Hai nhà tư tưởng vĩ đại đủ xóa bỏ mặc cảm Việt Nam không có triết gia, và khẳng định đặc trưng của triết gia Việt Nam là không duy lý giáo điều, không cực đoan…
Con người thường suy nghĩ trước rồi hành động sau, tuy nhiên suy nghĩ cũng có quán tính, nên nhiều giai đoạn trong đời người và giai đoạn lịch sử chỉ hành động theo suy nghĩ của ai trước đó, thế là yên tâm sống. Con người với bản năng sống bầy đàn, hành động theo số đông, thích tạo thành phong trào trong mọi lãnh vực, mà số đông và phong trào cần sức mạnh nên suy nghĩ giống nhau là điều kiện tiên quyết, vì vậy chỉ cần một người suy nghĩ cho mọi người sao y lại trong tư duy, việc ấy lợi trong thời gian dài và có hại trong thời gian dài hơn sau đó.
Người viết bài này, xét trên góc độ dân tộc, trào lưu tư tưởng ngoại bang không thể hoàn toàn phù hợp thỏa đáng với một quốc gia nào đó. Việt Nam, có hai nhân vật tư duy độc lập thoát khỏi trào lưu tư tưởng ngoại bang. Trần Nhân Tông ở thế kỷ 13 và Trần Đức Thảo ở thế kỷ 20.
Trần Nhân Tông làm thơ:
“Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,
Lộ trích thu đình , dạ khí hư.
Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ,
Mộc tê hoa thượng, nguyệt lai sơ. (Nguyệt)
Tạm diễn nghĩa: Đầy giường sách qua ánh đèn trong khung cửa sổ?mùa thu sương móc rơi trên sân đình đêm hư không/ thức giấc tiếng chày (đập vãi) không còn nghe /ánh sáng trăng vừa rọi trên hoa mộc tê.(Trăng)
Những năm cuối đời Trần Đức Thảo viết: « ... khi tự vấn mình, ý thức đòi hỏi Thiện trong hành động, Chân trong tri thức, và Mĩ trong sự hoàn thành các quá trình nghiệm sinh, qua đó ý thức biến thế giới tự nhiên thành nhân giới, xứng đáng với con người. » (la conscience dans son appel à soi même pose l'exigence du bien dans l'action, du vrai dans la connaissance, et du beau dans l'achèvement des processus vécus. Par là, la conscience fait du monde naturel un monde humain, valable pour l'homme. Un itinéraire. Một hành trình. Tác giả xuất bản, Paris 1992.)
Một bài thơ nhữ nho và đoạn văn tiếng pháp nêu trên, chúng cách nhau đến 7 thế kỷ, đọc qua tưởng chừng như chẳng dính dáng gì nhau. Đọc kỹ lại nhận biết hai cách diễn đạt khác nhau, một bên là thi pháp phương Đông, bên kia là lập luận triết học, thơ thiền thì cảm nhận, tiểu luận thì nhận thức. Đọc kỹ hơn, chúng cùng một thông điệp trong dòng chảy văn hiến, giống như hai bờ của một dòng sông, bờ này là vách đá, bờ kia là đất pù sa của cánh đồng. Cụ thể hơn, bài thơ của Trần Nhân Tông nêu lên thái độ nhân sinh bằng truyền cảm qua bút pháp tượng trưng của thơ thiền, tiểu luận của Trần Đức Thảo cũng xác lập thái độ hiện sinh bằng phân tích rạch ròi theo triết luận phương Tây. Rõ ra thái độ trước thân phận làm người chính là dòng nước chảy giữa hai bờ ấy.
Nhiều nhà nghiên cứu thơ thiền đều có chung cảm nhận bài Trăng: Trong đêm khuya tĩnh lặng giữa không gian hư vô, thức giấc nhìn thấy hoa nhờ trăng sáng, người trí thức (giường đầy sách qua ánh đèn) ngừng đọc, và người lao động chân tay (tiếng chày đập vải không còn nghe) đã nghỉ việc, làm bật lên hình tượng ánh trăng soi sáng hoa mộc tê, cũng là làm bật lên chủ đề hòa nhập tâm hồn người vào tịch lặng của tự nhiên bao la, nói cách khác bản thể vũ trụ đã cuốn hút bản ngã trở vế. Phải chăng chủ đề trên là nôi dung của câu nói đầy khát vọng :…”qua đó tạo ra ý thức về biến thế giới tự nhiên trở thành thế giới con người”… của Trần Đức Thảo? Vì hai chỗ đứng đối diện nhau, nên cách nói về hòa nhập khác nhau, thiền sư Trần Nhân Tôn, trực cảm và tổng quan, (Mộc tê hoa thượng, nguyệt lai sơ – ánh trăng sáng là biểu tượng của vũ tru), đứng ở phía bản thể vũ trụ (dòng năng lượng tâm linh) thu hút bản ngã (năng lượng vật chất và tinh thần cá nhân) để giúp con người thanh thản và sáng suốt. Nghĩa là con người giao cảm với vũ trụ để có được sức mạnh và tự do của vũ trụ.
Trong lúc triết gia Trần Đức Thảo theo tập quán triết học phương Tây, luận lý và phân tích, cho rằng nhờ ý thức (la conscience fait du monde naturel un monde humain), mới thu hút tự nhiên, trong đó có cả bản năng đông vật - con người, phát triển thành thế giới văn minh đích thực, giúp con người tự do và sáng suốt.
Tuy nhiên vấn đề không nằm ở chỗ khác nhau bề ngoài của cái vỏ của diễn đạt tư tưởng, mà chính là nhìn thấy được cốt lõi tư duy của thiền sư và triêt gia, cần hòa nhập lẫn nhau mới thật sư có tự do, thanh thản và sáng suốt.
Ở đây, không nêu vấn đề tranh cãi đúng sai của chỗ đứng, lại càng không bàn về duy tâm hay duy vật, mà tập trung nhìn nhận thái độ hòa nhập giữa chủ thể và khách thể của thiền sư và triết gia, cả hai chung một dân tộc và lịch sử tổ quốc Việt Nam.
Vui lòng nghiền ngẫm một bài thơ khác của Trần Nhân Tông: Đăng Bảo Đài Sơn
Địa tịch đài dũ cổ
Thì lai xuân vị thâm
Vân sơn tương viễn cận
Hoa kính bán tình âm
Vạn sự thủy lưu thủy
Bách niên tâm ngữ tâm
……..
Tạm dịch:
Đất hoang vắng đài cổ kính
Tới đây mùa xuân chưa qua
Mây núi xa gần gần quấn quít
Đường sáng chập chờn trổ hoa
Sự đời nước cuốn xa tít
Trăm năm dặn lòng ta.
Bài thơ toát lên thần khí của triết lý sống: con người tự do : phá chấp,vô ngã. Thời đại Lý Trần, nhà thơ luôn xóa bỏ cách nhìn phân chia đối kháng: niết bàn và địa ngục; mê muội và giác ngộ, người phàm và bậc thánh…Suy ra theo khái niệm phương Tây ngay nay thì chẳng cần phân chia chủ thể và khách thể; tất nhiên và ngẫu nhiên; nội dung và hình thức.v.v…Vì vậy phải có bản lĩnh tìm ra cách sống hòa điệu với vũ trụ, tự tin ở chính mình để hành động tự do.
Thiền sư phá chấp ngay với chính lý tưởng Phật pháp. Mặc dù Phật giáo thâm nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ hai, và có nhiều bằng chứng cho biết xứ Giao Châu (nơi phát nguyên của dân tộc Viêt Nam) theo đạo Phật trước cả Trung Quốc, thế mà thái độ phá chấp đến mức có thiền sư đã viết: mê chi cầu Phật/hoặc chi cầu thiền (Ni sư Diệu Nhân)
Tuệ Trung còn nói: “Phật và Tổ cuối cùng chẳng cần lễ”. Vì nếu cầu Phật, cầu Thiền chính là “chấp ngón tay mà quên mặt trăng”. Cũng một tinh thần như vậy mười ba thế kỷ sau, Trần Đức Thảo đã phê phán một lãnh tụ vì ông này chỉ biết rằng chân lý là do va chạm, tranh biện giữa những ý kiến trái ngươc nhau theo phép biện chứng Platon, thay vì phải bắt nguồn từ biện chứng của Héraclite, theo hướng sự vật luôn luôn vận động, tương tác ,biến dổi và chuyển hóa( sự đời theo dòng nước trôi trong tự nhiên). Từ đó Lãnh tụ nọ diễn giải giáo điều và chủ quan duy ý chí cho nhiều vấn đề thực tiễn, gây tác hại lớn vào những quốc gia theo chủ nghĩa Marx. Còn nhiều lập luận của Trần Đức Thảo và thơ thiền của Trần Nhân Tông làm sáng tỏ sự phá chấp, không giáo điều; Còn vô ngã, hai ông viết ra sao?
Dưới đây là một bài thơ thiền với thông điệp vô ngã tuyệt hay của Trần Nhân Tông:
Xuân hiểu
Thụy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi
Buổi sớm mùa xuân
Ngủ dậy ngỏ song mây
Xuân về vẫn chửa hay,
Song song đôi bướm trắng,
Phất phới sấn hoa bay.
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)
Trong khi Trần Nhân Tông, cảm nhận mùa xuân vẫn cứ đến dù người có biết hay không? Cái tiểu ngã chẳng cần phải tách khỏi cái mênh mông của thiên nhiên, không vì thế mà con người thiếu tự tin, tự hào để làm việc phải làm. Và Trần Đức Thảo khi nhận định về chủ nghĩa hiện sinh của Jean Paul Sartre đã viết: chủ nghĩa hiện sinh dẫn đến nghịch lý là hiện hữu của tôi, mặc dù được xem như tồn tại hiện thực, vẫn tiếp tục đối lập với thế giới và chối bỏ tự nhiên bao quanh mình, như thế không phải là chủ nghĩa hiên sinh và lại càng không vô thần được. Trong tác phẩm Chủ Nghĩa Tồn Tại và Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng (Existentialisme et Matérialisme Dialectique – 1949), Trần Đức Thảo viết : « bởi vì thế giới hiện thực chỉ có thể là cái thế giới phơi mở trước mắt tôi, với tất cả ý nghĩa có thể có đối với tôi, trong khi tôi trầm luân trong ấy», tiểu ngã của mỗi người không thể tách rời hiện thực vũ trụ, nếu không muôn hư vô hóa, cho nên Sartre luôn bị ám ảnh l’Être et le Néant( hữu thể và hư vô).Người viết minh chứng điều này không nhằm đề cao hay hạ thấp một trong hai triết gia, hai bộ óc xuất sắc của thế kỷ 20. Ai cũng biết Trần Đức Thảo và Jean Paul Satre tương kính nhau, ông Thảo từng nói Sartre là triết gia biết đặt những câu hỏi đáng đặt ra nhất. Ở đây muốn nói Trần Đức Thảo cùng một tư duy vô ngã với thiền sư Trần Nhân Tông, vì triết học hiện sinh thực chất là tô đậm bản ngã, tách rời với thực tại, với bản thể vũ trụ.
Phải chăng thái độ văn hóa của hai triết gia ấy cũng tương tự như ở thế kỷ 13;14 những nhà Nho dù bài bác Phật, vẫn làm bạn với Thiền Sư.( Trương Hán Siêu ; Phạm Sư Mạnh…). Vì vậy, thời đại này được cho là tam giáo đồng nguyên; đồng nguyên ở chỗ Phật luôn lưu ý nguồn gốc, bản chất con người..(hình nhi thượng), Nho để tâm vào trách nhiệm, mục đích sống của con người(hình nhi hạ), Lão gần như một lực lượng thứ ba trong triết học phương đông. Bài thơ sau đây của trần Anh Tông với thông điệp dung hòa giữa Phật và Lão: Dã bất tạo ác/dã bất tu thiện/thụy lai đã miên/cơ lai khiết phạn/tòng tha nhiễu nhiễu/nhậm nhĩ phân phân/nguyên lai y cựu/thái vũ chủ nhân. (cũng không gieo ác/ chẳng thèm làm lành/buồn ngủ vào giấc/bụng đói liền ăn/kệ nó nhiễu xách/hỗn độn mặc tình/xưa nay nào khác/là chủ vũ trụ. Suy cho cùng trong thế giới vật chất, con người có rất nhiều vật dùng, tùy việc mà sử dụng. Không thể lấy dao cắt cỏ ra phát ruộng, mà phải dùng máy cày. Tại sao trong thế giới tinh thần, không biết khéo léo kết hợp những ưu thế của nhiều học thuyết để tạo ra bản lĩnh phù hợp với thực tại ? Điều này hoàn toàn khác với thỏa hiệp hoặc chia ghế quyền lực, đó là kết tinh của nhiều tinh túy để có nguyên khí quốc gia.
Trần Đức Thảo đã thưc hiện khát vọng trên từ giữa thế kỷ 20, lúc ông viết : Chủ nghĩa Marx và hiện tượng học. Nhà triết học RoLant Barth mở đầu điểm sách viết : « Quyển sách của Trần Đức Thảo là một thử nghiệm liên kết hai phương pháp cho đến nay vẫn bị xem là thù địch bởi những người chủ trương của cả hai phía : hiện tượng học của Husserl và chủ nghĩa duy vật biện chứng ». Điều tạo ra hòa nhập thể giữ hai phái thù địch, truyền thống duy lý Platon chưa hề xảy ra ở trời Tây, chắc chắn triết gia Thảo làm việc này bắt nguồn từ tiềm thức sâu thẳm của triết học phương Đông.
Ý nghĩa của sự kết hợp đó đã giúp cho một thời đại biết tự thấy những giới hạn của mình, mà nhà triết học Rolant Barth đã đúc kết: « Rất đặc sắc, sự chứng minh của Trần Đức Thảo có giá trị lớn là đã đặt sự tiến hoá của tư tưởng và huyền thoại vào trong sự tiến hoá của Lịch Sử chiều sâu, đó là lịch sử của sở hữu, hay đúng hơn nữa, của ý tưởng sở hữu. Chắc hẳn đây không phải là một hệ thống phương trình đã giải cạn những giai đoạn của Lịch Sử. Như đã được viết, quyển sách của Trần Đức Thảo tiêu biểu cho tình trạng sau cùng - nhưng chưa phải là tối hậu - của chủ nghĩa Marx tư duy »
Phải chăng tình thế Việt Nam luôn yêu cầu người yêu nước chân chính phải biết hòa nhập trong tư duy, bao dung trong xử sự và luôn phải động nảo độc lập thoát khỏi mọi ràng buộc tầm thường như hư danh và hư vị, phần lớn do giáo điều và học thuyết ngoại bang mang lại, làm chia rẻ và hủy hoại tinh hoa của dân tộc.
Trần Nhân Tông một nhà vua lãnh đạo chống ngoại xâm lừng lẫy, đại thắng chấn động hành tinh, xã hội thịnh trị, cũng chính là thiền sư, Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm, nói theo bây giờ là triết gia, sáng lập học thuyết đặc trưng cho dân tộc.
Trần Đức Thảo, triết gia, biện luận xuất sắc của chủ nghĩa Marx và Hiên tượng luận Hurserl, từ bỏ môi trường thuận lợi , lao vào kháng chiến và chịu đựng những bất công sau đó ; sáng tạo ra con đường tư tưởng mới cho nhân loại, trước hết là vì Việt nam (dù còn dở dang, tin chắc rằng thế hệ sau sẽ phát triển tiếp)
Hai nhà tư tưởng vĩ đại đủ xóa bỏ mặc cảm Việt Nam không có triết gia, và khẳng định đặc trưng của triết gia Việt Nam là không duy lý giáo điều, không cực đoan, tạo ra một hòa nhập có tính toàn cầu, phù hợp với những thành tựu của cấu trúc vĩ mô không-thời gian và hấp dẫn lượng tử, mà những nhà vật lý vũ trụ hậu bán thế kỷ 20 đã chứng minh bằng toán học.
Đã đến lúc, mỗi người Việt Nam không nên suy nghĩ theo quán tính, hoặc giao phó tư duy cho người khác, đặc biệt là những người giữ trọng trách. Nghiên cứu Trần Nhân Tông và Trần Đức Thảo toàn diện và sâu sắc sẽ giúp hóa giải bế tắc triết học của nhân loại hiện nay.
TRIỆU TỪ TRUYỀN
Gia Định-Vientian, tháng 6/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét