Thứ Tư, 31 tháng 12, 2008

NHÌN LẠI NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG NĂM MẬU TÝ - 2008


Năm Mậu Tý - 2008 được đánh dấu với những sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt của Phật giáo Việt Nam. Phật giáo đã hội nhập tích cực và tác động không nhỏ đến dư luận xã hội. Tinh thần Phật giáo và người Phật tử trở thành tâm điểm đáng chú ý của những sự kiện tôn giáo trong nước. Nhìn lại sự kiện trong một năm qua để thêm một lần sống với những buồn vui, khắc khoải, ước mong. Sự thật của sự kiện dẫu chưa thể xóa đi sự âu lo trước những diễn biến đào thải khắc nghiệt của cuộc sống, nhưng phần nào đã củng cố niềm tin về sự trong sáng, chung thủy giữa đạo Phật và dân tộc. Niềm tin ấy làm cho mọi sự kiện Phật giáo trở nên có hồn, dẫu đời sống xã hội chung quanh vẫn còn đó những sự thật đầy hậu quả và hệ lụy đáng để suy ngẫm. Với hơn 60% dân số theo đạo Phật, những sự kiện Phật giáo bước đầu sẽ gợi nhắc và mở ra những định hướng mới cho bước đi chung của đạo pháp và dân tộc.  Những sự kiện này được tổng hợp theo sự lựa chọn của độc giả, qua cuộc thăm dò ý kiến cuối năm của VHPG

Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc

Chủ trương về một thế giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, Liên hiệp quốc đã quyết định chọn ngày Đại lễ Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn (Vesak) làm ngày lễ văn hóa tôn giáo của thế giới. Ủng hộ chủ trương của Liên hiệp quốc, Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm đăng cải tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc lần thứ V -2008, nhằm  cổ súy và tôn vinh những giá trị tư tưởng sâu sắc về hòa bình, hòa giải, khoan dung, vị tha của Đức Phật.

Lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam, Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc được tố chức với quy mô lớn trên khắp tất cả các tỉnh thành trong cả nước, đánh dấu sự hồi sinh của một ngày đại lễ đã từng có vị trí quốc lễ trong lịch sử dân tộc. Đại lễ thực sự trở thành sinh hoạt văn hóa tôn giáo sâu rộng, bắc nhịp cầu tâm linh cho người Phật tử khắp nơi trên thế giới, thu hút trên 600 đoàn đại biểu đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Với khoảng 5.000 khách mời trong và ngoài nước, Đại lễ đã đón nhận sự hiện diện đặc biệt của những vị cao tăng, học giả, nhà nghiên cứu..., họ đều có cùng một quyết tâm truyền bá những giá trị tư tưởng thiệt thực của đạo Phật, góp phần xây dựng giải pháp cho các khủng hoảng trầm trọng ở nhiều quốc gia.

Cả lãnh thổ đất nước ta, từ thành thị đến nông thôn, từ phía Tây Bắc đến Tây Nguyên cùng sống dậy, hân hoan trong tinh thần phục hưng truyền thống vốn có trong lịch sử.

Điều đọng lại trong lòng người Phật tử không chỉ là sự quy mô, hoành tráng, có tính quần chúng sâu rộng hay ở những con số kỷ lục trong dịp Đại lễ diễn ra, mà chính là niềm tin, sự hòa bình, an lạc nội tại được củng cố. Bởi tất cả mọi cổ súy giá trị sẽ trở nên thất bại nếu người Phật tử không thể thực hiện hòa bình, an lạc ngay ở chính mình.

Chuyến hoằng pháp tại châu Âu của Trung ương GHPGVN

Đây là chuyến hoằng pháp quốc tế có quy mô lớn trong lịch sử Giáo hội Phật giáo VN kể từ khi thành lập. Đoàn do Hoà thượng Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự TƯGHPGVN làm trưởng đoàn.

Nhân dịp mùa Vu lan báo hiếu, chuyến hoằng pháp qua 6 nước châu Âu gồm Pháp, CH Czech, Ba Lan, Hungary, Ukraina, Nga từ ngày 20/8 đến 10/9, Đoàn đã chia sẻ với cộng đồng Phật tử xa xứ những ưu tư về đất nước, văn hóa Việt Nam và về Phật giáo. Ngoài ý nghĩa hoằng pháp, mục đích chuyến đi này còn nhằm phát huy tinh thần hướng về cội nguồn, tri ân, báo hiếu tổ tiên của những cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, đồng thời tạo cơ hội giao lưu, mở rộng quan hệ với các tổ chức Phật giáo quốc tế. Đây cũng là dịp để Giáo hội Phật giáo Việt Nam lắng nghe những yêu cầu, nguyện vọng của Phật tử, để Giáo hội có những bước đi cụ thể nhằm nối kết mọi nguồn lực, làm giàu đẹp thêm hình ảnh của con người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế.

Hòa thượng Thích Chơn Thiện gọi chuyến đi này là “chuyến đi của nhân duyên và thắp sáng niềm tin”.

Tưởng niệm 700 năm ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông

Đức vua Trần Nhân Tông có vị trí đặc biệt đối với dân tộc và đạo Phật Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho Ban Tôn giáo Chính phủ chủ trì lễ tưởng niệm, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh giúp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ tưởng niệm và Hội thảo khoa học 700 năm ngày mất của Đức vua Trần Nhân Tông tại Yên Tử.

Đại lễ tưởng niệm nhằm tôn vinh vai trò của vị vua anh minh - Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa, người đã sáng lập nên dòng thiền đặc trưng của Việt nam, đồng thời là dịp xiển dương những giá trị tư tưởng hài hòa giữa Đạo và Đời của Ngài, để Tăng ni Phật tử và đông đảo nhân dân học tập, phát huy tinh thần dấn thân nhập thế, “cư trần lạc đạo”, “hòa quang đồng trần”… Sinh thời Ngài thường chốn gậy trúc đi khắp trong thôn ngoài làng khuyên dân chúng thực hành năm giới pháp, mười điều lành. Tinh thần ấy cần phải được tiếp nối để giữ gìn những đạo lý làm người cơ bản trong xã hội hiện đại.

Hội thảo khoa học là một trong những cơ sở để Việt Nam trình UNESCO công nhận Ngài là danh nhân văn hóa thế giới. Cũng từ Đại lễ tưởng niệm này ngày giỗ Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ trở thành ngày quốc giỗ thường niên của Phật giáo.

Tuần lễ Văn hóa Phật giáo tại Huế lần thứ I

Tuần Văn hóa Phật giáo lần thứ nhất do Tạp chí Văn hóa Phật giáo phối hợp cùng Ban Trị sự Tỉnh Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế tổ chức tại chùa Từ Đàm, từ ngày 1 đến 7/3/2008, đã thực sự gây ấn tượng đối với công chúng, đồng thời đánh thức những sinh hoạt văn hóa, tri thức tại thành phố Huế, một trong những trung tâm văn hóa - giáo dục có nhiều nét đặc thù của Việt Nam

Trí thức luôn là lực lượng được trông chờ trước những thời điểm quan trọng. Nói như nhiều người, một “môi trường tự do” và một “nền chính trị tham dự” sẽ thúc đẩy sự sáng tạo của trí thức. Với nội dung phong phú, Tuần Văn hóa Phật giáo đã thu hút khoảng 600 người tham dự mỗi ngày. Đây thực sự là một cuộc hội ngộ trí thức, hứa hẹn mở ra những tiếp xúc gần gũi và thiết thực, cùng quan tâm đến những vấn đề xã hội nổi trội, dần kiến tạo một không gian tri thức hay tìm một tiếng nói chung trong một “mặt bằng trí thức” còn nhiều biến động. Ở đó thể hiện lương tâm trí thức và lòng trung thực, không biện minh cho một chính sách hay chủ trương nào ngoài khát vọng tự do tri thức và một thái độ ứng xử văn hóa phù hợp với cá nhân và lợi ích dân tộc.

Tuần lễ Văn hóa Phật giáo trong tinh thần cởi mở không tránh né mà đi thẳng vào một số vấn đề thời sự, những vấn đề nhức nhối về chủ quyền dân tộc và lương tâm của người công dân đối với đất nước.

Những đại lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ

Cầu siêu chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn là truyền thống tâm linh lâu đời của Phật giáo, thể hiện những giá trị nhân văn sâu sắc, giáo dục tình đoàn kết, lòng yêu thương đồng bào. Thành công của đại lễ cầu siêu trên Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn – nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất nước ta, ở nhà tù Côn Đảo, ngã ba Đồng Lộc, cầu Cần Thơ…  đã nối dài nhận thức về mối tương quan trong tâm thức sinh - tử của người Việt. Một số buổi lễ đã có sự tham dự của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các lãnh đạo cao cấp của Đảng.

Anh linh đồng bào đã hóa thành hồn thiêng sông núi, kết nối đời sống tâm linh giữa kẻ còn người mất. Với đạo lý thờ người, ai trong chúng ta có thể sống hoan vui khi đâu đó trên mảnh đất này vẫn còn những phần cơ thể, những linh hồn còn vất vưởng, đơn côi trong gió sương hoang lạnh.

Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang viên tịch

Ngày 5/7 (ngày 3/6 Mậu Tý), Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang xả báo thân cũng là xả đi những vui buồn của một kiếp người. Phật tử Việt Nam đã vượt qua mọi ngăn trở thăng trầm của thời thế, tông môn, danh phận trong nước và hải ngoại cùng kính tiếc tiễn đưa Ngài. Hình ảnh Hòa thượng nâng niu trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức là một hình ảnh đẹp và xúc động trong lòng nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử. Hình ảnh ấy gắn với những giá trị tâm linh bi hùng của Phật giáo Việt Nam một thời. Thời mà Tăng Ni, Phật tử sống trong những biến cố khắc nghiệt nhưng luôn đoàn kết một lòng trên tinh thần phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Người con Phật Việt Nam luôn thiết tha và thủy chung với tinh thần ấy. Hòa thượng là chứng nhân một thời của những thế hệ lãnh đạo Phật giáo có chí nguyện dấn thân nhập thế, hòa ánh sáng cùng cát bụi.

Những bậc thạc đức tùng lâm cứ dần vắng bóng, trong khi nền tảng đạo đức tinh thần tông môn mỗi ngày thêm mai một, tham sân si của lòng người vẫn chưa có nhiều hàn gắn, cải thiện trước chí nguyện thiết tha của tiền nhân đối với đạo pháp và dân tộc. “Đức bất cô”- tấm gương đạo đức của Người luôn sáng mãi trong lòng người Phật tử.

Đức Pháp vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII thăm Việt Nam lần thứ 2


Đức Pháp Vương Gyalwang Dpukpa đời thứ XII, theo quan niệm của người Butan và các Phật tử tín ngưỡng Mật tông, là hóa thân của Đức Quán Thế Âm Bồ tát. Phụ thân của Ngài là Đức Kyabje Bairo Rinpoche, hóa thân Thánh giả Vairochana Đại dịch giả và là Đạo sư tôn quí của tự viện Zhichen miền Đông Tây Tạng; mẫu thân là Konchok Paldon thuộc dòng dõi cao quý của đấng Nyang, Đạo Sư Nyang vĩ đại là vị Terton đầu tiên trong số ba vị khám phá kho tàng chính trong lịch sử. 


Dòng truyền thừa Drukpa được truyền vào nước ta từ năm 1992 theo sự tiếp nhận của cố Hòa thượng Thích Viên Thành – Viện chủ chùa Hương và lời mời của ngài Đại sứ nước Anh tại Bhutan lúc bấy giờ, với tâm nguyện đem sự thực hành của tông phái này nhằm phát triển các giá trị tâm linh trong nước.


Nhận lời mời của Ban Phật giáo Quốc tế Thành hội Phật giáo Hà Nội, từ ngày 15 đến 27/11/2008, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII, người sáng lập, đứng đầu dòng truyền thừa Drukpa của Phật giáo Tây Tạng, các nhiếp chính vương và Tăng đoàn truyền thừa Drukpa đã tới thăm Việt Nam nhân dịp Lễ kỷ niệm Di sản 800 truyền thừa Drukpa. 

 

Việt Nam luôn là mảnh đất để gieo trồng và hội tụ các truyền thống tâm linh Phật giáo, làm giàu thêm cho di sản văn hóa tinh thần của dân tộc. Với ý nghĩa đó, chuyến thăm và hành đạo của Đức Pháp vương Gyalwang Dpukpa đời thứ XII là điều kiện thuận lợi để Phật giáo Việt Nam học hỏi, giao lưu văn hóa, gần gũi hơn với các truyền thống tâm linh, đặc biệt là truyền thống Mật tông đến từ Tây Tạng.


Những sinh hoạt đầy khởi sắc của Gia đình Phật tử Việt Nam


Năm 2008 là năm Gia đình Phật tử có nhiều những sinh hoạt đầy khởi sắc, cho thấy Gia đình Phật tử luôn là lực lượng quan trọng trong chính sách hoằng pháp, đem giáo lý Phật giáo vào cuộc sống xã hội thường nhật. Với việc tổ chức thành công trại các cấp, hội thi nâng cấp, tổ chức hội thảo định hướng phát triển Gia đình Phật tử trong thời đại mới, các quý vị nam nữ cư sĩ Phật tử đã đem đến sinh khí mới cho Gia đình Phật tử Việt Nam.


Gia đình Phật tử trên toàn quốc đã có những ưu tư, trăn trở và hành động thiết thực để chấn chỉnh và phát triển gia đình Phật tử toàn diện trên tinh thần Bi-Trí-Dũng. Đặc biệt sự lớn mạnh sâu rộng của các gia đình Phật tử Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh… đã cổ vũ cho những sinh hoạt Gia đình Phật tử trên cả nước.


Mặc dù tại các tỉnh phía Bắc, sinh hoạt Gia đình Phật tử gặp rất nhiều khó khăn, song năm 2008 đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức về việc phát triển Gia đình Phật tử Việt Nam, nên những sinh hoạt hội trại, khóa tu cho các bạn trẻ đã phát triển và đi vào nề nếp tại một số tỉnh phía Bắc.


Hiện tại, cả nước 839 đơn vị Gia đình Phật tử, có 7.568 Huynh Trưởng, 85.000 đoàn sinh. Ban Hướng dẫn Phật tử thường xuyên tổ chức các trại huấn luyện Huynh trưởng và đoàn sinh, các trại họp bạn ngành nữ, ngành thiếu, tổ chức các khóa tu, hội trại, hiến máu nhân đạo, phòng chống HIV/AIDS… với số lượng Phật tử tham dự rất đông. Đặc biệt trong mấy năm qua Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử đã tiến hành thống kê và đưa ra kết quả khảo sát, ngoài những người có tín ngưỡng và cảm tình Phật giáo, cả nuớc có 45 triệu Phật tử chính thức quy y Tam bảo.


Văn Hóa Phật Giáo trong làng báo chí Việt Nam

Có thể nói đây là tờ báo Phật giáo nói riêng và tờ báo tôn giáo nói chung có tiếng nói đặc thù trong làng báo chí Việt Nam. Tờ báo luôn hiện diện trên các sạp báo bên đường phố cho thấy hướng tích cực và triển vọng của một tờ báo tôn giáo. Hướng đi gần gũi, tâm tình và chắt lọc ấy đã không chỉ làm cho tờ báo trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của không ít độc giả, mà còn tác động cả vào những người đọc khó tính khi trước những làn sóng thông tin có nhiều biểu hiện thương mại hóa, hay chạy theo những thị hiếu thông thường.

Văn Hóa Phật Giáo, qua hơn 70 số báo, với nhiều hoạt động văn hóa xã hội ngoại vi, đã tạo dựng được niềm tin trong lòng bạn đọc. Hy vọng, con đường của Văn Hóa Phật Giáo trong năm mới Kỷ Sửu -2009 sẽ dấn thân tích cực hơn nữa vì lợi ích chung trong tinh thần Phật giáo Việt Nam: “hộ quốc an dân”.

Nhóm PV VHPG tổng hợp

(Văn Hóa Phật Giáo - Xuân Kỷ Sửu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét