Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2009

BỘ MÁY VÌ NHÂN QUYỀN, KHÔNG PHẢI ĐỂ CHIA QUYỀN



"Nhân quyền và cơ quan nhân quyền quốc gia không thể chỉ là đối phó. Nhân quyền phải được xem là nền tảng triết lý phát triển của Việt Nam, là thành tố chủ chốt trong chủ thuyết phát triển", nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, GS. Đào Trí Úc nói.
Không thể đối phó
Tại hội thảo về “cơ quan nhân quyền quốc gia” vừa diễn ra tại ĐHQG Hà Nội, bà Nghiêm Kim Hoa, người vừa hoàn thành nghiên cứu tại Mỹ về giáo dục nhân quyền, đặt vấn đề, Việt Nam cần đặt lại việc xem xét vấn đề nhân quyền là thế nào, đối ngoại hay đối nội.
Bà Hoa chỉ rõ, hiện nay, chúng ta đang xem nhân quyền là vấn đề đối ngoại, nhưng thực tế, đó hoàn toàn là vấn đề đối nội, vì sự ổn định và phát triển lâu dài của Việt Nam. Bản chất của nhân quyền là vấn đề phát triển con người.
“Nếu xem nhân quyền là vấn đề vì hòa bình, đồng thuận và phát triển quốc gia, thì Việt Nam cần xem đó là vấn đề đối nội”, bà Hoa nói.
GS. Đào Trí Úc cho rằng “nhân quyền là nền tảng cho toàn bộ hoạt động xã hội - chính trị”. Đáng tiếc, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được văn hóa nhân quyền.
Đơn cử, “khi thiết kế bộ máy nhà nước, chúng ta vẫn thiên về mục tiêu để điều hành hiệu quả chứ chưa phải lo cho nhân quyền”.
Bản chất của việc phân quyền không phải là chia quyền cho nhau giữa các cơ quan nhà nước mà về nền tảng là để bảo vệ quyền của con người. Đó là thứ văn minh chính trị: vì con người mà thiết kế bộ máy”, GS. Úc nói.
Nhắc lại lời lãnh đạo Đảng, Chính phủ Việt Nam căn dặn “đừng đẩy khó khăn cho dân, kéo cái dễ về phía mình”, GS. Úc cho rằng, đó chính là tư duy vì nhân quyền. “Bộ máy phải vì con người, vì dân chứ không phải giành quyền về mình”.
Nhân quyền không thể chờ đợi
Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia chỉ rõ, Nhà nước Việt Nam đã cam kết các quyền cơ bản của con người, nhất là các quyền chính trị. Về quyền kinh tế - xã hội thì phụ thuộc vào mức độ phát triển của quốc gia. Ví dụ, quyền được sống trong môi trường tốt là của tất cả mọi người, nhưng để đảm bảo quyền đó không dễ với các nước đang phát triển như Việt Nam, bởi tiền đâu?
Tuy nhiên, “trong khả năng của mình, quốc gia nào cũng phải đảm bảo tối đa các quyền đó... Khả năng thực hiện nhân quyền có hạn, nhưng nhân quyền không thể chờ để được trao và bảo vệ”, GS. Đào Trí Úc nói.
“Phải có trách nhiệm và chương trình hành động cho rõ ràng, tránh lẫn lộn trách nhiệm, không thể cái gì cũng đổ lỗi do thiếu điều kiện”.
Theo GS. Đào Trí Úc, “nhân quyền và cơ quan nhân quyền quốc gia không thể chỉ là đối phó. Nhân quyền phải được xem là nền tảng triết lí phát triển của Việt Nam, là thành tố chủ chốt trong chủ thuyết phát triển”.
"Nhân quyền phải được lồng ghép trong các chủ trương, chính sách và giải pháp thực hiện của Nhà nước. Mỗi khi đưa ra một chính sách hay thực hiện chúng, mỗi người phải tự hỏi, chính sách ấy đã vì con người hay chưa", GS. Úc nói.
Song song với hoạt động này, theo bà Kim Hoa, Việt Nam phải đẩy mạnh giáo dục nhân quyền, để xây dựng "văn hóa nhân quyền" ở Việt Nam. "Vấn đề không phải là dạy về nhân quyền mà là xây dựng một môi trường trong đó nhân quyền được tôn trọng"
"Chừng nào chúng ta còn nói về nhân quyền với thái độ e dè, nghi ngại, thì Việt Nam không thể có văn hóa nhân quyền", bà Hoa nói.


Văn hóa nhân quyền và luân thường đạo lý?

Người thổi còi
Liên quan đến việc thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia, theo bà Hoa, hiện Việt Nam vẫn đang thiếu đầu mối về vấn đề nhân quyền, và chúng ta vẫn đang sử dụng hệ thống hành chính sẵn có để thúc đẩy. Việt Nam cần sớm xem xét về việc thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia, các học giả tại Hội thảo tư vấn.
GS. Úc cho hay, đó cũng là một trong những khuyến nghị mà các nước thành viên Liên hiệp quốc đưa ra sau báo cáo nhân quyền của Việt Nam tháng 5/2009 vừa qua. (Ông là một trong hai đại diện của khối xã hội dân sự Việt Nam tham dự báo cáo nhân quyền Việt Nam tại LHQ).
Tuy nhiên, “cơ quan nhân quyền quốc gia không đồng nghĩa với một thiết chế mới thay thế hoàn toàn cho các cơ quan hiện nay đang lo vấn đề nhân quyền. Nó không có tính loại trừ lẫn nhau”, GS. Úc nói.
Theo ông Úc, cơ quan nhân quyền quốc gia là một dạng cam kết thiết chế để thúc đẩy vấn đề nhân quyền được xem xét, bảo vệ có trách nhiệm hơn. Đó là một dạng “cơ quan chuyên trách” bảo đảm độ tin cậy của việc duy trì và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, nhất là khi báo cáo với quốc tế.
Điều quan trọng là phải tạo dựng được cơ quan nhân quyền có tính độc lập như vậy, các học giả tại Hội thảo chia sẻ.
Theo bà Kim Hoa, cơ quan nhân quyền quốc gia “phải giữ tư cách người thổi còi”. Nó phải có chỗ đứng đủ cao để có tầm nhìn đủ rộng, thấy đủ bức tranh nhân quyền Việt Nam.
Hiện 15 nước ở châu Á - Thái Bình Dương có cơ quan nhân quyền quốc gia. Mức độ thẩm quyền, quy mô hoạt động rất đa dạng, không rập khuôn, phụ thuộc vào tình hình mỗi nước. ASEAN cũng đã thành lập cơ quan nhân quyền của mình. Vì thế, đòi hỏi nghiên cứu về cơ quan nhân quyền quốc gia đang đặt ra cấp thiết cho Việt Nam.
Phương Loan
Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/200912/Bo-may-vi-nhan-quyen-khong-phai-de-chia-quyen-885324/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét