Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

NGƯỜI CON GÁI LÀNH CỦA ĐỨC THẾ TÔN



Việt Nam là một nước có truyền thống văn hoá Phật giáo lâu đời. Lịch sử dân tộc từng ghi nhận những người phụ nữ Phật tử đứng ở ngôi vương, ngôi hậu…. Họ là những bậc nữ lưu tài hoa xuất chúng được xã hội cảm phục. Họ dạy dân giữ làng giữ nước, chăm lo sản xuất, giữ vững giềng mối tâm linh truyền thống. Và có người trong số họ đã hiển thánh, đã hóa ngôi vị Phật bà được thờ cúng trang nghiêm trong nhiều đền chùa với ý nghĩa phù trợ cho mưa thuận gió hòa, gia đình ấm no hạnh phúc, đất nước thanh bình phát triển.

Đức Kiều Đàm di mẫu đã từng đi bộ suốt 200 cây số từ kinh thành Ca Tỳ La Vệ đến thành Tỳ Xá Ly để khẩn thỉnh Đức Thế Tôn cho nữ giới được xuất gia sống đời phạm hạnh. Ngài A Nan vì hiểu rõ tâm nguyện của Đức Kiều Đàm, nên đã ba lần khẩn thỉnh Đức Thế Tôn thương tưởng chấp nhận cho người nữ được xuất gia. Công lao to lớn đó của các bậc tiền nhân chính là sự chuyển tiếp những giá trị bình đẳng, công bằng đầy ý nghĩa cho thời đại. Nhằm nâng tầm giá trị và tiến bộ của người phụ nữ Phật tử, chúng ta cần đặt giá trị ấy tương quan với những yêu cầu cấp thiết về sự bình đẳng giới trong phạm vi toàn xã hội.
S mệnh của người phụ nữ Phật giáo đang được đặt ra một cách cấp thiết trong tinh thần hòa hợp và đi tới. Sự hòa hợp đó không chỉ vì tầm nhìn của một sự đổi thay mang tính kỹ thuật trong một xã hội đòi hỏi những yếu tố tiến bộ, hiện đại mà sự hòa hợp đó còn cho chúng ta những giá trị bình an từ trong tâm. Và hòa hợp để chúng ta bày tỏ niềm kính tin tuyệt đối với những điều Đức Phật đã dạy trên tinh thần giải thoát và giác ngộ.
Không một giá trị nào trong kinh điển không cần chúng ta phải nghiền ngẫm hay nhắc lại ở những cấp độ nhận thức khác nhau. Nhưng nếu chỉ tìm những ý nghĩa “đúng-sai” trong lời dạy của Đức Phật, chúng ta sẽ không bao giờ chạm đến giá trị đích thực của lời dạy với ý nghĩa giáo lý chỉ là phương tiện, là chiếc bè đưa người qua bên kia bến bờ an vui. Và giới hạn trong nhận thức sẽ khiến chúng ta khó tiếp cận với phương tiện mà Đức Phật đã ân cần chỉ dạy.
Hàng năm, những người con gái lành của Đức Thế Tôn nhóm họp định kỳ để lắng nghe những tiếng nói quan trọng của người phụ nữ Phật tử, vì trước mắt chúng ta là cả một thế giới tương quan với những cuộc khủng hoảng ở phạm vi toàn cầu từ kinh tế, chính trị đến môi trường sống. Điều đó đang tác động trực tiếp đến ngôi nhà chung Phật pháp, đến chị em chúng ta trong những hoàn cảnh sống khác biệt.
Một ngôi nhà dù tối cả trăm năm nhưng chỉ cần thắp ngọn đèn lên thì mọi vật đều sẽ sáng tỏ. Đó là ý nghĩa: Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Và sự “xuất chúng” của người phụ nữ Phật tử có lẽ nào không xuất phát từ chính công việc thắp sáng ngôi nhà mà mình đang sống.
Những mâu thuẫn quốc gia, sắc tộc, tôn giáo, những phản ứng dữ dội của thiên nhiên, những đói nghèo bệnh tật, những hoàn cảnh phân biệt kỳ thị giới, những yếu kém về thể chất và tinh thần thời đại…, tất cả điều đó đều là biểu hiện của những ý nghĩ, hành vi tiêu cực do chúng ta đã và đang sử dụng sai năng lực của chính mình. Sự hoang phí năng lực đó đang được đầu tư vào những cạnh tranh vô bổ và lãng phí khi trước mắt chúng ta là mối tương quan, tương duyên không thể tách rời giữa con người và môi trường sống.
Sự khẳng định nào cũng sẽ là ích kỷ nếu không thể đi ra ngoài những phân biệt và kỳ thị kể trên. Chúng ta không thể dùng chính sự phân biệt để chống lại sự phân biệt mà vốn dĩ chúng ta từng cho đó là sự bạo hành, bất bình đẳng về giới, sự chống đối tư tưởng tự do, tiến bộ của con người.
Đức Phật đã khéo léo vận dụng nhiều phượng tiện để chúng ta tự hoàn thiện mình ở cấp độ tự thắp sáng năng lực, hóa giải và hòa hợp trước mọi hoàn cảnh sống. Đó không phải là cam chịu và nhẫn nhục một cách mù quáng mà đó là tâm từ bi, lòng trắc ẩn trước những khổ đau, bất hạnh của đồng loại.
Việc cần làm của chúng ta ngày hôm nay là cùng ngồi lại với nhau trong mục đích thống nhất và hòa hợp để triển khai nhiều hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa sự tự thắp sáng, hơn là ngồi để dằn vặt với những xung đột ích kỷ cá nhân mà vốn dĩ những mức độ tràn lan của nó vẫn đang bị điều hiện hóa bởi nhiều hoàn cảnh sống khác biệt. Nhiệm vụ của chúng ta là nói lên tiếng nói cảm thông để những người anh chị em của chúng ta lắng nghe, hiểu và làm đúng với những điều Đức Phật đã dạy: Mọi loài chúng sinh đều có Phật tính; Hãy lấy giới luật làm thầy…
Chúng ta nên cung cấp nhiều hơn những cách nhìn tích cực về người phụ nữ Phật tử. Và chúng ta phải chứng minh điều đó bằng thực tiễn sống và tu tập của bản thân. Bởi lẽ sự tương kính sẽ luôn đem lại giá trị của lòng tự trọng và sự tôn trọng. Không một ai đem sự kính trọng đi mà không nhận lại được sự kính trọng. Nguyên lý nhân quả đã khẳng định rõ như vậy. Hãy quán chiếu sâu vào sự bình an nội tại, ở đó sự tương kính trong một gia đình giữa người nam và người nữ, vốn đã là những kết luận sâu sắc về tình yêu thương: Anh em như thể chân tay. Mất cái tay hay cái chân thì cơ thể chúng ta sẽ mất cân bằng.

Trước sự đóng góp vào quá trình phát triển chung của xã hội, chúng ta có nhiệm vụ kêu gọi hãy chấm dứt sự kỳ thị và những cung cách ứng xử trịch thượng, mệnh lệnh, không xuất phát từ sự tương kính và tôn trọng nhân phẩm. Kêu gọi đó thể hiện mục đích duy nhất của chúng ta là đưa xã hội tiến gần hơn đến sự công bằng. Sự kêu gọi bình đẳng giới không phải việc làm ích kỷ cá nhân và không nên xuất phát từ động cơ thiếu thiện chí hòa hợp. Những lời trách móc thị phi, sự đổ lỗi, thái độ giận dữ đều không làm cho chúng ta tiến bộ hơn trong con đường tu tập, bởi chúng ta đã là người “phụ nữ Phật tử”, và giáo lý của chúng ta không phải là học thuyết tư tưởng “đấu tranh xã hội”. Hơn nữa, những định kiến, giáo điều về giới tính phần nào cũng do thái độ sống thụ động của chính chúng ta góp sức xây nên.
Sự bình đẳng, tự do, hòa hợp không thể tự có, nên trong chính chúng ta, sức mạnh của lòng từ bi là sức mạnh lớn nhất để chúng ta vươn lên chứng minh và khẳng định chúng ta là những người con gái lành thực sự của Đức Thế Tôn. Để từ đó, những người anh chị em của chúng ta thấy chúng ta như một phần máu thịt của chính mình. Đức Phật từng dạy, hãy nhìn những người phụ nữ lớn tuổi cũng như ít tuổi mà coi họ như những người chị, người em ruột thịt của chính mình để che chở, bảo vệ. Sự an trú trong tâm từ bi là sự an trú giúp chúng ta trưởng thành theo thời gian.
Chúng ta đang đi trên con đường của những người anh chị em đã từng là tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh của chúng ta xây đắp nên. Thừa hưởng điều đó, chúng ta nên hướng nhận thức của mình nhiều hơn đến đồng loại, rằng nhiều người trong số họ vẫn phải chịu sống một cách đầy khó khăn với những đau khổ, đói lạnh, bệnh tật, hoang mang, đọa đày trong chiến tranh, trong sự khắc nghiệt của thiên tai, bệnh dịch. Sự “xuất chúng” của chị em chúng ta không chỉ thể hiện ở số đông những người có bằng cấp cao trong những ngôi trường danh tiếng thế giới mà còn là nhận thức chung trước những liên đới xã hội mà chúng ta không phải là người đứng ngoài chứng kiến. Người phụ nữ là một nửa sự sáng tạo của thế giới. Nhiệm vụ chính yếu của chúng ta là phải sử dụng trí tuệ và sự sáng tạo ấy để giảm bớt những nhân tai và thiên tai đang từng giờ, từng phút gây ra cho con người.
Người ta nói, đường đi ngắn không đi không bao giờ tới. Mỗi ngày làm được một điều thiện nhỏ, thêm được một ý nghĩ lành nhỏ là chúng ta đang cần mẫn góp nhặt cho thế giới một sự an vui lớn. Chúng ta hãy ngồi bình tâm để lắng nghe những tiếng nói, những hành động nào từ cuộc sống đang đem đến cho chúng ta một cuộc sống tốt đẹp, an nhàn trong khi máu xương, mồ hôi nước mắt của biết bao những người mẹ, người chị, người em của chúng ta đã đổ xuống để đất dữ hóa lành. Nhìn ra sự tương quan ấy, những uất ức về giới tính như một cách khẳng định bản ngã của chị em chúng ta chỉ là giả tạm.
Mục tiêu của chúng ta hôm nay là vượt qua những khác biệt về giới, về hoàn cảnh xuất thân, tông phái để hướng tâm vào những đóng góp thiết thực cho xã hội. Và đó cũng là ý nghĩa cao cả nhất của sự hy sinh. Bằng không sự tranh đấu của chúng ta chỉ làm gia tăng những phiền não, chỉ trích và chống đối. Chúng ta sẽ làm gì để theo kịp những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật trong thời đại mà chúng ta đang sống, để không chỉ nâng cao trình độ nhận thức thực tiễn mà còn chứng tỏ những người phụ nữ Phật tử không hề kém sáng tạo hơn bất cứ ai trong xã hội.
Vậy thì chúng ta phải biến ước muốn thành hiện thực. Chúng ta phải có trường đại học riêng dành cho nữ Phật tử với những kiến thức chuyên môn cơ bản và những phân tích tích cực trong tìm hiểu những tiến bộ của thời đại, làm sao cho phù hợp với thể chất và tâm sinh lý của nữ giới. Nhất định chúng ta sẽ tập trung được trí tuệ để mở màn cho những đề xuất mới, táo bạo và thiết thực hơn, song song với việc giữ vững truyền thống tu tập trong tông môn của mình. Hiểu mình, nắm rõ được năng lực của mình, chúng ta sẽ đi xa hơn trên con đường mà Đức Phật đã khai mở. Sẽ có những anh chị em thắc mắc về “tham vọng” của chúng ta. Nhưng điều khẳng định “Phụ nữ Phật giáo xuất chúng” không còn nằm ở những hình thức lực lượng chúng ta nhiều hay ít mà ở chất lượng sáng tạo của chị em chúng ta trong ngôi nhà chung Phật pháp và trong sự vận động nhiều đổi thay của xã hội.
Không phải sự dấn thân của chị em chúng ta còn hạn chế, càng không phải do những người anh em không hoàn toàn tin tưởng chúng ta, không đề cử chúng ta vào những vị trí quan trọng trong giáo hội mà là việc làm thường ngày của chúng ta vẫn chưa tỏ ra tích cực, hữu hiệu. Và một nguyên nhân quan trọng là trong nhiều hoàn cảnh tín ngưỡng, các tư tưởng phân biệt nam nữ đã đan xen vào hệ thống giáo dục của chúng ta ở những thời kỳ Phật giáo mất định hướng và lâm vào khủng hoảng.
Chúng ta có quyền đặt câu hỏi, liệu một nữ Phật tử có thể là Chủ tịch hay Phó chủ tịch để điều hành Giáo hội, giống như thế gian có những người phụ nữ làm tổng thống, thủ tướng hay không? Đó không phải là câu hỏi thiếu thực tế mà sự thiếu thực tế nằm trong chính bản thân chúng ta, rằng chúng ta chưa chuẩn bị gì nhiều cho những mong muốn chính đáng và cao đẹp đó. Chị em chúng ta đã tự tạo cho mình những khoảng cách đối lập bằng sự sợ hãi chứ không phải bằng sự tương kính. Trong Bát kính pháp, Đức Thế Tôn muốn chúng ta giữ chữ kính không phải bằng thái độ run sợ. Lấy kính mà đối đãi thì nhận về sự kính trọng. Nhưng lấy sợ làm phương thức sống thì sự lấn lướt về giới tính sẽ xảy ra, chúng ta sẽ đánh mất sự tương quan và lòng tự trọng của phẩm cách.
Sức mạnh nội tại tạo ra sự phong phú và thịnh vượng. Chúng ta hãy khẳng định rằng chúng ta làm được. Người con gái lành của Đức Thế Tôn lẽ nào lại không tích cực trau dồi đạo hạnh, lẽ nào không mạnh dạn dấn thân để làm sáng ngôi nhà của mình để đem lại cho số đông những giá trị và ích lợi thiết thực?
Câu hỏi này xin để chị em chúng ta cùng suy nghĩ. Mặt đất dưới chân chúng ta đang chuyển động, nhưng chúng ta đã run sợ trước những nguy hiểm và khó khăn do chính chúng ta tưởng tượng ra. Chúng ta chưa đủ năng lực xả thân cầu pháp như nhiều tấm gương mà những người anh em chúng ta đã làm. Thực tế này chúng ta phải chiêm nghiệm nhiều hơn trong lịch sử. Xin từ bỏ những lo sợ và cả những điều không chính đáng mà chính chúng ta tạo lập nên trong quá trình tu tập. Chị em chúng ta cần có sự bảo vệ che chở, nhưng chúng ta cũng có đầy đủ năng lực và điều kiện để bảo vệ, che chở cho những người anh em chúng ta. Sức mạnh của phụ nữ Phật tử là sức mạnh của sự thận trọng, mềm mỏng, mẫu mực và khiêm nhường. Ở đó, lòng từ bi là sức mạnh lớn nhất. Và không phải ngẫu nhiên chư Phật, chư Bồ tát lại hiện thân như những người mẹ hiền, cưu mang, tần tảo để giữ ấm cho gia đình và cộng đồng.

Trong nhiều quốc độ ngôn ngữ, văn hóa, chị em chúng ta hội tụ về đây không chỉ để biểu dương những nhận thức mới mẻ đã được củng cố và phát triển trong mấy chục năm qua, mà chúng ta muốn nói rằng, qua công nghệ thông tin, qua những nỗ lực cống hiến và hàn gắn ở mỗi quốc gia, chị em chúng ta đã nhận ra trái đất như nhỏ lại trong khi sự trải nghiệm, lòng trắc ẩn, tâm từ bi của chúng ta ngày càng lớn hơn, rộng mở hơn. Chúng ta nguyện cùng với những người anh chị em của mình đoàn kết lại để giữ vững hình ảnh của một tôn giáo luôn đề cao những giá trị của trí tuệ, tiến bộ và hòa bình.
Có thể trong một quốc độ nào đó những giáo điều đã làm cho một số chị em cảm thấy mình chưa được tôn trọng. Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta phải làm sáng tỏ hơn những quốc độ mà sự giáo điều đã được sử dụng nhằm gây nên những khoảng cách văn hóa và định kiến trầm trọng về giới tính. Thực tế vẫn còn những người trong hàng lãnh đạo đã đứng sai chỗ khi o bế đời sống của chị em chúng ta bằng nhận thức hời hợt về giới tính. Nhưng chúng ta sẵn sàng lắng nghe và đưa năng lực của mình ra bằng sự kính trọng, bằng từ bi, trí tuệ để họ có thể buông bỏ những khắc nghiệt trong định kiến về giới tính khi xem chị em chúng ta như những chướng nạn trên con đường tu tập.
Suy nghĩ như vậy không thể nhận được sự cỗ vũ của chính chị em chúng ta, bởi trong hoàn cảnh đảm bảo sức sáng tạo và sự tự do, chúng ta phải tồn tại để chứng minh cho sự chuyển hướng và điều chỉnh nhận thức của xã hội, rằng những người nữ Phật tử có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho tương lai của sự ổn định toàn cầu. Ngay bây giờ chúng ta hãy đến gần với những người chị em trong quê hương huyết thống và quê hương tâm linh để chia sẻ với họ nhiều hơn nữa những nỗi bất công và thống khổ; đem đến sự cần bằng trong tinh thần và vật chất cho những ai còn thiếu may mắn hơn chúng ta.
Làm sao chúng ta có thể có hạnh phúc và bình yên khi những người chị người em thân yêu của chúng ta còn đang chịu nhiều khổ đau, bất hạnh? Tinh thần phục sự đạo pháp và xã hội chính là sự sẵn lòng hy sinh để tìm kiếm, chia sẻ những lợi ích chung cho cộng đồng. Sống thân thiện, đoàn kết, lương thiện và tử tế với bạn bè, anh em, với láng giềng, cộng đồng trong những lúc khó khăn, thách thức cũng như lúc thanh bình sẽ giúp cho chị em chúng ta có những gia đình vững chắc, những nền tảng xã hội căn bản để tạo dựng hạnh phúc. Cống hiến những giá trị cao đẹp cho những hoàn cảnh khó khăn phức tạp càng làm cho chị em chúng ta trưởng thành hơn trong tu tập, đúng với bốn đức lớn Từ-Bi-Hỷ-Xả mà Đức Phật đã dạy.
Những giá trị đạo đức mà chị em chúng ta xiển dương phải luôn phù hợp với tư tưởng thời đại và pháp luật của mọi quốc gia. Đó là những giá trị bền vững, giúp chúng ta tin tưởng trong quá trình tiếp cận xã hội một cách sâu rộng, bài bản và khoa học hơn.
Mọi “hóa thành” sẽ hiện ra khi chúng ta mệt mỏi, nhưng nhiệm vụ của chúng ta không phải gắn chặt mình vào với cái “hóa thành” đầy ảo ảnh đó để hưởng thụ sự cung phụng mà chính chúng ta phải biết tồn tại bằng mọi nghị lực khi “hóa thành” một ngày kia biến mất.
Việt Nam là một đất nước hồi sinh mạnh mẽ từ sau một thế kỷ đầy biến động khắc nghiệt của chiến tranh. Điều đó luôn thúc đẩy người dân Việt Nam, người phụ nữ Phật tử ý thức giữ gìn nền độc lập, hòa bình, tự chủ. Việt Nam luôn là quê hương của những ứng xử hòa bình, bởi vì Việt Nam đã sống và vươn lên bằng tinh thần của một dân tộc có hơn 2.000 năm Phật hóa. Và hôm nay, Hội nghị SAKYADHITA Lần thứ XI được tổ chức trên quê hương chúng ta đã tô đậm thêm những giá trị hòa bình thiết thực cho trang sử Phật giáo Việt Nam.

Thích nữ Tịnh Nguyện
(Theo Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét