Ấy vậy mà, nền tảng của “văn hóa làng” đã từng bị phá phách trong “cải cách ruộng đất” khi đình chùa miếu mạo biến thành kho hợp tác hay nơi chứa phân, khi các giá trị văn hoa tiềm tàng trong một số thiết chế và phong tục tập quán, trong các lễ hội, các sinh hoạt tâm linh bị phôi pha, bị vùi dập của một thời nay đang cố phục dựng lại.
V.Hugo viết trong “Những người khốn khổ”: “…Cái thứ cát ô uế mà bạn xéo dưới chân, hãy ném nó vào lò nấu, hãy để nó chảy ra, hãy để nó sôi lên, nó sẽ thành pha lê rực rỡ. Chính nhờ ánh pha lê ấy mà Galilê và Niutơn phát hiện những vì sao”. Phải chăng chuyện “hãy”mà nhà đại văn hào Pháp nói chính là hành động văn hóa, là văn hóa. Khi con người xác lập một mối quan hệ với tự nhiên để đem lại một cái gì đó mà trong tự nhiên nguyên thủy không có, cái đó là văn hóa. Và nói cho cùng, quan hệ giữa con người với tự nhiên cũng là quan hệ xã hội, là quan hệ giữa người với người trong mối tương tác của người với tự nhiên.Văn hóa được hình thành từ đó.
Trong “Sáng thế ký” có chuyện Adam và Eve sau khi ăn trái cấm thì bỗng nhiên phát hiện ra sự trần truồng của mình, cảm giác xấu hổ xuất hiện vả cả hai đều bứt chiếc lá vả để che đi bộ phận sinh dục. Chiếc lá vả ấy, theo Franz Werfel, một nhà văn Đức, là “tài liệu văn hóa đầu tiên của loài người!”. Không là chiếc lá vả đang nằm trên cây, mà là chiếc lá vả được con người sử dụng để biểu thị nhận thức và cảm xúc của mình, là biểu tượng của con người tự ý thức được về mình. Cái cảm giác “biết xấu hổ” là một thuộc tính người. “Con mắt trở thành con mắt người, cũng như đối tượng của con mắt trở thành đối tượng của xã hội, của con người, do con người tạo ra vì con người”, đó là sự diễn giải rất sâu sắc của C. Mác trong Bản thảo Kinh tế-Triết học năm 1844 . Vì thế, theo ông, “toàn bộ cái gọi là lịch sử toàn thế giới chẳng qua chỉ là sự sáng tạo con người kinh qua lao động của con người, sự sinh thành của tự nhiên cho con người, cho nên người đó chứng minh một cách rõ ràng không thể bác bỏ được sự sáng tạo ra bản thân mình bởi chính mình, quá trình phát sinh của mình”.
Nói văn hóa là nói đến con người và bởi vậy, nói con người là nói đến văn hóa. Vì thế, ý nghĩa đầu tiên của văn hóa theo gốc Lat- inh thường được truyền đạt ở phương Tây mà chỉ hiểu theo nghĩa là “gieo trồng” trong thì nội hàm của nó đã bị thu hẹp đi rất nhiều (culture theo cùng cách viết chỉ có phát âm khác trong tiếng Anh và tiếng Pháp). Đó không phải gốc nghĩa của văn hóa vốn hay hơn và rộng hơn, xuất xứ từ tiếng La tinh cổ là colore, có nghĩa là sống, là vun đắp, và tôn vinh.
Ông cha ta từng hết sức coi trọng sự vun đắp và tôn vinh ấy trong đời sống con người, đời sống dân tộc. Nguyễn Văn Siêu cùng thời với Cao Bá quát thế kỷ XIX từng căn dặn: “Trồng cây một bên thì mở rộng cho hàng trăm mẫu, một bên thì vun cho cây nửa sọt đất, hôm nay uốn cái cành, ngày mai tỉa cái lá… Tô sức ở bên ngoài thì bên trong tàn tạ. Vun đắp ở bên trong thì bên ngoài tốt tươi”! Lại nói: “Thăm dò cái gốc của nó, lại phải tưới tắm cho cái ngọn của nó, mở rộng cái nguồn của nó, lại phải buông lơi cái dòng của nó...”.
Gieo trồng, vun đắp văn hóa là sự dày công của lịch sử đâu phải một sớm một chiều. Nhưng làm suy thoái và hủy hoại nó thì chẳng mấy chốc. Danh sĩ đời Hậu Lê thế kỷ XVIII Vũ Khâm Lân từng cảnh báo về một thứ văn chương ủy mị, xa rời cuộc sống mà “kẻ trên thì dạy nó, kẻ dưới thì học nó, đua nhau theo đòi cái ngọn của từ chương, tỉa tách chạm trổ hết mực xa hoa, cỏ biếc trăng thanh thực là tinh xảo. Nhưng tìm xem có điều gì quan hệ tới quốc kế dân sinh thì tuyệt nhiên vắng bóng. Lề thói thì ưa chuộng sự lả lướt, dần dần đi tới mất nước, mà kẻ sĩ chuộng nghĩa tứ tiết cũng chẳng thấy nhiều”. Đấy là chưa nói đến mưu đồ đồng hóa nhằm hủy hoại tận diệt văn hóa dân tộc của các thế lực ngoại xâm theo kiểu “... Một khi binh lính vào nước Nam… hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ nhỏ, loại sách có câu “thượng đại nhân, khâu ất kỷ”... một mảnh, một chữ đều phải đốt hết... Khắp trong nước, phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều gìn giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dung thì phá hủy tất cả, một chữ chớ để còn…”. Đó là sắc chỉ của Minh Thành Tổ gửi tướng viễn chinh Chu Năng ngày 21-8-1406!
Dòng chảy lịch sử là bất tận, nó tạo nên sức mạnh bất diệt của một dân tộc. Thế hệ trẻ Việt Nam phải được hiểu kỹ về dòng chảy bất tận đó phải được tắm mình vào trong dòng chảy bất tận đó đề tự hào về ông cha mình đã bao đời vun đắp nên một nền văn hóa dân tộc, một bản lĩnh văn hóa độc đáo, cội nguồn của sức mạnh Việt Nam để trao lại cho thế hệ hôm nay gìn giữ và phát triển. Hơn lúc nào hết khi mà tiến trình hội nhập và phát triển đang đi vào chiều sâu, thì cùng với những phấn đấu vực dậy nền kinh tế đang bị tác động dữ dội của cuộc khủng hoảng toàn cầu làm trầm trọng thêm những yếu kém tích tụ từ trong bản thân nền kinh tế của ta, thì nhìn cho rõ, cho sâu sự xuống cấp của văn hóa còn khó hơn gấp bội. Chống sự suy thoái và văn hóa còn khó hơn chống suy thoái về kinh tế nhiều. Phải chăng cùng với “kích cầu” để chống suy thoái kinh tế, phải “kích cầu” để chống sự suy thoái kinh tế, phải “kích cầu” chống sự suy thoái về văn hóa?
Bởi lẽ, chính văn hóa mới là động lực và sức mạnh của phát triển. Vì vậy, phải biết nối kết những điểm gặp gỡ, những tọa độ mà ở đấy, trí tuệ của ông cha hội tụ với trí tuệ của thế hệ nối tiếp trong các nguồn mạch văn hóa. Văn hóa không phải là một hệ thống đóng kín những giá trị loại biệt mà là một tổng hợp đang phát triển của các thành tựu vật chất và tinh thần của một dân tộc, trong đó nổi bật nhất là giá trị và hệ thống giá trị là cái cốt lõi của văn hóa. Chất nhân văn, tính quật khởi, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc trong hệ thống giá trị của người Việt Nam qua mọi thời đại là cái tạo dựng nên bản sắc văn hóa Việt Nam, vun đắp nên giá trị Phổ quát của văn hóa Việt Nam. Cái giá trị phổ quát ấy nuôi dưỡng đời sống tinh thần của người Việt Nam qua mọi biến thiên của lịch sử.
Thật đáng lo ngại khi nghiêm khắc nhìn sâu vào đời sống tinh thần của xã hội ta hiện nay thì dường như đang có sự đứt gãy văn hóa (văn hóa theo nghĩa rộng như đã đề cập ở trên). Sự đứt gãy ấy thể hiện trên nhiều lĩnh vực, xin chỉ nêu lên ba biểu hiện nổi cộm đáng suy nghĩ nhất:
1. Trước hết là nguy cơ băng hoại nền văn hóa làng, cái gốc nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam, góp phần hun đúc nên bản sắc văn hóa dân tộc. Không có cái gốc đó, không thể có bề dày văn hóa hôm nay. Đương nhiên, cũng trong văn hóa làng đã trầm tích những nét tiêu cực của con người Việt Nam nông dân, lối suy nghĩ vụn vặt, tản mạn tự trói mình trong lũy tre làng của lối sống tự cấp tự túc không sao chuyển nổi sang kinh tế hàng hóa để phát triển bứt lên. Nhưng văn hóa làng không chỉ có thể. Càng đi vào hiện đại,càng tiến sâu vào quá trình hội nhập quốc tế, càng phải biết gìn giữ những tinh hoa, vun đắp cho cái gốc ấy. Đã mất gốc thì làm sao phát triển, cho dù kinh tế có tăng trưởng bao nhiêu mà văn hóa lại lai căng,mất gốc thì sự tăng trưởng đó chẳng có được bao nhiêu ý nghĩa. Ấy thế mà, “văn hóa làng” đang đứng trước một thách đố còn quyết liệt của làn sóng công nghiệp hóa và đô thị hóa. Phải chăng, cái tất yếu nghiệt ngã của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa là một định mệnh không thể tránh được? Có lẽ không nhất thiết phải vậy nếu chúng ta biết tỉnh táo tìm ra một cách để phù hợp với thực tế đất nước và đặc điểm văn hóa Việt Nam để thực hiện quá trình công nghiệp hóa một cách sáng tạo mà không chỉ sao chép của người khác.
Để thực hiện quá trình ấy,phải huy động ở mức cao nhất sức mạnh văn hóa, xác định rõ văn hóa là mục tiêu vừa là động lực của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước. Khi chúng ta nói bản sắc dân tộc, nói đến sự “đậm đà bản sắc” ấy là muốn nói đến cái gì, phải chăng là nói đến cái “hồn dân tộc” tiềm ẩn trong di sản văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần của đời sống Việt Nam? Phải chăng, câu thơ từng làm lay động lòng người “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong, Màu dân tộc.sáng bừng trên giấy điệp” chính là do đã phần nào khơi đúng nguồn mạch văn hóa dân tộc được nuôi lưỡng trong văn hóa dân gian để từ đó mà được chưng cất, nâng cao lên trong văn hóa bác học. Trong cái nguồn mạch văn hóa dân gian ấy, kể cả trong những huyền thoại, truyện cổ tích đều ẩn chứa cái hồn dân tộc trong cái hình hài của “màu dân tộc” ấy.
Và rồi huyền thoại “Thánh Gióng” là gì, nếu không phải là hình tượng thăng hoa của hiện thực đất nước: Ngay khi mới nằm trong nôi đã nghe trống vó ngựa ngoại xâm, tuổi thơ Việt Nam phải vụt lớn nhanh lên và tạo được bản lĩnh đủ sức đánh giặc cứu làng, cứu nước. Những “lốt chân ngựa Thánh Gióng” vẫn còn đó trên cánh đồng vùng Kinh Bắc. Phải cảm nhận cho được cái “hồn dân tộc” vừa xa xôi trừu tượng, vừa gần gũi sâu lắng ấy, đặng lưu giữ và làm ấm sáng mãi niềm tin vào nguồn mạch vô tận của sức mạnh văn hóa dân tộc. Huyền thoại ấy, chính là tâm thức của dân tộc, là khát vọng sống, là ý chí Việt Nam, làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Mà nói thật gọn và đơn giản, bản sắc văn hóa Việt Nam là “văn hóa nhà làng nước”, trong đó văn hóa nhà, văn hóa làng và văn hóa nước gắn bó, tương tác với nhau như những phân hệ trong hệ thống làm nên tính độc đáo của văn hóa dân tộc.
Mà xem ra,bản sắc văn hóa dân tộc thường tiềm ẩn sâu kín ở chốn “thôn cùng xóm vắng , nơi Nguyễn Trãi mong “sao cho không có tiếng kêu than hờn giận oán sầu để giữ được cái gốc” của văn hóa. Cái gốc ấy nằm ở đâu nếu không từ “văn hóa làng”, từ một sự thật lịch sử: Khi nước mất thì làng vẫn còn, để rồi từ làng mà gây dựng lực lượng, lấy lại nước. Trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, nhà và nước, xét đến cùng, cũng quy tụ ở làng.
Liệu có phải hồn dân tộc ẩn chứa tỏng hình hài văn hóa làng? Để ất mi đó là mất nguồn mạch sống của dân tộc. Khi tiến trình hội nhập đi vào chiều sâu, càng phải biết nuôi dưỡng cái nguồn mạch ấy để từ đó mà đến với thế giới.
Ấy vậy mà, nền tảng của “văn hóa làng” đã từng bị phá phách trong “cải cách ruộng đất” khi đình chùa miếu mạo biến thành kho hợp tác hay nơi chứa phân, khi các giá trị văn hoa tiềm tàng trong một số thiết chế và phong tục tập quán, trong các lễ hội, các sinh hoạt tâm linh bị phôi pha, bị vùi dập của một thời nay đang cố phục dựng lại. Cũng có cái làm được, cũng có cái trở thành pha tạp, lai căng cần phải có cách thanh lọc khi phục dựng, kế thừa và nâng cao trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa hôm nay. Điều đáng phải gióng tiếng chuông cảnh báo là, những tinh hoa của nền văn hóa làng ấy đang tiếp tục bị đập vỡ, bị băm vụn ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về một tầm nhìn văn hóa mà “Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó thì cái còn lại còn gì là đáng giá” (Phạm Văn Đồng, “Văn hóa và đổi mới”).
Nếu không có một chuyển đổi cơ bản về nhận thức thì cùng với sự băng hoại của nền văn hóa làng, diện mạo của nông thôn nhiều nơi có thể diễn ra theo kịch bản xấu mà trong một báo cáo khoa học người ta đã gợi ra: Nông thôn sẽ là nơi không ai muốn ở, thanh niên người có học vấn chuyển ra sống và làm việc ở thành phố để có điều kiện phát triển, nông nghệp sẽ là ngành không ai muốn đầu tư, nông dân muốn thoát khỏi quê hương nghèo. khố. Các thế hệ tương lai sẽ bỏ rơi nông thôn. Sự đứt gãy này thật khủng kiếp vì nó không chỉ tác động đến nông thôn mà ảnh hưởng trực tiết đến đô thị.
2. Một biểu hiện khác lại được thể hiện ở bộ phận không nhỏ trí thức hiện nay mà xét đến cùng, nói đến trí thức là nói đến văn hóa nói đến người chuyển tải văn hóa.
Trong bài viết “Để có lớp trí thức xứng đáng”, giáo sư Hoàng Tụy đã phân tích về một bộ phận trí thức này do “… thiếu căn bản về văn hóa phổ quát. Tư duy của họ chỉ phát triển theo một đường ray mà hễ ai trật ra là nguy hiểm. Cho nên trừ những người ý thức được điều đó còn số khá đông thường chỉ là những chuyên viên kỹ thuật được trang bị một số vốn kiến thức kỹ thuật, chuyên môn hẹp nào đó, ở thời đó và cũng rất mau lạc hậu, nhưng thiếu một nhãn quan rộng, thiếu một tầm nhìn ra ngoài ngành nghề hẹp của mình, cho nên bị hạn chế ngay trong việc phát triển chuyên môn và càng bị hạn chế đứng trước những vấn đề xã hội, văn hóa không thuộc phạm vi chuyên môn hẹp của mình. Hầu như mỗi người chỉ biết việc của mình, chỉ lo cho mình, ít khả năng và cũng không thích thích hợp tác với bạn bè, đồng nghiệp… ngày càng tụt hậu mà vẫn tự ru ngủ mình, tự đánh lừa mình và đánh lừa nhân dân mình với những thành tích không có thật. Chạy theo danh hão, chạy theo quyền lực, chạy theo chức tước, là căn mệnh thời đại” của bộ phận trí thức đang thực hiện sứ mệnh trau dồi văn hóa, chuyền tải văn hóa!
3. Và biểu hiện thứ ba, cùng với sự thiếu hụt một văn hóa phổ quát tạo sự lạc hậu của hệ thống giáo dục, sự đứt gãy của văn hóa truyền thống và cùng với chúng là tấm gương xấu của một bộ phận trí thức vừa nêu cộng thêm với sự thoái hóa biến chất của một số không ít người có chức, có quyền đang tác động mạnh đến đời sống tinh thần của thế hệ trẻ. Đó là chất xúc tác làm cho một bộ phận đáng kể thanh thiếu niên đứng trước nguy cơ xuống cấp về đạo đức, xa rời các giá trị truyền thống của dân tộc. Nói đến tuổi trẻ là nói đến hoài bão, nói đến ước mơ và hành động, thế mà có một bộ phận không nhỏ những người trẻ tuổi, trong đó có những sinh viên, đang là lực lượng chủ lực sẽ bổ sung vào đội ngũ trí thức, lại thiếu những năng lực cần thiết để đương đầu với những biến động đầy phức tạp của xã hội hiện đại khi thiếu khả năng phê phán, yếu năng lực tư duy sáng tạo đề tìm ra con đường giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
Và nói đến tuổi trẻ, không thể không nói đến thanh, thiếu niên nông thôn với cuộc sống của phần lớn làng quê, nơi kinh tế có phần nào cải thiện, nhưng lối sống chưa mấy đổi thay thì đời sống văn hóa hiện nay lại hết sức nghèo nàn lại đang hứng chịu những cặn bã của văn minh đô thị. Sẽ là ngớ ngẩn và bất cập khi cố cưỡng lại quá trình đô thị hóa để sợ rằng: “... em đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” và rồi: “Van em em hãy giữ nguyên quê mùa... Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh”. Thế nhưng, thị hiếu thẩm mỹ đi liền với phong tục tập quán của gần hai phần ba dân số sống ở nông thôn sẽ ngỡ ngàng như thế nào khi được màn hình ti vi thường xuyên “tiếp sóng” những lượn lờ vòng eo và áo tắm ba mảnh thay cho “yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa” đã lùi vào dĩ vãng. Chuyện “lùi” cái ấy là đúng quy luật song vấn đề là cái thay thế nó là gì thì đúng là đang còn tự phải mang tính “tự biên, tự diễn” hết sức tùy tiện. Rõ ràng chuyện này thật đáng lo, mà trong chừng mực nào đó, đáng lo hơn cả chuyện suy thoái kinh tế. Vực dậy một nền văn hóa khó gấp bội phần vực dậy một nền kinh tế. Đừng quên rằng, văn hóa không phải là mỳ ăn liền, văn hóa được hình thành theo quy luật thẩm thấu. Việc ăn tươi, nuốt sống những sản phẩm văn hóa không tương thích với môi trường sống và phong tục tập quán chưa máy đổi thay sẽ gây độc hại nhiều hơn là thêm dưỡng chất.
Thế hệ trẻ hiện nay đang cần những dưỡng chất đến từ một nền văn hóa mà trong đó, những tinh boa của truyền thống dân tộc được thăng hoa trong quá trình chọn lựa và tiếp thu những thành tựu của văn hóa và văn minh của thời đại để tăng thêm sức đề kháng chống trả những cặn bã của nền văn minh ấy. Thế hệ trẻ nói chung đã vậy, thế hệ trẻ Thủ đô càng phải như vậy.
Nhân ngày đại lễ kỷ niệm “Nghìn Năm Thăng Long” đang đến rất gần, xin gióng lên tiếng chuông cảnh báo văn hóa, mong từ nguyệt san “Hà Nội Ngàn năm”, tiếng chuông cảnh báo văn hóa sẽ vang xa và có sức giục giã những quyết sách mang tầm chiến lược.
GS. Tương Lai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét