Có thể nói, những vấn đề chính trị, xã hội, tôn giáo nóng (rất nóng) của Việt Nam xảy ra vào những ngày tháng cuối năm 2007, như một “điềm báo” xấu cho hàng loạt những khủng hoảng khác kèm theo vào đầu năm 2008. “Giậu đổ bìm leo”, một câu tục ngữ mà chính người Việt Nam sáng tác rất đáng được suy ngẫm trong hoàn cảnh này…
1. Vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa
Vào đầu tháng 12-2007, Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc lập thành phố Tam Sa nhằm quản lý các đảo gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 3-12-2007, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng tuyên bố Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo nói trên. Nói đến hai quần đảo nhưng thực chất là vấn đề hiện tại của Trường Sa, bởi trước 1975 Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức để mất Hoàng Sa.
1. Vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa
Vào đầu tháng 12-2007, Quốc Vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc lập thành phố Tam Sa nhằm quản lý các đảo gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngày 3-12-2007, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng tuyên bố Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo nói trên. Nói đến hai quần đảo nhưng thực chất là vấn đề hiện tại của Trường Sa, bởi trước 1975 Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức để mất Hoàng Sa.
Cuộc chiến lịch sử và pháp lý đều được hai bên đưa ra, tuy nhiên, không có khả năng nào cho thấy Trung Quốc từ bỏ tham vọng xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam . Chưa hết phức tạp, cả Đài Loan và Philippines cũng tổ chức đến thăm các quần đảo Trường Sa, nhằm tìm kiếm những vị thế thuận lợi về mặt an ninh quốc phòng, nhưng cũng không ngoại trừ việc thăm dò nguồn tài nguyên khí đốt (vàng đen) trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam phản ứng trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc, nhưng không để cho thông tin tràn lan có thể vượt ngoài tầm kiểm soát. Cụ thể là tờ báo thông tin điện tử có uy tín Vietnamnet đã bị cảnh cáo và phạt tiền vì đã cho đăng tải những tin tức có thể gây bất lợi cho Chính phủ về việc Trung Quốc đòi quản lý Trường Sa của Việt Nam. Quả thực là như thế, hình ảnh những sinh viên Việt Nam đến trước Tòa Đại sứ Trung Quốc biểu tình đã làm cho phía Trung Quốc “bực tức” và đưa ra lời cảnh báo với Chính phủ Việt Nam.
Giới báo chí điện tử hải ngoại và những thành phần chống Nhà nước (Cộng sản) Việt Nam, hết lời phê bình, chỉ trích Chính phủ Việt Nam là nhu nhược, hèn yếu, đàn áp lòng yêu nước của những người trẻ Việt Nam. Trong khi đó báo chí Việt Nam trong nước vẫn “cầm chừng” trước các luồng thông tin khác nhau. Rất có thể nhiều bộ óc Chính phủ hiểu rõ “nội tình” Việt Nam không nên “phản ứng” theo kiểu “biểu tình” ồn ào truyền thống. Đối sách của Việt Nam còn tùy vào các điều kiện cụ thể trong quan hệ đối tác chiến lược với Nga, Trung, phương Tây và Mỹ.
Vụ Hoàng Sa-Trường Sa được nhắc nhiều trong những ngày gần đây khi ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh rước qua Sài Gòn. Những nhà “dân chủ” ồn ào tỏ ra quyết liệt giống như nếu Việt Nam do họ quản lý thì họ có thể “sống mái” với Trung Quốc đến cùng và không để tình trạng “liệt kháng” như thế.
Lý thuyết “Tung-Hoành”, tư tưởng xâm lược bành trướng của Trung Quốc có từ thời cổ đại. Việt Nam bị xâm chiếm không chỉ lần đầu. Việt Nam bị cai trị không phải chỉ 100 năm. Thân Mỹ hay thân phương Tây cũng chỉ là “chính sách” mềm nắn rắn buông. Mới đây, việc bắn Vinasat 1 của Việt Nam lên quỹ đạo từ phương Tây mà không phải từ Trung Quốc chẳng phải đã làm cho người Trung Quốc “nóng mắt” sao? Tuy nhiên, mối nguy “nước xa không chữa được lửa gần” luôn là bài học cần phải cân nhắc. Nếu không chúng ta sẽ mắc “bẫy” của Trung Quốc. Mối nguy “ba Tây” (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam) luôn hiện diện có thể gây bất ổn chính trị lớn khi Việt Nam đang phải tập trung vào chống lạm phát, bởi Trung Quốc có đủ điều kiện để chọc cho từ 1 đến 2 mối nguy này vỡ tung ra.
Nếu muốn chống người Trung Quốc không có cách gì hơn là củng cố và tự làm mạnh mình không chỉ trên phương diện kinh tế, chính trị mà còn cả trên lĩnh vực văn hóa, tâm linh, tinh thần. Nếu người Trung Quốc làm được cái gì ta cũng làm được cái đó thì thử hỏi họ có xem thường được ta không? Còn những hô hào vừa ngố vừa nhặng xị về dân chủ đa nguyên, lòng yêu nước (hở ra là tương nhau), đó chẳng phải điều gì mới mẻ cả. Nếu biểu tình và yêu nước quyết liệt (đến mức có thể xả thân trên phố hay trước dinh sứ quán Trung Quốc) thì nên bắt đầu ngay từ khi Trung Quốc tuyên bố hay tiến đánh Trường Sa, không nên lợi dụng nhập nhằng sự kiện Olympic (văn hóa, thể thao thế giới) Bắc Kinh mà phản ứng thái quá. Và nếu phản ứng vì việc Trung Quốc đàn áp Tây Tạng thì càng dở vì tiếng nói của chúng ta có thấm tháp gì với Mỹ, và chẳng ai đi "can thiệp vào nội bộ" của người “bạn lớn” (thật bụng là bạn hay không) về nhân quyền mà vốn dĩ thế giới này vẫn chưa có tiêu chí và thước đo nào chính xác, ngay cả với Mỹ, nước hay ồn ào về chuyện đó nhất. Có người Việt nào chống Mỹ hay tẩy chay hàng hóa Mỹ khi Mỹ đơn phương san bằng Irắc đâu? Chúng ta ngồi chờ một cách tế nhị để xem và mong người Trung Quốc sẽ hành xử văn minh hơn, đẹp hơn với Tây Tạng mà thôi.
Tinh thần người Việt Nam có lúc đã được ví: Nếu tất cả bị nhốt chung vào một cái nồi nước sôi thì người Việt sẽ đoàn kết và nhanh chóng đục thủng nắp để cùng nhau thoát ra, nhưng nếu trên nắp nồi nước sôi mà có sẵn lỗ thủng thì không ai ra ngoài được cả vì ai cũng tranh nhau ra trước, sống chết mặc bay. Việt Nam đang có rất nhiều cái nắp đang đậy kín, đòi hỏi người Việt Nam đoàn kết lại, cùng nghĩ đến đường hướng lâu dài của dân tộc, làm mạnh mình, làm mới mình từ hành vi ứng xử trong cuộc sống hàng ngày.
2. Vụ “cầu nguyện” đòi đất “Tòa khâm sứ” của TGM Ngô Quang Kiệt
Trong lúc vụ việc Trung Quốc đòi quản lý nốt Trường Sa của Việt Nam còn chưa lắng dịu thì vụ cầu nguyện đòi đất “Tòa Khâm sứ” cũ Vatican do Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt phát động đã làm cho Việt Nam trở thành một điểm nóng chính trị đáng chú ý.
Cuộc “cầu nguyện” bắt đầu từ mùa Lễ Giáng sinh 2007. Có thể nói, chưa bao giờ tại Việt Nam , Lễ Giáng sinh lại được tổ chức hoành tráng như thế. Được biết hiện nay Việt Nam có khoảng 6 triệu tín đồ Công giáo (chiếm khoảng trên dưới 10% dân số).
Cũng như vụ Hoàng Sa-Trường Sa, thông tin báo chí trong nước cực kỳ dè dặt, không phổ biến đại chúng, chỉ có bản tin bằng tiếng Anh trên một số tờ báo lớn, nhằm đối ngoại về mặt thông tin. Song chính quyền tại Hà Nội thì phản ứng gay gắt với vụ việc, từng ra những tối hậu thư khi hành vi cầu nguyện của người Công giáo đã lên đến mức quá khích (phá đổ cổng tòa nhà, khiêng tượng Đức Mẹ Sầu bi, cắm thánh giá vào bên trong để cầu nguyện). Kèm theo đó hàng loạt tờ báo ở Hà Nội cũng lấy ý kiến dân chúng phản đối việc gây mất trật tự an ninh công cộng chung quanh khu vực nhà thờ Lớn. Phía giáo phận Hà Nội phủ nhận thông tin và coi đó là hành vi xuyên tạc. Tuy nhiên hình ảnh cổng Tòa Khâm sứ cũ bị phá bỏ thì không thể giải thích được đó có phải là hành vi cầu nguyện trong hòa bình và tĩnh lặng.
Báo chí điện tử Công giáo (nhất là ở hải ngoại) thi nhau đưa tin từ thông tin những người giáo dân trong nước hay “mạng lưới” những người Công giáo chống Cộng, thổi bùng sự việc mà theo như Linh mục Trần Công Nghị (một Linh mục có không ít tai tiếng ở hải ngoại và bị nhiều người Công giáo Việt Nam ở Mỹ bất tín), vụ cầu nguyện có thể làm thay đổi cả một chế độ hiện hành. BBC Việt ngữ cũng hùa vào (một cách có chủ trương) bình luận và đưa ra những thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam . Ai cũng biết chiến thuật “10 thông tin đúng, 1 thông tin sai” của BBC Việt ngữ nhằm tung hỏa mù đối với nhiều vấn đề chính trị, xã hội, tôn giáo ở Việt Nam . Điều đó đã gây ra một luồng thông tin lấn át cả vụ Hoàng Sa-Trường Sa.
Có thể nói, sự việc nhẽ ra không đến nỗi nghiêm trọng, nếu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không vì “sức ép” nào đó (của nhiều chuyện chính trị xã hội) ghé thăm vụ “cầu nguyện” và đi song hành với TGM Ngô Quang Kiệt đến Tòa Khâm sứ cũ. Vì vụ việc đó chính quyền Hà Nội có thể giải quyết, không cần đích thân ông thủ tướng ghé thăm, bởi nếu nói về quy mô biểu tình, khiếu kiện đòi đất thì có thiếu gì tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội…
Điều bất ngờ đối với vụ việc Tòa Khâm sứ cũ không đến từ phía phản biện của thông tin báo chí nhà nước mà đến từ một Blog của một nhóm mang tên Sen Việt. Bài viết “Tiếng nói của người Phật tử trước cái gọi là “cầu nguyện” đòi lại Tòa Khâm sứ” của Trung Ngôn, liền sau đó đã được Phattuvietnam.net đăng lại và tạo nên một diễn đàn sôi nổi, có nhiều tiếng nói khác nhau trên các trang mạng. Đáp lại, Lê Tuấn Huy (vô thần 100%) đã viết bài “Xin dừng lại trước khi quá muộn” trên Talawas (Phạm Thị Hoài chủ biên), không phải để kêu gọi người Công giáo dừng lại thôi cầu nguyện mà kêu gọi người Phật tử đừng phản biện.
Quả tình khi người Phật tử phản biện, bao nhiêu những hành vi chiếm phá chùa chiền một cách có hệ thống của thực dân và giáo sĩ đều được các dẫn chứng sử liệu đưa ra một cách thuyết phục, rằng chính Giám mục Puginier đã cấu kết với Nguyễn Hữu Độ chiếm phá chùa Báo Thiên (Đệ nhất danh lam thắng cảnh tại kinh thành Thăng Long, có ngôi tháp từng được mệnh danh là An Nam tứ khí) xây lên đó nhà thờ Lớn và sau đó là Tòa Khâm sứ. Lê Tuấn Huy xem việc chùa bị chiếm phá là thuộc về lịch sử, còn vụ tranh chấp hiện nay thuộc về “pháp lý”. Bài viết của Lê Tuấn Huy cho thấy anh ta không vô thần 100% như người ta tưởng.
Nguyễn Hữu Liêm lập tức trả lời trên Talawas nhằm đưa ra một “cáo trạng lịch sử” đối với đạo Công giáo Việt Nam với câu dẫn chứng: “Khi bạn đến tòa để xin công lý, hãy nhìn hai tay mình xem có sạch hay không?”. Sau đó là hàng loạt bài viết tranh luận của cả hai phía diễn ra trên diễn đàn “Điểm nóng chính trị Việt Nam ” (Talawas bị cấm thông tin tại Việt Nam , phải vào phamthihoai.org, hay vượt tường lửa mới xem được). Tuy nhiên, hàng loạt bài viết trên Blog Sen Việt nổ ra với những “cáo trạng lương tâm”, “cáo trạng lịch sử văn hóa” đã được nhiều trang nhà và blog đăng tải lại như một phản biện chính thức với vụ việc “Tòa Khâm sứ”. Đáng chú ý là bài viết trả lời Lê Tuấn Huy của Trần Minh Khoa với tiêu đề “Lịch sự - pháp lý - hiện thực - tình người”.
Sau một hơn một tuần nổ ra tranh luận của người Phật tử, sự việc “cầu nguyện” trở nên gấp rút và “bạo động”, nguy cơ ấy đã buộc Quốc vụ khanh Vatican gửi thư đề nghị giáo phận Hà Nội “ngưng cầu nguyện” bởi tình hình như thực tế có thể gây quá khích, có diễn biến xấu, cản trở quan hệ mới được cải thiện của Việt Nam và Vatican.
Vụ việc còn đang gây tranh luận trên khắp các diễn đàn của cả hai phía thì tờ báo “Công giáo và Dân tộc” tại TP.HCM có tiếng nói gây “bất lợi” với vụ “cầu nguyện”. Báo chí Công giáo hải ngoại không tiếc ngôn ngữ để tấn công vào tờ báo này, hàng loạt đời sống riêng tư của các chức sắc, linh mục Công giáo Việt Nam trong Ủy ban Đoàn kế Công giáo bị đưa ra “đấu tố”. Tuy nhiên, lá thư của Quốc Vụ khanh Vatican đã không hề “cho điểm” những người muốn hướng về họ với một thái độ nhiệt tình quá mức cần thiết. Vatican là một “cái đầu” đa chức năng, họ thực sự biết lúc nào nên “nóng” và lúc nào nên “lạnh”. Nhiều người Công giáo đã bình luận bức thư với một giọng trang nghiêm, tôn kính và không ít thất vọng.
Gần đây chính quyền Quảng Trị đã trả lại những phần đất trưng thu từ "Thánh địa" La Vang như một sự an ủi, xoa dịu nào đó với những vụ "cầu nguyện" đòi đất liên hoàn khác. Nhưng nếu ngẫm kỹ cũng sẽ thấy một sự nực cười, rằng chính đất gọi là Thánh địa La Vang vốn dĩ cũng là đất chùa Lá Vàng của Phật giáo bị chiếm phá để xây nhà thờ. Chỉ còn biết đặt một câu hỏi vu vơ: "Hơn một trăm năm trước, khi thực dân Pháp giày xéo, chiếm phá quê hương, tại sao chẳng có một bóng giáo dân nào đứng ra thắp nến cầu nguyện đòi đất vì công lý và hòa bình?"...
Chưa hết, văn thư chính thức phản ứng của phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã càng làm cho những người Công giáo quá khích với vụ việc mất bình tĩnh. Phật giáo Việt Nam bị tấn công không thương tiếc với những từ như “Sư Cộng sản”, “Phật giáo quốc doanh”…, ngay cả từ “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc” cũng bị đưa lên bình luận một cách ấu trĩ trên Talawas, rồi hàng loạt các nhân vật Phật giáo bị đem lên bôi bẩn trên nhiều trang web hải ngoại, mục đích không chỉ vì tức tối với vụ phản ứng “Tòa Khâm” đã làm cho những hò hét về dân chủ, công lý, nhân quyền “ỉu xìu” mà họ còn nhắm vào công kích việc Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản của Liên Hiệp Quốc. Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc nhằm tôn vinh những giá trị của đạo Phật, đáp ứng lòng mong mỏi của hơn 80% dân số Việt Nam theo đạo Phật (hoặc có tín ngưỡng Phật giáo cùng chung với tín ngưỡng thờ Ông bà), chứ không phải của một thiểu số ồn ào về chính trị, tôn giáo, nhân quyền hay dân chủ đa nguyên gì đó.
Cần phải nói thêm, văn thư chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, anh chiếm phá tài sản của người khác thì anh không thể xứng danh sở hữu chủ, lương tâm người bình thường còn không cho phép huống gì là lương tâm tôn giáo. Tuy nhiên, văn thư trên chỉ là một phần “chính thức” của một dư luận Phật tử đã trở nên không thể im lặng trước những hành động ngang ngược, bất chấp lương tâm, đạo lý và lòng trắc ẩn. Mọi tranh luận, “đoán già, đoán non”, xuyên tạc của một số thành phần Công giáo cực đoan và nhiều trang web hải ngoại đối với Phật giáo Việt Nam đã trở thành trò cười trước nhóm Phật tử trẻ Sen Việt (một nhóm gồm 5 thành viên chính và 10 thành viên tích cực có tuổi đời từ 18 đến 33) mà người viết có dịp tiếp xúc và biết rõ họ chẳng hề bị một ai giật dây hay “chính chị (trị), chính em” gì cả. Không những thế, nhóm Sen Việt còn truyền nhau với bạn bè về những thông tin đe dọa, chửi bới, mạ lỵ, xuyên tạc (bằng ngôn ngữ không phải ngôn ngữ của con người) đối với nhiều danh nhân và tư tưởng Phật giáo Việt Nam.
3. Tình trạng lạm phát
Thị trường chứng khoán, bất động sản, ngân hàng trở nên bất ổn và có nhiều nguy cơ khủng hoảng nếu không có sự điều tiết tỉnh táo của Chính phủ. Giá vàng, giá dầu liên tục đạt những kỷ lục mới, giá đồng đô-la bấp bênh. Quy luật “tự điều tiết” của kinh tế thị trường gây không ít khó khăn cho Chính phủ Việt Nam . Chính vì thế quyết định chính sách “thắt lưng buộc bụng”, giảm chi tiêu tăng trưởng đã được đặt ra. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng vẫn tăng đột biến gấp hai gấp ba lần năm 2008. Điều này đã đánh trực tiếp vào hầu bao của người dân lao động, cụ thể giá thịt lợn năm 2007 là 40-45 ngàn, năm 2008 là 80-85 ngàn. Chỉ trong 2 ngày gần đây, giá gạo đã tăng từ 10 ngàn lên 18-20 ngàn. Lạm phát thực tế có thể cao gấp nhiều lần con số đưa ra của Chính phủ, tuy nhiên, người lao động không cần biết chỉ tiêu tăng trưởng là bao nhiêu % một năm mà họ chỉ cần biết làm sao để họ có thể mua 1kg thịt, 1kg gạo với giá mà đồng tiền mồ hôi, nước mắt của họ kiếm ra có thể chấp nhận được. Thà tăng trưởng kinh tế 7-7,5/ năm (hay giảm hơn nữa) mà họ chỉ phải mua 40-50 ngàn 1kg thịt lợn còn hơn tăng trưởng 8-9% mà phải mua 80-90 ngàn 1kg, bởi giá cả thì tăng chóng mặt còn lương thì tăng nhỏ giọt.
Nói gì thì nói, quy luật kinh tế thị trường là quy luật tự điều tiết và tự đào thải, lạm phát cho thấy sự cạnh tranh yếu của nền kinh tế Việt Nam . Điều đó cũng chứng tỏ rằng, trong hội nhập kinh tế quốc tế, mọi biến động về kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường là tương quan, tương duyên chặt chẽ với nhau, không thể tách rời được. Có nghĩa rằng đó là những khó khăn và thuận lợi chung của thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nghệ thuật của mỗi nước khi tham gia vào sân chơi ấy cùng với một chính sách đúng đắn sẽ là điều kiện để mỗi nước giảm khó khăn và tăng thuận lợi của mình lên. “Trả giá” là một khái niệm được nhắc đến nhiều cho các nước đang phát triển, nên phải luôn cảnh giác để không giẫm vào vết xe đổ của người đi trước.
Nền kinh tế thị truờng đã khiến cho giới doanh nhân lên ngôi, nhưng việc theo đuổi những mục đích giá trị khác nhau đang đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm và đạo đức xã hội của giới này, nếu không ý thức sẽ gây nên những cuộc khủng hoảng an sinh xã hội lớn.
Thị trường chứng khoán bị đầu cơ, lan vào lĩnh vực nhà đất, ngân hàng. Những cơn sốt ảo được tung ra nhằm thu lời bất chính. Như một hiệu ứng dây chuyền, tăng giá và tăng giá… là cách đi chung của toàn xã hội. Đây là tình trạng “giậu đổ, bìm leo” trong kinh tế. Cụ thể Việt Nam không thiếu lương thực mà người dân phải mua gạo với giá trên trời. Với tình trạng lạm phát hiện nay, giá gạo và an ninh lương thực trở nên quan trọng gần như hàng đầu của Việt Nam, mầm mống của mọi mầm mống chính là “cái ăn”. Vì vậy, việc đầu cơ và đẩy giá gạo tăng chóng mặt là hành vi thiếu đạo đức và lương thiện trong thời điểm này. Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đã được Liên Hiệp Quốc cảnh báo. Việt Nam không chấn chỉnh lại ruộng đất nông nghiệp thì sẽ phải trả giá giống như Philippines tự cầm dao đâm vào dạ dày của mình khi công nghiệp hóa đã làm biến mất bao nhiêu cánh đồng trồng lúa.
Việc làm trước mắt, người dân phải hạn chế chi tiêu, xác định lại những nhu cầu cơ bản để điều chỉnh cuộc sống, và nhà nước phải điều chỉnh mạnh mẽ hơn trước các vấn nạn về đầu cơ để đảm bảo an sinh xã hội. Triệt để xử lý tham nhũng, hối lộ. đầu cơ tích trữ, ép giá để giữ vững lòng tin của nhân dân trong công cuộc hạn chế lạm phát. Bằng mọi cách đảm bảo trật tự, an sinh xã hội, tránh tối đa những sóng gió bên ngoài không cần thiết.
Tạm kết
Người viết đã sử dụng những từ “tương quan”, “tương duyên” trong bài, nhằm nói đến một sự thật không thể phủ bác, đó là chúng ta không thể sống một cách biệt lập, bởi đau khổ hay hạnh phúc của người này đều trực tiếp, gián tiếp liên quan đến người kia và ngược lại. Những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo trong nước cũng tương quan, tương duyên chặt chẽ với những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, tôn giáo thế giới. Tuy nhiên, trong những thang bậc giá trị có nhiều biến thiên, trong những trật tự thế giới mới còn nhiều toan tính bất ổn, chúng ta phải nhìn ra và điều chỉnh thích hợp, linh hoạt, bởi những vấn đề về chiến tranh, hòa bình không còn nằm trên một công thức giống như toán học (2 x 2 = 4 hay 2 + 2 cũng = 4).
Người viết đã sử dụng câu tục ngữ “Giậu đổ bìm leo” để nói đến những hành động lợi dụng, “đục nước béo cò” từ những toan tính, những tham vọng quyền hành hỗn độn của cá nhân, làm bất ổn và làm rối các tình hình để thỏa mãn những hận thù, định kiến, riêng tư mà kết quả của các chính sách, âm mưu ấy là việc người dân vô tội phải bị đẩy vào vòng khủng hoảng, vào nước sôi, lửa bỏng và hơn cả là sinh tử.
Người viết nói đến việc “làm mạnh mình” (nội lực trong kinh tế, chính trị và tâm linh tinh thần). Khi phản ứng bằng bạo lực, bên ngoài nhìn có vẻ mạnh, nhưng thực chất bên trong là yếu đuối. Người Trung Quốc đang mạnh trên nhiều phương diện, bởi chính họ là người đã làm thay đổi cách nhìn về thang bậc giá trị của phương Tây. Nhưng khi họ đàn áp Tây Tạng bằng bạo lực, cho thấy bản chất của họ vẫn là một anh khổng lồ vai u thịt bắp và một tư tưởng bành trướng, thống trị, điều này cũng không khác với tinh thần phương Tây trước đó.
Lời cảnh báo trong bài của người viết là: “Nước xa không chữa được lửa gần”. Trong các quan hệ đối tác, với Trung Quốc, không nên có biểu hiện nóng vội. Lịch sử ngoại giao cho thấy, Nguyễn Trãi cùng Lê Lợi đánh tan quân Minh, nhưng sau đó cấp lương thảo, ngựa xe cho họ về nước. Bên trong thì viết Bình ngô Đại cáo, xưng hùng xưng đế nhằm khuyến khích tinh thần dân tộc, bên ngoài viết biểu tạ tội và thần thuộc chịu phong. Điều đó được nhiều sử gia, chính trị gia luận bàn như một nghệ thuật ngoại giao của nước nhỏ. Nhưng đó không phải thời công nghệ thông tin toàn cầu như hiện nay, khi tiếng súng Bắc Kinh vừa nổ ra là sau đó người Việt có thể nghe và nhìn thấy, và ngược lại một lời kinh tụng vọng lên cầu nguyện cho quê hương Việt Nam thanh bình dù Trung Quốc có chối tai thì cũng không thể không nghe. Việt Nam đang khởi công xây dựng chùa trên Vịnh Bắc Bộ. Thiền sư Nhất Hạnh viết: "Giấc mơ Việt Nam là các quốc gia lân cận, kể cả Trung Quốc biết thương mến và thưởng thức cái đẹp và cái dễ thương của đất nước, văn hóa và con người Việt Nam mà không còn có ý muốn xâm hại nhau, tại vì người Việt đã học được cách bảo vệ sông núi, văn hóa và con người của mình bằng nếp chung sống hòa bình, bằng tình huynh đệ, bằng tài ngoại giao, bằng nếp sống tương trợ với các nước chung quanh...".
Quên cái nhục trước mắt, giữ cái vinh lâu dài là bài học có từ trong lịch sử. Mà muốn có được cái vinh lâu dài, không có gì bằng làm mạnh mình, làm mới mình từ trong kinh tế, chính trị, văn hóa lẫn tâm linh, tinh thần dân tộc. Và nguy cơ bất ổn đến từ bên trong cần phải được chấn chỉnh trước, bởi trong có ấm thì ngoài mới yên (êm).
Nam Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét