Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2009

GS. CAO HUY THUẦN: "CÓ MỘT NGƯỜI TRÍ THỨC NHƯ THẾ!"


(TuanVietNam) - “Tại sao ông Sáu Dân để lại nhiều tình cảm đặc biệt nơi người trí thức? Chỉ đứng trên lĩnh vực trí thức mà thôi, câu trả lời là: Tại vì, ở cương vị quyền hành, ông đã biết nhìn và nhận người trí thức như vậy. Và tại vì, ở cuối đời, khi chỉ còn cây bút và hai bàn tay không, ông đã làm nhiệm vụ của một người trí thức - một người trí thức như thế” – GS Cao Huy Thuần.

Bài học đầu tiên của người học trò, bài dạy đầu tiên của người dạy trẻ, chỉ nhắm vào mỗi một chuyện này: học thế nào, dạy thế nào, để người học trò phát triển tinh thần phê phán.

Phê phán không có nghĩa là gặp đâu cũng "phê", gặp gì cũng "phán", thấy đâu cũng xấu, đâu cũng tiêu cực. Tinh thần phê phán không có gì khác hơn là sự tỉnh thức. Đó là đốm ánh sáng phải giữ. Trong biển học mênh mông, đó là ngọn hải đăng. Phê phán là thường xuyên đặt lại vấn đề, trước hết với chính mình. Bởi vì nếu không tự xét về cái biết của mình thì không bao giờ thâu nhận được cái biết đích thực.

Phận sự của người dạy học bắt đầu từ đó và chấm dứt ngang đó. Với tinh thần tỉnh thức được truyền đạt, người học trò phải tiếp tục đi, tự mình đi, nối kết học với hành, suy tư và hành động. Đây không phải là chuyện dễ.

Có người hành động trái với suy tư, hành trái với học. Có người học mà không hành. Không hành thì tinh thần phê phán sẽ thui chột. Hành trái với học thì đâu rồi tinh thần phê phán? Đó là điểm khác nhau giữa người trí thức và người có học.

Nhiều định nghĩa về người trí thức đã dựa trên sự phân biệt này, nhấn mạnh chức năng tỉnh thức mà người trí thức phải thắp sáng hoài, khiến anh ta trở thành một kẻ khó chơi đối với mọi trật tự an bài. Nhưng dù khó chịu, khó tính và khó chơi, trật tự nào cũng cần có con mắt của trí thức để không đánh mất khả năng tự phê phán, để biết tự mình khai phóng, tự mình đổi mới, tự mình phát triển, tự mình mở cửa cho tiến bộ - để trật tự và ổn định không đồng nghĩa với bất biến, ù lì.

Trong ý nghĩa đó, và để tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân ngày giỗ đầu của ông, tôi trích ra đây một trong những định nghĩa về người trí thức của một tác giả lớn, gốc Palestine, vừa có học vừa có hành, vừa nổi danh trong giới đại học trên thế giới, vừa để tên trong chiến trận chống đế quốc, thực dân: Edward Said. Định nghĩa này được trích ra từ quyển sách của ông: "Về trí thức và quyền lực".

"Người trí thức, như tôi hiểu, không phải là người làm hòa dịu, cũng không phải là người tạo dựng sự đồng thuận, mà là người dấn hết thân mình, hứng mọi hiểm nguy, luôn luôn lấy phê phán làm cơ sở; trí thức là người từ chối, dù phải trả với giá nào, những công thức dễ dãi, những tư tưởng nhàm cũ, những kết luận chiếu lệ nơi lời nói và hành động của những người có quyền hoặc của những đầu óc máy móc.

Đâu phải họ chỉ từ chối một cách thụ động mà thôi: họ còn tích cực, công khai nói lên tiếng nói của họ. Lựa chọn cốt yếu mà người trí thức phải đối phó là: hoặc liên minh với sự bền vững của người thắng trận, người chế ngự, hoặc - và đây là con đường khó khăn nhất - xem sự bền vững đó như đáng cảnh báo, như một tình thế có cơ nguy đưa người yếu và người thua cuộc đến chỗ diệt vong. Nghĩ đến kinh nghiệm lệ thuộc của kẻ yếu và kẻ thua, người trí thức không quên những tiếng nói và những người đã bị lãng quên". (Edward W. Said, Des intellectuels et du pouvoir, Paris, Seuil, 1996)

Tại sao ông Sáu Dân để lại nhiều tình cảm đặc biệt nơi người trí thức? Chỉ đứng trên lĩnh vực trí thức mà thôi, câu trả lời là: Tại vì, ở cương vị quyền hành, ông đã biết nhìn và nhận người trí thức như vậy. Và tại vì, ở cuối đời, khi chỉ còn cây bút và hai bàn tay không, ông đã làm nhiệm vụ của một người trí thức - một người trí thức như thế!

GS. Cao Huy Thuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét