Thứ Tư, 21 tháng 5, 2008

DỰ ÁN MỞ RỘNG HÀ NỘI: CÁI ẤN NÚT BẤT TÍN NHIỆM CHÍNH PHỦ?


Ngày mai (22-5-2008) sẽ diễn ra biểu quyết đồng ý hay không với dự án mở rộng Hà Nội của Chính phủ. Tờ trình dự án mở rộng Hà Nội được một số đại biểu cho là “thiếu thuyết phục”. Tuy nhiên, Chính phủ một mặt vẫn lắng nghe ý kiến và mặt khác sẽ bảo vệ quan điểm của mình, vì lẽ rằng dự án này đã được nghiên cứu kỹ từ 6 năm về trước, có đầy đủ những điều kiện để mở rộng thủ đô Hà Nội.

Mọi biện giải của Chính phủ đã được đưa ra và mọi ý kiến không đồng tình cũng đã trở thành kênh phản biện trực tiếp. Tuy nhiên, cái bấm nút đồng ý hay không phải chờ… đến đúng thời điểm mà rất có thể người không đồng ý cũng sẽ bấm nút đồng ý và người đồng ý lại bấm nút không đồng ý. Rõ ràng ngay cả việc bấm nút hay không cũng không phải là không cảm tính.

Dự án mở rộng thủ đô Hà Nội sở dĩ diễn ra những tranh luận sôi nổi như vậy có nhiều nguyên nhân. Song đáng chú ý nhất phải kể đến bài báo của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đăng trên báo Tuổi Trẻ trước đó. Bài báo trở thành “nền” và “tâm điểm” phân tích của hàng loạt những “ý kiến vệ tinh” trong diễn đàn Quốc hội về việc không tán thành việc mở rộng thủ đô Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là nếu bài báo đó không phải là của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì mức độ ý kiến ở trong hội trường sẽ diễn ra như thế nào? Rõ ràng uy tín ảnh hưởng của ông Võ Văn Kiệt còn rất lớn trong những vấn đề quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, điều đáng nói không phải ở những phân tích có nhiều điểm "xác đáng" của ông Võ Văn Kiệt với tư cách cá nhân, mà điều đáng nói là nhiều đại biểu đã nói theo ông, hay cụ thể là nói theo báo Tuổi Trẻ, bởi khi đăng bài viết của ông Võ Văn Kiệt, báo tuổi trẻ đã liên tục đăng thêm những bài báo với ý khá rõ: “không nên mở rộng thủ đô Hà Nội”. Và một số đại biểu quốc hội cứ theo vậy mà “phát hiện lại châu Mỹ” trước Quốc hội, không cần biết những ý kiến đó đã được người dân biết đến trước đó rồi. Ai đủ sức để phản biện lại ý kiến của ông Võ Văn Kiệt trên báo Tuổi Trẻ (lưu ý không phải là những nói xa nói gần trước Quốc hội). Xin thưa rằng, sẽ không có ai cả, vì rằng ai cũng hiểu rõ những phát biểu của ông Võ Văn Kiệt luôn được báo Tuổi Trẻ khơi ngòi và bảo đảm lẫn nhau. Quyền lực thứ ba của báo Tuổi Trẻ được xem như phát huy tác dụng, chí ít nó đã trở thành tiếng nói phản biện mà những đại biểu quốc hội phản ứng với dự án mở rộng Hà Nội đã tham khảo.

Ý tưởng thì bao giờ trước tiên cũng phải xuất phát từ cảm tính và từ ý tưởng ấy đến hiện thực là một chặng đường đi khá xa, có rút ngắn được hay không còn tùy thuộc vào quyết tâm thực hiện của con người. Có bao nhiêu những ý tưởng lớn của nhân loại đều đã được bắt đầu từ những điều rất viễn mộng. Nói thế để thấy rằng, trước khi làm bất cứ điều gì điều cần nhất vẫn là ý tưởng. Thế thì vấn đề không phải là nói nó cảm tính mà là vấn đề ý tưởng đó có thực hiện được hay không?

Việc mở rộng thủ đô Hà Nội có thực hiện được hay không?

Nếu nói không thể thực hiện được thì đó là sự vô lý vì rằng nhiều quốc gia trên thế giới đã từng mở rộng thủ đô, thậm chí là thiên đô. Nếu thực hiện được thì thực hiện như thế nào? Đó phải là một quy trình điều chỉnh và tự điều chỉnh một cách đồng bộ chứ không phải dự án nói ra là đã xong vấn đề rồi hay không đơn thuần nói không là bỏ qua luôn. Ý tưởng mở rộng Hà Nội không phải là một ý tưởng dưới trung bình mà đó là một ý tưởng có tầm nhìn xa rộng.

Cứ thử nhìn kinh đô Hoa Lư trong lịch sử và Thăng Long - Hà Nội mới thấy hết được ý nghĩa của việc thiên đô (cũng là để mở rộng không gian địa lý và văn hóa). Nay dự án mở rộng thủ đô Hà Nội cũng có ý nghĩa lâu dài không kém. Bởi diện tích thủ đô Hà Nội hiện nay là quá nhỏ (921km2) so với thành phố Hồ Chí Minh (2.095,01km2). Vậy những khiếm khuyết nào trong việc mở rộng đô thị cần phải điều chỉnh thì Quốc hội và Chính phủ nên tập trung trí tuệ và sức lực vào giải quyết chứ không thể nói vì những vấn đề phức tạp của đô thị hiện nay mà nói không một cách cảm hứng về vấn đề mở rộng thủ đô Hà Nội được.

Việc mở rộng thủ đô Hà Nội từ 921km2 lên 3.324,92km2 là một thách thức không nhỏ nhưng cũng thể hiện bản lĩnh thực sự của Chính phủ. Bởi việc phát triển đô thị tự phát từ lâu đã phá vỡ dần cấu trúc đô thị của thủ đô Hà Nội, với những nhà siêu mỏng, những hẻm cực nhỏ, những ngõ ngách nhếch nhác, những khu dân cư tự phát đang xâm lấn và làm hủy hoại nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường và di sản văn hóa. Đó không thể là hình ảnh của một Hà Nội văn hóa và văn hiến cho mai sau được. Chưa kể đến nạn ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn giao thông ở Hà Nội đã quá tải và vẫn chưa có hướng giải quyết khả thi.

Rất nhiều những di sản văn hóa vật thể của thủ đô Hà Nội đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi chính nhu cầu đô thị trong quá trình phát triển với một diện tích quá chật hẹp gần như không còn kham nổi.

“Lẽ ra Hà Nội phải là nơi làm gương cho cả nước trong việc qui hoạch và xây dựng một thành phố nhân ái, văn minh mà vẫn giàu có, năng động; sẵn sàng thích ứng với mọi đổi thay của thời cuộc và tạo ra cho chính mình bản sắc của thủ đô Việt Nam” (Võ Văn Kiệt) .

Câu nói trên của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã là một mâu thuẫn với chính hình ảnh của thủ đô Hà Nội hiện nay. Bởi chính Hà Nội đã gần như không còn giữ được diện mạo văn hóa đặc thù bởi chính những “hổ lốn” trong mọi mặt đang được nhét vào một chiếc áo không vừa cỡ.

Bảo tồn và phát triển là hai mặt của một vấn đề. Chính vì vậy Hà Nội rất cần một sự đổi mới, một nét mới đặc thù sau khi mở rộng và quy hoạch lại một cách khoa học bởi nếu không chính Hà Nội hiện nay với sự gia tăng dân số trong những năm tiếp theo sẽ trở thành một vấn nạn đô thị khó có thể giải quyết. Thử hỏi voi sinh mà cỏ không sinh thì mọi chuyện sẽ đi đến đâu. Nội chỉ có vụ cầu nguyện đòi đất “Tòa khâm” ở thủ đô Hà Nội thôi đã làm cho cả Hà Nội phải lung túng rồi. Nếu không giải quyết tốt vấn đề đất đai thì chính sự chật hẹp lại là nguyên nhân đầu tiên của tất cả mọi sự tàn phá di sản văn hóa và bất ổn chính trị. Hãy để Hà Nội “động” theo hướng phát triển mở rộng và Hà Nội “tĩnh” theo hướng bảo tồn di sản. Như vậy, Hà Nội vẫn có một “vùng” văn hóa đầy bản sắc và những điều kiện thuận lợi trong bảo tồn di sản chắc chắn sẽ cao hơn một Hà Nội mà cái gì bây giờ cũng đang muốn “hòa vào”, “trộn lẫn”.

Chúng ta chỉ có thể nói không với cái không làm được chứ không thể nói không với cái có thể làm được. Khi Chính phủ bị bất tín nhiệm, một hệ quả xã hội khác chắc chắn còn to lớn hơn nhiều. Mọi việc còn tùy thuộc vào cái bấm nút của từng đại biểu Quốc hội. Hy vọng rằng cái ấn nút của đại biểu Quốc hội ngày mai sẽ là sự đồng ý với dự án mở rộng Hà Nội. Bởi đồng ý với dự án sẽ là tiền đề để điều chỉnh và giải quyết những tồn động, khúc mắc, khó khăn trong quá trình bắt tay vào thực hiện dự án ở mức đồng bộ và ở tầm quan trọng vĩ mô. Bởi từ dự án đến hiện thực là cả một chu chỉnh điều chỉnh từ rất nhiều khâu mà khả năng Việt Nam có thể làm được.
Nam Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét