Những biểu hiện nhiều mặt của khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội năm 2008, đã ít nhiều khiến lòng người có những hoang mang. Có thể hơn 90 năm sau Việt Nam mới đuổi kịp nền kinh tế Thái Lan, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, Việt Nam đã may mắn hơn Thái Lan khi có thể cố kết lòng dân dù chỉ qua một trận túc cầu.
Sống vội, sống gấp gáp, sống chậm chạp, lờ đờ, sống thăng bằng, sống cùng và sống với. Ý nghĩa sống có nhiều song cộng đồng luôn tồn tại với nhau qua ý nghĩa của sự tương quan. Tương quan sống là những mối liên hệ nhân quả từ ý nghĩ, lời nói cho đến việc làm. Thực tế, hầu hết các giá trị xã hội đều đang được cân đo bằng những thành quả của “thắng lợi”. Ai, lĩnh vực nào thắng lợi thì có thể tự hào mà ngẩng cao đầu cùng nhau chúc tụng.
Sống vội, sống gấp gáp, sống chậm chạp, lờ đờ, sống thăng bằng, sống cùng và sống với. Ý nghĩa sống có nhiều song cộng đồng luôn tồn tại với nhau qua ý nghĩa của sự tương quan. Tương quan sống là những mối liên hệ nhân quả từ ý nghĩ, lời nói cho đến việc làm. Thực tế, hầu hết các giá trị xã hội đều đang được cân đo bằng những thành quả của “thắng lợi”. Ai, lĩnh vực nào thắng lợi thì có thể tự hào mà ngẩng cao đầu cùng nhau chúc tụng.
Chiến thắng! Việt Nam chiến thắng! Đó là những giai điệu được phất lên cùng cờ tổ quốc khi Việt Nam cầm hòa 1-1 với Thái Lan ở sân Mỹ Đình để giành chiến thắng chung cuộc 3-2 cho cả hai trận chung kết lượt đi và về. Đó là một chiến thắng thuyết phục, chỉ có thuyết phục thì người Việt Nam mới vui tột độ như vậy.
Trong những ngày qua, nhiều người Việt Nam vẫn còn lâng lâng, ngây ngất với chiến thắng của đội tuyển Việt Nam. Quả tình không ngoa khi người ta phát hiện sự hấp dẫn lớn của bóng đá khi đưa ra khẩu hiệu “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”. Bóng đá trở thành sức hấp dẫn số 1, niềm đam mê số 1. Vì vậy, cứ nhìn vào các website nổi tiếng về thu hút độc giả tại Việt Nam, bao giờ họ cũng dành cho chuyên trang thể thao một giao diện đặc biệt. Và đã từ lâu, theo thói quen, mỗi khi mở báo ra đọc không ai lại không dừng lại ở những tin tức thể thao để vui buồn, sung sướng và cả thất vọng với nó.
Bóng đá là như thế. Bóng đá là khát khao chiến thắng. Bóng đá là tình yêu. Người Việt Nam có tình yêu lớn và đã từng có những thất vọng lớn với bóng đá khi đi đá quốc tế mà các cầu thủ đem tình yêu và niềm tin của hàng triệu người Việt Nam ra bán độ. Chính vì thế, tình yêu bóng đá cuồng nhiệt của người Việt Nam luôn cần chất xúc tác của niềm tin chiến thắng, của tinh thần thể thao cao thượng. Xin đừng cầu thủ nào nghĩ rằng vì một đất nước có tình yêu bóng đá như vậy mà xúc phạm vào niềm tin ấy, tinh thần ấy, bởi xúc phạm vào điều đó nhất định họ sẽ phải trả giá.
Tôi còn nhớ rất rõ cái cảm xúc tự hào của mình khi Việt Nam giành chiến thắng ở phút bù giờ cuối cùng. Tôi đã nhảy lên và hét Việt Nam thắng rồi. Rồi cứ thế, tôi chứng kiến sau giây phút chiến thắng, người người già trẻ, trai gái kéo nhau ra đường giương cao cờ tổ quốc và hát lên những tiếng Việt Nam. Thật dễ thương, thật bao dung, thật gần gũi, trong đêm chiến thắng ấy, ý nghĩa tương quan vui buồn thật rõ. Người ta có thể gọi bữa tiệc bóng đá đó là niềm tự hào dân tộc. Nhưng ngày đó là ngày tự hào khi mọi người được bao dung một cách đúng nghĩa. Ngày đó họ đổ ra đường cứ thế mà đi, không biết đi đâu, có lối đi được là đi, có nơi đông người là đến. Đụng xe vào nhau họ cũng mỉm cười. Họ nói với người lạ như người quen. Họ nhìn nhau để nói câu “Việt Nam chiến thắng”. Kẻ nói, người nghe đều sống trong không khí sôi động ở trên sân cỏ. Quả thực đó là một chiến thắng chung của những người Việt Nam yêu bóng đá.
Không còn sự phân biệt của tư tưởng, tôn giáo. Họ cùng chấp nhận để trở thành “tín đồ” của túc cầu giáo. Chiến thắng bóng đá chỉ mang tầm khu vực Đông Nam Á, một vùng được xem là trũng nhất của bóng đá thế giới. Nhưng tình yêu bóng đá thì có thể không kém bất cứ cường quốc bóng đá nào. Vì thế, ở phạm vi của một chiến thắng không đáng kể trên đấu trường bóng đá thế giới, nhưng thế giới vẫn dành những lời trân trọng để khen ngợi chiến thắng của đội tuyển Việt Nam, tình yêu bóng đá cuồng nhiệt của người Việt Nam.
Khát khao chiến thắng thúc giục người ta đến bất cứ nơi đâu có hình ảnh đội tuyển Việt Nam đang thi đấu. Không có khát khao ấy của muôn người thì chiến thắng chỉ mang tính thủ tục ở trên sân của bất cứ giải đấu nào. Nhưng cũng nhờ chiến thắng đó, khát khao ấy sẽ lớn hơn người ta có cơ sở nào đó để đặt niềm tin vào những giải đấu ở tầm cao hơn như Asia Cup hay Word Cup.
Sự thật trần trụi của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, chỉ số lạm phát tăng cao trong nước, không khí ảm đạm thất thường của thị trường chứng quán, bất động sản, của ngành ngân hàng, của dầu hỏa, vàng, đô-la, lương thực cộng với tình hình khắc nghiệt của thiên tai, bão lụt trong suốt một năm đã làm cho tiếng than thở trong xã hội ngày một nhiều. Và từ trong những than thở đó, lòng tin của con người ly tán, họ cùng nhau bàn tán nhiều hơn đến những cảnh huống và trạng thái sống chung quanh. Người làm kinh doanh ở nhiều lĩnh vực càng thận trọng, nghi ngờ nhiều hơn khi giao tiếp với nhau. Cơn lốc khủng hoảng tài chính đã và sẽ còn tiếp tục làm cho nhiều người điêu đứng, vỡ nợ. Vỡ nợ thì tan vỡ tất cả giấc mộng tình và sự giao hảo. Khắc nghiệt là như thế trong kinh tế càng làm cho bộ mặt thật của xã hội được lộ dần ra khi thước đo giá trị được túi tiền đưa lên bàn cân nặng nhẹ, hơn thiệt.
Và càng khủng hoảng, người ta càng suy nghĩ nhiều hơn đến những người họ gửi gắm niềm tin. Gần là những người làm ăn buôn bán, xa là những chính sách kinh tế xã hội. Họ ngóng chờ những tín hiệu mới, những tin vui từ nền kinh tế. Vì thế khi lạm phát tăng cao, gánh nặng ấy đè lên đầu chính phủ và các bộ ngành, doanh nghiệp. Và trong lúc khó khăn như vậy, mọi hành động tham nhũng, mọi hành vi thiếu đạo đức lương tâm đều trở thành nỗi oán hận khó lường trước hậu quả. Lúc đó, sự đổ lỗi sẽ tràn lan, lời đồn thổi về bất ổn sẽ vang xa, không còn nhiều người đủ bình tĩnh và khách quan để nhìn quanh xem thế giới đang xảy ra điều gì từ thị trường tài chính Mỹ, đến cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ở Thái Lan..., họ chỉ biết oán trách chính phủ của nước họ.
Người dân trên thế giới đang nghĩ gì về cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, họ nghĩ rất nhiều về bất ổn và họ mong khủng hoảng nhanh chóng qua đi. Nhưng chắc chắn họ cũng phần nào nhận ra khủng hoảng đó là liều thuốc thử niềm tin, là tiếng chuông đánh thức sự kênh kiệu của những anh khổng lồ, rằng thế giới đang xích lại gần nhau: “chúng ta” cùng chung tay giải quyết khủng hoảng. Cứu mình là cứu người, cứu người là cứu mình, không có quốc gia nào cho phép mình thờ ơ, xem nhẹ. Do đó, gói kích cầu của châu Âu, của Nhật, Hàn, Trung Quốc… dù không bằng Mỹ nhưng cũng làm cho cả thế giới an tâm phần nào. Tín hiệu vui từ Mỹ thổi tràn qua châu Á, châu Âu, tín hiệu buồn từ châu Âu thổi tràn qua Mỹ… Vui buồn cứ lên xuống, qua lại theo bóng dáng của các nền kinh tế. Kinh tế toàn cầu và cuộc khủng hoảng toàn cầu làm cho mọi người sống trong bất an, lo âu, thấp thỏm. Cuộc khủng hoảng ấy cho người ta một sự thực trần trụi về cái bụng đói hay no. Vì thế những dự báo ghê gớm về nạn thất nghiệp, về nạn đói được đưa ra. Cả hệ thống chính trị, kinh tế thế giới phải vào cuộc. Bất cứ ai hay tin tốt xấu của nhau đều bị tác động. Và điều nhận ra rõ nhất chính là việc “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu của người dân trên khắp thế giới.
Đi đâu người ta cũng bàn tán về khủng hoảng kinh tế, về chuyện làm ăn gặp nhiều khó khăn. Nhưng cũng trong những giây phút của những ngày cuối năm, Việt Nam có thêm một chuyện để bàn, để ăn mừng đó là chiến thắng chung cuộc của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan.
Không khí nặng nề của cuộc khủng hoảng dường như lắng lại. Dù có ai đó vẫn cố tình đưa nó trở lại vòng xoáy của cuộc khủng hoảng khi so sánh rằng, chiến thắng trong bóng đá không nên ảo tưởng đó là niềm tự hào dân tộc khi phải mất hơn 90 năm hay lâu hơn nữa để chúng ta mới đuổi kịp nền kinh tế của Thái Lan, Trung Quốc… Niềm tự hào dân tộc phải đi cùng với tiếng reo hò khi Việt Nam được nhiều nước miễn thị thực, khi các thương hiệu Việt Nam lấp lánh trên các đường phố của châu Âu, Nhật Bản.
Đành rành người Việt Nam phải ý thức điều đó để thắng lợi trong từng lĩnh vực. Nhưng ô hay, ở hiện tại này, thắng lợi này của bóng đá! Hãy cứ vui đi! Hãy cứ tự hào đi! Hãy cứ bằng lòng với điều còn nhỏ nhoi này đi, bởi mọi so sánh đều khập khiễng, bởi nhiều chiến thắng nhỏ sẽ làm nên chiến thắng lớn. Mỗi người một mục đích và khát khao. Những ai đang là “tín đồ” của bóng đá thì hãy nghĩ cách làm sao để đuổi kịp các nền bóng đá khác. Và có anh doanh nhân nào sau khi trút bỏ chiếc áo tín đồ bóng đá sau đêm vui chiến thắng thì hãy lo đuổi theo dự tính kinh tế của mình để sao cho kịp, cho bằng những công ty mà mình đang ngắm đến mô hình phát triển của nó… Mỗi người đều có một bổn phận và trách nhiệm với cá nhân mình và xã hội. Nhà mình cháy thì nhiệm vụ đầu tiên của mình là chữa cháy trước, sau đó mới tìm hiểu vì sao nó cháy, và làm thế nào để sau này nếu gặp điều kiện tương tự nó có thể không bắt lửa và gây cháy. Mỗi người hãy làm một phần việc cho ngôi nhà chung của mình an ổn và có nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc.
Người nghèo thấy mình nghèo hơn bởi so sánh với người giàu. Người giàu rồi thì lại không cần phải quá quan tâm đến hình thức đánh bóng vẻ ngoài. Có giai thoại kể rằng, một người hỏi ông Ford, ông nổi tiếng giàu có như thế tại sao ông không phô trương sự giàu có trong cuộc sống hàng ngày, trong khi con trai ông đi đến đâu cũng phung phí tiền như vậy? Ông Ford trả lời rằng, vì đơn giản tôi là Ford còn con trai tôi không phải là Ford. Quả thực, ông Ford đã là người nổi tiếng nên cho dù mang hình thức gì thì ông ta cũng nổi tiếng. Còn con trai ông ta chưa nổi tiếng nên anh ta phải thu hút sự chú ý của mọi người bằng những hành động tỏ vẻ một sự giàu sang mà mắt đời ưa nhìn như vậy.
Việc tự khẳng định mình là người Việt Nam trong mọi hoàn cảnh quan trọng hơn nhiều mỗi khi đi qua Mỹ, qua Pháp... Bởi không phải người Việt Nam nào cũng sẵn sàng ngẩng cao đầu đón nhận cái “made in Vietnam”. Và bởi lẽ khi thước đo giá trị con người bị lệch lạc vào những sự sang trọng và hào nhoáng vẻ ngoài của kinh tế đã làm cho họ sống trong mặc cảm tự ti và nhục nhã. Làm giàu cho “nhãn mác” của thương hiệu Việt rất cần phải đi đôi với việc làm giàu tính cách Việt, tâm hồn Việt.
Cần khuyến khích người Việt khát khao làm giàu, nhưng cũng cần định hướng mục đích của việc làm giàu, không phải là làm giàu bằng mọi cách, dẫn đến điên cuồng trong ảo vọng giàu sang. Chừng nào xã hội còn làm giàu cho họ nhiều hơn là họ làm giàu cho xã hội thì họ vẫn chưa thể xứng với hai chữ “người giàu”, bởi xã hội còn có nhiều tiêu chí trong lối sống khác nhau để đánh giá thế nào là một “người giàu” thực thụ.
Việt Nam chiến thắng! Đó là niềm tự hào dân tộc được ẩn trong tiềm thức. Tại sao nhắc đến chiến thắng này, báo chí không ngừng nói rằng đó là giấc mơ được tiếp nối của 49 năm về trước. Bóng đá có thể nói lên điều đó. Tình yêu và niềm tự hào Việt Nam có thể nói lên điều đó mà không sợ đụng vào chính kiến, chính trị. Chiến thắng trong bóng đá của 49 năm trước là chiến thắng của những người nằm ở phía bên kia của chiến tuyến (Nam - Bắc). Không lẽ gì người Việt Nam nói chung tự hào về chiến thắng của thế hệ đi trước đó lại không thể tự hào về chiến thắng hiện nay của thế hệ người Việt Nam đi sau. Hai niềm vui chiến thắng bóng đá của hai thể chế chính trị khác nhau, được người Việt hôm nay cùng chung vui và tự hào.
Chính vì vậy, tình yêu bóng đá đã kéo tình người xích lại gần nhau. Đó là một chiến thắng đẹp. Vì chiến thắng này mà người Việt còn niềm tin ở nhau, còn tôn vinh hai chữ Việt Nam trong lúc kinh tế thế giới đang ở giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, trong lúc Việt Nam đang đau đầu vì những biến động đầy khắc nghiệt của tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, tôn giáo…
Bóng đá tạm thời trong giây phút nào đó làm cho chúng ta quên đi những âu lo, thất vọng trong cuộc sống. Chắc chắn men say chiến thắng sẽ không ở lại lâu, vì nhu cầu và khát khao của bóng đá vẫn là đổi màu đẳng cấp châu lục và cao hơn. Người ta cũng không thể ngủ quên quá lâu trong chiến thắng. Cho nên có người lo rằng men say chiến thắng ấy sẽ làm cho người Việt quên đi mình còn là một nước nghèo… là lo xa, thậm chí lo quá xa. Không có sự công bằng nào bằng sự bằng lòng. Và làm sao chiến thắng bóng đá có thể thay thế những người làm kinh tế để làm việc cứu nghèo.
Anh vui với thành công của tôi, tôi vui với thắng lợi của anh. Tôi vui, anh vui, mọi người cùng vui. Đó chính là ý nghĩa đích thực của hai chữ tương quan. Sống là tương quan. Việt Nam chiến thắng được hô vang trên khắp mọi nẻo đường đất nước chứng tỏ có một sức mạnh tinh thần dân tộc lớn hơn nhiều mọi dị biệt, chia rẽ và ngại ngùng. Những biểu hiện nhiều mặt của khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội năm 2008, đã ít nhiều khiến lòng người có những hoang mang. Có thể hơn 90 năm sau Việt Nam mới đuổi kịp nền kinh tế Thái Lan, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, Việt Nam đã may mắn hơn Thái Lan khi có thể cố kết lòng dân dù chỉ qua một trận túc cầu.
Trần Điều
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét