Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2008

CẦU NGUYỆN "TÒA KHÂM": NÊN NHÌN VÀO SỰ THẬT


“Thật là một bi kịch đối với chúng tôi khi mảnh đất linh thiêng của mình bị lấy đi”(LM Nguyễn Khắc Quế, Hà Nội). Tuy nhiên, mảnh đất đó còn là một bi kịch lịch sử mà người Công giáo đang cầu nguyện vẫn chưa dám nhìn thẳng vào sự thật bằng chính lương tâm của mình…

Vụ việc cầu nguyện đòi tòa Khâm sứ của một bộ phận người Công giáo và phản ứng của người Phật tử những ngày vừa qua đã phần nào tác động đến dư luận xã hội trong và ngoài nước. Để không cường điệu hóa mâu thuẫn hiện tại của nó, chúng ta nên nhắc lại một hiện tượng văn hóa tôn giáo đặc thù ở nhiều quốc gia Đông Á: tam giáo đồng nguyên, như một sự tham khảo. Bởi những kết luận về xung đột xưa nay được các nhà Đông phương học thống nhất chỉ ra rằng Châu Á không có chiến tranh tôn giáo.
Tuy nhiên, trên những cơ sở văn hóa, tư tưởng cũng như những đặc thù đa dạng của nó không phải không có những thúc ước và chi trì lẫn nhau. Sự dung hóa, thúc ước nhau đó chính là điều kiện căn bản để nhà cầm quyền duy trì thế cân bằng và ổn định xã hội. Sẽ là ngây thơ nếu chúng ta cho rằng một thái độ chống đối, bài xích trên một cơ sở xã hội nào đó chỉ đơn giản là thể hiện thiên kiến hay thái độ “hận thù” thuần túy tôn giáo.
Nói qua như vậy để trở lại với vấn đề cầu nguyện đòi tòa Khâm sứ của giáo dân Hà Nội gần đây và phản ứng (cần thiết) của người Phật tử Việt Nam. Vụ việc cầu nguyện đòi đất có lẽ sẽ không gặp phải phản ứng của người Phật tử nếu nó không “chạm” đến một lịch sử nhạy cảm trên mảnh đất khi xưa đã từng là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng kinh kỳ - chùa Báo Thiên (nay là nhà thờ Lớn và tòa Khâm, Hà Nội ).
Phản ứng của người Phật tử đang diễn ra đúng quy luật lịch sử, một khi có những yếu tố bất ổn, có thể ảnh hưởng đến lợi ích dân tộc và liên quan đến Phật giáo. Do đó chúng ta không nên thổi bùng những xung đột lên như một “tai họa” mà nhiều người vẫn nghĩ, vẫn nói. Bất kỳ một chiếc “gương soi” nào trong thời buổi tư tưởng ngày càng trở nên đa cực đều luôn là cần thiết. Sự phản ứng của người Phật tử (ở sự kiện này) vốn dĩ cũng chưa đến mức gay gắt, vì sao?, vì nó là một “cáo trạng lương tâm”, không phải là những xung đột (do tranh giành, xâm chiếm trực tiếp) gây nên.Trong lịch sử Việt Nam, ngay cả khi Phật giáo là quốc giáo, những bài xích, tranh luận trực tiếp về tư tưởng của nhiều Nho sĩ đối với Phật giáo còn nặng nề và gay gắt hơn nhiều nhưng có xảy ra viễn cảnh bạo lực nào đâu. Như vậy, sự xung đột về căn bản vẫn là cách thức tổ chức và quản lý của một giáo hội tạo ra.
Để nhận thức vấn đề trên, chúng ta không nên đánh đồng một cách nghiệt ngã vào tư tưởng, giáo lý tôn giáo vì tôn giáo có những cơ sở xã hội, tâm linh để khẳng định sự tồn tại của nó, mà chúng ta nên nhìn nhận vào cách hành xử của những người (đang và sẽ là) đại diện cho tín đồ của mình.
Hành vi cầu nguyện của giáo dân Hà Nội để đòi đất tòa khâm đã ít nhiều làm tổn thương tinh thần dân tộc. Thiết nghĩ, trong mâu thuẫn này, chúng ta cũng cần (và không thừa để) nhắc lại bài học lịch sử đó và nghĩ thêm về truyền thống tôn giáo trên cơ sở tư duy giữa Đông và Tây.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố trong cuốn The Geograhy of Thought: How Asians and Westerners Think Differently…and Why, của Giáo sư Richard Nisbet: Tư duy của phương Tây là tư duy kiểu trắng đen phân biệt rõ rệt, không có vùng đất xám. A là A chứ A không thể vừa là A vừa là A’, hoặc không A. Theo ông tư duy kiểu này là tư duy đơn giản một chiều, khá cứng nhắc và có thể dẫn đến những hành động cực đoan, vì nó không tìm cách dung hòa sự bất đồng, không tìm con đường trung dung giữa hai phía để đi. Nó sẽ khăng khăng cho rằng trách nhiệm thuộc về một phía và phía này phải sửa đổi hành vi để cải thiện tình hình. Chính vì trong thực tế cuộc sống không có nhiều tình huống “giấy trắng mực đen rõ ràng” như vậy nên tư duy theo kiểu này không giúp làm cho xung đột khá hơn mà làm cho nó tồi tệ đi.
Mặc dù giáo sư Nisbet tin rằng kiểu tư duy “biện chứng” của Đông phương không phải không có ở Tây phương, bằng chứng là nó được thể hiện qua tư tưởng của các triết gia như Hegel, Kant, Marx. Tuy nhiên cuối cùng, Nisbet vẫn cho rằng tư duy của Đông và Tây là khác nhau và người phương Tây thường không ý thức được tư duy của họ bám chặt vào các nguyên tắc logic đến mức nào, trái ngược với kiểu tư duy “biện chứng” của phương Đông.
Triết lý phương Đông cho rằng thực tại luôn thay đổi, nên các cặp phạm trù đối ngược, nghịch lý, bất thường luôn được tạo ra trong cuộc sống. Cũ và mới, tốt và xấu, mạnh và yếu tồn tại đan xen nhau trong mọi vật.Cách nhìn về văn hóa và văn minh có sự “lệch” nhau như thế nên những yếu tố “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” cũng ít nhiều tồn tại trong nhận thức “Đông” và “Tây”, nên những cuộc chạm trán tư duy (đã, đang và sẽ) là điều không thể tránh khỏi.
Do đó mâu thuẫn một bên cũng chính là mâu thuẫn nhiều bên, vì vậy chúng ta không nên nhìn vấn đề “cầu nguyện tòa khâm” là một vấn đề biệt lập, tách rời ở một giáo hội, ở vài cá nhân hay nhóm người nào đó.Ở điểm này, Giáo hội Công giáo vẫn đang tiếp tục bằng cách này hay cách khác né tránh, tạo ra “sự im lặng” quá mức cần thiết. Khi những vấn đề không được thực tế thừa nhận để lâu ngày sẽ dẫn đến một tâm lý trốn tránh, “xấu che, tốt khoe”, và đi ngược với những hành vi dám làm, dám chịu, dám nhìn nhận lỗi lầm và dám sửa sai. Từ lâu, để nhấn chìm “cái xấu”, biểu dương “cái tốt”, các thông tin xã hội đã tạo nên một tư duy né tránh, nên thường những góp ý trái chiều đều bị quy kết vào “gây mất đoàn kết”, “phá hòa hợp”… Điều đó đã gây ra những ức chế xã hội, và nhóm lên những phản biện ẩn ngầm, ngoài luồng, vô hình chung đẩy tính minh bạch, công khai ra khỏi sinh hoạt xã hội, tổ chức, giáo hội.
Có thể nói, những người có trách nhiệm bên Giáo hội Công giáo đang bỏ lỏng sự kiện, tạo nên những hiệu ứng xã hội không hay từ phía người dân và nhà nước, trong khi có thể giải quyết tồn tại trên cơ sở pháp lý, lương tâm, đạo đức, lợi ích dân tộc và hơn thế nữa là tình nghĩa đồng bào một cách hợp lý hợp tình nhất.Khi tất cả các tư tưởng mới cũ đang trở thành “cơ thể” của dân tộc Việt Nam thì một cái “bị bệnh” sẽ làm cho những cái kia bị ảnh hưởng.
Sự “im lặng”, “nghe ngóng” quá mức chỉ càng làm cho xã hội tăng lên những nghi vấn về một “bản lĩnh” thực sự của các bên có liên quan. Chính vì thế những thông điệp to tát, những giả định, những quyền hành hỗn độn, những giới hạn nhận thức… trong vụ “cầu nguyện” càng ngày càng làm cho vụ việc rối ren và phức tạp. Người nào thắt nút thì người đó mở nút, nếu họ không thể mở nút thì mọi người phải giúp họ mở nút. Ở vụ việc này, hành vi nôn nóng của TGM Ngô Quang Kiệt đã tạo nên những thông tin chống đối, công kích nhằm vào nhà nước Việt Nam với thông điệp: “công lý-hòa bình”.
Nhưng có lẽ nguyên nhân căn bản và sâu xa đó chính là tâm lý “mặc cảm” của một bộ phận người Công giáo (người viết chỉ muốn nhấn mạnh đến những chức sắc lãnh đạo, những người mệnh danh là chủ chăn) từ trong quá khứ lịch sử. Đồng thời với tâm thức muốn rũ bỏ quá khứ là một thái độ hiện tại “vọng ngoại” (trông chờ vào quyền lực và kinh tế của Vatican-một quốc gia ngoài lãnh thổ Việt Nam).
Chính vì chạm đến “mặc cảm” này mà không khó hiểu khi một bộ phận người Công giáo “không muốn” nhìn vào sự thật của quá khứ lịch sử và xem lịch sử như là “sự đã rồi”. Lãng quên quá khứ có thể vừa là sự bất công vừa là sự an ủi. Nhưng thiết nghĩ người Công giáo phải dũng cảm đối mặt với vấn đề đó, vì gần như càng dìm nó đi thì nó càng trỗi dậy một cách mãnh liệt, và còn bởi chúng ta không thể “sửa đổi” lịch sử theo ý muốn của mình được. Và những người không vượt qua được “mặc cảm” đó thì lại rơi vào một thái cực kiểu “đâm lao thì phải theo lao”: đối kháng đến cùng.
Đã nhiều năm rồi, cả xã hội, trong đó có người Phật tử, đang nhìn người Công giáo với một hình ảnh mới thì hành động của TGM Ngô Quang Kiệt đã gần như kéo cách nhìn của họ lui về 100 năm trước. Hiện tại luôn là cái điều mà người ta biết ít nhất về nó, giống như tấm màn nhung phủ lên sự thật, để chẳng bao giờ anh còn đủ tỉnh táo để biết được anh đã sống như thế nào. Và sự xung đột của lợi ích không loại trừ những tham vọng quyền năng.
Phản ứng của người Phật tử không phải là không có cơ sở trước những hành động ứng xử trong quá khứ của người Công giáo (gần nhất là thời kỳ đàn áp Phật giáo của gia đình trị Ngô Đình Diệm - 1963). Điểm đáng chú ý và cũng gần như là mấu chốt của vấn đề chính là một bộ phận người Công giáo đang cầu nguyện đã đặt lợi ích của mình lên trước lợi ích dân tộc.
Nếu những chức sắc Công giáo không nhìn nhận, điều chỉnh thích hợp để giải quyết được vấn đề này thì sẽ tạo ra cái nhìn “phòng bị” của những người ngoài Công giáo . Trong khi với những thông tin tràn ngập hiện nay, không khó để hiểu rõ về những chính sách thuộc địa và những can thiệp mới của Vatican vào nội tình của nhiều quốc gia phi Công giáo.
Nguyên do của những mặc cảm dẫn đến đối kháng không phải chỉ là một sự hiểu lầm nào đó (trong quá khứ lịch sử) hay thuần nhất là sự khác biệt của giáo lý, tín lý hay đạo đức, mà còn là sự khác biệt về văn hóa, lối tư duy, ứng xử không tách khỏi những “tranh chấp” quyền lợi, thậm chí quyền lực hiện tại.
Chúng ta lấy dẫn chứng về điều này qua thư của trí thức Công giáo Kim Nguyên-Bỉ Quốc gửi các Giám mục Việt Nam: “Là người công giáo Việt-Nam, con đau lòng khi đọc những nhận định của các nhà phân tích rằng: “Ngày nay, giáo hội Công giáo Việt Nam dường như đang chọn thái độ im lặng để được yên ổn sống đạo và truyền đạo”. Nếu đúng như vậy thì lịch sử đang lập lại: Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, GHCG Việt Nam được đặt dưới sự cai quản của những ông giám mục người Pháp. Giáo hội đã chọn thái độ im lặng trước những chính sách bạo ngược của thực dân đối với người dân Việt, đến nỗi người ta đã có một ấn tượng xấu về người Công giáo Việt Nam trong một thời gian rất dài.Hình ảnh của giáo hội Công Giáo vì vậy đã bị làm cho hoen ố khá nhiều. Khi biện hộ về thái độ của người công giáo trong thời Pháp thuộc, để chứng minh rằng người Công giáo cũng có chống lại chính sách của thực dân, người ta thường dẫn chứng bằng hai câu vè: Đày vua không Khả, Đào mả không Bài. Xin thưa: hai cụ Ngô Đình Khả và Nguyễn Hữu Bài là những sĩ phu công giáo, lập trường của hai cụ chỉ là lập trường của những cá nhân, nó không hề phản ảnh lập trường của khối công giáo đương thời”. (tiengnoigiaodan.net).
Đó không phải là một cái nhìn biệt lập của người Công giáo quan tâm đến sự phát triển của Giáo hội. Sự phản ứng của họ có thể không nhìn từ số lượng tín đồ cũng như lịch sử truyền bá tin mừng mà nhìn vào thái độ ứng xử. Nếu nhìn từ Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, nói chung là châu Á (ngoại trừ Philippine) thì sự truyền giảng tin mừng trên đã không thành công vì số lượng tín đồ phát triển rất giới hạn.
Còn tại Việt Nam, mặc dù với con số khả quan 6 triệu tín đồ Công giáo, nhưng đó là con số bấp bênh, không bền vững trong một xã hội đang phát triển, bởi do “nỗ lực cải đạo” nhiều hơn là cách thức truyền giảng để người dân hiểu rõ và tình nguyện chấp nhận tin mừng (không thể không thừa nhận cách truyền đạo kiểu “đạo gạo”, nhằm vào sự nghèo đói, lạc hậu và những giàng buộc hôn nhân). Hơn nữa sự suy giảm đáng kể đạo Công giáo trên chính “quê hương” của họ là một thực tế cần được người Công giáo Việt Nam nhìn nhận.
Trong khi sự không thành công trên chưa được điều chỉnh thì những “khuyến khích” mạnh mẽ từ bên ngoài đã tạo nên một ảo tưởng “phát triển”, khiến người Công giáo Việt Nam quá nóng lòng với việc lập giáo hội địa phương, xây cất nhà thờ, gây ảnh hưởng với chính quyền.Có lẽ do trong lịch sử, nói theo một số nhà nghiên cứu, tâm thức “đế quốc” của người phương Tây đã ít nhiều bắt rễ vào tâm thức người Công giáo bản địa. Vì vậy đã từ lâu họ nghĩ rằng các nước bị đô hộ là yếu kém, lạc hậu, mê tín, dị đoan. Trong khi giới giáo sĩ thừa sai được tiếp thu những thành quả khoa học, kỹ thuật, kinh tế, sức mạnh quân sự nên phần nào họ nghĩ họ nổi trội và ưu việt hơn so với giới sư sãi, nho gia… Nhưng mấy ai nhận biết đó chỉ là một “chiêu bài” đô hộ mà các thừa sai chưng ra, bởi vốn dĩ những thành quả ấy chẳng ăn nhập gì với đạo của họ cả. Điều đáng nói, có một bộ phận trí thức “Tây học” vẫn còn đang ảo tưởng, lẫn lộn về cái gọi là “văn minh” này đằng sau những bước đi đầy toan tính của bạo lực.
Chỉ khi những con hổ, con rồng châu Á bừng tỉnh và cất cánh bay lên mới tạo ra sự ngỡ ngàng mà tư duy của nhiều người Công giáo vẫn còn chưa theo kịp. Sự vùng lên của Nhật Bản, Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho những nỗ lực ngoài “văn minh khai sáng” phương Tây và ngoài Công giáo. Vì thế chính người Công giáo Việt Nam cũng cần thay đổi cách nhìn về thước đo “văn minh”, nếu không muốn bị tách ra khỏi cơ thể và sinh mệnh dân tộc khi cứ tiếp tục phê bình hay ứng xử ngược lại với văn hóa, phong tục, nếp sống...sinh hoạt truyền thống.
Bất cứ khi nào tôn giáo rơi vào vòng xoáy quyền lực chính trị là lúc tôn giáo bị tha hóa, mất bản sắc, gây nên bất ổn xã hội, tạo ra những vết thương khó lành.
Tại sao cứ “vọng ngoại” là phải đi đôi với chống tôn giáo dân tộc, chống nhà nước?
Nếu cứ tiếp tục mang những nhận thức này vào trong ứng xử thì mọi “hòa giải” chỉ là chiến thuật hoãn binh, mọi đối thoại chỉ là tấn tuồng giả câm, giả điếc. Và càng suy nghĩ thì ý nghĩ của người này càng xa rời ý nghĩ của người kia và ngược lại.
Có thể chúng ta vẫn đang tiếp tục viết lên hiện tại bằng thì quá khứ (50 năm hay xa hơn nữa). Nhưng nếu còn một tia hy vọng, xin đừng bi quan bởi không có gì là quá muộn, nếu lương tâm biết kịp thời cất lên tiếng gọi.

Nguyễn Mai Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét