Thứ Ba, 28 tháng 10, 2008

MẪU HÌNH NHÂN CÁCH HOÀNG ĐẾ PHẬT TỬ VIỆT NAM


Nếu như phẩm tính Nho gia đều được đúc khuôn bởi những quy chuẩn giáo điều và bị chi phối bởi hai yếu tố chính “thiên ý” và “nhân luân” thì ở Thiền gia mọi sự “bắt chước” đều làm thiếu sinh khí và sức sống. Những công cụ của thiền trở nên hữu hiệu trong việc giải phóng tri thức và đạo đức, xây dựng một nhân cách tự chủ mãnh liệt, tiến tới phá bỏ dần sự giáo điều, cũng như tránh cho đường lối cai trị của họ không rơi vào tình trạng “dân chủ hình thức” cũng như “dân chủ thần bí”, để có thể “dụng Nho, triển Thích” một cách tích cực...


Những nền văn hóa, văn minh từng để lại dấu son trong lịch sử đều gắn liền với mẫu hình của một nhân cách mà phẩm chất Tài-Đức của họ có ảnh hưởng vô cùng rộng lớn đến quần chúng. Tuy nhiên, ngoài nỗ lực tự thân, mỗi bậc quân vương phải chịu sự đào tạo khá bài bản, chính quy từ những mẫu thức nhân cách gần như bắt buộc, mặc dù sức chi phối của họ vào cộng động có thể đến mức tuyệt đối.

Khi tìm hiểu về vai trò và tầm quan trọng của cá nhân trong lịch sử, bên cạnh những ảnh hưởng từ: văn hóa, chính trị, nghệ thuật…, chúng ta cần chú ý đến những nét đặc thù khác trong tư tưởng đã hình thành nên nhân cách riêng của họ. Tuy hiện nay đã có một số nghiên cứu về loại hình nhân cách nhà Nho nhưng vẫn chưa có khảo cứu nào về mẫu hình hoàng đế Phật tử - một mẫu hình nhân cách từng có vai trò ảnh hưởng trong nhiều thế kỷ ở Việt Nam. Vì thế, tìm hiểu nhân cách hoàng đế Phật tử cũng chính là tìm hiểu những nét đồng dị của mẫu hình này trong sự dung thông của các tư tưởng đương thời.

Cũng như các mẫu hình nhân cách khác, mẫu hình hoàng đế Phật tử Việt Nam đều cơ bản nằm trong ảnh hưởng của mẫu hình hoàng đế Trung Hoa, cụ thể trong quỹ đạo: quân - thần, phụ - tử và các mối quan hệ thân tộc, huyết tộc khác. Với ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, đặc biệt là quá trình hiện thực hóa bản ngã và thăng tiến tâm linh một cách cao độ, các hoàng đế Phật tử đã ý thức bước dần ra khỏi mẫu hình hoàng đế Trung Hoa và lối giáo dục “hiếu cổ”, “thuật nhi bất tác”,… để tạo nên một dấu ấn nhân cách riêng trong lịch sử.

Nói cụ thể rằng, họ là những người tạo ra phẩm chất chứ không hoàn toàn do phẩm chất tạo ra. Vì vậy họ đã phần nào dung hòa được yếu tố danh vị (hoàng đế) và quyền hành (thay trời hành hóa), để từ đó đánh mờ bản ngã “thay trời” bằng những nỗ lực tự thân, khẳng định giá trị “nhân vi tối thắng”; vượt qua những giới hạn nhận thức để khám phá chiều sâu thực tại trong bản chất vô thường, khổ, không và vô ngã. Đây chính là khác biệt cơ bản với hình mẫu hoàng đế Nho gia và yếu tố “thiên mệnh”. Thực chất, ở nhà Nho, nói là “thiên mệnh” nhưng hầu như những “luật trời” ấy đều do con người nghĩ ra, dùng nó làm công cụ để thúc ước và chi phối quyền lực cao nhất của hoàng đế, để “con trời” không được mặc sức tự tung tự tác…

Nhận thức được sự hữu hạn, vô thường của thế giới sắc tướng, các vị vua Phật tử đã giải phóng phần lớn những dục vọng cá nhân như tham quyền cố vị, ham hưởng thụ, sợ chết, tìm thuốc trường sinh…; và chính họ là những người đầu tiên trong lịch sử có thể quẳng ngai vàng như quẳng đôi giầy rách. Với nhân sinh quan, thế giới quan Phật giáo, vua Trần Thái Tông phát biểu: “Sự nghiệp các đế vương thuở trước thay đổi bất thường… việc sống chết rơi vào hữu hạn…”; vua Trần Minh Tông nói: “ngoài trời còn có trời”…

Hiểu được ngôi vị vương chủ là hệ quả của tiến trình nhân quả, không phải là “ý trời”, các vị vua Phật tử đã gần như vượt khỏi thói thường của việc đời còn-mất, thịnh-suy, trường-đoản, thọ-yểu…; và họ cũng hiểu việc “Trời nổi can qua” cũng chỉ là đem con người hy sinh cho quyền lực: “Giãi thây trăm họ làm công một người” (Văn Chiêu hồn). Nhận thức ấy giúp các nhà lãnh đạo Phật tử có tầm nhìn xa rộng, đoàn kết và vực dậy các nền học thuật tư tưởng khác để cùng góp sức xây dựng đất nước. Họ đã đánh tan sự xâm lăng của những đế quốc lớn như Tống, Nguyên-Mông, nhưng họ không kỷ công của mình bằng chiến thắng mà bằng một nền văn hóa, nghệ thuật cao, trong đó những thái độ ứng xử bằng nhân quả, nghiệp báo và năm giới, mười lành luôn được khuyến khích.

Đó cũng chính là những bài học căn bản nhất hình thành nhân cách của một con người, tiến tới phổ cập một nền “quốc đức” không chỉ có ảnh hưởng mạnh mẽ trong dân chúng mà rộng khắp trong triều đình. Nho thần Lê Quát từng thốt lên rằng: “Thuyết họa phúc của nhà Phật tác động tới con người, sao mà được người ta tin theo sâu sắc và bền vững như thế. Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật thì dẫu đến hết tiền cũng không sẻn tiếc. Nếu ngày nay gửi gắm tháp chùa thì mừng rỡ như nắm khoán ước để lấy quả báo ngày sau. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tới thôn cùng ngõ hẻm, không mệnh lệnh mà người ta vẫn theo, không thề thốt mà người ta vẫn tin. Chỗ nào có người ở tất có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chuông trống lâu đài chiếm đến nửa phần so với dân cư, đạo Phật hưng thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng… Ta thường dạo xem sông núi, vết chân trên khắp nửa thiên hạ, đi tìm những “Học cung”, “Văn miếu” mà chưa hề thấy một ngôi nào. Đó là điều khiến ta vô cùng hổ thẹn với bọn tín đồ nhà Phật”.

Nếu như khuôn thước nhân cách của các vị vua nói chung là hình mẫu Nghiêu - Thuấn, Thang - Vũ… thì “Thái tổ” (người mở triều) là hình mẫu của các vị vua trong một triều đại. Như một “quy luật”, triều đại nào cũng tìm cách xây dựng cho mình một mẫu hình nhân cách, thậm chí “thánh hóa” nhân cách đó nhằm tạo thế đứng vững chắc cho quyền lực và “vỗ về” niềm tin của dân chúng. Dù cho thế hệ tiếp nối vẫn có những phẩm chất ưu việt của mình (hay từ trong bản chất họ đã có nhiều sự vận động để phản kháng ngầm một cách có hệ thống những tư tưởng đi trước của “tiên tổ”) nhưng trên thực tế họ không muốn tỏ rõ sự “ưu việt” của mình, bởi khi lợi ích chưa bị xâm phạm thì lịch sử của một triều đại không thể cho phép có hai điểm tựa.

Đối với Nho gia, quyền lực tối cao được sản sinh ra bởi “mệnh trời” nhưng họ vẫn phải sử dụng đến chữ “trung” như một hạn cuộc khác để đối phó với những bất ổn do các hành vi “lệch chuẩn” gây ra. Song song với nó là khái niệm “bình” và “trị”, khái niệm này ban đầu được những cái “đầu nóng” đẩy lên thành một “lý tưởng” lớn lao nhằm trấn áp nội loạn và thu phục, thống nhất “thiên hạ” về một mối, để xưng quyền thống trị, trong khi thái độ “thần thuộc giả vờ” và tình trạng cát cứ vẫn ngấm ngầm hay công khai diễn ra ở tất cả các nước bị coi là “nhỏ”.

Các khái niệm này không phải không có ảnh hưởng đối với các vị vua Phật tử, tuy nhiên, như chúng ta đã phân tích, vì nhận ra tính chất hữu hạn và vô thường của thế giới sắc tướng, họ đã sáng suốt hướng tư tưởng của nhân dân vào các mục đích nhân sinh khác nhằm mang lại sự ổn định cần thiết cho xã hội. Chữ “trung” là bài học cay đắng mà chỉ những người trải qua cảnh cùng thông, đắc thất mới thấy hết bản chất “phản động” của nó: “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Nguyễn Trãi đã từng có lúc thốt lên: “Bấy lâu ta đã bị cái mũ nhà Nho nó chụp làm cho sai lầm” để rồi sau đó vượt ra khỏi quy các chuẩn mà tự khẳng định “Ông này đã có thú ông này”…

Chúng ta có thể thấy được tính chất hai mặt “trong họ ngoài làng” của nhà Nho một cách rõ nét: một mặt đề cao lòng nhân, mặt khác lại sử dụng bạo lực một cách triệt để. Những vụ huyết án đẫm máu để thanh trừng các “lực lượng” có nguy cơ “đe dọa” đến lợi ích của họ thường diễn ra một cách vô cớ. Chẳng thế mà vì lý do “nghi ngờ”, “cách tân”… công thức “diệt khai quốc công thần” vẫn đều đặn diễn ra trong lịch sử và chưa có dấu hiệu trở thành quá khứ. Nhận thức được bạo lực không giải quyết hết được những vấn đề nảy sinh trong xã hội, lòng nhân từ được các vị vua Phật tử ứng dụng không những làm cho cả xã hội nhân hậu mà còn tạo nên những sức mạnh to lớn khác để đánh đuổi quân xâm lược (Vô vi cư điện các, Xứ xứ tức binh đao). Điều gì đã làm cho triều đại Lý-Trần, với những vị vua Phật tử nổi tiếng nhân từ có thể huy động niềm tin và sức mạnh của nhân dân để lần lượt đánh bại các cuộc xâm lăng của những đế quốc hùng mạnh Tống và Nguyên-Mông? Chỉ có coi ngai vàng như đôi giầy rách, coi thân là giả tạm, và đặt mình vào lý tưởng Bồ tát “ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục”… mới có thể làm nên sức mạnh to lớn ấy.

Sự biến động của thời cuộc có thể biến một kẻ thất phu thành anh hùng và ngược lại…, song guồng máy trị loạn dù có được đắp đổi như thế nào nó cũng phải lặp lại tính chất cố hữu của nó đó chính là thành lập một tập đoàn tư tưởng chính trị mới theo kiểu “thắng làm vua, thua làm giặc”. Dĩ nhiên, xét một cách biện chứng, cái gì lên đến đỉnh cao thì cũng phải đi xuống. Nếu không thừa nhận điều “vô thường” ấy thì sẽ gây nên một sự tranh chấp quyền lực mới, và khi không hội đủ khả năng tranh chấp thì xu thế “cõng rắn về cắn gà nhà” tất yếu diễn ra, và cảnh nồi da xáo thịt là điều không thể tránh khỏi cho lịch sử một dân tộc. Đó chính là vòng luân hồi của quyền lực và anh hùng…

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể khái quát một vài nét tiêu biểu về mẫu hình nhân cách hoàng đế Phật tử như sau:
- Bốn đức lớn Từ-Bi-Hỷ-Xả của Phật khi được triển khai và thực thi ở người lãnh đạo cao nhất đã có tác dụng thiết thực lên đời sống xã hội. Trong khi hầu hết các vị vua Phật tử và không ít quần thần của họ đều thọ nhận và thực hành giới Bồ tát, mà điểm quan trọng nhất của giới Bồ tát là “bất sát”. Tuy nhiên, bốn đức trên được bổ sung bằng ba yếu tố khác: Bi-Trí-Dũng (được hiểu là: có lòng thương xót mà không có trí và dũng thì không thể cứu người; có trí mà thiếu lòng bi, dũng thì thấy người chết không cứu, hoặc không đủ sức cứu; có dũng mà không có bi trí thì không biết khởi tâm cứu và không biết cách cứu). Đây cũng chính là những đức tính cần thiết để các vị vua Phật tử ứng dụng vào việc trị nước cũng như đánh đuổi quân xâm lược.

- Các vị vua Phật tử cũng bộc lộ phẩm chất chung của một bậc quân vương: văn chương, võ lược…, nhưng họ sinh ra không hoàn toàn để lập thân, lập danh nên khái niệm “anh hùng” trong họ không phải là tài “kinh bang tế thế” mà là những nỗ lực tối đa để chiến thắng chính mình: “Rút kiếm trị loạn sao bằng chính mình mở hộp báu ra” (Trần Thái Tông). Sức vươn lên mãnh liệt của họ chính là ra khỏi sinh tử, xứng với pháp hiệu “Giác Thánh Trung Vương” (Bậc thánh giác ngộ trong các hàng vua).

- Xu hướng nhập thế-xuất thế không phải lúc nào cũng dễ dàng phân định ở mẫu hình nhân cách này. Nếu như vấn đề “xuất-nhập” của nhà Nho gắn với sự khủng hoảng trong niềm tin, nhận thức, hay bị ruồng bỏ, ghẻ lạnh thì “xuất-nhập” của các vị vua Phật tử là tùy thuận. Khi thực hiện lý tưởng Bồ tát, nói như kinh Pháp Hoa: “Hiện đủ các thân hình khác nhau để độ chúng sinh viên mãn” thì làm vua, làm dân, làm thiền sư, làm thi sĩ… cũng không ngoài tâm nguyện độ sinh. Khi làm vua thì khả năng dấn thân, nhập thế thuận lợi hơn, biến sức mạnh quyền uy thành hiện thực tốt đẹp mang lại thái bình, yên ổn cho đất nước. Trần Thánh Tông nói: “Tuy bề ngoài là cả thiên hạ phụng sự một người tôn quý, nhưng bên trong thì ta cùng các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thi cùng vui…”. Tuy nhiên, “xuất thế” ở họ cũng là nhập thế ở một phương diện khác. Vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con lên Yên Tử xuất gia, sau đó đi khắp thôn làng để khuyên dân thực hành 5 giới, 10 thiện. Nếu như sự vượt trội về nhân cách của các hoàng đế được khẳng định bằng những lời xưng tán: anh minh, thần võ, trí tuệ, hiếu nhân thì sự khẳng định của các vị vua Phật tử về mặt thiền học còn cung cấp cho họ một thế giới quan siêu việt. Từ đó, ngoài nhân cách anh hùng, họ còn có nhân cách của một bậc hiền triết. Mẫu hình hoàng đế-hiền triết là mẫu hình xuất hiện không nhiều trong lịch sử tư tưởng loài người.

- Các nhà Nho luôn khẳng định vị trí hơn đời, khác người bằng cách đặt mình lên trên yếu tố “phàm tục” để trở thành tiên, hiền, quân tử thì với khả năng giác ngộ cao nhất, sự phóng nhiệm, hòa nhập, cộng thông với thực tại đã đưa các vị vua khẳng định một tư tưởng: “Có không xóa hết, đạo tục san bằng”, “Hang quỷ ở là lâu đài Di Lặc, núi Hắc sơn đâu khác cảnh giới Phổ Hiền,… Chốn chốn là đại quang minh tạng…” (Trần Thái Tông), hay “Tịnh độ là lòng trong sạch, Di Đà là tự tính sáng soi…” (Trần Nhân Tông)… Nói cách khác, tư tưởng “Bất nhị” đã hình thành trong họ một “nhân cách vô ngã”.

- Nếu như phẩm tính Nho gia đều được đúc khuôn bởi những quy chuẩn giáo điều và bị chi phối bởi hai yếu tố chính “thiên ý” và “nhân luân” thì ở Thiền gia mọi sự “bắt chước” đều làm thiếu sinh khí và sức sống. Những công cụ của thiền trở nên hữu hiệu trong việc giải phóng tri thức và đạo đức, xây dựng một nhân cách tự chủ mãnh liệt, tiến tới phá bỏ dần sự giáo điều, cũng như tránh cho đường lối cai trị của họ không rơi vào tình trạng “dân chủ hình thức” cũng như “dân chủ thần bí”, để có thể “dụng Nho, triển Thích” một cách tích cực...

Có thể nói, quá trình cá thể hóa của từng loại hình nhân cách mang những đặc trưng riêng biệt, cũng như chịu sự thúc ước của hệ tư tưởng đương thời. Những yếu tố đồng dị của tư tưởng Tam giáo đã ít nhiều ảnh hưởng đến nhân cách của các vị hoàng đế Phật tử. Tuy nhiên, bằng việc ứng dụng tư tưởng Phật giáo, các hoàng đế Phật tử đã để lại những thành tựu to lớn về các mặt chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế…, đặc biệt là sức sống văn hóa, tâm linh. Về cả lý thuyết và thực tiễn, chúng ta có thể thấy mối liên hệ nhân quả, cũng như cộng nghiệp sâu xa của một thời đại. Hai từ khoan dung và thuần từ được dùng để nói về triều đại Lý-Trần là minh chứng rõ nét nhất của tư tưởng Phật giáo cũng như tác động của nhân cách hoàng đế Phật tử vào cộng đồng và lịch sử. Trong đó, khoan dung đã và đang là mẫu hình nhân cách mà cả thế giới hiện đại Đông-Tây ngày hôm nay nỗ lực kêu gọi con người hướng đến.

Thích Thanh Thắng

(Theo Văn hoá Phật giáo)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét