Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2009

LÀM GÌ TRƯỚC THÓI SÍNH DÙNG BẠO LỰC TRONG XÃ HỘI?


Tuần Vietnamnet vừa đăng tải bài viết: “Những tiếng khóc phía sau cánh cửa” của Vũ Lụa nói về nạn bạo hành gia đình. Trong đó có những câu chuyện mà “nạn nhân đã nếm đủ những đắng cay bởi nạn bạo lực gia đình. Tuy nhiên, “dư âm và những ảnh hưởng của nó vẫn khiến cho nhiều phụ nữ không thể không lên tiếng...”.

Trong một bài viết khác, cũng trên Vietnamnet, tác giả Hiệu Minh đã nói: “Muốn xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đất nước phồn vinh, hãy bắt đầu đơn giản với môi trường giáo dục phi bạo lực ở mọi nơi, mọi lúc. Quyền lực sinh ra từ đe dọa, đòn roi sẽ là thứ quyền lực bị tha hóa”.
Vấn đề bạo lực xảy ra mọi lúc, mọi nơi với mọi đối tượng, mọi giới trong xã hội. Không khó để nhận ra điều này, trước những thông tin phổ biến về nạn giết người và ưa dùng bạo lực.
Mới đây nhất là việc dùng bạo lực để đánh đuổi và trục xuất gần 400 tu sinh Bát Nhã ra khỏi chùa trong mưa bão, không chút tình người xót thương. Ai có tội? Ai làm chính trị? Chuyện đó có quan trọng bằng chuyện hình ảnh những người tu sĩ vô tội bị xúc phạm về nhân phẩm danh dự? Trong lịch sử Lê Ngọa Triều từng dóc mía trên đầu sư, cho đến ngàn năm sau vẫn còn bia miệng.
Trở lại thông tin về bạo hành phụ nữ trước một hiện thực xã hội sính dùng bạo lực, tác giả Vũ Lụa đã nhắc đến mô hình “Ngôi nhà bình yên”. Mô hình “ngôi nhà bình yên” được xây dựng để làm nơi “các chị em phụ nữ, nạn nhân của bạo hành gia đình có thể tạm lánh sau những cơn cuồng nộ của các ông chồng, đồng thời được các cán bộ tâm lý tư vấn hỗ trợ để ổn định về mặt tinh thần.

Thiết nghĩ, trước nạn bạo hành tu sinh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nên đề đạt đến Ban Tôn giáo Chính phủ để xây dựng mô hình “Ngôi chùa bình yên”, để các Tăng Ni bị bạo hành có thể tạm lánh sau những cơn cuồng nộ mất nhân tính của bọn côn đồ.
Đó là nguyện vọng chính đáng của Tăng Ni, Phật tử, hy vọng mô hình này sớm trở thành hiện thực để những tu sinh Bát Nhã được ổn định tinh thần, vững tâm tu học, và cũng để  nhằm giảm bớt thời gian phải “bảo vệ, che chở” của chính quyền tỉnh Lâm Đồng.
Nếu thực hiện tốt mô hình “Ngôi nhà bình yên”, “Ngôi chùa bình yên” thì chúng ta có cơ sở thực tiễn để xây dựng “Con đường bình yên”, “Ngõ xóm bình yên”, “Ngôi trường bình yên”, “Chợ bình yên”, “Trạm bình yên”, “Bệnh viện bình yên”… cho đến mục đích cao cả nhất là “Lãnh thổ bình yên. Quốc gia bình yên”.
Trần Điều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét