Thứ Tư, 1 tháng 10, 2008

PHÁT BIỂU NGHIÊM KHẮC CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TRƯỚC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM VỀ VỤ “CẦU NGUYỆN ĐÒI ĐẤT”


- Video: TT Nguyễn Tấn Dũng tiếp đại diện HĐGMVN

http://www.vtv.vn/VN/TrangChu/TinTuc/CKX/2008/10/1/185509/

Sau lời nói “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” của ông Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục giáo phận Hà Nội, các tin tức trên truyền thông Công giáo gần như khựng lại và bị sốc. Tuy nhiên, sau khi choáng váng bởi câu nói mà chính họ cũng phải mường tượng ra một viễn cảnh tồi tệ cho vụ việc “cầu nguyện đòi đất”, thói chống chế lại xuất hiện một cách “cuồng tín” hơn. Lời chủ chăn bao giờ cũng “là vàng, là ngọc” cho dù họ hiểu rằng lời nói của ông Ngô Quang Kiệt đã bị cả xã hội lên án, dù có bao biện ở trong bất cứ ngữ cảnh nào. Những người cầu nguyện ngồi vỗ tay khi nghe lại lời ông Tổng Kiệt đã minh chứng rằng họ không còn đủ đầu óc bình tĩnh và sáng suốt để lắng nghe những gì mà cả xã hội đang nói. Đó cũng là chiến dịch thông tin mà các chủ chăn đưa ra: chỉ đọc những bài viết trên các trang nhà Công giáo thôi.

Đây cũng chính là những gì mà Hội đồng Giám mục Việt Nam đã bị hớ sau khi nhận được đơn đề nghị xử lý theo giáo luật của chính quyền Hà Nội đối với ông Ngô Quang Kiệt và một số giáo sĩ bên nhà thờ Thái Hà. Hội đồng Giám mục Việt Nam, dưới chữ ký của ông Nguyễn n Nhơn đã viết: “Chúng tôi thấy các vị này không làm bất cứ điều gì ngược lại với giáo luật hiện hành của Giáo hội”. Và cũng không kém phần thách thức tuy có khiêm nhường hơn “Đơn khiếu nại khẩn cấp” của ông Tổng Kiệt, đó là việc gửi theo một văn bản đính kèm có tên là “Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay”.

Có thể nói, phát ngôn chính thức của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng được xem là một phát ngôn “lỡ lời” không thua kém gì phát ngôn của ông Tổng Kiệt. Vì cả xã hội và chính quyền, nhà nước đang lên án những hành vi vi phạm pháp luật và câu nói có ý miệt thị dân tộc như vậy thì Hội đồng Giám mục Việt Nam lại thấy “không vi phạm giáo luật gì cả”.

Phải nói rằng chính quyền Hà Nội rất khôn ngoan khi yêu cầu Hội đồng Giám mục Việt Nam xử lý những “giáo dân” kia theo giáo luật. Vì họ hiểu rằng sẽ không có một thứ giáo luật nào lại cho phép người theo giáo luật ấy có thể vi phạm pháp luật, xuyên tạc, đe dọa, miệt thị nhà nước và dân tộc.

Hội đồng Giám mục Việt Nam đã cố tình không hiểu ý tứ này hay do vụ việc cầu nguyện đòi đất đã được họ “hiệp thông” từ trước. Nếu không có sự “hiệp thông” ấy, một mình ông Tổng Kiệt có thể ngạo mạn như vậy không?

Bất cứ ai có một chút kiến thức về pháp luật và chính trị khi đọc đơn “Khiếu nại khẩn cấp” của ông Ngô Quang Kiệt cũng có thể hiểu rằng, ông ta đang tự cho phép đặt mình cao hơn pháp luật Việt Nam. Và những lời lẽ ấy, khó ai có thể tưởng tượng rằng đó là lời nói của một công dân, bởi ai cũng nghĩ rằng hình như đó là một bản cảnh cáo của Chủ tịch nước hay Thủ tướng Chính phủ đối với một tổ chức vi phạm pháp luật thì đúng hơn:

“Đài Truyền hình đã đưa tin về dự án, trong đó đã xuyên tạc nội dung và hình ảnh để dọn đường dư luận cho việc làm bất chấp luật pháp này”.

“Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đang tiến hành. Vụ việc này là hành động bất chấp nguyện vọng của cộng đồng Công giáo, bất chấp luật pháp và coi thường tổ chức Giáo hội Công giáo Việt Nam. Việc này cũng là hành động chà đạp lên đạo đức, lương tâm mọi người trong xã hội đối với tôn giáo được nhà nước công nhận.

Chấm dứt ngay hàng động phong tỏa Tòa Tổng Giám mục và việc phá hoại tài sản 

“Trả lại nguyên trạng khu đất cho chúng tôi sử dụng vào mục đích tôn giáo, phục vụ cộng đồng”.

Thành phố Hà Nội phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những điều có thể xảy ra trong việc chiếm đoạt tài sản của chúng tôi. Chúng tôi có quyền sử dụng mọi khả năng có thể để bảo vệ tài sản của chúng tôi

“Yêu cầu có sự can thiệp khẩn cấp của ngài Chủ tịch nước, ngài Thủ tướng Chính phủ, chính quyền Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan để dừng ngay những hành động này”.

Với những lời lẽ này, hình như quan tòa đã trở thành tội phạm. Và hình như ông Tổng Kiệt đang thay thế vai trò của nhà nước thì phải. Vì sao ông Tổng này đặt mình ở thế ngang hàng, thậm chí cao hơn pháp luật như vậy? Phải chăng ông cho rằng Tòa Tổng Giám mục Hà Nội là “Bộ ngoại giao” của Vatican. Phải chăng Hội đồng Giám mục Việt Nam là “nhà nước mới” của Vatican tại Việt Nam?

Hồng y Phạm Minh Mẫn, một số Giám mục tại các tỉnh a-dua hiệp thông “cầu nguyện”. Hội đồng Giám mục Việt Nam giả bộ như ngây như điếc không ý kiến gì. Tất cả như một động lực để ông Tổng Kiệt “Thay Chúa Trời hành đạo” bằng các luật của riêng ông ta. Tức là “đòi” một mảnh đất của chính quyền thực dân cấp, không cần biết mảnh đất đó đã bị Giám mục Puginier và giáo gian bán nước Nguyễn Hữu Độ dùng thủ đoạn cướp chùa Báo Thiên, một ngôi chùa nổi tiếng nhất tại kinh thành Thăng Long. Chắc ông Tổng Kiệt cũng phải hiểu rằng một mảnh đất đi chiếm đoạt bằng đầu óc thực dân xâm lược thì vĩnh viễn không bao giờ xứng danh sở hữu chủ. Và ông phải hiểu hệ quả của việc mất di sản không phải là mất một mảnh đất đơn thuần mà là mất chủ quyền dân tộc. Chỉ khi mất chủ quyền dân tộc thì di sản mới bị ngang nhiên cướp phá như vậy.

Sau khi ông Tổng Kiệt dùng những lời lẽ hống hách trong “Đơn khiếu nại khẩn cấp” ấy, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã không đủ khả năng phân tích lá đơn một cách bình tĩnh, còn để ông Tổng Kiệt cho bắc loa công suất lớn phát đi những lời lẽ này. Và sau khi được triệu lên “làm khách” với UBND Tp. Hà Nội, ông ta vẫn giữ thái độ “Chủ tịch nước” của mình “Tôi không tranh chấp với nhà nước”, giống như một chủ thể ngang hàng. Và những lời lẽ phơi bày lòng dạ đã được phát ra: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”.

Những mong muốn “đất nước lớn mạnh”, “đoàn kết”, “đi đâu cũng được người ta kính trọng” của ông Tổng Kiệt luôn trái với những gì ông ta làm và kích động những “giáo dân” (trước khi làm giáo dân phải làm tốt vai trò của một công dân) cuồng tín làm.

Tuy nhiên khi câu nói của ông Tổng Kiệt được phát đi, chiến dịch truyền thông Công giáo lại vào cuộc bao biện, bào chữa cho lời Tổng Kiệt là nằm trong “ngữ cảnh” mong đất nước phát triển lớn mạnh, đoàn kết… Thế nhưng một điều chéo ngoe là trước khi câu nói của Tổng Kiệt chưa phát ra thì không có một thông tin Công giáo nào mong đất nước này phát triển, đoàn kết cả mà hình như họ đang nhìn Cộng sản và những gì liên quan đến Cộng sản là đầy dẫy tham nhũng, xấu xa, là “quỷ satan” với những ngôn ngữ đầy hằn học, bực tức, miệt thị, thậm chí còn rêu rao về một cuộc lật đổ chế độ…

Những ngôn ngữ ấy trong truyền thông Công giáo không biết đang cổ vũ cho sự đoàn kết, phát triển lớn mạnh ở nước nào vậy? Nếu ở cái nước Việt Nam này thì sao lời nói và việc làm của họ lại xa cách nhau như thế? Dù họ có cắt xén câu nói trong “ngữ cảnh” như thế nào thì họ cũng không thể cắt xén được cái dã tâm của những người cầu nguyện. Vì căn bản dã tâm đã như vậy thì ngôn ngữ phải tương đồng thôi. Không thể có một đất nước nào “đoàn kết” và “lớn mạnh” khi người ta bất chấp luật pháp và cả lương tâm lịch sử như vậy. Vì với những gì mình đã ứng xử với dân tộc, với các tôn giáo khác mới chỉ là một quá khứ không xa, chẳng lẽ cả một Giáo hội với bao nhiêu bộ óc chứa đầy tri thức lại không thể chứa nổi một chút lương tâm và lòng hổ thẹn nào sao?

Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã phải chính thức xin lỗi nhân loại với việc công bố 7 núi tội của đạo Công giáo với loài người, chắc chắn trong đó phải có núi tội trong ứng xử với dân tộc Việt Nam. Và một trong những điều đáng hổ thẹn nhất chính là Giáo hội của “tình yêu vô bờ” ấy đã xúi giục Mỹ bỏ bom nguyên tử tại miền Bắc.

Nếu đã có quá nhiều những thái độ chống đối như vậy thì cứ ngang nhiên làm kẻ chống đối việc gì phải vội núp vào cái “ngữ cảnh” mà rất nhiều những mong muốn hão huyền như vậy. Đó chẳng phải là lật lọng sao?

Ông Tổng Kiệt đã không làm chủ được lời nói và hành động của mình đã đành vì nó mang tính cá nhân, nhưng ngay cả Hội đồng Giám mục cũng không làm chủ được ngôn từ và hành động của mình thì những giáo dân chân chính biết đặt niềm tin vào ai để xây dựng một giáo hội “đồng hành cùng dân tộc”. Nếu nhất quyết đi theo đường lối của “Thư Chung” thì tại sao Hội đồng Giám mục Việt Nam lại vội vã viết: “Chúng tôi thấy các vị này không làm bất cứ điều gì ngược lại với giáo luật hiện hành của Giáo hội”.

Có thể họ chưa xem dư luận xã hội ra gì cả. Và để chứng minh “quyền lực thực thụ” của mình để cổ vũ cho những bộ óc hiếu kỳ về những tham vọng chính trị, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng theo tổng Kiệt đặt “giáo luật” của mình cao hơn pháp luật nhà nước. Nếu ai đã đọc lịch sử thực dân và chính sách của đạo Công giáo thì thấy điều này có sự tương đồng kinh ngạc với lịch sử truyền giáo của họ. Không lúc nào coi pháp luật triều đình ra gì cả:

Không chối cãi được, một số Giám mục Pháp đã hùa với các nỗi ghen ghét, hận thù sục sôi ở nơi họ sống; họ làm hại các con chiên một cách nghiêm trọng khi đẩy những người này vào một cuộc nổi dậy chống lại chính phủ An Nam.
Việc chinh phạt của Pháp chỉ là cái cớ bề ngoài, còn lý do căn bản là sự tranh chấp phe phái. Nên để ý là một số vụ nổi loạn do những kẻ tự xưng là con cháu nhà Lê đều có các viên chỉ huy là Thiên Chúa giáo… Cầm đầu các đám tín đồ Thiên Chúa đi cướp bóc, đốt phá các làng phi Thiên Chúa và triệt hạ chùa chiền thường là các linh mục hay các kẻ truyền đạo: họ bổ nhiệm các viên đội, tụ tập binh lính mà đa số, theo lời thú nhận đều là đầu trộm đuôi cướp
” (Philastre gửi Dupré, 15-1-1874, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 13506 số 4 – Theo Luận án tiến sĩ của Cao Huy Thuần).

“Chúng tôi thấy một số lớn làng bị thiêu rụi. Khổ thay, cứ mỗi lúc, các tín đồ Thiên Chúa giáo thấy kẻ thù của họ biến mất, hoặc họ tự thấy mình mạnh hơn thì họ lại đi hành quân, trả thù không gớm tay, rồi đến phiên họ lại đốt và giết. Hầu hết họ đều có võ trang, và tôi tin rằng, chính các nhà truyền giáo cũng không ngăn cản nổi. Đó là điều đáng tiếc, vì các quan mới từ Huế ra đều nhân cớ đó mà xác nhận rằng, chính các tín đồ Thiên Chúa gây sự, chính những người này là nguyên nhân đầu tiên của mọi đau khổ. Hơn nữa, vì những con chiên có nhiều khí giới, nên họ sẵn sàng xem những con chiên là những kẻ làm loạn” (Báo cáo của Harmand ngày 24-1-1874, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 11689/54 - sđd).

“Tôi tin rằng Giám mục Gauthier và Giám mục Purinier nhất là ông sau này không chịu nổi ý kiến một giải pháp hòa bình cho vấn đề: giải pháp này sẽ phá tan hy vọng của họ mong muốn thấy một chính phủ riêng biệt, chính phủ này có lẽ sẽ là một chính phủ Công giáo. Các tín đồ Công giáo lại càng phóng đại hơn nữa các ý tưởng đó và xúi giục các linh mục, các người chăn dẫn họ để đưa đến một sự đổ vỡ mới giữa hai chính phủ… Suốt ngày chúng tôi nhận tới tấp các báo cáo và các lời yêu cầu đem quân chinh phạt các tỉnh đó” (Thư Philastre gửi Dupré, 15-1-1874 - sđd).

“Điều 9 luôn luôn đem lại cho chúng ta các khó khăn, vì rằng các con chiên đã làm bậy khi lập nên một chính đảng chính trị muốn ở ngoài pháp luật của xứ này và tự cho là độc lập. Không có nước nào vô tư cho bằng nước An Nam về vấn đề tôn giáo, và nếu các phái bộ chỉ lo giảng đạo, họ không có gì phải lo cả” (Rheinart gửi thống sứ Le Myro de Vilers, 19-8-1879, Thư khố Trung ương Đông Dương, Đô đốc 10443/8 - sđd).

“Viên Tổng đốc và các viên Tri phủ trong một tỉnh Trung Kỳ đã kể với tôi rằng các tín đồ Thiên Chúa giáo không tuân lệnh nộp thuế và làm xâu…. Tôi hỏi tại sao không dùng sức mạnh buộc họ phải theo như đã làm đối với người Phật tử, viên Tri phủ tại một phủ có nhiều người Thiên Chúa giáo sinh sống trả lời: “Chúng tôi thường cố gắng làm như thế, những nhân viên của chúng tôi bao giờ cũng được trả lời bằng những phát đạn” Hầu như khắp nơi ở Bắc cũng như Trung Kỳ, các tín đồ Thiên Chúa giáo hoặc đã ít nhiều tranh né các bổn phận mà những người Việt Nam khác phải làm, và trong việc kháng cự này, họ được các giáo sĩ khuyến khích. Kết quả tự nhiên là một mối hiềm thù sâu xa giữa hai hạng dân và là nguyên nhân của các hỗn loạn ở địa phương, nhất là tại các tỉnh Bắc, Trung Kỳ” (Văn thư về tình hình chính trị và kinh tế ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, 13-7-1887, Thư khố Bộ Pháp quốc hải ngoại, A00 (22) hộp 2 – sđd).

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng, nhưng phần nào cũng chỉ ra những tính chất “không thấy điều gì ngược lại với giáo luật hiện hành của giáo hội”. Vẫn còn có một thứ “giáo luật hiện hành” cho phép được vi phạm pháp luật và coi thường nhà nước như vậy ở thế kỷ 21 này. Hội đồng Giám mục Việt Nam đang muốn chơi con bài chính sách “ngoại thuộc” hay sao?

Điều đáng nói, sau thư phúc đáp này của Hội đồng Giám mục, nhiều trang nhà Công giáo đã đăng lại để một lần nữa tôn vinh “Hội đồng anh hùng” sau khi đã tôn vinh “cá nhân anh hùng – Tổng Kiệt” vì câu nói bất hủ: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam”. Câu nói này đáng ghi vào lịch sử truyền đạo của những bậc “cha chú”: “Không có sự hộ trợ của giáo dân Việt Nam, quân Pháp như con cua bị bẻ gẫy hết càng, không có cách gì để có thể xâm chiếm nổi Việt Nam” (Giám mục Puginier); “Thà mất nước, chứ không thà mất Chúa” (Linh mục Hoàng Quỳnh).

Khi Hội đồng Giám mục trả lời thư với Chính quyền Thành phố Hà Nội, họ được những “giáo dân” ca lên tận may xanh khi dám bày tỏ “quan điểm” trực tiếp với Chính quyền Thành phố Hà Nội và gián tiếp với Nhà nước Việt Nam (một thứ quan điểm hổ lốn và rỗng tuếch đã được Trần Điều phân tích). Tuy nhiên, họ đã sai lầm khi sử dụng từ “quan điểm” ở đây. Vì “quan điểm” thể hiện trong thời điểm này chính là đồng lõa. Mà vi phạm pháp luật nhà nước mà đồng lõa thì phạm tội giống như nhau. Cả một Hội đồng Giám mục biến mình thành “Tổng Kiệt” thứ 2. Điều này chẳng những không khôn ngoan mà còn đi ngược lại với phát biểu về một giáo hội muốn “đồng hành cùng dân tộc”.

Sau “quan điểm” này của Hội đồng Giám mục Việt Nam, người ta chú ý đến phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Ủy viên Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công an trên báo Công An Nhân Dân như một tuyên bố công khai ở cấp cao nhất về vụ “cầu nguyện đòi đất” của ông Tổng Kiệt và giáo phận mà ông ta đang quản nhiệm:

“Với Việt Nam chúng ta, cũng như rất nhiều quốc gia lịch sử có chiến tranh khác trên khắp thế giới, quyền sở hữu, sử dụng đất đai là một vấn đề hết sức phức tạp. Thế kỷ trước, dưới chế độ thực dân xâm lược, Pháp chiếm đất đai rồi cung cấp cho các đối tượng từ những sở hữu gốc có thể là của Phật giáo, có thể là của các tổ chức, cá nhân khác. Khi đất nước độc lập, luật pháp Việt Nam qui định rõ đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý. Mọi đối tượng chỉ được quyền sử dụng khi được Nhà nước cấp phép”.

“Nguyên nhân đầu tiên tôi cho rằng nhiều giáo dân chưa hiểu biết về luật pháp. Còn một nguyên nhân khác nữa là một thiểu số lãnh đạo giáo phận Hà Nội lợi dụng chính sách tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước để đòi quyền lợi không chính đáng, bất hợp pháp. Họ hy vọng nơi này, nơi kia, thế lực này, thế lực khác ủng hộ để gây mất ổn định. Nhưng họ quên mất rằng, thế giới bây giờ sống trong tinh thần thượng tôn pháp luật, vì vậy, dư luận khó có thể đồng tình với vụ việc do một số chức sắc của giáo phận Hà Nội kích động giáo dân gây ra ở Thủ đô; bởi nếu nơi nào ủng hộ thì vô hình trung tạo tiền đề cho bản xứ của họ cũng sẽ dẫn đến đòi những cái không thể giải quyết”.

Nói đến những phát ngôn và hành động của TGM Ngô Quang Kiệt, ông Nguyễn Văn Hưởng nói:

“Trước hết là đối với chính bản thân ông Ngô Quang Kiệt bị mất uy tín. Bởi lẽ, một đức cha, một vị giám mục giáo phận Thủ đô phải rất am hiểu pháp luật, và hơn ai hết phải là người hành xử sao cho đúng với ý nghĩa sống phúc âm trong lòng dân tộc. Thật tiếc là ông ấy đã không làm được như vậy.

Giáo phận Hà Nội luôn có vị trí quan trọng đối với đất nước, thì việc làm của ông Tổng giám mục sẽ tạo ra sự nhìn nhận ra sao về Tòa giám mục Hà Nội. Đây không còn là câu chuyện riêng của ông Ngô Quang Kiệt, bởi vậy ông đã làm mất uy tín của giáo phận Hà Nội.

Quan trọng hơn là ông Kiệt đã làm tổn hại mối quan hệ giữa Giáo hội với chính quyền Hà Nội bằng việc bất hợp tác, vu cáo chính quyền, kích động, tổ chức cho giáo dân làm việc phi pháp… Ông làm tổn hại đến mối đoàn kết trong cộng đồng, giữa giáo dân với lương dân.

Dù muốn dù không, nhưng hình ảnh đẹp đẽ của những giáo dân ngoan đạo, hiền lành ít nhiều đã bị phai nhòa, thay vào đó là hình ảnh những con người hung hãn đập phá tài sản chung, mang những vật linh thiêng của giáo phái đặt ở những nơi nhếch nhác để thờ tự…

Cuối cùng, tôi muốn nói rằng chính Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt còn gây khó khăn cho mối quan hệ của Va-ti-căng với Việt Nam”.

Khi Thứ trưởng Bộ Công an đã lên tiếng chính thức như vậy thì việc chính quyền sẽ sử dụng đến biện pháp mạnh nếu ông Tổng Kiệt tiếp tục kêu gọi giáo dân “cầu nguyện” chiếm phá đất bằng “kinh Hòa Bình” và khẩu hiệu “công lý và hòa bình”.

Hội đồng Giám mục Việt Nam còn có một cơ hội để lên gân “quan điểm” của mình trước Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Và không như mong chờ ở lần “viếng thăm Tòa khâm”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mềm mỏng nhưng nghiêm khắc.

Thủ tướng khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam được đảm bảo bằng pháp luật và phải được thực hiện trên cơ sở thượng tôn pháp luật, không thể chấp nhận việc lợi dụng tự do tôn giáo để có các hành vi vi phạm pháp luật, càng không nên cho rằng làm đúng giáo luật là không trái pháp luật hay chỉ làm theo giáo luật còn bất chấp pháp luật. Mọi tín đồ tôn giáo Việt Nam, trước hết là công dân Việt Nam. Một tín đồ tốt phải là một công dân tốt.

Thủ tướng cũng tỏ thái độ nghiêm khắc phê phán những thành vi vi phạm pháp luật, tập trung đông người cầu nguyện đòi đất, dựng ảnh tượng, thánh giá, làm lều bạt, phá hoại tài sản công cộng, chống người thi hành công vụ xảy ra ở giáo xứ Thái Hà, 178 Nguyễn Lương Bằng và 42 Nhà Chung Hà Nội vừa qua. Thủ tướng đánh giá cao về thái độ của Hội đồng Giám mục Việt Nam là không có chủ trương đó và yêu cầu Hội đồng Giám mục Việt Nam có những quyết định để chấm dứt cũng như không lặp lại những việc làm sai trái đó, nếu không sẽ ảnh hưởng không tốt tới quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước và Giáo hội cũng như tới quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đang trên đà phát triển tích cực.

Thủ tướng tỏ ý lấy làm tiếc và bày tỏ không hài lòng về những việc làm sai trái của Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt trong thời gian gần đây như chủ trương, tổ chức và ủng hộ những hành vi vi phạm pháp luật của một số giáo sĩ, giáo dân tại 42 Nhà Chung và khu vực 178 Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội, thiếu tôn trọng và hợp tác với chính quyền Hà Nội, trong đối thoại để tìm giải pháp thích hợp, có những lời lẽ thách thức Nhà nước, có những phát ngôn dù trong ngữ cảnh nào cũng thể hiện sự xúc phạm đối với đất nước dân tộc, coi thường vị thế đất nước và tư cách công dân Việt Nam trong mối tương quan với thế giới.

Thủ tướng cho rằng những lời nói và hành vi của Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt đã làm giảm sút lớn uy tín của ông trong cộng đồng Công giáo Việt Nam và trong xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ tốt đẹp giữa Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và chính quyền Hà Nội, giữa Nhà nước và Hội đồng Giám mục Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt tự xem xét lại những hành vi của mình để có cử chỉ sửa mình và hành động thiết thực để khắc phục những sai trái vừa qua, mong muốn Hội đồng Giám mục Việt Nam với tinh thần đồng đạo và vì lợi ích chung hỗ trợ và giúp đỡ Tổng Giám mục Kiệt nhiều hơn nữa, trước hết chấp hành pháp luật.

Thủ tướng cũng giải thích thêm với các giám mục về thiện chí đối thoại chân thành hòa bình của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương đối với việc giải quyết vụ việc ở 42 Nhà Chung và giáo xứ Thái Hà vừa qua, không chủ trương và thực hiện vũ lực, nhưng đối với các hành vi chống lại Hiến pháp và pháp luật thì quốc gia nào cũng phải sử dụng những biện pháp cần thiết để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật.

Thủ tướng cũng cho rằng việc thông tin về các sự việc vi phạm pháp luật ở 42 Nhà Chung và giáo sứ Thái Hà vừa qua là cần thiết và cơ bản là chính xác, còn những ý kiến đóng góp ý về nội dung, cách thức đưa tin, các cơ quan truyền thông sẽ sẵn sàng lắng nghe và cùng trao đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công chúng và xã hội.

Tất cả những “quan điểm” của Hội đồng Giám mục Việt Nam nêu ra qua văn bản “Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay”, đều được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ ra và phê bình một cách nghiêm khắc.

Hội đồng Giám mục Việt Nam không còn cách gì hơn phải công khai đặt mình ra ngoài “chủ trương” của ông Tổng Kiệt, bằng không thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không thể “đánh giá cao” việc làm của Hội đồng Giám mục Việt Nam được.

Một bài học sâu sắc nhất mà Hội đồng Giám mục Việt Nam rút ra được sau cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đó là: “Chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước Việt Nam được đảm bảo bằng pháp luật và phải được thực hiện trên cơ sở thượng tôn pháp luật, không thể chấp nhận việc lợi dụng tự do tôn giáo để có các hành vi vi phạm pháp luật, càng không nên cho rằng làm đúng giáo luật là không trái pháp luật hay chỉ làm theo giáo luật còn bất chấp pháp luật. Mọi tín đồ tôn giáo Việt Nam, trước hết là công dân Việt Nam. Một tín đồ tốt phải là một công dân tốt”

Hội đồng Giám mục Việt Nam có những quyết định để chấm dứt cũng như không lặp lại những việc làm sai trái đó, nếu không sẽ ảnh hưởng không tốt tới quan hệ tốt đẹp giữa Nhà nước và Giáo hội cũng như tới quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đang trên đà phát triển tích cực.

 

 Thường Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét