Thứ Hai, 28 tháng 9, 2009

THƯ NGỎ GỬI CÁC VỊ LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC VIỆT NAM VỀ VỤ VIỆC TRỤC XUẤT 400 TU SĨ TẠI BÁT NHÃ - LÂM ĐỒNG



Kính gửi: - Ngài Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước CHXHCNVN
- Ngài Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN
- Ngài Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN
- Ngài Huỳnh Đảm, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQVN


Qua những thông tin chính thức trên website Làng Mai và trên các phương tiện thông tin hiện đại, tôi được biết 400 tu sĩ tu theo pháp môn Làng Mai đã bị trục xuất khỏi tu viện Bát Nhã (Lâm Đồng) trong khung cảnh hỗn loạn và nhuốm màu bạo lực. Sự việc tấn công bằng đá và phân đối với Chư Tôn đức lãnh đạo Ban trị sự Phật giáo trước đó và sự việc trục xuất 400 tu sĩ chùa Bát Nhã của chính quyền tỉnh Lâm Đồng trong mấy ngày qua đã làm cho hình ảnh người tu sĩ Phật giáo Việt Nam bị xúc phạm, giá trị nhân phẩm con người bị coi thường, sự tôn nghiêm của một Giáo hội bị xem nhẹ. Đó là những điều đang gây nên nhiều hoang mang, lo lắng, nghi ngại trong lòng người Phật tử Việt Nam.

Kính thưa quý ngài,

Đạo Phật là một tôn giáo lâu đời, gắn bó với dân tộc Việt Nam trải suốt nhiều thế kỷ dựng nước và giữ nước. Tinh thần hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam vẫn soi sáng lịch sử, để những người con Phật sống trên quê hương Việt Nam lấy đó làm chủ đạo trong phương thức ứng xử. Tổ tiên nhiều đời của người Việt được sinh ra trong niềm tin nhân quả của đạo Phật. Niềm tin ấy đã giữ vững giềng mối cộng đồng không chỉ trong những lúc dân tộc thanh bình mà ngay cả trong những hoàn cảnh đầy nguy biến.

Đó là hệ giá trị, là bản sắc văn hoá Phật giáo đã cộng hưởng với dân tộc, đã vượt thời gian để tồn tại cho tới ngày hôm nay. Tôi tin rằng, quý ngài, những người giữ trọng trách trên phương diện quốc gia hiểu điều này hơn chúng tôi. Một bộ phận lớn nhân dân Việt Nam hôm nay là những người Phật tử, họ đang hàng ngày sống, lao động và học tập để đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Họ được phép nói lên tiếng nói của mình với tư cách công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của họ được hiến pháp và pháp luật nước CHXHCNVN bảo vệ.

Tôi còn nhớ năm 2005, sự kiện thiền sư Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai về nước theo lời mời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (và được sự hậu thuẫn lớn của Chính phủ) đã đem đến cho người Phật tử những phút giây ấm lòng, xen lẫn niềm tự hào về một người tu sĩ Việt Nam đem giáo lý đạo Phật truyền vào phương Tây một cách đầy ấn tượng. Lần đầu tiên, tôi tận mắt chứng kiến những người anh em huynh đệ mang quốc tịch nước ngoài với nhiều màu da và ngôn ngữ khác nhau cùng chia sẻ những nhận thức chung về đạo Phật. Hình ảnh đó quá đỗi thân thương khi họ mặc chiếc áo nâu sồng, đội nón lá, ăn cơm bằng đũa và bước đi với những bước chân đầy khoan thai…

Thiền sư Nhất Hạnh đã tô điểm thêm phần nào sức sống của bản sắc văn hoá Việt Nam, của đạo Phật Việt Nam. Tất cả những tông phái, pháp môn tu dù phong phú, đa dạng đến đâu cũng cần phải thể hiện những điều cốt lõi và căn bản của Phật giáo, không xa lạ với văn hoá dân tộc. Đó là những phương tiện linh hoạt để những giá trị của đạo Phật đến được với số đông loài người tiến bộ, yêu chuộng hoà bình, cùng hướng đến những điều Chân - Thiện - Mỹ.

Kính thưa quý ngài,

Hình ảnh người Phật tử Việt Nam cung đón thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai năm 2005, năm 2008 là một hình ảnh đẹp thể hiện sự trân trọng với những đóng góp lớn của thiền sư cho ngôi nhà chung Phật pháp. Hình ảnh đó đã rút ngắn những khoảng cách chia rẽ, ngại ngùng, đố kỵ. Người Phật tử Việt Nam đã hiểu thêm thế nào là tinh thần lục hoà, cộng trụ, thế nào là giá trị tương quan trong cuộc sống: hạnh phúc, khổ đau của anh là hạnh phúc, khổ đau của tôi, và ngược lại. Hơn lúc nào hết, những cuốn sách của thiền sư Nhất Hạnh được in ấn với số lượng lớn và nhận được sự đón chào nồng nhiệt của độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ dù theo hay không theo tôn giáo.

Pháp môn Làng Mai hiện diện trên quê hương Việt Nam là một thực tế có tác động tích cực khi hàng ngày, kinh sách, băng giảng của Làng Mai được bày bán hợp pháp trên khắp các nhà sách từ miền Nam đến miền Bắc. Không thể có một pháp tu “lậu”, “bất hợp pháp” với những thực tế sáng rõ, đàng hoàng như vậy.

Những góp ý xa gần, trực tiếp hay gián tiếp của thiền sư Nhất Hạnh với nhà nước đã trở thành những câu chuyện “trà dư tửu hậu”, đúng hay sai, được lắng nghe hay bị bỏ ngoài tai thì đó chỉ là những đóng góp bình thường của một người con nước Việt có tấm lòng với quê hương, đất nước. Mấy ngày vừa qua, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQVN đã diễn ra phiên thảo luận chung quanh chủ đề "MTTQ Việt Nam với vai trò phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tham gia giám sát và phản biện xã hội". Tôi được biết nhà sử học Dương Trung Quốc đã viết như sau: "Quan trọng nhất trong xã hội hiện đại, đó là tiếng nói người dân được thể hiện qua báo chí. Sợ nhất không phải là dân không dám nói, mà là dân không muốn nói nữa”. Vâng sợ nhất là người dân không muốn nói nữa.

Với những gì đã và đang xảy ra tại tu viện Bát Nhã (Lâm Đồng), tôi có góc nhìn khác với nhà sử học Dương Trung Quốc, rằng “người dân” đã và đang không dám nói, chứ không phải là họ không muốn nói. Không muốn nói là vấn đề mà chủ thể tự quyết định, còn không dám nói lại chịu sự “kiểm duyệt” của đối tượng. Muốn phát huy dân chủ mà không làm chủ được ý kiến của mình thì “phản biện xã hội” sẽ đi đâu về đâu?

Kính thưa quý ngài,

Tôi xin dẫn lại một số kiến nghị đầy trách nhiệm của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng qua “Bản tường trình và Báo cáo khẩn cấp” sau như một tiếng nói “phản biện xã hội”:

1. Phái đoàn Ban Trị sự đến thăm tu viện Bát Nhã để xem xét tình hình và nắm bắt tình hình cụ thể tại Tu viện Bát Nhã, là cơ sở trực thuộc của Giáo hội mà TT. Đức Nghi lại cho một nhóm người hung hăng dữ tợn tấn công BTS bằng gậy gộc, đá, phân hầm cầu, cố ý bức tử Ban Trị sự.

2. Việc bạo hành tàn ác này không phải là sự việc ngẫu nhiên mà là có âm mưu chuẩn bị từ trước nhằm đánh Ban Trị sự , Chư Tôn đức lãnh đạo Phật giáo Lâm Đồng. Hành vi này là coi thường kỷ cương pháp nước, xâm phạm đến nhân phẩm, sức khoẻ, xúc phạm đến Chư Tôn giáo phẩm trầm trọng. Đây là nỗi đau xót, nhục nhã hiếm thấy trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

3. Việc bạo hành đã và đang xảy ra tại Tu viện Bát Nhã từ trước đến nay, TT. Thích Đức Nghi, Thích Đồng Hạnh và đồng bọn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước luật pháp nhà nước và giáo luật của Giáo hội.

4. Hiện tại khoảng 400 Tăng Ni tu theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã đang bị uy hiếp, khủng bố và bị đe dọa đến tính mạng cần được cứu nguy khẩn cấp.

5. Đề nghị xử lý và giải tỏa đám côn đồ đang chiếm cứ và bạo hành tại Tu viện Bát Nhã cũng như điều tra, làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhóm bạo hành.

6. Đề nghị, Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ nước CHXHCNVN, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các cấp lãnh đạo Tỉnh Lâm Đồng kịp thời giải quyết nhằm ổn định tình hình Phật giáo Lâm Đồng, đem lại niềm tin cho Tăng Ni Phật tử và quần chúng nhân dân
”.

Qua những kiến nghị và đề xuất những giải pháp trên, lúc đó tôi nghĩ rằng tình hình tu học của các Tăng Ni tu theo pháp môn Làng Mai sẽ được giải quyết ổn thỏa. Vì thực chất, những Tăng Ni có quốc tịch nước ngoài đều đã rời khỏi Việt Nam, còn khoảng 400 người đang tu học trong tu viện Bát Nhã đều là những người xuất gia và tạm trú hợp pháp tại tu viện Bát Nhã. Không thể lấy lý do “pháp môn Làng Mai” là của thiền sư Nhất Hạnh mà hành xử một cách lỗ mãng và thiếu văn hoá đối với người tu sĩ Phật giáo ở mức tối thiểu như vậy.

Kính thưa quý ngài,

Một dân tộc đề cao các giá trị Phật giáo bằng quyết định đăng cai Đại lễ Phật đản của Liên hiệp quốc và kế đây (năm 2010) là Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới, không phải chỉ ở việc xây nhiều chùa to, tạc nhiều Phật lớn, mà chính từ trong nếp sống, tinh thần bất tổn hại, thái độ ứng xử bao dung vị tha, nhân ái mới là điều cần thiết để hội tụ tinh hoa văn hoá, giữ cho giá trị xã hội có một hình ảnh tôn nghiêm, đồng thời làm đẹp hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong con mắt cộng đồng thế giới. Người Việt từ bao đời nay vẫn truyền nhau những câu thành ngữ: “Kính Phật thì phải trọng Tăng”, “Tăng đến nhà như Phật Bà giáng phúc”... Tăng là một trong ba ngôi báu (Phật-Pháp-Tăng) của người Phật tử. Việt Nam là một nhà nước pháp quyền XHCN, nhà nước ấy là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Việt Nam cũng là một nước có lịch sử nhiều đời tín Phật, bạn bè thế giới vẫn xem Việt Nam là một quốc gia Phật giáo. Thế nhưng những hành xử của chính quyền địa phương tỉnh Lâm Đồng đối với tu viện Bát Nhã đã đi ra ngoài tinh thần và thái độ ứng xử ấy.

Tôi viết những lời này khi kinh sách, băng giảng, bài viết của thiền sư Nhất Hạnh và Tăng thân Làng Mai vẫn hiện diện trước công chúng mà không có một văn thư nào coi đó là bất hợp pháp, là “phản động” và chưa có một phát biểu chính thức nào từ phía những người lãnh đạo cao nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam xem pháp môn Làng Mai là ngoại đạo, đi ngược lại với Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tôi từng mong ước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ quy tụ và đoàn kết các tông phái, pháp môn để trở thành Hộ Pháp thực sự của dân tộc. Vì đó cũng là lời kêu gọi xoá bỏ hận thù, đoàn kết các thành phần dân tộc để phát triển đất nước trong chủ trương chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam.

Kính thưa quý ngài,

Tận đáy lòng mình, tôi kính xin quý ngài rủ lòng thương xót, bao dung đến những người anh em Phật tử của chúng tôi đang chịu nhiều bất hạnh tại tu viện Bát Nhã. Tôi nghĩ, làm sao người Phật tử có thể ngủ ngon và bình thản trong các sinh hoạt thường nhật khi hình ảnh Phật giáo bị đối xử với nhiều uẩn khúc như vậy? Đây là động cơ thôi thúc tôi trình bày thư ngỏ này và gửi tới quý ngài. Tôi không màng đến những nguy hiểm dành cho bản thân, vì tôi tin tưởng rằng, với trí tuệ sáng suốt và lòng khoan dung, quý ngài sẽ trực tiếp chỉ đạo để giải quyết một cách thấu tình đạt lý đối với vụ việc tu viện Bát Nhã. Việc làm sáng suốt, tạo phúc cho dân của quý ngài sẽ giữ vững niềm tin và sự kỳ vọng của dân chúng, trong đó có người Phật tử Việt Nam đối với nhà nước pháp quyền Việt Nam - Xã hội chủ nghĩa.

Tôi xin chân thành gửi lời cầu nguyện và kính chúc quý ngài thân tâm thường an lạc.

Kính thư!

Tp.HCM, ngày 29/9/2009

Thích Thanh Thắng

5 nhận xét:

  1. thầy ơi! CÁM ƠN thầy đã nói lên tiếng nói của tất cả chúng con những tăng ni trẻ tại Việt nam,mong rằng thầy sẽ làm một gạch nối cho tất cả chúng con.. ngồi lại với nhau...chúng ta phải làm thưa thầy, hãy nói lên tiếng nói dùm cho 400 anh em của chúng ta. Thầy ơi nếu chúng ta không làm thì ai sẽ làm..hay là để cho những anh chị em của mình lần lượt nằm trên giường hấp hối của con đường tu vì không có niềm tin vào những con người dẫn dắt mình. chúng con sẵn sàng cho thầy
    thương kính và đặt niềm tin

    Trả lờiXóa
  2. Chào bạn Long nào đó...

    Tôi ko biết bạn có hiểu hay là ko hiểu, rằng thân mạng là vật quý báu của con người. Thân mạng tu sĩ còn trân quý hơn nữa, vì ko chỉ do cha mẹ sinh ra, đất trời nuôi dưỡng mà còn là sự bao bọc của tăng thân, sự hộ trì của Phật tử khắp nơi.

    Sư thầy sư cô không tàn sát sinh linh khác, thấy người chà đạp lên mình cũng ko vì thế mà hành hạ lại thân người đó, thế thì vì cớ gì lại đi hủy hoại chính thân mạng mình?

    Vài lời để bạn hiểu. Xin đừng cực đoan, xin trân trọng và hộ niệm cho sự bình an của gần 400 tu sĩ Bát Nhã.

    Trả lờiXóa
  3. Chào quí vị,

    Quí vị đã ký thỉnh nguyện thư chưa. Địa chỉ tại:
    http://www.thepetitionsite.com/1/help-bat-nha

    Bây giờ mới có gần 2100 chữ ký trong đó có nhiều
    người ngoại quốc. 2100 là con số quá yếu trong khi VN có
    trên 80 triệu dân ở trong nước và trên 2 triệu dân ở hải ngoại.

    Quí vị nên đọc từng phản biện trong thỉnh nguyện thư. Có
    nhiều ý rất hay.

    Cám ơn,

    PQB

    Trả lờiXóa
  4. Thua Thay,
    Cam on Thay da len tieng, con luc nao cung ung ho nhung suy nghi, bai viet duoc viet ra tu tam long cua mot vi Tu si lo lang cho tuong lai cua Phat giao Viet Nam. Cau chu Phat gia ho cho cac vi o Bat Nha vuot qua kiep nan nay. Mong rang cac vi lanh dao co trach nhiem o Viet Nam hay khoi len tu tam ma nhin lai hanh dong qua khich nay voi Phat giao, day cung la mot vet nho cho Phat giao Viet Nam ma dang buon thay, Giao hoi chung ta cung khong mot hanh dong gi bao ve cho nhan cach cua cac Tu si Phat giao.
    Con cau chuc Thay luon nhieu suc khoe va an lac de co nhieu bai viet co y nghia cho cac Tang ni sinh tre hoc tap, de giup cac Tang ni sinh hay phat huy tinh than Bi Tri Dung cua Phat giao.
    Nguyen Hoang Hai (USA)

    Trả lờiXóa
  5. This is a very well written letter to the government of Vietnam.

    I sincerely hope that the Vietnamese government will listen to Buddhist followers inside Vietnam and around the world who want nothing more than peace, respect for human human rights and religious freedom, and the discontinuation of 24x7 police monitoring around the monks.

    Le Quang

    Trả lờiXóa