Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

10 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG NĂM 2009


Những sự kiện Phật giáo nổi bật trong năm 2009 tiếp tục thu hút sự chú ý quan tâm của dư luận xã hội. Đó là dấu hiệu khởi động cho những hoạt động Phật sự đi vào bài bản trong những năm tiếp theo, đặc biệt năm 2010 diễn ra hai sự kiện lớn của dân tộc và Phật giáo: Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ VI. Để tạo đà cho sức sáng tạo, cũng như để các sự kiện đi vào thực tế cuộc sống, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp lãnh đạo và các ban, ngành, viện trung ương Giáo hội.
 Năm 2009 cũng là năm Phật giáo Việt Nam phải đối mặt với nạn sư giả hoành hành, đời sống đạo đức của một bộ phận tu sĩ và Phật tử có biểu hiện tiêu cực, chạy theo lối sống hình thức.

1. Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới cung đón tượng Ngọc Phật Hoà Bình


 Tượng Phật ngọc được đặt tên là The Jade Buddha for universal peace (Phật ngọc cho hòa bình thế giới) sẽ được đưa đi trưng bày vòng quanh thế giới. Việt Nam là nước đầu tiên được vinh dự cung đó và tôn trí Phật ngọc trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Tượng được trưng bày tại 6 ngôi chùa lớn từ ngày 13/3 đến ngày 22/5/2009: Chùa Quán Thế Âm (Non Nước, Đà Nẵng), Chùa Đại Tùng Lâm (Bà Rịa - Vũng Tàu), Chùa Phổ Quang (Tân Bình, TP. HCM), Chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn, TP. HCM), Chùa Vạn An (Châu Thành, Đồng Tháp), Chùa Phật Tích (Bắc Ninh), đón hàng triệu người đến chiêm bái.
Mục đích của việc triển lãm tượng Phật Ngọc là tạo cơ duyên cho nhiều người đến chiêm bái, đảnh lễ, có dịp hiểu rõ hơn về giá trị của hòa bình, không phân biệt tôn giáo, cùng cầu nguyện Phật Ngọc sẽ đem lại hòa bình cho thế giới, bình an cho các mối quan hệ, bình yên cho gia đình và bè bạn, sự thanh thản trong tâm hồn.
2. Đại lễ rước, cung nghinh xá lợi Đức Phật lớn nhất Việt Nam

Ngày 6/6/2009 (14-5 năm Kỷ Sửu), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ rước, cung nghinh ngọc xá lợi Phật từ Tổ đình Giác Quang, TP.HCM về tôn thờ tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) và chùa Bái Đính (Ninh Bình). Đây là một sự kiện văn hóa Phật giáo đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc đối với tăng ni, phật tử trong cả nước trong việc chiêm bái, tu tập cũng như tôn vinh các giá trị văn hóa của giáo lý đạo Phật trong cuộc sống.
Lễ rước diễn ra với quy mô chưa từng có với khoảng 150 Chư Tôn đức thuộc các tỉnh phía Nam và TPHCM cùng các bảo tháp có đặt xá lợi Phật và xá lợi Thánh tăng, được vận chuyển theo đường hàng không trên chuyên cơ đặc biệt của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, từ sân bay Tân Sơn Nhất đến sân bay Nội Bài. Lễ cung nghinh bắt đầu từ sân bay Nội Bài, ngọc xá lợi Phật được đưa về trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo VN tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) và được nghênh đón về an vị vĩnh viễn tại chùa Bái Đính (Ninh Bình).
3. Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới Lần thứ XI tại Việt Nam

Hội nghị diễn ra từ ngày 28/12/2009 đến ngày 03/01/2010 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, chùa Phổ Quang, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Có hơn 2.500  Đại biểu tham dự, trong đó có gần 400 Đại biểu quốc tế đến từ 37 quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm Ni trưởng, Ni sư, Ni cô đại diện Ni giới và các giáo sư, học giả, diễn giả, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu... đại diện nữ Phật tử. Chủ đề chính là “Nữ giới Phật giáo lỗi lạc”.
Chủ đề Hội nghị lần này là Nữ giới Phật giáo lỗi lạc nhằm tôn vinh những thành tựu của nữ giới Phật giáo, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị của nữ giới trên khắp thế giới, qua Hội nghị để nữ giới Phật giáo được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm lao động, kinh nghiệm tu tập của những người nữ Phật giáo trên khắp thế giới qua đã giúp nhau cùng vượt qua những thử thách để đạt được an lạc hạnh phúc. Thông qua Hội nghị sẽ làm cho bạn bè đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ hiểu thêm về sự phát triển của Việt Nam, hiểu biết về Giáo hội Phật giáo Việt Nam và những thành tựu của nữ giới Phật giáo Việt Nam cũng như truyền thống phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc.
4. Giáo hội thành lập Phân ban đặc trách Ni giới

Ngày 1/1/2009, tại Hội trường Thiền viện Quảng Đức (Văn phòng II TƯGH), Quận 3, TPHCM, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ ra mắt Phân ban đặc trách Ni giới. Phân ban gồm: Ban Chứng minh (08 vị), Ban Cố vấn (10 vị) và Thường trực Phân ban đặc trách Ni giới (20 vị), Ủy viên (27 vị), Ủy viên dự khuyết (19 vị). Ni trưởng Thích Nữ Huyền Huệ (TPHCM) được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử làm trưởng ban. Phân ban Đặc trách Ni giới thuộc Ban Tăng sự Trung ương.
Mục đích tôn chỉ của Phân ban đặc trách Ni giới: Thống nhất lãnh đạo, quản lý Ni giới trong cả nước theo quy định của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và Pháp luật Nhà nước; Phối hợp với Phân ban Đặc trách Ni giới các Tỉnh, Thành hội Phật giáo để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Trung ương Giáo hội và Ban Tăng sự Trung ương giao phó trong việc truyền bá Chánh pháp, chấn chỉnh sinh hoạt của Ni giới và củng cố giềng mối Giới luật Phật chế, Bát kỉnh pháp; Quản lý việc sinh hoạt, tu học của các cơ sở Ni giới theo Hiến chương GHPGVN và Pháp luật Nhà nước.
5. Tuần văn hoá Phật giáo và Hội thảo văn hoá của Ban Văn hoá Trung ương tại TP. Nha Trang


Khóa Hội thảo - Bồi dưỡng kiến thức và hoạt động văn hóa Phật giáo toàn quốc diễn ra từ ngày 2 đến ngày 5/12/2009 tại Hội trường khách sạn Hòn Ngọc Việt, Nha Trang, Khánh Hòa. Chủ đề chính là “Văn hóa Phật giáo Việt Nam và văn hóa dân tộc”. Dự kiến có khoảng 200 đại biểu gồm các Uỷ viên Ban Văn hóa Trung ương, Uỷ viên văn hoá của các đơn vị tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước. Tổ chức thảo luận về các hoạt động văn hoá Phật giáo hiện nay và những năm kế tiếp theo tinh thần đạo pháp gắn liền với dân tộc. Hoạt động diễn ra với sự đóng góp của các học giả, các nhà nghiên cứu chuyên môn về lĩnh vực văn hoá và văn hoá Phật giáo.
Cũng trong dịp này, Ban Văn hoá Trung ương phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa tổ chức Tuần văn hoá Phật giáo từ ngày 30/11 đến ngày 5/12/2009 với các hoạt động triễn lãm tranh ảnh, chiếu phim, ca nhạc… hưởng ứng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Bản đạo ca được dàn dựng công phu, bài bản nhất từ trước đến nay được ra mắt trong dịp này.

6. Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội triển khai Phật sự trong nhiệm kỳ mới

Sáng ngày 14/4/2009 tại Hội trường chùa Pháp Lâm (TP. Đà Nẵng), Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội đã tổ chức khai giảng Khóa Bồi dưỡng và tập huấn hoằng pháp toàn quốc với sự tham dự của hơn 350 đại biểu của 53 tỉnh thành trong cả nước. Với chủ đề “Hoằng pháp trong thời kỳ hội nhập & phát triển”, Giáo hội đặt trọng tâm công tác hoằng pháp với mục tiêu tạo con đường truyền bá chánh pháp một cách đồng bộ từ các địa phương. Khóa học và hội thảo hoằng pháp năm 2009 là một bước ngoặc của ngành Hoằng pháp trong giai đoạn mới, tạo tiền đề xiển dương chánh pháp đem đến sự lợi đạo ích đời.
7. Đại lễ Phật đản 2553 - 2009 tại thủ đô Hà Nội


Ngày 9/5/2009 (15/4 âm lịch), Đại lễ Phật đản Phật lịch 2553 - 2009 đã long trọng diễn ra tại quảng trường 1/5, Hà Nội. Hàng vạn người dân từ khắp các quận, huyện, thị trong toàn thành phố đã về dự với niềm đại hân hoan và tự hào. Năm nay là năm đầu tiên, tăng ni Phật tử Thủ đô đón mừng Đại lễ Phật đản sau khi đã hợp nhất Phật giáo Hà Nội với Phật giáo Hà Tây (cũ) nên sức cộng hưởng của lễ hội thật lớn lao. Đã có nhiều hoạt động hoằng pháp, hoạt động xã hội lớn, thu hút tăng ni, Phật tử các chùa ở toàn thành phố tham gia nhằm hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo Thế giới lần thứ VI sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào trung tuần tháng 11/2010,. Tại Cung văn hoá Hữu nghị Việt - Xô, Trung ương Giáo hội và Ban trị sự Thành hội Phật giáo TP Hà Nội tổ chức đêm văn nghệ kính mừng Phật đản.
Đây là lần đầu tiên Phật giáo thủ đô có những hoạt động chào mừng Phật đản ấn tượng với cờ đèn, xe hoa rực rỡ. Đại lễ Phật đản đã hồi sinh, trở thành ngày hội văn hoá tâm linh của người dân thủ đô Hà Nội.

8. Đại lễ Quy y cho gần 4.000 đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên

Ngày 19/4/2009, Đại lễ Quy y cho gần 4.000 đồng bào dân tộc do Ban trị sự Phật giáo tỉnh Kon Tum kết hợp Tiểu ban Phật tử Dân tộc ít người thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tổ chức đã chính thức diễn ra tại Tổ đình Bác Ái, Thị xã Kon Tum. Đối với người mới bước chân vào con đường đạo, ngày Lễ quy y là một sự kiện vô cùng trọng đại. Sau Lễ quy y, họ trở thành Phật tử. Người Phật tử không chỉ biết cung kính tôn thờ Phật, mà từ đó Phật tánh được đánh thức, mọi suy nghĩ, việc làm, hành động đều hướng đến những việc làm tốt đẹp.
Hòa thượng Thích Thiện Duyên, Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương khẳng định: “Chúng ta cần phải đoàn kết đùm bọc nhau, thương yêu nhau để san sẻ cho nhau những điều mình có được, kể cả vật chất lẫn giáo pháp nhiệm mầu của đức Thế Tôn. Mong rằng các vị sẽ lấy ngày hôm nay làm ngày kỉ niệm đặc biệt trong việc chuyển hướng đời mình. Hãy cùng nhau giúp đỡ khuyên nhắc bà con thân hữu về với Đạo pháp, về với Giáo hội, hãy chung tay góp sức xây dựng đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam có một đời sống hòa bình an vui, giàu, đẹp”.
9. Khởi công xây dựng khu di tích Thánh tử đạo Thích Nguyên Hương

Nhận được sự quan tâm của Chư Tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội, các Ban Trị sự Phật giáo và Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước, ngày 15/11/2009 Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Thuận đã tổ chức trọng thể lễ đặt đá khởi công xây dựng Khu di tích Thánh tử đạo Thích Nguyên Hương tại thị trấn Liên Hương, Tuy Phong, Bình Thuận, để tưởng niệm Thánh tử đạo Thích Nguyên Hương vị pháp thiêu thân.
Cùng với ngọn đuốc của Bồ tát Thích Quảng Đức, ngọn đuốc Thánh tử đạo Thích Nguyên Hương tại tỉnh Bình Thuận đã trở thành một trong những biểu tượng bất diệt cho phong trào đấu tranh của nhân dân và Phật giáo miền Nam chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm.
10. Lễ hội ẩm thực chay mùa Vu lan Báo hiếu 


Sáng ngày 20/8/2009, Lễ hội “Ẩm thực chay mùa báo hiếu” chính thức khai mạc tại Nhà Thiếu nhi thành phố mở đầu cho mùa Vu lan báo hiếu. Buổi sáng khai mạc, hơn 2.000 người gồm Chư Tôn đức Tăng Ni, Phật tử, đại diện các ban ngành đoàn thể và người dân TP.HCM đã tới tham dự. Lễ hội có khoảng 60 gian hàng ẩm thực chay của các quán ăn chay với các món chay tinh khiết, phong phú và đa dạng.
Lễ hội ẩm thực chay mùa báo hiếu nhằm đền đáp tứ trọng ân của người con Phật, ngoài ra còn phổ biến cách ăn chay khoa học để người dân giữ gìn sức khỏe và góp phần với cộng đồng quốc tế đang khẩn thiết kêu gọi ngăn chặn sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Ngày hội ẩm thực chay Vu lan nên được tổ chức hằng năm để đưa ẩm thực chay hòa vào truyền thống văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam.

Theo: Văn Hoá Phật Giáo Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét