Thứ Tư, 27 tháng 5, 2009

MŨ "PHẢN ĐỘNG" VÀ MŨ "HÁN GIAN"?


Trong tranh luận bauxite, tôi chú ý nhiều đến lời kêu gọi các blogger của ông Phạm Toàn: “Anh chị em ta ơi, hãy chú ý phân biệt cái gì nằm dưới bề sâu sự vật với cái gì nằm trên bề nổi sự vật. Hãy cảnh giác đừng mắc lừa bọn giả vờ dân chủ thảo luận miên man trên trang blog khiến bà con ta tốt bụng cả tin cứ ngỡ đó là đang cùng đi tìm chân lý, kỳ thực là bị chúng chia rẽ và thanh minh cho bọn xấu“; “Trong tranh luận, không bao giờ cần thiết phải đáp lời những kẻ không là bạn; chúng giả vờ cãi nhau để làm cho mọi chuyện rối tinh lên đó; và chỉ nên trò chuyện với bạn. Ở đời này, chỉ có thể cùng bè bạn giúp nhau nhận ra phần bề sâu của sự việc. Còn những kẻ không là bạn, chúng thừa biết các thứ “lẽ phải”, chúng thừa thông tin, chúng chỉ cố tình phá phách, nói làm gì phí lời. Bà con blogger ta có nhược điểm chết người là thói cả tin, thói lịch sự ngay cả với bọn lưu manh…” (”Giải thích thuật ngữ“).

Đọc những lời này, tôi cứ nghĩ đó là giọng điệu của một cán bộ “tuyên huấn”. Nhưng sau khi “đề nghị” các blogger tiếp cận vấn đề bằng “trực giác”, ông Phạm Toàn bèn trả lời ngay: “Nghĩ cũng buồn cười, chưa nói tên ai, thế mà bà con blogger đã bằng trực giác mà nhận ra mục tiêu để xỉa xói“.

Tôi ấn tượng nhất với từ “xỉa xói” này, có lẽ không từ nào thích hợp hơn để chỉ thái độ đó, vì chỉ với một bài viết khác quan điểm mà ông Trương Thái Du bị chụp mũ với những từ thừa “nhẹ nhàng”, thiếu “lịch sự” củamột số người “nhận” mình là trí thức, nằm trong nhóm trí thức,… Nhưng tôi xem những lời trên của ông Phạm Toàn là thật bụng khi ông khuyên các blogger hãy bỏ đi sự “cả tin” và thái độ “lịch sự”. Và chính vì bỏ bớt đi sự “lịch sự” tối thiểu trong tranh luận nên ngôn từ mới chấn động thần kinh người khác như thế. Nhưng chỉ mới qua một bài phản biện (chưa có máu đổ, xương rơi) nào cả mà có thể chia tuyến “bạn” - “thù” rõ và nhanh chóng như vậy thì đáng được ghi vào kỷ lục trong tranh luận. Điều đáng nói, Bộ Công thương quy chụp nhóm GS Nguyễn Huệ Chi là bị phản động lợi dụng, thì chính ông Trương Thái Du lại bị ông Phạm Toàn quy chụp là “Hán gian”. “Phản động” choảng nhau với “Hán gian”, chuyện lạ có thật!

Những vấn đề ông Trương Thái Du “phản biện” có thể gây nên nhiều ý kiến trái chiều, nhưng trước số đông không ủng hộ và ủng hộ khai thác bauxite thì vẫn còn nhiều mở ngỏ để cung cấp cho người đọc những cách nhìn khác nhau.

Liên hệ với những gì ông Phạm Toàn phát biểu qua hai bài viết gần đây trên talawas, tôi nghĩ, nếu ông mà là một nhân vật lãnh đạo nắm quyền điều hành đất nước thì tôi e sẽ có không ít người phản biện trong xã hội trở thành kẻ thù của ông. Và có thể cách ông áp đặt tư tưởng lên người khác cũng ghê gớm không kém.

Tôi xin nhắc lại vài chủ trương của talawas: “Chủ trương góp phần xây dựng một công luận độc lập, đa nguyên, đa chiều của người Việt trong và ngoài nước“; “Một diễn đàn mở cho sự tham gia của tất cả những ai quan tâm, không hạn chế trong phạm vi nội bộ của một phe, nhóm, đoàn thể, tổ chức nào“; “Đa nguyên: talawas không áp đặt, chỉ định, hướng dẫn một khuynh hướng, quan điểm nào. Mọi quan điểm, khuynh hướng đều có quyền và có cơ hội được trình bày tại talawas“… Nhắc lại để thấy rằng, chúng ta nên tôn trọng mọi khác biệt và sòng phẳng với nhau trong tranh luận.

Khi vai trò cá nhân đã nằm trong một nhóm có tiếng nói phản biện (với uy tín nhất định đại diện cho một nhóm người) thì nên giữ thái độ bình tĩnh, để cho những người ủng hộ chủ trương của mình phản biện một cách khách quan, hay hơn là tự mình phá đổ bức tường rào (số đông) đó mà mớm ý, mớm lời, kéo họ vào vòng xoáy “bạn - thù” mà chưa rõ vấn đề “đúng - sai” sẽ diễn biến như thế nào ở phía trước.

Việc phản biện của nhóm Giáo sư Nguyễn Huệ Chi có ý nghĩa thúc đầy nhà nước đi đến những giải pháp tốt hơn cho an ninh quốc phòng và môi trường Tây Nguyên. Xét về mặt hiện tượng xã hội, điều này vốn dĩ mang giá trị phản biện và tạo dư luận tích cực (khoan nói chuyện đúng - sai, bởi tích cực, tiêu cực là một quá trình và không phải cái “tích cực” nào cũng đúng, cái “tiêu cực” nào cũng sai). Nhưng nếu đã là nơi đề cao các giá trị phản biện thì cũng không thể dùng mọi cách, mọi thái độ quy chụp để bóp chết phản biện.

Câu nói: “Thất bại là mẹ của thành công” của ông Phạm Toàn hơi vội trong tâm lý “tự vệ”. Điều này vô tình trực tiếp hay gián tiếp bộc lộ khiếm khuyết trong phản biện của ông Phạm Toàn (thiếu tự tin). Mọi phản biện của nhóm GS Nguyễn Huệ Chi về môi trường và an ninh quốc phòng đều đã nằm trong bản Báo cáo của Chính phủ. Nhưng nhìn vào các bài viết trên trang nhà Bauxite thì thấy rõ rất thiếu những cây bút chủ lực là các nhà khoa học, kinh tế học… Phần lớn thông tin dẫn lại từ các bài báo “lề phải có, lề trái có”.

Và nếu chỉ nhìn vào những bài viết được đăng tải từ nhiều nguồn khác nhau, người ta sẽ cho rằng trang nhà bauxite “khách quan” với mọi thông tin phản biện. Tuy nhiên, cá nhân tôi lại rất dị ứng với những “chú thích quan điểm” (màu đỏ) được trang nhà gắn ngay dưới những tựa bài viết được chọn đăng lại đó. Chẳng khác nào nhằm “hướng dẫn”, “lái” người đọc theo chủ quan của mình. Nếu có một sự tôn trọng độc giả thì hãy để người đọc tự nhận xét. Tranh luận, phản biện mà cứ nóng vội nhắm vào vấn đề phải “giải quyết” ngay một điều “đúng - sai” nào đó là không ổn vậy. Còn về phần ý kiến độc giả, nếu không khéo thì cho dù đã có những cảnh báo, trang nhà bauxite vẫn không tránh khỏi việc chỉ trích Chính phủ với nhiều thông tin (lồng ghép những sai lầm quá khứ) chẳng ăn nhập gì với vấn đề bauxite hiện tại kèm theo những hệ lụy cụ thể cần phải phân tích. Điều này sẽ ngày một xa với mục đích ban đầu của trang nhà bauxite (không chính trị hóa vụ việc).

Tôi không tán đồng với chủ trương phản đối khai thác bauxite (ở mọi nơi và với mọi đối tác) của nhóm GS Nguyễn Huệ Chi, nhưng tôi phản đối khai thác bằng công nghệ Trung Quốc. Vì thế trong bài viết “Bauxite với hai hệ lụy?”, tôi đã nói rất rõ rằng, không phải những người không ký tên phản đối khai thác bauxite là không quan tâm đến môi trường và an ninh quốc phòng. Và tôi có niềm tin vào những cam kết đảm bảo của người đứng đầu Chính phủ. Có người cho rằng niềm tin đó của tôi là “bất trị”, nhưng tôi đã nói rằng có thể cá nhân tôi tin sai (vắng cô thì chợ vẫn đông…).

Nhưng nói đến “niềm tin”, nhóm của GS có niềm tin không? Chắc chắn có niềm tin thì mới gửi Thư ngỏ Kiến nghị tới Quốc hội chứ. Tôi không nói vo đâu, bởi trong Thư ngỏ số 1, có viết thế này: “một lần nữa viết thư ngỏ này chân thành gửi gắm lòng tin vào những nhà lập pháp đương thời“. Nhóm GS Nguyễn Huệ Chi còn viết: “Gần đây, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra bản Kết luận về vấn đề khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Đó không là một bản Chỉ thị, mà là một bản Kết luận, điều đó thể hiện một thái độ cầu thị, tôn trọng dư luận, một hành động giao tiếp với công luận. Tất cả những ai có thiện chí đều nhận ra điều đó“.

Nhưng chủ trương khai thác bauxite là của Bộ Chính trị. Nếu việc khai thác bauxite được Quốc hội nhất trí thông qua thì phải chăng “lòng tin” của nhóm GS Nguyễn Huệ Chi cũng bị đặt nhầm chỗ? Hay lúc đó cả Quốc hội và Bộ Chính trị sẽ lại trở thành “bọn lưu manh”?

Bản Kiến nghị của nhóm GS Nguyễn Huệ Chi nêu rõ: “Đất nước là của chung của cả dân tộc, chứ không là của riêng của một nhóm người nào, của một nhóm quyền lợi nào, hoặc một tổ chức nào dù tinh hoa đến đâu cũng vậy. Tất cả những người có ý thức với dân tộc, với đất nước, xót xatrước những việc làm không được kiểm soát chặt chẽ xoay quanh vụ bauxite, đều thấy cần thiết phải lên tiếng“.

Dư luận nhiều chiều (ủng hộ hay phản đối) đều được công khai đăng tải trên VietNamNet. Vậy vấn đề khai thác bauxite, đối với dư luận phải chăng là nên có những việc làm được kiểm soát chặt chẽ, chứ không phải là không khai thác bauxite?

Việc khai thác tài nguyên của đất nước, trong đó có tài nguyên bauxite,là việc làm cần thiết, nhưng đó không thể là việc làm bằng mọi giá!”(Kiến nghị về quy hoạch và các dự án khai thác Bauxite ở Việt Nam).

Nếu đọc kỹ các Thư ngỏ Kiến nghị của nhóm GS Nguyễn Huệ Chi thì sẽ có nhiều mâu thuẫn trong diễn đạt và tiếp cận vấn đề (vừa mong có những giải pháp “toàn diện”, “thích hợp”, vừa xem đó “là việc làm cần thiết”, vừa muốn ngừng hết các dự án,…). Tôi nghĩ, việc phản đối khai thác bauxite ở mọi nơi và với mọi đối tác, đồng thời giao phó chuyện này cho tương lai công nghệ của 25-30 năm sau (đưa ra xem xét và quyết định) là không chặt chẽ trong mục đích “phản biện”, “phản đối”. Không có nước nào có mỏ bauxite đứng thứ 3 trên thế giới mà để nó vĩnh viễn nằm yên cả. Quan trọng là làm như thế nào (để có hiệu quả và tránh rủi ro, hệ lụy) và làm với ai (để an toàn trong chính sách an ninh quốc phòng)?

Khách quan mà nói, những kiến nghị của nhóm GS Nguyễn Huệ Chi là một cuộc tập dượt công khai cho những phản biện xã hội có ảnh hưởng dư luận, buộc chính phủ phải tiếp thu. Đó là một thành công, chứ không phải thất bại. Thiết nghĩ, nhóm GS Nguyễn Huệ Chi không nên bày tỏ sự việc bằng những ngôn ngữ có thể đưa ra những cách hiểu nhiều chiều (thậm chí mâu thuẫn). Và cách tốt nhất là tập hợp những nhà khoa học, kinh tế thực thụ để mổ xẻ vấn đề khai thác bauxite trong hiện tại một cách thiết thực nhất.

Tác giả Nguyễn Đình Đăng có viết: “Tự do trí tuệ có nghĩa là bất kỳ một cá nhân nào sống trong xã hội loài người đều có quyền tìm kiếm và tiếp nhận thông tin thuộc mọi quan điểm mà không hề bị bất cứ một trở ngại nào. Tự do trí tuệ vì vậy bảo đảm cho con người quyền tự do bộc lộ ý tưởng bằng nhiều cách khác nhau qua đó có thể làm sáng tỏ mọi khía cạnh của một vấn đề, một nguyên nhân, hay một trào lưu. Như vậy, tự do trí tuệ có quan hệ mật thiết với tự do ngôn luận và tự do biểu hiện. Thiếu tự do trí tuệ xã hội sẽ dễ dàng bị một thiểu số nhân danh dư luận, nhân danh nhà cầm quyền, nhân danh các nhà tài phiệt, hay nhân danh một giai cấp, tầng lớp nào đó trong xã hội v.v. lừa dối…“(”A, B, C về tự do trí tuệ và kiểm duyệt“).

Tập trung trí tuệ và tập trung dân chủ có khi nào lại không bắt đầu từ cách lắng nghe mọi phản biện trái chiều.

© 2009 Nguyễn Mai Sơn

© 2009 talawas blog

(Xem thêm "ĐỐT SÁCH VÀ CHỬI BỚI": truongduynhat.vnweblogs.com)

1 nhận xét:

  1. Đây là bài viết nhận định khách quan về góc nhìn đầy định kiến của ông Phạm Toàn đối với ông Trương Thái Du. Tôi nhớ có lần đọc bài “Phản biện Bức tường Berlin” của Trương Thái Du đăng trên blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Bài viết của ông Trương Thái Du chỉ ra cho người đọc thấy lịch sử của xã hội phương Tây không phải không có những toan tính, sắp đặt nhằm lái dư luận theo một hướng có lợi nào đó, đã bị ông Phạm Toàn cùng đám lâu la “đánh” cho te tua. Ông Phạm Toàn gọi ông Trương Thái Du là “thằng Hán gian”, rồi “thằng gián điệp” trong khi tôi đọc bài của ông Trương Thái Du cả chục lần vẫn không biết ông Trương Thái Du phản động ở chỗ nào. Không những vậy mà còn ngược lại, càng đọc càng thấy ông Trương Thái Du không chỉ phân tích sâu sắc, mà còn có cái nhìn chính nghĩa và nhân bản. Điều đáng buồn là các ý kiến comment chĩa vào ông Trương Thái Du bao nhiêu thì ngược lại, ngợi ca con mắt “tinh đời” của ông Phạm Toàn bấy nhiêu. Đúng là người xưa nói mắt thì không nhìn thấy trán là vậy. Không biết “nhóm trí thức yêu nước Beauxite” có bao giờ lắng nghe xem thiên hạ nói gì về họ không? Tôi không ủng hộ Chính phủ trong chủ trương khai thác Beauxite, song cũng không phản đối Chính phủ chỉ vì “thấy nhiều người phản đối”. Nhìn chung các bài viết trong website Beauxite không hợp với lối tư duy và tính cách của tôi. Điều tôi thấy khó chấp nhận là họ sử dụng hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm hình đại diện, mặc dù tôi biết Đại tướng đã từng là người phản đối chủ trương khai thác Beauxite của Chính phủ. Họ tự nhận là “Nhóm trí thức yêu nước Beauxite” nhưng gần đây tôi NGHE NÓI website của họ đăng cả những đoạn video xuyên tạc của đám hại ngoại đầy kích động hận thù, có chủ đề là: “SỰ THẬT VỀ HỒ CHÍ MINH”. Nếu đúng như thế thì quả là đáng buồn thay…

    Trả lờiXóa