Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2008

TÂM LÝ “LẠM PHÁT”


“Lạm phát” là hai từ được nhiều người nhắc đến nhất trong những ngày tháng qua. Và tùy theo nhận thức mà từ “lạm phát” được hiểu một cách khác nhau. Nhìn chung, người ta hiểu lạm phát là sự tác động “tiêu cực” đến đời sống xã hội. Đa số người dân không quan tâm lắm đến những chỉ số % (lên xuống) của lạm phát, của tăng trưởng GDP mà các chuyên gia kinh tế phân tích.

Người dân chỉ thấy khi mình đi chợ, giá cả tăng từng ngày (tăng gấp đôi, tăng chóng mặt) là mường tượng ra hai chữ “lạm phát” đang ở mức độ nào. Chính vì vậy, “lạm phát” hầu như được “gói” vào trong lĩnh vực lương thực, thực phẩm thiết yếu hàng ngày, và điều họ quan tâm là làm sao để có thể ổn định giá cả theo đúng mức sống và thu nhập của mình.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên UB Kinh tế Quốc hội nói: "Lạm phát trong tháng 5 tăng lên quá cao do có hai yếu tố. Một yếu tố phía bên ngoài là do giá dầu tiếp tục lên, còn một yếu tố trong nước nữa là yếu tố tâm lý”. Nếu đúng như phân tích của ông Nguyễn Đức Kiên thì giá dầu lên là một trong những yếu tố khách quan trên thị trường thế giới và nó tác động không chỉ riêng với Việt Nam. Điều còn lại là yếu tố tâm lý. Đây có thể được xem là yếu tố quan trọng làm cho tình trạng “lạm phát” tại Việt Nam gia tăng. Ông Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng: “Chỉ số lạm phát cao hay thấp không thành vấn đề. Vấn đề là người dân bị ảnh hưởng như thế nào trước nền lạm phát ấy. Không nên căn ke quá về con số”.
Nếu lạm phát là một nguyên nhân do yếu tố “tâm lý” (chủ quan) thì chúng ta có thể phân tích dưới hai khía cạnh: tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội, bởi hai loại hình tâm lý này tương quan chặt chẽ với nhau.
Những người trực tiếp đi chợ, thấy giá cả tăng cao, cùng với một đồng tiền khi trước mua được gấp đôi nay chỉ còn một nửa. Tiếng than của từng cá nhân tăng lên, mặc dù chưa biết nguyên nhân vì sao mà nó tăng, chỉ nghe người bán nói về giá “mua vào” đã như vậy thì giá “bán ra” không thể thấp hơn. Như một hiệu ứng xã hội, đi đâu người ta cũng nghe nói đến từ “đắt” (mắc), khó mua… Và tâm lý chung ấy lại tác động ngược lại với tâm lý cá nhân làm cho hiệu ứng thông tin lan nhanh trong xã hội. Nghiễm nhiên “sự tăng giá” được hợp lý hóa đến mức mọi người đều (ngậm đắng) chấp nhận trả tiền, trong khi giá trị thực của mặt hàng đó không đến mức như vậy.
Như một phản ứng dây chuyền, tất cả các mặt hàng đều tăng giá dù rằng tác động của giá cả thế giới mới chỉ quẩn quanh trong một vài lĩnh vực giá cả: giá vàng, giá dầu, giá gạo. Tuy nhiên, đối với giá gạo, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 trên thế giới, nhà nước có thể bình ổn được giá cả mà không chịu chi phối nhiều bởi tác động bên ngoài. Có thể nói, tâm lý “sợ thiệt” cho lĩnh vực này của nền kinh tế đã khiến cho người ta tính đến việc “bù đắp” bằng việc để cho lĩnh vực khác tăng cho đúng với giá thị trường thế giới nói chung. Cụ thể là lo sẽ giảm chỉ tiêu tăng trưởng, cho nên Chính phủ để những mặt hàng cần phải tăng giá (đúng với giá biến động trên thị trường), tức là nó tăng đến đâu, chúng ta phải để cho người dân chấp nhận đến đấy như giá điện, giá dầu... Nhưng khi hiệu ứng tâm lý “lạm phát” vốn xuất phát từ việc tăng giá đã lan rộng và có ảnh hưởng tiệu cực thì bất cứ động thái “tăng giá” nào để bù đắp hiện nay đều rất có thể sẽ gây ra tác dụng ngược, vô hình gây thiệt chung đến lĩnh vực khác của nền kinh tế. Bởi trong tâm lý lạm phát, người dân chỉ mong chờ có 2 điều: không tăng giá và ổn định giá cả.
Việc để một số mặt hàng tăng giá, đúng về mặt quy luật kinh tế song không thực sự hợp lý với tâm lý lạm phát. Tăng giá xăng dầu, giá điện, giá ô tô, giá vật liệu xây dựng hay các mặt hàng thiết yếu… khác không phải vấn đề “gay cấn” lắm đối với người giàu, người có thu nhập cao. Nhưng điều đáng bàn, giá các mặt hàng đó tăng lại chính là cái cớ để nhà sản xuất cho rằng chi phí đầu vào tăng nên đầu ra của sản phẩm cũng tăng. Chẳng hạn, khi người nông dân đi mua phân bón, phân bón tăng cao, người nông dân được trả lời rằng vì chi phí cho giá điện, giá dầu tăng nên phân bón cũng tăng. Người nông dân mua phân bón với giá cao, tất nhiên sản phẩm nông nghiệp bán ra cũng phải tăng. Nhưng sản phẩm nông nghiệp thực chất có tăng ở trong tay người nông dân hay chỉ tăng ở những doanh nghiệp (môi giới) buôn bán nông sản, bởi chính họ thường hay sử dụng phương thức ép giá nông sản đối với người nông dân, nhưng bán ra thị trường thì giá lại rất cao. Người nông dân chỉ còn biết “lấy công làm lãi”, còn doanh nghiệp thì vin vào đủ “mọi cớ” để tăng giá nhằm thu nhiều lợi. Người nông dân thì được lợi rất ít từ công sức của mình, người tiêu dùng thì phải mua với giá cao (cắt cổ). Nhà doanh nghiệp thì luôn than thở giá dầu, giá điện, giá nguyên liệu tăng, còn nó tăng ở mức nào, lợi nhuận ở mức nào thì khó ai biết được. Đó là chưa kể sự “than thở” của doanh nghiệp lại “hợp lý hóa” sự tăng giá, buộc người tiêu dùng phải chấp nhận vì nhu cầu.
Một sự tương quan giữa tất cả các lĩnh vực ngành nghề kinh tế là rất rõ trong tác động của chính sách giá cả, song hưởng lợi ở mức nào thì không phải lúc nào cũng giống nhau. Dĩ nhiên, đối với nhà sản xuất, dù hoàn cảnh kinh tế có như thế nào chăng nữa thì sản xuất vẫn phải có lợi nhuận, vấn đề chỉ là ở mức độ nào, nhiều hay ít.
Có thể nói trước vấn đề này, báo chí đã không làm tốt việc hướng dẫn dư luận xã hội hay nói cách khác chính báo chí nhiều khi cũng không dự đoán được mức độ của lạm phát và hiểu đúng về lạm phát. Không được tư vấn về lạm phát, không theo kịp diễn biến của dư luận, cũng như sự hiểu biết và phân tích về tình hình giá cả nói chung, nên báo chí thường ở trong tình trạng bị động, “chữa lửa” thông tin. Việc giá gạo tăng đột biến vừa qua do đầu cơ và tin đồn thất thiệt là một ví dụ.
Bà Phạm Chi Lan, nguyên cố vấn ban nghiên cứu của Thủ Tướng từ năm 2003 đến năm 2007 phải nói: “Phương tiện thông tin đại chúng đăng các nhận định và giải pháp đối phó với lạm phát đang tăng lên mạnh ở Việt Nam, ta có thể nhận thấy, dường như vấn đề lạm phát vẫn chưa được hiểu đúng ở Việt Nam, cho dù bản chất của vấn đề không có gì mới và quá khó hiểu”.
Mặt khác, tình trạng lạm phát đã xuất hiện khá lâu, nhưng gần như không có một “chiến lược” nào về mặt thông tin, nên thông tin không đồng bộ, không “đánh trúng” vấn đề lạm phát mà bị chi phối bởi những vấn đề “tiêu cực” khác, khiến cho kênh thông tin bị nhiễu, từ đó kéo theo những tin đồn bất ổn về tất cả các mặt an sinh xã hội.
Thiết nghĩ, ngoài những mặt hàng liên quan trực tiếp đến an sinh xã hội mà Chính phủ quan tâm bình ổn giá cả, Chính phủ cũng nên quan tâm nhiều hơn đến điều chỉnh tâm lý “lạm phát” trong xã hội, bằng cách đẩy mạnh những thông tin chính xác, minh bạch, kêu gọi đạo đức của người kinh doanh. Bởi giới kinh doanh có thể nhất thời “té nước theo mưa” trước cơn bão giá cả, tung tin đồn thất thiệt nhằm đẩy các mặt hàng lên cao. Nhưng cũng chính lúc đầu cơ, thu lợi nhất thời như vậy, sự khủng hoảng của kinh tế sẽ khiến cho mức “cung-cầu” diễn ra bất ổn, đảo ngược thất thường trên diện rộng và lâu dài, và chính điều này lại là nguyên nhân tác động tiêu cực ngược trở lại, làm cho các doanh nghiệp phải chịu tổn hại. Một cái nhìn tự lợi trước mắt, bỏ qua những liên đới nhân quả trong xã hội không chỉ làm cho nhận thức làm giàu trong xã hội bị chệch hướng mà còn kéo theo cả một nền kinh tế xã hội trì trệ, uể oải, không đủ sức gồng gánh chính mình.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã nói rất chí lý rằng “Ở Mỹ, nói huyền thoại “Giấc mơ Mỹ” thì tất cả tỉ phú kết thúc đều trả lại xã hội cái xã hội đã cho. Không ai ôm của cải giàu có để chết. Xã hội, nền kinh tế, cá nhân phải làm giàu nhưng không là lẽ sống. Yêu cầu và lẽ sống khác nhau. Lẽ sống phải cao hơn, rộng hơn, sâu hơn. Như thế nào? Mỗi người tự trả lời”.
Với tình trạng lạm phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội nói chung, không ai buộc những doanh nghiệp, những người giàu phải không ích kỷ, đừng co cụm, giảm đầu tư, giảm mở rộng sản xuất trực tiếp… mà chỉ xin họ, bằng lương tâm và trách nhiệm đừng vì cái lợi nhất thời mà đánh mất cái thiện vì chính cái thiện ấy là căn bản để đưa cái lợi vào đúng giá trị nhân bản của nó.

Theo kinh tế học, lạm phát là sự tăng lên theo thời gian của mức giá chung của nền kinh tế. Trong một nền kinh tế, lạm phát là sự mất giá trị thị trường hay giảm sức mua của đồng tiền. Khi so sánh với các nền kinh tế khác thì lạm phát là sự phá giá tiền tệ của một loại tiền tệ so với các loại tiền tệ khác. Thông thường theo nghĩa đầu tiên thì người ta hiểu là lạm phát của đơn vị tiền tệ trong phạm vi nền kinh tế của một quốc gia, còn theo nghĩa thứ hai thì người ta hiểu là lạm phát của một loại tiền tệ trong phạm vi thị trường toàn cầu. Phạm vi ảnh hưởng của hai thành phần này vẫn là một chủ đề gây tranh cãi giữa các nhà kinh tế học vĩ mô.
Nguyễn Mai Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét