Thứ Năm, 6 tháng 12, 2007

“GIÀN VỮNG TẠI CÂY”


Thiền sư Nhất Hạnh viết: “Giấc mơ Việt Nam là các quốc gia lân cận, kể cả Trung Quốc biết thương mến và thưởng thức cái đẹp và cái dễ thương của đất nước, văn hóa và con người Việt Nam mà không còn có ý muốn xâm hại nhau, tại vì người Việt đã học được cách bảo vệ, sông núi, văn hóa và con người của mình bằng nếp chung sống hòa bình, bằng tình huynh đệ, bằng tài ngoại giao, bằng nếp sống tương trợ với các nước chung quanh”…

“Giấc mơ Việt Nam” vẫn chưa thành hiện thực thì Quốc vụ viện Trung Quốc vừa phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa nhằm quản lý các quần đảo trên biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Lịch sử cho thấy, mỗi khi đất nước có nạn xâm lăng, cũng là lúc tinh thần dân tộc của chúng ta có phần lỏng lẻo, niềm tin tâm linh của chúng ta hướng ngoại. Nhưng lịch sử cũng cho thấy sau khi Trung Quốc xâm lăng Việt Nam và tạo ra những tình huống đe dọa bằng vũ lực thì tinh thần đoàn kết của người Việt lại tăng lên gấp bội lần. Những mâu thuẫn, nghịch lý trong đối nội và đối ngoại ấy đã đòi hỏi phải có những điều chỉnh linh hoạt.
Trước mắt, việc cần làm là phân tích hoàn cảnh thực tế của đất nước mình từ đó “rà soát” lại tinh thần dân tộc trong sự chuyển hướng như vũ bão vì mục đích phát triển kinh tế của đất nước và tham vọng làm giàu của người dân. Người Trung Quốc làm sao có thể “biết thương mến và thưởng thức cái đẹp và cái dễ thương của đất nước, văn hóa và con người Việt Nam mà không còn có ý muốn xâm hại” khi người Việt Nam vẫn chưa biết thương mến cái đẹp, thưởng thức văn hóa của đất nước mình mà gắng sức bảo vệ, giữ gìn.
Có lẽ vì vậy mà thiền sư Nhất Hạnh đã phải xem đó là một “giấc mơ Việt Nam”.
Tinh thần dân tộc không phải là cái trừu tượng, chung chung mà biểu hiện cụ thể qua ngôn ngữ, ăn mặc, ứng xử văn hóa của người dân. Thử hỏi chúng ta có bao nhiêu phần trăm tính dân tộc được biểu hiện qua những sinh hoạt ứng xử hàng ngày? Những người trẻ hiện đại sống trên mảnh đất này đang chuyển hướng đời sống để làm giàu bằng mọi cách. Và họ đang đẩy cái ý thức, tinh thần dân tộc lên vai một số người đại diện, thậm chí có thái độ thờ ơ, né tránh với những xung động chính trị.
Trung Quốc đã “khôn ngoan” hơn khi chọn đúng thời điểm những phân mảnh đang còn giao thoa trong một hoàn cảnh nhập nhằng của những nghịch lý phát triển Việt Nam mà trắng trợn xâm lăng từng phần lãnh thổ Việt Nam. Có thể nói họ đã đi trước chúng ta một bước trong phát triển kinh tế, và đang cơn háo danh, háo thắng, muốn chứng minh sức mạnh của mình với thế giới, Trung Quốc sẵn sàng đưa tinh thần bành trướng của mình thực nghiệm trên mảnh đất hình chữ S ( người láng giềng hữu nghị luôn mở ra trên miệng và cái bắt tay của họ).
Cụ Phan Chu Trinh viết: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình, thì càng ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở vua quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người, hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường….”.
Cái khốn khổ mọi đường của cụ Phan Chu Trinh nêu ra có lẽ cũng không nằm ngoài cái khốn khổ vì phải vong thân ngay trên mảnh đất thân thương của mình. Không điểm tựa tâm linh, không biết phân định thế nào là bản sắc… đã dẫn đến sự “mặc cảm tự ti” về văn hóa, lối sống của không ít người. Trải qua bao thế kỷ dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã có những pho sử hào hùng. Nhưng bao nhiêu điều đó vẫn chưa đủ để lấp đi những hoài nghi giá trị, những thất vọng hèn yếu trong tâm khảm khi không thể hội tụ được tinh thần dân tộc trong sự chế ngự bản ngã, cởi bỏ oan thù và những ôm đồm quyền lực.
“Giàn vững tại cây”.
Nếu mỗi niềm tin, mỗi tư tưởng đều muốn bò ra khỏi cái giàn để tìm kiếm ánh sáng, nguồn nước khác thì cái giàn làm sao có thể đứng vững. Bản lĩnh chế ngự, hội tụ các tiềm lực chính trị, tinh thần (trong đó có cả niềm tin tâm linh) đã có trong những bài học lịch sử. Sức mạnh bên trong là nguồn lực quan trọng để chúng ta ứng đối với bên ngoài. Trung Quốc sẽ không dám bước thêm một bước nào vào lãnh thổ Việt Nam khi cả dân tộc Việt Nam cùng có một niềm tin dân tộc, cùng chế ngự được những tham vọng quyền hành hỗn độn.
“Triết lý xâm lược” của Trung Quốc đối với Việt Nam xuyên suốt lịch sử là triết lý thực dụng, cố đánh chiếm bằng mọi cách và bằng mọi thủ đoạn. Cho nên đó chính là sự nôn nóng, mất bình tĩnh nhất của người Trung Quốc. Những chủ trương “Nho-Pháp” của họ có thể được vận dụng uyển chuyển trong từng thời điểm nào đó nhưng nó vẫn là những hệ thống tư tưởng thiếu những định hướng tâm linh. Do vậy, sức mạnh đó luôn chỉ là nhất thời, để kéo dài thì chắc chắn sẽ thất bại. Nếu không như vậy thì tư tưởng Phật giáo sao có thể thâm nhập sâu rộng để làm nên một cuộc hòa giải lớn trong tư tưởng Trung Quốc.
Nhìn “cách làm” của Trung Quốc mới thấy tham vọng bành trướng lãnh thổ của họ chỉ là bề mặt nổi còn tham vọng đồng hóa văn hóa của họ mới là tảng băng chìm. Hơn một lần dân tộc Việt đã phải thấm thía bài học ấy. Bởi mảnh đất này là tâm điểm của rất nhiều tham vọng đồng hóa của cả Đông lẫn Tây. Nhưng về thế thuật, Trung Quốc là một thứ bành trướng cộng sản “khôn khéo”. Họ không lo sợ của cải không được chia đều và họ cũng không lo sợ rằng sẽ không có một mô hình xã hội toàn hảo không còn người bóc lột người (vì thực tế họ hiểu không thể có chuyện đó) và họ cũng không lo sợ khi người ta bảo cộng sản Trung Quốc biến thái khi có những hành động không cộng sản ngay cả với người láng giềng cộng sản của mình.
Không nói chuyện đúng sai của thuyết duy vật thì cũng thấy rằng nó chẳng có giá trị gì nhiều trong quy luật thị trường và hoàn cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Trung Quốc hiểu rõ điều ấy hơn ai hết. Chính vì vậy họ không bao giờ vui mừng như Việt Nam khi công bố rằng nước mình chỉ có 20% người dân là có tôn giáo (trong khi sự thực phải có đến 80% người dân theo đạo Phật và có tín ngưỡng đạo Phật).
Nay nhìn người Trung Quốc xâm lăng và nghe những tiếng nói phản ứng yếu ớt gần như vô vọng của mình mà không khỏi chạnh lòng. Nhưng đây cũng là thời gian để người Việt có thể bình tĩnh, tỉnh táo nhìn lại mình, xem mình đã bỏ quên những gì trên hành trình đi tìm thân phận Việt, đã sống, đã yêu thương nhau, đã đoàn kết để bảo vệ cương thổ, văn hóa tâm linh của dân tộc mình như thế nào? Những người trẻ Việt Nam đang còn mải vui ở đâu trước sự kiện này?
Bao nhiêu mái chùa, bao nhiều đền thờ Thành Hoàng, bao nhiêu bàn thờ tổ tiên còn hiện diện trong mỗi gia đình là bấy nhiêu chứng tích tâm linh của những công cuộc chống ngoại xâm và mở mang bờ cõi. Nền văn hóa, tâm linh thích hợp với đại đa số nhân dân chính là nền tảng sống động nhất trong đối kháng văn hóa với bất kỳ thế lực ngoại bang nào. Đó chính là biểu hiện trong sáng và thiết thân nhất của tinh thần tâm linh dân tộc. Tâm linh dân tộc là một thứ quyền uy siêu việt mà từ Trung Quốc đến Pháp, Mỹ cho dù dùng đủ mọi cách đều không thể làm tắt đi sức sống mãnh liệt ấy. Còn chủ nghĩa duy vật từ lâu đã sống vật vờ và xa lạ với tinh thần và niềm tin ấy.
Nhưng nếu người nông dân mất đi Phật tâm, mất đi Thành Hoàng và mất đi ông bà tổ tiên thì người nông dân ấy đã mất đi hơn một nửa tâm hồn mình, mất đi không gian thần thiêng nơi mình trú ngụ. Vì sao, vì từng mảnh đất cấy cầy, từng hạt gạo thơm ngon đến hoa trái bốn mùa đều là ơn của thần Phật. Thế nên mỗi khi thu hoạch mùa màng, người dân lại không quên cúng tạ thần Phật. Và cũng chỉ có nền tảng văn hóa tâm linh ấy mới đủ rộng lớn để bao dung và chở che cho dân tộc. Nên mỗi mảnh đất Việt Nam đều trở thành quê hương, nơi mỗi hình hài được sinh ra, được nuôi dưỡng. Nơi tình thương của ông bà, mẹ cha hiện diện. Nơi tuổi thơ gắn với những hình ảnh thiêng liêng về ông Bụt, bà Tiên và những huyền thoại về sự hiển linh của Thành Hoàng, Chúa xứ… Và nó còn thiêng liêng hơn khi đi bất cứ đâu, người ta cũng đau đáu nỗi niềm nhớ thương và mong được trở về an nghỉ sau khi xế bóng, mãn phần.
Tâm linh Việt thấm trên từng mảnh đất Việt. Mái chùa Việt che chở tâm hồn Việt. Chỉ có chấn chỉnh và làm mới lại những điều đã bị bỏ quên từ trong tâm thì mới mong không gian Việt rộng lớn hơn, để người việt có thể cắm mốc tâm linh của mình ngay ở bất cứ một nơi xa lạ nào.

Thường Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét