Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

TỪ CHUYỆN THẢM SÁT Ở PHILIPPINNES…


"Câu hỏi duy nhất bây giờ là liệu sự phẫn nộ của người dân về vụ thảm sát có đủ mạnh để chính quyền thật sự đưa những kẻ thủ ác ra trước công lý".

LTS: Dư luận trên toàn thế giới hết sức giận dữ bởi cuộc thảm sát con tin vừa xảy ra ở Philippines. Nội vụ của hành động thảm sát con tin man rợ này được báo giới bình luận đã vượt khỏi logic thông thường, trong đó đã hé lộ ra những mối quan hệ quyền lực và lợi ích đan xen, chồng chéo rất phức tạp! Công luận đang dõi theo các động thái của chính quyền. Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài bình luận thể hiện góc nhìn riêng của GS Tương Lai.

Thế giới bàng hoàng với tin thảm sát con tin ở Philippines. Đó là vụ thảm sát 57 người tại tỉnh Maguindanao, trong đó có 27 nạn nhân là nhà báo. "Thẻ nhà báo không chặn được đạn"! Đó là lời một phóng viên truyền hình ở Philippines mà hãng Reuters vừa dẫn ra sau vụ thảm sát nói trên. Theo hãng này, "đó là chuyện khó có thể tưởng tượng nổi, dù là ở các chiến trường như Iraq, Afghanistan, hay Somalia".

Theo CNN, nghi phạm chính là Andal Ampatuan "con", thị trưởng thị trấn Datu Unsay, tỉnh Maguindanao nơi mà bố của y, Andal Ampatuan từng ngồi ghế thống đốc vừa rời nhiệm sở đầu năm 2009. Ông này lại là liên minh chính trị gần gũi với Tổng thống Arroyo! Vào thời điểm xảy ra vụ thảm sát, thống đốc Ampatuan đang ở Manila, gặp Tổng thống Arroyo. Trong bài viết gửi cho báo "Tuổi Trẻ", nhà báo Philippines Alan C. Robles đặt câu hỏi: "Liệu có thật ông ta không hề biết 100 người đàn ông có vũ trang đang lượn lờ ở tỉnh mình? Ai tin được điều đó? Tất cả mọi tin tức về gia tộc Ampatuam có chung một thông điệp: họ kiểm soát Maguindanao và sẽ không an toàn cho bất kỳ ai chống lại họ".

Thông điệp ấy đã có hiệu lực: những người bị thảm sát gồm vợ ông Mangudadatu, người sẽ ra tranh chức Thống đốc tỉnh Maguindanao cùng các nhà báo địa phương đang trên đường đăng ký tranh cử cho phó thị trưởng Mangudadatu vào chức thống đốc trong cuộc bầu cử tháng 5.2010. Tranh cử cũng đồng nghĩa là đối thủ của gia tộc Ampatuan đầy quyền lực, mà riêng Andal Ampatuan đã giữ chiếc ghế thống đốc này ba nhiệm kỳ liên tiếp. Ông ta rời cương vị này đầu năm nay và đã xếp đặt để một người con trai lên thay. Một người con trai khác là Zady, hiện là thống đốc khu tự trị Hồi giáo Mindanao rộng lớn bao gồm sáu tỉnh của Philippines. Nhiều thành viên khác trong gia tộc Ampatuan là thị trưởng và quan chức chính quyền. Bản thân ứng viên Mangudadatu đã từng bị dọa giết nhiều lần. Vì vậy, ông ta cử vợ và hai chị gái cùng nhiều tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động cùng các nhà báo thay mặt mình đi tranh cử. Và thế là vụ thảm sát man rợ đã được tổ chức nhằm triệt hạ đối thủ.

Trước áp lực của cuộc tấn công quân sự nếu gia tộc Ampatuam không giao nộp Ampatuan "con", tên này đã phải ra trình diện nhưng lại tuyên bố "lương tâm tôi trong sạch"(!) cho dù một số người chứng kiến vụ thảm sát đã tận mắt nhìn thấy y ra lệnh giết người, thậm chí tự tay bắn chết một nạn nhân! Hiện Andal Ampatuan "con" đã bị khởi tố về bảy tội giết người.

"Câu hỏi duy nhất bây giờ là liệu sự phẫn nộ của người dân về vụ thảm sát có đủ mạnh để chính quyền thật sự đưa những kẻ thủ ác ra trước công lý", Robles kết luận bài viết của mình. Câu hỏi ấy cũng đặt ra một khuyến cáo đối với người dân Philippines: làm sao cho sự phẫn nộ của dân chúng đủ mạnh buộc nhà cầm quyền không được bao che tội ác để cho công lý được thực hiện. Hiện Chính quyền Philippines đã chính thức cáo buộc Ampatuan tội giết người hàng loạt và cũng đã truy tố năm nhân vật khác có liên quan, trong đó có ba cảnh sát. Bộ trưởng Nội vụ nước này cũng cho biết có tổng cộng 100 người liên quan đến vụ thảm sát, và chính quyền sẽ đưa tất cả ra vành móng ngựa!

Có lẽ còn phải có thời gian để theo dõi hành trình gian nan của công lý trên con đường gập ghềnh với bao thách đố khó lường, khi mà nội vụ của hành động thảm sát con tin man rợ vượt khỏi logic thông thường kia, trong đó đã hé lộ ra những mối quan hệ quyền lực và lợi ích đan xen, chồng chéo rất phức tạp! Càng phức tạp và khốc liệt hơn khi cuộc tranh giành chiếc ghế quyền lực đang vào hồi gay cấn.

Ở đây, đừng quên sự đúc kết của Lord Acton "quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối". [Trong tiếng Anh, corruption vừa có nghĩa là tham nhũng, vừa có nghĩa là tha hóa, đồi bại, ở đây cần hiểu theo nghĩa tha hóa hay đồi bại]. Sự tha hóa ấy có thể dẫn đến những tội ác như Alan C. Robles đã nói đến trong bài viết của mình về "những suy nghĩ có vẻ logic đã dẫn đến sai lầm chết người: "hoàn toàn không thể nghi ngờ kẻ thủ ác lại có thể liều lĩnh tấn công phụ nữ và nhà báo"!
Có lẽ chẳng phải ở Philippines mới có thể chứng kiến những màn trình diễn "phi logic" kiểu như vậy! Khi mà những thế lực cầm quyền thao túng luật pháp và chà đạp lên công lý thì không thiếu gì những thủ đoạn "phi logic", thất nhân tâm được thực thi.

Một mặt khác, câu hỏi trên cũng đặt ra đối với sứ mệnh của nhà báo, trước hết là nhà báo Philippines. Nhưng đâu phải chỉ có họ, cho dù chưa tính đến vụ thảm sát này, từ năm 2001 đến nay đã có 59 nhà báo bị sát hại tại Philippines. Điều ấy cho thấy, công việc của nhà báo, người truy tìm sự thật để đưa những thông tin đến công chúng luôn phải đương đầu vói những thế lực muốn bưng bít thông tin, che dấu sự thật. Để thực hiện điều đó, chúng sẵn sàng ngăn chặn dòng thông tin chuyển tải sự thật dưới mọi hình thức. Tệ hại hơn, khi người cố tình che dấu sự thật lại là kẻ nắm quyền lực trong tay, thì chúng có đủ trăm phương nghìn kế để bịt miệng nhà báo. Và không chỉ bịt miệng. Theo tờ Philippines Star, phần lớn các nhà báo bị sát hại từ trước đến nay là nạn nhân của các quan chức địa phương tham nhũng!

Vụ thảm sát man rợ vừa rồi càng cho thấy, để che dấu những sự thật nhơ nhớp, khi quyền lực chịu sự thao túng của những lợi ích mờ ám với lòng tham vô đáy, nó không chỉ bịt miệng các nhà báo mà còn sẵn sàng thực thi những thủ đoạn không giới hạn. Điều này không chỉ là sự cảnh báo đối với người Philippines. Sự cảnh báo không chỉ nhằm thúc đẩy sự phẫn nộ của dân chúng dâng lên đủ sức buộc nhà cầm quyền phải đưa kẻ thủ ác ra trước công lý, mà còn nâng cao sự cảnh giác và dũng khí cho các nhà báo Philippines. Đương nhiên, đây cũng là sự cảnh báo cho tất thảy những nhà báo chân chính hiểu rõ sứ mệnh cao quý của mình không chịu lùi bước trước bất kỳ sự đe dọa nào.

Phải chăng, cần phải nhắc lại đây cảnh báo của Các Mác: "tự do chính trị chỉ là tự do hình thức, nhằm tạo ra bằng chứng ngoại phạm cho những người thực sự nắm giữ sức mạnh kinh tế và là những người duy nhất có thể sử dụng quyền tự do chính trị để củng cố sự thống trị của họ"*. Lời tâm sự của một phóng viên truyền hình Philippines mà Reuter vừa dẫn: "vụ Maguindanao đã phơi bày sự thật là thẻ nhà báo không thể bảo vệ chúng tôi. Nó chỉ là một mảnh giấy và không chặn được đạn" cần phải được lý giải từ sự cảnh báo ấy!

Ngẫm nghĩ kỹ, sự cảnh báo ấy còn có ý nghĩa lớn hơn thế nhiều!

*Dẫn lại theo Georges Burdeau trong "Đại Bách khoa toàn thư Pháp" xuất bản năm 1990.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét