Thứ Ba, 12 tháng 8, 2008

TRIẾT LÝ TÌNH THƯƠNG CỦA NGƯỜI VIỆT



Mùa Vu lan có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong đời sống tâm linh của ngươi Việt, bởi tình thương, lòng từ bi, hỉ xả của con người trong cõi sống trần gian đã vọng đến những cõi giới sâu thẳm, chạm vào nỗi khổ đau sinh tử lớn nhất của con người. Qua việc “xá tội vong nhân”, người Việt đã nâng tình thương, lòng từ bi trở thành triết lý sống. Và tình yêu thương ấy từ trong kinh điển Phật giáo đã được người Việt hợp nhất qua hình ảnh bao dung của người mẹ, từ đó trở nên gần gũi, thiêng liêng trong đạo hiếu của dân tộc.


Trong kinh Báo đáp thâm ân cha mẹ, Đức Phật chỉ ra mười công ơn của cha mẹ mà những người làm con phải luôn ghi nhớ: Nhớ công ơn mẹ chín tháng mười ngày mang thai con trong nhọc mệt. Nhớ công ơn mẹ khi sinh nở đau đớn vô cùng. Nhớ công ơn mẹ khi sinh con ra phải chịu cảnh thập tử nhất sinh, nhưng nhìn thấy con rồi thì vui mừng quên cả âu lo. Nhớ công ơn mẹ luôn ăn miếng đắng, dành dụm miếng ngon ngọt cho con. Nhớ công ơn mẹ chỗ ướt mình nằm, chỗ ráo nhường con. Nhớ công ơn mẹ ba năm cho bú mớm, nuôi nấng thuốc thang trong khi bệnh tật. Nhớ công ơn mẹ giặt giũ dơ dáy, áo quần ô uế. Nhớ công ơn mẹ khi đi đâu xa luôn nhớ thương con chẳng chút nào ngơi. Nhớ công ơn mẹ vì sinh nuôi con mà không màng tạo nghiệp. Nhớ công ơn mẹ trọn đời thương yêu con.


Được sinh ra làm người là một hạnh phúc lớn lao. Hạnh phúc ấy không do ai ban phát ngoài những tình yêu thương đến từ cha mẹ. Thánh hiền hay phàm phu đều có cha mẹ bằng xương bằng thịt, nên dân gian Việt Nam đã ví cha mẹ như là “Phật ở trong nhà” một cách tôn kính.


Có Phật ở trong nhà rồi, người Việt càng thêm khéo khi so sánh: “Cây xanh thì lá cũng xanh. Cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Để đức cho con là để đức cho người đi sau, cũng là để đức cho tương lai đời sống văn hóa tinh thần của toàn dân tộc. Cha mẹ hiền lành, con cháu hiếu thảo, đó là tương quan nhân quả trong cuộc sống. Xã hội sẽ mất cân bằng trong tương quan này nếu không thể thiết lập cũng như tiếp nhận được những giá trị mang tính “hiền lành”, “để đức”.
***
Trong Kinh Lăng Nghiêm, chương Niệm Phật của Bồ tát Thế Chí có đoạn: “Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sinh như mẹ nhớ thương con. Nếu con trốn tránh, mẹ nhớ ích gì. Con nên nhớ mẹ như mẹ nhớ con, như vậy trải qua nhiều đời sẽ chẳng xa trái nhau”.


Hiện nay, nhiều hướng ứng xử của các thế hệ có nhiều biểu hiện xa trái nhau, có nghĩa rằng đang ít đi sự hiểu nhau, thương nhớ nhau. Trong quan niệm về đời sống vật chất và tinh thần, ông bà suy nghĩ theo cách của ông bà, cha mẹ suy nghĩ theo cách của cha mẹ, và con cái suy nghĩ theo cách của con cái. Các thế hệ đang có nhiều cách biệt về thước đo giá trị, văn hóa ứng xử. Chính vì thế không tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết những vấn đề gia đình.


Sự xa trái nhau trong nhớ thương dẫn đến sự xa trái nhau trong ứng xử. Chừng nào một bên còn phải buồn bực, chịu đựng thì vấn đề gia đình sẽ trở nên căng thẳng. Có nhiều những tri thức sai lầm trong cuộc sống đã đẩy các thế hệ xa nhau đến tách biệt. Con cái trách ông bà, cha mẹ là khắt khe, cổ hủ, lỗi thời, không hiểu mình, từ đó xa rời những kinh nghiệm sống và những bài học đạo đức có giá trị. Cha mẹ trách con cái luông tuồng, học đòi những thứ văn minh xa lạ, lố bịch, sa đọa, gây ra những chuyện trái ý nghịch lòng… Để cha mẹ và con cái không xa trái nhau, khoảng cách trong ứng xử văn hóa cần phải được rút ngắn.


Những cách nghĩ cách hiểu khác biệt chỉ chờ những điều kiện nào đó sẽ làm cho cha mẹ không thể lắng nghe con, con không thể lắng nghe cha mẹ. Đó chính là một bất hạnh lớn trong quan hệ gia đình. Đã không thể lắng nghe nhau thì cơ hội để hiểu, để thương cũng bị bỏ qua. Làm sao gia đình có thể có hạnh phúc trong những điều kiện xa trái nhau như thế?


Tình yêu thương đích thực khong có sự xa trái nhau:

1. Có người mẹ khi hay tin con bị tai nạn phải cấp cứu trong bệnh viện đã ngất lên ngất xuống, sau đó quên hết cả giới hạn tuổi già, bệnh tật, ngay lập tức từ Bắc vào Nam, để chăm sóc bệnh cho con. Khi con bị bệnh, một tiếng cười của người khác cũng không làm mẹ vui vì mẹ đang rất buồn khổ, lo lắng. Đau khổ đó là tình thương của mẹ. Khi hay tin bác sĩ báo bệnh con đã qua cơn nguy kịch, mẹ mừng quá cũng tràn nước mắt. Hạnh phúc đó cũng là tình thương của mẹ. Tất cả tình thương mẹ đều dành trọn cho con không nghĩ đến chuyến con đã làm buồn lòng mình như thế nào, chỉ mong con còn được sống và mạnh khỏe, vì vốn mẹ sinh ra là để trọn đời thương yêu con.

2. Có một người con gái sống tha phương nơi hải ngoại, hàng năm luôn tìm về với mẹ. Mẹ trở nên ý nghĩa nhất trong cuộc đời. Nhưng điều không may xay ra khi người con gái trở về, người mẹ ở quê nhà trở bệnh nặng. Người con gái hay tin mẹ không qua khỏi, ngay lập tức mua vé máy bay cùng gia đình trở về quê hương để được ở bên mẹ trong những giờ phút cuối cùng. Người mẹ đã cố gắng những hơi thở cuối cùng để chờ con cháu. Và bà đã làm được điều đó. Gặp con cháu chỉ để nhớ mặt, gọi tên và căn dặn các con sống phải biết thương yêu giúp đỡ những người nghèo khổ, cô đơn, bệnh tật. Bà không quên dặn con cháu mời những vị sư về trợ niệm cho bà lúc bà lâm chung. Thế rồi bà thanh thản ra đi. Người con gái quỳ xuông khóc mẹ: “Mẹ ơi, mẹ có biết không, mất mẹ rồi con đau khổ lắm mẹ ơi!”.


Trong đám tang, cô cháu gái ở bên nước ngoài từ nhỏ, nói tiếng Việt còn chưa rành đã thay mẹ đọc lời tri ân. Cô đã nói một cách chân thành về những kỷ niệm được gặp ngoại ở bên nước ngoài, được ngoại chỉ cho cách khâu vá, cách bổ trái sầu riêng, cách nghe cải lương. Cô cháu gái cảm ơn bà đã sinh ra cho cô một người mẹ tuyệt vời, thương yêu cô giống như ngoại thương yêu mẹ và các dì. Cô cháu gái cũng không quên lời ngoại dăn về lòng thương người và cô hứa với ngoại sẽ sống xứng đáng với những điều ngoại dạy. Và cô bật khóc vì từ nay không còn ngoại xoa đầu và kéo vào lòng nữa.


Nỗi khổ lớn nhất mà người con gái chịu đựng khi người mẹ kính yêu qua đời, nói lên niềm hạnh phúc lớn lao khi những ngày cô được sống trong tình yêu thương và lòng vị tha bao dung của người mẹ. tình yêu thương ấy đã được tiếp nối trong cô và nơi người con gái của cô.
***
Tình thương yêu cần phải được cha mẹ ý thức và vun trồng trong tâm hồn con cái từ nhỏ. Bởi gia đình là mảnh đất để cho những hạt giống tâm hồn lành mạnh của xã hội được sinh ra. Xã hội hiện đại của những người trẻ đang thiếu vắng tình yêu thương. Tỉ lệ thanh thiếu niên phạm tội giết người, cướp của gia tăng, đặc biệt tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên đang rất nghiêm trọng. Thực tế cho thấy người lớn đã mang lại vấn nạn này cho con trẻ, vì nhiều người trong số họ đã bỏ quên những giá trị tinh thần để chạy theo tiếng gọi của vật chất, họ đã thay đổi các thang bậc giá trị trong gia đình bởi nghĩ rằng đồng tiền có thể giải quyết tất cả mọi việc.


Vật chất trong những hoàn cảnh nào đó có thể giải quyết những vấn đề thuộc về thể xác, nhưng vật chất không thể giải quyết hết được vấn đề tinh thần của con người. Do đó, thiết lập tình yêu thương trong gia đình không có gì bằng sự chia sẻ và thương yêu nhau giữa các thế hệ. Tình yêu thương giữa người với người là mối liên hệ tựa nương và tương quan tâm thức. Trong một gia đình, một thôn xóm, lòng vị tha, thái độ thương yêu, cách cư xử thân ái, bao dung, biết điều của từng cá nhân rất quan trọng, vì nó có ảnh hưởng tích cực đến đời sống của các cá nhân khác trong gia đình và cộng đồng.


Trong tâm thức thương yêu không có khái niệm thương yêu thuộc về “chúng ta” hay “bọn họ”. Thương yêu phải được cha mẹ, con cái, xã hội trau dồi từ trong tâm hồn, lối sống. Và mỗi người nên biết điều chỉnh nhận thức, tập tục thói quen sinh hoạt để tìm đuợc tiếng nói chung với cộng đồng. Vì điều chỉnh mình là hành vi hướng thượng tích cực, là chăm sóc niềm hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người.


Tinh thần từ bi, hỉ xả của đạo Phật gắn bó bền vững với tâm thức dân tộc. Tình yêu thương ấy đã gắn kết những giá trị tôn giáo và văn hóa, mang đến cho con người những năng lực để vượt qua khổ đau và bất hạnh, nên phẩm chất của yêu thương không có gì khác ngoài việc mang lại hạnh phúc đích thực cho con người. Thương người là đạo lý cơ bản nhất để làm người. Đạo Phật và dân tộc Việt Nam có mùa xá tội, nhằm chuyển tải những thông điệp yêu thương giữa người với người, giữa cha mẹ và con cái và sự đền đáp tưởng nhớ công ơn của con cái đối với cha mẹ, cũng như chia sẻ và đoái thương đến những linh hồn bơ vơ không nơi nương tựa.


“Tháng Bảy ngày rằm xá tội vong nhân”, đó là ngày những tiếng gọi thiết tha nhất của tình thương yêu trong cõi người được trỗi dậy. Và từ trong tâm thức bao dung của mẹ, người Việt lại ấm lòng mỗi khi tiết trời lạnh lẽo chuyển mưa dầm sùi sụt. “Chuyện nhân là chuyện trăm năm”, xin hãy cùng nhau thực tập và thể hiện tình yêu thương để mọi người có cơ hội được sống trong yêu thương, để những linh hồn muôn đời của dân tộc được giải oan, xá tội.


Thích Thanh Thắng
(Theo Văn Hóa Phật Giáo)