Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2008

KẺ THẤT TIẾT CỦA LỊCH SỬ


Để tưởng nhớ lời nguyền của tổ ngoại Phạm Vụ Mẫn, Án sát sứ Sơn Tây, người đã anh dũng bỏ mình trong một trận phục kích của liên quân Pháp – Công giáo bản xứ, cuối thế kỷ 19.


Thế giới blog, truyền hình, báo in, báo mạng Việt Nam cả tuần nay ầm ào về câu nói của ông Ngô Quang Kiệt trong cuộc gặp gỡ với giới chức Hà Nội hôm 21 tháng 9. Trừ báo chí chính thống đi đường một chiều, bất cứ ở đâu để ngỏ khả năng trao đổi đều rất nóng, đôi khi nóng đến mức thô tục. Chẳng hạn trong blog Tắc Kè, gần 1000 comment chia làm hai phe xỉ vả nhau không thương tiếc. Đến độ blog nhà báo Bố Cu Hưng phải chua xót treo blast: “Ơ hay, sao lại vào nhà tớ để cau có và chửi bới loạn xạ chỉ vì tớ nghĩ khác cậu? Tiếc là Nam Cao đã mất!”.

Nguyên văn một đoạn nói vo của ông Ngô Quang Kiệt như sau, tôi không bỏ dấu ngắt câu: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam đi đâu cũng bị soi xét chúng tôi buồn lắm chứ chúng tôi mong muốn đất nước mình mạnh lên làm sao như một anh Nhật nó cầm cái hộ chiếu là đi qua tất cả mọi nơi không ai xem xét gì cả anh Hàn Quốc bây giờ cũng thế còn người Việt Nam chúng ta thì tôi cũng mong đất nước lớn mạnh lắm và làm sao thật sự đoàn kết thật sự tốt đẹp để cho đất nước chúng ta mạnh đi đâu chúng ta cũng được kính trọng[1]”.

Derrida, triết gia Giải cấu trúc/ Hủy cấu trúc nổi tiếng đã đề xuất cách đọc/hiểu giải kiến tạo (deconstructive readings). Ông nhận định phát ngôn/văn bản không bao giờ chỉ chứa một nội hàm đơn độc.

Về mặt cá nhân, phát ngôn của ông Ngô Quang Kiệt là thăng hoa của diễn ngôn trong tinh thần chính ông. Về mặt giáo hội công giáo, lời của tổng giám mục giáo phận Hà Nội trong cuộc gặp gỡ với nhà chức trách phải mang tiếng nói của số đông giáo dân, chứa đựng nguyện vọng của giáo hội/giáo phận. Cho nên những ai bênh vực ông đều không sai và những ai nghi ngờ ông vẫn có thể đúng.

Ben Stocking, nhà báo hãng thông tấn Mỹ AP đã dùng từ “vụng về” khi đề cặp đến câu nói nóng hổi kia của ông Kiệt. Nguyên văn "State media called Kiet's patriotism into question when he made a clumsy statement on television[2]”.

Đại sứ của Tổng thống Bush về vấn đề Tự do Tôn giáo, John V. Hanford cũng có ý kiến: “Một trong những vấn đề là tài sản được sang tay nhiều lần. Trong trường hợp miếng đất nhiều người biết đến ở Việt Nam, tôi nghĩ trước đây của người Phật giáo sau nhờ người Pháp mới thành của người Công giáo cho nên rất phức tạp[3]''.

Trên diễn đàn BBC có một ý kiến rất sáng tỏ, trả lời cho phần câu nói của ông Kiệt mà truyền thông nhà nước không dẫn: “Lấy ẩn dụ đi nước ngoài bị nhục nhã tôi thấy không ổn. Việc kiểm tra an ninh chuyến bay hiện rất khó chịu, phải tụt giày, tháo nịt, đứng lên bục giăng thẳng hai tay cho máy rà vào nách vào háng, có nơi còn sờ bằng tay nữa. Vì an ninh chung đành vậy thôi. Còn việc miễn visa thì không dính líu đến đẳng cấp quốc gia. Mỹ có miễn visa cho Nga đâu[4]”. Như vậy ông Kiệt đã đánh đồng đẳng cấp quốc gia, sự văn minh, hùng mạnh với việc thân Âu – Mỹ, là đồng minh chí cốt với Âu – Mỹ chăng? Là tổng giám mục Hà Nội, chắc chắn ông đã đi các nước tây dương là chủ yếu. Không nói thì ai cũng hiểu thủ tục visa, sự soi xét bực mình trên thế giới diễn ra chủ yếu tại các nước Âu – Mỹ. Hướng về đỉnh cao văn minh, giàu có của nhân loại chẳng có gì sai. Song người Việt Nam có lý do để lo lắng ở sự “hướng tới” này.

Tuy vậy chủ điểm chính tôi muốn bàn thảo ở đây là có nên đánh đồng những người có ý kiến phản đối ông Kiệt với truyền thông chính phủ, cuộc cờ chính trị của ông Kiệt sai ở nước nào?

Hiển nhiên truyền thống của Ca tô giáo là can dự chính trị. Truyền thống ấy vẫn còn nhưng Ca tô giáo Việt Nam đang thiếu những con người có bản lĩnh chính trị. Nếu có bản lĩnh chính trị ông Kiệt đã không lỡ miệng. Nếu có bản lĩnh chính trị giáo phận Hà Nội đã không chọn mảnh đất Tòa Khâm Sứ cũ đầy dấu ấn lịch sử và cực kỳ nhạy cảm để “đòi đất”. Nếu họ khởi đi bằng Thái Hà hoặc các khu khác và sau cùng là Tòa Khâm Sứ thì có khi nhà nước đã nhượng bộ ở mức độ nào đó, như đã từng nhượng bộ tại La Vang chẳng hạn.

Cơ hội cho những đối thoại “hòa bình” giữa chính quyền và giáo hội công giáo là không còn ở tương lai gần. Không chỉ vì chiến dịch truyền thông “dữ dội” của nhà nước Việt Nam xung quanh phát ngôn của ông Kiệt. Không chỉ vì những “vận động” lương dân xung quanh Thái Hà tập trung phản đối hành động của nhà thờ. Không chỉ vì tổng giám mục lỡ lời. Không chỉ vì giáo phận Hà Nội chọn sai thời điểm và địa điểm “đòi đất”. Chính quyền Việt Nam vẫn chưa dùng con bài tẩy là giáo hội Phật giáo “quốc doanh” như ai đó từng phòng xa.

Những người phản bác ông Kiệt, khi phải chọn lựa, đã chọn ý hướng hơi thiên về chính quyền. Vì nói cho cùng, với Tòa Khâm Sứ và những lùm xùm xung quanh, giáo phận của ông Kiệt đã đánh thẳng vào nỗi hận lịch sử của lương dân Việt Nam với công giáo và thực dân từ thế kỷ 19.

Ở Tòa Khâm Sứ cũ, kẻ mạnh đã thắng, kẻ bản lĩnh hơn đã thắng. Đó là chân lý, là nhân – quả của đời sống thực. Sẽ có người vặn tôi về công bằng, công lý. Xin viện dẫn những lời ở cuối cuốn sách “Chủ nghiã nhân vị” (do Trung tâm đào tạo Chủ Nghĩa Nhân Vị  Vĩnh Long xuất bản với sự đỡ đầu của Liên đoàn công chức thuộc Phong trào Cách mạng Quốc gia, sách do các linh mục Nguyễn Văn Tất, Thiên và Trần Mục Đích viết, cựu Bộ trưởng Nội vụ (VNCH) Lâm Lễ Trinh đề tựa): “Xã hội chỉ tốt đẹp nếu có những bất bình đẳng. Các nhà bác học mới có thể dậy cho những người ngu dốt. Người giàu mới có thể làm công việc từ thiện.  Nếu như tất cả những bất bình đẳng đó đều không tồn tại, thì tìm ở đâu ra lòng từ thiện, ở đâu ra sự công bằng? Ở đâu ra sự hào hiệp?

Lẽ thường, một cô gái thất tiết nên cẩn thận khi đề cập đến trinh phẩm trước mặt những người đàn ông nhạy cảm. Vì chỉ trong phép Chúa mới có biểu tượng trắng trong vĩnh hằng! Thật nặng nề và hơi quá đáng nếu nói giáo hội công giáo là kẻ thất tiết với lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhưng bản thân kém cỏi không giúp tôi tìm được hình ảnh so sánh nào thích hợp hơn.

 

Trương Thái Du

(Theo sachhiem.net)

9.2008

[1] Theo Vietcatholic.net

[2] http://www.philly.com/philly/wires/ap/news/nation_world/20080922_ap_ hanoichurchmustendvigilsorfacelegalaction.html

[3] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/09/080923_ hanfordpresser.shtml

[4] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/09/080922_ hanoi_warnings.shtml

 

2 nhận xét:

  1. Tôi xin cảm ơn tác giả, người đăng, người có liên quan đến viẹc đưa bài viét này lên mạng cho tôi được đọc
    Đúng quá.

    Trả lờiXóa
  2. Tại sao trang WEB phật giáo quá ít

    WEBSITE có bài hay như bài này lại càng ít
    Tôi liên tục tìm kiếm mà rất ít gặp bài hay như bài này

    70/84 triệu dân là Phật tử và người yêu mến phật giáo nhưng thiền lâu thế, thức dậy thôi các vị ơi.

    Xin cảm ơn

    Một Đảng viên cộng sản tại Hà Nội

    Trả lờiXóa