Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

HỌP BÁO TẠI HÀ NỘI VỀ VỤ TU VIỆN BÁT NHÃ



Ngày 11/1/2009, Ban Tôn giáo Chính phủ phối hợp với Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức họp báo tại Hà Nội để công bố những thông tin chính thức về vụ việc tu viện Bát Nhã. Đúng như những nguồn tin trước đó của báo chí chính thống, nay Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục khẳng định vụ việc Bát Nhã chỉ là “mâu thuẫn nội bộ”. Dư luận có thể yên tâm gác nội dung “làm chính trị” và những “suy diễn” khác sang một bên vì nó không liên quan gì đến “mâu thuẫn nội bộ” của tu viện Bát Nhã và chính quyền Lâm Đồng cũng khẳng định không có sức ép”, “không có xô xát”, “chưa có dấu hiệu hình sự”,“hoàn toàn bình yên”
Nội dung cuộc họp báo nêu rõ về bốn vấn đề chính của “mâu thuẫn nội bộ” vụ việc Bát Nhã:
Thứ nhất, là mâu thuẫn về phương pháp tu giữa những người theo pháp môn Làng Mai và các vị tăng, phật tử Tu viện Bát Nhã. Những người theo pháp môn Làng Mai tu theo hình thức cộng tu (tức là nam và nữ cùng tu), trong khi đó các vị tăng và phật tử của Bát Nhã tu theo phương pháp truyền thống (nam nữ tu riêng).
Thứ hai, theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), nếu người tu hành dưới 18 tuổi phải có người giám hộ và phải xin ý kiến cha mẹ nhưng đa số những người theo pháp môn Làng Mai đều dưới 18 tuổi đã không tuân thủ quy định này.
Thứ ba, pháp môn Làng Mai (do Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh sống tại Pháp sáng lập từ tháng 5/2008) đã được phép mở các khóa tu tập tại tu viện Bát Nhã dưới sự bảo lãnh của Thượng toạ Thích Đức Nghi - Trụ trì tu viện Bát Nhã và được sự chấp thuận của GHPGVN. Tuy nhiên Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã bổ nhiệm Phó Trụ trì Tu viện Bát Nhã, tấn phong giáo phẩm Hòa thượng cho một vị sư của Việt Nam mà không thông qua Trụ trì tu viện Bát Nhã và GHPGVN.
Thứ tư, theo ông Nguyễn Thanh Xuân, đã có sự tranh chấp về tài chính và tài sản giữa những người theo pháp môn Làng Mai và các vị tăng, phật tử của tu viện Bát Nhã.
Ngoài bốn vấn đề trên, cuộc họp báo còn nêu rõ: “Để giải quyết mâu thuẫn trên tại Tu viện Bát Nhã, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, trong chuyến thăm Pháp cuối tháng 9/2009, có đề nghị gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh (đã được thông báo trước một tháng) để bàn cách giải quyết vụ việc nhưng Thiền sư từ chối không gặp, lấy lý do là đã có chương trình sang Mỹ hoạt động tôn giáo”.
Với bốn điểm “mâu thuẫn nội bộ” nêu trên, chẳng lẽ Giáo hội Phật giáo Việt Nam không đủ thẩm quyền xứ lý (cá nhân nào vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó bằng cảnh cáo, kỷ luật theo phép nhà Phật và Hiến chương Giáo hội)? Giáo hội đã trình Ban Tôn giáo Chính phủ hai lá đơn xin bảo lãnh tu sinh Làng Mai, nhưng đã bị ông Nguyễn Thanh Xuân ký quyết định từ chối, mặc dù trước đó ông nói rằng Nếu trụ trì nào có thiện ý muốn bảo lãnh những tăng ni tu theo pháp môn Làng Mai đến nơi tu tập mới thì phải tiến hành các thủ tục đăng ký với tổ chức Phật giáo địa phương và chính quyền nơi đến”.
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ: “Trước hết, chính quyền địa phương đã kêu gọi, trên tinh thần lục hòa, để các tăng, phật tử của Tu viện Bát Nhã và những người theo pháp môn Làng Mai đối thoại và hòa giải mâu thuẫn”.
Nay số phận của gần 400 tu sinh Làng Mai đã không biết như thế nào khi mỗi người phải đi một ngả, họ không còn chùa để tu. Vậy còn “Làng Mai” nào nữa để mà thực hiện những điều tốt đẹp như ông Nguyễn Thanh Xuân nói? Nhưng người Phật tử vẫn hy vọng những điều tốt đẹp đó sẽ được trở lại bằng tinh thần đối thoại, lắng nghe và thấu cảm.
SV

2 nhận xét:

  1. Biết nói gì đây ngoài 1 tiếng thở dài
    Biết nói sao đây trái tim của con người
    Có chăng là 1 niềm cảm thông,
    Có chăng là 1 sự khích lệ.
    Để có 1 ngày
    Mọi người sống với nhau
    Trong tình yêu thương
    Với tinh thần của Chánh Pháp
    Với tinh thần của Bát Nhã

    Trả lờiXóa
  2. CÓ gì đâu mà chỉ là vượt qua chương ngại trong đường tu mà thôi.Các tăng thân làng mai đã được dự thi và làm bài rất tốt trong mấy ngayf đó.Tôi thấy nét mặt của họ vẫn điềm tĩnh hơn bao giơ hêt.vẫn bình tĩnh niêm Phật như chưa hề có chuyện thật đáng học tập.

    Trả lờiXóa