Thứ Tư, 10 tháng 9, 2008

CẦU NGUYỆN "ĐÒI ĐẤT": SỰ THẬT NÀO “SẼ GIẢI PHÓNG CÁC ANH EM”?


(NHÂN ĐỌC “PHÂN TÍCH PHÁP LUẬT VỀ SỰ KIỆN TẠI THÁI HÀ - HÀ NỘI”)

Bài viết “Phân tích pháp luật về sự kiện tại Thái Hà – Hà Nội” được đăng tải trên website của dòng Chúa Cứu thế, Vietcatholic, được nhiều trang nhà khác đăng lại, trong đó có chua thêm một lời trong kinh Thánh “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8,32) và được ký tên “Một giáo dân – Chuyên viên luật”. Chưa kể đến người gọi là “chuyên viên luật” kia đã thiếu chính danh như thế nào khi anh ta bàn về pháp luật lại không có một cái tên cho đàng hoàng, dù đó là tên bút danh. Vả lại cái từ “Một giáo dân” đi trước cụm từ “Chuyên viên luật” quả thực nghe không ổn chút nào khi người ta muốn tìm hiểu tính khách quan của sự thật.

Đọc kỹ bài viết trên tôi buộc phải nói rằng đây là một tay “chuyên viên” thuộc hàng “lách luật” có hạng, bởi việc anh ta không nói cụ thể về luật mà thường vòng vo đánh tráo khái niệm quanh một Thông tư hướng dẫn luật. Tôi xin lần lượt chỉ ra những mánh khóe sau của tay “chuyên viên luật” này, bởi y đã mượn cả danh xưng “giáo dân” để “cổ động” cho những người cầu nguyện bằng việc ban cho họ một chỗ bám vào cái “pháp lý” do chính y dựng lên, khi những hành vi trên của giáo dân đang bị cả xã hội lên án là hành vi chiếm phá, gây mất trật tự xã hội và làm bất ổn tình hình chính trị, tôn giáo tại Việt Nam.

“Chuyên viên luật” kia mở đầu bài viết của mình bằng 3 câu hỏi:

1. Khu nhà đất của Dòng Chúa Cứu Thế thì Linh mục Vũ Ngọc Bích lấy tư cách gì để ký bàn giao sang cho nhà nước quản lý?

Năm 1926, hai linh mục Hubert Cousineau và Eugène Larouche thuộc Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) ở Canada đã đến truyền giáo tại Việt Nam và năm 1928 hai ông này đã mua một khu đất thuộc ấp Thái Hà diện tích khoảng 60.000 m2.

Ngày 7-5-1929, Tu Viện Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội được chính thức thành lập tại đây. Sau đó, nhà thờ, nhà đệ tử, bệnh viện, trường học và các cơ sở khác cứ được xây dần thêm. Năm 1954, khi Cộng Sản tiếp thu miền Bắc theo Hiệp Định Genève ngày 20-7-1954, tu viện còn lại 5 thành viên. Năm 1960, hai linh mục bị trục xuất, hai tu sĩ bị tù và chết trong tù vì tội chống phá cách mạng, cả tu viện chỉ còn lại Linh mục Vũ Ngọc Bích (thông tin của Lữ Giang trên Vietcatholic).

Sau khi đất nước bị chia đôi vào năm 1954, tình hình ruộng đất ở miền Bắc đã có sự thay đổi rất lớn vì đã có hơn 1 triệu người di cư vào Nam (hầu hết là người theo đạo Công giáo) vì tin đồn Đức Mẹ đã bỏ vào Nam, bỏ lại toàn bộ điền sản, nên vào ngày 14-6-1955 Hồ Chí Minh lại ký một sắc lệnh về cải cách ruộng đất mới, ra lệnh tịch thu toàn bộ đất đai tài sản của phản động, Việt Gian, địa chủ, cường hào ác bá…, sắc lệnh này chủ yếu nhắm vào các cơ sở Công giáo.

Như thế, có còn không cái gọi là “Khu nhà đất của dòng Chúa Cứu thế”? Nói cho đúng là “khu nhà đất của một tu viện thuộc dòng chúa cứu thế” của hai ông linh mục Tây đã không còn. Vậy có giấy tờ nào mà hai ông linh mục Tây này giao cho các linh mục Việt Nam sau này, bởi theo quy định của Luật Cải cách ruộng đất (CCRĐ), điều 2 và 3 ghi: “- Tịch thu toàn bộ ruộng đất và tài sản của thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác. - Đối với địa chủ Việt gian, phản động, cường hào gian ác, thì tuỳ tội nặng nhẹ mà tịch thu toàn bộ hoặc một phần ruộng đất, trâu bò, nông cụ, lương thực thừa, nhà cửa thừa và tài sản khác. Phần không tịch thu thì trưng thu” (một tu viện mà 2 linh mục bị trục xuất, 2 linh mục bị tù thì không biết xếp vào hàng Việt gian hay phản động). Hơn nữa, Sắc lệnh ngày 4-12-1953, điều 19 chỉ rõ: “-Trên nguyên tắc, sắc luật bãi bỏ quyền sở hữu đất đai của ngoại kiều”. Vậy thì khi hai ông linh mục kia không còn ở đó và không còn quyền sỡ hữu thì mấy linh mục người Việt kia được xem là may mắn khi chính sách của nhà nước đã để lại một phần đất cũng còn khá rộng cho họ sinh hoạt, đặc biệt khi chỉ còn mỗi một mình Linh mục Vũ Ngọc Bích.
Phần hai của câu hỏi: Linh mục Vũ Ngọc Bích lấy tư cách gì để ký bàn giao sang cho nhà nước quản lý?

Tôi không ngờ đây lại là câu hỏi của một người tự xưng là “Giáo dân – Chuyên viên luật” vì đây là câu hỏi thuộc loại vừa “vô ơn” đối với người đã mất, vừa không hiểu luật là gì. Nói là ký bàn giao cho đẹp mặt thôi chứ thực chất là ngôi nhà thờ này nằm trong diện cải tạo nhà cửa. Bởi Năm 1960, hai linh mục bị trục xuất, hai tu sĩ bị tù và chết trong tù vì tội chống phá cách mạng (Điều 20 Luật CCRĐ: Đối với địa chủ ngoại kiều hợp tác với địch hoặc là phản động, cường hào gian ác, thì tịch thu toàn bộ hoặc một phần ruộng đất và tài sản, tuỳ tội nặng nhẹ). Nếu tu viện chỉ còn lại một mình ông Vũ Ngọc Bích thì không ông ấy có quyền “ký bàn giao” thì ai? Không lẽ bảo hai ông linh mục ngoại quốc (người bỏ tiền ra mua của chính quyền thực dân cướp nước và bán nước) sống dậy ký? Thật “vô ơn”, bởi nếu không có ông linh mục Vũ Ngọc Bích thì toàn bộ khu đất sẽ trở thành đất vô chủ, nằm trong diện tịch thu, làm gì còn đến 3.905m2 nhà chính, 945m2 nhà phụ để mà giáo xứ hiện nay sinh hoạt.

2. Tại sao Linh mục Vũ Ngọc Bích lại phải ký bàn giao và tại sao nhà nước lại quản lý?

“Chuyên viên luật” mà đi hỏi câu ngớ ngẩn đến mức cứ y như là năm 2008 vẫn còn là những năm mà chính quyền thực dân đang hiện diện.

Luật CCRĐ được thông qua tại kỳ họp thứ 3 (năm 1953) là văn bản có ý nghĩa quan trọng nhằm xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến chiếm hữu ruộng đất, thực hiện chính sách “người cày có ruộng” và chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân. 1953 nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ban hành sắc lệnh quy định lại những thành phần xã hội gồm : Ðịa Chủ là những người có từ 3 mẫu ta ruộng đất trở lên, Phú Nông có 3 mẫu ruộng và 1 con trâu, Trung Nông có 1 tới 3 mẫu ruộng và 1 con trâu, Bần Nông có ít ruộng đất và Bần Cố Nông là những tá điền không đất ruộng.

Vậy một người sỡ hữu 60.000m2 đất lúc đó tại Thái Hà theo sắc lệnh trên thì thuộc “loại”gì? (Chắc là loại đại địa chủ, bởi chính quyền thực dân Pháp quy định 1 mẫu dùng ở Bắc Bộ bằng 3.600 m2).

Sắc lệnh ngày 4-12-1953 nêu lên ý nghĩa và mục đích của cuộc CCRĐ lần nầy là "bãi bỏ toàn diện quyền sở hữu đất đai của "thực dân Pháp" và của tất cả những "đế quốc" khác, đồng thời thiết lập quy chế sở hữu đất đai của nông dân" (điều 1) -Toàn bộ đất đai của "thực dân Pháp", "Việt gian", "địa chủ phản động", và những "phú hộ ác ôn" đều bị tịch thu (điều 1). -Đất đai của những thành phần dân chủ tiến bộ, kháng chiến và hợp tác với VM sẽ được trưng dụng.Nhà nước sẽ bồi thường hằng năm khoảng 1,5% tài sản (điều 4). -Đối với những điền chủ lẫn tránh chính sách bằng cách sang, bán, chuyển nhượng đất đai sau cuộc CCRĐ lần thứ ba (20-4-1953), nhà nước xem đó là những hành động bất chính, sẽ trưng dụng đất đai và bồi thường bằng tín phiếu ngân hàng (điều 5). -Những trung nông đã mua những đất nầy sẽ phải bán lại cho những nông dân nghèo vô sản với giá phải chăng (điều 5). -Đặc biệt sắc lệnh này đã chấp nhận các cơ sở tôn giáo như chùa, nhà thờ, và các tổ đình làng xã nhưng chỉ được sử dụng một phần đất đai và phải tự cày cấy để mưu sinh (điều 10). -Trên nguyên tắc, sắc luật bãi bỏ quyền sở hữu đất đai của ngoại kiều (điều 19). -Tuy nhiên cũng có một số miễn trừ cho đất đai của những người ngoại quốc, đặc biệt cho người Trung Hoa vì họ được CHNDTH bảo trợ.

Vậy thì đất đai nói là của hai ông linh mục ngoại Hubert Cousineau và Eugène Larouche thuộc Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) ở Canada mua làm gì còn quyền sở hữu. Do đó những linh mục kế tiếp người Việt ở tại đây là ở phần đất thuộc sở hữu của nhà nước. Và với diện tích quá rộng còn hơn cả mức quy định sở hữu đất của địa chủ, thì sớm hay muộn cũng phải “bàn giao’ đúng với luật đất đai đã ban hành, nhưng do nó là cơ sở tôn giáo nên được giữ lại một phần để sử dụng.

3. Chính sách cải tạo nhà cửa từ năm 1960, và Linh mục Vũ Ngọc Bích ký bàn giao từ ngày 24-10-1961 làm sao lại "theo Thông tư 73/TTg ngày 7-7-1962" có sau một, hai năm được?

Chính sách cải tạo nhà cửa từ năm 1960 và linh mục Vũ Ngọc Bích ký bàn giao từ ngày 24-10-1961 không có gì mâu thuẫn trong quá trình thực hiện luật, bởi quá trình thực hiện luật có khi kéo dài cả chục năm, chẳng hạn luật CCRĐ ban hành từ năm 1953 nhưng phải mãi đến những năm 1960 mới cơ bản hoàn thành. Báo Hà Nội Mới qua bài “Thông tin của UBND TP Hà Nội về tình hình vi phạm pháp luật tại khu vực giáo xứ Thái Hà” có đưa ra văn bản bàn giao nhà đất của Linh mục Vũ Ngọc Bích, trong đó chú thích: “Biên bản bàn giao những diện tích và những bất động sản của nhà thờ Thái Hà giữa linh mục Vũ Ngọc Bích và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hà Nội ngày 27-5-1963” (mốc ngày 24-10-1961 và mốc 27-5-1963 khác nhau về mặt trông tin). Nếu theo mốc ngày 27-5-1963 thì theo Thông tư 73/TTg ngày 7-7-1962 mà chính quyền đưa ra là hợp lý. Mặt khác Thông tư 73/TTg là một văn bản hướng dẫn luật tiếp theo Thông tư số 61/TTg ngày 17-2-1961, cùng với các Nghị định số 19/CP và 20/CP của Hội đồng Chính phủ ban hành ngày 29-6-1960 và Nghị định 24/CP ban hành ngày 13-2-1961 về chính sách nhà nước thống nhất quản lý nhà cho thuê ở các thành phố, thị xã, cụ thể hóa đối với việc đất có liên quan đến tôn giáo, bởi đất cho thuê của các tôn giáo, các Hội dù diện tích cho thuê nhiều hay ít, đều do nhà nước trực tiếp quản lý.

“Chuyên viên luật” này chỉ biết bám vào Thông tư số 73/TTg mà quên luật CCRĐ và các thông tư, sắc lệnh, chỉ thị, nghị quyết thống nhất về quyền quản lý nhà nước về đất đai trước đó, cho nên mới tách thông tư hướng dẫn luật trên ra khỏi chính sách pháp luật chung về đất đai.

Chỉ thị số 200/CT-TW ngày 30-3 -1960 của Ban bí thư, Nghị quyết ngày 30-3-1960 của Hội đồng Chính phủ, (trong phiên họp Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ) các nghị định số 19/CP ngày 29-6-1960 của Hội đồng Chính phủ ban hành về việc cải tạo và quản lý đối với nhà cửa cho thuê của tư nhân ở các thành phố và thị xã, trung ương đã tiến hành đợt thí điểm cải tạo nhà đất cho thuê ở thị xã Hải Dương và hiện nay sắp mở rộng phong trào tới các địa phương khác.

Để thi hành chỉ thị và nghị quyết trên, công văn của Ban Cải tạo Công Thương nghiệp Tư doanh Trung ương ngày 25-8-1960 gửi các Ban Cải tạo khu, thành phố, tỉnh về một số biện pháp cụ thể trong khi tiến hành cải tạo và quản lý đối với cơ sở, nhà cửa cho thuê của các tôn giáo.

Công văn trên chỉ rõ:

“Trong khi tiến hành cải tạo ở Hải Dương cũng như trong khi điều tra tình hình ở các địa phương khác, thì tình hình chiếm hữu nhà cho thuê của các tôn giáo chiếm một tỷ lệ diện tích cho thuê khá lớn. Theo số liệu điều tra sơ bộ thì:
- Ở Hà Nội: các tôn giáo chiếm một diện tích cho thuê là 29.735 thước vuông với doanh thu hàng năm là 74.835 đồng.
- Ở Hải Phòng: Nhà chung chiếm trên 130 nhà với diện tích trên 60.000 thước vuông.
- Ở Nam Định: Nhà chung chiếm 38 nhà với diện tích cho thuê là 9.250 thước vuông và doanh thu hàng năm là 6.634 đồng v.v...

Về nguồn gốc chiếm hữu thì hầu hết số nhà cho thuê ấy đều chủ yếu xây dựng trên thế lực và uy quyền của đế quốc và phong kiến trước đây và phần nhỏ trên sự đóng góp và lễ lạt của tín đồ, nhất là trong Thiên chúa giáo. Từ lâu, những nhà cửa ấy đều cho thuê với tính chất kinh doanh của họ cũng biểu hiện nhiều mặt tiêu cực.

- Chỉ biết thu tiền nhà mà không chịu tu sửa nhà hư hỏng để đảm bảo an toàn cho người thuê ở;
- Tìm cách nâng giá nhà một cách quá đáng, giá cho thuê nhà của họ còn hết sức bất hợp lý;
- Dùng thủ đoạn cắt điện, nước hoặc nhiều hành động khó dễ khác nhằm đuổi người thuê đi, để nâng giá nhà;
- Việc sử dụng nhà ở cũng như việc bảo quản nhà còn nhiều bất hợp lý v. v...;
- Quan hệ thuê mượn giữa người thuê và người quản lý nhà cho thuê của các tôn giáo có nhiều mâu thuẫn làm ảnh hưởng không tốt đến việc đoàn kết trong nội bộ nhân dân, vì quần chúng thuê nhà của các tôn giáo chỉ có một số ít là giáo dân, còn phần đông là những người không theo một tôn giáo nào, nên mỗi lần có sự va chạm về kinh tế thì đồng thời cũng có ảnh hưởng ít nhiều đến vấn đề đoàn kết giáo lương.

Đối với số nhà cửa cho thuê ấy, quần chúng giáo dân, nhất là quần chúng theo đạo Thiên chúa, hiện nay vẫn chưa nhận ra được tính chất bóc lột và thủ đoạn kinh doanh xấu xa, trái lại, họ còn quan niệm rằng những nhà cửa cho thuê ấy là tài sản thiêng liêng của đạo giáo họ.

Đợt thí điểm ở Hải Dương cũng đã chứng minh rõ những điểm trên. Sắp tới, khi mở rộng phong trào đến các địa phương có nhiều nhà cho thuê của các tôn giáo thì tình hình sẽ có những diễn biến phức tạp, chúng ta cần có những biện pháp thận trọng và tốt hơn, nhằm đạt được mục đích yêu cầu là cải tạo quan hệ thuê mượn nhà cửa tư nhân hiện nay”.

Công văn ngày 25-8-1960 còn đề ra những biện pháp cụ thể:

“1. Căn cứ vào đường lối, phương châm chính sách của Trung ương, thái độ của chúng ta đối với nhà cửa cho thuê của các tôn giáo về nguyên tắc là cũng phải áp dụng chính sách cải tạo như đối với tư nhân có cho thuê khác. Nếu những nhà cửa cho thuê đủ khỏi điểm cải tạo thì cải thạo (theo nghị định số 19/CP); nếu chưa đủ khởi điểm cải tạo thì để họ tiếp tục tư quản lý dưới sự giám đốc của Nhà nước (theo nghị định số 20/CP).

Song, vì đặc điểm tình hình giáo dân nói trên và do vấn đề này thường dễ có liên quan đến chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Chính phủ và hình thức đấu tranh thích hợp nhằm thực hiện được phương châm; Làm tốt về chính trị và kinh tế, chú trọng về mặt chính trị.

Cụ thể là về mặt kinh tế phải xoá bỏ quan hệ thuê mượn bóc lột, xây dựng quan hệ thuê mượn mới về cho thuê nhà. Không có gì khác với mục đích, yêu cầu chung. Nhưng về mặt chính trị thì phải chú trọng đến sự tranh thủ quần chúng giáo dân hưởng ứng và tham gia thực hiện chính sách cải tạo được tốt, nhất là đối với những người giáo dân thuê nhà của nhà chung, nhà chùa. Trên cơ sở đó, thuyết phục tranh thủ những người quản lý nhà cho thuê của nhà chung, nhà chùa chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ. Trước mắt là họ giao nhà cho thuê qua: Nhà nước quản lý và sử dụng, Nhà nước sẽ để lại cho nhà chung, nhà chùa được tiếp tục hưởng một số tiền thuê như nghị định của Chính phủ đã ban hành (từ 15% đến 50% số tiền thuê). Số tiền còn lại Nhà nước sẽ sử dụng vào mục đích tu sửa nhà nhằm bảo đảm an toàn cho người thuê ở và làm cho chất lượng nhà cửa được tốt hơn trước, kéo dài được thời gian sử dụng.

Đối với một số ít phần tử ngoan cố chống đối cải tạo, ta cần tranh thủ giáo dân và số đông trong những người quản lý để đấu tranh với chúng, nhất là phải vạch trần những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của chúng và thái độ đối với chính sách của chúng, tiếp đó nếu xết cần thiết thì có biện pháp xử lý khác, sau khi đã thỉnh thị kỹ cấp uỷ trên (thông qua các Ban cải tạo).

2. Về phương pháp, ở những nơi nào nhà cho thuê của các tôn giáo, nói chung, chúng ta không tiến hành cải tạo cùng một lúc với đợt cải tạo nhà cửa cho thuê của tư nhân khác. Có thể tiến hành một đợt riêng và như vậy thì thời gian nên đặt sau khi đợt cải tạo chung đã kết thúc, để ta có điều kiện tập trung chỉ đạo, tập trung cán bộ và thời gian làm cho tốt. Trong đợt này Ban cải tạo cần phải phối hợp với Ban Tôn giáo vận địa phương một cách chặt chẽ, yêu cầu cán bộ Tôn giáo vận trực tiếp tham gia công tác giáo dục quần chúng giáo dân và công tác thuyết phục tranh thủ người quản lý nhà cho thuê của các tôn giáo.

Trong việc tổ chức học tập chính sách, ta không nên triệu tập những người quản lý nhà cho thuê của nhà chung, nhà chùa đến dự học chung với các chủ nhà khác, mà chỉ cần chính quyền triệu tập riêng họ đến để phổ biến cách nghị định của Chính phủ và trách nhiệm họ phải thi hành. Sau đó, Mặt trận cần gặp gỡ riêng những người có trách nhiệm trong Ban quản lý hoặc những người đại diện và những người linh mục tốt để giáo dục tranh thủ họ tích cực thi hành nghị định và làm đơn xin giao nhà qua Nhà nước quản lý và sử dụng, đồng thời họ xin mức hưởng tỷ lệ tiền thu thuê nhà.

3. Đối với quần chúng thuê nhà của các tôn giáo thì nên tổ chức họ thành những tổ học tập riêng. Nội dung học tập cần làm cho họ hiểu rõ tinh thần của các nghị định của Chính phủ, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người đi thuê nhà để tích cực chấp hành pháp luật của Nhà nước, hiểu rõ những xấu xa của quan hệ thuê mượn bóc lột hiện nay và sự cần thiết phải giao nhà cửa cho thuê để Nhà nước quản lý cho thuê, sửa chữa, phân phối và sử dụng. Về thời gian học tập thì tuỳ địa phương ấn định cho sát, nhưng nên thu xếp ngoài những giờ đi lễ của đồng bào Thiên Chúa giáo.

Trên đây là mấy ý kiến sơ bộ, trong khi tiến hành cải tạo, chúng ta cần có sự tập trung chỉ đạo đúng mức, đồng thời chú trọng phát hiện sớm những vấn đề cụ thể khác để kịp thời bàn bạc giải quyết đầy đủ hơn”.

“Chuyên viên luật” kia chỉ bám vào thông tin của Thông tư 73/TTG, phủ định các thông tư, nghị định, luật đất đai khác của chính phủ, và chỉ nhằm vào khái niệm “đất cho thuê” (bỏ qua khái niệm đất cho sử dụng nhờ, vì lúc đó để lách luật, người ta thường sử dụng diện tích của mình để cho thuê, ngầm cho thuê, cho sử dụng nhờ, cho mượn như “Tòa Khâm sứ”), nên mới cho rằng: “Như vậy, có thể thấy rõ nếu khu đất của Dòng Chúa Cứu Thế không cho thuê, không cho người khác sử dụng nhờ thì không thuộc đối tượng quản lý theo quy định tại Thông tư số 73/TTG ngày 7/7/1962 của Phủ thủ tướng như Ông Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nói được. Và ngay cả có cho thuê thì nhà nước cũng tiếp tục cho người đang sử dụng tiếp tục được sử dụng..., chứ không bắt ký bàn giao để chuyển sang cho người khác”.

Nên biết “đối tượng mà nhà nước quản lý” không chỉ nằm ở một Thông tư 73/TTG. Tuy nhiên, khi trích dẫn Thông tư số 73/TTG, “chuyên viên luật” này đã bỏ qua Thông tư số 10/TTG ngày 4-2-1963. Thông tư này nhằm giải thích Thông tư số 73/TTG ngày 7-7-1962 trong đó nêu rõ sự cần thiết nhà nước phải quản lý toàn bộ đất ở nội thành, nội thị:

“1. Chuyển quyền sở hữu về đất cho thuê của tư nhân (kể cả bất động sản trên mặt đất như ao, hồ, cây ăn quả lưu niên, cây cổ thụ, giếng nước và các di tích lịch sử) thành quyền sở hữu của toàn dân do Nhà nước trực tiếp quản lý, phân phối và sử dụng.

2. Chấm dứt tình trạng chiếm hữu bất hợp pháp của tư nhân về các loại đất công (kể cả đất sa bồi), đất vắng chủ và sử dụng hợp lý các loại đất bỏ hoang.

3. Tất cả các loại đất nói ở trên (kể cả bất động sản có trên mặt đất) đều do Nhà nước trực tiếp quản lý không phải bồi hoàn tiền cho các chủ có đất. Những người hiện đang sử dụng đất hợp lý đều được phép tiếp tục sử dụng, không phải trả tiền thuế đất mà chỉ phải đóng thuế thổ trạch hoặc thuế nông nghiệp”.

Trong Thông tư này khái niệm “đất cho thuê” được hiểu là bao gồm “kể cả bất động sản trên mặt đất như ao, hồ, cây ăn quả lưu niên, cây cổ thụ, giếng nước và các di tích lịch sử”.

Đối với các hội hè, tôn giáo Thông tư này ghi rất rõ:

“Tất cả các hội hè, tôn giáo có đất cho thuê, đất cho người khác sử dụng nhờ sau đây, dù diện tích ấy nhiều hay ít (kể cả bất động sản trên mặt đất) đều do Nhà nước trực tiếp quản lý và không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào:
- Của các đình, đền, phe giáp, bản làng...
- Của các tổ chức tư nhân và hội hè khác.
- Của các tổ chức Thiên chúa giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác.
Riêng đất cho thuê, cho sử dụng nhờ của các tổ chức tôn giáo thì chúng ta cần chú ý làm tốt về mặt chính trị, cho nên tuỳ từng trường hợp của từng loại đất cho thuê của họ mà giải quyết như sau:
Đất cho thuê, cho sử dụng nhờ thuộc phạm vi ngoại tự thì Nhà nước quản lý theo chính sách.

Đất cho thuê, cho sử dụng nhờ thuộc phạm vi nội tự thì Nhà nước không quản lý đất này, nhưng Nhà nước xoá bỏ quan hệ thuê mượn đối với đất đó, người chủ đất không được thu tiền thuê đất nữa. Nhà nước chỉ cho phép người nào hiện đang sử dụng đất đó được tiếp tục sử dụng và đóng thuế. Mặt khác, nếu người sử dụng đất đó là người tín đồ muốn giúp đỡ cho nhà thờ, nhà chùa là tuỳ thuộc họ.

Ruộng đất nào trước đây, trong cải cách ruộng đất, có để lại cho nhà thờ, nhà chùa để dùng trong việc thờ cúng và cho những người tu hành có điều kiện sinh sống để làm việc tôn giáo mà nay họ đem cho thuê thì: nếu những người thuê đất này là xã viên hợp tác xã thì nên vận động họ đưa ruộng đất đó vào hợp tác xã; nếu người thuê đất đó không phải là xã viên hợp tác xã thì Nhà nước quản lý đất này và cho phép người đang sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và đóng thuế.

Trong khi thực hiện quản lý đất cho thuê của các tổ chức tôn giáo thì cần chú ý: những người tu hành chuyên nghiệp mà hiện nay già yếu mất sức lao động, nguồn sống chỉ dựa vào tiền cho thuê đất thì Nhà nước tạm hoãn quản lý đất cho thuê của họ. Nếu trường hợp đất cho thuê của họ quá nhiều thì chỉ hoãn cho họ một số diện tích đất đủ cho việc thờ cúng và cho người tu hành già yếu này có điều kiện sinh sống để làm việc tôn giáo. Mức ruộng đất để lại bao nhiêu do Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh xét và quyết định”.

Thông tư số 10/TTG ngày 4-2-1963, ở mục cuối cùng quy định đối với những người hiện đang sử dụng đất:

“Sau khi Nhà nước đã trực tiếp quản lý đất thì đối với những người hiện đang sử dụng các loại đất nói ở Thông tư này, Uỷ ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh sẽ xét việc sử dụng đất của họ có hợp lý hay không để cấp giấy phép sử dụng cho họ. Nhà nước sẽ lấy lại đất đó mỗi khi cần dùng cho công cuộc xây dựng các lợi ích công cộng trong thành phố. Tuyệt đối không ai được dùng đất này để làm phương tiện cầm cố, mua bán, chuyển nhượng cho người thứ hai, bất cứ lý do nào.
Nếu trên mặt đất có những bất động sản như: ao, hồ, cây ăn quả lưu niên, cây cổ thụ, giếng nước và các di tích lịch sử... thì người hiện đang sử dụng đất phải có trách nhiệm bảo vệ. Tuyệt đối không được tự ý phá huỷ, Uỷ ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh cần có nội quy bảo vệ những bất động sản này. Đối với những bất động sản như cây cối, giếng nước, hoa màu... có trên mặt đất ấy là của những người hiện đang sử dụng đất ấy tự lao động làm ra thì họ có quyền hưởng hoàn toàn hoa lợi, lúc cần cho việc xây dựng cơ bản mà những bất động sản đó cần phá đi thì Nhà nước sẽ bồi thường cho họ theo tinh thần Nghị định số 151/TTg ngày 14-4-1959 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu những bất động sản có trên mặt đất không phải của người hiện đang sử dụng đất ấy làm ra thì do cơ quan quản lý nhà, đất các địa phương trực tiếp quản lý và thu hoa lợi nếu có.

Trên đây là những điều giải thích và hướng dẫn cụ thể trong khi thực hiện chính sách quản lý đất. Phủ Thủ tướng nhắc các Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh cần lãnh đạo chặt chẽ công tác này và cần dựa vào Thông tư này mà đặt ra các biện pháp tiến hành cho tốt, cố gắng hoàn thành trong quý I năm 1963. Trong khi thực hiện, nếu có vấn đề gì mới hoặc mắc mứu thì các địa phương cần báo cáo về Phủ Thủ tướng giải quyết”.

Thử hỏi với bao nhiêu chính sách về quản lý, trưng thu đất đai như vậy mà lại để một mình Linh mục Vũ Ngọc Bích sử dụng trọn 60.000 m2 đất có hợp lý không? Một người bình thường cũng thấy nó mâu thuẫn với Thông tư trên: “chỉ hoãn cho họ một số diện tích đất đủ cho việc thờ cúng và cho người tu hành già yếu này có điều kiện sinh sống để làm việc tôn giáo”. Diện tích (đất nội tự) nhà thờ Thái Hà hiện đang có (3.905m2 nhà chính, 945m2 nhà phụ) rất phù hợp với chính sách này vậy. Trên 60.000 m2 ấy lần lượt sau đó, nhà thờ, nhà đệ tử, bệnh viện, trường học và các cơ sở khác cứ được xây dần thêm (không riêng gì phần đất của Công ty may Chiến Thắng hiện nay, bởi những cơ sở xây dựng ở những phần đất còn lại (trước khi nhà nước bàn giao cho Công ty may chiến thắng) thuộc đất ngoại tự (có phần đất nào nhà thờ đã từng chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn trước đó hay không thì đều thuộc diện quản lý nhà nước theo chính sách).

Hơn nữa, ở vụ việc “cầu nguyện đòi đất” ở Thái Hà này, “chuyên viên luật” kia ra sức phủ định đất tu viện dòng Chúa Cứu thế khi trước không cho thuê, cho mượn “và ngay cả có cho thuê thì nhà nước cũng tiếp tục cho người đang sử dụng tiếp tục được sử dụng..., chứ không bắt ký bàn giao để chuyển sang cho người khác”. Đúng là Nhà nước vẫn cho người đang sử dụng được tiếp tục sử dụng, nhưng không phải không vận động bàn giao lại đất cho nhà nước quản lý vì đất đó quá rộng, chỉ để lại “một số diện tích đất đủ cho việc thờ cúng và cho người tu hành già yếu này có điều kiện sinh sống để làm việc tôn giáo. Mức ruộng đất để lại bao nhiêu do Uỷ ban hành chính khu, thành, tỉnh xét và quyết định”.

Không biết “chuyên viên luật” này khi phủ định việc nhà thờ không “cho thuê đất”, “cho người khác sử dụng nhờ” (tức mượn) để tự đặt nhà thờ ra khỏi phạm vi của chính sách ấy có nghĩ đến sự mâu thuẫn trong vụ đòi đất “Tòa Khâm sứ” hay không? Bởi trong vụ Tòa Khâm sứ, ông Ngô Quang Kiệt rất nhiều lần nói rằng “Tòa Khâm sứ” là phần đất mà nhà thờ cho Khâm sứ mượn (đất cho người khác sử dụng nhờ). Vậy phải chăng nhà nước quản lý “Tòa Khâm sứ” là rất đúng với chính sách đất đai? Trong khi Luật CCRĐ, Điều 10 ghi rõ: “Ruộng đất của tôn giáo (Nhà Chung, nhà chùa, thánh thất, tu viên, v.v...) thì trưng thu và trưng mua”. Điều 19: “Về nguyên tắc, ngoại kiều không có quyền chiếm hữu ruộng đất ở Việt Nam”. Điều 20: “Đối với địa chủ ngoại kiều hợp tác với địch hoặc là phản động, cường hào gian ác, thì tịch thu toàn bộ hoặc một phần ruộng đất và tài sản, tuỳ tội nặng nhẹ”.

Vậy cả vụ “Tòa Khâm sứ” và vụ “Thái Hà”, giáo dân cầu nguyện đòi đất cho ai? Cho vị Khâm sứ bị trục xuất khỏi Việt Nam hay cho hai vị linh mục người Canada đã mua đất của chính quyền thực dân? Hay chỉ vì hai ông linh mục ấy thuộc dòng Chúa Cứu thế nên những người giáo dân dòng Chúa Cứu thế Việt Nam hiện nay ra sức “nhận họ hàng” và để đòi quyền sở hữu phần đất thời thuộc địa (mà nhà nước đã tái bố trí, phân chia khi chế độ, chính sách đã thay đổi kể từ khi nước Việt Nam giành độc lập năm 1945, đặc biệt khi Luật CCRĐ ra đời năm 1953, nhằm thực hiện chủ trương người cày có ruộng).

Nhận xét về Công giáo Việt Nam, trước đó, vào tháng 7 năm 1924, tại Đại hội V Cộng sản Quốc tế, Nguyễn Ái Quốc đã từng lên tiếng cảnh cáo chủ nghĩa thực dân bóc lột và vai trò của Giáo Hội trong chuyện này: “Chỉ một mình Nhà Chung Công Giáo mà chiếm hết một phần tư đất trồng trọt ở Nam Kỳ. Phương thế chiếm hữu các đất đai đó rất là đơn giản: Dùng tham nhũng, hối lộ và cưỡng ép. Đây là một vài ví dụ rõ ràng. Nhà Chung lợi dụng khi mất mùa để cho nông dân vay tiền. Tiền lời cho vay rất nặng, nên con nợ sẽ không thanh toán nổi khi tới ngày trả, và như thế là đất cầm trở thành đất Nhà Chung. Giáo Hội không từ một việc nào để nắm những giấy tờ hệ lụy bí mật và nhờ đó dọa dẫm các quan chức, bắt họ phải làm theo ý mình muốn. Giáo Hội cũng liên minh với những tay tài phiệt để khai thác các vùng đất nhượng cho không và những thửa ruộng cướp được của nông dân. Giáo Hội có người của mình nắm giữ những vai trò thế giá trong chính quyền thuộc địa…”.

Phải chăng khi “cầu nguyện đòi đất” họ đang tự cho phép đặt mình ra khỏi pháp luật Việt Nam và muốn tái lập cái hình ảnh đầy tham lam và bất công thời thuộc địa? Đặc biệt là việc hủy hoại, chiếm phá không biết bao nhiêu ngôi chùa Phật giáo trên khắp mọi miền đất nước mà chính các giáo sĩ và giáo dân là linh hồn của các cuộc chiến chiếm đất.

“Chuyên viên luật” này viết tiếp: “Nếu việc ký bàn giao (nếu có) của LM Vũ Ngọc Bích không phải là để nhà nước quản lý theo chính sách nhà-đất cho thuê thì việc ký bàn giao hay "hiến", "cho" là quan hệ giao dịch dân sự. Căn cứ Sắc lệnh số 85-SL ngày 29/2/1952 của Phủ Chủ tịch nước VNDCCH (5) thì việc cho nhà cửa, ruộng đất bắt buộc phải trước bạ rồi mới được sang tên trong địa bộ và sổ thuế (Điều 1). Trước khi đem trước bạ, văn tự phải đưa Ủy ban Kháng chiến hành chính xã hay thị xã nhận thực chữ ký của người cho là chủ sở hữu của nhà cửa, ruộng đất đem cho (Điều 3).

Khi tranh cãi ở phần đầu thì “chuyên viên luật” này thắc mắc “Linh mục Vũ Ngọc Bích ký bàn giao từ ngày 24-10-1961 làm sao lại "theo Thông tư 73/TTg ngày 7-7-1962"?”. Nhưng nói đến việc bàn giao (nếu có - tức không biết là có hay không, trong khi chính quyền đã công bố biên bản bàn giao đất) của linh mục Vũ Ngọc Bích thì “chuyên viên luật” này lại lấy sắc lệnh 85-SL ngày 29/2/1952 (quá cũ và chưa hoàn chỉnh với những sắc lệnh, nghị định, thông tư ở thời điểm hiện tại lúc đó), trong khi Luật CCRĐ (bộ luật đất đai đầu tiên của chính phủ Việt Nam DCCH) được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua trong Khoá họp lần thứ III ngày 4 tháng 12 năm 1953 lại bị bỏ qua. Hơn nữa như trên đã dẫn, sắc lệnh ngày 4-12-1953, trong điều 10 có chấp nhận các cơ sở tôn giáo như chùa, nhà thờ, và các tổ đình làng xã nhưng chỉ được sử dụng một phần đất đai và phải tự cày cấy để mưu sinh.

Còn phần “chuyên viên luật” này viết “Về khởi tố vụ án hình sự tội hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 BLHS và tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 BLHS” để biện hộ cho hành vi quá khích phá cổng, phá tường rào, cắm mốc thánh giá, đưa tượng Đức Mẹ vào chếim đất của giáo dân, tôi xin miễn bình luận. Vì cơ bản đây là một bài viết lươn lẹo, cố tình chạy tội để hợp thức hóa những hành vi chiếm đất đai. Tôi không hiểu qua bài viết của “chuyên viên luật” này, “sự thật nào sẽ giải phóng các anh em”? hay chỉ là một màn “vải thưa che mắt thánh” bằng một giả danh “chuyên viên luật” nhằm đánh lạc hướng dư luận, tiếp tục đẩy những giáo dân ấy vào con đường cuồng tín tôn giáo, cuồng vọng đất đai.

Trong bài “Ai dùng gươm…” trên Chuacuuthe, ông Nguyễn Văn Sang có trích: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm”. Nhưng không biết ông suy nghĩ sao về câu này: “Hãy báo cho các nước biết: Hãy chuẩn bị chiến tranh; Hãy gọi dậy những trai tráng! Tất cả quân sĩ hãy tập họp lại và tiến lên! Đập lưỡi cày thành kiếm, và biến móc câu thành đao” (Joel 3:9-10) ["Proclaim this among the nations: Prepare a war; rouse the mighty men! Let all the soldiers draw near, let them come up! Beat your plowshares into swords, And your pruning hooks into spears]. Không biết chuẩn bị chiến tranh (chủ yếu là chiếm đất và phá di sản người khác) có chết vì chiến tranh không? Không biết ngoài những người được Vatican phong “tử vì đạo” có ai được phong “tử vì đất” không?

Trần Minh Khoa

Chú thích:
Các luật, sắc lệnh, nghị định, thông tư, công văn đã nêu trong bài viết, người đọc chỉ cần vào công cụ tìm kiếm tại google.com gõ từ khóa cho chính xác là có thể tham khảo được đầy đủ, và được thấy những lý giải khác nhau từ nhiều phía. Thậm chí có nhiều thông tin liên quan đến những chính sách về tịch thu, truất hữu, phân chia, bồi thường đất đai trong Cải cách điền địa của Ngô Đình Diệm (Chính phủ Công giáo) như một sự tương chiếu với CCRĐ ở miền Bắc. Ai là người hưởng lợi trực tiếp từ những chính sách của giáo dân Ngô Đình Diệm?
Cần nói thêm, chính sách CCRĐ ở miền Bắc cơ bản đã giải quyết được vấn đề “người cày có ruộng”, nhưng trong quá trình thực hiện chính sách, việc quy định thành phần, đảng tịch, quy phần trăm địa chủ trên tổng số dân tại các địa phương đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, tạo nên những oan sai và sự trả thù của những người được minh oan sau khi nhà nước sửa sai. Tuy nhiên khi nhà nước sửa sai chỉ quy định lại thành phần, đảng tịch và bồi thường phần nào cho những người oan sai, thân nhân của những người oan sai chứ không có chuyện trả lại những ruộng đất đã thu hồi trong chính sách CCRĐ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét