Thứ Hai, 23 tháng 2, 2009

TẢN MẠN VỀ TRIẾT LÝ NHAI LẠI


Không nhai đi nhai lại cho kỹ mà nuốt vội, nuốt vàng thì mắc nghẹn, thì làm mệt cho hệ thống tiêu hóa. Giáo dục phải chú ý đến những giá trị căn bản để “làm lòng”, không có cái để “làm lòng” thì càng vung vít sự sáng tạo càng xa rời sự sáng tạo đích thực… 

Năm nào mùa xuân cũng về với hoa lá đâm chồi nảy lộc. Nói chuyện nhai lại của con trâu để sống với những chuyện mới cũ của mọi thời đại. Con trâu có một đặc tính sinh lý là nhai đi nhai lại. Nhai đi nhai lại là một quá trình. Quá trình ấy được thúc đẩy bởi bộ máy tiêu hóa, cụ thể là biết no, biết đói. Vì thế việc nhai lại của con trâu cho biết trong cuộc sống luôn tồn tại một cơ cấu vòng tròn. Đó là một quá trình lặp đi lặp lại của những cố gắng và chán nản. Cái gì là quá trình thì dù nhanh hay chậm, cái đó phái diễn ra. Cái gì là cố gắng và chán nản, dù ưa hay không ưa, cái đó cho ta thấy biểu hiện của sự sống - một sự sống có phản ứng.

Mới nhìn vào cách nhai lại của con trâu, có người ngạc nhiên và xem đó là bất thường. Nhưng thực tế nó rất bình thường với bộ máy tiêu hóa của con trâu. So với mọi loài, dù liên tục hay đứt quãng theo bữa, thì hành động ăn cũng không ngoài việc đáp ứng nhu cầu “tiêu hóa” nhằm duy trì sự sinh tồn.

“Tiêu hóa” thúc đẩy quá trình lặp đi lặp lại này diễn ra theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực. Nhận thức của quá trình này chính là nhận thức về những cái đã đang và sẽ được “tiêu hóa”. Cái gì ăn vào mà “tiêu hóa” được thì cái đó mới giúp ích cho sự phát triển. Nếu cho ăn những thứ khó tiêu hóa thì sẽ gây mệt cho hệ thống tiêu hóa, vì ăn như vậy sẽ sinh chán và dần dà mất cả hứng thú trong việc ăn. Có lẽ giáo dục cách ăn như thế nào thì cũng phải quan tâm đến hệ thống tiêu hóa. Hệ thống tiêu hóa là cái tiêu biểu, cái đặc thù của mỗi cơ thể tiếp nhận. Nên đừng cho người khác ăn những cái mà họ không thể tiêu hóa. Nói như Khổng Tử: “Cái gì mình không muốn thì đừng áp đặt cho người khác”.

Thức ăn thì ngày một nhiều, chủng loại cũng phong phú và đa dạng. Nhưng chớ vội bảo rằng cái gì “mới” cũng “ngon” mà bỏ qua quá trình thử nghiệm “khẩu vị”, bởi không khéo sẽ càng gây bất ổn cho hệ thống tiêu hóa. Và cũng đừng cảnh giác quá với món ăn mới mà không tìm cách ăn, tập cách ăn cho thích nghi.

Có người bảo “Ra đường nhặt cánh hoa rơi, hai tay nâng lấy cũ người mới ta”. Quá trình sống nhanh, sống vội, sống gấp gáp làm cho thức ăn nhanh, thức ăn sẵn trở nên phổ biến và “mới” tới mức trở thành một “mốt” ăn. Thực tế, có những cái “mới ta” những chỉ là “cũ người”, tức cái đã trải qua một quá trình đầy hệ quả và hệ lụy cho sức khỏe sinh lý và làm biến đổi những cơ cấu tình cảm trong sinh hoạt gia đình. Ứng xử với “mới cũ” là ứng xử một cách có trách nhiệm với hệ thống tiêu hóa, bởi thuốc bổ mà dùng không đúng liều cũng sẽ trở thành độc dược.

Tại sao cái học “Tử viết…” một thời như viết “công dung ngôn hạnh”, “nhân nghĩa lễ trí tín”,… có lúc bị phê phán, nhưng đến nay chúng ta cứ phải nhắc đến một chiếc gương soi giáo dục? Rõ ràng, trong lúc mâu thuẫn đủ điều với triết Đông, triết Tây, người đi tìm đường cho giáo dục nhìn về quá khứ với một thái độ trân trọng và cả hoài nghi nữa. Vì sao cái thời quân chủ chuyên chế, triết lý giáo dục ấy lại sản sinh ra những nhân cách trí thức vượt thời đại, đáng để tự hào? Và vì sao giáo dục triết lý thời ấy lại gắn với những đạo lý làm người rất căn bản mà chúng ta phải thắc mắc hình như điều đó đã bị bỏ quên trong xã hội hiện đại?

Vẫn là chuyện của “thức ăn” thôi. Ăn cái gì vào mà thiết thực với cuộc sống “để làm người” thì vừa ngon, vừa bổ ích, vừa rẻ (vì có sẵn). Trong tiếng Anh, với biện pháp ẩn dụ, động từ ruminate [nhai lại] có nghĩa là sự suy nghĩ thấu đáo hay suy nghĩ sâu sắc. Nhai lại mà ra “thấu đáo”, ra “sâu sắc” mà khỏe cho hệ thống tiêu hóa vậy thì hà cớ gì bảo phải đừng “nhai lại”? Lòng tự trọng của con trâu chính là được nhai lại một cách tự do, không gò ép. Lòng tự ái của con trâu chính là không vì chuyện được ăn cám ngon thay vì ăn cỏ mà ngừng việc nhai đi nhai lại.

Cũng với nghĩa ẩn dụ này, 7 thế kỷ về trước, Trần Nhân Tông có nói: “Mỗi lần nhắc lại mỗi lần mới” (Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân). Nhắc lại chuyện của mình, nhắc lại chuyện của người, nhắc lại chuyện chung của chúng ta để ứng xử tốt với hiện tại. Con trâu nhai đi nhai lại, nhưng trong cái nhai của nó bao gồm hết thảy quá khứ, hiện tại, vị lai và lúc nào cũng mới tinh suốt cả trăm năm, ngàn năm, vạn năm…

Nhai đi nhai lại để tiêu hóa, để hấp thụ thức ăn tốt hơn. Nên có nhà thơ đã thi vị hóa nụ hôn khi nhìn con trâu nhai lại: Nhai đi nhai lại ư, cũng chỉ nụ hôn đầu... Nhà thơ đó cho rằng dù có hôn ngàn nụ hôn thì cũng không ra khỏi nụ hôn ban đầu. Bất kể lúc nào, chúng ta chạm môi vào quá khứ thì quá khứ đó mới tinh, bởi chúng ta không thể cắt đứt mối liên lạc mang tính cội nguồn như một đặc tính của dân tộc Việt Nam là giữ hồn, giữ nếp và giữ đạo. Triết lý giáo dục của một dân tộc có khi nào lại xa rời việc giáo dục những giá trị triết lý của chính dân tộc ấy?

Triết lý giáo dục làm sao có thể đi ra ngoài việc giáo dục triết lý sống với những bài học làm người cơ bản. Triết lý nhai lại là triết lý nhìn mới cái cũ, làm mới cái cũ và được tiếp nối bằng những giá trị sống để đời. Tại sao làm mới cái cũ lại không được xem là sáng tạo? Vì người ta tưởng lầm giá trị là cái phải luôn đi cùng cái mới, vì vậy người ta mới ào ào chạy theo cái mới. Chạy bở hơi tai mới nhận ra cái mới nào thì cũng sẽ cũ, trong khi chuyện sống làm người thì vẫn còn nguyên giá trị mà con người của mọi thời đều phải đối diện.

Có người phê phán việc nhai đi nhai lại của Khổng Tử qua câu nói “thuật nhi bất tác”. Nhưng thử hỏi, chúng ta đã vượt qua nhận thức của Khổng Tử ở điểm nào khi có vô vàn những tuyên ngôn, chủ thuyết, hàng ngày hàng giờ được chúng ta, xào nấu và nhai đi nhai lại?

Trần Nhân Tông khi được hỏi “dùng công án cũ để làm gì?”, đã nói, “mỗi lần nhắc lại một lần mới”. Chúng ta phải để ý đến hai về “mỗi lần nhắc lại” và “một lần mới”. Quan trọng là “thấy mới”, nhắc lại mà không thấy mới là có dấu hiệu “chán” rồi, vì nó không giúp gì cho những ứng xử hiện tại, nhắc lại như thế sẽ trở nên vô ích. Cả xã hội chúng ta nhắc nhau mà sống, nên nhắc đi nhắc lại hoài chuyện làm người mà vẫn thấy nó mới, nó cần thiết với hiện tại. Vì vậy giáo dục phải bắt đầu từ việc biết sống để làm người. Con trâu chán cỏ là con trâu ốm. Con trâu không thể nhai đi nhai lại là con trâu đang tiến gần đến cái chết. Con trâu được nhai một cách tự do, bởi không ai đưa cỏ cho nó ăn mà ép nó không được nhai đi nhai lại, hay phải nhai thế này thế kia. Chính môi trường tự do ấy, khiến cho nó nhai đi nhai lại một cách sung sướng, không biết chán, càng nhai càng tiêu hóa tốt, càng tiêu hóa tốt thì càng mau trưởng thành.

Không nhai đi nhai lại cho kỹ mà nuốt vội, nuốt vàng thì mắc nghẹn, thì làm mệt cho hệ thống tiêu hóa. Giáo dục phải chú ý đến những giá trị căn bản để “làm lòng”, không có cái để “làm lòng” thì càng vung vít sự sáng tạo càng xa rời sự sáng tạo đích thực là phục vụ cho việc sống làm người. Có người quên rằng “nhà mình có báu” nên cứ mải đi tìm, cuối cùng trên bàn đầy thức ăn mà chưa từng biết phải chế biến thế nào, gắp như thế nào, nhai như thế nào để có thể hưởng thụ thức ăn ấy một cách tự do và có ích cho cơ thể nhất.

Trong Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài, Nguyễn Du nói: “Ta từng đọc kinh Kim Cương hàng nghìn lượt, khi đến đài đá phân kinh này mới hay kinh không chữ mới là chân kinh”. Nguyễn Du đã nhai đi nhai lại kinh Kim Cương (đến cả một nghìn lượt) để đến một lúc được tận hưởng sự sung sướng bằng sự phát hiện lạ lùng: “mới hay…”. Đó là sự tưởng thưởng của quá trình nhai đi nhai lại. Có được cái “chân kinh” ấy rồi thì có thể thiên biến vạn hóa, mặc sức mà vẫy vùng, sáng tạo. Đó chính là còn đường của tự do, của một hệ thống tiêu hóa đã hoàn thiện đủ sức để sàng lọc và tiếp nhận mọi giá trị. Nguyễn Du là một trí thức Nho giáo, nhưng những tác phẩm của ông cho hay ông đã sống với nỗi đau đời, thương người của Phật giáo.

Tuệ Trung Thượng sĩ cũng thường mượn hình ảnh “con trâu đất” xem đó như sự tự tại, bởi ông đã “tiêu hóa” được những giá trị đích thực của tự do, ra ngoài khuôn khổ để tôn vinh sự tự do.

Quá trình sống của chúng ta là nói, nghĩ, thấy, biết và làm, nhằm đi đến nhận thức “mới hay…” từ những cái chưa hay. Trâu thấy khỏe, thấy thú vị khi được nhai đi nhai lại. Ai đọc kinh Kim Cương đến mức thú vị thì đọc hoài không chán. Kinh Kim Cương đã nằm trong lòng thì hình tướng nào cũng là hình tướng Kim Cương, muôn nghìn hóa thân đều là Phật thân. Con trâu của tết cổ truyền Việt Nam có thể là con trâu vàng trong mắt doanh nhân thời hiện đại, những cũng có thể là con trâu đất (vô tư) trong mắt thiền sư. Trâu vốn dĩ không phải là mùa xuân, nhưng nhìn trâu nhai đi nhai lại mà thấy lại tình yêu đầu, nụ hôn đầu, thấy tất cả là tinh khôi, là nắng ấm ban mai của mỗi ngày biết sống, thì trâu ấy là trâu đang vui cười trong tự do. Có vui cười trong tự do nào lại không phải là thực xuân?

Thường Trung


1 nhận xét:

  1. Đọc cái bài này của Thường Trung sao thích quá...
    "Cái nhai đi nhai lại" thực ra đã được đúc kết thành một phương pháp giáo dục trong Phật giáo gọi là "Huân tập"
    Nhắc đi nhắc lại với mỗi lần nhắc phải biết bất biến tùy duyên...

    Trả lờiXóa