Bàn về quan phẩm và nhân phẩm, chúng ta vẫn nặng về cách bàn làm quan hơn hay làm người hơn? Làm quan sướng hơn hay làm người sướng hơn? Nói chung nó vẫn thiên về hưởng thụ nhiều hơn là giá trị con người…
Về địa vị xã hội chắc chắn làm quan cao hơn người thường, nhưng sự cao hơn trong hệ thống chính trị đó lại chưa đồng nghĩa với sự tiến bộ của con người cũng như toàn nhân loại. Đặc biệt trong xã hội hiện đại, khi nền tự do dân chủ mở ra, cùng lúc với rất nhiều sở trường của các cá nhân được phát huy cách phong phú nhất, thì các địa vị của quan chức không thể hoàn toàn mang đẳng cấp tiến bộ cao hơn người dân. Chẳng lẽ ông cục trưởng lại thông minh hơn vị giáo sư ư? Hay ngài tổng thống quan trọng hơn giám đốc điều hành trung tâm vũ trụ. Ở Mỹ, đã có nhiều vị quan toà còn nổi tiếng hơn tổng thống, vì tổng thống giữ cương vị một nhiệm kỳ bốn năm, hay hai nhiệm kỳ tám năm, còn vị quan toà công minh chính trực kia cầm cân nảy mực, bảo vệ người tốt, trừng trị kẻ xấu, được dân tín nhiệm suốt cuộc đời ông dài hàng nửa thế kỷ. Và trình độ tiến bộ của ông còn cao hơn nhiều vị tổng thống.
Có một câu chuyện quan lại rất đặc trưng rằng, Cao Cầu kia trở thành tể tướng của Trung Quốc, thời có nạn 108 anh hùng Lương Sơn Bạc nổi lên. Khởi đầu, Cao Cầu chỉ là một tên du đãng lang bạt suốt ngày mải đá cầu. Vì thế, Cao Cầu đá cầu rất giỏi. Cao Cầu làm người ở cho một nhà giầu kia, một hôm chủ nhà sai Cao Cầu đem lễ vật đi biếu một vị quan địa phương. Cao Cầu đến nhà vị quan kia, đành phải đứng chầu ngoài sân để chờ, vì vị quan đang mải đá cầu. Đột nhiên, quả cầu vị quan đá hỏng bay ra ngoài sân, thuận chân Cao Cầu liều đá một quả rất đẹp – trái cầu bay lộn trở lại cho vị quan. Quan trên bèn tấm tắc khen tài nghệ đá cầu của họ Cao, liền giữ lại làm kẻ đá cầu hầu mình. Thấm thoát chẳng bao lâu vị quan địa phương lại đem Cao Cầu dâng tiến quan trên để hầu quan trên đá cầu, quan trên lại dâng tiến quan trên nữa, cứ thế, chẳng mấy chốc Cao Cầu trở thành của quí tiến dâng đến tận cung vua, và được sủng ái đến mức trở thành tể tướng. Qua chuyện đó đủ thấy làm quan không phải lúc nào cũng do năng lực và trình độ, mà có thể chỉ là kẻ làm vui lòng quan trên nhờ thú chơi, cũng tiến vù vù.
Chuyện Cao Cầu ở ngoài đời từ cổ chí tân, tây cũng như ta thì đầy rẫy. Nó nhiều đến mức nhiều lúc chở thành nguyên tắc sống. Chẳng hạn, trong nhiều năm trở lại đây, nhiều người có quyền thế ở nước ta lớn tiếng nói :không cần dùng người tài, mà cần dùng kẻ trung thành với mình. Bởi lẽ, nguời tài hơn ta đến ngày nó sẽ lật ta; còn người dốt hơn ta lại trung thành với ta, mới không thể lật ta, như vậy chiếc ghế của ta mới vững, Nói như vậy là người ta bất chấp cả quyền lợi chung của nhân dân, cũng như quyền lợi của cơ quan, mà chỉ để ý đến mỗi quyền lực của riêng mình, làm sao ngồi trên ghế càng lâu càng tốt, càng lâu càng lãi. Và một lần nữa cái gọi là “Cẩu Quan”lại hiện ra, làm quan nhiều khi chỉ là thứ ngu trung như khuyển mã, trên nói thế nào răm rắp tuân theo, quan còn thì mình còn, ghế của quan có vững thì mình mới vững, quan còn được ăn bổng lộc hậu thì mình còn có được phần.Vì thế người ta bảo vệ quyền lợi cho quan trên bằng mọi giá, cho dù có hủ bại và thiệt hại cho mọi người đến thế nào. Và người ta tìm mọi cách để lấy lòng quan trên mà không cần để ý đến việc làm lợi cho dân chúng? Vì nghĩ rằng : chỉ có quan trên mới định đoạt địa vị cho mình, chứ dân chúng như những kẻ cấp dưới đâu có thể quyết định vị trí của mình. Bởi thế mới có câu “Mười năm phấn đấu không bằng cơ cấu một giờ”. Làm sao để lấy lòng cấp trên, một khi cấp trên ưu ái và cho vào điểm ngắm, sau đó lai “cơ cấu” cho, thì bằng đi tắt cả mười năm, thậm chí leo lên được những chiếc ghế, cả đời không dám nằm mơ.
Nói cho đầy đủ, chúng ta vẫn biết, làm quan như ngày xưa là cai trị dân, thời dân chủ được xem như người lãnh đạo hoặc hướng dẫn dân chúng, được coi như phụ – mẫu của dân, người ta vẫn gọi là “quan phụ mẫu”. Người được xem như là cha mẹ của dân, tất đó phải là những người có kiến thức, trí lực, đạo đức hơn người. Điều đó thật là đáng ao ước, thậm chí là lý tưởng, như người Trung Quốc quan niệm về hai từ “chính trị”. Chính trị tức là dùng những điều chính đáng, những thứ chân chính để trị vì dân chúng, làm cho dân chúng được sống dựa trên sức mạnh công lý của luật pháp, nhờ đó được sống yên ổn. Trái lại, nếu chỉ dùng sức mạnh của chính quyền hà hiếp, dùng các thủ đoạn để cai trị dân chúng, vì phải trái đảo lộn, sức mạnh thay thế công lý, thì người ta gọi.đó là “tà trị” –tức dùng những thứ nguỵ trá, gian tà để cai trị dân.
Được sống trong hệ thống chính trị đúng nghĩa- tức sự cai trị chân chính thì còn gì bằng, vì lúc đó dân chúng được lãnh đạo bởi những ông quan ưu tú hơn ngưòi. Song điều lý tưởng đó rất hiếm hoi đặc biệt là trong chế độ quân chủ độc tài: cha truyền con nối, đến lượt các quan lại thì chỉ truyền chức cho con dù dốt nát thế nào theo kiểu: con ông cháu cha. Vì thế nhân gian giành cho quan lại rất nhiều câu ca dao châm biếm hóm hỉnh, đó không hẳn là những gì cay độc mà là những “cái tát” đáng yêu để cảnh tỉnh những chiếc đầu lãnh đạo dân chúng. Những “cái tát” kiểu này không chỉ giành cho các quan mà giành cho các thầy đồ, thầy cúng, quan lại là những bậc thuộc thế giới tinh thần của xã hội Việt
Chẳng hạn, như thầy đồ thì là chuyện học trò hỏi chữ “nhất” là gì? Ông thầy đồ liền lấy chiếc đĩa đựng mật của nhà học trò liếm một cái và bảo: “đó là chữ nhất”. Còn thầy cúng thì:
Số cô có vợ có chồng
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà cha cô đàn ông
...
Chập chập cheng cheng
Con gà sống thiến để riêng cho thầy
Đơm xôi thì đơm cho đầy
Đơm mà vơi đĩa thì thầy không ưng
Nhưng ca dao giành cho tầng lớp quan lại mới thật là nhiều. Điều đó chứng tỏ: đời sống chính trị là bao trùm và xuyên suốt hơn cả vì nó liên quan trực tiếp đến sự bình an của dân chúng, và tầng lớp quan lại là được dân kỳ vọng nhiều nhất vì lẽ: quan hiền thì dân được nhờ, quan bất công thì dân phải sống trong đè nén cực khổ. Người Trung Quốc có câu: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, tức là: quan trên mà bất chính sống không ngay thẳng công bằng thì ở dưới dân chúng phải chịu cảnh nhiễu loạn. Còn người Việt thì nói:
Người trên ở chẳng kỷ cương
Khiến cho kẻ dưới lập trường mây mưa.
Như chúng ta đã bàn, người ưu tú làm quan mà dân được nhờ thì chẳng nói làm gì, nhưng đa số những kẻ lười biếng, dốt nát, mải chơi, chẳng chịu học hành, du thủ du thực, những kẻ yếu thường muốn núp bóng những nơi nào hùng mạnh nhất, và chúng thấy chẳng có nơi nào mạnh mẽ và tiện lợi như cửa quan. Những thứ quan như vậy quả thật là đại hoạ của dân chúng. Và người dân giành cho những thứ quan lại đó những lời châm biếm thật chua cay. Trong những năm qua, dân chúng nước ta rất lao đao khốn khổ về nạn tham nhũng, có những công trình xây dựng nhà cao tầng bị rút thép từ bên trong khiến cả công trình biến thành một chiếc quan tài rập rình muốn đổ, chẳng ai đủ can đảm để sống ở đó, vậy là kẻ tham nhũng rút được vài trăm tỷ, nhưng công trình cả ngàn tỷ bị ném qua một bên; còn những công trình cầu cống đường xá bị rút thép, lún, sập, gây nguy hiểm cho cả người đi trên cầu cả người đi dưới cầu, thật đáng kinh hãi!
Mới đây vụ cá độ bóng đá lộ ra, hoá ra đứng phía sau có cả quan chức lớn, cầm số vốn lớn của dân để xây cầu đường... Tại một cuộc họp của Quốc Hội, có nhiều đại biểu đã nêu lên: chống tham nhũng nghĩa là chống giới quan chức, vì dân thường làm gì có quyền hành để tham nhũng, chỉ có các quan chức mới có chức vụ, để lạm dụng chức vụ của mình, biến của chung thành túi riêng. Quả như người Việt từ xưa đã bảo:
Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan.
Câu hát thật chua cay và chí lý! Tại sao giặc phải cướp vào ban đêm, vì chúng là lực lượng bất chính phải dựa vào bóng đêm đột kích bất ngờ vào ai đó, sau đó rút chạy ngay, mới mong đạt kết quả. Nhưng quan thì không cần bóng đêm, vì ban ngày mới là giờ làm việc chính thức của quan, quan lại đường bệ có mũ ô sa, có lọng, có phẩm hàm – phẩm trật, vì thế quan muốn tham nhũng thì cứ việc lạm dụng quyền hành của mình ngay giữa ban ngày để tham nhũng. Mới đây, Ban công tác đặc biệt của Chính phủ có thông báo về mười ngành tham nhũng hàng đầu ở Việt Nam, trong đó đứng đầu các ngành là: 1- Địa chính nhà đất, 2- Hải quan, 3- Cảnh sát giao thông. Địa chính nhà đất là cơ quan quản lý đất cát, nơi nắm được mọi kế hoạch phát triển, đầu tư, sử dụng đất đai, chỉ cần đưa đất chỗ này vào qui hoạch lập tức giá tăng gấp mười lần, đưa chỗ kia ra khỏi bản đồ xây dựng lập tức giá hạ rẻ như bèo, rồi lập quyền sở hữu, rồi bán thông tin, rồi khai thác mọi đặc quyền hành chính về quyền kiểm soát đất đai... người ta kiếm bạc tỉ nhẹ như lông hồng. Còn hải quan, thôi thì hàng nào đánh thuế, hàng nào cho đi, thậm chí nhiều cán bộ hải quan còn thông báo cho bọn buôn lậu cửa nào đi an toàn, chiến dịch kiểm tra triển khai ra sao, và đánh úp chỗ nào, tóm lại, người ta thông đồng với những kẻ buôn lậu làm sao luôn lậu trót lọt đi đến nơi về đến chốn, để còn nộp mãi lộ cho quan bảo kê. Còn cảnh sát giao thông cứ thế cầm còi tuýt, xe nào muốn đi qua thì cứ thế nộp tiền mãi lộ, nếu không người thi hành công vụ cũng chẳng cần phạt, mà chỉ cần cho ở đó chờ giải quyết một đến vài giờ đồng hồ. Thế là lỡ mất chuyến hàng còn thiệt hại nhiều hơn, nên lái xe cứ nộp luôn để đi cho nhanh. Nhiều cảnh sát còn núp sau những chỗ kín, mong đánh úp những kẻ vi phạm, dân tình liền nói đùa đó là cảnh sát đi câu.
Quan tham cướp ngày chưa đủ, với quyền chức của mình có khi quan còn là “bố mẹ” bảo kê cho những tên kẻ cướp, như người Việt bảo: “Tuần hà là cha kẻ cướp”. Quan là cai tuần, quan đi tuần chỗ nào, bỏ qua chỗ nào, nhìn thấy ai quan đuổi, nhìn thấy ai quan bỏ qua, thế là bọn cướp nhờ có quan mà được ung dung hoạt động. Vì thế mà quan còn là cha mẹ nuôi dưỡng bao dung cho chúng. Có những câu chuyện đại loại như, dân chúng hô hoán đuổi theo một tên ăn cắp, bắt được hắn rồi, họ liền giao cho anh công an, anh ta giải hắn đi cùng với gói đồ quí mà hắn lấy được, đến đầu phố anh ta trả vờ lơ đễnh để mặc cho hắn trốn thoát, thế là gói đồ quí không chủ bỗng nhiên trở thành của riêng của anh ta.
Nguyễn Hoàng Đức
(Theo chungta.com)
các cậu đăng những bài đăng này hay thiệt đấy.mình thấy blog của các cậu tuy đơn giản nhưng cũng rất đẹp,mình muốn liên kết với blog các cậu được không.mình tên Đạt đang học ở đại học kinh tế quốc dân,có blog là http://nhaquantri.blogspot.com
Trả lờiXóa