Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2009

NGHĨ NGƯỢC VÀ SỐNG NGƯỢC


Làm ngược nghĩ ngược để lừa đời trục lợi vinh thân thì cũng đáng trách, nhưng không tội nghiệp bằng những người chân thành đổi mới theo kiểu lộn ngược lịch sử, lộn ngược công lý, lộn ngược chính mình để chế tạo ra những đạo lý méo mó nhân danh thời đại.

Trong lịch sử hàng ngàn năm, người Việt đã quá quen với những chuyện ngược đời. Tục ngữ Việt Nam là một tiếng thở dài não nuột trước một thế gian đầy những chuyện trớ trêu: "Làm ơn nên oán, làm bạn thiệt mình"; "Tin bạn mất vợ, tin bợm mất bò"... Cái danh hiệu "kẻ ngược đời" vẫn được người Việt coi là một danh hiệu không hay.

Thế nhưng trong cuộc sống xã hội hôm nay đôi khi có một số kẻ ngược đời được một vài thế lực nào đó khâm phục, tôn vinh. Vì sao người ta coi việc nghĩ ngược, sống ngược với đạo lý là khôn ngoan và thời thượng?

Làm ơn nên oán, làm bạn thiệt mình

B.Brest từng viết một vở kịch có tên "Lẽ thường và lẽ biến" kể chuyện một nô lệ đi theo chủ qua sa mạc bị chủ hành hạ tàn tệ suốt cả chặng đường dài. Một đêm, thấy chủ bị ốm nằm rên rỉ kêu khát, anh ta động lòng thương đã mang bình tông nước sang lều cho chủ uống. Nhưng chủ thấy anh ta sang lều mình giữa đêm đã rút súng ra bắn chết. Ra toà, chủ nói rằng ông ta buộc phải bắn vì người nô lệ kia đã mang một hòn đá vào lều trong đêm định giết ông ta. Toà hỏi vì sao ông biết anh ta có ý định giết ông? Người chủ nói vì ông đã hành hạ anh ta thậm tệ, anh ta không thể không căm thù.

Khi các nhân chứng cho biết đó không phải là hòn đá mà chỉ là cái bình tông nước uống, ông ta nói đêm tối quá tôi tưởng đó là hòn đá. Cuối cùng ông ta được tha bổng vì toà cho rằng ông ta có quyền tưởng đó là hòn đá và có quyền sợ anh kia giết mình vì trong thời buổi "mắt trả mắt, răng trả răng" này không mấy khi có chuyện mang nước cho kẻ thù uống khi hắn ta bị ốm.

Vậy là, hiệu quả của ứng xử không phụ thuộc vào bản thân tính chất, động cơ của ứng xử mà phụ thuộc nhiều hơn vào cách nghĩ cách cảm của một thời. Khi nào chưa chữa tận gốc những định kiến, méo mó và bất cập của cách nghĩ cách cảm này thì mọi thiện chí và mọi kỹ năng giao tiếp đều tạm bợ và manh mún, thậm chí chỉ làm trầm trọng thêm quan hệ giữa những con người, những sắc tộc và những quốc gia.

Chẳng hạn, khi cái định nghĩa "người với người là chó sói" còn ám ảnh trong tâm thức nhân loại, thì những ai nghĩ theo kiểu "người với người là bạn" chỉ là cô bé quàng khăn đỏ ngây thơ trong truyện cổ tích mà thôi! Mọi thiện chí của cô trước con mắt thiên hạ cũng chỉ là nỗ lực chui nhanh vào dạ dày chó sói.

Một vở kịch Pháp có tên là "Ông thầy thuốc xứ Cucunhăng" đã phanh phui một cách tàn nhẫn và dí dỏm tâm địa người đời khiến cho họ không thể đón nhận được những món quà cao quý nhất. Chuyện kịch kể rằng có một ông thầy thuốc đi tới ngôi làng kia tuyên bố sẽ làm cho người chết sống lại. Dân làng lúc đầu vui lắm vì sắp gặp lại những người thân đã khuất. Nhưng rồi sau đó họ đun đẩy nhau không ai dám trở thành người đầu tiên kiểm chứng lời hứa của thầy thuốc kia.

Người thì nghĩ thôi bố mình ông ấy già rồi, lại khó tính, bây giờ sống lại thì cũng phiền phức lắm, người thì đã có vợ mới nên không muốn gọi vợ cũ sống lại, người thì sợ gọi chủ nợ sống lại cả dân làng sẽ lấy đâu ra tiền để trả nợ xưa… Rốt cục, chẳng ai dám nhờ ông thầy thuốc thực thi phép lạ, không những thế họ còn oán ông thầy thuốc đã làm họ bẽ mặt trước dân làng. Cuối cùng, ông thầy thuốc kết luận: "Cách cho hơn của đem cho".

Kỹ năng nói ngược và làm ngược

Lòng tốt cũng cần có kỹ năng. Người Việt đã có kinh nghiệm đắng cay về chuyện "làm phúc phải tội", nên trong tích chèo Lưu Bình Dương Lễ các tác giả dân gian đã thể hiện rõ một ý thức về kỹ năng làm phúc có một không hai. Dương Lễ đã thành đạt làm quan, còn Lưu Bình vẫn là người luôn luôn thi trượt. Dương Lễ đã hắt hủi sỉ nhục bạn để Lưu Bình phẫn chí mà vươn lên, nhưng sau lưng Dương Lễ lại âm thầm cậy nhờ người vợ hiền sớm khuya gắn bó và giúp đỡ Lưu Bình học hành thi cử để đi tới thành công. Thật là một tuyệt phẩm về tình bạn tình vợ chồng đầy thuỷ chung, bản lĩnh và trí tuệ.

Không ít kỹ năng làm điều thiện gắn với chuyện nói ngược và làm ngược, như cách Dương Lễ đã làm với bạn, nhưng cái kỹ năng nói ngược và làm ngược thường gắn nhiều hơn với những kẻ gian tham. Chuyện xưa kể lại rằng có một tên tội phạm sắp bị đưa ra xét xử đã hối lộ quan toà để xin được xử cho mình thoát tội. Quan toà hứa sẽ xử trắng án cho anh ta. Nhưng đến khi xử án, ông ta lại dõng dạc đọc cáo trạng tuyên bố tử hình tên tội phạm.

Trong lúc giải lao, tên tội phạm tìm gặp riêng quan toà và trách:

- Ông đã hứa xử trắng án cho tôi sao nỡ nuốt lời như vậy?

Quan ta ghé tai kẻ kia mắng rằng:

- Im đi, Cứ để mặc tao! Tao mà lại thèm ăn quỵt của mày ư? - Quan toà chỉ vào một ông quan toà khác - Cái thằng kia nó ghét tao lắm, toàn nói ngược với tao. Tao nói chém đầu thế nào nó cũng đòi tha bổng. Tao sẽ giả vờ cãi nhì nhằng một tý rồi đồng ý với ý kiến của nó, thế là mày thoát tội. Phải khôn khéo thế mới xong việc, đồ ngu ạ!

Quả nhiên, sự việc diễn ra đúng như vậy! Tên tội phạm được tha bổng nhờ mâu thuẫn thành thực của các vị quan toà.

Thủ đoạn nói ngược làm ngược đã được ghi từ lâu trong sách của người Tàu. Trong Cổ học tinh hoa có chuyện một ông quan văn bị một thằng bé trèo lên cây đái vào đầu đã tươi cười vẫy thằng bé xuống cho nó một quan tiền. Thằng bé quen mui đái vào đầu ông quan võ và lập tức bị chém đầu. Ông quan văn xử sự ngược đời, có vẻ nhân ái, nhưng thật là thâm độc.

Chuyện xử sự ngược ý mình vì một toan tính sâu sắc tinh vi ta hay gọi nôm na là "thâm", ta vẫn hay gọi là "thâm nho". Người Tàu được coi là điển hình của kẻ thâm. "Thâm" nguyên nghĩa của chữ Nho là " sâu ", "thâm ý" là ý sâu, ý ngầm khó thấy, "thâm hiểm " là kẻ hiểm ác một cách thâm trầm, khó lường. Nói chung, những người nói ngược, làm ngược ý mình thời xưa thường là cao mưu, sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời và lòng người, dùng biện pháp khôn ngoan nhằm mượn tay kẻ khác trừng trị kẻ thù hay bảo vệ người thân.

Nghĩ ngược sống ngược thời hội nhập

Ngày nay, trong lớp con cháu hậu sinh khả uý cũng còn lắm kẻ khôn ngoan biết học theo trí tuệ của người xưa, áp dụng kỹ năng nói ngược và làm ngược. Có anh láu cá biết tính thủ trưởng hay nói ngược bác bỏ ý cấp dưới nên thường đảo ngược ý mình khi xin ý kiến cấp trên. Chẳng hạn, lẽ ra xin được lên chức, lên lương thì anh ta lại xin được về hưu non dù lúc đó anh ta mới chưa đầy bốn chục. Thủ trưởng gạt phắt đi: năng lực như cậu cần ở lại đảm nhiệm chức cao hơn! Thế là anh ta tót được lên ghế trên. Vừa đạt mục đích lại vừa được tiếng là không tham quyền cố vị.

Hoặc giả muốn tiêu diệt đối thủ, người ta lại tâng bốc ngợi ca kẻ xấu số kia, toàn khen những cái mà thủ trưởng không ưa làm thủ trưởng điên lên bác bỏ, hạ kẻ ấy xuống bùn đen...

Ngay cả đám lưu manh đường phố cũng biết học cách làm ngược để lừa đời. Một tên kẻ cắp bị bắt ngay giữa phố, một người đàn ông hầm hầm tức giận lao vào đấm đá nó túi bụi, chửi nó như tát nước, rồi bẻ quẹo tay nó dong đi. Mọi người đều tưởng tên kẻ cắp được áp giải đến đồn Công an. Nhưng ra đến đầu đường người đàn ông kia thả nó ra. Hoá ra, bọn chúng là đồng bọn. Tên kẻ cắp đã được giải thoát bằng phương pháp nói ngược làm ngược tài tình như thế đấy!

Làm ngược nghĩ ngược để lừa đời trục lợi vinh thân thì cũng đáng trách, nhưng không tội nghiệp bằng những người chân thành đổi mới theo kiểu lộn ngược lịch sử, lộn ngược công lý, lộn ngược chính mình để chế tạo ra những đạo lý méo mó nhân danh thời đại.

Những người dũng cảm đấu tranh phản biện chống áp bức, bất công, tham nhũng bao đời nay đều được ngợi ca là những người dũng cảm. Nhưng giờ đây có những lúc họ bị ai đó hậu sinh lên án là những kẻ quậy phá, gây rối, hiếu thắng, chưa đạt tới sự..."đắc đạo", "tĩnh tâm"(?!) Những chiến sĩ quên mình chiến đấu cho độc lập dân tộc bao đời được ngợi ca thì nay lại bị một số kẻ nói ngược cho là... "dại dột","hiếu chiến"?!

Sau những chuyện nói ngược và làm ngược ấy là những biến động dữ dội về văn hoá ở chiều sâu, dấu hiệu của một sự khô đạo, mượn hồn, đảo lộn giá trị đầy nguy hiểm. Nói ngược và làm ngược không còn là chuyện kỹ năng ứng xử, mà đã trở thành nghĩ ngược sống ngược, thành sự "hoán vị mẫu" về văn hoá như cách nói của nhà triết học Kunh khi bàn về các dân tộc đang từ bỏ những giá trị văn hoá truyền thống của mình để chạy theo văn minh vật chất phương Tây.

Trên thế giới hôm nay cũng nhiều người nói ngược, làm ngược, nhưng không phải là kiểu hành xử thâm nho, ích kỷ hại nhân, mà có khi là cách tự vệ, giữ mình của kẻ yếu, của người lương thiện. Azit Nexin có câu chuyện hài hước "Tên đê tiện hiếm thấy" kể về một kỹ sư kiểm lâm được bổ nhiệm về cai quản một địa phương, anh ta làm bao nhiêu việc tốt mà dân địa phương thừa nhận, biết ơn, nhưng tất cả mọi người đều lên tiếng nguyền rủa anh ta, thậm chí viết hàng chồng đơn gửi lên tỉnh đề nghị chuyển anh ta đi nơi khác.

Nguyên do là dân đã có kinh nghiệm hễ quan tham bị dân tố giác là không bao giờ chuyển đi, quan tốt được dân hài lòng khen ngợi thì y như rằng lập tức bị chuyển đi nơi khác nên họ tương kế tựu kế tỏ ra chán ghét ông quan này để ông ta không bị chuyển đi! Cách nói ngược của người dân trong truyện Azit Nexin cũng sâu sắc, nhưng không độc ác.

Ông quan văn cho tiền đứa trẻ đái vào đầu mình và những người dân trong truyện A. Nexin đều nói ngược để được một cái gì đó lợi cho mình. Vậy những người nói ngược, làm ngược, sống ngược, nghĩ ngược trong xã hội ta hôm nay hẳn cũng được một lợi lộc gì đấy chứ? Nếu không, ai hơi đâu mà trồng cây chuối lộn ngược đầu thành chân cho mệt xác và có khi còn mang nhục vào thân?

Đỗ Minh Tuấn

(Theo CAND)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét