Thứ Ba, 10 tháng 2, 2009

KHÔNG THỂ CÓ QUỐC LỄ KHI NGƯỜI DÂN THIẾU LỄ


Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta tận dụng mọi cách để “thu thuế” người dân, nên ngay cả trong việc tâm linh, cúng bái thì không thể tránh khỏi tâm lý đó, vì thế du khách bỗng dưng phải trở thành một trong những “thượng đế” bỏ tiền ra đi “mua” không khí lễ hội. Họ mất tiền nên thông thường họ nghĩ rằng chúng ta phải phục vụ họ. Trách họ xả rác và trách ban tổ chức phục vụ chưa hết lòng, chứ không thể trách dòng người đi lễ đông, vì đó là một nhu cầu chính đáng như bao nhu cầu khác. Mọi quan hệ thương mại đã sòng phẳng với nhau đến như thế thì chúng ta cũng nên bình tĩnh để nhìn sự việc sâu từ trong bản chất… 

Khổng Tử từng dạy: “Nén mình theo lễ là người” (Khắc kỷ phục lễ vi nhân). Lễ là những chuẩn mực, những quy tắc, nguyên tắc trong cuộc sống. Những chuẩn mực ấy hướng dẫn lối sống, nhận thức nơi mỗi con người. Đó cũng chính là ý nghĩa nền tảng của giáo dục: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ nâng tầm cho nhân cách, đạo đức, văn hóa, phong tục, lối sống. Lễ điều hòa các mối quan hệ xã hội từ vua quan đến cha con, chồng vợ, bạn bè… Lễ quan trọng đến mức người ta chú trọng giáo dục con người ngay từ trong bào thai, từ đó một con người khi được sinh ra và lớn lên sẽ có những nền tảng tâm thức để tiếp thu những chuẩn làm người cơ bản khác.

Các tôn giáo truyền thống của Việt Nam đã quan tâm đến chữ Lễ ngay trong các chuẩn mực, quy tắc, nguyên tắc căn bản của mình cụ thể bằng giới luật, quy điều. Nhưng điều đó không hề có tính chất ràng buộc pháp lý cho nên nghiêng nhiều hơn về các nguyên tắc đạo đức (tốt xấu trong hành vi ứng xử). Và chính các nguyên tắc này hình thành nên những giá trị ứng xử tích cực, tác động không nhỏ vào quan niệm xã hội. Không chỉ kêu gọi mọi người giữ gìn đạo đức, chuẩn mực bằng khuyến khích tôn giáo, nhà nước, trong thực tiễn phát triển của mình còn định ra pháp luật để giữ vững trật tự xã hội. Vừa ngăn ngừa bằng pháp luật, vừa khuyến khích các hành vi ứng xử đúng mực và có chuẩn là những điều kiện cần thiết để xã hội có được sự ổn định, thanh bình. Không khó để có thể từ Lễ mà nhìn ra quốc lễ, quốc đức, thậm chí quốc vận của cả một dân tộc.

Trong những ngày gần đây, báo Vietnamnet có tổ chức diễn đàn thảo luận “Làm thế nào để lễ đúng lễ, hội ra hội?”.

Có lẽ, về mặt lý thuyết, chúng ta không thiếu những bài viết, những công trình hội thảo khoa học bàn về lễ hội. Ngay cả việc “làm thế nào…” cũng đã được đưa ra bàn thảo nhiều lần, trong nhiều năm nay. Thế thì vì lý do gì đến nay chúng ta vẫn phải bàn việc “Làm thế nào để lễ đúng lễ, hội ra hội?”. Nếu lấy lý do vì thấy cảnh lễ hội diễn ra xô bồ, chặt chém, xả rác (ở một góc cận cảnh nào đó) để bàn về lễ hội thì đó là bàn ngọn mà không phải bàn gốc. Bởi vốn dĩ chữ “lễ” trong lễ hội lâu nay đã bị hiểu sai là đi cúng lễ với hương vàng, hoa quả, khấn vái…

Muốn bàn gốc, chúng ta phải quay trở về với giáo dục học đường để chấn chỉnh, bởi những gì chúng ta đang thấy ngày hôm nay là vết khuyết của từ một, hai, thậm chí ba thế hệ đã được giáo dục một cách đầy sai lầm về “lễ giáo” (giáo dục về lễ). Bởi hễ nhắc đến “lễ giáo” là người ta gắn ngay nó với “sản phẩm phong kiến” bằng một cách nhìn thiếu thiện cảm. Vì vậy, chữ “lễ” cùng với các bài học cơ bản làm người khác đã bị bỏ quên trong một thời gian dài. Những năm gần đây, chữ “lễ” đang được quan tâm trong học đường, nhưng hiểu nó thế nào còn là một vấn đề cần phải bàn tiếp. Bởi “lễ” đâu có phải chỉ gói gọn trong lĩnh vực “lễ phép” với thầy cô, cha mẹ, bạn bè (tức quan hệ người - người) mà lễ còn là một trật tự của vụ trụ muôn loài. Trật tự của vũ trụ muôn loài có tương quan nhân quả rất rõ với con người, vì bất cứ một yếu tố nào đi ngược với lễ đều làm đảo lộn “trật tự” ấy và có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến con người. Thiên ý và nhân luân bao giờ cũng phải thuận hợp với nhau, bất cứ sự tàn phá rừng núi, ao hồ, sông suối nào cũng đều là những hành vi xúc phạm đến thần minh. Nếu nghiên cứu kỹ về tín ngưỡng đa thần và cách cúng tế của người Việt xưa mới thấy rõ sự tôn trọng lễ đối với thiên nhiên của người Việt chi tiết trong từng việc nhỏ như chặt cây, khai mương, đào giếng... Như vậy ở trong nhà, ra ngoài cửa, cho đến động chân, cất bước, bắt tay vào việc làm không điều gì là không có lễ. Quét bụi ngược gió là vô lễ, phủi áo quần trước mặt người là vô lễ, cởi trần tiếp khách là vô lễ, rác không bỏ vào nơi quy định, ngồi đâu xả rác đó là thiếu lễ…

Ở ý nghĩa xã hội, “nén mình theo lễ” chính là phải biết điều chỉnh mình theo các nguyên tắc văn hóa ứng xử trong những hoàn cảnh khác nhau. Với điều này, những biểu hiện “trực quan sinh động” trong ứng xử gần đây của người Việt tại các lễ hội đã đến mức báo động. Ở TP.HCM, có năm tại lễ hội hoa xuân, người ta đổ xô tràn vào cướp hoa, đến nỗi nhiều chủ hoa phải dùng gậy đập nát hoa của mình vì không còn cách gì để ngăn tình trạng “cướp cạn” ấy; đường hoa Nguyễn Huệ cũng gặp những sự cố như bê trộm những đồ vật trang trí…; sau đêm mừng Giáng sinh khu vực công viên chung quanh nhà thờ Đức Bà trắng rác trên mặt cỏ (tình trạng xả rác này cũng diễn ra tại chùa Phúc Khánh Hà Nội). Ở Festival Huế, từng xảy những cảnh đập phá, lấy cắp những sản phẩm trưng bày trong lễ hội. Ở Hà Nội, điển hình là vụ bẻ hoa tại lễ hội hoa anh đào, và gần đây là việc phá phách lễ hội hoa trong dịp đón năm mới 2009; Điều đáng nói, trong những gương mặt phá phách lễ hội không chỉ có những người trẻ mà có cả những người trung niên và người già. Đây là một mặt bằng ứng xử văn hóa rất đáng quan ngại.

Những ngày đầu xuân Kỷ Sửu, ở lễ hội chùa Hương, một lễ hội cấp quốc gia, người ta chứng kiến những hình ảnh không đẹp mắt của rác thải trên suối, cách hành xử của chủ đò, việc nâng giá để “chặt chém” túi tiền của du khách trong một số dịch vụ gửi xe, ăn uống… Đây cũng là những chuyện “đến hẹn lại lên” của không ít lễ hội trên khắp đất nước.

Lễ hội chùa Hương năm nào cũng thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận. Song gần như chúng ta đều rơi vào vấn đề “bàn ngọn” qua một số hình ảnh làm chúng ta phật lòng. Nói một cách khách quan và công bằng, việc tổ chức và phục vụ lễ hội tại chùa Hương đã được cải thiện theo từng năm. Thực tế, không có một lễ hội nào dù tổ chức tốt đến đâu không có những vấn đề tiệc cực của nó, vì thế chúng ta nên nhìn nhận sự việc ở mức độ tương đối.

Sống theo lễ không phải là việc đến chùa Hương dâng lễ mà phải biết “nén mình”, điều chỉnh thói quen thường ngày, tôn trọng những nội quy của chùa, của ban tổ chức đặt ra. Chúng ta thấy rõ là có rất nhiều biển nội quy nhưng một bộ phận du khách (chứ không phải vài chục vạn người ai cũng làm thế) vẫn xả rác xuống suối và bất cứ đâu trên đường đi. “Nén mình theo lễ” là cả năm chúng ta đã ăn thịt cả quá nhiều rồi thì nên dành một, hai ngày ăn chay để đến viếng cửa Phật cho lòng nhẹ nhàng, thanh tịnh. Nếu du khách nào cũng nghĩ được như vậy thì làm gì có cảnh thịt treo, bia rượu bày bán tùy tiện nơi đất Phật bất chấp phản ứng của giới Tăng Ni, Phật tử. Chuẩn mực đã có, nội quy cũng được phổ biến, thông tin báo chí trong nhiều năm nay cũng nhắc đến nhiều, nhưng tại sao một bộ phận không nhỏ du khách vẫn sống với lễ hội ở mức “chưa có lễ”. Cái lỗi ấy, nếu đổ hết lên ban tổ chức thì cũng có phần oan uổng, bởi khi lập công tác chuẩn bị phục vụ lễ hội, họ đã nghĩ đến những điều tốt đẹp nhất, thành công nhất, đỡ tai tiếng nhất, nhưng không phải lúc nào thực tế cũng diễn ra giống như mong muốn. Những diễn biến tiêu cực là điều có thể kinh nghiệm và điều chỉnh được qua mỗi mùa tổ chức lễ hội. Đây cũng không phải là việc làm ngày một ngày hai khi lễ hội diễn ra theo bầu không khí “thị trường” có kẻ bán người mua và tham vọng “kinh doanh” lâu dài lợi dụng vào thắng tích.

Tình trạng không tôn trọng pháp luật biểu hiện trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, càng khiến người dân nghi ngờ nhiều hơn về các giá trị. Nếu nhìn vào việc tăng giá để “chặt chém” du khách của một bộ phận kinh doanh nào đó thì thấy đó là tâm lý khá phổ biến của những người bán hàng thời kinh tế thị trường. Nếu ở hoàn cảnh có thể bắt bí được (độc quyền) đối với người tiêu dùng là họ tăng giá. Tăng giá diễn ra ở những tầm mức rộng lớn trong xã hội, giữa giá trị thực và giá trị ảo đã được bơm phồng bằng quảng cáo, nhưng nhiều khi nó vui tai, vui mắt và ngọt ngào đi vào cuộc sống thường ngày đến mức khó nhận ra được. Chúng ta lấy ví dụ, đồ điện tử gia dụng nay đã rẻ đến bất ngờ so với những lúc giá cao chót vót của nó mấy năm trước. Giá gạo năm 2008, thực tế gạo ngon, nhập lậu từ Campuchia qua, giá còn rẻ hơn giá gạo trong nước, nhưng họ vẫn tung tin đồn thất thiệt để tăng giá gạo một cách vô tội vạ khiến người dân đổ xô đi mua gạo với giá cắt cổ. Rồi thì giá xăng dầu, khi tăng tìm mọi cách để tăng từng ngày từng giờ, nhưng khi giảm thì cứ như nhỏ giọt. Giá nhà đất ở một nước nghèo như Việt Nam cũng tương đương, thậm chí cao hơn những nước giàu. Cho đến giá điện, giá nước, giá tất cả mọi mặt hàng thiết yếu khác trong từng lĩnh vực đều được người chủ kinh doanh chỉnh lên một mức quá “chuẩn” để kiếm lời, càng “ảo” trong chuẩn giá càng kiếm lời nhiều. Tâm lý kiếm lời ấy đã ăn sâu vào trong lối nghĩ xã hội, thử hỏi với những người bám vào mùa lễ hội để tạo nguồn sống trong cả một năm, họ có thể đi ra ngoài cách nghĩ ấy không?

Luật lệ do con người đặt ra, và cái gì đã bị biến thành hàng hóa thì thuận mua vừa bán, nhưng trong hoàn cảnh có thể bắt bí được người khác thì việc nâng giá cao là thiếu lương tâm. Kiềm lời bằng mọi cách bất chấp đạo lý, lương tâm cũng đều là do sống thiếu lễ, mà thiếu lễ thì sẽ có khuynh hướng làm lợi cho mình gây tổn cho người.

Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta tận dụng mọi cách để “thu thuế” người dân, nên ngay cả trong việc tâm linh, cúng bái thì không thể tránh khỏi tâm lý đó, vì thế du khách bỗng dưng phải trở thành một trong những “thượng đế” bỏ tiền ra đi “mua” không khí lễ hội. Họ mất tiền nên thông thường họ nghĩ rằng chúng ta phải phục vụ họ. Trách họ xả rác và trách ban tổ chức phục vụ chưa hết lòng, chứ không thể trách dòng người đi lễ đông, vì đó là một nhu cầu chính đáng như bao nhu cầu khác. Mọi quan hệ thương mại đã sòng phẳng với nhau đến như thế thì chúng ta cũng nên bình tĩnh để nhìn sự việc sâu từ trong bản chất.

Ông bà mình xưa đi lễ chùa, vì không mất tiền gì ngoài lòng thành và sự tùy tâm hỷ cúng nên thấy mình là chủ của di sản, thắng tích, mọi hành vi làm ô uế, vấy bẩn lên cửa chùa đều có cảm giác bị thánh thần trừng phạt. Chính điều đó mà hiểu tại sao ông bà mình mỗi khi bước chân đi lễ chùa là sửa thân, sửa lòng hướng dẫn con cháu từ việc không được chỉ trỏ vào tượng thần Phật, vì như thế là vô lễ, sẽ bị thần thánh quở trách. Hoa tươi dâng cúng Phật, thánh song không được vứt chung với rác bẩn mà phải để chỗ sạch cho khô rồi đốt đi, nếu nó mục thì bón vào gốc cây. Không được khạc nhổ, tiểu tiện không đúng chỗ vì theo quan niệm tâm linh của ông bà ta những chỗ đó có thần, quỷ, hoặc những người khuất mặt trú ẩn, nếu vô tình vấy bẩn lên người họ, họ sẽ hành cho mình bị ốm đau…

Thiết nghĩ, ngoài việc chờ đợi những tín hiệu vui từ việc giáo dục đạo đức lối sống có quy mô hơn của cả hệ thống giáo dục, chúng ta càng phải quan tâm đến các giá trị tâm linh tôn giáo nhiều hơn nữa bằng hành động sửa mình nghiêm trang, đưa con cháu đi lễ hội để giáo dục lòng yêu quý, trân trọng di sản văn hóa của ông cha, chỉ ra cho con cháu thấy được những mặt tích cực và tiêu cực đang diễn ra trong lễ hội, chứ không phải mới nhìn vào một vài biểu hiện phật ý mình mà tẩy chay lễ hội. Bởi điện ảnh, ca hát, game, trò chơi cảm giác mạnh và nhiều thứ khác trong đời sống hiện đại vĩnh viễn không thể thay thế được những giá trị tâm linh, tinh thần đến từ các lễ hội truyền thống. Còn rất nhiều những hình ảnh tốt đẹp trong lễ hội rất đáng để chúng ta dành tặng những lời khen ngợi. Tô hồng hay bôi đen hình ảnh của lễ hội truyền thống dân tộc một cách chủ quan thái quá, tùy tiện cũng nên xem đó là một hành vi không trung thực với chính mình.

Điều chỉnh được mình, sống đúng với lễ cũng có nghĩa khẳng định mình là một con người. Nếu chúng ta không quan tâm giáo dục chữ “lễ” ngay từ trong ghế nhà trường thì càng mở rộng quy mô các lễ hội thì càng thúc đẩy nhanh quá trình tàn phá di sản. Người đi lễ chùa bao gồm nhiều thành phần dân chúng không thuần nhất nên rất phức tạp, nếu không gắn với ứng xử văn hóa, văn minh thì càng đông người càng làm cho lễ hội trở nên lộn xộn, xô bồ. Tôn giáo mà biến tướng vào các hành vi cầu tài, cầu lộc không phải là hướng đi tích cực cho xã hội. Và không thể có bộ mặt quốc lễ khi những việc như vứt rác đúng chỗ, vào nơi tôn nghiêm phải ứng xử thế nào cho phải đạo không được nhà trường quan tâm giáo dục và người dân ý thức trong cuộc sống của mình. Vận nước lâu dài của dân tộc chúng ta có lẽ nào lại không liên quan gì đến việc kịp thời giáo dục người dân sống sao cho đúng với lễ?

Nguyễn Mai Sơn

(Theo phattuvietnam.net)

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét