Thứ Tư, 6 tháng 2, 2008

CẦU NGUYỆN TÒA KHÂM: NHỮNG BÀI HỌC ỨNG XỬ CẦN THIẾT


Vụ cầu nguyện Tòa Khâm đã vừa kết thúc nhưng những tranh cãi, những “nhầm lẫn” (vô tình hay cố ý) của cả hai phía tranh luận vẫn còn đang diễn ra, phần nào gây nên những thắc mắc cho những người đã theo dõi vụ việc này trong thời gian qua. Đã có những nhầm lẫn đáng tiếc không chỉ giữa chùa Báo Ân với chùa Báo Thiên mà còn có sự nhầm lẫn giữa tháp Báo Thiên và chùa Báo Thiên.

Thứ nhất: Điều nhầm lẫn của Trần Đình Hoàng chính là đăng một bức ảnh với chú thích: “Hà Nội: Từ chùa Báo Thiên đến Nhà thờ Lớn”, trong đó bức ảnh không phải là chùa Báo Thiên mà là chùa Báo Ân. Nhưng nội dung tranh luận: “Từ chùa Báo Thiên đến Nhà thờ Lớn” thì không sai vậy.
Thứ hai: Điều nhầm lẫn của Hoàng Cúc chính là mượn vào bức ảnh (nhầm lẫn) đó để “phủ định” những dư luận cho rằng Phật giáo mới là sở hữu chủ thực sự của mảnh đất Tòa Khâm sứ (vốn là chùa Báo Thiên). Nên Hoàng Cúc viết: “Những bằng chứng có vẻ như lịch sử” (có nghĩa là không phải lịch sử?), phải chăng để nhằm phủ định những “cáo trạng lịch sử” mà người Phật tử đã đưa ra?

Chính vì luận suy này mà Hoàng Cúc đã dẫn chứng tư liệu về tháp Báo Thiên, theo Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, xem đó là những tư liệu tin cậy. Đúng như vậy, nhưng tác giả phải lưu ý đó là nói đến tháp Báo Thiên (một trong An Nam tứ đại khí) chứ không hoàn toàn nói đến chùa Báo Thiên. Tháp là một phần hệ thống kiến trúc của chùa. Gần như có chùa là có tháp, bởi nó tạo nên một cảnh quan hài hòa chung cho toàn bộ ngôi chùa (tháp là ngoại diên của chùa, chùa là nội hàm của tháp).

Điểm đáng lưu ý với người Phật tử trong tranh luận trên là họ nói đến chùa Báo Thiên (tháp Báo Thiên chỉ được nhắc đến để tôn xưng thêm cho giá trị của một ngôi chùa từng là thắng cảnh bậc nhất quốc gia), chứ không bàn về việc tháp Báo Thiên sụp đổ do nguyên nhân gì. Hơn nữa họ nhắm thẳng vào sự thật chùa Báo Thiên đã bị thực dân và giáo sĩ bắt tay nhau chiếm phá như thế nào. Như vậy nhận xét của Nguyễn Quốc Dũng: “Thực dân Pháp, dưới sự tiếp tay của tín hữu Ki-tô giáo đã tịch thu đất, cho phá tháp và chùa để xây dựng Nhà thờ Thánh Josep, tức Nhà thờ Lớn Hà Nội ngày nay” (Tâm thư gửi đồng bào Công giáo đang “cầu nguyện”) không phải hoàn toàn không đúng, tuy có một sự nhầm lẫn là “phá tháp và chùa” thay vì chỉ nói phá chùa (vốn dĩ chuyện phá chùa mới là chuyện chính).

Thế thì Hoàng Cúc không nên vì hai nhầm lẫn của Nguyễn Quốc Dũng và chú thích ảnh của Trần Đình Hoàng mà cho rằng: “Việc đặt hai tấm hình đó bên cạnh nhau trong một bài viết bàn về vấn đề thời sự là việc giáo dân cầu nguyện ở Tòa Khâm sứ cũ, thêm vào một dòng chữ lớn như trên sẽ khiến độc giả hiểu rằng ngôi chùa trong ảnh đã bị phá đi để xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội. Nếu sự thật lịch sử đã xảy ra như thế, đồng bào theo Phật giáo hẳn có lý do chính đáng để nổi giận và bất bình. Tuy nhiên, trò tráo trở nằm chính trong hai bức hình đó”. Thực chất bức hình trên không phản ánh sự bất bình của người Phật tử, vì trước đó rất nhiều ngày, Phật tử đã phản ứng rồi. Chẳng lẽ chính tác giả Hoàng Cúc đã theo những nhầm lẫn đó mà nhầm luôn tháp Báo Thiên là chùa Báo Thiên?

Việc ông Nguyễn Hữu Độ giúp Giám mục Puginier chiếm chùa Báo Thiên để xây nhà thờ đã được Công sứ Bonnal khen ngợi tinh thần hợp tác ấy và kể lại việc chiếm hữu chùa như sau:

San bằng cái chùa và tịch thu miếng đất, thật không có gì dễ bằng trong thời gian chiếm đóng…, tuy nhiên, công bình mà nói, tôi cảm thấy ít nhiều ái ngại trong việc phạm một sự lạm quyền kiểu đó, nên thấy nên nhờ ông Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ. Ông rất tâm đầu ý hiệp với Giám mục [Puginier, NQT, ct.] và muốn làm vừa lòng ngài cũng như tôi vậy. Thoạt tiên, ông cho điều nghiên xem có ai là hậu duệ của người sáng lập ra chùa, đã chết hai thế kỷ trước, và lẽ dĩ nhiên, không tìm ra ai. Thứ đến ông chỉ thị cho các công dân lãnh đạo trong phường, được chọn lựa có vẻ như là do sự may rủi giữa các người Công giáo, đến thẩm lượng mức kiên cố của ngôi chùa; họ không ngần ngại xác quyết rằng, ngôi chùa đã mục nát có thể sập gây nguy hiểm cho người qua lại. Bây giờ mọi việc đã đâu vào đấy, san bằng ngôi chùa và tịch thu miếng đất…” (André Masson, The Transformation of Hanoi, 1873-1888, Madison, WI: Center for Southeast Asian Studies. University of Wisconsin-Madison, 1983, 51, NQT dịch).

Ngôi chùa có thực sự “mục nát” như đánh giá của những người Công giáo hay không? Sách Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn cho biết trong Thăng Long bát cảnh còn ghi tám bài thơ vịnh cảnh Thăng Long, trong đó có bài thơ của một người Thanh sang nước ta, cảm tác khi nghe tiếng chuông chùa Báo Thiên: “Báo Thiên hiểu chung” (Chuông sớm chùa Báo Thiên). Và lúc đó vẫn còn tên gọi phố Báo Thiên, bán vải thâm và dù xanh. Hơn nữa, vào thời vua Tự Đức, Tổng đốc Tôn Thất Bật cũng đã có sửa sang lại chùa. Theo tác giả Nguyễn Đại Đồng, vào năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) Hòa thượng Phúc Điền (1784-1863) về trụ trì chùa Báo Thiên. Trong Kế đăng lục in năm Tự Đức thứ 12 (1857) viết: “Lúc đó tại chùa Báo Thiên đang khắc ván bộ Phật Tổ thống kỷ của Trung Quốc". Sau khi Hòa thượng Phúc Điền qua đời, chùa Báo Thiên vẫn còn lại cho đến ngày thực dân Pháp chiếm thành Hà Nội lần 2 năm 1882 (theo Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo).

Có lẽ với những nguồn tư liệu khác nhau trên, một cuộc hội thảo về chùa Báo Thiên được tổ chức vào lúc này sẽ rất cần thiết cho những người muốn tìm hiểu lịch sử và sự thật.

Qua bài viết này, chúng tôi cũng có một vài ý kiến trao đổi với nhận xét sau đây của tác giả Hoàng Cúc: “Bằng mối liên kết với những gì xảy ra gần Nhà thờ Lớn Hà Nội trong hơn một tháng qua, tôi lại buộc phải tự hỏi mình rằng phải chăng các tác giả bài viết đang chuẩn bị cho một chiến dịch cầu nguyện của giới Phật tử trước nhà Bưu điện Trung tâm?”.

Tôi nghĩ tác giả Hoàng Cúc đã quá lo xa, bởi người Phật tử không bao giờ đi làm cái việc ngây ngô ấy, nếu tác giả đọc kỹ những bài viết gần đây trên diễn đàn phattuvietnam.net và nghe lời dạy của ngài Tân Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với tăng ni, Phật tử về đất đai qua bài “Từ hàng cột hiên chùa Bà Đá nghĩ về công thổ và hòa hợp tôn giáo trong lòng dân tộc” thì sẽ rõ. Hơn nữa, hành động cầu nguyện của giáo dân cả tháng trời, thế mà mọi can thiệp của chính quyền, mọi dư luận cũng không làm được gì, nhưng chỉ với một bức thư ngắn của Quốc vụ khanh Vatican, vụ cầu nguyện chấm dứt. Thử hỏi mọi người sẽ phải hiểu vụ việc trên như thế nào đây?

Còn với những câu liên quan đến sự “lưu manh” mà tác giả đã viết, chỉ mong tác giả cùng chúng tôi điểm lại một vài nét lịch sử sau để thấy việc chiếm phá chùa chiền có phải là một “hệ thống ý thức” chiếm phá không? Trong Châu bản triều Nguyễn - Tư liệu Phật giáo qua các triều đại nhà Nguyễn 143 năm từ Gia Long 1802 đến Bảo Đại 1945 (Lý Kim Hoa sưu khảo, biên dịch, NXB Văn hóa Thông tin, 2003) có nêu lên những vụ việc sau:

- “Ngày 13 tháng Giêng, Tự Đức (1848-1883) năm thứ 31, Thương bạc tâu việc dân Nghệ An phải đem đền thờ, chùa chiền bồi thường cho dân đạo Thiên Chúa: Bọn thần Thương bạc tâu (châu điểm): 5 giờ chiều hôm qua, bọn thần đến dinh Thương bạc, một lúc thì tiếp sứ Pháp đến mời vào dinh tòa cùng nhau hỏi han. Bọn thần bảo rằng lương dân Nghệ An đã đem 18 sở đền chùa bồi thường cho giáo dân, trong đó có 10 sở đã triệt hạ rồi chỉ còn 8 sở”. (sđd, trang 450)

- Ngày 11 tháng 4, Thành Thái (1889-1907) năm thứ 18, Cơ mật viện tâu việc quyền khâm sứ đòi giỡ chùa trong thành nội để cất nhà thờ đạo: Bọn thần Cơ mật viện tâu (châu điểm): “Ngày 4 tháng này tiếp quyền khâm sứ đại thần Mô Li Ê thương nghị (…) Lại thương nghị nói rằng về khoản nhà thờ đạo phía sau kinh thành, rằng tuy có sắc bảo nhưng ngại khó tuân hành. Bọn thần xét nghị chỗ đất này nguyên có chùa Phật vì từ khi sụp đổ đến nay chưa có ngân sách dồi dào nên chưa tu bổ, nay lại phá chùa Phật để cất nhà thờ đạo là một điều không thuận. Huống chi trong thành nội từ trước đến nay chẳng có giáo dân có nhà ở đây vậy mà cất nhà thờ đạo là hai điều không thuận. Vậy đề nghị nên triệt hạ nhà thờ đạo này và cho tùy ý chọn cất ngoài sông bên ngoài bốn phía kinh thành… Bọn thần Cơ mật viện hai ba lần thương nghị giải thích như vậy nhưng quyền khâm sứ nhất định không nghe…” (sđd, trang 821)

- Ngày 26 tháng 11, Duy Tân (1907-1916) năm thứ nhất, Phụ Chánh tâu việc Ngô Đình Khả cất nhà thờ đạo Thiên Chúa trên nền chùa Linh Hựu trong thành nội: Bọn thần phủ Phụ chánh tâu (châu điểm): Tháng 11 năm thứ 17 tiếp được thư của nguyên quyền khâm sứ đại thần Mô Li Ê nói thượng thư Ngô Đình Khả cất nhà thờ đạo bên trong hoàng thành là rất không hợp, thần phủ nên lập tức tra xét rõ nghiêm xử, chiếu theo phận sự mà quy trách nhiệm… Vậy xin chiếu trọng luật về tội không được làm mà làm xử thượng thư Ngô Đình Khả 80 trượng, giáng 3 cấp rời khỏi chức vụ, được giảm tội danh và phải triệt hạ giáo đường, việc này đã thương nghị cùng nguyên quyền khâm sứ đại thần xét biện. Tháng 7 năm ngoái phụng thương chuẩn triệt hạ giáo đường trong thành nội và cho tùy ý xây cất ở bốn phía sông bên ngoài kinh thành. Kế đó căn cứ viên ấy trình xin trả giáo đường này sửa lại làm chùa để lưu giữ tích cũ, viên ấy xin lãnh tiền quan 300 đồng đem về mua sắm vật liệu và xin cất giáo đường mới ở nền nhà kho cũ xã Tiên Nộn…” (sđd, trang 872)

Có thể nói những bản tấu đã được vua phê duyệt đã phần nào nói đến tính quyết đoán của luật pháp bấy giờ, có nghĩa rằng cái gì anh đã chiếm phá, xây dựng bằng hành vi làm trái thì phải phá bỏ, bởi cho dù ở đó là một ngôi chùa mục nát, thì cũng sẽ được tu bổ lại. Chỉ tiếc rằng chùa Báo Thiên là một ngôi chùa trong những ngôi chùa ở quá xa kinh thành nên không giữ được vì “nước xa không chữa được lửa gần”. Và cũng phải kể đến âm mưu của Nguyễn Hữu Độ khi cùng với Giám mục Puginier chiếm phá chùa Báo Thiên, trong khi nhẽ ra ông ta phải tâu với triều đình về việc tu bổ, sửa sang lại chùa.

Lịch sử (xa hay gần) cũng đã cho chúng ta những bài học ứng xử cần thiết, và chúng ta nên bình tĩnh để hiểu hơn về sự thật này. Chùa Báo Thiên bị thực dân và giáo sĩ câu kết chiếm phá là một sự thực không thể chối cãi. Điều còn lại là qua đó, những ứng xử tiếp theo của chúng ta với lịch sử, với nhau sẽ ở mức độ nào. Do vậy, như chúng tôi đã nói, rất cần một cuộc hội thảo nghiêm túc cho ngôi chùa Báo Thiên để đặt đúng vị thế lịch sử của nó trong lòng dân tộc.

Được biết hiện nay di sản cuối cùng (của tin còn lại) của chùa Báo Thiên là chiếc giếng đá cổ còn nằm trong khuôn viên Nhà thờ Lớn. Hy vọng chúng ta đừng tiếp tục đánh mất những gì còn lại (dù rất nhỏ nhoi) của lịch sử.
Trương Công Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét