Chủ Nhật, 25 tháng 1, 2009

GIAO THỪA - THỜI KHẮC THIÊNG LIÊNG NHẤT TRONG NĂM


Cũng như hầu hết các dân tộc trên thế giới, với người Việt Nam, giao thừa được xem là thời điểm thiêng liêng nhất trong một năm. Đó là thời khắc chuyển giao chấm dứt một năm theo vòng quay của trái đất, bắt đầu một năm mới...

 

Và cũng như nhiều dân tộc trên thế giới, Việt Nam chọn ngày bắt đầu năm mới vào thời điểm bắt đầu mùa xuân. Đây là thời điểm vạn vật như bừng nở sau nhiều tháng ngày cuộn mình trong giấc ngủ đông với những cơn mưa xuân nhẹ nhàng như gột rửa những gì ảm đạm của năm cũ. Chim chóc thì nhảy hót, cây cối thì đâm chồi nảy lộc và con người thì ngập tràn niềm phấn khởi để chuẩn bị bước sang một năm mới, một dự định mới cho tương lai…

Theo phong tục của người dân Việt, ngay từ sáng ba mươi Tết, mọi người dậy thật sớm để chuẩn bị cho thời điểm trọng đại - giao thừa.

Ngày xưa, ở trong các thôn, làng từ sáng sớm, còi trống, thanh la đã được gióng, thổi vang để kêu gọi mọi người chuẩn bị. Hàng loạt các hoạt động đời sống, tín ngưỡng quan trọng trong ngày này được gấp rút thực hiện để đến tiết giao thừa, tất cả phải được hoàn thành, để năm mới bắt đầu với sự thanh thản, không còn gì phải lo nghĩ…

Trong ngày ba mươi Tết, Táo quân sau khi lên thiên đình bẩm tấu mọi việc với Ngọc Hoàng Thượng đế được nhà nhà rước về. Cùng với rước Táo quân trở về, mọi người cũng thực hiện một tín ngưỡng thiêng liêng của người Việt là cúng gia tiên, hay dân gian còn gọi là cúng rước ông bà, mời ông bà người thân quá cố về sum họp gia đình ngày Tết.

Theo Toan Ánh trong Tìm hiểu phong tục Việt Nam, thì người xưa thường cúng gia tiên vào chiều ba mươi Tết và từ lúc đó, trên bàn thờ gia tiên phải giữ hương khói không tắt cho đến ngày cúng đưa, thể hiện việc người của cõi âm luôn có mặt cùng gia đình trong những ngày Tết. Đó cũng là tín ngưỡng căn bản của người Việt trong việc thể hiện lòng tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên của mình…

Thông thường, việc cúng gia tiên diễn ra ở nhà gia trưởng; sau bữa tiệc tất niên này, mọi người ai về nhà nấy để chuẩn bị đón giao thừa.

Theo An Chi trong Chuyện đông chuyện tây thì hai tiếng "giao thừa" có hàm ý tống cựu nghênh tân (đưa cũ rước mới), “thừa” có nghĩa là tiếp nối, tiếp nhận. Và dân gian tin rằng mỗi năm đều có một ông hành khiển coi việc trần gian; cứ hết năm, đúng lúc giao thừa, thì ông tiền nhiệm bàn giao cho ông kế nhiệm. Vì vậy mà có cúng giao thừa để tiễn đưa ông cũ và đón tiếp ông mới.

Về những ông hành khiển này, Toan Ánh viết, theo quan niệm của sách xưa: Mười hai vị đại vương, mỗi ông cai trị một năm cõi nhân gian là Thập nhị hành khiển vương hiệu, tính theo thập nhị chi, bắt đầu là năm Tý, cuối cùng là năm Hợi. Mỗi vị có trách nhiệm cai trị thế gian trong toàn niên, xem xét việc hay dở của từng người, từng gia đình, từng thôn xã cho đến từng quốc gia để định công luận tội, tâu lên Thượng đế.

Mỗi vị đại vương hành khiển đều có một vị phán quan giúp việc. Trong các vị hành khiển vương hiệu, có vị nhân đức, có vị cương trực và cũng có vị khắc nghiệt. Những năm có các loạn thiên thời, loạn đao binh, nạn thủy tai, hỏa tai… tục tin rằng là do các vị đại vương hành khiển trừng phạt nhân gian vì tội lỗi của con người (trích theo Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam).

Cũng theo Toan Ánh thì giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt đầu qua năm mới, giữa giờ Hợi ngày 30 (hoặc nếu tháng thiếu, thì ngày 29) tháng Chạp năm trước và giờ Tý ngày mùng một tháng Giêng năm sau được gọi là trừ tịch. Vào lúc này, mọi người làm lễ trừ tịch, được cử hành rất trịnh trọng từ tư gia tới các đình chùa và cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ Giao thừa.

Để báo hiệu cho giờ phút này, chuông trống từ khắp nơi vang lên, pháo nổ báo hiệu cho một mùa xuân mới. Ngày nay, khi đời sống thành thị đông đảo, pháo không được cho phép sử dụng nữa do nguy hiểm thì để báo hiệu cho sự chuyển tiếp này, mọi người cũng đánh trống, khua mõ, và đặc biệt là tại các thành phố lớn, chính quyền địa phương cho đốt pháo hoa nổ vang sáng rực cả một góc trời.

Ngày xưa, trong thời khắc thiêng liêng giao hòa trời đất này, cả gia đình ông bà cha mẹ con cháu ngồi với nhau trong không khí đầy tâm linh với niềm vui ấm áp của sự khởi đầu cho một năm mới. Ngày nay, không khí gia đình trong ngày lễ trọng đại này đã có phần giảm bớt. Từ trước lễ giao thừa, nhiều người, nhất là giới trẻ đã đổ ra đường để đón năm mới. Tại thành thị, họ tập trung ở các khu vực trung tâm để được chứng kiến màn bắn pháo hoa và để chung vui với người thân hay bạn bè…

Sau đó, một số người sẽ về nhà để tận hưởng tiếp không khí năm mới tại gia đình; còn những người khác thì bắt đầu du xuân, xuất hành đến các đình chùa để cầu may, hái lộc...

 Bùi Dũng (Theo thanhnien.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét