Những vấn đề cần phải thừa nhận và nhìn nhận nơi Giáo hội đã quá nhiều và được gợi đi gợi lại. Đó là những cảm nhận riêng hay những điều tai nghe mắt thấy, nhưng dù xuất phát từ góc nhìn nào thì Giáo hội cũng không thể thay đổi được cách nghĩ rằng chúng ta đang có một giáo hội già cả, quá thụ động, mất nền tảng và chú trọng vào những hình ảnh bề nổi, tức là những quả bóng bóng nhiều màu khi thả nó lên trời cho thiên hạ ngắm xong rồi thì không biết nó đi đâu về đâu.
Những khó khăn bước đầu của chúng ta là giáo hội tự thân vân động, về cả nhân sự lẫn tài chính. Nhưng không phải không có điều kiện để quy tụ và hội đủ những điều kể trên. Tuy nhiên do nhiều năm nay thụ động trông chờ vào sự quan tâm của nhà nước những sự kiện quan trọng, thậm chí có việc người ta phải nghĩ cho mình làm. Chính vì sự thụ động này mà chúng ta nhận thấy nó ảnh hưởng vào toàn bộ các lề lối sinh hoạt của giáo hội hiện nay. Một giáo hội thích tụ tập, họp hành nhưng công việc thì gần như giậm chân tại chỗ. Mới mấy tháng nay có một bản tin hoạt động giáo hội, tưởng rằng có gì đao to búa lớn, hóa ra toàn những chuyện húy kỵ, viếng thăm, giải quyết mấy chuyện tranh chấp chùa chiền, bổ nhiệm trụ trì, góp tiền làm từ thiện… Sau bản tin “hào hứng nhất thời” đó, lại là sự im ắng đến đáng sợ.
Điều chúng ta cần là một Giáo hội nhiều ý tưởng và sáng tạo, nhiều việc làm chuyển biến, nhiều dấn thân vào cuộc sống. Vậy muốn nhiều ý tưởng và sáng tạo, chúng ta phải cần có những con người dám nghĩ, dám nói, dám tự chịu trách nhiệm. Và chúng ta cứ phải bàn mãi cái câu chuyện về tuổi tác. Người già cả kinh nghiệm nên ngồi trên con thuyền, còn người lèo lái con thuyền phải là những người có tài lực và trí tuệ. Kinh nghiệm là cái vốn quý báu, nhưng nó chỉ được nên dùng trong những hoàn cảnh, điều kiện cần đến sự cố vấn. Sự chênh lệch trong nhận thức thời đại đã vượt xa những kinh nghiệm cũ, và phần nào kinh nghiệm ấy đã không còn phù hợp với điều kiện và thách thức mới. Phải nói ngay rằng, nếu quý hòa thượng không thể theo kịp những diễn biến đang đổi thay từng ngày, từng giờ, từng phút của xã hội để điều chỉnh hướng đi thích hợp cho giáo hội thì quý hòa thượng tự mang dây mà buộc vào mình và có lỗi với các thế hệ Phật tử kế cận.
Chăm lo giềng mối đạo đức là điều quan trọng nơi những bận tu hành đạo cao đức trọng, nhưng trí tuệ cũng vô cùng cần thiết trước những thách thức khắc nghiệt của thời cuộc. Hoặc chúng ta cùng song hành cũng xã hội hiện đại tiến lên, hoặc chúng ta bị đào thải, bị gạt ra khỏi ngoài lề xã hội.
Điều đáng nói những vần đề này đã được bàn đến cả gần trăm năm nay, từ những năm đầu của thế kỷ 20. Nhưng như chúng ta đã thấy đến bây giờ vẫn còn phải bàn “chay”, “độc thoại buồn” và rồi nhanh chóng rơi vào một khoảng không nào đó. Đến bây giờ mà chúng ta vẫn còn thấy những ngôi chùa hoang, những ngôi chùa không ai chăm sóc tu bổ, nhiều vùng quê, làng xã chưa khôi phục được ngôi chùa cho sinh hoạt tâm linh của cộng đồng. Đó không phải là những hình ảnh của một Giáo hội thụ động với hầu hết những Ban Trị sự khá nặng nề và chậm chạp, chờ người tìm đến mình, chứ không phải tìm đến người mà độ người.
Vậy Giáo hội đang đối mặt với những câu hỏi nào dành cho chính mình?
Giáo hội có thiếu tinh thần quyết tâm để chấn chỉnh không hiện tranh Tăng Ni lượng nhiều chất ít hiện nay không? Giáo hội có thiếu tiền để làm những sự kiện quan trọng như đào tạo một thế hệ Tăng Ni đặc biệt có khả năng tiếp nối không? Giáo hội có thiếu nguồn nhân lực có tài đức để làm việc giáo hội không hay là do “cha truyền con nối” với quan điểm “trong họ ngoài làng” để giữ ghế, giữ chân? Giáo hội có một chiến lượn phát triển ngắn và dài hạn cho từng vấn đề cụ thể không? Giáo hội có quá tự mãn với những gì mình đang có mà quên đi những yếu kém và biết bao nhiêu điều chưa đáp ứng được mong mỏi của xã hội không? Giáo hội có tập hợp được sự đoàn kết của các tông phái vùng miền không? Giáo hội đang kế thừa những tư tưởng nào của tiền nhân hay không biết lấy tư tưởng nào làm kim chỉ nam? Giáo hội đang làm gì để làm mới hình ảnh của chính mình ít nhất là từ khi thống nhất năm 1981? Giáo hội có phải là nơi tìm kiếm danh vọng và địa vị không? Giáo hội có phải đang sở hữu những nhân tố tốt nhất về cả tài và đức không? Giáo hội có chiến lược gì trong việc nâng cao chất lượng của người tu sĩ và cư sĩ không? Giáo hội tham dự vào đời sống xã hội bằng những lĩnh vực cụ thể gì? Trong thời đại công nghệ thông tin, Giáo hội có chiến lược gì cho sự tham gia sâu rộng vào mạng lưới này? Giáo hội có đủ sức mạnh từ những người trẻ để phản biện lại với những ý tưởng “cầu nhàn”, “không ưa mạo hiểm” của bề trên, trưởng thượng không? Giáo hội đã có chiến lược hoằng pháp gì cho những người trẻ? Giáo hội có đồ án gì cho việc xây dựng một nền tảng tâm linh gia đình để ứng phó với nạn bạo hành, ly hôn, phá thai....? Giáo hội tham gia vào việc xã hội hóa giáo dục đã bài bản chưa hay chỉ là tự phát?
Có lẽ nếu cứ ngồi mà đặt câu hỏi như vậy thì không biết phải đến lúc nào mới hết. Nhưng chắc chắn rằng có đặt nhiều câu hỏi như vậy cũng chẳng có nhiều câu trả lời cho chúng ta đâu. Nói vậy nghe có vẻ bi quan. Nhưng quả thực Giáo hội đang không được xây dựng trên một cái nền móng vững chắc, trước những tình huống xã hội thiếu suy ngẫm, thiếu phân tích, thiếu tổng hợp, thiếu hành động. Hôm nay đổ cái tường bên Tây thì lục đục kéo nhau tới họp hành, quyên góp sửa chữa. Ngày mai cái nhà nó dột mái Đông thì lại lục tục kéo nhau tới họp hành, quyên góp và sửa chữa.
Nếu cứ như vậy khi quanh năm suốt tháng cứ phải họp hành, quyên góp, chạy vòng qua vòng lại, hết cái vòng này thì vòng kia đã hỏng… Và thế là chúng ta có một hình ảnh Giáo hội vá víu, chắp nối, đuổi theo công việc, và đuổi riết một hồi thì hụt hơi, đuối sức và đau đớn nhất là khi chúng ta phải nghe tin báo viên tịch, từ trần. Người ra đi thì vĩnh viễn ra đi còn người ở lại thì tiếp tục cái vòng luẩn quẩn ấy cho đến ngày người khác báo tin mình viên tịch, từ trần.
Chúng ta cứ phải nói thẳng với nhau như thế. Vì sao? Vì chưa có Ban, Ngành nào xây dựng một đồ án phát triển cho mình. Cả về cơ sở, nhân sự, lẫn tài chính. Chẳng hạn ban nghi lễ. Chúng ta phải có một Trung tâm Ban chỉ đạo với những nhân sự tốt nhất để xây dựng những hình ảnh nghi lễ theo đúng bài bản và truyền thống Phật giáo. Nghi lễ tấn phong pháp chủ ra sao, đã uy nghiêm và trang trọng chưa? Nghi lễ tấm phong Hòa thượng thế nào, tập trung làm ở đâu? Nghi lễ ma chay cưới hỏi theo truyền thống Phật giáo như thế nào, hướng dẫn cách làm cụ thể và thống nhất để khi người Phật tử hữu sự thì theo đó mà làm… Muốn như vậy thì Ban nghi lễ phải vận hành một website, cung cấp tất cả những hình thức nghi lễ có từ trong lịch sử, các nghi lễ phong tục cưới hỏi ma chay trong đời sống cộng đồng và cách hướng dẫn theo nghi thức Phật giáo, chôn thì như thế nào mà thiêu thì ra làm sao, có những lý giải và hướng dẫn để người Phật tử hiểu…
Về các Ban, Ngành khác cũng như vậy, cần phải xây dựng, điều phối và chỉ đạo các vấn đề liên quan đến lĩnh vực của Ban ngành mình. Và điều ưu tiên nhất đó chính là mỗi Ban ngành viện phải có một website hoạt động để cung cấp thông tin, hướng dẫn cũng như những chỉ đạo, để các Ban Trị sự tỉnh thành nắm bắt, phản ứng kịp thời với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Các Ban, Ngành phải có những gắn kết nhịp nhàng, đề xuất và những hình thức thu hút, tự tìm nhân tài về Ban ngành mình, không cần phải thông qua một nhiệm kỳ 5 năm quá dài và vô cùng hình thức. Nhiều khi 5 năm trôi qua là mất đi cả một thế hệ ưu tú, trong khi những nhân vật gần như được chỉ định vào các Ban, Ngành hoạt động không hiểu quả, một năm được đôi ba lần, ồn ào, họp hành còn thì ngôi chơi xơi nước cả năm không đóng góp được trí tuệ và tài năng gì nhiều.
Như vậy cần có những chính sách thu hút nhân tài, những sự đãi ngộ cao, sự phân bổ đảm nhiệm chức vụ, khuyến khích Tăng Ni, Phật tử trẻ có học vấn tham gia viết đồ án phát triển, hay hoạch định những hoạt động tâm điểm và vệ tinh, ngắn hạn và dài hạn của các ban ngành viện. Khi nhận được các bản đồ án ấy phải có thù lao, nhuận bút xứng đáng, thậm chí đặc biệt với những công sức mà họ bỏ ra.
Các Tăng Ni trẻ ra trường nên khuyến khích họ tập trung thành từng nhóm, nghiên cứu thực tế đưa ra những giải pháp cụ thể để tiến hành làm. Chẳng hạn, nghiên cứu về thực trạng của những Tăng Ni đi độ tử, cúng đám tại các miền
Nếu Ban Ngành nào cũng lên kế hoạch, xây dựng, lựa chọn những đề án tốt nhất để tiến hành thí điểm. Muốn có nhiều sự lưa chọn, phải khuyến khích bằng nhiều hình thức. Khi đã có những hướng đi cụ thể thì bộ máy cứ cắt cử theo đó mà làm, khi làm thì có thưởng phạt phân minh, làm tắc trách, gây hậu quả thì các hình thức cụ thể như kỷ luật, bãi nhiễm chức vụ, thuyên chuyển nơi làm việc…
Chúng ta có những ai đủ trình độ, đủ vị tha, đủ sáng suốt, đủ bình tĩnh để lắng nghe tiếng nói của người khác. Nếu có ai đó gửi đến những bản kiến nghị tốt đẹp, những đồ án phát triển liệu chúng ta có trân trọng họ mà triển khai từng phần và ưu tiên những gì khả thể, phù hợp với điều kiện, hay lại vì mâu thuẫn cá nhân, bè phái mà để ý tưởng của người khác chìm khuất vào bóng tối.
Trong bao nhiêu những Tăng, Ni trẻ được ăn học đàng hoàng, sau ngần ấy năm học, có ai đã từng ngồi suy tư, ghi ra những trăn trở của mình về sự phát triển của Giáo hội, hay chúng ta đi học chỉ để kiếm mảnh bằng mà đem khoe trình độ với người Phật tử?
Những Lãnh đạo của đất nước mà làm cho đất nước ấy yếu kém là những lãnh đạo phụ lòng dân, ăn cơm của dân mà bỏ rơi dân. Những người lãnh đạo Phật giáo mà để Phật giáo suy thoái, phát triển bề nổi có lượng mà thiếu chất thì những lãnh đạo ấy cũng không xứng với miếng cơm, manh áo mà tín thí đàn na đã bỏ ra để cung phụng mình. Nhưng Tăng Ni đi theo con đường phụng sự chúng sinh mà bỏ rơi chúng sinh, lo ích kỷ cho bản thân mình, ngồi hưởng thụ đồ cúng dường là những Tăng Ni làm nhục sứ mệnh của Thầy Tổ, không xứng đáng đứng vào hàng ngũ Tăng Ni. Ý thức ấy, ý chí ấy chúng ta phải giáo dục Tăng Ni từ khi còn sơ cơ, bằng không với cái vẻ hào nhoáng bề ngoài, nhiều người cứ tưởng rằng bước vào con đường xuất gia là để kiếm chác lợi danh, cầu nhàn hưởng thụ.
Có bao nhiêu câu hỏi đặt ra cho Giáo hội này là có bấy nhiêu suy tư trăn trở của người viết. Nhưng nếu không có sự thay đổi từ bên trên thì phải quyết liệt thay đổi từ bên dưới. Mong những Tăng, Ni trẻ khoác trên mình chiếc áo thầy tu, hãy ý thức nhiều hơn về vai trò và hình ảnh của chính mình. Trước khi để những tư tưởng của mình được trưởng thành, già dặn hãy nuôi dưỡng ý chí và quyết tâm cống hiến, trau dồi học vấn để chủ động dân thân, tạo một cách đối thoại của chính mình trên tinh thần xây dựng. Internet có thể giúp chúng ta làm việc đó. Hoằng pháp lợi sinh có thể bắt đầu từ đây, Tăng Ni trẻ đừng chần chừ gì nữa. Những huynh đệ nào chưa đủ điều kiện làm việc hãy hoan hỷ với việc làm lợi ích chung, bắt đầu hoàn thiện từ bước đi, hơi thở, lời ăn tiếng nói và ứng xử hàng ngày của mình, để làm sao sống cho xứng với danh xưng người Phật tử, làm tốt cho đời, vẻ vang cho đạo. Diễn biến xã hội ngày càng phức tạp, vì vậy trách nhiệm xã hội của mình chính là đừng đừng ngoài lề xã hội. Đúng như tinh thần “hộ quốc an dân” truyền đời, bất diệt của Phật giáo trong lòng dân tộc.
Trần Điều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét