Chủ Nhật, 11 tháng 1, 2009

THƯ NGỎ GỬI CHỦ TỊCH UBND TP. HÀ NỘI NGUYỄN THẾ THẢO


Thưa ông Chủ tịch, lịch sử, tư liệu, hình ảnh về chùa Báo Ân và chùa Báo Thiên vẫn còn để lại rất rõ. Nếu không có quy hoạch quan trọng này, ắt hẳn không bao giờ trong đời tôi dám mơ rằng những nhà khoa học, lịch sử, khảo cổ, văn hóa sẽ nói lên tiếng nói của lương tâm và lẽ công bằng để phục dựng và tái hiện hai di sản văn hóa quan trọng vào bậc nhất tại kinh đô Thăng Long…

Kính gửi: Kiến trúc sư Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội

Thưa ông Chủ tịch, tôi là một tu sĩ Phật giáo, người công dân bình thường được sinh ra và lớn lên trên quê hương thân yêu Việt Nam. Niềm tự hào dân tộc của tôi càng dâng trào khi thủ đô Hà Nội đang tiến gần đến kỷ niệm tròn 1.000 năm tuổi. Một nghìn năm tuy dài nhưng nhìn thấu đến cội nguồn thì chỉ như mới hôm qua, vì Đại Việt của một nghìn năm trước hay Việt Nam của một nghìn năm sau cũng là quê hương huyết thống và quê hương tâm linh muôn đời của cháu con người Việt.

Sau gần 1.000 năm với biết bao nhiêu vinh nhục, thăng trầm, cách đây một vài năm, Hà Nội đã có một không gian tượng đài kỷ niệm dành cho vua Lý Thái Tổ, người khai sinh ra kinh đô Thăng Long. Sự ghi nhớ của cháu con với ông cha tuy muộn, nhưng cũng cho thấy một ý thức gốc nguồn đang được nhóm lên. Tôi vui mừng khi nhìn thấy tượng vua Lý Thái Tổ uy nghi đứng đó, nhưng tôi buồn vì thiền sư Vạn Hạnh, người ra kế sách trực tiếp cho việc thiên đô về Thăng Long vẫn chưa có một kỷ niệm xứng tầm.

Dấu ấn khắc nghiệt của thời gian sẽ dần phủ bụi vào nhiều địa tầng và không gian văn hóa tâm linh nơi thủ đô Hà Nội. Thủ đô Hà Nội là thủ đô văn hóa và hòa bình, nên chắc chắn trong suy nghĩ, mọi người đều thống nhất với nhau rằng, thủ đô phải là nơi hội tụ của văn hóa tâm linh và khí thiêng sông núi.

Thưa ông Chủ tịch, tôi được biết ngày 8/1/2009 tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã diễn ra cuộc triển lãm trưng bày các đồ án dự thi “Ý tưởng quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận”, trong đó có 9 phương án quy hoạch, thiết kế đô thị tại khu vực này. Tuy nhiên, tôi rất buồn và thất vọng khi cả 9 phương án đều không có một phương án nào đề cập đến việc phục dựng chí ít một trong hai di sản nổi tiếng của Phật giáo là chùa Báo Thiên (An Nam tứ khí) và chùa Báo Ân (vẫn còn ngôi tháp trơ vơ gần đó).

Thưa ông Chủ tịch, lịch sử, tư liệu, hình ảnh về chùa Báo Ân và chùa Báo Thiên vẫn còn để lại rất rõ. Nếu không có quy hoạch quan trọng này, ắt hẳn không bao giờ trong đời tôi dám mơ rằng những nhà khoa học, lịch sử, khảo cổ, văn hóa sẽ nói lên tiếng nói của lương tâm và lẽ công bằng để phục dựng và tái hiện hai di sản văn hóa quan trọng vào bậc nhất tại kinh đô Thăng Long. Chắc hẳn ông cũng biết rõ căn nguyên lịch sử về hiện trạng của mảnh đất chung quanh khu vực Hồ Gươm này. Nếu công bằng mà nhìn nhận thì dấu ấn đặc biệt nhất của không gian văn hóa tâm linh tại khu vực hồ Gươm chính là chùa Báo Thiên và chùa Báo Ân của dân tộc. Sở dĩ tôi nói vậy, vì chùa Báo Thiên và ngôi bảo tháp là niềm tự hào của người dân Việt Nam suốt trên 7 thế kỷ cho tới ngày thực dân Pháp tàn phá và xây lên đó nhà thờ Lớn.

Thưa ông Chủ tịch, nếu đọc lại lịch sử, không khó khăn để nhận ra rằng, chùa Báo Thiên có vị trí tâm linh vô cùng quan trọng với cả ba triều đại Lý - Trần - Lê, bởi đó là nơi liên tục diễn ra những nghi thức quốc gia cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đồng thời chùa Báo Thiên còn có quy mô lễ hội lớn nhất cả nước. Và không phải ngẫu nhiên khi Báo Thiên được xem là nơi “Trấn áp Đông Tây giữ đế kỳ”.

Thưa ông Chủ tịch, là một kiến trúc sư hẳn ông biết vai trò, giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt của di sản. Nếu chùa Báo Thiên không có những dấu ấn văn hóa, lịch sử đặc biệt quan trọng như vậy, hẳn nhiên rất khó để đề cập đến chuyện phục dựng, mặc dù những công tác phục dựng và bảo tồn di sản đã diễn ra ở rất nhiều nơi trên khắp cả nước, cho dù có nơi chỉ còn lại nền móng cũ. Như ông đã hiểu, công cuộc phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa do các nhà chuyên môn khởi xướng, trong đó có những nỗ lực từ phía chính quyền và ước nguyện của người dân nhằm giữ gìn di sản văn hóa cho muôn đời sau.

Người Phật tử chúng tôi không bao giờ quên chùa Báo Thiên chừng nào lịch sử vẫn còn đó dòng chữ Báo Thiên và niềm tự hào “An Nam tứ khí”. Tôi đoan chắc rằng phục dựng chùa Báo Thiên là ước nguyện thiết thân của hơn 40 triệu Phật tử Việt Nam hiện nay. Nhưng tôi buồn và xót xa vì giới chuyên môn có thể lặn lội, tranh biện tận đâu đó với một tấm bia, một vài nền móng trong khi ngay tại thủ đô văn hóa này, chùa Báo Thiên không có ai để tâm nghiên cứu phục dựng, đặc biệt chiếc giếng đá cổ vô cùng tinh xảo của chùa Báo Thiên hiện nay đã bị đào đi nhưng không ai để tâm đến.

Thưa ông Chủ tịch, tôi xin hỏi ông một câu, tại sao trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, chúng ta cũng đã nhiều lần phục dựng lại các phế tích đã mất mà không còn tài liệu, tài liệu chưa rõ ràng hay dữ liệu còn rất mơ hồ, trong khi chùa Báo Thiên lại không được dành cho một ứng xử tương tự như vậy?

Tôi nghe giới chuyên môn nói, một trong nhiều vấn đề thường gặp khi bảo tồn, trùng tu, phục dựng di tích đó là “tính nguyên gốc, dấu mốc và sự chồng lấp, đan xen của thời gian trong di tích. Sự chồng lớp, đan xen của nhiều mốc thời gian, sự biến mất của những bộ phận, cấu kiện, thậm chí cả di tích gốc là điều thường gặp. Vì thế, việc bảo tồn căn cứ vào mốc thời gian nào, phục dựng cấu kiện nào luôn cần được đặt ra khi tiến hành”. Nhưng thưa ông Chủ tịch, chính vì di sản văn hóa cũng có cuộc sống và sự tang thương, thăng trầm, nên những dấu ấn của nó qua các thời kỳ càng khẳng định ký ức sống động và hun đúc lên độ dày nhiều tầng lớp của di sản.

Trước khi phát lộ Hoàng thành Thăng Long dưới lòng đất, nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là một khu đất bình thường có thể xây dựng mọi công trình lên đó. Và điều này có thể xảy ra tương tự với mảnh đất rộng lớn của chùa Báo Thiên và chùa Báo Ân chung quanh khu vực hồ Gươm. Phải chăng không gian văn hóa tâm linh đã un đúc tình người, tình dân tộc lên mảnh đất đó suốt cả nghìn năm, nên mọi xâm phạm không gian ấy đều khiến người ta phải nhói đau, trắc ẩn.

Tự đáy lòng mình, tôi đã chảy nước mắt khi nhìn lại chiếc giếng đá cổ chùa Báo Thiên bị người ta đào đi mất khỏi không gian của nó. Cảm giác mất mát ấy thật khó tả thưa ông, đặc biệt với những người tu hành như chúng tôi luôn tin vào các giá trị tâm linh dân tộc. Tôi thường đặt câu hỏi, tại sao di sản văn hóa ở thủ đô lại bị ứng xử như vậy, trong khi trên thế giới có những di sản chỉ còn trơ trọi một bức tường, nhưng họ vẫn giữ nguyên, đồng thời xây dựng một không gian riêng để dành chỗ cho sự suy nghĩ, tưởng tượng về di sản văn hóa ấy. Nhưng ngay cả những ứng xử tối thiểu đó cũng không có ở mảnh đất chùa Báo Thiên với cả một khu phố mang tên Báo Thiên. Đó có phải là sự mất mát quá lớn của di sản và lòng người không thưa ông Chủ tịch?

Tôi được biết vừa qua, bằng trách nhiệm và quyền hạn của mình ông đã cho dừng dự án công trình xây dựng tại khu chợ “âm phủ” 19/12. Khu chợ đó còn được dành cho một ứng xử như vậy, lẽ nào chùa Báo Thiên, chùa Báo Ân, khi quy hoạch Hồ Gươm lại không thể có một không gian tương xứng?

Thưa ông Chủ tịch, Thăng Long - Hà Nội đang sống trong bước ngoặt lịch sử giữa ngàn năm cũ đã qua và ngàn năm mới đang đến, nhưng sự thờ ơ vô cảm đối với di sản văn hóa này chính là tác nhân làm cho con người không còn xúc động trước mất mát của di sản, gợi nên những cảnh tranh đoạt đất đai. Đối với những rách nát, mâu thuẫn của lịch sử, là chủ nhân hiện tại, chúng ta phải chung tay hàn gắn, trong đó di sản là cơ sở để mọi người khám phá cội nguồn lịch sử, văn hóa, lối sống ứng xử của một dân tộc. Ở đó sự bồi đắp, phục dựng, nối tiếp chính là điều kiện để di sản sống dài lâu và có ích hơn trong đời sống.

Thưa ông Chủ tịch, tiếng chuông mõ cầu quốc thái dân an của chùa Báo Thiên xưa vẫn luôn vọng về trong tâm thức của tôi. Còn một hơi thở, tôi còn nhắc đến Báo Thiên như nhắc đến một niềm tự hào, đồng thời nhắc đến khúc ruột di sản của dân tộc đang bị cắt ra, phơi bày trước sự thờ ơ, vô cảm của lòng người.

Thưa ông Chủ tịch, viết đến đây, tôi nhớ đến nguy cơ mà Giáo sư Vũ Khiêu đã nói đó là “nguy cơ là bỏ mất những điều tốt đẹp trong di sản văn hóa dân tộc và tiếp thu những nhân tố độc hại, phá vỡ bản sắc dân tộc của chúng ta. Chính vì những lẽ trên mà thái độ khoa học, tiên tiến và sáng suốt đối với di sản văn hóa dân tộc đang là một yêu cầu cấp thiết của toàn thể nhân dân ta ở cả nước và ở Thủ đô Hà Nội”.

Tôi cũng nhớ ông Nguyễn Hữu Oanh, Phó ban Tôn giáo Chính phủ đã nói thế này: “Đáng tiếc là, trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và trong những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội, do yêu cầu của tiêu thổ kháng chiến, do bom đạn của kẻ thù, do thiên tai bão lũ và tệ hại hơn, do bệnh ấu trĩ một thời của chúng ta, coi đền, chùa là nơi hành nghề mê tín, tất cả những gì khác với nhân sinh quan của chúng ta đều là đối tượng cần đả phá; vì thế, cùng với các tôn giáo khác, Phật giáo và văn hóa Phật giáo bị xâm hại, bị mai một, mất đi vị trí quan trọng vốn có trong đời sống xã hội và trong tâm linh người Việt. Nhiều ngôi chùa, tượng Phật và đồ thờ cúng trong chùa bị hủy hoại, kinh sách bị đốt; bao nhiêu lễ hội và sinh hoạt văn hóa Phật giáo bị bãi bỏ; nhiều truyền thống quý của dân tộc gắn liền với đạo Phật bị lãng quên. Đó là sự mất mát những di sản tinh thần và vật chất vô cùng to lớn mà tổ tiên đã nghìn năm vun đắp, giữ gìn và truyền lại” ( Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết).

Thưa ông Chủ tịch, như ông đã thấy và cảm nhận được, không gian di tích lịch sử - văn hóa ngày càng bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa. Mọi nguồn lực đất đai bị khai thác tối đa để phục vụ cho các mục đích kinh tế. Di sản văn hóa còn lại không nhiều nhưng càng trở nên ít ỏi bởi hành vi khai thác vì những lợi nhuận to lớn đến từ đất đai, dấu tích di sản trong lòng đất cũng bị xâm hủy không thương tiếc, nhường chỗ cho những công trình hoành tráng về quy mô và sặc sỡ bởi lối kiến trúc hiện đại nhưng xa lạ.

Thưa ông Chủ tịch, tôi nghĩ rằng quy hoạch cảnh quan đô thị là một việc làm cần thiết, song mong ông lưu tâm đến việc ở đây từng là không gian văn hóa, tâm linh của hai ngôi chùa nổi tiếng vào bậc nhất của Phật giáo, và là di sản danh tiếng của nước Nam, vì vậy phương án phục dựng một trong hai ngôi chùa này không chỉ đúng với chính sách di sản của nhà nước mà nó còn là sự trân trọng những đóng góp vô cùng quan trọng của Phật giáo trong qua trình khai mở kinh đô Thăng Long. Gần đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, việc phục dựng chùa Báo Thiên càng có ý nghĩa thiết thực, tôn vinh những giá trị văn hóa tâm linh lâu đời, góp phần mang đến cho thủ đô một hành trình di sản được nối liền từ quá khứ đến tương lai.

Tôi tin rằng, cảm xúc tự hào xen lẫn tiếc nuối, xót xa cho di sản chùa Báo Thiên của tôi cũng là những khát vọng được nuôi dưỡng nhiều thập kỷ nay của người Phật tử Việt Nam nói chung, người Phật tử và nhân dân Hà Nội nói riêng về việc sớm phục dựng di sản chùa Báo Thiên. Tôi mong những lời viết này sẽ được ông lắng nghe, ghi nhận và bằng trách nhiệm và quyền hạn của mình ông có thể làm được nhiều điều có ý nghĩa hơn nữa đối với di sản của dân tộc.

Kính chúc ông có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công trên cương vị của mình.

Ngày 10/1/2009, Kính thư!

Thích Thanh Thắng
(Theo phattuvietnam.net - Xin xem thêm ý kiến phản hồi:http://phattuvietnam.net/index.php?nv=News&at=article&sid=4990)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét