “công lý và hòa bình” lại là vầng hào quang trong con mắt của những giáo dân bị lợi dụng làm công cụ hay bình phong cho mưu đồ thâm hiểm gây bất ổn chính trị xã hội của họ. Những giáo dân quá khích không có đầy đủ nhận thức để hiểu những âm mưu chính trị gây mất trật tự an ninh xã hội hay “thủ thuật diễn trò” của Vatican qua một số nhân vật mà họ “đặt cược”. Nhưng chính hành vi nôn nóng gây sức ép bằng mọi cách đó buộc họ phải đi một nước cờ “được ăn cả ngã về không”, và vô hình chung họ đã tự tố cáo hay tự nhận mình ở cái thế bên lề, luôn chống lại lợi ích dân tộc. Chẳng lẽ “trống rong cờ mở” cầu nguyện rùm beng để cho “ngoại quốc” (với tiêu chí, thước đo “Tây”) biết đến lại “xôi hỏng bỏng không”, nên buộc phải đẩy một vụ “cầu nguyện” lên làm mức rối loạn điển hình (cố đấm ăn xôi) để cố giành thắng cho bằng được, bất chấp việc phỉ báng vào pháp luật về đất đai của chế độ hiện hành. Phỉ báng pháp luật hiện hành, để người ta nghĩ rằng chế độ cộng sản chỉ đầy ra đó những hình ảnh tham nhũng, cướp chiếm đất đai…, cứ như nếu chế độ nằm trong tay họ thì Việt Nam sẽ có ngay công lý và hòa bình tuyệt đối.

Cứ thử nhìn lại những điều mà họ từng làm, đã không ít lần họ quay lưng lại với lợi ích dân tộc, đàn áp, chống đối các tư tưởng, tôn giáo khác thì thấy rõ ngay làm gì có thứ “công lý và hòa bình” nào được họ kêu gọi cho biết bao nỗi thống khổ mà dân tộc Việt Nam đã phải trải qua trong thời Pháp thuộc. Bởi nếu chế độ nằm trong tay họ thì họ lại sẵn sàng chà đạp vào những mỹ từ đó bất chấp luật pháp, chiếm phá di sản, đất đai để nhanh chóng cải đạo toàn cõi, biến ngay Việt Nam thành một nước thuần Chúa, thậm chí dâng cả Việt Nam cho Chúa (Vatican) của họ.

Tại sao họ có thể nuôi ý đồ “cầu nguyện đòi đất” một cách lâu dài như vậy, bất chấp pháp luật? Còn nhớ trong cuộc chiến không khoan nhượng với chủ nghĩa thực dân, đế quốc, Hồ Chủ tịch từng cảnh báo: “Ta càng nhân nhượng, chúng càng lần tới. Thực chất chúng muốn cướp nước ta một lần nữa”. Nhà nước Việt Nam có hiến pháp và pháp luật (thời đại nào cũng thế, chế độ nào cũng vậy), pháp luật không thể bị miệt thị. Việc lôi kéo cầu nguyện đã kéo dài gần 1 năm, khoảng thời gian đủ dài để cho họ nhận thức lại, nhưng họ vẫn không điều chỉnh hành vi gây rối loạn, để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc về chính sách tôn giáo tại Việt Nam.

Chính quyền nên nhất quán thực thi pháp luật, không nên nói tránh như: Nếu nhà thờ có nhu cầu về đất đai thì cứ đệ đơn làm thủ tục theo trình tự để xin nhà nước cấp đất. Nhưng “nhu cầu” biết nói thế nào cho đủ, bởi người biết đủ thì ở vài chục mét vuông cũng mãn nguyện, người không biết đủ thì dù có ở Thiên đường cũng không vừa ý. Còn nữa, đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì tại sao nhà thờ có “nhu cầu” đất đai thì xem xét, vậy dân bình thường hay các tổ chức khác có “nhu cầu” thì có xem xét cho không? Thiết nghĩ chúng ta không nên vòng vo bởi những cụm từ vô thưởng, vô phạt đó mà nên nghiêm túc, nghiêm minh hơn với công cụ pháp luật. Cái gì trái pháp luật thì phải nghiêm khắc kết án, giải quyết dứt điểm công khai trước toàn xã hội.

Sau khi phái bộ của Vatican sang Việt Nam, những phần đất rộng lớn mà nhà nước trưng thu “của nhà thờ La Vang” (vốn là đất mà họ chiếm của chùa Lá Vằng) được “xem xét”, “trả lại”, chính quyền tưởng rằng nhờ thế có thể xoa dịu được những cơn bốc đồng cầu nguyện đòi đất khác, nhưng chính vì cái “nhu cầu” không có điểm dừng nên khiến họ càng nuôi dưỡng cái ý chí thời “ngoại thuộc”, muốn tái chiếm lại hết những phần đất đai mà họ nghĩ là “của riêng họ”, chứ không phải thuộc “sở hữu toàn dân”, hay của ông cha đổ máu xương gầy dựng. Lịch sử phần nào đã minh chứng, bất cứ mảnh đất nào nhà thờ “cần” thì cho dù nó là di sản nổi tiếng của Phật giáo cũng phải dẹp bỏ, huống gì là mấy cái gọi là nhà văn hóa quận hay công ty may gì gì đó. Mảnh đất Việt Nam chẳng phải đã hơn một lần bị dâng cho Chúa rồi hay sao? Vậy thì bây giờ cứ theo “luật lệ” cũ của họ, chỗ đất nào giáo dân thích là có thể tụ tập cầu nguyện, rước tượng Chúa vào và cắm thánh giá là có thể xong mọi chuyện, là có thể có “công lý và hòa bình”. Chẳng phải họ đã từng đem “Bà” vào “đánh tứ tung, bao nhiêu thần Phật bay tung ra ngoài” để có được “Vương cung Thánh đường” La Vang như hiện nay đó sao?

“Tấc đất tấc vàng”, các cụ nói chẳng sai chút nào. Tác động của sự quy đổi (hay so sánh) “đất” ra “vàng” luôn làm cho người ta mất “bình tĩnh”, nhất là khi “cục vàng” ấy vì lý do nào đó bị mất đi, không còn là của mình, không còn là của gia đình mình, dân tộc mình, tổ quốc mình. Nói rộng ra đế thấy rằng không chỉ người dân bị mất “vàng” không đâu mà dân tộc cũng có lúc bị mất “vàng” như thường. Lịch sử gần nhất, hơn 100 năm Pháp thuộc, dân tộc ta đã mất đi biết bao tài nguyên, di sản, đất đai, phong tục.

Nhưng của “ăn” thì hết, của “để” thì còn. Đất đai là gia tài, là di sản, là mồ hôi, xương máu của biết bao đời người gây dựng. Và sự trân quý đất đai đến mức thiêng liêng khi nó được khắc trên bản đồ nhân loại về sự hiện diện của một dân tộc Việt Nam nhỏ nhoi trước bao cơn sóng dập, gió dồi. Đất không phải là nơi để chúng ta xà xẻo, tranh đoạt vì “đất” còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng những ứng xử mang tính “người”.

Trong văn hóa ứng xử của người Việt còn lưu lại một hình ảnh rất đẹp: trong những dịp cúng giỗ tiên tổ ông bà, người chủ nhà hiện tại không bao giờ quên mời “ông tiền chủ, bà tiền chủ” (những người quá vãng nhiều đời của khu đất mình đang sở hữu) về hiến hưởng cơm canh, nhận tiền vàng quần áo làm quà biếu để phù hộ độ trì cho gia chủ. Đất là vàng, đất cũng là người, nhưng “cầm nhân thì nhân ở mà cầm vàng thì vàng rơi”. Trong đạo lý của người Việt, chuyện “nhân” mới là chuyện trăm năm vậy. Và cũng chính từ “đất” mà dân tộc chúng ta có một bài học đạo lý sâu sắc “uống nước nhớ nguồn”, đừng bao giờ quên mảnh đất (một đêm nằm bằng một năm ở) ấy được bao đời người xưa dùng máu xương khai khẩn, gầy dựng như thế nào. Người Việt không thể thay đổi được hình ảnh của mình nếu không thể tự lực tự cường vươn lên bằng đôi bàn tay và trí óc sáng tạo của mình. Bất cứ sự vọng ngoại, ỷ lại hay lệ thuộc đều phải trả giá đắt. Và cái giá đắt nhất chính là vong bản ngay khi sống trên quê hương của chính mình, không thể yêu thương được đồng bào mình, thủy chung với dân tộc mình.
Thường Trung
(Xem thêm "Bóc trần âm mưu thâm độc: http://www.hanoimoi.com.vn/vn/41/179065/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét