Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2009

DI DÂN: NÓI CHUYỆN LÁNG GIỀNG GẦN

(TuanVietNam) - An ninh ngày nay chủ yếu là an ninh xã hội và xã hội được định nghĩa là bản sắc. Bản sắc là gì? Barry Buzan nói: là văn hóa.

Trong phần cuối của bài tham luận tại Hội thảo hè 2009, GS Cao Huy Thuần đã dành thời gian để nói kỹ lưỡng về những câu chuyện đang hiện hữu ở các quốc gia trong khu vực.

Ông dẫn lời một chuyên gia về Miến Điện: "Di dân ngày nay được thực hiện trên một quy mô rộng lớn chưa bao giờ thấy ở Đông Nam Á". Và an ninh ngày nay chủ yếu là an ninh xã hội và xã hội được định nghĩa là bản sắc. Bản sắc là gì? Barry Buzan nói: là văn hóa.

Để đảm bảo tính đa chiều của truyền thông, Tuần Việt Nam xin được trích giới thiệu phần cuối của bài tham luận này tới quý vị độc giả.


Di dân: Chiến lược bài bản

Dưới tiêu đề: "Á châu: Quản lý bên kia bờ khủng hoảng", Diễn Đàn Boao đã họp ở Hải Nam trong tháng 4-2009 vớí diễn văn của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đề nghị các giải pháp để vượt qua khủng hoảng hiện tại. Trong 5 đề nghị "đẩy mạnh hợp tác giữa các nước Á châu", hãy đọc nguyên văn đề nghị thứ ba vì đây là nguyên tắc, đường lối, chính sách, là ánh sáng rọi vào mọi áp dụng cụ thể:

"Đào sâu hợp tác đầu tư và kích thích phát triển kinh tế vùng bằng cách tăng gia đầu tư... Trung Quốc đã quyết định thiết lập "Quỹ hợp tác đầu tư Trung Quốc - ASEAN" trị giá 10 tỷ Mỹ kim để hậu thuẫn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng. Để khuếch trương đầu tư, các quốc gia phải hành động theo tinh thần mở cửa và cho phép doanh nghiệp của các nước khác hoạt động một cách bình đẳng.

Các công ty ở bên trong vùng phải được khuyến khích để hỗ tương đầu tư và gia tăng hợp tác về dịch vụ lao động, và phải tránh không được bắt công nhân nước ngoài hồi cư đông đảo" (14).

Dưới ánh sáng rạng rỡ đó của câu cuối, bây giờ ta đi vào thực tế ở Lào, ở Miến Điện, ở Cămpuchia.

Chuyện ở Lào

Theo thống kê chính thức, 30.000 công nhân Trung Quốc đã nhập vào nước Lào để xây dựng những đại công tác ở đấy. Từ thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam ở phía bắc, con đường số 3 sẽ đâm xuyên qua Luang Nam Tha của Lào, chạy dọc theo sông Mêkông cho đến Houei Xay đối diện với Chiang Khong bên Thái Lan. Nay mai một chiếc cầu sẽ xây để nối hai thành phố của hai nước. Xây xong, đường số 3 sẽ là tuyến giao thông chính nối Trung Quốc với Đông Nam Á. Đó là đường.

Ngoài ra, còn thủy điện, mỏ vàng, mỏ đồng, mỏ sắt, mỏ potasse, mỏ… bô xít. Nhiều dự án đại công tác khác còn hách hơn: sân vận động ở Vientiane cho Thế vận hội Đông Nam Á 2009; 1000 hecta đất đầm lầy cạnh thủ đô đặc nhượng cho một công ty Trung Quốc để xây một thành phố mới hiện đại, một Chinatown dành cho cư dân và doanh nhân Trung Quốc đến đầu tư; một Nhà văn hóa bề thế đã hoàn thành ở thủ đô; một khải hoàn môn kỳ vĩ cũng đã dựng lên, tô điểm cho công viên Patouxay một kiến trúc Lào độc đáo. Ba mươi ngàn công nhân? Thực tế có thể tăng gấp mười! (15)

Con số khó chính xác, bởi vì ngoài công nhân còn đủ loại, đủ hạng người Trung Quốc qua Lào làm ăn không khai báo: bước một bước qua biên giới chứ xa xôi gì, vậy là họ có thể đổi đời, vì ở Lào không có cạnh tranh! Họ đến từ đâu? Từ Hồ Bắc, từ Hồ Nam, từ Tứ Xuyên, từ Vân Nam, từ Vũ Hán, từ tận trong nội địa Trung Quốc.

Từ đâu cũng vậy, họ mang tên chung: xin yimin, tân di dân. Trong sòng bạc Boten, khách chơi hầu hết là Trung Quốc, nhân viên là Trung Quốc, tiểu thương mở quán chung quanh là Trung Quốc. Là xin yimin tuốt! Cũng vậy, chung quanh Luang Namtha, chạp phô là Trung Quốc, hàng quán mở chợ là Trung Quốc, khai khẩn đất đai là lái đất Trung Quốc được chính phủ Lào cấp đặc nhượng, đất rộng mênh mông, nằm mơ cũng không thấy được một tấc nơi chôn nhau cắt rốn (16).

Ngày trước, "Hoa kiều" chủ yếu đến từ các vùng biển miền nam Trung Quốc, quê hương của phần đông cộng đồng Trung Quốc trên thế giới, tập trung chung quanh 5 họ có ngôn ngữ địa phương riêng: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Khách Gia.

Bây giờ, đặc tính của xin yimin là đến từ đường bộ, hầu hết là nghèo mạt, đàn ông dĩ nhiên, phụ nữ độc thân cũng có, vợ chồng trót có hơn một con cũng nhiều: tất cả đều không kiếm được việc làm trên đất mẹ vì cạnh tranh dữ quá. Nếu trên thế giới này còn một chỗ không biết cạnh tranh thì ấy là đất Lào!

Làn sóng di dân này được Bắc Kinh khuyến khích, thúc đẩy, vì qua họ, không những hàng hóa sản xuất từ các tỉnh kém ưu đãi ở miền tây Trung Quốc được xuất khẩu, mà chính cả một vùng biên địa phía dưới Trung Quốc được bảo đảm an ninh vững như bàn thạch khỏi cần lính thú. Cho nên Trung Quốc rót tiền vào Lào, nghiễm nhiên trở thành ông chủ đầu tư số một với 236 dự án trị giá 876 triệu Mỹ kim, so với 3 triệu Mỹ kim năm 1996.

Tổng số kim ngạch đầu tư trực tiếp được chính phủ Lào chấp thuận cho đến tháng 8-2007 lên đến 1,1 tỷ Mỹ kim, sát nút với Thái Lan (1,3 tỷ), chưa kể viện trợ tính bằng cho vay không lãi, cho vay đặc biệt. (17)

Công nhân, nông dân, tiểu thương, doanh nhân… thiếu gì nữa? Đồng tiền! Nhân dân tệ cũng di dân! Đánh bạt cả đồng Mỹ kim! Quang cảnh khá ngoạn mục, tôi xin trích dẫn: "Ở miền bắc Lào, tài xế xe vận tải và công nhân Trung Quốc bây giờ dừng chân nơi các quán nước và hộp đêm tạm bợ mọc lên dọc theo đường xe, thường thường là những quán cốc bằng gỗ, mái tôn, mang bảng hiệu chữ Trung Quốc - tất cả đều trả bằng nhân dân tệ".

Bức tranh trở nên sống động hơn, lại xin trích: "Bên trong, các cô gái Lào và Trung Quốc tụm năm tụm ba nơi góc quán, đứng chờ khách kéo ra, trả giá, rồi mang đến các khách sạn hoặc các kho xe nhớp nhúa để làm tình kiểu mì ăn liền" (18). Chắc cũng trả bằng nhân dân tệ.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo hoàn toàn có lý khi đòi hỏi, trong điều thứ 5 của bài diễn văn khai mạc Diễn Đàn Boao, "phải thúc đẩy nhanh chóng việc mở ra một hệ thống tiền tệ quốc tế đa dạng".

Chuyện Miến Điện

Vậy mà Lào còn thua Miến Điện một bậc. Mandalay, thành phố lớn thứ hai ở phía bắc, trước đây là kinh đô của vương quốc, bây giờ trở thành một Tiểu Vân Nam, cư trú Tàu, làm ăn Tàu, xài tiền Tàu, nói tiếng Tàu, lấy chồng Tàu. Bao nhiêu dân Trung Quốc? Hai trăm ngàn? (20). Chỉ biết chắc chắn là con số càng ngày càng tăng, vì gót chân Nam tiến của người Vân Nam càng ngày càng rộn. Khách sạn, tiệm buôn, quán ăn mọc lên như nấm, và phong tục, lễ hội Trung Quốc càng ngày càng ăn sâu vào nếp sống của thành phố (21).

Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày khai sinh thành phố trong lịch sử, nhà báo Kyaw Yiu Myint tiên đoán: ngày mà vận mạng của Mandalay sẽ nằm trọn trong tay cư dân Trung Quốc và công dân Trung-Miến bày ra trước mắt; ngày đó chắc khỏi phải chờ thêm 150 năm nữa (22).

Cùng với Mandalay, cả nước Miến Điện "phát triển kinh tế" trong quan tâm chiến lược của Trung Quốc về an ninh năng lượng cũng như về cách khống chế Ấn Độ và cả vùng Đông Nam Á. Miến Điện là nước độn nằm giữa hai ông khổng lồ đang gờm nhau và đang ghiền năng lượng trù phú mới khám phá trong cái nước trổ mặt nhìn Ấn Độ Dương này. Vân Nam và Tứ Xuyên bị khóa trong đất liền, không có lối thông ra biển? Thì ta mượn tạm cái Miến Điện này làm lộ thông thương!

Từ những năm đầu 1980, Miến Điện đã được chiếu cố đặc biệt nhờ vị thế thuận lợi đó. Xuyên qua Miến, thông ra biển, hai tỉnh nghèo Vân Nam và Tứ Xuyên sẽ tuôn hàng hóa ra buôn bán được với châu Phi, với Trung Đông, với Tây Á. Nước quá giang đó lại còn quý hiếm cho tàu bè Trung Quốc vì tránh được eo biển Malacca đầy bất an.

Cho nên nhu cầu ưu tiên của Trung Quốc là phải làm chủ lối vào các cảng Miến Điện. Đồng thời, Trung Quốc tăng cường kiểm soát trên các vùng dọc theo bờ biển Andaman, án ngự lối vào lối ra của trục Ấn Độ Dương - Malacca, xây cảng cho hạm đội. Ấn Độ nhìn chính sách của Trung Quốc đối với Miến Điện và Pakistan như dấu hiệu của một chiến lược bao vây hai vòng: bằng đường thủy và bằng đường bộ (23).

Về năng lượng, Trung Quốc cũng thắng. Từ tháng 7-2004, trước thủ tướng Miến qua thăm Bắc Kinh, Ôn Gia Bảo đã xác nhận tầm quan trọng của khí đốt ở Shwe và tuyên bố sẽ xây một ống dẫn khí và một ống dẫn dầu: khí sẽ dẫn từ Shwe đến các tỉnh lục địa tây-nam của Trung Quốc, dầu sẽ chuyển từ đường thủy qua đường bộ, chạy xuyên Miến Điện rót vào Vân Nam.

Các đại công tác bắt đầu từ đó, chưa kể việc xây các cảng và việc thăm dò các mỏ khí đốt khác được giao cho các công ty Trung Quốc. Một cảng mới đang được xây ở Kuauk Phyu, có sức nâng những tàu container lớn nhất thế giới. Một con đường cũng được dự tính xây để nối cảng này ở phía đông với cảng Sittwe ở phía tây.

Miến Điện đang là thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á, sau Singapore, cho các tay đầu tư Trung Quốc. Cứ xem con số thì thấy: năm 1995, trị giá các dự án đầu tư của họ chỉ vỏn vẹn 20 triệu Mỹ kim; năm 1999, con số đã lên 192,69 triệu nhưng chưa thấm vào đâu so với con số trong khoảng 2000-2005. Bao nhiêu? Hơn 17 tỷ! (24). Nghĩa là gì? Là hàng hàng lớp lớp công nhân ta, trăng treo đầu cuốc xẻng, vượt biên làm nghĩa vụ xoá nghèo, xoá luôn biên giới, huynh đệ nhất gia.

Bao nhiêu? Bao nhiêu xin yimin có mặt hiện nay tại Miến Điện? Có tác giả ước đoán: một triệu (25). Chỉ riêng cái đồn điền mía do người Trung Quốc khai thác giữa vùng núi của dân tộc Shan ở phía bắc, giáp giới với thành phố Ruili của Trung Quốc, đã mang vào Miến Điện 5000 công nhân từ bên kia biên giới. Chẳng lẽ Miến Điện thiếu nông dân đến thế sao? (26). Một tác giả khác, cũng chuyên gia về Miến Điện, vuốt trán: "Di dân ngày nay được thực hiện trên một quy mô rộng lớn chưa bao giờ thấy ở Đông Nam Á". (27).

Chuyện Campuchia

Lại sát nách với ta, phải kể thêm Cămpuchia, cũng nằm trong cùng một quan tâm chiến lược. Thì cũng vậy! Trung Quốc cũng là nước đầu tư số một, viện trợ số một năm 2008. Con số chính thức do Tân Hoa Xã công bố là 5,7 tỷ Mỹ kim từ 1994 đến 2008, hơn 20% tổng số đầu tư trực tiếp ngoại quốc FDI. Tổng số viện trợ của quốc tế năm 2008 là 951,5 triệu Mỹ kim, một mình Trung Quốc đã chi 257 triệu (28).

Lại cũng vậy, đầu tư của Trung Quốc đổ vào thủy điện, hầm mỏ, lâm sản, thăm dò dầu, cầu cống, đường sá, chế biến nông phẩm. Công ty Trung Quốc là những tay đầu tư chủ yếu ở Đặc khu kinh tế mới phía nam cảng Sihanoukville. Cuối 2008, Trung Quốc tuyên bố sẽ tài trợ một đường rầy trị giá 5 triệu Mỹ kim nối Phnom Penh với Việt Nam.

Tình cờ chăng, Trung Quốc vừa hứa giúp trang thiết bị và kỹ sư để xây đường vào tận rừng rậm phía bắc Siem Reap thì lập tức các công ty lớn của Trung Quốc đâm đơn khai thác quặng sắt nghe nói là đầy hứa hẹn tại đấy. Ai đi qua thủ đô xứ ấy xin dừng chân trên đường Mao Trạch Đông ngắm nghía đại sứ quán Trung Quốc mới xây, phương phi, hoành tráng (29).

Vắt nguyên liệu, Trung Quốc cũng giúp Campuchia vắt môi trường, đất đai. Ví dụ thường đưa ra là quyết định năm 2004 của chính phủ nhượng cho tập đoàn bản xứ Pheapimex và đối tác tổ hợp Trung Quốc Wuzhishan đặc quyền khai thác 10.000 hecta đất tại tỉnh Mondulkiri để trồng thông. Ung dung, các công ty Trung Quốc lấn chiếm thêm đất đai. Uất ức, dân chúng bảo vệ. Tranh chấp nổ ra, đưa đến chống đối rồi đàn áp (30).

Một đặc nhượng đất đai lớn khác, khoảng 3000 hecta, tọa lạc trong một vùng ưu đãi, dường như vừa được cấp cho công ty xây dựng Trung Quốc YeejiaTourism Development:

Nhưng đại công tác đáng kể nhất của Trung Quốc ở Campuchia là xây đập. Tôi mượn một câu tả tình tả cảnh của một quan sát viên để hiểu vấn đề của người dân, ở đây là anh nông dân Phorn: "Vạch cỏ qua một bên, Phorn chỉ vào tảng đá dựng lên để làm dấu. "Công nhân Trung Quốc đến đây và đặt tảng đá ở đấy". Vài thước trước mặt, nước sông Mêkông rộng lớn nhuộm bùn xoáy trôi. Hỏi anh ta có biết tảng đá ấy dùng để làm gì không, anh gật đầu, chỉ tay vào lòng sông: "Người Trung Quốc muốn xây một cái đập ở đấy”. (33)

Nếu đập được xây thì sao? Thì cái nhà của anh nông dân và cả cái làng nghèo ấy sẽ biến mất dưới cái hồ khổng lồ do cái đập gây nên. Trung Quốc, quan sát viên ấy tường thuật, thúc đẩy việc phát triển một chuỗi đập thủy điện ở Cămpuchia, nhiều đập dọc theo sông Mêkông.

Ở thượng nguồn, ai cũng biết, Trung Quốc đã xây một chuỗi đập, thay đổi lưu lượng của sông, gây tác hại cho các nước ở hạ nguồn về sinh thái, về môi trường, về nguồn cá, về lũ lụt, về phá rừng. 80% của 70 triệu dân trong vùng sống nhờ sông, đông nhất là ở Campuchia và nam Việt Nam.

Nhưng mà này, anh Phorn, dân Vân Nam và Tứ Xuyên chúng tôi cũng đông vậy, và chênh lệch giàu nghèo giữa các tỉnh ấy với các tỉnh duyên hải phía đông chẳng phải là nguy hiểm cho ổn định xã hội của Trung Quốc sao? Cho nên đâu xây đập được là ta cứ xây, ở thượng nguồn thì đem lợi ích cho Vân Nam, ở hạ nguồn thì phát triển kinh tế cho hàng xóm nghèo, đại công tác vi quý, môi trường thứ chi, xã hội vi khinh.....

Di dân, văn hóa, sức mạnh mềm

... Chỉ mới vài năm thôi mà ngày nay khái niệm ấy đã đi vào ngữ ngôn rộng rãi, lại đã được Bắc Kinh chính thức tiếp thu, chính thức bàn luận, chính thức cho vào thực tế. Họ bàn luận với nhau: đâu là cái lõi của sức mạnh mềm? Lãnh đạo khuyến khích giới học thuật góp ý, và giới học thuật góp ý hồ hởi.

Hai trường phái hẳn hoi - chứ không phải một - tranh cãi nhau, một bên cho rằng cái lõi ấy là văn hóa, bên kia thì nói đó là chính trị. Lãnh đạo nghe ý kiến đôi bên, rồi quyết: cái lõi ấy là văn hóa, "văn hóa nhuyễn thực lực".

Trong một bài diễn văn nội bộ đọc vào tháng giêng 2006 trước một nhóm ngoại giao - "trung ương ngoại sự công tác lãnh đạo tiểu tổ" - chủ tích Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố: "Việc phát huy vị thế quốc tế và ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc phải được biểu lộ bằng cả hai sức mạnh cứng, gồm kinh tế, khoa học, công nghệ, quân sự, và sức mạnh mềm như là văn hóa" (35).

Sau đó, tại đại hội đảng lần thứ 17, họp vào tháng 10 năm 2007, ông nói rõ thêm: "Văn hóa càng ngày càng trở thành một nguồn quan trọng của đoàn kết dân tộc và của sức sáng tạo, và một yếu tố quan trọng trong cạnh tranh về toàn thể lực lượng quốc gia" (36). Cái sức mạnh mềm văn hóa ấy, cái wenhua ruan shili ấy, ông nói, Trung Quốc phải phát huy.

Lệnh ban ra, pháo bông văn hóa Trung Quốc nổ rực trên khắp bầu trời thế giới: hơn 40 Viện Khổng Tử dựng lên khắp nước Mỹ, 260 Viện trên 75 nước khác, nào "Năm Trung Quốc", nào "Tuần Văn Hóa Trung Quốc", nào "Thành Phố Huynh Đệ", nào lễ hội, nào trao đổi sinh viên, nào học bổng, dạy Hoa ngữ, phim, ảnh, sách, nhạc, triển lãm lịch sử, biểu diễn võ thuật, nào tiền bạc tài trợ - ngân sách dành cho hoạt động văn hóa năm 2006 tăng 23,9% so với năm 2005, đạt đến mức 12,3 tỷ tiền Trung Quốc. Khắp nơi, từ Nam Mỹ đến Trung Đông, Phi châu, chương trình khuếch trương văn hóa 5 năm, biểu quyết năm 2006, thắp sáng văn hóa Trung Quốc trên hoàn vũ.

Chương trình 5 năm ấy dành nguyên một chương cho chiến lược "bung ra toàn cầu", khuyến khích báo chí, truyền thông, xí nghiệp văn hóa "khuếch đại thông tin, bình luận về văn hóa và ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trên quốc tế", bởi vì sức mạnh mềm nơi văn hóa của một nước không phải chỉ tùy thuộc vào sức hấp dẫn mà thôi, mà còn ở chỗ "có hay không được hậu thuẫn bằng những phương pháp và khả năng tuyên truyền mạnh mẽ" (37).

Trung Đông, Nam Mỹ, Phi châu đều có tôn giáo riêng, tập tục riêng của họ, văn hóa Trung Quốc có truyền vào cũng chỉ trang điểm phấn son cho dung mạo kinh tế, chính trị, quân sự.

Trái lại, đối với các nước gần, hoặc đã chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc từ bao nhiêu đời, hoặc đang chứa một số lượng người Trung Quốc quá đông, câu chuyện sẽ khác: sức mạnh mềm văn hóa ấy mềm như con tằm đang hẩu xực lá dâu.

Và như vậy, tôi trở lui với ông tác giả Barry Buzan thân mến đã nói trong những trang đầu. Ông này bảo, các anh chị còn nhớ: an ninh ngày nay chủ yếu là an ninh xã hội và xã hội được định nghĩa là bản sắc. Bản sắc là gì? Ông nói: là văn hóa.

Cao Huy Thuần
-----------------------------------------

Chú thích:

14. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc http://www.fmprc.gov.cn/eng/zxxx/t558306.htm hoặc: http://in.chineseembassy.org/eng/zgbd/t558306.htm
15. Bertil Lintner, China Ascendant, Part 1, Global Politician, 29-4-2008.
http://www.globalpolitician.com/24617-china
16. Kurtlantzick, trang 105.
17. Bertil Lintner, đã dẫn.
18. Kurtlantzick, trang 105-106.
20. Bronson Percival, The Dragon Looks South. China and Southeast Asia in the New Century,
Greenwood Publishing Group. 2007, trang 40. Có thể đọc trên mạng
http://books.google.fr/books?id=ihCCU-2EQHIC&dq=bronson+percival&printsec=frontcover&source=bl&ots=Z3t65J0g_K&sig=2
lucFCUwLjS_hmWDetBWLyC09tE&hl=fr&ei=hq9QSsykI5fLjAeouYyqBQ&sa=X&oi=
book_result&ct=result&resnum=6
21. Min Lwin, The Chinese Road to Mandalay, The Irrawaddy, march-april 2009, vol. 17. n° 2.
22. như trên.
23. Laurent Amelot: La compétition énergétique indo-chinoise en Birmanie, Stratégique, n° 70-71.
Có thể đọc trên mạng: www.strategiesinternational.com/19_11.pdf
24. Zhuang guotu & Wang wangbo, Migration and Trade: The Role of Overseas Chinese and
Economic Relations between China and Southeast Asia - International Conference on
"China"s Future: Pitfalls, Prospects and the Implications for ASEAN and the World",
University of Malaysia, Institute of China Studies, 5-6 May 2009, http://ccm.um.edu.my/umweb/ics/may2009/wangwb.pdf
25. Bronson Percival, đã dẫn, trang 40
26. Zhuang &Wang đã dẫn.
27. Guy Lubeigt, La nouvelle poussée chinoise en Birmanie: immigration traditionnelle ou stratégie de conquête, http://www.reseau-asie.com/cgi-bin/prog/pform.cgi?langue=fr&Mcenter=colloque&TypeListe=showdoc&ID_document=240
28. China"s Cambodian Hegemony, The Diplomat, May-June 2009
29. như trên
30. như trên
33. China"s Cambodian Hegemony, The Diplomat, May-June 2009
34. Chinese Soft Power… đã dẫn, trang 31
35. như trên, trang 15-16
36 và 37. như trên, trang 16

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét