Thứ Năm, 16 tháng 7, 2009

ĐẠO TÌNH


Đặt chân đến Huế, cảm xúc ấy trong tôi thật khó tả. Huế vẫn rất cũ và rất mới. Những con đường, hàng cây, những ngôi chùa, đền đài lăng tẩm cổ kính…, đối với tôi đã hơn một lần trở nên quen thuộc. “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Cái mới luôn tiềm ẩn trong những hình thức gần gũi, thân quen ấy, nên tôi có thể ngắm dòng Hương thật lâu trên hành trình du thuyền về thượng nguồn mà không hề biết mệt, biết chán. Trải qua nhiều thăng trầm, đục trong của lịch sử, dòng Hương đã trở thành dòng sông tâm linh của dân tộc. Tháp Phước Duyên (Thiên Mụ) trầm hùng như thúc giục bước chân lữ khách mười phương, và tiếng chuông rơi nhẹ vào không gian thầm nhắn nhủ dòng Hương đã muôn ngàn ngày Phật hóa.

Dòng Hương dẫn tôi về những câu chuyện xa xưa của những cuộc thủy chiến, của những người đã bỏ mạng để tạo nên những nhịp Trường Tiền duyên dáng, của những trận dịch tả hoành hành suốt dọc hai bờ sông Hương với những ngôi làng tan hoang vắng vẻ vì thiếu bóng người… Dòng hương có nhiều vui buồn như thế, nhưng dòng Hương thật đẹp. Vẻ đẹp của dòng Hương là vẻ đẹp từ bi. Tôi nghĩ từ bi là sức mạnh, là cứu khổ. Không biết Huế sẽ thế nào khi không có dòng Hương?

Tôi nhìn Huế từ góc nhìn chủ quan của một người Phật tử miền Bắc. Dĩ nhiên, tôi không bàn luận nhiều đến kiến trúc, điêu khắc của những ngôi chùa, cách thờ tự và cả thói quen sinh hoạt ở đây. Điều mà tôi có thể lắng nghe Huế là dừng lại, im lặng và trầm ngâm để trải nghiệm những bước chân, bóng áo của người xưa đã từng và vẫn còn phảng phất đâu đó nơi mỗi bậc thềm, bóng cây, ngọn tháp. Tôi trải nghiệm Huế bằng sự im lặng như thế, chân thành và tỉnh táo. Có lúc tôi giấu sự xúc động của mình đi vì tôi nghĩ Huế không cần tôi phải ồn ào bằng sự ngạc nhiên hay thêm một lời khen tặng nào ngay lúc đó.

Thú thật, hình ảnh những ngôi chùa cổ ở miền Bắc luôn cho tôi cảm xúc và ấn tượng tâm linh mạnh mẽ, vì đó là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ, nơi phát xuất những niềm tin ban đầu của tôi về đạo Phật. Không gian văn hóa vùng đã tạo nên nếp nghĩ và cách cảm nhiều chủ quan như vậy trong tôi, nên tôi không thể trả lời ngay nếu ai đó hỏi tôi rằng chùa Bắc có không khí thiền như chùa Huế không? Ở Huế, tôi nghĩ các bậc trưởng lão chân tu nhiều đời đã đem chất thiền giấu trong nụ cười điềm nhiên của Đức Phật, nên chất thiền ấy có sức sống lan tỏa thấm sâu từ đất, từ nước, từ giọng nói nhỏ nhẹ: Dạ thưa,… mô Phật!

Tôi nhận thấy có những hùng tâm đã vượt qua sự chi phối có tính chất vương giả cung đình ở những ngôi quốc tự sặc sỡ để trở thành di sản tinh thần của bao đời dân chúng. Hơn nữa, chất Phật đã trở thành cốt cách và đức hy sinh (danh lợi) bản thân của biết bao người đã sống một đời thủy chung với Huế, với Đạo với Đời. Họ ra đi hay họ ở lại có nghĩa gì đâu khi cả Huế và Phật đã cùng ngự ở trong tận sâu thẳm tâm hồn.

Từ Huế, tôi mường tượng về cảnh chùa quê u tịch nơi tôi sinh ra, và lúc đó tôi lại cảm nhận rõ hơn về nỗi đau đời, thương người trên từng mảnh đất Phật nơi miền đất Bắc. Những giọt lệ bi tâm trong những đêm thiền vẫn truyền đời nhỏ xuống, cất thành nỗi niềm da diết với non sông. Tôi từng ngồi một mình xúc động khi nghe lại tiếng người xưa gọi với: “Có ai về phương Nam cho tôi theo về với!”. Thiền sư Tuệ Tĩnh gửi thân nơi đất khách bằng niềm tin phương Nam da diết ấy. Phương Nam của Thiền sư Tuệ Tĩnh là Kinh Kỳ - Phố Hiến, phương Nam của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông là Huế, phương Nam của chúa Tiên, chúa Sãi là Sài Gòn, Hà Tiên… Trong quan hệ với Thiên triều (Trung Hoa), dù trải khắp núi sông, người Việt lúc nào cũng cùng chung một tiếng gọi đầm ấm phương Nam như thế.

“Tiếng chuông ngân ba cõi, bóng tháp ngả trùm đồng”, như dõi theo từng tiếng mẹ ru con trong khuya, từng giọt mồ hôi đổ xuống để biến đất dữ thành lành, từng nhịp sống hướng thiện hành thiện... Dù những vết khuyết lịch sử có lúc hằn lên một cách gân guốc, nhưng đã hòa trộn, nối dài không gian đa tín ngưỡng qua tiếng kinh cầu bắc nhịp khoan dung. Không khó để có thể trải nghiệm điều đó trong những mối quan hệ mà sự đấu tranh sinh tồn đã đến mức nhẫn nại, đớn đau, nhưng cũng chan chứa lòng vị tha, độ lượng.

Cũng vì những cảm thức chủ quan này mà một ngôi chùa nhỏ hẻo lánh, dân giã nơi thượng nguồn dòng Hương với những cây trái thơm mùi bàn tay lao động đã thuyết phục tôi, nơi mà tâm của vị nữ tọa chủ quá rộng, rộng đến mức giọng nói chân chất đạo tình và tiếng cười sảng khoái đã đem đến cho tôi cảm giác bình yên, tin tưởng.

Trụ trì là Phật bổ xứ. Sự chọn lựa của lịch sử và sự can thiệp máy móc của công quyền khi xưa có nhầm lẫn nào chăng? Người xưa có tùy thuận vui buồn gì không khi đến ngồi ngai “quốc tự”? “Trong núi vốn không có Phật” (Quốc sư Phù Vân). “Ẩn chẳng rừng sâu là đại ẩn, Chùa nhà tu Phật mới chân tu” (Nguyễn Trãi). Sẽ là bất công nếu tôi nghĩ rằng tất cả “quốc tự” đều là cách khoe khoang bản ngã của thời đại, bởi ai có thể đứng ngoài mọi cuộc trần ai.

Điều may mắn để khám phá Huế của tôi đến từ cơn nắng nóng gay gắt trong một chuyến đi chiều. Rất gần gũi và rất thật, đó là mồ hôi đẫm áo, đó là hai chữ Đạo Tình. Tôi được cùng quý Ôn và các vị huynh đệ (thường nói vui với nhau là “đồng chí”) đến thăm một người mẹ già đang ốm nặng trong khi người bạn pháp của quý Ôn đang hành đạo ở phương Nam. Tu chung đã đành rồi, việc Phật sự chung đã đành rồi, nhưng tôi cảm nhận gần như ai cũng hiểu ra mình có một người mẹ chung như thế. Không phải sự hạ cố kiểu cách, đó là Đạo Tình, là tay nắm tay, là tâm an tâm. Người Phật tử như tôi chỉ còn biết xúc động thật sự, từ đời sống ứng xử cá nhân, đến cung cách sinh hoạt trong đời sống thường nhật của quý ngài nơi thiền môn xứ Huế. Như thế có việc Phật sự nào mà không thành? Không thành chỉ còn là do bản ngã ích kỷ mà thôi!

Chia tay Huế, tôi buồn, và tôi chỉ sợ hôm nào sẽ vắng thêm một người trên lối cũ, chỉ sợ tiếng nhớ trong đêm không có người in, chỉ sợ một mai Đạo Tình mai một.

Huế ơi!

THÍCH THANH THẮNG

(Theo Văn Hóa Phật Giáo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét