Theo tin BBC Việt ngữ, “TGM Hà Nội nhất định đòi Tòa Khâm sứ”. Phát biểu trên xuất hiện trong chuyến thăm cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Đức của TGM Ngô Quang Kiệt, gần thời điểm phái đoàn Vatican chuẩn bị sang thăm Việt Nam. Cũng trong tin này, Đức ông Nguyễn Văn Phương, thuộc Bộ Truyền giáo Vatican nói về sự quan tâm của Vatican đến Tòa Khâm sứ, Thánh địa La Vang và Giáo hoàng Học viện ở Đà Lạt. Tuy nhiên, trong tin “Phái đoàn Vatican sắp tới Hà Nội” của BBC Việt ngữ, Linh mục Stephanô Bùi Thượng Lưu lại cho rằng: "Việc đòi lại đất chỉ là bề nổi. Điều ẩn hiện đằng sau mà Giáo hội đòi hỏi là việc nhà cầm quyền cũng như dân tộc ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước".
Đúng là ba “miếng” đất kia chỉ là bề nổi, là sự “ẩn hiện” có tính toán, nếu quan hệ giữa Việt Nam và Vatican được thiết lập. Việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với một quốc gia (Vatican) mà quá khứ có nhiều ân oán, tình thù với nhau cũng là chuyện bình thường, vấn đề là những “điều kiện” mở đường cho nó sẽ ở mức độ nào giữa nhận thức chung trong mối quan hệ: “hai bên cùng có lợi”. Nếu cái “điều kiện” đó có thể đáp ứng lớn hơn mức bình thường mà hai bên có thể thỏa mãn thì việc tranh chấp vài miếng đất có thể coi “như có như không”. Đó là điều ai cũng nhìn ra, tuy nhiên ai là người sẽ “nhượng bộ” để đổi lấy những ích lợi cụ thể thì vẫn còn là một câu hỏi.
Cần nói thêm, Trung Quốc vẫn chưa mặn mà với việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Vatican, vì gần như Trung Quốc đã làm được cái việc tách Giáo hội Công giáo Trung Quốc ra khỏi Vatican trong thế độc lập tương đối.
Điều đáng chú ý, ngoài ý tứ quyết “sống mái” của TGM Ngô Quang Kiệt: “nhất định đòi Tòa Khâm sứ” (bất chấp dư luận xã hội trong đó có phản biện của Phật giáo) là việc “đòi hỏi việc nhà cầm quyền cũng như dân tộc ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước”. Cũng là “đòi” cả thôi nhưng ở hai cấp độ khác nhau.
Đòi đất kiểu “quyết liệt” như TGM Ngô Quang Kiệt đích thực là bề nổi, nhưng không phải không có chủ ý lấy “gân” thử “gân” và cái “đòi” ấy là rất cụ thể. Còn việc “đòi hỏi việc nhà cầm quyền cũng như dân tộc ghi nhận đóng góp của Giáo hội cho đất nước” mà Linh mục Bùi Thượng Lưu nói tuy to tát nhưng rất thiếu tế nhị, nếu không nói là tự nhận mình ở cái thế “bên lề”.
Khi nói đến từ “đòi” người ta thường liên hệ đến việc bị lấy mất, bị xâm chiếm. Nhưng không ai lấy mất những “đóng góp” của Giáo hội Công giáo Việt Nam cho đất nước mà phải đòi. Khi đòi “dân tộc” phải ghi nhận đóng góp ấy, liệu có “đòi” dân tộc và cụ thể là Phật giáo phải quên đi những di sản văn hóa chùa chiền, đình miếu bị chính sách đồng hóa hủy diệt không?
Dĩ nhiên, trên khắp thế giới, thời nào cũng thế, nhà cầm quyền, những người lập ra chế độ chính trị, chính sách, hiến pháp, pháp luật, quân đội, nhà tù… được toàn dân nhất trí (theo tiêu chí phổ thông đa số thắng thiểu số) họ có quyền lực cao nhất để “hướng dẫn xã hội”. Đó là cái thế “cầm quyền” của họ, họ “lấy” bằng cách gì và họ “trả” như thế nào với những tài sản tôn giáo, phi tôn giáo cũng là cái thế cách “cầm quyền” của họ, và điều đó không phải không có ý nghĩa trong những thời điểm lịch sử nhất định. Hiện nay, chính thể lưu vong Việt Nam Cộng Hòa có tư cách pháp lý tại Mỹ (tức chủ thể hiện hành), nhưng có thể kiện tòa án quốc tế để đòi lại thủ đô Sài Gòn được không?
Công giáo Việt Nam từ trong lịch sử đã “cưỡng chiếm” biết bao nhiêu chùa chiền của Phật giáo một cách bất hợp pháp, ai là người sẽ đòi món nợ ấy với họ? Hiện tại, Công giáo Việt Nam chỉ là một tổ chức trong một quốc gia và phải chịu qui định bởi luật pháp của quốc gia ấy. Trong ba cơ sở mà Công giáo có ý định “đòi” (“bề nổi”, “ẩn hiện”) thì có đến hai cơ sở là di sản Phật giáo từng bị cưỡng chiếm và phá hủy rồi xây lên đó những nhà thờ. Nếu nói một cách “công lý” và “công bằng” thì Công giáo Việt Nam nên suy nghĩ nhiều hơn về điều này, không nên tiếp tục khơi lại những vết thương đau của lịch sử dân tộc.
Không phải ngẫu nhiên vụ cầu nguyện đòi đất Tòa Khâm sứ nổ ra và có phản ứng dây chuyền trên khắp cả nước. Bởi một động thái tôn giáo của nhà nước trước đó được xem là “bất lợi” cho tiến trình phát triển của Công giáo Việt Nam chính là trong mùa Phật đản năm 2007, Nhà nước tuyên bố đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc. Tâm lý lo ngại có thể bị rơi ra khỏi sự quan tâm đã chuyển sang thái độ phản ứng “đòi” đất. Tuy nhiên, tất cả sự “ẩn hiện” đó đều hy vọng vào một khả năng duy nhất “thúc ép” Việt Nam “bình thường hóa” với Vatican.
Có thể vụ cầu nguyện đòi đất chỉ là một bức màn của một sân khấu đã được đạo diễn sẵn, nhằm đẩy Chính phủ Việt Nam vào một thế bí đối với dư luận trong và ngoài nước: “cướp đất”, “đàn áp tôn giáo”, “vi phạm nhân quyền”… Sau đó chính Vatican lại can thiệp và làm cho sự việc lắng dịu. Sức mạnh “can thiệp” đó nhằm vào một chủ đích lớn hơn, bởi gần như sức ép dư luận “quốc tế” mà Vatican có khả năng chi phối là rất nặng kí. Kế sách vừa đánh vừa nhử, lùi một bước tiến ba bước quả là ngoạn mục. Lưu ý, TGM Ngô Quang Kiệt là do Vatican bổ nhiệm và được Chính phủ Việt Nam chấp thuận.
Điều bất ngờ lớn nhất của Chính phủ không phải ở việc “đòi đất” thông thường mà là ở người phát động chiến dịch đòi đất nhân danh Tổng Giám mục thủ đô đúng vào dịp lễ Giáng sinh, đúng vào dịp Thượng viện Mỹ đang có ý định đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, đúng vào dịp kỷ niệm một năm gia nhập WTO, quả là vô cùng nhạy cảm.
TGM Ngô Quang Kiệt, khi còn quản chưởng tại Lạng Sơn và mới được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục giáo phận Hà Nội đã không ít lần ca ngợi chính sách cởi mở tôn giáo của nhà nước trên các mặt báo. Bởi ai cũng biết cứ đến dịp Giáng sinh, báo chí, đài truyền hình đưa tin một cách rầm rộ, cũng chẳng thua kém gì Vesak 2008. Người ta còn đặt câu hỏi về Đài truyền hình TP.HCM và Báo Tuổi Trẻ liệu có người “thân Công giáo” quá mức không mà “quảng cáo” cho Giáng sinh nhiều như vậy. Điều này không phải không khiến cho một số Phật tử suy nghĩ về những ngày lễ quan trọng của mình.
Thử hỏi trong ngần ấy năm TGM Ngô Quang Kiệt không biết đến mảnh đất Tòa khâm sứ đó như thế nào chăng? Điều gì đã khiến ông phát động “Lễ hiện xuống mới”, “đòi đất” nhân danh “công lý và hòa bình”? Có phải là thiếu đất sinh hoạt không? Có phải vì sự ồn ào của Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao không? Hay vì chiếc “mũ đỏ” (Hồng y)? Hay có một thế lực nào khác đứng đằng sau giật dây nhằm gây bất ổn xã hội?
Nói xa nói gần thì cũng có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân gần chính là bang giao giữa Việt Nam và Vatican (xúc tiến từ thời ông Võ Văn Kiệt nắm quyền thủ tướng) vẫn chưa trở thành hiện thực, trong khi đó động thái của nhà nước trong việc tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc đã khiến Công giáo Việt Nam phần nào cảm thấy “thua thiệt” (từ nhiều năm nay cả Công giáo và Tin lành đều cho rằng nhà nước “ưu ái” Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chính vì vậy không lúc nào Giáo hội Phật giáo không bị gắn vào đó từ “quốc doanh”, một cách vô tội vạ và đầy ác ý).
Vesak Liên hợp quốc được nhà nước Việt Nam đăng cai tổ chức, có nghĩa rằng, trực tiếp hay gián tiếp nhà nước xem Phật giáo là tôn giáo chủ lưu. Động thái đó của nhà nước không chỉ làm cho một số tôn giáo “mất bình tĩnh” mà còn (vô tình hay cố ý) làm lu mờ những “thông điệp” to tát của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN), gồm khoảng 20 chùa và 80 tu sĩ, trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có khoảng 17.000 ngàn tự viện và 50.000 tu sĩ. Dễ hiểu tại sao GHPGVNTN (qua một số người thiếu chính danh, thừa chống đối) lại phản ứng với Vesak 2008 một cách ngây ngô đến như vậy.
Nhìn kỹ vào động thái này của nhà nước mới thấy, chính Giáo hội Phật giáo Việt Nam mới là mục tiêu của mọi sự công kích. Bởi trước Vesak Liên Hợp quốc rất nhiều hàng giáo phẩm của GHPGVN bị công kích. Trên email của các cơ quan, diễn đàn, website Phật giáo xuất hiện thường xuyên các bài viết nói xấu, xuyên tạc, gây chia rẽ của những tên tuổi không lạ gì trên các website Công giáo và website chống Cộng ở hải ngoại mà Lữ Giang Tú Gàn… là thủ lĩnh của nhiều bài viết. Không lúc nào bằng lúc này, đó chính là thách thức rất lớn với GHPGVN. Trong mong muốn chung của người Phật tử, một cuộc “hòa giải” giữa GHPGVN và GHPGVNTN mới thực sự làm cho Phật giáo trở lại đúng tinh thần Phật giáo Việt Nam (lúc thanh bình vui với mõ sớm chuông chiều, khi biến động đứng ra giúp đời, hộ quốc, an dân).
Song không thể bỏ qua suy nghĩ về “thế thuật” chính trị của Nhà nước. Phải chăng trước khi có thể tiến tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Vatican, nhà nước “an ủi” Phật giáo bằng một Vesak hoành tráng ở Mỹ Đình? Chưa chắc sự bừng lên của Phật giáo tại các địa phương đã là một mong muốn của các phía. Thế nên mọi suy diễn về Vesak 2008 lúc này sẽ là quá sớm. Nhưng rất có thể Vesak cũng là dịp đề nhà nước “nhìn” vào thực lực của Phật giáo để cố gắng hiểu Phật giáo ở mức độ bản chất mà Liên Hợp quốc đã đề cao, trong khi Việt Nam đang giữ ghế không thường trực tại Hội đồng Bảo an.
Việc nhà nước lần lượt công nhận các đạo như Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, Tịnh Độ Cư Sĩ… cho thấy nhận thức tôn giáo của nhà nước là rất linh động và “co giãn” khi cần. Từ hiện thực này mới hiểu tại sao nhiều người vẫn cố tình nhầm lẫn về định nghĩa “tôn giáo” để khẳng định một sự “bình đẳng” tương đối cho tất cả các tôn giáo. Thậm chí có một câu nói đã trở thành quen thuộc cho bất cứ ai khi được hỏi về tôn giáo: “tôn giáo nào cũng hướng thiện, cũng dạy người ta làm lành” mà không cần phải phản biện gì, bởi có thời khi nhắc đến tôn giáo là nhắc đến mê tín dị đoan, nhắc đến tổ chức phản động. Cách hiểu về tôn giáo “hướng thiện, làm lành” ấy không thể đi đôi với định nghĩa tôn giáo được nhìn nhận dưới góc độ quyền lực chính trị, tổ chức. Bởi vậy mọi tham vọng tôn giáo, quyền lực đều có nguy cơ đe dọa đến bất kỳ thể chế nào. Nếu tất cả các tôn giáo đều dạy người ta làm lành thì tại sao những cuộc thánh chiến trên thế giới lại diễn ra một cách tàn bạo như vậy?
Mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Pháp luật thì rất hay nhưng cũng để phục vụ cái gì đó rất cụ thể. Có thể nhìn sự bình đẳng đó trong một thế giới cạnh tranh sinh tồn thì thấy nó có phần thô thiển như thế này: Rõ ràng nếu xét về mặt sinh vật sống, mọi con vật đều có nhu cầu tìm kiếm thức ăn, nhưng có con ăn cỏ còn có con ăn thịt, trong những con ăn thịt cũng tùy khẩu vị mà ăn thịt nhau, và những con to và có sức mạnh sẽ ăn những con nhỏ… Nếu coi chúng bình đẳng, đều là những sinh vật, rồi nhốt chung chúng lại với nhau, điều gì sẽ xảy ra, ai cũng rõ. Nếu nhốt tách chúng ra thì phải có biện pháp bảo vệ, cung cấp thức ăn, môi trường cho từng loại và không thể không cẩn thận khi tới gần những động vật ăn thịt chưa thuần, thậm chí thuần rồi cũng chưa chắc chắn với sự nổi điên (thú tính) bất chợt của nó.
Một số tôn giáo lớn của nhân loại từ quá khứ đến hiện tại, dù kín đáo hay thô lỗ vẫn liên tục “nổi điên” và gần như trở thành ngòi nổ của tất cả các xung đột chính, và không phải không có lúc nhân danh đức tin và Thượng đế cao cả mà người ta gọi nó bằng một từ cung kính: “Thánh chiến”. Đặt mọi tôn giáo vào một khung “bình đẳng” kiểu chiết trung như vậy sẽ trở nên khập khiễng, bởi mỗi tôn giáo đều có giáo lý, phương pháp, cách hành trì, nhân sinh quan và thế giới quan rất khác biệt. Nếu như “văn hóa” có khoảng vài trăm định nghĩa không thống nhất về tiêu chí thì “tôn giáo” cũng không biệt lệ. Chí ít câu “tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng nhân dân” cũng là một định nghĩa ra đời trong hoàn cảnh của chính nó, và nó không thể hoàn toàn là định nghĩa mang tính thước đo trong nhận thức tôn giáo của phương Đông.
Trong khi xã hội gặp khủng hoảng về đạo đức, luân lý chúng ta nói một cách rất ồn ào về nhiều những giá trị mà chúng ta đang tiếp thu là những giá trị “cặn bã” mà các quốc gia phương Tây đã thải ra. Và với quan niệm về tôn giáo còn nhiều khập khiễng như vậy, không thể không lo lắng với những xu hướng tiếp thu, nhập khẩu những sản phẩm tôn giáo đã trở nên cặn bã. Trong những thời điểm quá khứ, loài người đã nhiều lúc vùng lên chống lại những giá trị tôn giáo được xem là cặn bã, cản trở bước tiến của nhân loại, nhưng tôn giáo vẫn hiện diện và lớn mạnh với nhiều cải tổ tích cực và cũng không ít những biến tướng cực đoan, nguy hiểm. Như vậy có thể nào nói rằng chính con người chúng ta đang tìm mọi cách khôi phục những giá trị cặn bã của tôn giáo?
Có nhiều các giá trị tôn giáo được điều chỉnh thích nghi đã đem đến cho xã hội những hình ảnh con người cao đẹp và thánh thiện. Song điều đó là chưa đủ để tôn giáo có thể cao giọng lên án xã hội loài người, lên án một thể chế cụ thể về tình trạng đánh mất luân thường đạo lý, tham nhũng, độc tài, phát-xít, băng hoại đạo đức… bởi chính tôn giáo cũng đã từng trực tiếp hay gián tiếp làm cho sự bất tín về cái đẹp, cái cao cả của xã hội gia tăng.
Dĩ nhiên không ai có quyền cấm chúng ta hiểu những giá trị tôn giáo ở tầng cao thánh thiện như một sự thực nghiệm tâm linh có giá trị tinh thần tích cực với loài người. Song tôn giáo, ở góc độ xã hội cụ thể là tổ chức sẽ cho chúng ta một cái nhìn gần hơn, sinh động hơn, vì nó gắn chặt với lời nói, suy nghĩ và hành động của mỗi con người.
Chẳng hạn Phật giáo nói đến Niết bàn, nói đến cõi Cực lạc như một cái gì đó mà con người rất khó nắm bắt, mỗi người hiểu một cách khác nhau tùy theo thế chất, tâm lý, niềm tin của mình, không ai bắt Niết bàn của anh phải giống như Niết bàn mà tôi khám phá ra. Nhưng ở một chiều cao của nhận thức (hóa giải kiến chấp), Phật giáo nói “phiền não tức bồ đề”, “không có Niết bàn và không có địa ngục”. Vua Trần Thái Tông từng nói “Hang quỷ ở cũng là lâu đài Di Lặc, núi hắc sơn không khác cảnh giới Phổ Hiền”. Nếu ở hang quỷ mà mang tâm Phật thì hang đó là hang Phật, và ngược lại. Nhưng đó là sự thể nghiệm tâm linh trong những ý nghĩa mà không phải ai cũng chấp nhận, đặc biệt trong thế giới mà xu hướng độc tôn và độc quyền, ngã chấp, phân biệt rạch ròi (ta sống nó chết) đang trở nên phổ biến.
Hàng ngày chúng ta vẫn phải nghe đầy tai những từ ngữ công kích và chống đối của “chủ nghĩa phi cộng sản” hướng vào Cộng sản và ngược lại, giống như quá khứ lịch sử người ta đã hướng sự tấn công vào nhà thờ, vào chủ nghĩa phát-xít… Thế giới từng chia ra làm hai phe Xã hội chủ nghĩa và Tư bản chủ nghĩa, rồi chuyển từ chiến tranh nóng sang chiến tranh lạnh. Người ta xem đó là tính chất nước đôi của mọi sự phát triển, bất kỳ phe nào mạnh nên đều là lo sợ, phòng bị của phe kia. Tôn giáo thì sao? Đạo Phật phát triển mạnh ở phương Tây không khỏi khiến cho nhà thờ quan ngại. Chính Giáo Hoàng John Paul II phải viết cuốn “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng” với một nhắn nhủ con chiên “đừng sợ”!
Tại Việt Nam, đảng Cộng sản đang nắm quyền lãnh đạo theo một sản phẩm triết học đến từ văn minh phương Tây (bây giờ là kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh). Marx là một triết gia lớn của nhân loại, nhưng sản phẩm của ông cũng nằm trong tính chất nước đôi của thế giới, có nghĩa rằng ông chống đối cái gì, thì nhất định cái đó không thể mỉm cười với ông và với triết học của ông được. Chủ nghĩa Cộng sản bị lên án là “vô thần”, “độc quyền”, “độc tài”… người lên án cố dùng những từ “độc” để gắn vào những chuyện tự do, dân chủ, nhân quyền, công lý, mà những thứ “dân chủ”, “nhân quyền”, “công lý” ấy không ai, không quốc gia gia nào có thể tùy tiện định mức được.
Cứ vào google.com gõ từ khóa “Tòa khâm sứ” sẽ hiện ra cả một rừng tranh luận. Và người Công giáo nghiễm nhiên đứng về phía những người chống Cộng, cả hai hợp lại và không tiếc ngôn ngữ gì để ngắm vào Việt Nam với không ít những từ “độc” kể trên. Nhưng ai dám phản biện lại rằng chính họ từ quá khứ đến hiện tại chưa từng có ý định từ bỏ việc “thần quyền” chính mình, độc quyền tôn giáo, tư tưởng khi mong muốn cả thế giới bước vào nghi lễ “rửa tội”. Và hiện nay ở Việt Nam chẳng ai buồn nhắc đến sự vi phạm tự do tín ngưỡng của họ khi dùng hôn nhân như một cách “ép” người cải đạo. Nhưng ai dám nói vì đó là chuyện tôn giáo (nhạy cảm lắm).
Tại sao người ta phải sợ tôn giáo đến vậy? Sợ đến mức mà vụ “Tòa Khâm sứ” báo chí cả nước gần như phải im hơn lặng tiếng. Chuyện này nếu xảy ra ở Pháp hay Mỹ thì cũng chỉ là một chuyện rất bình thường, bởi biểu tình là “cơm bữa” trong những xã hội này và mọi người có quyền thông tin để hướng dẫn dư luận, không để những sức ép “đòi đất” kiểu ấy trở nên quá đà.
Thử hỏi có chế độ nào mà những thông tin nhạy cảm về chuyện tiêu cực trong tôn giáo được “bảo hộ” kỹ (một cách lợi-hại) như ở Việt Nam không? Nếu một ngày nào đó thông tin tự do được thả ra thì chuyện “đi đêm”, “loạn dâm”, “lừa tiền”… của giới tu sĩ nói chung sẽ được bày đầy ra trên mặt báo. Chẳng khác gì những scandal tình dục của tu sĩ ở Mỹ. Giới tu sĩ Việt Nam hãy coi chừng mà điều chỉnh mình, bởi chưa đến lúc cần thôi, những tin tức đó sẽ đầy trên mặt báo.
Cộng sản hay Thiên Chúa giáo… đều là những sản phẩm tinh thần đến từ phương Tây, có gì khác nhau khi mỗi bên được sinh ra từ trong lòng chính nó. Hai thế lực tinh thần (được cụ thể hóa bằng quyền lực và vật chất này) có những nhân quả gì trong việc chỉ ra cho thế giới thấy rằng con người phải hữu thần hay vô thần?
Cái còn lại là lồ lộ những kinh nghiệm xương máu và sự tự điều chỉnh để mọi tác động vào xã hội con người có thể trở nên đẹp hơn, nhân văn hơn, tử tế hơn. Rất cần một cuộc “giải tri thức” trên bình diện quyền lực tôn giáo và quyền lực chính trị để hướng nhiều hơn vào hạnh phúc con người.
Tại sao tất cả những điều chỉnh mang tính chất đánh mất bản sắc “đặc thù” của kinh Thánh mà các Giáo hoàng đưa ra thì được người tín đồ dễ dàng chấp nhận (nhằm phù hợp với cách nhìn nhận chung của con người về thế giới qua thước đo của ánh sáng khoa học, kỹ thuật). Nhưng tại sao những điều chỉnh của đảng Cộng sản người ta lại bảo nó “mất bản chất” và cứ vin vào tính chất “vô thần” của nó để Công kích? Đã có không ít người Cộng sản theo “chủ nghĩa xét lại” phê bình Marx và Lê Nin, và có không ít người theo đạo Công giáo bỏ đạo và viết lại những sự thật bẽ bàng trong Kinh thánh và trong lịch sử Giáo hội…, nhưng Cộng sản vẫn là Cộng sản, Thiên Chúa giáo vẫn là Thiên Chúa giáo, chỉ có kinh nghiệm lịch sử là dày lên và sang trang trước những đổi thay và điều chỉnh của chính họ.
Người theo Cộng sản phải bám vào “chủ nghĩa cộng sản” và họ điều chỉnh thế nào thì cũng đã rõ qua hình ảnh Trung Quốc và Việt Nam. Cũng như thế, tháng 7 năm 1999, trước những khám phá xác tín nhất của khoa học về vũ trụ, Giáo hoàng John Paul II đã gần như bác bỏ những tín lý quan trọng của Giáo hội khi tuyên bố: "Thiên đường không phải là một nơi trừu tượng mà cũng chẳng phải là một nơi cụ thể ở trên các tầng mây” và “Hỏa ngục không phải là sự trừng phạt áp đặt từ bên ngoài bởi Thượng đế, mà là trạng thái hậu quả của những thái độ và hành động mà con người đã làm trong đời này”. Thế thì còn có chuyện “người nào tin Chúa thì sẽ được Chúa cho lên thiên đường sống cuộc sống đời đời bên ngài, kẻ nào không tin sẽ bị Chúa phán xét đày vĩnh viễn xuống hỏa ngục ở trong lòng đất”?
Công giáo Việt Nam bị Cộng sản chèn ép. Quá khứ Phật giáo bị “chèn ép” bởi Nho giáo, cũng như khi Phật giáo làm quốc giáo, nhiều nhà Nho cũng cảm thấy bị chèn ép. Nhưng chúng ta may mắn vẫn còn lịch sử để hiểu được những tư tưởng khoan dung mà ông cha ta đã khổ công điều chỉnh như thế nào. Rõ ràng Cộng sản đang nỗ lực điều chỉnh mình theo hướng tích cực. Họ đã thừa nhận sai lầm và đang tích cực sửa sai, điều chỉnh. Nơi này nơi kia có xảy ra những bất như ý cũng là vì “phép vua thua lệ làng”, không thể vì một bà già tụt quần phản đối mà bảo nhà nước Việt Nam là đàn áp con người. Vậy phải chăng tất cả các nước đã đặt quan hệ ngoại giao và đang rất muốn đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam là mê muội chăng?
Về bản chất, không có tôn giáo, tư tưởng nào tách rời khỏi cái đạo “tương quan”. Thiên Chúa giáo vào Việt Nam ngay từ thời buổi đầu đã áp dụng triệt để chích sách đồng hóa, dẹp bỏ hết ông bà tổ tiên, thần Phật. Đó là sự thống nhất của một chính sách mà tất cả các tín ngưỡng “đa thần”, “hỗn dung” của nhiều dân tộc thuộc địa bị áp bức một cách không thương tiếc. Liệu những dữ liệu lịch sử ấy có chứng minh sự “độc tài” mà có khi mọi thể chế “độc tài” cũng phải chắp tay bái làm sư phụ không? Cộng sản thì “độc tài” đến nỗi đảng viên Đảng Cộng sản vẫn chưa bằng số lượng tín đồ Công giáo, đến nỗi Lễ Giáng sinh có thể tưng bừng khắp đường phố, réo rắt suốt ngày trên truyền hình tại Việt Nam.
Nếu có thể có một so sánh thì thiết nghĩ trong những “sai lầm gần và xa” Cộng sản vẫn còn có chỗ hơn, bỏ xa Công giáo.
Và trong liên hệ tôn giáo, không có sự việc nào buồn cười hơn sự độc tôn quyền lực của đạo Chúa ở Việt Nam khi chiếm phá không ít chùa chiền mà một số cơ ngơi to lớn (tài sản của Giáo hội) hiện nay là do cưỡng chiếm của Phật giáo mà có. Nay hai từ “đòi” được nhắc đến một cách bình thản. BBC Việt ngữ gần đây không những đưa tin Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt sang Đức tuyên bố “nhất định đòi tòa khâm sứ” mà còn vận động giám mục ở Roma, Singapore ủng hộ việc “đòi” đất ở Việt Nam. Đó là bước đi “truyền thống” mà Công giáo vẫn luôn muốn áp dụng sao?
Nhìn vào những diễn biến tôn giáo vừa qua: “Cầu nguyện đòi đất”, “Vesak Liên hợp quốc tại Hà Nội”, “Phái đoàn Vatican sắp viếng thăm”, “Tái khẳng định nhất định phải đòi cho bằng được Tòa khâm sứ của TGM Ngô Quang Kiệt” (bất chấp Phật giáo đã có phản ứng) mới thấy rằng cái bừng lên của Phật giáo trong Vesak từ trong dân gian mới thực sự là một “cán cân” để các bên cân nhắc.
Vesak 2008 của Liên hợp quốc bị những người Công giáo quá khích, những người chống Cộng sản vin vào một vài phát biểu phiến diện nào đó để cho rằng Vesak bị chính trị hóa, còn chuyện Phái đoàn Vatican sắp sang Việt Nam để thương lượng về bình thường hóa và chuyện “nhất định đòi Tòa khâm sứ” thì là chuyện “thuần” tôn giáo.
Chống Cộng sản, chống Vesak Liên hợp quốc, chống Giáo hội Phật giáo Việt Nam có làm cho Cộng sản “yếu” đi không?
Có thể nói, Cộng sản đang yếu khi vẫn chưa có những nhân tài vượt trội để sửa “kinh thánh” Cộng sản. Và Cộng sản đang yếu vì không có những người có thể đi tù thay cho người khác, giống như phát biểu của TGM Ngô Quang Kiệt. Nhưng có một điều Cộng sản không yếu đó chính là “vô thần”. Phật giáo cũng bị Giáo hoàng John Paul II chỉ trích là “vô thần”, vì Phật giáo phủ định Thượng đế sáng tạo (độc quyền sáng tạo), trong hai khách thể thiên đàng (của Chúa) và địa ngục (của Quỷ dữ). Nhưng Phật giáo vẫn đang phát triển mạnh, không phải để ý tới chuyện thế giới ưa “vô thần” hay hắt hủi “hữu thần”.
Có thể nói, người cộng sản nào xem vô thần là một cái yếu, người cộng sản đó đang tự giết chết mình. Công nhận ngày giỗ tổ Hùng Vương là quốc lễ có làm cho Cộng sản yếu đi không? Xây bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ, đài tượng niệm khói hương và cầu siêu quanh năm có làm cho Cộng sản yếu đi không? Bao nhiêu tượng ảnh Hồ Chủ tịch được thờ chung trong đền miếu có làm cho Cộng sản yếu đi không? Mâu thuẫn là “động lực của phát triển” thì có gì mâu thuẫn trong việc “vô thần” hay “thờ cúng”.
Thử hỏi có tôn giáo nào có nhiều thần (như trong kinh điển Phật giáo miêu tả) và chấp nhận nhiều thần bản địa bằng Phật giáo, khi Đức Phật có thể ngồi chung với Đế Thiên, Đế Thích, Thái thượng lão quân, Nam tào Bắc đẩu, thậm chí ông bà tổ tiên của mỗi dòng họ không? Có tôn giáo nào nói về hình ảnh giống như Bồ tát, có thể hiện thân ngoại đạo để hóa độ chúng sinh không? Vậy cái “vô thần” hay “hữu thần” cuối cùng chỉ là cái ngoan ngoãn chấp nhận hay không chấp nhận một Thượng đế toàn năng theo phóng ảnh của con người.
Trong lịch sử, Nho giáo vốn là một hệ tư tưởng chính trị xã hội, nên nho sĩ thường công kích Phật giáo là dị đoan, thờ cúng, nhưng tại sao Nho giáo phải làm một cuộc điều chỉnh rất lớn khi vay mượn nhiều phạm trù triết học Phật giáo đẩy yếu tố “mệnh trời” lên mức hình nhi thượng. Tống Nho là một điển hình. Quá khứ lịch sử đã từng có xu hướng “cư Nho mộ Thích”. Hiện tại có xu hướng “cư khoa học mộ Thích”. Vậy không thể có “cư Cộng mộ Thích”, “cư Chúa mộ Thích” hay sao?
Vấn đề cuối cùng là nỗ lực điều chỉnh để tồn tại của mỗi tôn giáo, tư tưởng, nên người Công giáo Việt Nam mới có thể thờ ông bà, dựng tượng Đức Mẹ mặc áo tứ thân và đội khăn đống, và người Cộng sản mới biết thắp hương cúng bái. Nếu yếu tố điều chỉnh đó đi đến mục tiêu ích mình, lợi người và đem đến hạnh phúc cho số đông thì sự điều chỉnh đó là cần thiết.
Và Phật giáo trong tương lai nào đó có thể sẽ không còn những thầy tu mặc áo cà sa, đầu cạo trọc, cho đến cái gọi là giáo hội, tổ chức… nhưng ai có thể phát biểu giáo lý “sắc tức thị không, không tức thị sắc” người đó là hiện thân của Phật và Bồ tát. Và chỉ đơn giản thôi, ai có thể nói “gây nhân thì phải trả quả”, người đó đang nói lời nói của mười phương ba đời chư Phật. Đơn giản thôi, ai có thể nói đến tính vô thường của vạn vật thế gian là người đó đang nói đến chân lý mà Đức Phật đã nói.
Nếu không có cái gọi là “một” thì làm gì có cái “hai”, “ba”, “bốn”…, nhưng tất cả quy về “một” rồi thì “một” quy về đâu? Chúng ta phải hóa giải cảnh sống của mình trong những điều kiện “một”, “hai” hay là vân vân gì đó. Vì chẳng có cái nào là cái “tuyệt đối” trong cái nhân gian bé tí này.
Đức Phật nói Niết bàn vì thế gian còn quá nhiều đau khổ, Đức Phật nói vô ngã vì chúng sinh còn quá nhiều ngã chấp. Thế nên tất cả sẽ trở nên vô nghĩa lý nếu chỉ có vế này mà không có vế kia của vấn đề trong cuộc sống của chính con người.
Nguyễn Mai Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét