Thứ Năm, 1 tháng 5, 2008

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA QUA MỘT SỐ BÀI "VIỆT DỊCH"*


Sự mâu thuẫn về lợi ích đã biến các động thái chính trị, tôn giáo trên thế giới trở nên căng thẳng và phức tạp. Trong định kiến, chia rẽ, mọi thứ đều được “hợp lý hóa”. Vì vậy, thế giới này vẫn chưa thể tiến bộ hơn trong các tình huống giải quyết chiến tranh, xung đột, khủng hoảng môi trường… khi người ta không thể đủ sức để đẩy cao hay tôn vinh những giá trị còn mang đậm tính người.

Nhiều du học sinh Trung Quốc ở Mỹ và phương Tây nói chung đang sống trong tình trạng phân ngả khi dư luận Mỹ và phương Tây đang nhìn đất nước, con người Trung Quốc với một hình ảnh xấu sau khi Trung Quốc đàn áp Tây Tạng. Những du học sinh Trung Quốc đang nỗ lực chứng minh và bảo vệ hình ảnh đất nước của mình bằng nhiều cách và nhiều lý do khác nhau.

Họ đang nỗ lực bảo vệ một Trung Quốc (Cộng sản toàn trị) hay một Trung Quốc đang đi vào quỹ đạo thống nhất, có nhiều thành tựu và niềm tự hào?

Báo chí Trung Quốc có đủ lý do chính trị (thậm chí là lịch sử) để nhìn về mảnh đất Tây Tạng cũng như những kết luận “nổi loạn” về phản ứng hiện tại của người dân Tây Tạng. Còn người Trung Quốc phổ thông cũng có nhiều lý do để tin theo những lập luận (chính dòng) ấy. Người Tây Tạng trên khắp thế giới cũng có đủ niềm tin về quê hương mình, về truyền thống tôn giáo tâm linh và về cách phản ứng của mình trước sự xâm thực ồ ạt của lối sống và văn hóa Hán và gần đây là sự đàn áp bằng bạo lực của Trung Quốc.

Người Tây Tạng dẫu trong nhiều năm nay không thành công trong việc đòi “độc lập” dưới danh nghĩa địa lý lãnh thổ, nhưng không gian văn hóa của người Tây Tạng thì mở rộng khắp năm châu và gây một ảnh hưởng mạnh, đặc biệt trong truyền thống tâm linh, để rồi hai từ “huyền bí” được thế giới nhắc đến nhiều nhất về mảnh đất này. Đó là một thành công đáng kể để người Tây Tạng tự hào về truyền thống văn hóa của mình. Đó cũng là cơ sở để thế giới dành nhiều thiện cảm cho Đức Đạt Lai Lạt Ma và quê hương của ngài. Việc nhiều nơi trên thế giới trực tiếp, gián tiếp ủng hộ tẩy chay Olympic Bắc Kinh, ngoài ý nghĩa đối trọng chính trị với Trung Quốc còn là lòng trắc ẩn, có cả sự xúc động, cảm thương đã từ nhiều năm nay đối với nơi được xem là “nóc nhà thế giới”.

Trung Quốc không muốn thấy mình rộng lớn nhưng vẫn phải ngước đầu, kiễng chân để nhìn Tây Tạng. Nên Trung Quốc không chỉ muốn thống nhất lãnh thổ mà còn muốn thống trị văn hóa. Thực tế đó trong nhiều thập kỷ nay đã khiến cho người Tây Tạng luôn đứng ngồi không yên (với phía sau là một lịch sử vàng son nhưng cũng thấm đẫm máu và nước mắt). Và họ cũng hiểu những gì đang diễn ra đang làm bản sắc Tây Tạng bị chà đạp. Nhưng tự ái của người khổng lồ sẽ trở nên ghê gớm nếu một mảnh đất nhỏ Tây Tạng không thể “nắm gọn” trong tay. Ai can dự vào tham vọng này của Trung Quốc nhất định sẽ phải trả giá. Trung Quốc là “công lý” trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Hãy xem người Trung Quốc phản ứng với Mỹ khi quả bom của Mỹ vô tình bay nhầm vào Tòa Đại sứ Trung Quốc ở I-rắc thì sẽ rõ.

Thế giới đang chia rẽ về Tây Tạng, người Tây Tạng chia rẽ về Tây Tạng, người Trung Quốc chia rẽ với cách hành xử của Trung Quốc. Tuy nhiên tất cả mọi sự chia rẽ đều liên quan trực tiếp đến lợi ích sát sườn của mỗi bên. Lợi ích ấy ai “bảo vệ” được thì người đó nắm chân lý. “Chân lý” là lợi ích thống trị và toan tính quyền lực, cái gì cản trở điều đó cái đó không phải là chân lý. Người Tây Tạng nắm chân lý cho dân tộc mình và dĩ nhiên người Trung Quốc cũng có chân lý của họ.

Xưa nay “luận sự” không tách rời “luận nhân”, chính vì vậy, nhân cách người có ảnh hưởng nhất đối với Tây Tạng là Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhiều lần bị xuyên tạc hay cố tình bôi nhọ bởi những khai thác chính trị. Chính vì thế, sau nhiều năm sống lưu vong, nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của Tây Tạng này dù có muốn nói không với chính trị thì cũng không thể được, mỗi động thái trong hoàn cảnh nhạy cảm này đều được cả thế giới nhìn với con mắt chính trị. Với ảnh hưởng của ngài ở phương Tây, ngài đã không chỉ gắn liền với hình ảnh của người Tây Tạng mà còn gắn liền với hình ảnh của đạo Phật. Phật tử khắp nơi trên thế giới đều ngưỡng mộ đời sống tâm linh của ngài.

Có thể nói, một thực tế không mấy vui vẻ khi đạo Phật qua ngài mà ảnh hưởng rộng ở phương Tây, trong khi người đi lễ nhà thờ ngày một giảm, số lượng người “đa tôn giáo” tăng nhanh… Đó là những cảnh báo mà cố Giáo hoàng Joan Phao-lô II trong cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng” đã đưa ra. Đây cũng là lý do mà gần đây nhiều bài viết ở phương Tây (được nhiều trang nhà dịch ra tiếng Việt) đã khai thác và tung hỏa mù về Tây Tạng, tung hỏa mù về nhân cách Đức Đạt Lai Lạt Ma nhằm qua đó khoét sâu vào sự bất lực của ngài trước dân tộc mình, thổi bùng tâm lý phục quốc, hiếu chiến của người Tây Tạng. Họ muốn thấy một Tây Tạng bạo lực để có thể kéo các giá trị xuống thấp cho bằng mình: cuối cùng thì tôn giáo nào rồi cũng phải “tôn thờ” bạo lực, Phật giáo cũng không ngoại lệ.

Bức hình ngài chụp chung với Giáo hoàng, với nhiều nhà lãnh đạo thế giới, với nhiều lãnh tụ tinh thần tôn giáo khác cũng như bức hình ngài chụp chung với nhân vật Heinrich Harrer, tác giả cuốn Bảy năm ở Tây Tạng không khác gì nhau trong cái vẻ tươi cười xã giao tự nhiên. Nhưng bức hình ngài chụp chung với Heinrich Harrer (có thời là đảng viên phát-xít) lại tốn nhiều “dụng công” và “động cơ” nhất, và một số người Trung Quốc đã ấu trĩ “gán” cho ngài sự quan hệ với “phát-xít”. Điều này không khác nhiều với những sự kiện “ngoại giao” gần đây khi những nhà lãnh đạo Việt Nam viếng thăm Mỹ. Nếu họ có có bất cứ tấm hình chụp chung mang tính ngoại giao nào với những chính khách bất đồng chính kiến của chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũ thì lập tức những người chụp chung với những nhà lãnh đạo Việt Nam đó sẽ bị quy chụp là thân Cộng, bắt tay với Cộng… Thiền sư Nhất Hạnh (về thăm và hành đạo tại Việt Nam), tướng Nguyễn Cao Kỳ là ví dụ sinh động nhất cho những “búa rìu dư luận” kiểu này.

Có thể nói, con người đang rơi vào tình thế “nước đôi” của các sự kiện. Phản đối và ủng hộ luôn là hai mặt của một vấn đề. Thế giới (hiếu chiến) sẵn sàng ủng hộ cái ác, cái bất công, phi lý khi họ tin rằng có đủ lý do chính trị nào đó để tiến hành. Bằng cách trực tiếp hay gián tiếp bôi bẩn hình ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma (thậm chí qua các bản Việt dịch có vẻ như khách quan) là động cơ thiếu lương thiện, “giậu đổ bìm leo” trước những đau thương của người dân Tây Tạng, để họ không còn một cơ hội bám víu nào ngay cả với người lãnh đạo tinh thần tối cao của họ, để các giá trị của thế giới đều bị đảo ngược và đi qua cõi người một cách vô hồn.

Tại sao nhiều khu tự trị (ở nước nhỏ) được phương Tây giật dây và ủng hộ đã tuyên bố độc lập, trong khi cũng vấn đề Tây Tạng, nhiều năm nay trên bàn tròn ngoại giao, chưa một nước nào, kể cả nước lớn lối như Mỹ dám đơn phương tuyên bố ủng hộ sự độc lập của Tây Tạng. Điều đó cho thấy, sự bất lực (có chủ ý) đối với nước lớn của thế giới. Nhưng nếu Tin lành (Đề-ga) ở Tây Nguyên - Việt Nam có hơi hướng tuyên bố “độc lập” và bị Chính phủ Việt Nam ra sức ngăn cản thì bị phương Tây chỉ trích nhân quyền hay tiến hành những cuộc điều tra về tình hình đó.

Nước nhỏ chỉ còn biết tránh tình trạng “ủng hộ tự trị” bằng phát biểu: “Điều đó phải phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện hiến pháp, pháp luật của mỗi nước” nhằm đảm bảo nguyên tắc “không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”. Nói cho cùng, hòa bình là một khát vọng, một ước mơ để loài người ca ngợi chứ không phải là một “thước đo” công lý khi tâm lý chiến tranh còn tồn tại trong mọi ngõ ngách cuộc sống của thế giới, nhất là khi những lợi ích bình thường nhất bị xâm phạm, đó là chưa kể đến những hận thù, định kiến còn dai dẳng trong tâm thức con người. Động cơ ứng xử theo chiều hướng nào thì lề lối ứng xử sẽ đi theo chiều hướng đó.

Sự mâu thuẫn về lợi ích đã biến các động thái chính trị, tôn giáo trên thế giới trở nên căng thẳng và phức tạp. Trong định kiến, chia rẽ, mọi thứ đều được “hợp lý hóa”. Vì vậy, thế giới này vẫn chưa thể tiến bộ hơn trong các tình huống giải quyết chiến tranh, xung đột, khủng hoảng môi trường… khi người ta không thể đủ sức để đẩy cao hay tôn vinh những giá trị còn mang đậm tính người.

Nam Quốc
* Người viết tham khảo qua các loạt bài trên BBC Việt ngữ, Talawas.org

(Nguồn:http://vn.myblog.yahoo.com/360-diemnhin)

1 nhận xét:

  1. với cách nhìn nhận rộng rãi. Đức Đạt Lai lạt ma cho thế giới đánh giá một cách khách quan nhất trên nền tảng rũ bỏ mọi thành kiến để nhìn nhận sự việc chân thực như nó vôn có không sai lệch

    Trả lờiXóa